Duy Tuệ Thị Nghiệp

15/10/201012:00 SA(Xem: 45175)
Duy Tuệ Thị Nghiệp

DUY TUỆ THỊ NGHIỆP
Thích Như Tấn

viendaihocvanhanh-logoĐạo Phật dùng Trí-tuệ để làm một trong vô lượng phương tiện độ sanh, một phương tiện có thể nói là thù thắng để tự độ và độ tha, nên hàng xuất gia phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Đạo Phật không chủ trương dùng thần thông để hóa độ, vì ngoại đạo cũng xử dụng thần thông được. Đức Phật muốn chúng sanh, tự mình giải thoát lấy mình, nên cổ đức mới nói : “Phật vì một đại sự nhân duyênxuất hiện nơi đời. Đó là : “Khai thị chúng sanh, ngộ, nhập, Phật tri kiến”, hơn nữa thần thông chỉ là kết quả của thiền định, nói thiền định sanh trí tuệ, nhưng kẻ không có trí tuệ thì không thể tu tập thiền định được, nên Đức Thế Tôn dạy hàng đệ tử lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Trong Kinh Di Giáo Đức Phật dạy : “Ta như vị lương y biết bịnh mà nói thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường”

Nhưng như thế nào gọi là có trí tuệ, trong Kinh Pháp Cú có nói : “Người có trí tuệ không phải là người học nhiều, thông hiểu nhiều. Người có trí tuệ là người nói ra đúng thời, đúng lúc, có lợi cho mình và cho người khác”. Một câu nói thật đơn giản, nhưng để được thông suốt, thấu triệt, thể hiện được như câu nói trên, kẻ hành giả thực hành công hạnh đó, tự mình đã phải trang bị một kiến thức bao gồm thiên kinh vạn điển. Nhưng yếu tố thiên kinh vạn điển cũng chưa đủ, vì về phương diện khế lý, khế cơ để áp dụng trong công cuộc hoằng hóa độ sanh, thì kiến thức và sự hiểu biết qua học hỏi không thể biết và biện biệt được như thế nào là khế lý, khế cơ. Bởi vì, nó thuộc về lãnh vực thực chứng, thực nghiệm.

Để nói về khế lý, khế cơ, chúng ta tạm định nghĩa về hai từ này xem sao : Khế là khế hợp, vừa vặn khít khao ; lý là bên trong, là lý lẽ, lý luận, chân lý…, Cơ là căn cơ (trình độ nhận biết), thời cơ…để rỏ thêm về vấn đề này, tôi xin nêu lên đoạn kinh Duy-Ma-Cật và ngài Phú-Lâu-Na, trong kinh “Duy-Ma-Cật sở thuyết” như sau :

« …Phật bảo Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử

-Ông đi đến thăm bịnh ông Duy-Ma-Cật

Phú-Lâu-Na bạch Phật :

-Bạch Thế-Tôn ! Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Vì sao ?- Nhớ lại trước kia con ở trong rừng lớn, dưới gốc cây nói pháp cho các Tỳ-kheo mới học, lúc đó ông Duy-Ma-Cật đến bảo con : « Thưa Phú-Lâu-Na ! Ngài nên nhập định trước để quán sát tâm-địa của những người này, rồi sau mới nên nói pháp. Ngài chớ đem món ăn dơ để trong bát báu, phải biết rõ tâm-niệm của các vị Tỳ-kheo này, chớ cho ngọc lưu-ly đồng với thủy-tinh. Ngài không biết được căn-nguyên của chúng sanh, chớ nên dùng pháp tiểu-thừa mà phát-khởi cho họ, những người kia tự không có tì vết, họ muốn đi đường lớn, chớ chỉ lối nhỏ. Ngài chớ nên đem biển lớn để vào dấu chân trâu, chớ cho ánh sáng mặt trời đồng với lửa đom đóm. Ngài Phú-Lâu-Na ! Những vị Tỳ-kheo này đã phát tâm Đại-thừa từ lâu, giữa chừng quên lãng, nay tại sao lại lấy pháp tiểu-thừa dẫn dạy họ ? Tôi xem hàng tiểu-thừa trí-huệ cạn cợt cũng như người mù, không phân-biệt được căn-tánh lợi, độn của chúng-sanh.

Lúc bấy giờ ông Duy-Ma-Cật liền nhập tam-muội (chánh-đinh) làm cho những vị Tỳ-kheo đó biết được kiếp trước của mình đã từng ở nơi 500 đức Phật vun trồng các cội đức, hồi-hướng về đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, liền đó rỗng suốt trở lại đặng bổn-tâm (Đại-thừa). Khi ấy các vị Tỳ-kheo cúi đầu đảnh lễ nơi chân ông Duy-Ma-Cật, ông liền nhân đó nói pháp làm cho tất cả không còn thối lui nơi đạo vô-thượng Bồ-đề.

Con nghĩ hàng Thanh-văn như con không quán được căn cơ của người, không nên nói pháp. Vì thế con không kham lãnh đến thăm bịnh ông… »

Đoạn kinh trên cho thấy muốn thuyết pháp độ sanh trước phải biết căn cơ của những người mình muốn hóa độ thuộc loại căn cơ nào, mà muốn biết căn cơ của những người mình muốn hóa độ, thì người nói pháp phải biết Túc mạng của người đó. Muốn được điều này, người thuyết pháp phải chứng Túc-mạng thông. Đã chứng được Túc-mạng thông như trường hợp Ngài Phú-Lâu-Na, mà nếu không nhập định để quán sát thì cũng không biết được, huống chi là chưa chứng Túc-mạng thông, dùng Túc mạng thông biết được đời trước kẻ đó đã làm thân gì, Trời, Người, Súc sanh, A tu la…nên phải tu chứng được Tha tâm thông để biết chúng sanh đó ước muốn, suy nghĩ gì. Từ đó Bồ tát mới biết nên dùng phương tiện gì mới có thể độ. Nhưng để dạy bảo cho chúng sanh đó hiểu biết mà làm theo, người nói pháp còn phải thông đạt ngôn ngữ của chúng sanh đó, nên tiếp theo phải chứng được Ngữ ngôn tam muội. Đời nay, có những người tự xưng là Tăng là trưởng tử Như Lai, miệng luôn nói « Hoằng Pháp thị gia vụ » nhưng lại nghe theo tà thuyết Cọng Sản, chỉ chạy theo danh theo lợi, chưa chứng nói chứng, chưa thông nói thông, lừa đảo lường gạt dụ dỗ người làm cho sa vào hố tà kiến, muôn kiếp không thoát khỏi. Những hạng người này cho rằng dịch kinh, in sách cho nhiều là hoằng pháp, nếu Phật pháp mà do dịch kinh in sách cho nhiều là thành Phật, thì Phật đâu có cần gì đến 49 năm tuyên nói từ quyền, thật đến đốn, tiệm…đâu phải răn đe nhắc nhở khuyên bảo tu Tam tụ tinh giới(1)…cho đến thành tựu thập lực(2), tứ vô sở úy(3), mười tám pháp bất cộng(4). Nói vậy để thấy rằng, thần thông cùng trí huệ của hàng Thanh-văn so với Bồ-tát và Phật hạn hẹp và thua kém đến mức nào !

