LỜI PHẬT DẠY VỀ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giựt, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh-già-bệnh-chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Trong gia đình khổ vì phải làm việc vất vả, nhọc nhằn để lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ hơn, mong cầu mà không được cũng khổ, thân ốm yếu hoặc sung mãn quá cũng khổ. Nghèo cùng với bao nỗi thiếu thốn, khó khăn, khổ là lẽ đương nhiên nhưng người giàu sang phú quý vẫn có những nỗi khổ niềm đau riêng. Ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán giận thù hằn ngày càng thêm chồng chất. Với hoàn cảnh thì phải khổ về thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh tràn lan vì sự ngu si mê muội của con người. Chúng ta thường nghe người đời than thở: Trời ơi, tại sao tôi khổ quá vậy nè? Ông trời ngó xuống mà coi, làm sao cho tôi hết khổ đây trời ơi! Người đời thường trách đất kêu trời, than khổ đủ thứ chuyện vì nghèo khó, vì bệnh tật, vì thất nghiệp, vì thất tình, vì mất mát, vì chia lìa. Tuy nhiên, cũng có không ít người giàu có, khỏe mạnh, có sự nghiệp, có tình yêu nhưng vẫn kêu khổ, khổ ơi là khổ. Người già than khổ đã đành, người trẻ cũng lại than khổ. Người ngu dốt than khổ, kẻ thông minh cũng than thở đủ thứ chuyện. Nói tóm lại, già trẻ, lớn bé mỗi người đều có nỗi khổ niềm đau riêng. Khổ là sao? Khổ là sự khó chịu, bất như ý, không toại nguyện, là trạng thái tâm lý trái ngược lại với vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc, thoải mái, dễ chịu, hài lòng, lạc quan và thỏa mãn... Nỗi đau đớn, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, bất mãn, thất vọng, tuyệt vọng, đau nhức... đều được xem là khổ. Chúng ta thường nghe nói "có thân là có bệnh", hay nói cho rõ ràng hơn "có thân phải khổ vì thân”. Chính vì thế, ta cũng đừng trách tại sao phải như thế, con người đều khốn khổ vì mang thân bệnh. "Khổ vì thân" có hai loại chính: bệnh khổ và tai nạn khổ, còn vô số cái khổ khác cũng làm cho con người ta điên đảo, từ chuyện nhức đầu, đau răng, cảm mạo cho đến những bệnh nan y do ảnh hưởng ô nhiễm của môi trường độc hại gây ra. Như vậy, ai làm người cũng khổ vì thân hay bệnh khổ là điều tất yếu trên thế gian này. Nhưng, những cái khổ đó chưa quan trọng bằng cái khổ bởi vô minh trong nhiều đời gây ra, có nghĩa là không phân biệt được đúng sai, chánh tà, phải quấy, tốt xấu. Một người bình thường nhìn thấy người khiếm thị hoặc tật nguyền, họ nghĩ rằng nạn nhân chắc là thống khổ lắm. Nếu nạn nhân đó bị bẩm sinh thì họ cũng có cảm giác bình thường như bao người bình thường khác về thân thể, còn người đang mù bỗng nhiên được chữa trị làm cặp mắt sáng lại thì có cảm giác sung sướng hơn người đang bình thường. Chính vì vậy, một người đang sáng mắt và một bệnh nhân được chữa lành sáng mắt có cảm thọ khác nhau là do sự tác động tâm lý mà có. Nếu thân vật lý không bị tác động bởi trạng thái tâm lý thì cái gọi là khổ của thân vật chất chưa hẳn là thật khổ. Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều nỗi khổ niềm đau luôn luôn bám víu vào thân phận con người; khổ về bản thân như đau ốm, bệnh tật, già nua; khổ vì người thân trong gia đình như bị mất mát, chia lìa; khổ vì vợ chồng không cảm thông và tha thứ cho nhau nên dẫn đến ly dị; khổ vì con cái bụi đời, nghiện ngập, hút sách, bê tha, hư hỏng; khổ vì phải làm việc nhọc nhằn, vất vả để lo cho gia đình người thân như lo ăn, lo uống, lo mặc, lo chỗ ăn ở, lo nghèo giàu và đủ thứ chuyện khác; khổ vì hoàn cảnh như chiến tranh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh; khổ vì thi rớt, vì thất tình, vì của cải bị phá sản, vì thua bài bạc bán hết gia tài, vì bị giựt hụi mất hết một số tiền lớn v.v… Luận về những nỗi khổ ở đời thì bất cứ ai cũng có những nỗi khổ niềm đau của riêng mình. Thực khó mà kể ra cho hết được. Khổ được biểu hiện qua phần thân và tâm. Cơ thể đau nhức là nỗi khổ ở thân này, chẳng hạn như cảm giác đau đớn do bệnh tật hay tai nạn và cảm thấy khó chịu do nóng lạnh, đói khát. Tâm đau khổ như bất mãn, phiền muộn, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, bất an bởi những thứ không được hài lòng vừa ý. TRÊN ĐỜI NÀY ĐIỀU GÌ LÀ KHỔ NHẤT? Khi Phật còn tại thế, đệ tử lớn là A Na Luật cùng 4 vị đồng tu mới ngồi lại thảo luận với nhau về đề tài “trên đời này điều gì là khổ nhất.” Một thầy tỳ kheo nói: “Con người khổ nhất là do lòng tham dục phát sinh quá đáng, khi sự tham dục không được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy khổ đau. Nó có thể dằn vặc, hành hạ mình ghê gớm. Nhiều người chịu không nỗi phải quyên sinh tự tử.” Thầy tỳ kheo khác lại nói: “Trong cuộc sống, khổ nhất là không được ăn uống no đủ, sự thèm khát trong thiếu thốn làm cho con người ta khốn khổ không gì có thể so sánh được.” Thầy thứ ba không chịu nên nói: “Con người khổ nhất là khi tức giận, oán thù một ai đó, mặt mày trông dữ tợn, hiện tướng bốc lửa từ ánh mắt, ngay khi sân giận đó đã làm cho tâm khổ não bất an.” Một thầy khác lại nói: “Con người khổ nhất là nỗi sợ hãi trước các loài cầm thú hoặc sự khủng bố của con người, không có một giây phút nào cảm thấy bình an.” Đúng lúc ấy, Phật đang trên đường hoằng hóa độ sinh đã ghé lại thăm các đệ tử của mình. Mỗi thầy tỳ kheo bèn trình bày quan điểm “cái gì là khổ nhất” với Ngài. Phật nghe xong mới nói: “Các con đều chưa nói được cái gốc của khổ, tất cả những điều các con nói chỉ đúng một phần thôi, giống như người mù sờ voi vậy, mỗi người đều chỉ nói đúng một phần. Trong số các con, có người từng là chim bồ câu tái sinh nên mới nói rằng tham dục là khổ, có người kiếp trước làm con chim ưng bị đói khát nên cho rằng sự đói khát là khổ, có người là rắn độc tái sinh nên nghĩ sân hận là khổ não, có người kiếp trước là thỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi là khổ. Tất cả từ con người cho đến loài có tình thức đều phải chịu sự chi phối của sinh-già-bệnh-chết nên đau khổ vô cùng tận không luận là giàu nghèo hay sang hèn.” Chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh giản dị của người nông dân qua cuộc sống hàng ngày như người chồng dựng vội cái cày, cái cuốc để uống nước chè, trong khi bà vợ ném vội nắm thóc cho đàn gà rồi bước vào chuồng heo để tẩy uế và tắm mát cho chúng. Trong những vật nuôi trong nhà, trâu, bò, ngựa, heo, chó, mèo, gà là những con vật không thể thiếu ở nông thôn. Họ lý giải chức năng của chúng thật chặt chẽ, rõ ràng. Con trâu, con bò cày ruộng. Con ngựa kéo xe, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con gà chạy lăng xăng, bươi mỗ kiếm chút đồ thừa thải. Ngày xưa, có gia đình nọ làm nghề nông, trong nhà có nuôi một con trâu, hai mẹ con nhà ngựa, một con chó, một đàn heo cùng với đàn gà dăm ba chục con. Mỗi ngày, trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chiều tối mới về, còn chó ta chỉ việc nằm phè ở nhà dòm chừng trong ngoài trước sau. Một hôm, trâu đi cày về thấy chó nằm dài trước cửa nhà, mắt nhắm lim dim trông thật nhàn hạ, thoải mái, sung sướng làm trâu ganh tị, tức tối muốn điên lên nên bèn nói lời mỉa mai: “Chú chó nhà mày thật hạnh phúc quá, ăn no rồi chỉ loanh quanh, lẫn quẩn trong xó nhà, lúc nào làm biếng thì nằm phè ra đó. Mày thật là có phước nhất nhà này”. Chó nhà ta nghe trâu nói lời hậm hực, nặng nhẹ thì buồn bã trong lòng, nghĩ rằng trâu tuy to xác nhưng không có chút trí tuệ nào nên mới phát ra những lời lẽ so đo, ganh tỵ như thế. Chó bèn nói với trâu rằng: “Này anh trâu ơi, anh không thể nào hiểu hết hoàn cảnh của tôi đâu, tôi nào có sung sướng, hạnh phúc gì như anh tưởng. Anh tuy làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đồng ruộng nhưng còn có thời gian để nghỉ ngơi. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật ra tôi rất mệt mỏi và căng thẳng lắm. Tôi tuy nằm lim dim mà trong lòng lúc nào cũng lo sợ phập phòng, cứ phải nơm nớp không yên vì sợ mất mát đồ đạc của ông bà chủ, không dám lơ là hay chểnh mảng một chút nào. Nếu ngủ quên hay sơ ý để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được yên thân. Đêm đêm, trong khi mọi người yên giấc ngủ ngon lành thì tôi có được nghỉ ngơi gì đâu, tôi phải vểnh lỗ tai lớn ra để nghe ngóng, dòm ngó động tĩnh trước sau đề phòng kẻ gian, hễ nghe có tiếng động gì thì phải sủa to lên để báo cho chủ nhà hay biết. Hôm nào hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ thì tôi được cho ăn no đủ một tí, khi hai người giận nhau hay buồn bực chuyện gì thì họ đều trút đổ lên đầu tôi hết. Họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi như là con chó ghẻ vậy đó. Mỗi khi gia đình, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa thì họ chửi tôi là đồ ngu dốt, “bộ mày mắt đui hả?” Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ chửi rủa, đánh đập đuổi đi. Anh trâu à, anh thử suy nghĩ coi, anh và tôi ai sướng hơn ai?”. Trâu nhà ta nghe nói vậy mới hiểu được hoàn cảnh khổ tâm của chó nên trong lòng rất ăn năn và hối hận vô cùng bởi những lời nói trịch thượng của mình. Trâu ta liền xin lỗi chó: “Đúng là mày còn vất vả, khổ sở hơn tao rất nhiều. Tao với mày tuy ở chung một nhà mà chưa có một lần nào được trò chuyện, tâm tình nên mới hiểu lầm mà trách móc lẫn nhau. Bây giờ tao đã hiểu hết nỗi khổ, niềm đau của mày rồi. Tao nghe mày nói tao mới biết, cả hai chúng ta đều khổ cả, chẳng ai sung sướng gì đâu”. Khi ấy, chó ta quay sang đàn gà đang chạy đùa tung tăng bươi móc, tìm kiếm thức ăn mà ganh tỵ: “Đúng là lũ gà sướng thật, vừa mới mở mắt ra đã được bà chủ cho ăn bữa sáng bằng những hạt thóc được mẹ con nhà ngựa chở từ ngoài đồng về.” Chó ta thèm chảy nước miếng khi thấy đàn gà vừa kiếm ăn, vừa đùa giỡn. Nó vừa than thở, vừa ước ao phải chi cũng được sinh làm gà thì sướng biết mấy. Chú gà trống đầu đàn nghe chó ước vậy bèn quay sang nói rằng: “Này anh chó, chúng tôi chả sung sướng gì đâu. Tuy được ông bà chủ cho ăn và còn có nhiều thức ăn khác chung quanh sân vườn nhà nhưng chúng tôi cũng khổ lắm anh ạ. Ông chủ tôi nuôi gà trống để đi đá độ cho thỏa mãn thú tính tàn nhẫn, kích bác chúng tôi tàn sát nhau để vui trong sự oán giận, thù hằn của chúng tôi. Con người nuôi gà để lấy trứng bán và ăn, lúc nào họ thèm khát thì cắt cổ, nhổ lông, mần thịt chúng tôi để ăn uống, vui chơi thỏa thích. Thật ra chúng tôi cũng khổ lắm anh chó ơi!” Trâu đang nghe lũ gà phân trần với chó thì tự nghĩ “rốt cuộc con người nuôi các loài vật chỉ với mục đích gánh vác bớt công việc nặng nhọc và làm thức ăn nhằm bồi bổ thân xác theo quan niệm trời sinh ra vạn vật. Thật là quá tàn nhẫn!” Đang nghĩ vẩn vơ, trâu bỗng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành cây cao. Nó nhìn lên thấy các chú chim vui đùa bên nhau mà thầm ước ao được như thế rồi ngậm ngùi thương xót cho số phận của mình, chó và bọn gà sao quá khổ sở, nhọc nhằn. Trâu tự than thở: “Bọn chim trời, cá nước thật là diễm phúc và sung sướng làm sao. Chúng có thể tự do, tự tại bay lượn, bơi lội đó đây mà không bị ngăn ngại, không bị ai giam cầm, quản thúc, không phải làm việc nhọc nhằn, vất vả, không phải chịu nỗi khổ, niềm đau của kiếp làm tôi mọi cho con người. Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như các loài chim, cá thì vui sướng, hạnh phúc biết chừng nào.” Khi ấy, một chú chim nghe lời trâu than vãn bèn đáp lên lưng trâu mà nói rằng: “Bác trâu ơi, bác đâu có biết chúng cháu cũng chả sung sướng gì như bác nghĩ. Tuy loài chim chúng cháu không phải trông nhà giữ cửa, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng, bó buộc, kèm kẹp của con người nhưng chúng cháu cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình bác trâu ạ. Mạng sống của chúng cháu luôn bị đe dọa từng ngày, chúng cháu lo sợ các chú chim lớn rình mò chụp bắt đã đành, lại còn lo sợ những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng cháu bất cứ lúc nào không hay. Tổ của chúng cháu làm rất khó khăn, vất vả biết bao nhưng chưa chắc ở được lâu ngày vì sự phá hoại của con người. Trứng do chúng cháu sinh ra chưa kịp nở thì đã bị con người lén lấy mất. Loài người lúc nào cũng biết thương yêu, chiều chuộng con cái của mình nhưng nào biết thương hại con của các loài vật. Các chú, các bác chỉ bị hành hạ làm lụng khổ sở, nhọc nhằn đôi chút, còn chúng cháu lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi vì hay bị loài người tìm cách tước đoạt mạng sống. Các bác biết đó, đâu phải chết rồi là được yên thân, loài người còn tàn nhẫn hơn khi đem chúng cháu đi nhổ lông, vặt cánh, xẻ thịt, nấu nướng, làm đủ các món thức ăn khiến thân thể chúng cháu tan nát, rã rời. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ có trí khôn nên mặc tình sát sinh hại vật, nào có biết thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài. Các chú, các bác có cái khổ của các chú, các bác, còn chúng cháu cũng có cái khổ của chúng cháu, sống mà cứ phập phòng nơm nớp lo sợ trong từng phút giây, sống được ngày nào thì mừng cho ngày đó. Thật ra, trên cõi đời này không có loài vật nào được sung sướng cả, nếu có cũng phải trả một giá rất đắc đối với loài người vô liêm sỉ đó.” Bầy cá đang ở dưới nước nãy giờ nghe bác trâu nói mình sung sướng, thoải mái quá nên cũng không đồng ý mà vội vàng phân bua: “Dạ, xin thưa với các bác, loài cá chúng con cũng không sung sướng, hạnh phúc gì lắm đâu. Nhà cá chúng con thường bị loài người giăng lưới đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả hàng ngàn, hàng vạn con, không sao kể hết tội lỗi của loài người. Chúng con lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi. Loài người rất khôn ngoan và mưu ma chước quỷ. Nơi nào có chúng con ở là loài người dùng đủ mọi cách câu giăng, lưới bắt, tát cho bằng được. Cá lớn, cá nhỏ gì chúng đều lượm sạch ráo, chẳng tha con nào. Bắt bằng tay, bằng lưới không được thì chúng dùng điện chích hay bỏ thuốc độc để bắt cho được hết loài cá chúng con.” Một chú ngựa con ở gần đó đang lui hui tìm chút cỏ non để qua cơn đói khát thì bỗng nhiên nghe mùi thơm phức làm bao tử chú cồn cào khó chịu, chú tò mò đến gần xem sự thể ra sao. Chú thấy bầy heo đang nhốn nháo khi con người mang thức ăn đến đổ vào máng, chúng tranh nhau táp phầm phập trông rất ngon lành, thoáng phút chốc các máng đều hết sạch, rồi mỗi con một chỗ nằm phè ra ngủ say sưa. Ngựa con nhìn thấy mà thèm chảy nước miếng, vừa buồn tủi, vừa giận trách loài người sao quá bất công. Hai mẹ con ngựa làm lụng vất vả cả ngày mà chỉ ăn toàn cỏ khô, loài heo kia chẳng làm gì mà lại được ăn lúa mạch, bắp rang thơm phức. Trong lòng bực bội, ngựa con tức tối về nhà tìm gặp ngựa mẹ để hỏi cho ra chuyện. “Mẹ ạ, sáng nay con vô tình đến chỗ nhà heo thấy chúng được ăn món ngon thượng vị, con nào cũng mập ú ù ra vẻ oai phong lẫm liệt, chẳng phải nhọc nhằn làm việc vất vả mà được ăn no đủ, tắm mát rồi nằm phè ra ngủ một cách ngon lành. Thật là sung sướng làm sao! Ước gì con cũng được như thế mẹ nhỉ?” Nghe con mình nói như vậy, ngựa mẹ chẳng thèm trả lời mà bình thản, an nhiên gặm cỏ khô. Ngựa con ấm ức quá mới phân trần với ngựa mẹ: “Mẹ à, sao loài người quá bất công khi để loài ngựa chúng ta phải nhọc nhằn gánh vác, chuyên chở hàng hóa, đưa người đón bạn, vào sanh ra tử xông pha chiến trường để bảo vệ tổ quốc, chịu lao khổ trăm bề, vậy mà thức ăn chỉ toàn cỏ khô và nước lã, chẳng công bằng tí nào. Loài heo chúng nó thật có phước quá, chúng chỉ ăn no rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng phải làm gì cực nhọc mà thức ăn lại thơm ngon đáo để.” Ngựa mẹ bảo: “Con à, mỗi loài đều có phước báo riêng, con không nên vì thế mà than thân trách phận. Chúng ta hãy chấp nhận cuộc sống hiện tại có gì ăn nấy, miễn sao tạm no đủ là được rồi, đừng vì muốn món ngon vật lạ mà khổ lụy trong hiện tại và mai sau. Con muốn ăn loại thức ăn đó cũng không khó gì, nhưng con hãy ráng chờ thêm vài ngày nữa thì sẽ biết rõ mọi chuyện.” Tuy được ngựa mẹ khuyên nhũ kiên nhẫn chờ đợi nhưng ngựa con vẫn còn tiếc nuối khi nhớ lại hình ảnh ăn ngon, tắm mát, ngủ kỹ của nhà heo. Vài ngày sau, bầy heo bị loài người trói gô lại tất cả, kêu la eng éc nghe thảm não vô cùng. Ngựa con nghe thấy bèn chạy đến xem sao. Thật là một cảnh tượng quá hãi hùng và khủng khiếp. Chú thấy một người đồ tể đi đến chỗ bầy heo đâm thẳng vào tim chúng làm máu chảy xối xả, kèm theo đó là những tiếng kêu la thảm thiết, đau thương. Sau khi thọc huyết xong, họ đổ nước sôi lên khắp thân thể chúng rồi cạo lông nghe sồn sột, cuối cùng tất cả đều bị chặt đầu, mổ bụng, lột da xẻ thịt và cho lên xe chở đi. Ngựa con bây giờ mới thức tỉnh, chú liền nhanh chân bỏ chạy về nhà, vừa thấy mẹ chú ta liền nói: “Mẹ ơi, giờ con đã hiểu ra rồi, con cám ơn mẹ rất nhiều.” Ngựa mẹ bảo: “Nghiệp duyên của chúng ta là ngựa thì mình phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, đưa đón con người, chuyên làm các việc nặng nhọc để tạo ra miếng ăn, sự sống cho loài người, chỉ chuyên tâm một điều làm việc nào biết việc đó. Loài ngựa chúng ta chấp nhận cuộc sống đạm bạc và rèn luyện trong gian khó, nếu sau này có sự cố gì ta còn có đủ khả năng để vượt qua. Con không thấy loài heo đó sao, chỉ vì ham ăn ngon, ngủ kỹ mà phải chịu quả khổ như vậy.” Nếu nói về nhân quả thì loài heo trước kia đã từng gieo trồng phước đức, từng bố thí thức ăn thức uống cho nhân loại, nhưng đồng thời gieo nghiệp nhân giết hại do ngu si mê muội mà hiện đời hưởng phước báo ăn ngon, ngủ kỹ nhưng phải đoạ làm heo để bị giết hại trở lại. Heo trong thời kỳ sơ khai lạc hậu con người phải nuôi từ 6 tháng đến một năm rồi mới làm thịt. Ngày hôm nay công nghệ kỹ thuật tân tiến, heo chỉ nuôi hơn 3 tháng là có thể được đưa đến các lò mổ. Chúng ta thấy rõ ràng nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, làm phước thì được hưởng phước. Loài heo được ăn ngon ngủ kỹ mà không phải làm lụng nhọc nhằn, khổ sở; nhưng ngược lại, vì nhân giết hại do ngu si, mê muội nên chịu quả báo mạng sống ngắn ngủi và bị giết hại lại. Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên mới bị đọa lạc như thế. Loài ngựa tuy phải nhọc nhằn, cực khổ làm lụng vất vả, ăn uống đạm bạc, phải ra công vận chuyển giúp đỡ loài người có phương tiện sinh sống, nhưng nhờ vậy chúng lại được tôi luyện. Loài heo được cho ăn món ngon thượng hạng hằng ngày rồi nằm phè ra ngủ, thấy thế tưởng như ngon lành nhưng không ngờ đang gần kề cái chết mà không hay biết. Ăn ngon ngủ kỹ là căn bệnh trầm kha của nhiều người, đa số ai cũng thích như vậy từ chỗ tham ái chấp trước mà ra. Trâu nghe chó, chim, gà, cá phân trần sự khổ não của chúng thì cảm thấy thương hại cho các loài vật mà ngửa mặt lên trời, oán trách tạo hóa sao quá bất công khi để các loài vật phải chịu khổ đau như thế. Tại sao thượng đế lại tạo ra nỗi bất công lớn lao như vậy khi chỉ có con người được sống sung sướng, hạnh phúc nhất trên cõi đời này. Nói như thế rồi trâu ta buồn bã bỏ đi vào chuồng, nằm suy nghĩ mông lung về thân phận của nó và các loài vật khác sao mà khốn khổ quá. Nó nghĩ mà tức giận thượng đế vô cùng. Tại sao ông ta quá bất công, tàn nhẫn. Bất cứ loài vật nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại, cho đến chúa tể sơn lâm hung dữ, ác độc lừng danh như loài cọp mà cũng bị loài người dùng trí khôn để khống chế. Trâu ta rống lên tiếng rống bi ai, não nuột: “Cuộc đời sao quá bất công, loài người được quyền ăn trên ngồi trước, có tri thức hiểu biết mà tại sao tàn ác, nhẫn tâm đối xử tệ bạc với các loài vật thế này. Ấy vậy mà họ lại được ăn sung mặc sướng, không phải chịu một sự đau khổ nào.” Đang lúc đó, bỗng trâu nghe rõ ràng tiếng quăng chén, bát, đĩa, muỗng cùng nhiều thứ đồ đạc khác trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết hai ông bà chủ đang lớn tiếng gây gỗ, cãi vã, chửi mắng lẫn nhau. Tiếng ông chủ gào lên trong cơn giận dữ: “Trời ơi, hãy ngó xuống mà coi, sao tôi phải chịu nhọc nhằn khổ sở đến thế này, làm người gì mà không bằng con trâu, con chó trong nhà nữa. Con trâu đi cày còn có được thời gian để nghỉ ngơi, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu, đa đoan với nhiều công việc, nào là phải lo nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, đám tiệc, hội hè, đình đám đủ thứ, làm quần quật suốt cả đêm ngày mà không có lúc nào rảnh rỗi, nghỉ ngơi. Tôi phải thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm lụng nhọc nhằn, vất vả khổ sở như vậy là vì ai? Vậy mà bà vẫn không vừa ý, hài lòng để cho tôi được yên thân một chút, hễ thấy mặt tôi là bà hạch sách, cằn nhằn, càm ràm đủ thứ hết. Bà vừa phải thôi chứ, bà mà làm quá tôi sẽ cho cả nhà ra hết chuồng trâu mà ở để cho vừa lòng hả dạ mấy người.” Nghe ông chủ nhà nổi nóng, to tiếng quát tháo ầm ỉ lên, trâu ta bỗng giật mình, bất giác mà ngậm ngùi than thở rằng: “Té ra, cuộc sống trên cõi đời này đâu có ai hoàn toàn được sung sướng mà dám bảo đảm mình không bao giờ nhọc nhằn, khổ sở đâu? Từ con người cho đến muôn loài vật ai cũng phải khổ hết, vì có thân này là có khổ.” Câu chuyện trên là một bài học sâu sắc nói về giá trị sống của muôn loài vật, muốn bảo tồn mạng sống phải chịu muôn vàn điều khổ đau. Trong cuộc sống, mỗi người đều có một hoàn cảnh, sự nghiệp và việc làm khác nhau. Từ người lãnh đạo đất nước cho đến thứ dân bần cùng đều phải làm việc để lo cơm áo gạo tiền và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Người nắm cán cân công lý thì chịu trách nhiệm chung lo duy trì hài hòa bảo đảm đời sống an vui, hạnh phúc cho toàn dân. Binh sĩ lo bảo vệ biên cương, bờ cõi, an ninh quốc gia. Thương nhân lo kinh doanh, buôn bán. Nông dân và công nhân tích cực lao động sản xuất. Tu sĩ lo gìn giữ đạo đức tâm linh để giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay hiện tại và cho cả tương lai. Hạng người thấp kém thì hay trộm cướp, lường gạt của người khác, hút xách, đàn điếm gây ra tệ nạn xã hội làm khổ cho nhiều người. Hạng có địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng để được ăn trên ngồi trước, hưởng thụ xa xỉ quá đáng trong khi nhiều người còn quá thiếu thốn, khó khăn. Nhân đam mê hưởng thụ quá đáng sẽ khiến con người ngày càng sa đọa, gieo đau khổ cho mình và người, giống như loài heo được ăn no ngủ kỹ rồi chờ ngày bị con người phanh da xẻ thịt đau khổ vô cùng. Kẻ ngu si chỉ biết hưởng thụ đam mê nhất thời mà phải chịu khổ triền miên không có ngày thôi dứt. Người trí vì lợi ích an vui lâu dài cho chính mình và tha nhân nên luôn sống đơn giản, muốn ít biết đủ để có cơ hội phục vụ và đóng góp cho con người nhiều hơn. Tham có nghĩa là tham lam, ham muốn quá đáng như tham sống sợ chết, tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon ngủ kỹ… Do chấp thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ thân này. Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn phiền, giận dỗi, tìm cách trả thù dẫn đến tàn sát, giết hại lẫn nhau gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều người. Quả thật, lòng tham con người vô cùng tận như giếng sâu không đáy, chúng ta có thể dò được đáy sông, đáy biển nhưng không thể đo lường lòng tham của con người vì nó không có bến bờ nhất định. Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện tại. Họ không phải là những người lười biếng, ăn bám xã hội. Họ có trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này nếu con người sống không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý thì xã hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu mà lịch sử loài người đã chứng minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người. Đây là những câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lý sâu sắc về nền tảng nhân quả, từ nghiệp nhân si mê mà bị đọa lạc vào các loài súc sinh để trả quả khổ đau. Si là vô minh, là cái bất giác lầm lẫn không biết rõ sự thật nên thành ra có tham hay ham muốn quá độ. Do đó, si là cái khởi đầu bắt nhịp cầu cho tham lam, nóng giận bộc phát. Đúng ra, si là cái ngu tối thâm căn cố đế chẳng biết thế nào là đúng-sai, thật-giả. Nhưng nếu trong cuộc sống ai cũng có ý thức sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết mà cùng nhau chia vui, sớt khổ, hay làm những việc thiện lành để đem lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại thì thế gian này sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, con người sẽ chỉ làm khổ nhau vì tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi; vì tâm si mê, ganh ghét, tật đố, sân hận, muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ nghĩa cá nhân. Đó là một lẽ thực trong cuộc sống hiện tại nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng sinh mà khuyên nhủ chúng ta không nên giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối hại người và không dùng các chất độc hại như rượu chè be bét, hút chích xì ke-ma túy mà làm khổ đau cho nhau. Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn thì thế gian này khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời chúng ta, không một ai có thể thoát được. Ngoại trừ đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các chư vị đại Bồ tát, các Ngài đã vượt qua được- mất, khen-chê, tốt-xấu lẫn khổ-vui của cuộc đời để thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người và biết cách làm chủ bản thân thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau. Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng như ý. Ai cũng có những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt… Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh-già-bệnh-chết. Ngoài xã hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống và đủ thứ nỗi khổ, niềm đau đến với con người như yêu thương, xa lìa nên khổ; oán ghét mà gặp nhau hoài là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn vượt qua nỗi khổ, niềm đau thì phải làm sao? Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ nhung, không sầu khổ, không nuối tiếc hay hy vọng một điều gì đó? Có ai sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai, ngoại trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện vào đời để giáo hóa chúng sinh. Thế giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người nên cũng bị vô minh chi phối. Loài vật chỉ sống theo quán tính, thói quen, không có sự nhận định, suy xét, tìm tòi, quán chiếu soi sáng như loài người bởi nghiệp si mê nhiều đời chiêu cảm. Người ham hưởng thụ nhiều cho rằng chết là hết, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo sẽ tranh thủ tận hưởng khoái lạc trần gian bất chấp luân thường đạo lý, cuối cùng gây nhiều tội lỗi tày trời làm băng hoại đạo đức xã hội. Người bi quan yếm thế sẽ chán chường, chẳng muốn làm gì hết vì nghĩ có cố gắng cũng phí công vô ích, thà ăn không ngồi rồi còn sướng hơn. Người mê tín khi nghe vậy cứ tưởng đấng sáng tạo đang trừng phạt con người nên càng cầu khẩn, van xin ban ân huệ, cuối cùng dẫn đến cuồng tín, si mê không biết phân biệt đúng sai. Người ăn không ngồi rồi, người đầu trộm đuôi cướp, người si mê nghiện ngập sẽ càng sa đoạ hơn khi tin vào những điều huyền hoặc vu vơ. Họ mặc tình ngang nhiên làm nhiều điều phi pháp để kiếm tìm sự hưởng thụ cho thỏa thích vì sợ sau khi chết sẽ làm ma ngáp ruồi. Tất cả những hạng người ấy đều phải chịu quả khổ đau vô cùng tận không có ngày thôi dứt vì quan niệm sai lầm. Hiện tại, những quả báo chung của các loài có tình thức như thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt, hoả hoạn, chiến tranh dường như đã được sắp sẵn và đang xảy ra trên thế giới này. Chúng ta có thể biết được nhờ vào mạng lưới thông tin, báo chí hằng ngày; nhưng chúng không đồng loạt, khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia, hậu quả từ nhân phá hoại sự sống lẫn nhau trên trái đất. Riêng con người thì thông minh hơn, ác độc hơn vì có hiểu biết hơn nên có thể giết hại tất cả các loài vật khác, thậm chí có thể giết hại luôn gia đình, người thân của mình. Con người phát triển, mở mang tới đâu thì tàn hại và huỷ diệt thiên nhiên, muôn loài vật tới đó. Giết hại con người thì mạng đền mạng hoặc chịu tù từ 10 năm cho đến chung thân, hơn thế nữa sẽ bị chi phối bởi luật nhân quả mà âm thầm nhiều kiếp bị chết yểu, bệnh hoạn và bị giết hại trở lại. Giết hại con người thì quả báo nặng hơn các loài khác vì có cộng nghiệp người thân trả thù nên ảnh hưởng nhân quả rất lớn. Giết hại các động vật có tâm thức thì tuỳ theo mức độ cố ý hay vô tình mà thủ phạm phải chịu trả quả bị thương tật, chết chóc, hoặc có thể bị tai nạn chung với nhiều người như thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông… Rất nhiều nghiệp nhân khác làm hủy hoại trái đất để phục vụ nhu cầu cuộc sống cho con người như chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi làm môi trường ô nhiễm, quả báo phải trả là tai hoạ chung của toàn nhân loại do nhân phá hủy sự sống mà ra. Người con Phật với tinh thần từ bi, trí tuệ mỗi ngày hãy nên quán sát và xem xét từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trong từng phút giây không lơ là, giải đãi, muốn ít biết đủ, không xan tham quá mức những nhu cầu hằng ngày. Con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau để cân bằng sinh thái của bầu vũ trụ bao la này, nếu không con người sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau và sống trong oán giận thù hằn bởi nhân đấu tranh, giành giựt, chiếm đoạt. Sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời chính là do nhân ham muốn, luyến ái dục lạc mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài thì phải chịu quả báo khổ đau cùng cực. Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta nhận biết được cuộc đời là một trường đau khổ và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người từ vua chúa, quan quyền cho đến dân đen con đỏ nên phải biết khôn ngoan sáng suốt lựa chọn con đường hướng thượng để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhờ giữ gìn 5 Giới của nhà Phật: không giết hại, trộm cướp lường gạt, tà dâm, nói dối và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke-ma túy để làm tổn hại cho nhân loại. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không bao giờ kể xiết. Nó đeo đẳng, chi phối đời sống của ta như bóng theo hình. Người nghèo phải khổ vì dãi nắng dầm mưa, đầu bán cho trời, lưng bán cho đất, nợ nần chồng chất, con cái thất học, bệnh tật đau yếu, vợ chồng ly tán. Người giàu phải khổ vì quyền cao chức trọng, sợ người tài giỏi hơn mình, luôn sống trong lo âu vì sợ tiền tài bị mất mát và nỗi khổ đau nhất là con cái bất hiếu, phá sản vì bê tha, nghiện ngập. Xét cho cùng, đã có thân này là có khổ, cho nên ta cần phải cố gắng tu tâm dưỡng tánh để biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh nên đã chỉ ra nỗi khổ niềm đau, chỉ dạy phương pháp dứt khổ để chúng ta cùng được sống trong bình yên, hạnh phúc. Khổ là một sự thật. Phần lớn mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ đâu ra? Từ sự chấp trước thân tâm này làm ngã là ta, là tôi, là mình nên muốn chiếm hữu, rồi từ đó tham muốn quá đáng mà sinh ra các hệ lụy khổ đau. KHỔ ĐAU KHI MỚI SINH RA Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam trên hai ngàn năm nay hầu như đã thấm nhuần trong lòng dân tộc về lẽ thật hư của cuộc đời chính là nhờ nói đúng lẽ thật, phù hợp với tinh thần khoa học hiện nay, giúp cho con người có nhận thức sáng suốt và hiểu biết đúng như thật. Cho nên, Phật giáo rất thực tế, không phải huyền hoặc. Những người lớn tuổi không tìm hiểu đúng Chánh pháp do ảnh hưởng quá nhiều các tín ngưỡng dân gian nên vì vậy mà một số người nghĩ đạo Phật là bi quan yếm thế, chán chường. Đó chính là những nguyên nhân khiến cho Phật pháp đi đến suy tàn. Nếu chúng ta cứ để như thế thì các thế hệ Phật tử về sau chắc chắn sẽ tránh xa đạo Phật vì thấy đạo Phật không còn thích hợp với thời đại mới, với nền khoa học hiện đại. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu 8 loại khổ qua cách nhìn của đạo Phật: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìa khổ, mong cầu không như ý khổ, oán ghét gặp nhau khổ, thân này thịnh hay suy cũng đều khổ. Chúng tôi xin dẫn bài kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân của đức Phật dạy 5 vị Tỳ-kheo trước kia đã từng theo Ngài tu khổ hạnh. Đó là bài kinh nói về Tứ diệu đế. Đây là bài kinh hết sức cụ thể, thực tế, không có gì khó hiểu hay huyền hoặc. Tứ diệu đế là bốn chân lý nhiệm mầu chắc thật, trong đó đế đầu tiên là Khổ đế, nghe từ Khổ đế mọi người đều vội vàng kết luận đạo Phật bi quan quá. Khổ đế, chữ “đế” nghĩa là chắc thật, không sai chạy. Như vậy, cái khổ Phật đưa ra là một lẽ thật không ai chối cãi được. Khổ có mấy thứ? Đầu tiên là khổ về thân. Thân này có sinh-già-bệnh-chết, bốn thứ đó Phật nói là khổ. Có người chưa chịu sanh là khổ, vì lúc mới lọt lòng mẹ có biết gì đâu mà khổ. Nói không biết gì thì hơi quá đáng, nếu không biết thì ai khóc? Biết khóc tức là có cảm giác khổ, trăm đứa bé lọt lòng mẹ đều khóc, chứng tỏ chúng có cảm thọ khổ. Đó là khổ khi sinh. Như vậy, đời sống của chúng ta thường gặp khổ nhiều hơn vui. Khi lọt lòng mẹ đã có cảm giác khổ nên trong cuộc sống kéo dài mấy mươi năm cũng khổ. Vì vậy, Phật nói sinh khổ chúng ta chối cãi được không? Thế nhưng, nhiều người lại cứ tưởng như vui, đó là vui trong tưởng tượng thôi chớ không có thật. Vậy mà thiên hạ cứ bảo cuộc đời là hạnh phúc bởi vì nó có nhiều thú vui làm cho con người đam mê say đắm, dính mắc vào đấy mà chịu muôn vàn sự khổ đau. Thực tế, hạnh phúc thì quá ít mà đau khổ thì quá ê chề. Đó là khổ thứ nhất, sinh khổ. Sinh khổ là nỗi khổ trong sự sinh ra. Loài người khi ở trong thai đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào cảm thấy như ở trong giá băng, lúc ăn thức nóng vào cảm thấy như bị nung đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp, tối tăm và nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa; rồi từ đó khi lạnh-nóng, đói-khát, muỗi kiến cắn đốt chỉ biết kêu khóc mà thôi. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy nên Ngài mới xác quyết rằng sinh là khổ. Sinh khổ theo tuệ giác của Thế tôn có 5 loại: – Thọ thai: Lúc thần thức gá vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ chật chội và dơ bẩn, chịu nhiều bó buộc. – Chủng tử: Sau khi thần thức gá vào tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ, thân thể sẽ tùy theo hơi thở của mẹ mà tồn tại, không được tự do thoải mái bởi do nghiệp lực chiêu cảm. – Tăng trưởng: Thần thức, thân thể ở trong bụng mẹ tăng trưởng mỗi ngày, dưới ruột non, trên ruột già, nằm ở giữa như ở tù. Thai nhi sống nhờ thức ăn thức uống của mẹ và sự hô hấp mà phát triển theo từng giai đoạn. – Khi được sinh ra: Trải qua gần 10 tháng, thai nhi đã phát triển đầy đủ, đây là thời điểm người mẹ chuyển dạ để sinh. Suốt thời gian dài nằm trong bụng mẹ, sự sống hoàn toàn nương vào mẹ, được mẹ nuôi dưỡng, nâng niu, che chở. Khi thai nhi rời khỏi bụng mẹ, thân thể với da thịt non mềm phải tiếp xúc môi trường mới với khí trời lạnh-nóng, gió-mưa, các vật dụng xúc chạm… sẽ cảm nhận đau buốt như bị châm chích. Bé đau nhưng chưa nói được mà chỉ biết khóc, vì thế chúng ta cần phải có thao tác nhẹ nhàng với em bé mới sinh ra. – Chủng loại: Mỗi thai nhi đều có một hình tướng thân mạng nam hay nữ với tướng mạo đầy đủ, xinh đẹp hay khiếm khuyết, xấu xí… Con người khổ trong sự sinh sống và khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp là khổ, mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc cũng là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ cũng khổ vì phải lo lắng cưu mang và cho ăn uống để duy trì mạng sống. Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, làm việc nhọc nhằn vất vả nên cũng khổ. Sự sinh sống của con người có hai phần khổ: Khổ trong lúc mới sinh ra và kế tiếp là khổ trong đời sống. Khổ trong lúc sinh, người sinh và kẻ bị sinh đều khổ. Khi người mẹ mới có thai là đã bắt đầu biếng ăn, mất ngủ, nôn ọe, dã dượi, bất thần, mệt mỏi… Thai mỗi ngày mỗi lớn thì người mẹ mỗi ngày mỗi thêm mệt mỏi, nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp. Đến khi gần sinh, sự đau đớn hành hạ xác thân người mẹ không sao nói xiết, chỉ có những người từng làm mẹ mới cảm thông cho nỗi đau này. Dầu được thuận thai đi nữa thì mẹ cũng phải chịu sự dơ uế cả tháng trời, yếu đuối nhiều tháng vì tinh huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém, nếu không có cha mẹ hai bên chăm sóc thì lại càng khổ não hơn. Còn rủi bị nghịch thai thì mẹ phải bị mổ xẻ, đau đớn trăm bề, có khi sau một lần sinh bị giải phẫu mà mẹ phải chịu tật nguyền suốt cả cuộc đời. Còn con, từ khi mới đầu thai cho đến lúc chào đời cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Trải qua 9 tháng 10 ngày con bị giam hãm trong khoảng tối tăm, chật hẹp còn hơn cả lao tù ngục tối. Mẹ đói cơm, khát nước thì con ở trong thai bào lỏng bỏng như bong bóng phập phòng. Mẹ ăn no thì con bị ép như bồng bột bị đè dưới thớt cối, khó bề cựa quậy. Đến kỳ sinh sản, thân con phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bể nên khi vừa thoát ra ngoài liền cất tiếng khóc vang: "khổ a! Khổ a!" Xét về phương diện vật chất hay tinh thần, đời sống con người đều có nhiều khổ sở. Về vật chất, con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như món ăn, thức uống, đồ mặc, nhà ở, thuốc men… Để có được những nhu cầu cần thiết ấy, con người phải siêng năng làm việc vất vả nhọc nhằn, đổ mồi hôi sôi nước mắt mới mua được chén gạo bát cơm, manh quần tấm áo và các phương tiện sống khác. Về phương diện nhà ở thì có những gia đình phải thuê phòng trọ ở tạm qua ngày vì không có khả năng tạo dựng được một ngôi nhà nho nhỏ. Cuộc sống của con người chẳng phải đợi đến cảnh đói khát mới gọi là khổ, ăn uống thất thường, thiếu thốn đủ mọi thứ cũng đã là khổ rồi. Đâu phải chỉ có những người nghèo hèn thiếu thốn, khó khăn mới khổ đâu? Người giàu có, sang trọng cũng vẫn khổ như thường. Muốn có tiền bạc vật chất dồi dào thì tất nhiên họ phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, đầu tắt mặt tối trong công việc, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Xét về phương diện tinh thần, đời người cũng có nhiều điều khổ tâm, nhiều khi còn đau khổ hơn cả những thiếu thốn vật chất. Tóm lại, xét về vật chất hay tinh thần thì sự sống cũng mang theo nhiều cái khổ. Sinh khổ là như thế bởi vì nó là sự tiếp nối theo quy luật nhân quả nên đời người khổ là lẽ đương nhiên. CÀNG VỀ GIÀ CÀNG KHỔ ĐAU NHIỀU HƠN Nói đến sự khổ trong lúc tuổi già, con người khi già yếu thì mắt mờ tai điếc, gối mỏi lưng còng, chân tay run rẩy, ăn không có cảm giác ngon miệng, ngủ không ngon giấc, trí nhớ giảm sút đáng kể, làn da khô nhăn, răng thường đau nhức và rụng bớt. Người tuổi già thường hay lú lẫn, đây là nỗi khổ niềm đau của người già. Dù cho thanh niên cường tráng hay thiếu nữ khỏe mạnh thì theo thời gian rồi cũng phải đối đầu với sự già yếu này. Chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại cuộc đời của đức Phật, có một lần khi đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già ốm o gầy mòn, dung nhan tiều tụy phải dùng gậy chống đỡ và vừa đi vừa thở hổn hển rất đau khổ. Ngài thấy cảnh tượng như thế mới quán xét và chiêm nghiệm rồi đây mình cũng già nua, yếu ớt và tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm ngài càng thấm thía sâu sắc nỗi khốn khổ của người già nên càng thương cảm họ nhiều hơn. Chúng ta bây giờ thấy người già thì nên biết soi xét lại chính mình để có sự cảm thông và thương tâm đến họ. Thấy người khác già thì chúng ta biết mình cũng sẽ già, từ đó ta có sự tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ những người già nhiều hơn. Đồng thời, chúng ta quyết tâm sống và tu tập để biết cách làm chủ bản thân mà thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già. Phật dạy sinh-già-bệnh-chết khổ, đó là một sự thật của kiếp người. Già là khổ. Vì sao già lại khổ? Hiểu biết, nhận thức giảm sút, mắt mờ tai điếc, đi đứng lọng cọng, gối mỏi lưng còng, ăn uống khó khăn… Già như vậy quả thật là khổ. Rồi sao nữa? Bệnh là khổ. Quý vị nào có vào bệnh viện sẽ thấy cảnh từ em bé sơ sinh cho đến người già bệnh phải nhập viện nhưng không đủ chỗ nằm, thậm chí phải nằm ngoài hành lang. Người già lại thường chậm chạp, luống cuống trong mọi sinh hoạt hằng ngày khi ăn uống, đi đại tiểu tiện… và thường làm nhớp nhơ. Con cháu dù thân thương đến đâu cũng sanh nhàm chán, bực bội, xa lánh, sao lãng bổn phận. Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người già chịu nhiều đau khổ. Chỉ có những người con chí hiếu dù ở hoàn cảnh nào cũng thương yêu, kính quí, chăm sóc chu toàn cho ông bà, cha mẹ. Quả thật, tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu nếu không biết tu sửa. Thời thanh niên cường tráng đã qua, thời già nua suy yếu đến, mạng sống con người cứ rút ngắn theo thời gian và cuối cùng thể xác đi dần đến hư hoại. Có những người lớn tuổi già yếu rồi nhưng khi ngồi với nhau chỉ nói toàn những chuyện quá khứ hào hùng như để khoe hay, khoe giỏi nên khi con cháu không đáp ứng nhu cầu cần thiết thì cau có, giận dỗi, buồn phiền. Nhiều người bây giờ đã già mà vẫn không chịu biết mình đang già, nếu khéo nhìn lại thì sẽ thấy rõ mình đã già yếu, bây giờ cần phải dốc tâm tu tập, kiếm chút ít tư lương, tích tạo phước đức để ngày ra đi được an ổn, nhẹ nhàng. Chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật là đã biết cách học theo hạnh giác ngộ của đức Phật. Lúc còn trai tráng, thái tử đang là một người có đầy đủ tất cả quyền uy, thế lực, văn võ song toàn. Vậy mà khi thấy người già thì liền biết mình rồi cũng sẽ già nua và ốm yếu như thế. Thấy rõ cuộc đời không có gì đáng để gọi là vui nên Ngài đã quyết chí xuất trần. Nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu tột được như vậy là chúng ta đã biết học theo cái nhìn của bậc giác ngộ. Trong thực tế, con người khi già rồi các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần đau nhức và chuyển rụng. Lắm kẻ tuổi già lờ lẫn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thương tiếc giúp đỡ nhưng lâu ngày cũng sanh nhàm chán, muốn bỏ bê. Xét ra, cái già thật không có gì là vui thú, nếu chúng ta không biết tu tập chuyển hóa thì càng già càng khổ hơn. THÂN THỂ BỆNH HOẠN ĐAU NHỨC HÀNH HẠ KHỔ Thân bệnh là sự khổ đau trong cơn đau bệnh. Có thân là có bệnh, từ những loại bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm đến các chứng bệnh nặng thuộc nội thương. Trong cuộc thế có rất nhiều người vướng phải những bệnh nan y như ung thư, lao, cùi, tiểu đường, tai biến… Vướng vào những bệnh nan y tự thân cảm thấy đau đớn lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn. Sự khổ lụy không chỉ riêng mình mà còn khiến cho gia đình, người thân bị ảnh hưởng theo. Bệnh khổ có 2 loại: Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, gánh chịu. Những chứng bệnh này đều do tứ đại không điều hòa mà phát sanh như địa đại không điều hòa thì thân thể nặng nề, phong đại không điều hòa thì thân thể bị tê cứng, thủy đại không điều hòa thì thân thể bị phù thũng, hỏa đại không điều hòa thì thân thể bị nóng bức. Tâm bệnh: Trong lòng luôn ôm ấp những tâm lý khổ não, buồn thảm, bi ai, lo lắng, bất an, sợ hãi, cô đơn trong tuyệt vọng… Rồi một lần khác thái tử thấy một người bệnh đang rên đau, ngài nghĩ hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy, cùng là thân người như nhau nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc ngài cũng sẽ bị bệnh như mọi người, đã bệnh thì phải đớn đau, khổ sở trăm bề không có gì là vui hết. Từ đó, thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong ngài càng được nung nấu mạnh mẽ hơn. Chúng ta thấy được như vậy thì không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh hoạn khổ đau chi phối. Từ đó, chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng mọi người, không thờ ơ hay xem thường một ai. Chúng ta thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, ta cũng sẽ có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ. Thấy người khác bệnh, ta biết mình rồi cũng sẽ bệnh, từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật nên ta không bám víu, dính mắc. Khi chúng ta không bám víu thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não sẽ không còn. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh nên thiện căn được tăng trưởng và giảm sự chấp ngã về thân này. CHẾT LÀ NỖI KHỔ LỚN LAO NÊN AI CŨNG SỢ Thứ tư là chết khổ. Như chúng ta thấy, người thân khi sắp lâm chung đau đớn, quằn quại rất thống khổ. Đó là chưa kể thần thức hôn mê, người sắp chết thấy những cảnh giới gì đó hiện ra, lòng họ hoảng sợ, kêu gào, than khóc thật thảm thương. Ai cũng tham sống sợ chết, muốn sống dai, sống già, sống thọ, cho nên nhiều người tìm cách để luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Và chết là một sự thật không tha bất cứ một ai, dù là đức Phật cũng phải xả thọ mạng này khi hết duyên đời. Mình muốn sống hoài mà không được nên ai không biết tu gần chết rất khổ sở vì không biết mình sẽ đi về đâu. Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bệnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết. Thân đã bị bệnh khổ như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc tài sản của cải mình tạo ra, luyến tiếc vợ con trước khi nhắm mắt lìa đời nên lại càng khốn khổ hơn. Chết quả thật là rất khổ nên ai cũng sợ. Chết khổ có 2 loại: Cơn bệnh kéo lâu dài, mạng sống hết nên phải chết. Chết do duyên bên ngoài đưa đến, còn gọi là chết bất đắc kỳ tử như gặp chuyện không may, bị người giết hại, bị tai nạn mà chết, bị chết nước hoặc lửa thiêu, hay vì chiến tranh loạn lạc mà chết. Khi đi ra 4 cửa thành, thái tử thấy một người chết, ngài liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi thì cũng đến lúc mình cũng sẽ chết. Ngài càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần càng nung nấu mãnh liệt hơn. Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn lại một tấm thân tàn ma dại nằm bất động, ai làm gì cũng không biết. Chúng ta bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh người chết thì mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm. Nếu chúng ta thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được cảm xúc mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình mà không tạo nghiệp khổ đau. Phật nói thân hiện tại của chúng ta đây mang tính chất đau khổ từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành rồi già-bệnh-chết, tất cả đều phải trải qua nhiều thống khổ. Đó là một lẽ thật. Mới nghe người ta thấy đạo Phật như bi quan, nhưng thực tế đạo Phật rất lạc quan và yêu đời. Tại vì đạo Phật nói rõ lẽ thật của cuộc đời để mọi người không lầm lẫn mà biết cách làm chủ bản thân trên những khổ vui đó. Như một ai đó đang gánh một gánh nặng suốt một chặng đường dài nên cảm thấy mỏi mệt, đuối sức, nếu lúc đó để gánh nặng xuống thì họ vui hay khổ? Chắc chắn là vui! Còn gánh nặng trên vai thì còn khổ, để xuống hết nặng rồi nên vui, sau khi biết khổ rồi mới thấy vui chớ cái vui ấy không ngoài sự khổ. Cũng chính vì thế, đạo Phật nói rõ nguyên nhân của sự khổ đau để chúng ta biết cách chuyển hóa, tiêu trừ, khi đó khổ hết thì vui đến. YÊU THƯƠNG XA LÌA KHỔ Kế đến là 4 thứ khổ về tâm, tổng cộng vừa khổ thân và khổ tâm là 8 thứ. Nếu kể tiếp theo thì thứ năm là “yêu thương xa lìa khổ”, khổ do thương mến nhau mà phải bị mất mát, bị xa lìa. Trong cái tình yêu thương giữa vợ chồng, con cái, anh em đang mặn nồng, thắm thiết mà bị chia ly thì thật không có gì đau đớn hơn. Sự chia ly có hai loại: sanh ly và tử biệt. Sanh ly khổ: Một gia đình đang sống trong cảnh đầm ấm vui vầy thì bỗng vì hoàn cảnh bắt buộc, hay vì một tai họa thình lình xảy đến như giặc giã, bão lụt, hỏa hoạn… làm cho kẻ ở đầu này trông đợi, người ở góc kia nhớ chờ. Thật đau lòng xót dạ! Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc ta càng thấy rõ. Biết bao thanh niên xa gia đình, người thân dấn thân nơi chiến trận chết chóc đau thương không ngày gặp mặt. Người ở nhớ thương, kẻ đi sầu khổ não nề. Ái nhiều thì khổ nhiều, nếu không có ái thì khổ không thành, bởi vì đâu phải ai đi xa mình cũng khổ, chỉ người mình thương yêu nếu đi xa ta mới khổ đau trong nhung nhớ. Khổ này gốc từ tham ái mà ra. Do khao khát, mong muốn được sống gần người mình thương yêu mà phải xa lìa cho nên khổ. Đó là cái khổ của "sanh ly". Chết vĩnh biệt khổ: Mặc dù xa cách nhau nhưng người còn sống thì còn có ngày gặp gỡ, chết đi rồi bao thuở được sum vầy. Chính vì vậy, đứng trước cảnh chết chóc đau thương, kẻ ở người đi thương tiếc ngậm ngùi. Do đó, lâm phải cảnh tử biệt này có người đã xót thương rầu rĩ đến quên ăn, bỏ ngủ; có người đau đớn, khổ sở cho đến tuyệt vọng muốn chết theo người quá cố. Trong 4 hiện tượng của vô thường sinh-già-bệnh-chết thì "chết" là cái làm cho mọi người lo lắng, sợ hãi nhất. Những người không được may mắn nên bị bệnh nan y như ung thư, bệnh hủi, sida sống thêm một ngày là khổ thêm một ngày, thế mà những người bạc phước ấy cũng vẫn muốn sống đời mà thôi. Chúng ta thấy một người bệnh khi hấp hối bị hành hạ xác thân đau đớn trong khổ sở rồi mới biết cái chết là đáng sợ. Người sắp chết mệt mỏi thở không ra hơi, méo miệng, uốn mình, giăng tay, bẻ chân… Chúng ta thử rờ vào người chết thì thấy lạnh ngắt như đồng, thân thể cứng đơ như khúc gỗ. Con người đang trong cảnh thương yêu mặn nồng chẳng ai muốn xa lìa, nhưng hoàn cảnh trớ trêu kẻ ở người đi trong nỗi nhớ niềm thương. Cái khổ phải biệt ly đối với hai người thương yêu nhau như thế nào thì cái khổ phải hội ngộ đối với hai người ghét nhau cũng như thế ấy. OÁN GHÉT MÀ GẶP NHAU HOÀI CÀNG KHỔ HƠN Thứ sáu là “oán ghét mà gặp nhau hoài khổ”. Ngược lại với mến thương là oán ghét. Người mình ghét mà cứ hiện diện trước mặt hoài làm ta rất bực bội, khó chịu, muốn họ đi đâu cho khuất mắt. Nhưng ngặt nỗi, trên đời này người mình thương thì cứ phải chịu xa lìa, còn kẻ mình ghét lại thường hay gặp gỡ. Cái khổ oán ghét này gốc từ sân hận mà ra, do sân hận nên chúng ta rất khổ sở khi làm việc chung với người mình oán ghét. Chưa nói đến trường hợp những người xa lạ, ngay trong gia đình bà con quyến thuộc giữa vợ chồng, anh em, có khi vì một lý do gì đó mà sanh ra bất hòa cũng đủ khó chịu rồi, muốn lánh mặt nhau mà mỗi khi đi ra đi vào lại phải gặp nhau mãi, quyết không nói chuyện với nhau mà nhiều khi bắt buộc nín không được, phải nói ra với sự ngượng ngùng khó chịu. Oán tắng hội khổ là cái khổ đối với những người mình không ưa thích hay ghét cay ghét đắng, muốn tránh cho khuất mắt mà không thể tránh được vì phải làm việc và sống chung với nhau. Trong cuộc đời ai cũng có người mình mến thương, ưa thích, nhưng cũng có người mình thù hằn, ghét bỏ vì một lý do nào đó. Ngược lại với thương yêu là sự thù hằn, ghét bỏ. Không có gì đau khổ bằng thù ghét mà gặp nhau hoài. Thương và ghét là hai vế đối nghịch nhau, đã thương thì không ghét, đã ghét thì không thương. Vì ta hay ích kỷ, hẹp hòi nên khi thương không được thì sinh ra thù hằn, ghét bỏ, từ sự ganh ghét đó mà mình có thể hãm hại người kia bằng mọi cách. Thù ghét sẽ làm cho ta xấu xí, khổ đau hơn vì tâm niệm ích kỷ, oán giận, hờn mát trong lòng nên lúc nào cũng mong muốn người ấy bị hại, bị khổ, bị mất mát, bị đau thương, thậm chí còn muốn người đó mau chết đi càng sớm càng tốt. Khi ta thù ghét ai thì trước tiên ta sẽ khổ trước vì thái độ bực tức không bằng lòng với hiện tại. Người kia chưa khổ nhưng ta đã tự tàn phá sắc đẹp của mình, thậm chí có khi ta không giằng được cơn nóng giận nên đánh đập, hành hạ người thân vì không biết cảm thông và tha thứ. Ta cứ muốn người kia như bản sao của mình, khác đi một chút thì mình không chịu, mình bám víu, chấp trước, thậm chí nhiều khi mình còn ngoan cố, ép buộc người kia phải làm theo. Ta bây giờ đâu phải như đứa trẻ khi còn tấm bé, ta đang lớn khôn và trưởng thành nên khi mất mát hay bị tổn thất vấn đề nào đó thì phải biết bình tĩnh để suy xét, nhận định. Nhờ vậy, ta không bị mê mờ bởi thói quen ích kỷ, hẹp hòi mà sinh ra thù ghét. Thế giới con người do không có tình thương chân thật nên lúc nào cũng oán giận, thù hằn, ghét bỏ nhau mà sinh ra chiến tranh binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Có khi ta nhân danh đấng thần linh, thượng đế để trừng phạt thiên hạ, tạo ra biết bao nỗi khổ niềm đau làm tổn hại cho nhau. Vì ta thương yêu trong ích kỷ, hẹp hòi do không có hiểu biết nên mình dễ dàng hành hạ, đánh đập người thân khi không làm chủ được cơn sân hận. Ai có tâm niệm thù ghét như thế sẽ không bao giờ tìm được sự an lạc nội tâm vì trong lòng lúc nào cũng chất chứa bao phiền muộn, đau khổ. Khi ta thương yêu, quý trọng lẫn nhau một cách chân tình, tình thương đó có sự bù đắp lâu dài nên mình tìm cách bảo vệ và gìn giữ chúng, đến khi cảm thấy bị người phụ bạc, ruồng bỏ, tìm đến người bạn khác thì cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa chợ đời yêu thương nên tiếc nuối, khóc lóc, hờn giận và cuối cùng dẫn đến thù hằn, ghét bỏ. Một khi ai đã ôm cảm xúc đó vào lòng thì giống như một lưỡi dao bén đang từ từ cứa vào thân thể làm ta thất vọng, đau khổ đến tột cùng. Ta không còn sáng suốt nữa mà điên cuồng trong vô vọng. Nếu đã dùng hết cách mà không chuyển hóa được cảm xúc thù ghét thì ta phải biết rằng mình đang rơi vào hố sâu của ngục tù tội lỗi. Ai dại gì phải chịu như thế trong khi ta có trái tim biết yêu thương, hiểu biết, trái tim tha thứ biết cảm thông. Ta chỉ nhớ, biết mình như thế thì bao nhiêu cảm xúc oán giận, thù hằn, ghét bỏ không có chỗ ẩn núp. Như ta đã biết, mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình có trái tim hoàn hảo và đẹp nhất, tại sao phải tự trói buộc lấy nhau vì tâm niệm thù ghét đó để làm cho gia đình, người thân, bè bạn không có cơ hội gần gũi sống yêu thương nhau. Một khi đã thù ghét nhau rồi thì thế giới bao la sẽ trở thành một góc trời đen tối, nhỏ hẹp. Gặp một người mà ta hằng oán ghét bấy lâu nay, muốn tránh xa mãi mà cũng không sao tránh được, hoàn cảnh này nếu là với gia đình, người thân thì lại càng thống khổ hơn nữa. Thương và ghét là hai điều kiện có thể làm cho con người khổ đau hay hạnh phúc, thương quá sinh nhớ nhung bi lụy cũng khổ, ghét quá mà ngày nào cũng gặp càng khổ hơn. Đúng ra, ta rất khó thương một người chưa từng thương mình, có khi họ thù ghét mình và đã làm cho mình đau khổ. Thương yêu là bản chất của con người, nhưng đa số chỉ thương yêu trong sự ích kỷ, hẹp hòi và có điều kiện nên không bao giờ có lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông và tha thứ. Chính vì sự thương yêu hẹp hòi đó mà dẫn đến ghen tuông, ganh ghét rồi làm khổ cho nhau. Trong cuộc sống, khi con người không có tình yêu thương chân thật với nhau mà chỉ sống trong căm ghét, hận thù thì thế gian này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu vì ai cũng muốn tranh danh, đoạt lợi mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Ai cũng nắm được chiếc chìa khóa của sự yêu thương và ghét bỏ nhờ biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc mà sống thành thật, biết sẻ chia và quý kính, tôn trọng lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc. MONG CẦU KHÔNG ĐƯỢC NHƯ Ý KHỔ Thứ bảy là “mong muốn mà không được như ý khổ”. Những gì mình muốn mà không được thì khổ. Ví dụ đi thi mong muốn được đậu mà lỡ rớt thì sao? - Khổ quá! Ngoài việc thi cử ra còn bao nhiêu thứ cầu mong khác nữa. Như trong công việc làm ăn, trong tình cảm… nhiều người muốn tự vẫn vì cầu mong mà không được toại nguyện. Con người khổ khi không được toại nguyện, như ý do tham muốn, khao khát quá đáng những nhu cầu cần có của bản thân. Chẳng hạn như lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc đầy đủ, lúc no lại muốn giàu sang phú quý, có kẻ hầu người hạ. Ngoài ra còn có những nỗi khổ trong cuộc sống. Ở đời nếu được những việc như ý thì người ta vui, không như ý thì buồn, buồn tức là khổ. Mỗi người chúng ta thử nhìn lại cuộc đời mình xem được nhiều điều như ý hay bất hạnh khổ đau? Người có diễm phúc thì điều bất như ý ít hơn, nhưng tất cả đều có việc bất như ý. Đã bất như ý thì khổ hay vui? Đương nhiên là khổ! Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mình không thích hoặc oán ghét. Người ta ở đời hễ hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Bất luận trong một vấn đề gì, số người được toại nguyện thì quá hiếm hoi mà kẻ bất như ý thì không sao kể xiết. Muốn được kết quả tốt đẹp người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu năng lực, lao tâm tổn trí, mất ăn bỏ ngủ, chỉ mong sao cho chóng đến ngày thành công. Thế rồi, chẳng may những điều mong ước ấy không thành, sự đau khổ không biết đâu là bờ bến. Chúng tôi xin nêu lên vài thí dụ về những thất vọng mà người đời thường gặp nhiều nhất. Thất vọng vì công danh: Trong đời, danh vọng thường là một miếng mồi ngon mà phần đông người đời ưa thích, nhưng miếng mồi ấy phải đâu dễ giành giật được. Không nói gì đến những kẻ nhảy dù muốn làm quan tắt nên phần nhiều hay thất bại, chỉ nói đến trường hợp những kẻ mong cầu danh vọng một cách chánh đáng bằng năng lực, tài trí của mình thôi cũng phải nếm bao mùi thất bại, cuối cùng may ra mới được thành công. Thất vọng vì phú quý: Số người thất vọng vì công danh đã nhiều, nhưng số người thất vọng vì phú quý cũng không phải ít. Muốn cho mau giàu nhiều người tìm mưu này chước nọ để lừa phỉnh người ta, nhưng rồi mưu gian chước lận đỗ bể ra, tài sản bị tịch thu, bản thân bị tù tội, gia quyến bị nhục nhã theo thật là khổ. Thất vọng vì tình duyên: Tình duyên cũng là một điều làm cho bao người phải điêu đứng, khổ sở. Trong trường tình ái thử hỏi mấy ai được toại nguyện, nhan nhãn trên báo chí hằng ngày những câu chuyện tình duyên trắc trở đưa đến sự quyên sinh thật không sao kể xiết. Đấy là "cầu không được cho nên khổ". THÂN NĂM ẤM KHÔNG HÒA HỢP KHỔ Điều thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ, tức sự khổ về 5 ấm hưng thịnh. 