Phương Pháp Tu Tập Tâm Từ Tại Trường Thiền Pa-auk

15/10/201012:00 SA(Xem: 90033)
Phương Pháp Tu Tập Tâm Từ Tại Trường Thiền Pa-auk
PHƯƠNG PHÁP TU TẬP TÂM TỪ
TẠI TRƯỜNG THIỀN PA-AUK

Tác giả: Pa – Auk Sayadaw
Dịch giả: Pháp Thông

Tu tập Tâm Từ

Muốn tu tập tâm Từ hay Từ vô lượng tâm (mettā), trước hết hành giả cần phải biết rằng thiền này không nên tu tập đối với một người khác phái (lingavisabhāga), hoặc một người đã chết (kālākatapuggala).

Không nên dùng một người khác phái làm đối tượng (để rải tâm từ), vì dục tham đối với người (nam hay nữ) ấy có thể sẽ phát sinh. Tuy nhiên, sau khi hành giả đã đắc thiền thì có thể tu tập tâm từ đến người khác phái theo nhóm, chẳng hạn như “cầu mong tất cả nữ nhân đều được an lành”. Một người chết lại càng không nên dùng, vì hành giả không thể đắc thiền tâm từ với một người đã chết làm đối tượng.

thienvien-pa-auk

Những người mà hành giả nên tu tập tâm từ đến họ là:

- Bản thân (atta)
- Người hành giả kính mến (piya puggala)
- Người hành giả không thương không ghét (majjhatta puggala)
- Người hành giả ghét (verī puggala)

Mặc dù vậy, lúc ban đầu hành giả chỉ nên tu tập tâm từ đến hai hạng người là bản thân và người mà hành giả kính mến. Điều này có nghĩa là lúc mới hành thiền tâm từ, hành giả không nên rải tâm từ đến những loại người sau:

- Người hành giả không thích (appiya puggala)
- Người rất thân với hành giả (atippiya sahāyaka puggala)
- Người hành giả không thương không ghét (majjhatta puggala)
- Người hành giả ghét (verī puggala)

Một người hành giả không thích là người không làm điều gì có lợi cho hành giả, hoặc có lợi cho những người mà hành giả quan tâm. Người hành giả ghét là người làm điều tổn hại đến hành giả, hoặc tổn hại đến những người mà hành giả quan tâm. Những người này rất khó cho hành giả rải tâm từ đến họ lúc ban đầu, vì sân hận có thể khởi lên (khi nghĩ đến họ). Buổi đầu cũng sẽ khó tu tập tâm từ đến một người mà hành giả không thương không ghét. Còn trường hợp của một người rất thân, hành giả có thể bị dính mắc vào người ấy, tức là quá lo lắng, ưu tư, thậm chí khóc than nếu nghe có điều gì xảy đến cho người nam hay nữ ấy. Vì vậy, bốn loại người này không nên dùng làm đối tượng rải tâm từ lúc ban đầu. Mặc dù sau đó, khi hành giả đã đắc thiền tâm từ rồi, hành giả có thể tu tập tâm từ đến với họ.

Hành giả không thể đắc thiền khi dùng chính bản thân mình làm đối tượng, cho dù có tu tập thiền ấy cả trăm năm. Như vậy, tại sao lại khởi đầu bằng việc tu tập tâm từ cho chính mình? Thực sự nó không đắc được dù chỉ là cận định, nhưng vì khi hành giả đã tu tập tâm từ cho bản thân mình, với ý nghĩ “Cầu mong cho tôi được an vui”, rồi hành giả mới có thể đồng hóa mình với mọi người; để thấy rằng nếu ta muốn được an vui, không muốn đau khổ, muốn được sống lâu, không muốn chết như thế nào, thì những người khác cũng muốn được an vui, không muốn khổ, muốn được sống lâu, không muốn chết như thế ấy.