Đức Thế Tôn đã huyền ký, thời điểm này là thời điểm của mạt Pháp. Nói mạt pháp không phải là Pháp mạt mà con người trong thời nay mạt, nghĩa là Pháp vẫn còn đầy đủ, nhưng những người tự xưng là đệ tử Phật thì chẳng ai chịu hành trì tu tập (không thể căn cứ hình tướng mà xác định được tu hay không tu), chỉ lo chạy theo hình thức huyễn hóa bên ngoài, gọi là bội giác hợp trần, hàng ngày làm bạn cùng ma, dùng lời Phật để dụ dỗ những hạng sơ cơ khiến cho sa vào ma sự, rồi rêu rao cho đó là tu tập, ở trong đạo Phật mà tự mình chẳng biết thế nào là đạo Phật, ví như cái muỗng nằm trong tô canh, mà chẳng biết mùi vị của canh là như thế nào, thật đáng thương xót !

Những điều mà các người học Phật ngày nay hướng theo là : học nhớ nhiều ngôn ngữ, đọc và biết nhiều kinh điển, được lợi khẩu nói ra thao thao bất tuyệt, được nhiều người ca ngợi, thì cho đó là người có trí tuệ. Còn sự thấu hiểu, thi thiết ra để mọi người có được lợi ích thì chẳng quan tâm, mà có muốn quan tâm cũng chẳng quan tâm được, vì chẳng có thực tu thực chứng đối với tất cả pháp môn mà Phật đã chĩ dạy. Như thế, thì làm sao nói là Chánh pháp xương minh, trường tồn mãi mãi được !

Nói trí tuệ là nói : một là trí tuệ thế gian, hai là trí tuệ xuất thế gian. Đại Trí Độ chép : « …Như Bồ-tát Thích Ca Văn làm thái tử một ông quốc vương. Phụ vương có ông Phạm Chí làm quốc sư, dối không ăn ngũ cốc, được mọi người kính tin cho là kỳ dị. Thái tử suy nghĩ : Người ta sống được phải nhờ ngũ cốc, mà người này không ăn, tất là lừa dối nhân tâm không phải pháp chân thật. Cha mẹ bảo con : Người này tinh tiến không ăn, là hiếm có trong đời, ngươi sao quá ngu mà không kính tin ?

Thái tử đáp : Xin lưu ý người này một chút, không lâu sẽ có sự chứng nghiệm. Thái tử liền tìm đến chỗ ở của ông ta ở trong rừng hỏi người chăn bò rằng : Người này hàng ngày ăn gì ? Kẻ chăn bò đáp : Người này cứ nửa đêm uống sữa ít nhiều để toàn mạng sống.

Thái tử biết rồi liền về cung, liền lấy cỏ thuốc có tính cách tẩy ruột (thuốc xổ) ướp vào hoa sen xanh. Sáng hôm sau, Phạm chí vào cung, ngồi bên vua. Thái tử mang hoa lại cúng dường, bái rồi trao cho. Phạm chí hoan hỷ tự nghĩ : Vua, hoàng hậu, trong ngoài lớn nhỏ đều phục thờ ta, duy có thái tử không thấy tin kính, ngày nay đem hoa tốt cúng dường. Lành thay ! Lành thay ! Được hoa tốt rồi, đưa lên mũi ngửi, hơi thuốc trong hoa xông vào trong bụng, chỉ chốc lát, thuốc làm cho muốn bài tiết.

Thái tử nói : Phạm chí không ăn vì duyên gì phải tìm nhà vệ sinh cấp tốc như vậy ? Một lát thổ ra ở bên vua, thổ ra thuần sửa. Chứng nghiệm rõ ràng rồi, vua và hoàng hậu mới biết là dối.

Thái tử nói : Người này thực là giặc vậy ! Cầu danh nên lừa dối cả nước.

Đó là Bát nhã của thế tục, chỉ cầu thỏa mãn trí hiểu biết. Hoặc Bồ tát làm xuất thế gian Bát nhã, trì giới, bố thí tâm không nhiễm trước. Vì sao ? Tài vật bố thí, tội, không tội, giận, không giận, chăm, lười, nhiếp tâm, tán tâm, không thể được. »

Như đoạn kinh văn nêu trên, Ngài Phú Lâu Na đâu phải là không thông hiểu Phật pháp, mà Ngài còn được mệnh danh là bậc thuyết pháp đệ nhất của Đức Thích Ca Mâu Ni, vậy mà khi Ngài Duy Ma vấn nạn lại không thể trả lời được, Ngài cũng là bậc A La Hán đã hết mọi kết sử phiền não, cũng là bậc đầy đủ Lục thông, Tam minh. Xét về khía cạnh này chúng ta mới thấy sự nhỏ lớn, thấp cao, rộng hẹp của hàng Thanh văn đối với Bồ tát và Phật.

Nói nhỏ, vì hàng Thanh văn thấy sanh tử, phiền não là khổ là nhàm chán, nên chí cầu xuất ly chứng đắc Niết bàn, thấy chúng sanh cang cường khó độ nên không muốn độ, chỉ muốn thủ chứng Niết bàn an lạc mà thôi, nên thấy chúng sanh khổ cũng không dám xông vào để độ. (trong hạnh Bồ tát, nếu Bồ tát khởi lên tư tưởng này, gọi là bị ma phá nhiễu)

Nói thấp, vì quả vị của hàng Thanh văn tuy là được thoát ly sanh tử, không còn phiền não, nhưng vẫn còn chấp pháp, nghĩa là chấp sơn hà, đại địa, nhơn vật trong Đại thiên là thật có, cũng là quả vị chứng đắc thấp đối với hàng Duyên giác, Bồ tát và Phật, chỉ thấy nhân không, chưa thấy pháp không.

Nói rộng, vì trí tuệ, thần thông lực dụng của hàng Thanh văn so với Bồ tát và Phật như đom đóm so với ánh sáng mặt trời, như nước lỗ chân trâu so với bốn biển. Đại Trí Độ có nói : « …Lại nữa Xá Lợi Phất không phải bậc Nhất thiết trí, với trí tuệ của Phật như trẻ nít. Như trong kinh A Bà Đàn Na nói : Phật ở trong rừng Kỳ Hoàn, buổi quá trưa đi kinh hành, ngài Xá Lợi Phất theo Phật đi kinh hành. Lúc đó, có con chim ưng đuổi bắt chim cáp (còn gọi là chim ngói), cáp bay lại bên Phật đứng, Phật vừa đi tới, bóng Phật che trên chim, chim được an ổn, khỏi sợ hãi, không còn tiếng kêu. Khi Phật đi qua, bóng ngài Xá Lợi Phất tới, chim lại kêu la, run rẫy sợ hãi như trước. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng :

-Bạch đức Thế Tôn, Phật và con đều không còn ba độc, vì nhân duyên gì bóng Phật che chim thì chim hết sợ mà bóng con che thì chim lại kêu và sợ hãi như trước ?