5 ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, 4 ấm kia thuộc về tâm hay còn gọi là phần tinh thần. Điều thứ tám này bao quát 7 món khổ trước: thân thì sanh-già-bệnh-chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; tâm thì buồn giận, thương ghét, phải quấu, tốt xấu, đúng sai, trăm điều phiền lụy. Khổ do thân 5 ấm này chung hợp lại, vì sự chung hợp này được kết nối bởi các nhân duyên có khuynh hướng trái nghịch, bên trong luôn mâu thuẫn, chống trái nhau, vì vậy mà khổ. Nhiều người còn trẻ nghe nói thân này khổ không tin vì họ nghĩ đến tương lai hạnh phúc, như vậy làm sao khổ được. Có người nói rằng khi nào xúc chạm phải những điều trái ý mới khổ, nếu xúc chạm những điều như ý thì đâu có khổ. Phật nói thân này là gốc của khổ. Tại sao? Tại vì thân này vô thường đổi thay nên rồi ai cũng sẽ già, bệnh và cuối cùng là chết. Quý Phật tử khi 30 tuổi ít ai nhớ rằng mình sẽ già chết mà cứ nhớ hồi còn mười tám, hai mươi. Phật nói thân này biến hoại vô thường cho nên khổ, chớ không có cái vui lâu dài. Thật ra, Phật dạy khổ không có nghĩa để chúng ta ôm ấp nỗi khổ đó suốt đời. Phật nói khổ để mình biết rõ nguyên nhân để tìm cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Khổ không phải tự dưng mà có, chính Tập đế là những cội gốc của phiền não, là tập nhân tạo thành nên quả khổ. Cội gốc phiền não đó còn được gọi là căn bản phiền não gồm 6 thứ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. 6 thứ này là nhân tạo thành quả khổ cho con người, nếu ai diệt hết 6 thứ đó sẽ hết quả khổ. Cho đến ngã mạn, tức thấy ta cao, ta quan trọng, do thấy như thế nên khi sắp mất rất khổ. Bây giờ nếu thấy ta là hư giả, tạm bợ thì có phách lối với ai không, thân này sắp hoại có khổ không? Sở dĩ chúng ta khinh người là vì thấy mình cao quí quá, quan trọng quá. Bây giờ thấy mình là tạm bợ, giả dối thì đâu có gì quan trọng, không trọng mình nên đâu có khinh người. Rõ ràng, chỉ cần chúng ta có một chút trí tuệ thấy đúng như thật thì khổ về sinh-già-bệnh-chết sẽ từ từ giảm bớt. Nếu lý giải bằng trí tuệ thì thân này thật không có gì quan trọng hết, chẳng qua chỉ là một nhóm nhân duyên tụ hội lại chớ có gì đâu. Nhiều người thường vỗ ngực xưng “tôi”, nhưng hỏi cái gì là tôi thì trả lời không chạy. Nếu da thịt là tôi thì khi nó bệnh bác sĩ mổ bỏ đi thì cái tôi đó thành gì? Chỉ cần da thịt có vết thương hôi thối thì lúc đó mình quí hay muốn bỏ? Khi còn lành lặn ta thấy quí, khi nó hư hoại xem không ra gì, bỏ đi không chút thương tiếc. Rõ ràng, “cái ta” không phải những gì mình đang mang đây. Lúc nào mình cũng thấy cái ngã là quí, là thật nên khổ vì nó. Nếu chúng ta biết cái ngã không thật, không quí thì bỏ nó một cách dễ dàng, không đau khổ tí nào hết. Còn ngã mạn vì thân là còn đau khổ, hết ngã mạn mới hết đau khổ. Đó là năm ấm xí thạnh khổ. Con người vì lòng ham muốn quá mức như giếng sâu không đáy, khi chưa được thì muốn cho bằng được, khi được rồi thì lại sanh nhàm chám muốn tìm thứ khác. Người biết tiết chế được lòng tham thì cuộc sống an nhàn và thảnh thơi, không bị cuộc sống ràng buộc. Từ nghiệp nhân ngu si, mê muội mà nhân loại đã tạo ra từ vô thủy kiếp đến nay, nếu không có duyên và may mắn gặp được thầy lành bạn tốt thì cuộc đời chúng ta có thể rơi vào ngõ cụt, đó là một sự thật. Do si mê, tham đắm mà chấp thân-tâm làm ngã, từ đó muốn chiếm hữu về mình nên suy nghĩ, hành động sai lầm, thấy có ta, người và muôn loài, muôn vật nên bám chấp vào đó. Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, nó thường hay suy tư, nghĩ ngợi nên gọi là ý nghĩ; nó hay nhớ nghĩ về quá khứ hoặc hiện tại gọi là ý niệm; nó hay tưởng tượng, mơ mộng hão huyền nên gọi là ý tưởng và nó có công năng phân biệt, hiểu biết nên gọi là ý thức. Do phân biệt, hiểu biết sai lầm nên ý thức không rõ được thực tướng của các pháp là vô ngã, không có chủ thể cố định, từ đó sinh ra thấy biết sai lầm mà chấp ta, người, chúng sinh. Sự bám víu vào “cái ta” rồi đến “cái của ta” như vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, đất nước của ta. Dưới cái nhìn của người thế gian như thế đâu có gì sai quấy, thế gian này nếu không bám víu vào “cái ta” và “của ta” thì con người sẽ sống ra sao? Vì cuộc sống này như vậy nên chúng ta không thể làm khác được, còn sự sống là còn có tham muốn, nhưng ta phải tham muốn thế nào cho phải lẽ. Ở đây, Phật vì lòng từ bi chỉ cho ta biết thân-tâm này không thật ngã để mọi người bớt luyến ái, chấp trước mà làm khổ cho nhau. Thật ra, đã làm người khó có ai muốn ít biết đủ, chỉ một bề mong cầu được nhiều mà không bao giờ nhàm chán. Tham muốn càng nhiều thì tội lỗi càng phát sinh, càng gây ân oán, hận thù cho nhau không có ngày thôi dứt. Do vô minh mà sinh ra vọng động. Do có vọng động mà sinh ra vọng thức. Do có vọng thức mà sinh ra phân biệt có đủ thứ ta, người, chúng sinh. Do có sự phân biệt ta, người mà sinh ra xúc chạm. Do có sự xúc chạm mà sinh ra cảm thọ. Do có cảm thọ mà sinh ra tham ái, luyến tiếc và từ đó bám víu, dính mắc vào sự hiện hữu của nó nên sống chết, khổ não, ưu sầu, buồn lo đủ thứ. Chữ “sân” trong Hán cổ biểu hiện một môi trường sống khi con người cảm thấy không hài lòng vừa ý, bực tức, xung đột, bất bình dẫn đến mâu thuẫn đối kháng gây hận thù và làm khổ đau cho nhau. Sự tức giận của con người có nhiều cấp độ khác nhau như nói lời mỉa mai, cay cú, hằn học, mắng chửi, giận dữ, quát tháo, hờn mát, oán thù, đánh đập, chửi bới, hù dọa, triệt tiêu và hủy diệt nhau. Sân hận là âm Hán Việt, là từ ngữ chỉ chung cho loại phiền não có tính cách bốc lửa. Sân có nghĩa là nóng giận, mỗi khi có sự việc bất bình không được hài lòng, vừa ý là nó bộc phát mạnh ra bên ngoài. Hận có nghĩa là hờn mát âm ỉ sôi sục bên trong, nói cho đủ là giận hờn. Một khi con người sân hận cộng với giận hờn mà không đủ khả năng hóa giải thì lâu ngày trở thành thù ghét, do đó lúc nào cũng muốn tìm cách trả thù hay rửa hận. Giận là lời nói tắt của từ nóng giận, hờn là từ nói tắt của chữ hờn mát, gọp chung lại là giận hờn. Sân hận có nghĩa là giận hờn. Khi chúng ta giận hờn ai đó mà cứ ghim mãi trong lòng thì lâu ngày trở nên thù hằn, ghét bỏ rồi tìm cách trả thù thích đáng, khi có cơ hội là ra tay liền. Giận hờn là một thói quen xấu có tính cách hại người, hại vật, dù nặng hay nhẹ thì chắc chắn cũng làm tổn hại đến những người xung quanh. Không phải ai khi đã thức tỉnh thì chỉ một lúc là các tập khí, thói quen xấu dứt trừ được hết. Kết quả còn tùy theo sự huân tập tật xấu nhiều hay ít của mỗi người. Trong khi đó, Phật dạy thân này do bốn chất đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại mà thành nên không có gì là thực thể cố định cả. Cái được gọi là ta, là của ta cũng không thật, ai chấp vào đó thì sinh ra luyến ái, bám víu mà lầm tưởng là thật ta nên mới chấp ngã, từ đó sinh ra chiếm hữu. Ai nghĩ và làm như vậy tức là người vô minh nên lúc nào cũng sống trong đau khổ, lầm mê. Tâm thì suy tư nghĩ tưởng, hết nhớ chuyện này đến nhớ chuyện kia không lúc nào dừng nghĩ, khi thì nghĩ tốt, lúc thì nghĩ xấu, có khi thì hiền như nai tơ, có lúc thì lại dữ như cọp sói. Người có chút ít công phu do kiên trì, bền bỉ, biết cách buông xả vọng niệm nên có khi ngưng bặt mọi suy nghĩ. Từ cái thấy “thân kiến” là cái thấy sai lầm về thân, tức chấp vào sự hiện hữu của cơ thể con người là tôi, là của tôi nên từ đó bắt đầu chiếm hữu. Ai đụng đến “cái tôi” này thì có sự phản kháng mãnh liệt, do đó dấy khởi phiền não tham-sân-si mà dẫn đến tranh đấu giành phần thắng lợi về cho riêng mình để loại trừ lẫn nhau. Quan niệm về thân kiến này sẽ trường tồn mãi mãi và chỉ có hai con đường để ta chọn lựa, một là lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao, hai là xuống địa ngục chịu khổ đau lâu dài. Đó là cái thấy sai lầm do không có sự thể nghiệm thực tế, không có sự trải nghiệm bản thân mà làm cho con người mất hết quyền làm chủ chính mình trong cuộc sống hiện tại. “Biên kiến” là cái thấy một bên, nghĩa là tin có một linh hồn bất tử sống đời không thay đổi, tức là thường còn mãi mãi cùng quan niệm chết là hết, tức là không còn gì nữa, chỉ có một đời sống hiện tại mà thôi. Linh hồn bất tử là cái hồn sáng không bao giờ mất, nói như vậy có phù hợp với chân lý hay không? Thường thì con người thế gian lấy bản ngã làm tâm điểm, nhân danh đấng thần linh thượng đế để tạo ra sự bất công và muốn chiếm hữu nên đã gây ra nhiều tội lỗi cho muôn loài vật. Tất cả những điều này là do cái thấy biết sai lầm của một số người thế gian, họ lạm dụng sự thiếu hiểu biết của nhân sinh mà áp đặt số mệnh để con người phải chấp nhận phục tùng một cách mù quáng như một tín đồ mà không có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần yêu thương đùm bọc, giúp đỡ sẻ chia để cùng nhau sống với trái tim hiểu biết. Ý thức được khổ đau do sự si mê chấp ngã gây ra mà con người đành lòng nhẫn tâm giết hại lẫn nhau để bảo tồn cái thân vô thường bại hoại này, chúng ta thử lắng dừng tâm tư một chút để nhìn thấy rõ cuộc đời là một dòng trôi chảy biến thiên không dừng hẳn ở một phút giây nào, không đứng mãi một vị trí nào. Quan niệm cố giữ và chiếm hữu là nguyên nhân của sự thấy biết sai lầm do sự si mê chấp ngã mà ra. Thân này rồi cũng phải già nua mà chúng ta muốn trẻ mãi không già, thân này bệnh hoạn đau nhức mà chúng ta muốn sống hoài không bệnh, thân này thở ra mà không còn thở vào thì coi như bị ngủm cù đèo mà chúng ta muốn sống hoài không chết. Một sự thật quá rõ ràng mà ít ai nhìn thấy, chúng ta thử quán chiếu cuộc đời này với những cái có hình tướng coi nó có mãi trường tồn hay không. Thân này sinh-già-bệnh-chết mà chúng ta muốn nó không già-bệnh-chết làm sao được? Chúng ta thường xuyên quán chiếu về thân như thế và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có nhân duyên, nhờ vậy những tâm niệm tham-sân-si dần dần rơi rụng bớt theo thời gian cho đến khi ý không còn suy nghĩ xấu nữa mà hay làm các điều thiện lành và không bám víu vào việc làm tốt đó thì thành tựu viên mãn công hạnh Bồ tát. 8 cái khổ trên không phải tự có mà do các thứ bệnh sinh ra là bệnh tham, bệnh sân, bệnh si, bệnh mạn, bệnh nghi, bệnh ác kiến. Riêng bệnh nghi có chia ra hai thứ. Thứ nhất là nghi do phân vân, không quyết đoán điều hay lẽ thật. Cái nghi này làm chướng ngại việc tu. Cái nghi thứ hai trong nhà Thiền thường dùng câu “đa nghi đa ngộ”, nghĩa là nghi nhiều ngộ nhiều. Tại sao? - Vì cái nghi của nhà Thiền là nghi để phăng tìm, do phăng tìm mới sáng lên, còn cứ một bề nghe sao hay vậy, không thắc mắc gì cả thì không bao giờ hiểu thấu đáo được nên mới nói “đa nghi đa ngộ”. Cái nghi này là nghi tốt, giúp cho chúng ta tiến trên con đường tu. Cuối cùng là bệnh ác kiến, đây là bệnh rất trầm trọng. Chữ “kiến” là nhận định, chữ “ác” là sai lầm. Khi nhận định và thấy biết sai lầm, ta lại cố chấp nhận định của mình là đúng thì trở thành ác mà gây ra tội lỗi. Vì nhận định sai lầm mà cố chấp vào đó sẽ dẫn đến dám làm những điều tai họa cho nhân loại. Do đó, ác kiến là cái nguy hiểm nhất. Song, ở thế gian lại có nhiều ác kiến. Ví dụ, chúng ta nghĩ tu là được vui, được sinh về các cõi lành hoặc được giải thoát nên cứ tu cho mình mà không nghĩ tới những người chung quanh như cha mẹ, anh em…, không cần biết tới mọi chuyện trong sinh hoạt hằng ngày, ai ra sao mặc họ, miễn ta yên ổn tu là được. Nếu có người khuyên bảo, nhắc nhở thì ta liền nổi quạu bảo Ma vương phá không cho tu. Ta nghĩ về mình nhiều quá nên càng tu mọi người chung quanh càng chán mình bởi họ thấy ta ích kỷ. Tu mà để cho người ta phiền hà, khó chịu cũng là cố chấp. Cho nên, ác kiến cũng là một trở ngại trên đường tu của chúng ta. Phật gọi 6 thứ bệnh đó là 6 thứ phiền não căn bản, nếu dẹp sạch 6 thứ này ta mới được an vui thật sự. Như vậy, Phật nói khổ không phải để chúng ta chịu khổ mà nói khổ để chúng ta biết cách chuyển hóa hết gốc khổ đau thì được an vui, hạnh phúc. Chính vì thế mới có đế thứ ba là Diệt đế, nghĩa là diệt sạch hết nhân khổ. Khi hết khổ, Phật nói hết khổ chớ không nói vui. Tại sao? Thường thường chúng ta cứ mắc kẹt trên từ ngữ đối đãi khổ-vui, nhưng sự thật hết khổ là vui rồi, vì cái vui này trong tỉnh giác nên thấy biết đúng như thật. Chúng ta nên biết khổ vốn không tự có mà do nhân tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến mới có. Nếu những nhân làm cho mình khổ được diệt hết thì chúng ta sẽ an vui, hạnh phúc. Phật dạy ngay nơi thân này sẵn có tánh sáng suốt thanh tịnh mà hằng chiếu soi muôn sự vật, chúng ta muốn tánh sáng suốt thanh tịnh hiển bày thì phải chuyển hóa tâm phiền não tham-sân-si. Chính bản thân mình phải tự gạn lọc những nhân xấu ác gây ra đau khổ, khi chúng ta chuyển hóa hết nhân đau khổ thì tự nhiên được an vui, tự tại. Diệt hết các nhân khổ gọi là Diệt đế, tức hết khổ. Đạo đế là những phương tiện, những cách thức để chúng ta ứng dụng tiêu diệt các nhân khổ theo lời Phật dạy. Như vậy, bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật rất cụ thể, rất thực tế, không có gì xa rời với thế gian. Đó là vấn đề cần được nêu lên để chúng ta thấy rõ cái gì thực, cái gì hư mà tìm cách gạn lọc và tu tập. Người học Phật phải thấy rõ điều cốt yếu của đạo Phật là giúp mọi người thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sống chết, muốn cứu khổ thì phải chỉ cái khổ cho người ta thấy, kế đó chỉ rõ nhân gây ra đau khổ để tiêu diệt nó. Nhân đau khổ hết thì quả đau khổ cũng hết theo, muốn thế phải có phương pháp cụ thể để ứng dụng một cách thiết thực chớ không phải cầu nguyện suông mà được. Hiểu sâu sắc quy luật duyên sinh và nhân quả thì con người sẽ hạn chế được rất nhiều nỗi khổ, niềm đau xảy ra cho mình và người khác. Nếu chúng ta bớt tham lam thì không có khổ của sự mong cầu quá đáng, bớt ái ngã thì không có khổ khi xa lìa người thân. Đức Phật rất thực tế, cụ thể, không viển vông mơ hồ. Chúng ta tu theo Phật không bao giờ tin suông, khi nào xét thấy rõ ràng nhân quả tương ưng ta mới tin và làm theo. Ví dụ, Phật dạy 8 cái khổ trên là do 6 nhân phiền não căn bản mà có. Thật ra, thân và tâm có mối tương quan mật thiết với nhau, do đó những nỗi khổ ở thân sẽ dẫn đến những nỗi khổ ở tâm và ngược lại, những nỗi khổ ở tâm cũng dẫn đến những nỗi khổ ở thân. Như khi thân đau nhức thì tâm trạng khó chịu, bực bội, dễ sinh nóng giận. Khi tâm âu lo, buồn phiền, căng thẳng thì cơ thể uể oải, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Tuy nhiên, có thể nói đau đớn là những gì khó chịu nơi thân và nỗi khổ là những gì khó chịu nơi tâm, bởi vì có nhiều trường hợp có đau nhưng không khổ, hoặc chỉ khổ chút ít thôi. Điều này còn tùy thuộc vào sự tu tập của mọi người, ai hiểu đạo chỉ đau ở thân chứ không khổ ở tâm. Như người lớn vô tình bị đứt tay chỉ có đau chứ không có khổ, trẻ em đứt tay thì có cả nỗi khổ lẫn niềm đau. Những vị tu hành có định lực và tuệ giác, có sự quán chiếu thâm sâu thì những nỗi khổ, niềm đau không chi phối được người đó. Cuộc sống này có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau do chúng ta tham ái và chấp ngã mà ra. Càng coi trọng bãn ngã, càng tham muốn nhiều thì nỗi khổ, niềm đau sẽ có cơ hội phát sinh. Nhất là những người có sắc đẹp, hình tướng, dung mạo dễ coi, họ sẽ đau khổ nhiều khi bị người khác coi thường, khinh chê. Nỗi khổ, niềm đau cũng dễ bị khuếch đại làm tăng thêm sự chấp ngã do cái “tưởng” của con người. “Tưởng” là tri giác, hồi ức, sự nhớ lại những gì mình thấy nghe, hay biết. Ví dụ, một người bệnh không đến nỗi nào nhưng cứ nghĩ mình bị bệnh nan y nên ngày đêm lo sợ khiến ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần mệt mỏi, bệnh tật càng trở nên trầm trọng. Tất cả đều do “tưởng” mà ra. Khi chúng ta biết rõ cuộc đời vui ít khổ nhiều là do lòng tham muốn quá đáng thì sẽ biết cách tiết chế dục vọng bằng phương pháp "muốn ít biết đủ". NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CÁC SỰ KHỔ ĐAU Khi chúng ta nói về khổ đau, đa phần người ta rất dễ đồng ý, nhưng khi nói đến nguyên nhân của đau khổ thì ngay cả người Phật tử đôi khi cũng khó có được sự nhất quán cái gì là nguyên nhân của đau khổ. Đức Phật nói cuộc đời là bể khổ theo cái vòng lẫn quẫn của nhân quả thiện ác, tốt xấu đan xen chằng chịt, cho nên nước mắt chúng sinh do khổ đau đem tích chứa lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển. Cái khổ là một sự thực hiển nhiên, đã làm người thì ai cũng phải chịu đau khổ ít hay nhiều. Dù giàu nghèo hay sang hèn thì ai cũng có cái khổ riêng của mình nhưng người đời ít ai dám nhìn nhận vào bản chất thật của nó. Tựu trung cái tâm lý chung của người đời là sợ đau khổ và sợ cả việc nghĩ đến đau khổ nên luôn luôn có thái độ lẫn tránh, che đậy hay muốn quên đi bằng cách ẩn mình trong những vui thú nhất thời. Do đó, người đời ít khi muốn bàn đến đau khổ vì ai cũng muốn sống trong sự vui tươi và ai cũng mong cầu hạnh phúc. Nguyên nhân chính của đau khổ là “dục”, tức là lòng ham muốn không có giới hạn như biển sâu không đáy. Con người khổ vì ham muốn sống đời không chết nên cố luyện trường sanh bất tử, ham muốn chiếm đoạt, ham muốn khoái lạc về vật chất lẫn tinh thần, ham muốn tình cảm, nói tóm lại con người ham muốn đủ thứ hết dù phải rơi vào vòng tội lỗi. Khi tham muốn được rồi lại muốn nhiều thêm nữa, muốn mà không được thì sinh ra sân hận tìm cách trả thù. Con người khi thiếu thốn quá cho rằng đó là khổ, bởi thiếu thốn nên ta mong muốn có được đầy đủ, nhưng mong muốn mà không được như ý là khổ, được rồi lại mất càng khổ hơn, mọi đau khổ ở đời đều do nguyên nhân chính là dục. Thân xác chúng ta luôn luôn có những nhu cầu cần được thoả mãn như ăn no mặc ấm, ngủ nghỉ thoải mái, vui chơi giải trí, nhà cao cửa rộng. Đó là những điều kiện mà ta cho là hạnh phúc, rồi đến các nhu cầu sinh hoạt khác như hưởng thụ khoái lạc, danh vọng, chức tước và quyền lực. Khi chúng ta mưu cầu tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, tất nhiên ta phải đụng chạm đến nhiều người khác vì họ cũng đang tìm như ta vậy. Sự ham muốn quá đáng làm cho ta mù quáng, do đó chúng ta chỉ muốn hưởng thụ trên sự đau khổ của kẻ khác. Đức Phật ví sự vui khổ ở đời cũng như những cảm giác khó chịu của người gánh nặng. Khi chúng ta đổi vai đang gánh nặng thì sẽ cảm thấy dễ chịu và vai có gánh thấy nặng nề khó chịu, ta cứ thế mà đổi vai qua lại để có được một chút dễ chịu. Do đó, chúng ta nên biết cái vui lúc nào cũng đi liền với cái khổ, chỉ khi nào chúng ta bỏ gánh nặng xuống hoàn toàn thì mới chấm dứt hẳn cảm giác khổ vui. Bỏ gánh xuống nghĩa là chúng ta đã chuyển hóa được tham muốn, tức là chúng ta đã tự tại, giải thoát vậy. "Chiến thắng mười vạn quân còn dễ hơn chiến thắng lòng mình, chúng ta tự thắng được mình là chiến công oanh liệt nhất." Vào một lần nọ khi lên 8 tuổi, thái tử ngồi xem các nông dân cày ruộng trong lễ hạ điền, tức lễ cày ruộng đầu năm. Khi đất bị cày lên, ngài thấy đủ thứ loại côn trùng tìm cách chạy trốn trong hoảng loạn, chim chóc thấy thế sà xuống gắp ăn. Rồi phía trên cao, những con chim lớn hơn đang canh chụp bắt các con chim nhỏ đó. Nhìn thấy cảnh tượng chúng ăn nuốt lẫn nhau theo quy luật lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, ngay khi ấy thái tử cảm nhận được quy luật sống chết của muôn loài vật. Con vật này sống và tồn tại là từ sự chết chóc đau thương của con vật kia. Con này được sống thì con kia phải ra đi trong oằn oại đau đớn vô cùng. Và tương tự như thế với sự sống của con người, biết bao nhiêu loài vật khác phải chịu đau thương chết chóc để nhân loại được tồn tại. Ngày xưa chưa có quan niệm ăn chay, nhưng khi thấy cảnh các loài vật ăn nuốt lẫn nhau theo nguyên lý lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu thì thái tử đã thấy thương tâm bởi sự sống của chính mình mà làm khổ đau chúng sinh khác. Bây giờ tinh thần ăn chay đã được lan rộng khắp cả thế giới, rất nhiều người thích ăn chay vì tu tập, vì từ bi, vì thương xót, vì giảm bệnh, vì ý thức sự khổ đau khi làm tổn hại các loài vật. Tuy nhiên, thế gian này đại đa số con người vẫn không chấp nhận việc ăn chay vì họ quan niệm rằng vật dưỡng nhân. Nếu sự thật “vật phải dưỡng nhân”, có nghĩa con vật được sinh ra để phục vụ con người, để bồi bổ sức khỏe cho con người thì chúng ta tội gì phải ăn chay lạt đạm bạc. Cái hiểu biết và nhìn nhận như thế là chưa có sự đồng cảm với muôn loài vật, là sự tham lam, ích kỷ của con người không có lòng từ bi thương xót chúng sinh. Thái tử khi còn nhỏ đã biết thương tâm khi nhìn thấy các loài chim ăn côn trùng bởi vì trong ngài đã có tâm từ bi rộng lớn thương yêu bình đẳng tất cả chúng sinh. Chúng ta nỡ lòng nào đi cắt cổ mổ họng, chiên xào nấu nướng những con vật mà không hề nghĩ đến sự đau đớn tột cùng của nó, rồi còn biện luận rằng “vật dưỡng nhân”. Nếu thực sự các loài vật được sinh ra để nuôi dưỡng con người thì con gà, con vịt, con cá, con heo, con bò, con trâu… có thật sự tự nguyện đến mời chúng ta làm thịt, hay là chúng ta vì ham ăn ngon nên khiến chúng phải kêu la thất thanh trong hoảng sợ? Con người quá khôn ngoan, thông minh và lanh lợi, con vật dù lớn tới đâu cũng bị con người khống chế rồi bắt giết. Khi chúng ta rượt bắt thì chúng hoảng sợ và chạy trốn. Chúng chạy trốn tức là chúng sợ đau đớn, sợ bị giết, sợ chết chóc. Như vậy, loài vật chúng không sẵn sàng để cho con người làm thịt, chỉ vì chúng ta tham ăn món ngon vật lạ nên phải giết chúng để ăn rồi đổ thừa vật dưỡng nhân. Chúng ta khi có tu tập sẽ thấy rõ cái vòng lẫn quẫn của sự giết hại nhau là do không có hiểu biết, không có lương tâm, không có tính người và không có lòng từ bi đối với muôn loài vật. Chúng ta không nên vì tẩm bổ cho mình mà để cho các loài vật phải chịu khổ đau. Nghĩ được như vậy thì lòng từ bi của mình được phát triển nên chúng ta ăn chay là để tăng trưởng lòng từ bi. Ngoài ra, nếu chúng ta không giết hại thì không mắc nợ mạng sống, không bị bệnh tật hiểm nghèo hành hạ đau đớn, không bị 6 căn khiếm khuyết hoặc chết yểu. Trước đây khi chúng ta chưa biết ăn chay vì quan niệm sai lầm “vật dưỡng nhân”, quý Phật tử có thể giết heo, mổ trâu, làm gà, làm vịt, làm cá chim đủ loại… Hôm nay, chúng ta đủ duyên đi chùa thực tập hạnh buông xả, phát triển lòng từ bi nên ta ăn chay, sống