Như vậy, hành giả có thể tu tập một cái tâm biết ước mong hạnh phúcthịnh vượng cho tha nhân. Theo những lời đức Phật dạy:

Sabbā disā anupaparigamma cetasā,
Nevajjhagā piyatara mattanā kvaci.
Eva
piyo puthu attā paresa
Tasmā na hi
se paramattakāmo.

Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quán thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người

Như vậy, để đồng hóa mình với mọi người theo cách này, và làm cho tâm dịu dàng, thân ái, trước tiên hành giả phải tu tập tâm từ đối với chính mình với ý nghĩ như sau:

1. Cầu mong cho tôi thoát khỏi hiểm nguy (aha avero homi)
2. Cầu mong cho tôi thoát khỏi khổ tâm (abyāpajjho homi)
3. Cầu mong cho tôi thoát khỏi khổ thân (anīgho hoti)
4. Cầu mong cho tôi được an vui, hạnh phúc (sukhī attāna pariharāmi)

Nếu tâm chúng ta dịu dàng, nhân ái, hiểu biết, và có sự đồng cảm đối với tha nhân, chúng ta sẽ tu tập tâm từ đến người khác không mấy khó khăn. Vì vậy, tâm từhành giả tu tập cho bản thân mình được mạnh mẽ và có năng lực thật là quan trọng. Một khi tâm hành giả đã trở nên dịu dàng, nhân ái, hiểu biết và có sự đồng cảm đối với tha nhân, lúc ấy hành giả có thể tu tập tâm từ đối với họ.

Làm cách nào để tu tập tâm Từ đến từng hạng Người

Nếu hành giả đã đắc tứ thiền hơi thở, hoặc kasia trắng, hành giả nên lập lại định ấy để cho ánh sáng bừng tỏ và tỏa chiếu. Đặc biệt là với ánh sáng của tứ thiền kasia trắng hành giả thực sự sẽ rất dễ tu tập thiền tâm Từ. Lý do là vì với định của tứ thiền tâm được thanh lọc khỏi tham, sân, si và những phiền não khác. Sau khi xuất khỏi tứ thiền kasia trắng, tâm dễ uốn nắn, dễ sử dụng, thuần tịnh, trong sáng và tỏa chiếu, nhờ những điều kiện này, hành giả trong một thời gian rất ngắn có thể tu tập tâm Từ thật mạnh mẽ và hoàn hảo.

Như vậy, với ánh sáng mạnh mẽ và chói sáng, hành giả nên hướng tâm đến một người cùng phái mà hành giả kính mến; có thể đó là thầy tổ hoặc bạn đồng tu của hành giả. Hành giả sẽ thấy rằng ánh sáng tỏa khắp mọi hướng chung quanh hành giả, và bất cứ người nào hành giả chọn làm đối tượng cũng đều trở nên rõ rệt. Kế đó hành giả bắt lấy hình ảnh của nguời đó, đang ngồi hoặc đang đứng, và chọn hình ảnh nào làm cho hành giả thích nhất và hạnh phúc nhất. Cố gắng hồi tưởng lại thời gian người ấy được hạnh phúc nhất mà hành giả đã từng thấy, và chọn hình ảnh đó. Làm cho hình ảnh ấy xuất hiện trước mặt hành giả cách khoảng chừng một mét. Khi hành giả đã có thể thấy hình ảnh người đó thật rõ ràng trước mặt, hãy tu tập tâm Từ đến người đó với bốn ý nghĩ:

1. Cầu mong con người hiền thiện này đựơc thoát khỏi hiểm nguy (aya sappuriso avero hotu)
2. Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm (aya sappuriso abyāpajjo hotu)
3. Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ thân (aya sappuriso anīgho hotu)
4. Cầu mong con người hiền thiện này được an vui hạnh phúc (aya sappuriso sukhī attāna pariharatu).