-Tập khí ba độc của ông chưa hết nên bóng của ông che nó, khiến nó sợ hãi. Ông xem chim này nhân duyên đời trước của nó đã bao nhiêu đời làm thân chim cáp ?

Ngài Xá Lợi Phất tức thời nhập Túc mạng trí tam muội, xem thấy con chim cáp này, từ giống cáp mà lại. Như thế một hai, ba đời cho đến tám muôn đại kiếp thường làm chim cáp. Quá đó trở đi thì không thể thấy được. Ngài Xá Lợi Phất từ tam muội dậy, bạch Phật rằng : Bạch đức Thế Tôn con cáp này trong tám vạn đại kiếp thường làm thân cáp. Quá trở về trước thì con không thể biết.

Phật nói : Nếu ông chẳng thể biết hết đời quá khứ, thử xem ở đời vị lại, con cáp này đến thời nào được thoát thân cáp ?

Ngài Xá Lợi Phất liền nhập Nguyện trí tam muội xem thấy con cáp này một, hai, ba đời cho đến tám vạn đại kiếp chưa thoát thân cáp. Quá đó trở đi cũng không biết thêm nữa. Từ tam muội trở dậy, bạch Phật rằng :

-Lạy đức Thế Tôn, con thấy con cáp này từ một đời, hai đời, cho đến tám vạn đại kiếp chưa thoát khỏi thân cáp, quá đó trở đi thì con không biết nữa ! Con không biết giới hạn vi tế của quá khứ, vị lại, không rõ con cáp này thời nào được thoát ?

Phật bảo ngài Xá Lợi Phất : Con cáp này từ trong hằng hà sa đại kiếp thường làm cáp, hết tội được ra, luân chuyển trong năm đạo, sau được làm người, trãi trong năm trăm đời mới được lợi căn, lúc đó có Phật độ vô lượng a tăng kỳ chúng sanh, sau nhập Vô dư Niết bàn, người ấy làm nam cư sĩ thọ Ngũ giới, theo Tỷ kheo nghe khen công đức làm Phật ; lúc đó mới phát tâm nguyện muốn làm Phật. Sau đó ở trong ba a tăng kỳ kiếp hành sáu Ba la mật, đầy đủ Thập địa mà được làm Phật, độ vô lượng chúng sanh rồi nhập Niết Bàn.

Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất hướng Phật sám hối, bạch Phật rằng : Lạy đức Thế Tôn, với một con cáp, con còn chẳng hay biết được gốc ngọn huống chi các pháp ? Nếu con biết trí tuệ Phật như thế, vì cầu trí tuệ của Phật thà vào địa ngục a tăng kỳ vô lượng kiếp khổ, không lấy làm khó… »

Nên người học Phật, muốn giải thoát mình và độ người thì phải cầu trí tuệ Bát nhã, mà là Bát nhã xuất thế gian không phải là trí tuệ thế gian. (Ở đây xin mở ngoặc để nêu lên vài sự việc đã xảy ra trên DĐ, những người đã ly khai Giáo Hội tiếp tay cùng ác đảng muốn tiêu diệt Giáo hội truyền thống là GHPGVNTN, họ muốn ly gián, triệt hạ những thành viên trong HĐLV, họ tự cho mình là có học vi tiến sĩ gì đó nên ăn nói quàng xiên, muốn nói cho họ biết nhưng xét thấy những con người này chứa đầy lòng tật đố cùng tà kiến, có nói họ cũng chẳng nhận biết được gì. Người ta nói « ăn để sống, chứ không phải sống để ăn » Hơn ai hết, những người tự xưng là đệ tử Phật lại càng thấu hiểu điều này, cũng như ngôn ngữ là ký hiệu đã được quy ước để cho mọi người trong một quốc độ, trú xứ một phương sở nào đó hiểu nhau, nó không là chân lý mà chỉ là phương tiện, với phương tiện đó ứng dụng thi thiết làm sao để mọi người hiểu nhau là được, nhưng theo thời gian tiến hóa, người ta cải tổ sửa đổi để cho gọn gàng khúc chiết. Nhưng mục đích chính là để chuyển tải những suy nghĩ không trực tiếp bằng đối thoại mà là bằng chữ viết trên giấy, làm sao để người đọc hiểu được điều người viết muốn nói gì. Có những người tự cho mình là tiến sĩ này tiến sĩ nọ, mà tâm hồn thua những hạng người thấp nhất trong xã hội, lòng luôn ôm ấp tranh cãi hơn thua, họ bơi móc những lỗi văn phạm chính tả rồi giả lơ quên đi vấn đề chính, lại xưng là đệ tử Phật. Khi tự bênh vực cho mình thì tự cho mình là hạng xuất trần thượng sĩ, khi phê phán người khác thì lại dùng giọng lưỡi đao to búa lớn, mạt sát sĩ nhục, đúng là miệng cứ nói không làm trong chỗ có. Tôi không biết họ học trong kinh luận nào mà chư Tổ, chư Phật dạy dùng cái léo lận gian manh như vậy. Chỉ thấy Phật dạy : « đệ tử Phật, nếu có công đức thì hãy dấu đi, nếu có tội thì nên phát lồ sám hối ».  Cũng như dạy Trực tâmĐạo tràng, lại nữa người tu hành phải dùng tâm chất trực để tu, đâu phải là chạy theo tà thuyết ác đảng, cô phụ chân tâm, chạy theo danh lợi, miệng lại luôn nói điều chánh nghĩa hòng lừa gạt ma mị thế gian. Cổ đức có dạy : « Tội phá giới nhẹ hơn tội phá tín » Nếu ai phá giới thì chỉ có riêng bản thân người đó chiụ tội trong địa ngục, còn nói điều sai trái, chánh pháp nói phi pháp, tạo điều huyễn hoặc để mị người hòng kiếm lợi lạc, làm cho người ta nhận định sai lầm tạo tội ác, trầm luân vô số kiếp, thì tội này không thể nào kể xiết. Trong giới thứ 4 là giới vọng ngữ có câu : « Nhị giả ỷ ngữ, vị trang sức phù ngôn mị ngữ, diễm khúc tình từ đạo dục tăng bi, đãng nhơn tâm chí đẳng » đều thuộc tội nói láo cả, vì tính chất sâu rộng to lớn của nó ảnh hưởng đến chúng sanh, nên phải chịu tội nặng

Cho nên những người thấy khổ thì sợ, chỉ lo tu để giải thoát mà không dám xông vào trần lao sanh tử để độ chúng sanh, thì đó là tâm lượng trí lực của họ như thế thì họ hành xử như thế, tôi xin tán thán. Tuy nhiên, đức Thế Tôn đã quở những hạng này là « tiêu nha bại chủng » làm chết hạt giống Phật. Nếu những hạng này mà lôi kéo xúi giục người khác, theo họ thì chẳng khác gì những hạng tà kiến, phá hủy hột giống Phật của chúng sanh, cũng đồng với ma chẳng khác.

