Chương Vii Trí Tuệ Và Nội Tĩnh

12/09/201312:00 SA(Xem: 14148)
Chương Vii Trí Tuệ Và Nội Tĩnh

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness
Ajahn Brahm
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010

Chương VII
TRÍ TUỆ VÀ NỘI TĨNH

59. Lòng Từ Chắp Cánh

Nếu từ bi được ví như con bồ câu, trí tuệ được xem như đôi cánh. Từ bi thiếu, trí tuệ không thể bay bổng được.

Em hướng đạo nọ có lòng tốt muốn dẫn đưa bà cụ qua đường, nhưng cụ không muốn đi mà không muốn nói sợ em buồn. Lòng từ bi của chúng ta thường hay bị đặt không đúng chỗ như vậy đó! Chúng ta cứ đơn phương nghĩ giùm người khác.

Có chàng thiếu niên điếc từ tấm bé đang được bác sĩ khám sức khỏe định kỳ. Ông bác sĩ giàu lòng nhân ái vui vẻ báo cho cha mẹ cậu biết ông vừa đọc một tài liệu y khoa cho biết bé sanh ra bị điếc có thể chữa khỏi nhờ một y thuật mới. Ông hỏi và cha mẹ cậu mừng xin cho cậu thử. Thí nghiệm thành công. Cậu là một trong số mười lăm phần trăm những người mà y thuật mới đem lại thính thị bình thường. Thay vì hoan hỷ, cậu rất bực mình và giận mẹ cha lẫn ông bác sĩ tốt bụng. Cậu không được biết gì hết trong lần đi khám định kỳ; không ai hỏi cậu có muốn nghe không. Giờ đây cậu phải nghe liên tục đủ thứ âm thanh mà cậu cho là không có nghĩa gì hết. Từ lúc đầu cậu đâu bao giờ muốn nghe.

Khi đọc xong chuyện này tôi mới biết ra rằng lâu nay chúng ta ai ai cũng tưởng mọi người đều muốn nghe. Chúng ta tự cho mình là người hiểu biết nên tự ý định đoạt giùm người khác mà không cần dọ hỏi ý họ. Lòng từ của chúng ta một lần nữa không được đặt đúng chỗ. Từ bi ấy chỉ đem lại đau khổ.

 

60. Lo cho con cái

Cha mẹ nào cũng tưởng mình biết nhiều và biết con cái mình muốn gì, cần gì. Sai! Nếu có đúng thì chỉ đúng với một số ít người mà thôi, như Tô Đông Pha (1037-1101) chẳng hạn. Nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng này viết cách nay gần một ngàn năm như sau:

Nhân ngày con ra đời

Con vừa mới chào đời

Gia đình

Muốn con mau lớn

Tôi,

Vì hai chữ khôn ngoan,

Làm hỏng cả đời mình,

Chỉ muốn con mình dốt

Nếu thêm khờ càng tốt.

Rồi,

Lớn khôn, nó vui sướng

Trên chiếc ghế tể tướng.

(Tạm dịch theo bản tiếng Anh:

On The birth of my son: Families when a child is born, want it to be intelligent. I, though intelligent. Having wrecked my whole life. Only hope the baby will prove ignorant and stupid. Then he will crown a tranquil life, By becoming a Cabinet Minister.)

 

61. Trí tuệ là gì?

Trong đời sinh viên, mỗi lần hè về, tôi thường lên miền cao nguyên Scotland du ngoạn. Tôi rất thích vẻ đẹp thiên nhiên và sự tĩnh lặng của núi rừng trên đó.

Một chiều nọ tôi nhẹ bước thong dong trên con đường mòn quanh co theo các mũi, ghềnh dọc biển xanh trên mạn Bắc. Ánh tà dương chiếu rạng tạo một khung cảnh vô vàn ngoạn mục. Đồng hoang bên dưới trải rộng một thảm cỏ màu lá mạ mút tận chân trời. Nhiều thành đá vươn cao như thánh đường chót vót. Biển xanh phản chiếu ánh nắng chiều long lanh ngoạn mục. Nhiều cụm đá xám là đà trên mặt nước, đó đây xa tít ngoài khơi. Hải âu bay lượn nhởn nhơ tạo nhiều chấm phá màu trắng tinh trên nền trời tím thẳm. Thiên nhiên. Ôi, thiên nhiên tuyệt vời, và một buổi chiều tà khó quên!