Mở rộng tâm từ đến người ấy với cách như vậy khoảng ba hay bốn lần, rồi chọn một cách hành giả thích nhất, chẳng hạn, “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi mọi hiểm nguy”. Kế, với hình ảnh mới của người đó, mới ở đây là trường hợp thoát khỏi hiểm nguy, mở rộng tâm Từ bằng cách dùng một ý nghĩ tương xứng, trong trường hợp này, “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy, cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”. Lặp đi lặp lại nhiều lần, cho tới khi tâm được an định và gắn chặt trên đối tượng, đồng thời hành giả có thể phân biệt các thiền chi. Rồi duy trì pháp hành cho đến khi hành giả đạt đến nhị thiềntam thiền. Sau đó lấy một cách khác trong ba cách còn lại và tu tập tâm từ cho đến tam thiền. Mỗi lần như vậy hành giả phải có một hình ảnh tương xứng cho cách đã chọn, tức là, khi nghĩ “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”, thì hành giả phải có một hình ảnh đặc biệt của người đó như vừa được thoát khỏi hiểm nguy, khi nghĩ “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm”, hành giả phải có hình ảnh khác, một trong những hình ảnh về nguời đó không có khổ tâm hay ưu sầu v.v… Bằng cách này, hành giả tu tập ba bậc thiền, và nhớ rằng ở mỗi trường hợp cần phải thực hành năm pháp thuần thục (vasī bhāva).

Khi hành giả đã thành công trong việc rải tâm từ đến nguời mình kính mến rồi, hãy lập lại điều đó với một người cùng phái mà hành giả kính mến khác. Cứ thử làm như vậy với khoảng mười người thuộc loại đó, cho đến khi hành giảthể đạt đến tam thiền lấy bất cứ ai trong họ làm đề mục cũng được. Đến giai đoạn này hành giả có thể tiến hành một cách an toàn tới những người rất thân với hành giả (atippiyasahāyaka), song vẫn phải cùng phái. Lấy khoảng mười người thuộc loại đó và tu tập tâm từ đến họ từng ngừơi một, theo cách đã nói, cho tới khi đạt đến tam thiền.

Lúc này hành giả kể như đã thuần thục thiền tâm từ đến mức độ có thể tu tập nó đối với khoảng mười người cùng phái mà hành giả ghét, theo cách như trên. Nếu hành giả thuộc hạng Đại nhân giống như đức Bồ tát khi Ngài làm khỉ chúa Mahākapi, không bao giờ oán ghét người làm hại mình, và hành giả thực sự không sân hận hay oán ghét một người nào, thì không cần phải tìm một người (loại sân hận) để dùng làm đề mục thiền ở đây. Chỉ những ai có người mình oán ghét hay ác cảm mới có thể tu tập tâm từ đối với loại người đó.

Cứ thực hành thiền tâm từ theo cách này, tức là theo cách tu tập định cho đến tam thiền trên mỗi loại người, tiến dần từ người này đến người kế, từ dễ nhất đến khó nhất, làm cho tâm hành giả càng lúc càng trở nên dịu dàng, nhân áinhu nhuyến, đến cuối cùng, khi hành giả có thể đắc thiền trên bất kỳ loại người nào trong bốn loại: người hành giả kính mến, người rất thân với hành giả, người hành giả không thương không ghét vàngười hành giả oán ghét.

Làm thế nào để phá bỏ ranh giới (Sīmāsambheda)

Khi hành giả tu tập tâm từ liên tục như vậy, hành giả sẽ thấy rằng tâm từ của mình đối với những người mình kính mến, và những người thân thiết trở nên bằng nhau, và hành giả có thể xem họ như một, tức như chỉ là người mình thích. Lúc đó hành giả sẽ chỉ còn bốn loại người này:

1. Bản thân.


2. Người hành giả thích.
3. Người hành giả không ưa không ghét.
4. Người hành giả oán ghét.

Hành giả cần tu tập tâm từ liên tục đối với bốn loại người này, cho tới khi tâm từ đối với họ trở nên quân bình, không có sự phân biệt. Mặc dù hành giả không thể đắc thiền tâm từ với chính bản thân mình làm đối tượng, song vẫn cần phải kể chung vào đấy để quân bình bốn loại.