Ở trong nước, vào thập niên 90 có phong trào Xá lợi Phật, không biết ở đâu mà xuất hiện Xá lợi thật nhiều, mỗi chùa được tặng 2,3 viên Xá lợi. Tôi thì chưa đủ sức để biết được đâu là Xá lợi thật và đâu là giả, nhưng một điều tôi tin tưởng tuyệt đối là : Phật là bậc Chánh đẳng Chánh giác phước đức trí tuệ không gì so sánh, nếu chỉ xưng danh hiệu chí thành lễ bái cũng đã tiêu tội tăng phước như trong kinh Địa Tạng đã dẫn giải, huống gì là Xá lợi thuộc sanh thân của Phật lưu lại, chỉ nói về hiếu hạnh của Phật thì sách vở thế gian ghi chép chất đầy cõi Đại thiên cũng không nói hết, huống gì vô lượng công hạnhThế Tônhóa độ chúng sanh đã xã bỏ thân mạng đầu, óc, tỉ, não. Cho nên đã là Xá lợi Phật xuất hiện nơi đâu thì Long Thần Hộ pháp xuất hiện nơi đó cúng dường giữ gìn, mưa thuận gió hòa nhơn vật bình an. Nhưng ở đây trái ngược lại, Xá lợi thì xuất hiện thật nhiều mà bão lụt hằng năm thì liên miên xảy ra, dân chúng thì bị bóc lột cướp đất đai… thôi thì đủ thứ, bây nhiêu đó cũng đủ để chứng minh không phải là Xá lợi Phật. Rồi gần đây lại có hiện tượng Phật Ngọc vì hòa bình, có chư thiên rải hoa Mạn đà la…thôi thì đủ thứ linh ứng. Phật là bậc vạn đức nghiêm thân, từ bi bình đẳng, đâu phải là vì đó là tượng « ngọc » nên Phật hiện vào còn những tượng bằng đồng bằng gỗ nên Phật chê nên không thị hiện. Thật là những tà kiến thâm trầm, dùng tâm sanh diệt thế gian để đồng hóa với thánh ý, nếu không nói đó là Duy vật, là tà kiến, là mê tín thì gọi là gì ? Xin thưa cùng với hàng gọi là đệ tử Phật, những người thừa hành Phật dẫn dắt chúng sanh ra khỏi biển mê sanh tử luân hồi, đừng dùng những tà kiến để lung lạc lòng người. Nếu có nói Phật quan tâm đến những hạng nào nhiều nhất, phải nói ngay đó là những hạng trí tuệ kém cỏi, phước đức không có, những chúng sanh trong địa ngục…đang chịu vô lượng khổ não.

Xin đưa một vài mẫu chuyện nói về Tâm và Vật để mọi người suy gẫm. Xin lãnh hội ý của câu chuyện đừng nên quan trọng về tên tuổi hay nhân vật đúng hay không đúng. « Trong chúng của Hoàng Bá có một vị Thượng tọa làm thất tu ở trên núi, hằng ngày đến giờ ngọ trại thì xuống thọ trai cùng chúng tăngtrai đường. Cả tuần rồi Hoàng Bá không thấy vị Thượng tọa xuống trai đường dùng cơm. Hôm đó thấy vị Thượng tọa, Hoang Bá hỏi :

-Sao lâu nay không thấy thượng tọa xuống trai đường dùng cơm ?

Vị thượng tọa trả lời.

-Bạch Hòa thượng mấy hôm nay có chư thiên cúng dường.

Hoang Bá nói :

-Thượng tọa tu hành lếu láo để cho quỷ thần thấy tâm !

Vị thượng tọa nghe quở, hôm sau về thất ngồi đề khởi công án : « Con chó có Phật tánh không ? » và đề khởi chữ « không » tâm niêm mật lặng lẽ như thế. Hôm sau chư thiên đến chẳng thấy vị thượng tọa ở đâu cả, nên không cúng dường được..

Một câu chuyện nữa về ngài Hoàng Bá. « Một hôm Hoàng Bá định đi thăm một vị cư sĩ ở dưới núi. Hôm sau khi đến nhà cư sĩ thấy vị này đang dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Hoàng Bá hỏi : Hôm nay nhà ông định làm gì mà sữa soạn trang hoàng kỹ lưỡng vậy. Vị cưtrả lời :,

-Dạ bạch Hòa thượng, khi hôm thổ địa báo mộng cho con, nói sáng nay có Hòa thượng đến nên chúng con lo sửa soạn. Lúc đó Hoàng Bá tự nói rằng : Lão Hòa thượng ta tu hành lếu láo để cho quỷ thần thấy tâm.. »

Lại nói về Tha tâm thông, ngài Huệ TrungQuốc sư dưới triều vua Đường Túc Tông,. Lúc đó ở Tây Thiên Trúc có Tam Tạng Thái Nhĩ đến kinh đô, tự xưng đã đặng Tha tâm thông. Vua Đường Túc Tông yêu cầu sư thí nghiệm. Tam Tạng thấy sư liền lễ bái, đứng bên hữu. Sư hỏi :

-Ông đặng Tha tâm thông chăng ?

Tam Tạng thưa :

-Chẳng dám !

-Ông hãy nói hiện giờ lão Tăng ở chỗ nào ?

-Hòa thượng là thầy của một nước, sao lại đến Tây Xuyên xem đò đưa ?

im lặng giây lâu, bảo tiếp :

-Ông hãy nói hiện giờ lão Tăng ở chỗ nào ?

-Hòa thượng là thầy của một nước, sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn ?

im lặng giây lâu, lại hỏi :

-Ông hãy nói, hiện nay lão Tăng ở chỗ nào ?

Tam Tạng mờ mịt không biết chỗ nơi.

Sư liền nạt :

-Dã hồ tinh ! Tha tâm thông ở chỗ nào

Tam Tạng không đáp được.

Cho nên biết, « Tâm sanh cho nên Pháp sanh, do Pháp sanh nên biết tâm sanh, ngay đó biết sanh mà chẳng phải sanh là Vô sanh pháp nhẫn »  và trong Qui Sơn Cảnh Sách câu cuối cùng ngài Qui Sơn nhắc rằng : « Nhứt tâm bất sanh vạn pháp câu tức »