Tôi thả bộ với chiếc xách bộ hành trên vai. Tôi hân hoan chào đón thiên nhiên. Qua khúc quanh tôi nhìn thấy trước mặt mình một chiếc xe hơi nhỏ đậu sát bên lề hướng mũi về phía ghềnh đá cao. Tôi tưởng tượng người ngồi trên xe đang say sưa thưởng ngoạn cảnh đẹp trời ban, như tôi. Nhưng tôi thất vọng ê chề khi tới gần thấy ông đọc báo. Tờ báo mở rộng che lấp trọn khung trời biển mênh mông trước mặt ông. Tờ báo mỏng này thật quái ác! Tôi muốn lấy kéo khoét một lỗ ngay trên bài ông đang dán để ông có dịp nhìn thấy muôn màu sắc bên kia làn giấy đặc chữ sậm sì. Nhưng tôi không dám vì tôi chỉ là một cậu sinh viên đói ăn so với ông, một nông dân vạm vỡ. Tôi để ông yên đọc tin tức quốc tế còn tôi vui với bước chân phiêu lãng của mình.

Thấy đâu nói đó, chớ tôi biết chúng ta ai ai cũng bị nhồi nhét bởi các tin tức dồn dập: giặc giã, chính trị, kinh tế, xã hội, thể thao, chuyện gia đình, công việc làm ăn và cả những tin “xe cán chó” (tiếng lóng chỉ những tin tức ( chuyện) không quan trọng đăng trên báo để lấp những chỗ trống) nữa. Nếu chúng ta không biết cách xếp “tờ báo tâm” này lại, dầu chỉ là thỉnh thoảng, mà cứ để nó luôn mở trước mắt, chúng ta sẽ không bao giờ thưởng thức được niềm vui thanh tịnh và cảnh an lànhthiên nhiên lúc nào cũng sẵn dành cho chúng ta. Và dĩ nhiên chúng ta không thể tự hào mình là người có trí tuệ được.

 

62. Ăn, phải khôn ngoan

Tôi có một số bạn thích đi ăn nhà hàng, nhà hàng sang trọng với đủ món ngon vật lạ, và dĩ nhiên rất đắc. nhưng họ không thật sự thưởng thức vì mải mê chuyện trò với bạn lúc vào bàn.

Ai có thể nói chuyện trong lúc nhạc tấu những khúc bất hủ? Nói chuyện lúc bấy giờ chắc chắn bạn không sao nghe được nhạc; đó chưa kể bạn có thể bị tống ra ngoài. Xem hát cũng vậy, nói chuyện thì làm sao chú ý theo dõi câu chuyện, phải không các bạn? Vậy tại sao chúng ta nói chuyện trong lúc ăn?

Nếu bữa ăn dở bạn có thể nói chuyện để quên cái dở của thức ăn. Nhưng nếu thức ăn ngon và đắt tiền, bạn nên ngừng nói để ăn cho khoái khẩu và đáng đồng tiền chớ. Khôn ngoan là ở chỗ đó.

Thậm chí lúc ăn trong yên lặng, chúng ta cũng không mấy khi thật sự thưởng thức. Chúng ta đang nhai miếng này lại chú ý đến miếng khác nữa đôi khi không phải một mà ba bốn miếng khác - miếng đang nhai, miếng đang gắp, miếng trong chén, miếng sẽ gắp,…

Để tận hưởng hương vị của thức ăn và biết sống một cách viên mãn, chúng ta nên tác ý vào giây phút hiện tại và giữ im lặng. Được vậy mới đáng đồng tiềnchúng ta bỏ ra trả cho cái nhà hàng năm sao, gọi là cuộc đời này đây.

 

63. Giải quyết vấn đề

Tôi có nhiều dịp phán đàm trên đài truyền thanh mà đáng lẽ tôi nên thận trọng hơn trong việc nhận lời. Một tối nọ lúc đến nơi tôi mới biết mình được mời tham dự một buổi mạn đàm trực tiếp với thính giả về “chuyện của người lớn” cùng một số bác sĩ chuyên gia tình dục nổi tiếng.