Muốn làm điều này, hành giả cần lập lại tứ thiền hơi thở hoặc kasia trắng. Với ánh sáng mạnh mẽ và chói sáng của định, hành giả mở rộng tâm từ đối với bản thân mình trong khoảng một phút hoặc vài giây; rồi hướng về người hành giả thích, kế đến một người hành giả không ưa không ghét, và rồi đến một người hành giả oán ghét, với mỗi người như vậy phải đạt cho đến tam thiền. Rồi lại rải tâm từ đến bản thân một cách ngắn gọn, tuy nhiên, đối với ba loại kia, lúc này mỗi loại phải là một người khác. Hãy nhớ tu tập chúng với từng cách như đã nói: “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”, rồi “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm”, v.v… với mỗi đối tượng, cho đến tam thiền.

Như vậy mỗi lần hành giả phải thay đổi người ở mỗi trong ba loại: người hành giả thích, người không ưa không ghét và người hành giả oán ghét. Cứ làm đi làm lại như vậy nhiều lần với các nhóm bốn khác nhau, sao cho tâm hành giả phát triển lòng từ liên tục không gián đoạn, và không có những sự phân biệt. Khi đã có thể tu tập thiền tâm từ đối với bất kỳ loại người nào trong bốn loại này không có sự phân biệt, hành giả kể như đã thành tựu những gì được gọi là “sự phá bỏ ranh giới” (simāsambheda). Khi ranh giới giữa những người đã được phá bỏ, hành giả có thể tu tập thêm thiền tâm từ này, bằng cách thọ trì pháp mônTôn giả Xá Lợi Phất dạy và được ghi lại trong bộ PaisambhidāmaggaVô Ngại Giải Đạo.

Hai Mươi Hai Phạm Trù Mở Rộng Tâm Từ

Pháp môn đề cập trong Vô Ngại Giải Đạo bao gồm hai mươi hai phạm trù qua đó hành giả mở rộng tâm từ của mình: năm phạm trù mở rộng tâm từ không nêu rõ (anodhiso pharaā), bảy phạm trù mở rộng tâm từ có nêu rõ (odhiso pharaā), và mười phạm trù mở rộng tâm từ theo phương hướng (disā pharaā)

Năm phạm trù không nêu rõ gồm:

1. Tất cả chúng sinh (sabbe sattā)
2. Tất cả loài có hơi thở (sabbe pāā)
3. Tất cả sinh vật (sabbe bhūtā)
4. Tất cả mọi người (sabbe puggalā)
5. Tất cả các cá thể (sābbe attabhāva pariyapannā)

Bảy phạm trù có nêu rõ gồm:

1. Tất cả nữ nhân (sabbā itthyo)
2. Tất cả nam nhân (sabbe purisā)
3. Tất cả thánh nhân (sabbe ariyā)
4. Tất cả phàm nhân (sabbe anāriya)
5. Tất cả chư thiên (sabbe devā)
6. Tất cả nhân loại (sabbe munussā)
7. Tất cả chúng sanh trong các cảnh giới thấp (sabbe vinipātikā)

Mười phạm trù theo phương hướng gồm:

1. Hướng Đông (puratthimāya disāya)
2. Hướng Tây (pacchimāya disāya)
3. Hướng Bắc (uttarāya disāya)
4. Hướng Nam (dakkiāya disāya)
5. Hướng Đông Nam (puratthimāya anudhisāya)
6. Hướng Tây Bắc (pacchimāya anudisāya)
7. Hướng Đông Bắc (uttarāya anudisāya)
8. Hướng Tây Nam (dakkhināya anudisāya)
9. Hướng dưới (heṭṭhimāya disāya)
10. Hướng trên (uparimāya disāya).

Tu tập Năm Phạm Trù Không Nêu Rõ như thế nào

Muốn tu tập pháp môn thiền tâm từ này, hành giả cũng phải lập lại tứ thiền hơi thở hoặc kasia trắng như trước, rồi tu tập tâm từ đối với bản thân, một người hành giả kính mến hoặc thân thiết, một người không thương không ghét, và một người hành giả oán ghét, cho đến khi không còn những ranh giới giữa họ và hành giả.