Cho nên đã xưng là đệ tử Phật, với trách vụ « Hoằng pháp thị gia vụ » phải luôn luôn nổ lực tinh tấn cần cầu quả vị Chánh đẳng chánh giác của Như Lai, dưới phải cứu độ vô lượng chúng sanh khổ, biết chúng sanh tánh là không nhưng luôn phát thệ nguyện độ sanh không mỏi mệt, biết duyên sanh tự tánh là huyễn nhưng đối với 37 phẩm (5) trợ đạo luôn tu tập. Đối với các pháp phải biết rõ chủ khách, tâm vật phân minh. Với thần thông diệu dụng thì xem như là kết quả tất yếu, như là ăn thì no, đi thì phải đến, không nên hỏi tôi ăn cơm rồi không biết có no không, không biết tôi đi rồi có đến được đích hay không ! Không thực hành mà chỉ ngồi để nghĩ vẫn vơ, thì là những hạng người mộng du hoang tưởng mà thôi. Cũng như có người thắc mắt về « Thiên Thủ Thiên Nhãn »  cũng như cho rằng ngài Quán Thế Âm làm sao một lầm hóa thân khắp cõi Ta Bà để hóa độ chúng sanh cho kịp, nếu cùng lúc tất cả chúng sanh đều gặp nạnkêu cứu đến Ngài. Ở đây tôi không muốn lý luận nhiều về vấn đề này, vì nó không có thức tế. Tuy nhiên, để cho mọi người có thêm nhận định tôi xin đưa ra hình ảnh để minh họa điều này như sau : Chúng ta hãy quan sát vũ trụ chúng ta đang ở, tất cả những sông ngòi, ao hồ, lớn, nhỏ… trên hành tinh này rất là nhiều, vào những đêm tối trời thì không nói, nhưng khi có trăng nhất là ngày trăng tròn, khi trăng lên cao tỏa sáng khắp cả, thì tất cả ao, hồ, sông, suối đều có trăng hiện, với điều kiện mặt nước phải phẳng lặng không chao động. Như vậy quí vị thử nghĩ : mặt trăng đến nơi ao, hồ…hay ao, hồ…đến với mặt trăng ?. Chắc ai cũng biết rằng chẳng có cái nào đến đi cả phải không ! Cũng vậy, chúng sanh trên hành tinh này như những ao hồ…ngài Quán Thế Âm như măt trăng trên trời, nếu tâm chúng sanh thanh tịnh ứng hiện hiệp cùng bổn nguyện của Ngài thì Ngài đến, lý là như vậy, còn sự thể nghiệm như thế nào, thì quí vị hãy chí thành thanh tịnh niệm danh hiệu Ngài thì tự khắc sẽ thấy diệu dụng, ở đây không có ngôn ngữ để diển tả cái riêng của quí vị. Xin trân trọng !

Hiểu được điều này thì biết thế nào là « Thiên Thủ Thiên Nhãn » , còn dùng văn tự lời nói để cố diễn đạt không khéo sẽ rơi vào hý luận, sẽ rối loạn tâm trí. Ví như có người hỏi bạn thấy ma chưa ? Xin tả lại xem con ma hình dạng nó như thế nào ? Người hỏi đã ngu, người giải đáp cũng ngu nữa. ! Ở trên tôi nói không thực tế, vì nó chỉ thỏa ý tò mò để hiểu, mà không ích cho việc giải thoát. Chư Phật dạy chúng sanh phương pháp giải thoát, chớ không phải để biết cho vui mà thôi !

Chư Phật, Bồ tát thị hiện độ sanh, dùng vô lượng phương tiện quyền xảo để nhiếp hóa cứu độ chúng sanh, nhưng không bao giờ chúng sanh biết được là các Ngài thị hiện, cho nên trong kinh Lăng Nghiêm đức Thế Tôn có dạy các hàng Bồ tát trong đời mạt pháp thị hiện vào trong lục đạo để hóa độ chúng sanh, không được để cho chúng sanh biết. Ví như đức Di Lặc thị hiện làm Bố đại hòa thượng vào trong nhân gian để cứu độ chúng sanh, nhưng không ai biết được ngài là Di Lặc hóa thân cả, đến khi xả thân mới để lại bài kệ hoặc là những chứng tích nói đến hành trạng khi Ngài còn sống, con người lúc đó mới biết là Di Lặc. Cho nên, những ai mà tự xưng mình là Bồ tát thị hiện để cứu độ chúng sanh phải biết đó là ma cả ! Là Phật tử học theo hạnh Phật, thì phải biết để khỏi lạc vào ma sự.

Nêu sơ lượt một vài sự kiện có trong kinh điển, để chúng ta có được khái niệm về vai trò của một người gọi là hoằng pháp trong hiện nay. Kể từ khi Phật thành đạo thuyết phápnhập Niết bàn, cho đến nay đã hơn 2500 năm, theo Phật huyền ký thì chúng ta đang ở vào thời mạt pháp. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chỉ có con người mạt chứ Pháp không có mạt, tất cả nghiệp báo đều do Tâm của con người tạo ra, thì cũng phải do Tâm của con người thay đổi chuyển biến. Nhưng thay đổi chuyển biến như thế nào, đó là do ở mỗi chúng ta mà thôi, nói vậy là để chúng ta hiểu rằng : Giải thoát hay trói buộc là do chúng ta, không do một thần linh, một đấng giáo chủ nào có thể giải thoát giùm cho ta được. Đó là nói theo nhận xét bề mặt mà mọi người đều có thể thấy biết, cũng là nói theo lý, nói theo trí tuệ đối đãi của thế gian. Còn nói theo hành, là thực hành để tiến đến giải thoát thì sao ?

Nhưng nếu nghe luận bàn như thế rồi cho rằng tạo tội do ta, giải thoát cũng do ta từ đó sanh ý báng bổ Thánh Hiền, cao ngạo tự đại thì tự mình chuốt lấy quả báo. Phải biết rằng, nếu đức Thế Tôn không thị hiện nơi đời, xuất gia, tu hành khổ hạnh cho đến Thành đạo, Thuyết phápnhập Niết bàn, lưu lại cho thế gian cả một kho tàng giáo lý, thì làm gì có ai biết được đâu là chân lý, là giải thoát tối thượng để mà hý luận là tự Ta hay chẳng tự Ta. Nhưng Tam tạng kinh điểm gồm Kinh, Luật, Luận mà đức Thế Tôn trong 49 năm đã tuyên nói đâu phải chỉ để dành riêng cho một người, một quốc độ trên hành tinh này, mà là cho vô lượng chúng sanh trong cõi Đại thiên. Khi Phật nhập Niết Bàn các Thánh đệ tử Phật kết tập lại kinh điển, trong đó bao gồm Kinh, Luật, Luận nhiếp mọi căn cơ, từ Tiểu thừa lẫn Đại thừa, từ Quyền, Thật, Đốn, Tiệm đến Hiển giáo Mật giáo đều bao gồm cả.

Có thể ví kho tàng giáo điển của Thế Tôn như một kho thuốc . Đủ mọi loại thuốc có thể chữa lành tất cả bịnh cho chúng sanh. Thế Tôn đã nói : «… Ta như vị lương y biết bịnh cho thuốc còn uống hay không, không phải lỗi của lương y… »  Bịnh thì có vô lượng, thân bịnh, tâm bịnh… Một Đại không điều hòa sanh ra 101 bịnh, nhân với 4 Đại thành 404 bịnh…, Dùng thuốc nào để chữa bịnh nào, đã là thầy thuốc chữa bịnh phải biết, nếu không biết mà cứ làm thầy thuốc chữa bịnh cho người thì đó là giết người chứ không phải chữa bịnh. Nói đơn giản về bịnh ở nhân gian thôi cũng đã thấy nhiều và khó rồi. Tuy thế, thầy thuốc phải biết bịnh của con người có 4 loại : 1-Bịnh do thời tiết ; 2-Bịnh do thiếu chất (suy dinh dưỡng) 3-Bịnh do nghiệp ; 4-Bịnh do ma quỷ.