Về việc tự giới thiệu trước khi vào đề tôi không thấy có chi trở ngại - qua sự đồng ý chung, tôi tự xưng mình là “ông sư”. Tới phần hỏi đáp tôi hơi lo vì là một nhà tu độc thân lâu nay có biết gì về chuyện chăn gối. Đã vậy hầu hết các câu hỏi đều liên quan đến vấn đề này và đều mong tôi được giải đáp. Tôi đã phải vất vả trong suốt hai tiếng đồng hồ liền - để rồi bác sĩ chuyện gia tình dục nói ít mà lãnh một chi phiếu rất to. Còn tôi được phong sô-cô-la (vì sư không được nhận tiền). Một lần nữa là một vấn đề căn bản của con người được Phật giáo giải quyết. Và phong sô-cô-là ngon tuyệt trong lúc tấm chi phiếu không thể ăn được!

Trong một buổi mạn đàm khác trên truyền thanh, tôi được thính giả khác hỏi như sau: “Là người có vợ, tôi có bồ nhưng tôi giấu vợ tôi không biết. Làm vậy có đúng không?” Bạn sẽ trả lời như sao nào? Còn tôi đáp: “Nếu đúng thì bạn đâu phải mất thời giờ hỏi sư?”

Nhiều người hỏi đã biết mình sai quấy rồi, nhưng họ cứ hỏi hy vọng được “một chuyên gia” bênh vực cho mình là đúng. Trong thâm tâm, hầu hết đều biết đâu là phải, đâu là trái - chỉ có một số ít không chịu lắng nghe tâm mình mà thôi.

 

64. Nghe không sáng suốt

Chuông điện thoại trong tự viện reo. Bên kia đầu dây là một giọng có vẻ mất bình tĩnh:

“Có Sư Brahm đó không?”

“Thưa sư đang nghỉ trong cốc,” một đệ tử người Á châu đáp. “Xin ông gọi lại lối nữa giờ sau.”

“Hừ…ừm…, ông ấy sẽ chết trong vòng ba mươi phút nữa thôi.” Người gọi lẩm bẩm.

Hai mươi phút sau tôi bước ra khỏi cốc thấy bà trả lời điện thoại khi nãy đứng đó, mặt xanh dờn và đang run rẩy. Một số Phật tử vây quanh và hỏi bà có sao không? Bà không thể nói được vì đang bị sốc nặng. Được tôi vỗ về bà kể, “Có người hăm giết sư!”

Lâu nay tôi có khuyên lơn một thanh niên từ lúc anh ta biết mình nhiễm HIV (Human Immunodeficiency Virus là loại vi khuẩn gây bệnh AIDS). Tôi cũng có dạy anh thiền và dùng trí tuệ đối phó với vấn đề. Nay bệnh tình anh vào thời kỳ nguy ngập. Tôi vừa viếng anh hôm qua và đang đợi người bạn đời anh gọi đưa tin không vui. Do đó tôi biết cú điện thoại kia muốn nói gì rồi. Không phải tôi sẽ chết trong ba mươi phút mà là chàng thanh niên bị nhiễm AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome =Hội chứng suy giảm Miễn Dịch do vi khuẩn HIV làm tê liệt miễn dịch khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và tử vong. Lây lan qua đường tình dục, đường máu và đường mẹ truyền cho con).

Tôi lật đật chạy tới nhà anh để gặp anh lần sau cùng. Rất may, trước khi ra xe tôi có giải thích cho bà nghe điện thoại biết sự nghe lầm của bà kẻo bà cũng có thể chết, vì sốc!

Có biết bao nhiêu lần, cũng thời là một câu chuyện, mà nói và nghe không giống nhau?

 

65. Cái gì không phải là trí tuệ?

Vài năm trước đây có mấy câu chuyện gièm pha sư Thái đăng trên báo chí nước ngoài. Theo giới luật tăng ni phải sống độc thân. Tông phái tôi còn gao gắt hơn, tăng ni không được đụng chạm người khác phái. Một số tăng không giữ đúng giới luật nên bị chỉ trích trên báo. Đó là một số sư bất hảo mà báo chí muốn khai thác để thỏa mãn tánh hiếu kỳ của một số độc giả. Chớ còn tăng ni giữ đúng giới luật có gì mà nói - chán phèo nên có ai thèm để ý!