Kế đó dùng ánh sáng sáng chói, rực rỡ của định để thấy tất cả chúng sanh trong một vùng rộng lớn quanh hành giả, quanh nhà ở hay tu viện. Khi các chúng sanh ấy được thấy rõ ràng rồi, hành giả có thể tu tập tâm từ đến họ theo năm phạm trù không nêu rõ, và bảy phạm trù có nêu rõ, tổng cộng là mười hai. Ở mỗi phạm trù hành giả nên rải tâm từ theo bốn cách:

1. Cầu mong họ thoát khỏi hiểm nguy
2. Cầu mong họ thoát khỏi khổ tâm
3. Cầu mong họ thoát khỏi khổ thân
4. Cầu mong họ được an vui, hạnh phúc…

“Họ” ở đây là một trong mười hai phạm trù đã kể, như tất cả chúng sanh, tất cả chư thiên v… Như vậy hành giả sẽ rải tâm từ tổng cộng bốn mươi tám cách [(7+5)4)=48].

Những chúng sanh trong mỗi phạm trù phải được thấy rõ ràng trong ánh sáng của định và sự hiểu biết. Chẳng hạn như, khi hành giả mở rộng tâm từ đến tất cả nữ nhân, thì hành giả phải thực sự thấy những nữ nhân trong vùng đã xác định với ánh sáng của định. Đối với các phạm trù khác cũng phải thấy thực sự như vậy. Hành giả phải tu tập mỗi phạm trù cho đến tam thiền trước khi chuyển sang phạm trù kế tiếp, và phải hành theo cách này cho tới khi trở nên thành thạo trong việc rải tâm từ theo tất cả bốn mươi tám cách.

Một khi đã thành thạo, hành giả nên mở rộng vùng đã ấn định ấy ra toàn chùa, toàn làng, toàn tỉnh, toàn bang, toàn nước, toàn thế giới, toàn thái dương hệ, toàn giải ngân hà, và toàn vũ trụ vô biên. Mỗi trong những vùng mở rộng này, hành giả tu tập theo bốn mươi tám cách đã nói cho đến tam thiền.

Khi thành thạo rồi hành giả có thể tiến hành sang phạm trù mười hướng.

Tu tập Phạm Trù Theo Mười Hướng

Các phạm trù rải tâm từ theo mười hướng bao gồm bốn mươi tám phạm trù đã bàn đến trước đó ở mỗi trong mười hướng.

Hành giả phải thấy tất cả chúng sanh trong toàn thể vũ trụ vô biên theo hướng Đông của hành giả, và mở rộng tâm từ đến họ theo bốn mươi tám cách. Rồi cũng làm y vậy đối với hướng Tây của hành giả và các hướng khác.

Điều này đưa tổng số lên bốn trăm tám mươi cách mở rộng tâm từ (10×48=480). Nếu thêm bốn mươi tám phạm trù biến mãn tâm từ ban đầu vào, chúng ta có năm trăm hai mươi tám cách mở rộng tâm từ (480+48=528).

Khi hành giả thuần thục năm trăm hai mươi tám cách rải tâm từ này, hành giả sẽ kinh nghiệm mười một lợi ích của việc hành tâm từđức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi (Anguttara Nikāya):

“Này các Tỳ khưu, khi từ tâm giải thoát được trau dồi, được tu tập, được thực hành, được làm thành cỗ xe, được làm thành nền tảng, đựơc an trú, được củng cố, và thọ trì đúng cách, thời mười một lợi ích có thể trông đợi. Thế nào là mười một? (1) Người ấy ngủ an lạc; (2) thức an lạc; (3) không ác mộng; (4) được loài người thân ái (5); các hàng phi nhân thân ái; (6) chư thiên bảo hộ; (7) không bị lửa, thuốc độc, binh khí xúc chạm; (8) tâm dễ đắc định; (9) sắc mặt trong sáng; (10) lúc chết không rối loạn; và (11) nếu không đắc cao hơn, người ấy sẽ tái sanh Phạm Thiên giới.”