1-Bịnh do thời tiết mưa nắng không điều, khí hậu nóng lạnh bất chợt làm cho tứ đại không thuận mà sanh bịnh. Bịnh này muốn hết phải đến bác sĩ chẩn bịnh, uống thuốc, điều hòa tứ đại thì hết bịnh. 2-Bịnh do thiếu chất suy dinh dưỡng cũng vậy, phải đến bác sĩ khám bịnh rồi tùy theo chỗ thiếu đủ mà bồi dưỡng thì sẽ khỏi bịnh. 3-Nghiệp bịnh : Bịnh do nghiệp đời quá khứ đã tạo hôm nay phải trả, nói thì nghe dễ. Nhưng làm sao để biết bịnh do tứ đại không điều gây nên, và bịnh do nghiệp gây nên. Có nhiều người bị bịnh đến bác sĩ khám không phát hiện có bịnh, về nhà thì lại bịnh, thuốc men gì cũng chẳng khỏi cả. Theo Tây y cũng như khoa học thì người ta không hiểu và tin là có thứ bịnh này, và không biết nguyên nhân, nên cũng không biết cách khắc phục bịnh, dùng cách gì để chữa hết bịnh. Bịnh nghiệp này, cách chữa bịnh thì thật là dễ mà cũng thật là khó. Dễ là vì sự chữa bịnh chỉ cần đòi hỏi con bịnh khởi tâm ăn năn sám hối, và dùng những cách sám hối theo kinh sách Phật mà các bậc cổ đức đã chỉ dạy y theo đó mà sám hối thì sẽ hết bịnh (như chuyện ngài Ngộ Đạt thiền sư trong kinh Thủy Sám). Điều khó là con bịnh có khởi lòng tin hay không ? Phải là lòng tin thanh tịnh, nghĩa là khởi lòng tin tuyệt đối, thì mới có năng lực chuyển nghiệp được (tuy nhiên ở đây còn có trường hợp Định nghiệpBiệt nghiệp, nếu là biệt nghiệp thì có thể chuyển đổi, nhưng nếu là định nghiệp thì không thể chuyển đổi được mà phải trả quả như câu chuyện vua Lưu Lydòng họ Thích Ca). Còn như trường hợp ma làm bịnh thì sao ? Điều này cũng dễ nhận và khó nhận. Ở chỗ Tâm sinh lý của con người thường tương quan với nhau mật thiết. Nhân gian có câu « Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện ». Một người bị bịnh điên, một người bị tâm thần, thì cơ thể của những người này tất phải có vấn đề, ít khi những người khỏe mạnh về thân thể lại bị tâm thần, nói thế không phải là không có…

Nói ma làm bịnh, thì phải nói là bịnh này có tương quan tương duyên cùng với nghiệp bịnh. Vì sao ? Vì nghiệp bịnh là do ân oán đời trước đã vay, hôm nay phải trả. Ví dụ : như câu chuyên của ngài Ngộ Đạt trong kinh Thủy Sám, vì đời trước ngài Ngộ Đạt làm quan tên là Viên Áng đã giết oan Tiều Thố, sau đó Tiều Thố đời đời theo tìm cách báo oán, nhưng vì ngài Ngộ Đạt mười đời tu hành tinh tấn, nên Tiều Thố không tìm ra lỗi nào để báo oán được. Nhân khi Ngộ Đạt được vua Đường Ý Tôn ban cho tòa trầm hương lòng sanh tự đắc cống cao, nhân đó mà Tiều Thố báo oán, thể hiện qua hình thức là mụt nhọt hình mặt người, mỗi ngày đòi ăn thịt mới hết đau nhức…Nếu không nhờ Hiền Thánh mách bảo thì làm sao mà giải thoát được oan oan tương báo khổ não như thế ! Đây cũng có thể gọi là nghiệp bịnh, mà cũng gọi là ma làm bịnh. Nhưng nghiệp bịnh thì phải sám hối mới hết ! Còn ma làm bịnh thì phải trì chú Phật, trong những kinh Phương Đẳng để khiển ma. Thế nhưng vấn đề dùng thần chú để trị ma, trong các bộ Mật tông Phật cũng cấm, trong giới sát của Bồ tát cũng cấm. Đức Thế Tôn có dạy, những người nào phát hạnh nguyện Bồ tát độ sanh, tam nghiệp thanh tịnh mới được làm. Không phải vì danh, vì lợi lạcthế gian. Cho nên, người nào làm hạnh nguyện này phải thấu hiểu lý này mới không phạm.

Ở trên tôi nói đức Phật dạy phải tu tập trí tuệ, dùng trí tuệ để cắt đứt phiền não, cũng có nghĩa « Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi ». Nhưng trong A Hàm Phật cũng bảo : nếu các ông chưa chứng đắc A La Hán, chưa đoạn trừ kiết sử thì không nên làm theo ý minh, mà phải nương nơi Phật, Bồ tátThiện tri thức để không lầm đường lạc lối. Chí như ngài Xá Lợi Phất nhập Kim Cang tam muội, bị con quỷ dùng tay gõ vào đầu, khi xuất định ngài còn đau đầu mấy ngày. Thời nay, những hạng cống cao ngã mạng đầu thai trong Phật pháp đầy dẫy, dùng tà kiến dẫn dắt người, hạng này dạy mọi người nên ngồi thẳng lưng thở ra thở vào, rồi tự xưng là thiền sư, dạy người ta nhiếp tâm lắng lòng, do dụng công tâm được yên lặng nên đầu óc sáng suốt, rồi cho là mình đã đắc thiền được an lạc, rồi phản bác trì chú, tụng kinh, niệm Phật. Đâu biết trong kinh Kim Quang Minh dạy rằng : hàng Bồ tát thập địa khi tọa thiền nhập định vẫn phải dùng chú để hộ thân, trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy : « Đời mạt pháp sau, chúng sanh nào muốn tu tập chánh định nếu không trì tụng chú Tát đát đa bát đát ra mà vào đươc chánh định là điều không thể có. »  Ấy thế mà sư Nhất Hạnh soạn ra nghi thức hành trì trong Thiền môn lại chủ xướng bỏ thời công phu phu là trì tụng chú Lăng Nghiêm. Vì Thần chú Lăng Nghiêm có công năng diệt tà ma, trừ ái dục sanh phước đức, dâm nữ như nàng Ma Đăng Già, chỉ nghe chú mà sạch được ái dục chứng quả A Na Hàm, cho nên biết sư Nhất Hạnh thuộc quyến thuộc của ma làm sao dám trì tụng chú Lăng Nghiêm. Tôi xin dẫn chứng một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm để thấy thế nào là nguy hại của dâm dục.

« …Đức Phật dạy : A Nan ! Nếu chúng sanh trong sáu cõi phàm phu dứt tuyệt dâm dục, thì chắc chắn không bao giờ bị nghiệp báo luân hồi sanh tử tương tục.