Vào thời điểm đó tôi nghĩ là lúc tôi nên nói một sự thật của tôi. Một tối thứ sáu nọ tôi lấy hết bình sanh thú thật với thính chúng trên ba trăm Phật tử rằng:

“Tôi có điều muốn thưa với quý tín chủ,” tôi bắt đầu và ấp a ấp úng tiếp, “Trước đây, tôi có sống một thời gian rất hạnh phúc…trong…vòng…tay…thương yêu…của một người đàn bà…vợ người ta.” Tôi thú nhận tiếp, “Tôi có được ôm ấp, nâng niu, vuốt ve, và hôn hít nhiều lần.” Nói tới đây làm như tôi nghẹn lời, tôi cúi đầu và nhìn đăm đăm xuống thảm.

Bấy giờ tôi nghe tiếng nấc vì sốc của nhiều Phật tử. Và cả tiếng xì xầm nữa, “Ồ, Sư Brahm! Có thể như vậy sao?” Tôi hình dung sẽ có nhiều đệ tử trung thành của tôi bỏ tôi bước ra khỏi cửa không bao giờ trở lại. Thật tình mà nói, cả người thường cũng không được phép dan díu với vợ người - đó là thông gian rồi.

Giây phút sau tôi ngẩng đầu, nhìn thính chúng một cách tự tin và mỉm cười. Tôi giải thích trước khi có người bước ra khỏi cửa:

“Người đàn bà ấy,...bà là mẹ tôi…và tôi là đứa con nhỏ của bà.” Tất cả thở phào và rộ lên cười vui vẻ.

“Đúng như vậy đó, thưa các bạn,” tôi nói lớn trong micro. “Bà là vợ của ba tôi, có đúng không, các bạn?” Tôi rống tiếp, “Bà đã ẵm bồng tôi trong tay, nưng niu tôi, hôn tôi và đó dĩ nhiên là những giây phút thần tiên của tôi chứ còn sao nữa?”

Lúc thính chúng lau hết nước mắt và trở về tĩnh lặng, tôi bảo tất cả đã phê phán tôi một cách hết sức sai lầm. Dầu nghe chính miệng tôi thốt lên và lời tôi nói rõ ràng, tất cả đều đã đi đến kết luận sai lầm. May cho tôi, hay đúng ra nhờ tôi đã chuẩn bị chu đáo trước, tôi có thể chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Tôi hỏi:

“Có bao nhiêu lần rồi, chúng ta đã vội đi đến kết luận sai, rất sai, dầu tang chứng có hiển nhiên?”

Độc đoán phê phán - “Đây mới đúng, còn tất cả đều sai” - không phải là trí tuệ vậy.


66. Cái miệng ham nói: Tai ách!

Các chính trị gia của chúng ta nổi tiếng rất “mở” nhất là ở chỗ giữa mũi và cằm. Đó là truyền thống có từ bao đời nay, như câu chuyện tiền thân (Jataka) sau đây đã minh chứng.

Thuở nọ có nhà vua rất bực bội với một quan đại thần của Ngài. Vị quan nay tâu rồi quên thôi mỗi khi Ngài thiết triều đến đỗi Ngài cũng không thể ngỏ lời. Hơn thế nữa, chuyện ông tâu lạt lẽo và rất vô duyên.

Để tìm sự tĩnh lặng, nhà vua thường ra dạo ngoài vườn ngự uyển sau khi bãi chầu. Trên bước du ngoạn Ngài gặp một đám trẻ đang vui cười hả hê với một người què đứng tuổi ngồi dưới đất. Chúng trao cho ông quan tiền và yêu cầu ông bắt cho chúng con gà rừng trong bụi rậm. Ông mở túi lấy ná thun và đá ra nhắm bụi cây bắn. Ông tỉa từng chiếc lá một cách chính xác, và chẳng bao lâu biến bụi rậm thanh hình con gà rừng. Đám trẻ cho ông thêm tiền và chỉ bụi khác bảo ông điêu khắc con voi. Trong nháy mắt dáng con voi rừng hiện ra rõ ràng trước sự ngạc nhiên vỗ tay khen ngợi của tất cả. Bấy giờ nhà vua nảy ra một ý kiến.

Vua hứa sẽ ban thưởng ông tiền bạc châu báu nếu ông có thể giải quyết cho Ngài một chuyện nhỏ, ông nghe xong khẽ gật đầu. Lần đầu tiên trong nhiều ngày qua nhà vua mới có dịp mỉm cười.

Hôm sau, Vua thiết triều như thường lệ và bá quan không ai để ý tới bức rèm sau ngai vàng. Đề tài thảo luận hôm ấy là tăng thuế. Nhà vua chưa dứt lời viên quan hay nói kia mở miệng ngay và nói không ngưng nghỉ. Mỗi khi mở miệng ra ông nhận được một vật mềm từ ngoài phóng vô miệng và chạy tuốt vô cuống họng ông. Ông nuốt rồi tiếp tục nói nữa. Sự việc diễn tiến liên tục như vậy: ông cứ tiếp tục nói và cứ tiếp tục nuốt. Nửa giờ sau ông thấy bụng mình no tròn. Nhưng ông vẫn chưa chịu ngưng nói. Một chập sau mặt ông tái xanh và ông bắt đầu nôn. Tay ôm bụng, tay bụm miệng ông lật đật chạy vô nhà xí.

Bấy giờ nhà vua kéo màn để bá quan thấy người què ngồi sau lưng mình với ná thun và túi đạn đặt kề bên. Nhà vua bật cười to khi biết vị đại quan đã nuốt trọng gần hết một túi phân dê!

Vị đại thần không lâm triều trong mấy tuần nhật liền, và nhà vua giải quyết được không biết bao nhiêu việc nước. Lúc ông trở lại không còn dám mở miệng liên tục như trước nữa. Và mỗi khi ông cần nói ông đưa tay che miệng trước (Viết theo chuyện tiền thân “Chuyện nghề ném đá – Salittaka Jakata).

Quốc Hội chúng ta ngày nay rất cần các tay ném phân thiện xảo như người què ném phân trong câu chuyện kể trên để đại sự của quốc gia có cơ được hình thành nhanh chóng.

 

67. Con Rùa ham nói: Chết!

Có lẽ chúng ta nên học giữ im lặng ngay từ buổi đầu để tránh những phiền toái xảy ra về sau. Tôi thường kể chuyện dưới đây cho trẻ con để giúp chúng hiểu giá trị của sự giữ im lặng.

Có một con rùa ham nói sống trong một hồ nọ trên núi cao. Mỗi khi gặp bạn đến hồ rùa bắt chuyện và nói dai khiến ai ai cũng chán ngán. Chúng bạn nghĩ rùa không thở hay sao mà nói liên tục như vậy, hay là chú ấy thở bằng tai vì chú không bao giờ lắng nghe ai cả. Chú nói quá làm ai cũng sợ chú hết. Thỏ thấy chú thỏ thụt đầu vô hang, chim thấy chú vụt bay lên ngọn cây, cá thấy chú cá lội tránh vô kẹt đá để khỏi phải nghe chú nói hàng giờ mà không cáo lui được. Vì vậy chú rất cô đơn.

Hồ của chú rùa ham nói được dịp đón tiếp đôi ngỗng trời đến nghỉ hè. Chúng rất tốt nên chiều rùa để rùa nói bao lâu cũng được. Vả lại chúng đâu có ở đây lâu mà ngại chuyện phải nghe rùa nói dài dài. Do đó chú rùa rất thích đôi ngỗng trời này. Chú nói đến lúc sao lặn chú vẫn còn nói và đôi ngỗng cứ kiên nhẫn nghe.

Hè đi. Thu đến. Và đôi ngỗng chuẩn bị trở về quê cũ, chú rùa bắt đầu than và trách cái lạnh của mùa thu đã làm cho chú mất đôi bạn ngỗng. Chú thở dài:

“Giá mà tôi có thể đi với hai bạn, chớ ở đây tuyết sẽ đến, hồ sẽ đông lạnh và sẽ buồn chán vô ngần. Rùa chúng tôi rất tiếc không biết bay. Còn đi bộ thì biết chừng nào tới; rùa chúng tôi bò chậm lắm.”