Tu tập Tâm Bi

Một khi hành giả đã tu tập tâm từ như vừa mô tả ở trên được rồi thì việc tu tập phạm trú Bi vô lượng sẽ không khó. Để tu tập tâm bi, trước hết hành giả phải chọn một người cùng phái với mình đang chịu đau khổ. Hành giả phải làm khơi dậy lòng bi mẫn đối với họ bằng cách suy xét đến nỗi khổ đau mà họ đang gánh chịu.

Kế đó lập lại tứ thiền với kasia mầu trắng, nhờ vậy ánh sáng sẽ trong sáng hơn, và dùng ánh sáng đó để thấy người ấy, rồi tu tập tâm từ cho đến tam thiền. Xuất khỏi tam thiền, hành giả tu tập tâm bi đối với người đang đau khổ đó với ý nghĩ “Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ đau” (aya sappuriso dukkhā muccatu). Làm vậy nhiều lần, lập đi lập lại cho tới khi hành giả đắc sơ thiền, rồi nhị thiền, và tam thiền cùng với năm pháp thuần thục cho mỗi bậc thiền chứng. Sau đó, hành giả sẽ tu tập tâm bi như đã làm với tâm từ, đó là, tu tập cho bản thân, cho một người hành giả thích, một người hành giả không thích cũng không ghét, và một người hành giả oán ghét, cho đến tam thiền, tới khi các ranh giới được phá bỏ.

Muốn tu tập tâm bi đối với những chúng sanh không có phương diện đau khổ nào rõ ràng cả, hành giả phải suy tư trên sự kiện rằng mọi chúng sanh chưa giác ngộ đều phải cảm thọ những kết quả của điều ác mà họ đã làm trong quá trình lang thang qua vòng từ sanh luân hồi, vì vậy có lúc phải tái sanh trong bốn ác đạo (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và atula). Hơn nữa, mọi chúng sanh đều đáng thương tâm, vì họ chắc chắn không thoát khỏi cái khổ của già, đau và chết.

Sau khi suy xét như vậy, hành giả cũng tu tập tâm bi như đã tu tập tâm từ, tức là tu tập tâm bi đối với chính bản thân mình và hai loại người thông thường cho đến tam thiền, tới khi các ranh giới được phá bỏ.

Sau đó hành giả còn phải tu tập tâm bi theo cùng một trăm ba mươi hai cách mà hành giả đã tu tập tâm từ, đó là: năm phạm trù không nêu rõ, bảy phạm trù có nêu rõ, và một trăm hai mươi phạm trù theo phương hướng [5+7+(10x12)=132].


Trích trong: BIẾT và THẤY
Tác giả: Pa – Auk Sayadaw
Dịch giả: Pháp Thông
Nguồn: http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ThuVien62/BVT3.htm


Bài đọc thêm:
Thần Chú Trừ Rắn Đọc (Thích Nguyên Hùng)


Xem thêm kinh sách liên quan:
KINH TỪ BI (METTA SUTTA) - Ni sư Ayya Khema - Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
KINH TỪ BI (METTA SUTTA) - Phạm Kim Khánh dịch
KINH TỪ BI (METTA SUTTA) - Thích Nhất Hạnh dịch
KINH TỪ BI (METTA SUTTA) Thích Thiện Châu dịch
KINH TỪ BI (METTA SUTTA) Vietnamese and English text
CA KHÚC TỪ BI The Chant of Metta Text Nhạc sĩ: Imee Ooi Nguyên Giác,Imee Ooi
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/07/2015(Xem: 13389)
05/10/2010(Xem: 79359)
21/07/2015(Xem: 18386)
01/06/2017(Xem: 29719)
12/06/2019(Xem: 14548)
06/04/2014(Xem: 19203)
29/01/2013(Xem: 41994)
16/08/2013(Xem: 14532)
05/01/2018(Xem: 13003)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.