Tu pháp chánh định nhĩ căn viên thông cốt yếu là giải thoát trần lao, nhưng nếu không dứt tuyệt dâm dục tất chẳng bao giờ ra khỏi trần lao được, dầu có đa trí thiền định mà không giữ trai tâm và không đoạn dâm tâm thì dễ bị đọa lạc vào ma đạo. Thượng phẩm thì làm Ma vương, trung phẩm thì làm ma dân, hạ phẩm thì làm ma nữ có đông đệ tửđồ chúng ở khắp nơi. Các ma ấy đều có tánh háo thắng sâu hiểm, ngã mạn kiêu căng, tự tôn là bậc cao nhất, thành đạo cao nhất. Sau khi ta nhập Niết Bàn, trong thời kỳ mạt pháp có nhiều dòng dõi của các loại ma ấy hiện ra lừng lẫythế gian, phô bày sắc tướng mở rộng sự đa dâm tham dục, giả danh Thiện tri thức, lường gạt chúng sanh, nếu ai không có sẵn phước đức nhân duyên với chánh pháptiền kiếp thì dễ bị sa vào hầm hố ái kiến nguy nan và quên mất con đường giác ngộ giải thoát.

A Nan ! Như vậy từ nay về sau, ông cố gắng giáo hóa chúng sanh tu pháp chánh định, trước phải giữ trai tâm và đoạn dâm tâm, đó là lời dạy minh huấn chơn thiệt về nghĩa quyết định thứ nhất của chư Phật ở quá khứ và của Ta ở hiện tại.

A Nan ! Nếu tu pháp thiền định để giải thoát mà tâm nhơ dục không đoạn tuyệt dâm dục, ví như nấu sạn mà muốn thành cơm, thì dầu có trãi tới trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn nóng, chớ không bao giờ gọi là cơm gạo được Tại sao? Tại sạn vốn không phải gạo. Nếu lấy thân dâm dục cầu Phật quả Vô thượng thật là vô lý, dâm thân là dâm căn, căn bổn đã thành dâm như vậy dĩ nhiên không thể nào giải thoát được mà lại phải luân hồi sanh tử trong tam đồ khổ, dầu có học hiểu diệu pháp cũng vô hiệu lực.

Thế thì muốn thành tựu viên mãn Phật quả Vô thượng nên tu hành theo pháp môn nào?

Nên giữ trai tâm thanh tịnh tu hành giải thoát theo pháp môn thiền định, với thể thức đoan dâm thân, trước khi đoạn dâm thân, phải đoan dâm tâm, hai thứ ấy đều diệt, cho tới tánh đoạn cũng diệt tận, như vậy mới thành tựu viên mãn Phật quả Vô thượng.

Sau khi Ta nhập diệt, ai thuyết pháp giống như Ta đã thuyết, đó là chơn thiệt ngữ từ bi của Như Lai. Nếu lời nói trái nghịch với chơn thiệt ngữ của Như Lai tức là giả thuyết tà giáo mê hoặc của ma Ba Tuần.

Phàm đệ tử của Phật, tu hành giải thoát, có bổn phận phải biết phân biệt sáng suốt thế nào là Phật, thế nào là ma…”

Qua những dẫn giải trên, tôi muốn nói rằng những hành giả riêng theo pháp môn tu thiền phải biết trước khi hạ thủ công phu, phải có trí tuệ để phân biệt lựa chọn được việc nên làm và không nên làm, biết rõ việc ma để tránh cũng như để hàng phục, phải trách 5 dục, trừ 5 cái, hành 5 pháp, và cũng phải phát Tâm Bồ Đề rộng lớn : nguyện thành Phật, nguyện độ chúng sanh. Trước hết phải ngộ được tâm này là Phật, tâm này là pháp giới bao trùm cả pháp giới, như lời của Lục tổ Huệ Năng đã nói : “Đâu ngờ tự tánh ta vốn thường thanh tịnh. Đâu ngờ tự tánh ta hay sanh các pháp…” Nếu chưa ngộ được Tâm này mà tu thì đều lạc vào ma đạo.

Nói trách 5 dục là gồm có : Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Nói trừ 5 cái gồm có : Tham dục, Sân khuể, Thụy miên, Trạo hối, Nghi. Nói hành 5 pháp là gồm có : Dục, Tinh tiến, Niệm, Xảo tuệ, Nhất tâm. Đây là những điều căn bản mà một hành giả tu thiền định phải biết. Chỉ luận sơ về Sắc không thôi, những người thời nay chẳng lo tu tập, chỉ lo chùa chiền cho to, cảnh trí cho đẹp, được nhiều người tới viếng thì cho là chùa thịnh hành, thầy có phước đức, suốt năm chầy tháng để Tâm rong ruổi theo vọng trần, chẳng tham thiền học đạo, lể Phật tụng kinh. Đến khi người hỏi, tự mình lòng không bụng trống mà Tâm cao ngạo, trách cứ kẻ dưới sao không kính trọng Tam Bảo

Huống gì lại còn chủ trương Tăng Ni sống chung với nhau, chủ trương thiền ôm, thiền nằm, đừng nói là hễ có người theo là đã đúng với chân lý. Phải biết rằng Chánh thì có Chánh theo, Tà thì có Tà ủng hộ, vì thế người ta thường nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là vậy!”

Như trên đã nói, nếu chư Phật không xuất hiện nơi đời chỉ pháp giải thoát, thì làm gi chúng sanh biết được đâu là chánh là tà, nói gì đến giải thoát. Nếu luận theo Đốn giáo mà nói thì “ai trói buộc mình mà phải giải thoát” . Trong kinh có câu chuyện một vi cư sĩ đến dâng cho Phật bó hoa, Phật bảo buông xuống. Người cư sĩ buông bó hoa xuống. Phật lại bảo tiếp : Buông tay xuống. Người ấy buông tay xuống. Phật lại bảo : Buông thân ông xuống, người cư sĩ ngớ ngẩn thưa Phật. Phật bảo con buông hoa thì con buông xuống được, buông tay thì con buông xuống được, nhưng buông thân thì làm sao mà buông ? Phật bảo : Nếu buông không được thì gánh lên. Người nọ cũng chẳng biết làm sao để gánh lên.! Tư tưởng của Đốn ngộ là thế. Nếu Ngộ thì ngộ liền, còn suy tư để biện biệt giải thích thì chỉ là hư vọng mà thôi. Pháp môn này chỉ dành cho các bậc đại trí tuệ thuộc hàng thượng thừa. Nói đại trí tuệ không phải là hiểu theo lối học hành đậu đạt tiến sĩ như người thời nay quan niệm. Nói đại trí tuệ là nói như một ngài Huệ Năng kế thừa ngũ tổ Hoằng Nhẫn, mà sau này Vĩnh Gia thiền sư đã nói tư tưởng này trong Chứng Đạo Ca của Ngài :

“…Ta vốn bao năm chuyên học vấn.
Từng viết sớ sao tìm kinh luận,
Phân biệt danh tướng mãi không thôi,
Vào biển đếm cát tự chuốc hận
Rõ đáng bị Như Lai quở trách
Châu báu nhà người có ích gì.
Bấy lâu đắng đót bỏ công suông
Uổng bấy làm thân phong trần khách…”