Đôi ngỗng tốt bụng nghe rùa than động lòng nên đã đề nghị:

“Bạn rùa, anh đừng than trách nữa. Chúng tôi có thể đưa anh đi với chúng tôi nếu anh giữ cho một lời hứa”

“Tôi xin hứa.” Rùa nhanh nhẩu trả lời dẫu chưa biết phải hứa gì. Rồi chú nói tiếp: “Rùa chúng tôi luôn luôn giữ đúng lời. Mới vài ngày trước đây chính tôi đã hứa với thỏ sẽ giữ im lặng sau khi kể cho thỏ nghe hết tất cả các loại mai rùa...”

Một giờ sau khi rùa bớt nói, đôi ngỗng mới xen vô nói rằng: “Anh hứa ngậm miệng nha”

“Dễ ợt. Rùa chúng tôi nổi tiếnggiữ kín miệng; chúng tôi ít khi hả miệng lắm. Chính tôi đã giải thích cho cá biết điều này hồi gần đây và...”

Một giờ sau khi rùa bớt nói đôi ngỗng mới xen vào bảo chú cắn giữa khúc cây và hứa không bao giờ mở miệng trên đường đi. Đoạn đôi ngỗng mỗi con ngậm một đầu cây và bay bổng lên không trung. Chú rùa đeo tòn ten dưới khúc cây. Lần đầu tiên trên đời có con rùa “bay”. Rùa bay càng lúc càng cao và núi non dưới chân chú giờ chỉ còn là những chấm nhỏ li ti. Ôi rất kỳ thú! Lần đầu tiên chú rùa mới có dịp thấy như vậy. Chú cố nhìn để ghi lại tất cả trong ký ức hầu sau này sẽ kể lại cho bạn bè nghe.

Ngỗng và rùa bay qua núi rồi tới đồng bằng. Bình an vô sự. Đến một trường học vào lúc tan trường. Một cậu bé thấy chuyện lạ la lớn:

“Rùa bay! Tụi bây nhìn kìa, có con rùa quái gở đang bay!”

Không thể tự chế, rùa nói:

“Đứa nào dám nói ... quái ..gở!”

Đó là tiếng nói sau cùng của chú rùa vì chú đã rơi cái bịch xuống đất tan xác rồi (Viết theo chuyện Tiền thân “Chuyện con rùa”- Kachapa Jataka, số 215)

Chú rùa hay nói bị chết thảm thiết vì chú không biết ngậm miệng trong lúc cần thiết. Cũng vậy, nếu chúng ta không học ngậm miệng đúng thời đúng lúc, chúng ta có thể sẽ phải chịu số phận của chú rùa.

 

68. Tự do ngôn luận

Tôi rất ngạc nhiên khi biết ngôn luận vẫn còn được tự do trong thế giới kinh tế thị trường hiện tại. Nhưng có lẽ chẳng còn bao lâu nữa các chánh quyền sống vì tiền sẽ xem lời nói như nhu yếu phẩm và sẽ không bỏ lỡ dịp đánh thuế đâu!

Nghĩ cho cùng cũng đúng thôi. Và im lặng được xem đúng là vàng ròng, như chúng ta thường nghe trong câu chuyện “im lặng là vàng!” Bấy giờ, trẻ con không còn dán tai vào điện thoại. Quầy tính tiền trong siêu thị sẽ không bị ứ đọng vì câu chuyện bá láp. Vợ chồng sống chung lâu hơn vì không ai muốn bỏ tiền đóng thuế cho một cuộc cãi vã. Có thể quỹ tài trợ mua sắm máy nghe dành cho người khiếm thính sẽ đủ để không còn ai phải sống trong cảnh im lặng như hiện nay. Công nhân sẽ nhẹ gánh thuế má vì đã có người ham nói đóng giùm cho rồi. Dĩ nhiên người đóng loại thuế này nhiều nhứt không ai khác hơn là các chánh trị gia chuyên nghiệp. Trong quốc hội, dân biểu và nghị sĩ tranh cãi nhiều chừng nào kho thuế nhà nước sẽ đầy bạc chừng nấy và nhà thương cũng như trường học sẽ được mọc lên như nấm gặp mưa. Cũng thích thú đó chớ hả các bạn?

Sau cùng, ai bảo cách thâu thuế nói trên không thực tế, xin lên tiếng đi và lý luận càng nhiều càng tốt.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/02/2019(Xem: 9664)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.