Để cụ bị hành trang trong ứng dụng cho tu tập. Xin đưa ra hình ảnh trong công việc chế tạo ra một chiếc bánh để hiểu về vấn đề này. Ai cũng biết là muốn làm hoàn thành một chiếc bánh, trước tiên người thợ phải biết phương pháp, công thức làm bánh, cái nào làm trước làm sau phải hiểu rõ thứ lớp không được lộn lạo, thứ đến phải cần đầy đủ các nhiên liệu là bột, đường và các nhiên liệu cần có khác để tạo thành một cái bánh…làm một chiếc bánh Trung Thu thì phải cần những nguyên liệu gì, bánh Cốm miền Bắc, bánh Ít miền Trung,…mỗi thứ lại có những nguyên liệu khác biệt không giống nhau, nhưng rốt lại là để hoàn thành một “cái” mà ta gọi là “cái bánh”. Vậy cách làm bánh có phải giống nhau không ? Chắc ai cũng phải thừa nhận là không ! Làm bánh ít thì không thể áp dụng công thức của làm bánh chưng, bánh tét được. Đó là nói về hình thức và cách làm bánh, rồi bánh làm ra ngon hay dở, hình thức đẹp hay xấu, có làm cho người ta thích ăn, ưa chuông cũng như ăn vào có làm cho mọi người được khỏe mạnh tráng kiện tránh được bệnh tật hay không thì đó là một chuyện khác, không phải chỉ có biết cách làm bánh là đã làm được bánh ngon. Muốn có một cái bánh ngon, thợ làm bánh phải biết xử dụng bao nhiêu đường, bao nhiêu bột, tất cả mọi nguyên liệu khác thêm vào trước sau, nhiều ít đều phải biết…nếu không thì không thể sản xuất ra một cái bánh ngon được. Như vậy, những yếu tố ngoại lệ đó làm sao để thợ làm bánh biết được, tất nhiên ai cũng thể hiểu là phải do thầy truyền. Có thầy truyền, nhưng có tiếp thu được để trở thành thợ làm bánh hay không còn là một vấn đề khác nữa. !!!

Việc tu hành giải thoát cũng vậy, phải biết những điều chư Phật chư Tổ đã nói ra là từ trong chánh định mà lưu xuất, không phải bằng so sánh của đối đãi trong thế gian. Phật thuyết pháp Từ bi là để đối trị với tâm sân hận. thuyết Bất tịnh quán là để đối trị với tâm tham dục. Nhưng với người nhiều tâm ái mà lại dạy quán tu Từ bi thì sẽ rơi vào « ái dục » cho nên pháp tu cho những người này thì phải quán Bất tịnh để đối trị mới thích hợp và có kết quả. Một sự việc như thế, cho đến vô lượng chúng sanh thì cũng có vô lượng pháp môn để thực hành đến giải thoát cũng thế. Phải biết rằng Phật phápBất định pháp, có chúng sanh nên có Phật pháp. Chúng sanhSân hận nên Phật nói Từ Bi, có Tham lam nên Phật nói Hỷ Xả, có Ngu si nên Phật nói quán Thập Nhị Nhân Duyên, quán Duyên khởi, quán Nhân quả…rồi trong đó tùy theo căn tánh chúng sanh mà nói pháp theo Thanh Văn, Duyên giác hay Bồ tát…

(Ở đây xin mở ngoặc để nói về tình trạng của Giáo Hội trong thời gian pháp nạn, những lý lẽ về giáo pháp của Thế tôn. Nếu những chúng sanh sợ khổ nghe giáo pháp của Phật được chứng ngộ phát tâm tu hành gọi là Thanh Văn, những chúng sanh vào thời không có Phật ngộ lý Nhân Duyênthành đạo gọi là Duyên giác, những bậc đại sĩ thấu ngộ Phật đạo, phát nguyện vào nơi uế trược để độ chúng sanh gọi là Bồ tát. Danh xưng đã khác, thì hạnh nguyện phương pháp tu hành ứng xử cũng khác. Cho nên có những người không hiểu Phật pháp nghe Phật nói Trung Đạo thì cứ cho là con đường chính giữa chẳng biết chính giữa cái gì, rồi lại lạm dụng gán ghép để đồng hóa cùng những việc làm của Thế gian để bàn luận phải quấy. Mà chính bản thân họ chẳng biết thế nào là phải thế nào là quấy) (còn tiếp)

Sa môn Thích Như Tấn- Oct 12, 2010

 

Chú thích :

(1) Tam tụ tịnh giới : gồm Nhiếp luật nghi giới ; Nhiếp thiện pháp giới ; Nhiêu ích hữu tình giới.

(2) Thập lực : Mười trí lực của Phật. 1-Trí lực của Phật biết rõ những điều hợp lý và trái lý 2-Biết rõ nhân quả nghiệp báo của chúng sanh trong ba đời 3-Biết rõ các pháp thiền định giải thoát tam muội 4-Biết rõ từng bậc cao thấp các căn tánh của chúng sanh 5-Biết rõ những ưa muốn sai khác của chúng sanh 6-Biết rõ tất cả những cảnh giới sai khác của chúng sanh trong thế gian 7-Biết rõ chỗ đi đến của tất cả phàm phu, Hiền, Thánh thế gianxuất thế gian 8-Biết rõ tánh danh khổ vui, tho, yểu, của tất cả chúng sanh, và vô lậu Niết bàn của các Hiền Thánh 10-Tự biết mình đã dứt hết nghiệp hoặc tập khí, không còn sanh tử triền phược nữa.

(3) Tứ vô úy : Bốn món vô úy : 1-Nhứt thiết trí : hiểu biết tất cả pháp thế gianxuất thế gian ; 2-Lậu tận : hoặc nghiệp sanh tử đều biết hết 3-Thuyết chướng đạo : nói pháp ma ngoại là chướng thánh đạo 4-Thuyết tận khổ đạo : nói những đạo phápthể diệt hết các khổ. Bốn điều này Phật đối giữa đại chúng các hàng Thiên ma, Phạm thiên, Sa môn, Bà la môn nói một cách tự tại không sợ ai, không ai nói được nên gọi là « vô úy »

(4)Thập bát bất cọng : Mười tám (18) pháp bất cọng nầy chỉ có Phật chứng đặng mà chẳng chung đồng với hàng Nhị thừaBồ tát :

1-Thân không lỗi 2-Miệng không lỗi 3-Niệm không lỗi 4-Không có tâm tưởng khác 5-Không có tâm bất định 6-Không có tâm không biết 7-Sự muốn không giảm 8-Tinh tấn không giảm 9-Niệm không giảm 10-Huệ không giảm 11-Giải thoát không giảm 12-Giải thoát tri kiến không giảm 13-Tất cả thân theo nghiệp trí tuệ mà hành động 14-Tất cả khẩu nghiệp theo trí tuệ mà hành động 15-Tất cả ý nghiệp theo trí tuệ mà hành động 16-Trí tuệ biết đời vị lai không ngại 17-Trí tuệ biết đời quá khứ không ngại 18-Tất cả trí tuệ biết đời hiện tại không ngại.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/03/2024(Xem: 429)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.