đời hiền thiện để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Người phụ nữ thời xưa lo việc nội trợ bếp núc trong nhà nên giết hại đủ thứ các loài vật lớn nhỏ để phục vụ cho cha mẹ, chồng con. Ngày hôm nay nhờ gặp Phật pháp chúng ta mới biết tu tĩnh, ăn chay, thực tập hạnh buông xả thuần thục nên dần cảm nhận được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Khi đã tu tập thuần thục chúng ta mới thấy ăn chay làm cho tâm trí ngày càng thêm sáng suốt nên phân biệt được đúng sai, phải quấy, chánh tà… Khi tâm từ tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được sống vui tươi, an ổn, không sợ oán thù vay trả. Ăn chay lâu dài khuôn mặt chúng ta sẽ trở nên hiền từ, thân tướng được trang nghiêm, trong lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Còn khi ăn mặn các chất tanh hôi sẽ làm cho mình thêm si mê, tham lam và sân hận nên dễ dàng nóng nảy, mất tự chủ mà làm tổn hại người khác. Tương lai của chúng ta luôn là sự kết tinh với hiện tại, ngay tại đây và bây giờ ta được bình yên, hạnh phúc thì tương lai cũng sẽ hưởng được nhân quả tốt. Con người ta khi rơi vào trạng thái khổ đau quá lớn thường hay trách móc người thân yêu để rồi gặm nhấm nỗi đau mà than thân trách phận chứ không tự tìm ra lối thoát. Ta tự chấp nhận mình là kẻ khổ đau nhất trên đời này chứ không chịu để ai kéo mình thoát khỏi vực thẳm đen tối ấy. Khi còn nhỏ dại và không đủ nhận thức sáng suốt em bé dễ hờn dễ khóc, nhưng chỉ cần người khác vỗ về đôi chút là em bé trở lại trạng thái bình thường. Vậy nên ta muốn có ánh sáng bình minh, muốn vượt thoát cơn khổ đau tuyệt vọng thì ta phải làm mới lại chính mình bằng cách làm chủ bản thân từ thân-miệng-ý. Cây khô mọc theo triền núi một khi đã sống rồi thì dù có phong ba bão táp cũng không thể làm nghiêng ngã được, chúng ta cần phải sống lại con người chân thật của mình như thuở ban đầu hồn nhiên suốt năm tháng trẻ thơ. Nếu biết nhìn sâu vào nội tâm ta sẽ cảm ơn những ai đã từng làm cho mình dày vò đau khổ, nhờ họ mà ta biết rõ năng lực trong ta còn yếu kém mà cố gắng tu tập chuyển hoá nhiều hơn. Chính những nỗi đau ấy khiến cho năng lực của ta càng thêm thâm hậu vì ta đã ý thức sâu sắc về giá trị của cuộc đời mà quyết tâm làm mới lại chính mình bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ta hãy tin chắc rằng mọi thứ trên đời này đều vô thường, cái gì rồi cũng sẽ đổi thay. Ta sẽ không còn tuyệt vọng nữa bởi vì trong ta đã có chất liệu của tình thương. Thế gian này với vô vàn nỗi khổ niềm đau, mỗi người khổ mỗi cách, có người khổ vì thiếu thốn đói rét, có người khổ vì không gia đình người thân, có người khổ vì gia đình không hạnh phúc. Ai cũng khổ, khó có ai được niềm vui trọn vẹn. Vậy mà Phật nói cuộc đời là khổ thì chúng ta lại nói đạo Phật bi quan, yếm thế. Rõ ràng con người luôn chối bỏ sự thật, chạy trốn sự thật và không chấp nhận sự thật. Chúng ta thử nghiệm lại trên thế gian này từ người giàu sang cho tới người nghèo khó có ai lại không khổ, có ai được sống hoàn toàn vui vẻ, hạnh phúc? Khổ đau không phải tự nhiên đến mà tại chúng ta tạo nghiệp si mê lầm lẫn do thiếu sáng suốt vì thấy biết sai lầm. Có người nghe Phật dạy đời là khổ, thân là vô thường, vạn vật đều biến chuyển đổi thay thì cho rằng Phật bi quan. Nhưng khi chúng ta thấy rõ được lẽ thật thì sẽ bớt chấp trước, dính mắc vào cuộc sống tạm bợ vô thường, chính nhờ vậy mà ta biết cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Chúng ta phải dám nhìn nhận sự thật mới thấy thân tâm này là vô thường, tạm bợ để bớt tham đắm, luyến ái mà tạo ra nỗi khổ, niềm đau cho mình và người. Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu như vậy để thấy rõ mạng sống trong hơi thở mà giảm bớt tham muốn quá đáng. Chúng ta cứ cắm đầu lo hết việc này đến việc khác trong khi việc làm sao để gạn lọc thân tâm cho được trong sáng, tốt đẹp để bớt tham-sân-si thì ít quan tâm tới. Phần nhiều Phật tử đi chùa học Phật chỉ muốn tu để đời sau được sung sướng hơn, đẹp đẽ hơn, nhiều của cải vật chất hơn chớ không muốn được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Nhân quả báo ứng theo ta như bóng với hình, nổi khổ niềm đau sẽ theo ta từ đời này đến kiếp khác không có ngày thôi dứt. Chính vì sự sống của mình mà chúng ta phải giết hại các loài vật cho nên có cuộc sống là có khổ đau. Thái tử khi còn nhỏ đã thấy rõ ràng tất cả các loài có tình thức đều phải chịu như thế. CUỘC ĐỜI CÓ THẬT SỰ KHỔ ĐAU HAY KHÔNG? Tất nhiên, đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay do tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người. Người đã thật sự giác ngộ chỉ khổ thân chứ không khổ tâm, bởi vì thân và tâm có mối tương quan mật thiết với nhau, do đó những nỗi khổ ở thân sẽ tác động đến nỗi khổ ở tâm nếu không biết tu. Như khi thân đau nhức thì tâm trạng cảm thấy khó chịu, bực bội, dễ sinh ra nóng giận và hờn mát. Khi tâm buồn phiền, lo lắng quá mức thì cơ thể uể oải, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Thông thường, người ta hay dùng từ “khổ đau” để chỉ chung cho nỗi khổ, niềm đau qua thân vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết rõ đau nhức là những gì khó chịu nơi thân và nỗi khổ tâm là ray rức, bực bội, tức tối và buồn phiền. Người ta vẫn thường hay nói nghèo là khổ chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thực ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo và người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn giàu mà không được nên họ khổ. Người giàu muốn giàu thêm do lòng tham lam, nhưng khi giàu rồi họ lo sợ đủ thứ, sợ mất mát, sợ hao hụt, sợ trộm cắp, sợ bị phá sản, sợ người khác lợi dụng nên khổ. So ra, người giàu có nhiều nỗi khổ hơn vì phải tìm cách gìn giữ và phát triển thêm. Nhiều người hay than rằng “sao tôi cực khổ quá vậy”. Họ gộp chung cực với khổ thành một trong khi bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta phân biệt, tính toán quá nhiều rồi ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả nhiều nhưng vẫn có đầy đủ mọi thứ như những người giàu có nên ta khổ. Có những người làm công tác cứu hộ biết lao vào lửa dữ, chui xuống lòng đất hay đi ngang qua lằn tên mũi đạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì trách nhiệm, vì tình thương nên họ không hề xem đó là nỗi khổ, niềm đau, chỉ mong làm sao cứu sống người. Chúng ta thường than thở với nhau nhiều nhất là sự đau khổ, hễ đau là phải khổ và xem nó như một sự thật không thể thay đổi được từ xưa cho đến nay. Thay vì than vãn “khổ quá” thì ta hãy nên tìm ra nguyên nhân vì sao chúng ta đau khổ. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể tồn tại biệt lập mà ta phải luôn chịu sự tác động tương quan từ bạn bè, gia đình đến xã hội và cả thế giới với muôn loài vật. Đối với những mất mát quá lớn, tất nhiên chúng ta cần phải có thời gian để chấp nhận và điều hòa trở lại bình thường. Có nhiều người hay than vãn trời mưa thật khổ, nắng quá cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ và được nhiều người thương cũng khổ… Chúng ta hay đổ thừa hoàn cảnh làm cho mình khổ, thật ra không ai có thể làm cho ta khổ nếu ta biết được nguyên nhân của nó bằng hiểu biết đúng đắn. Ngoài ra, chúng ta hãy nên thường xuyên luyện tập cho mình cách đối mặt với khó khăn, không trốn tránh cuộc sống và cũng đừng quá cầu mong sự an toàn để rèn luyện sức kham nhẫn của mình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được gia đình, người thân bảo bọc quá đầy đủ, muốn gì được nấy sẽ dễ dàng vấp ngã trước biến động của cuộc đời. Đúng, khổ đau là một thực tại không ai có thể chối cãi được nhưng tính chất của nó vốn không cố định. Suy cho cùng, ta cần phải biết ơn khổ đau bởi khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh để ta có thể phát huy hết khả năng sẵn có nơi chính mình. Nếu chúng ta không bị lạc đường trong đêm tối vô minh, ta sẽ khó biết mình sợ hãi đến mức nào. Nếu không bị người khác xúc phạm, ta sẽ khó biết mình nóng giận nhiều hay ít. Thông qua những chướng duyên nghịch cảnh của sự sống ta mới thấy rõ những nỗi khổ, niềm đau đã tìm ẩn sẵn bên ta bởi do cố chấp thân tâm này làm ngã. a-Khổ khổ Nghĩa là khổ vì làm việc nhọc nhằn vất vả; khổ vì đói khát, lạnh nóng; khổ vì bệnh tật, tai nạn; khổ vì chiến tranh, thiên tai, lũ lụt… Đây là mức độ khổ thông thường mà ai cũng có thể cảm nhận được. Khổ là chữ nói tắt, nói đầy đủ là chữ “Khổ đế” được dịch nghĩa từ chữ Dukkha, nghĩa là khó chịu đựng, khó kham nhẫn, nói rộng ra là những gì làm cho mình khó chịu, đau đớn như ốm đau, đói khát, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi… “Đế” nghĩa là một sự thật vững chắc, đúng đắn. “Khổ đế” là sự thật đúng đắn, vững chắc, rõ ràng, minh bạch, không ai có thể chối cãi được. Sau đây, chúng ta hãy nghe đức Phật giải bày một cách tường tận, sâu sắc, tỉ mỉ về sự khổ đau của con người. Theo lời Phật dạy, sự khổ ở thế gian thì vô cùng tận, có thể phân loại ra làm 3 thứ khổ hay 8 thứ khổ. Cái khổ này chồng chất lên cái khổ kia, bản thân đã là đau khổ mà hoàn cảnh chung quanh ta lại còn vô số các sự khổ khác cứ đè nặng trên đôi vai của con người nên gọi là "khổ khổ". Đã là chúng sinh tức loài có tình thức thì đương nhiên phải chịu nhiều khổ ải trong cuộc sống. Hơn nữa, cái thân này cũng không bền chắc, lâu dài, trái lại rất mong manh vì thở ra mà không thở vào coi như mạng sống chấm dứt. Chúng ta khát nước năm bảy ngày, ngạt thở độ năm ba phút, đứt một mạch máu, bị tai nạn bất đắc kỳ tử là mạng sống chấm dứt rồi chuyển sang đời khác. Đã là chúng sinh tất nhiên còn nhiều cái khổ khác chất chồng lên chúng ta không sao tránh khỏi được như bệnh tật, đói khát, bão lụt, hỏa hoạn, chiến tranh, áp bức, sưu cao thuế nặng… Chính vì thế nên gọi là "khổ khổ". b-Hoại khổ Tất cả mọi hiện tượng từ con người cho đến muôn loài vật trong bầu vũ trụ bao la này đều bị vô thường chi phối, con người thì sinh-già-bệnh-chết không thể tồn tại mãi được cho nên khổ. Con người dù có sức mạnh bao nhiêu, quyền thế địa vị cao cả, giàu có sang trọng, thậm chí một số người luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. c-Hành khổ Nghĩa là khổ vì duyên sinh, tức trạng thái khổ ở kiếp này mà còn là nền tảng cho đau khổ ở kiếp sau. Cái khổ này nối tiếp nhau kéo từ đời này sang đời khác không có ngày thôi dứt bởi con người ngu si, mê muội chấp thân tâm này làm ngã nên mới chiếm hữu và bám víu. Về phương diện vật chất ta bị ngoại cảnh, thời gian chi phối, biến hoại và hủy diệt. Về phương diện tinh thần ta cũng không hề làm chủ bản thân, tự do tự tại được. Tâm tư ta thường bị vẩn đục bởi những dục vọng tham muốn thấp hèn luôn lôi kéo và chi phối ta trong từng phút giây. Tư tưởng ta luôn thay đổi, biến chuyển, hết nghĩ cái này đến suy tính cái kia. Nó cứ lăng xăng từ chuyện này sang chuyện khác như khỉ vượn chuyền cành không bao giờ dừng nghỉ. Nếu xét sâu xa hơn nữa, trong mỗi ý nghĩ, cử chỉ, hành động như ta giận, ta thương, ta ghét, ta muốn thứ này, ta thích thứ kia phần nhiều do thói quen chấp trước cho rằng cái hay suy tư, nghĩ tưởng là ta. Tóm lại, ta không được tự do, ta bị chi phối bởi những ý tưởng, dục vọng và sự tham muốn quá đáng. Đó là "Hành khổ". Có rất nhiều loại nỗi khổ, niềm đau nhưng chúng xuất hiện và tồn tại lâu hay mau là do sự tham ái và chấp ngã mà ra. Càng chấp ngã nặng nề thì càng tham ái và bám víu vào đó mà có nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nhất là những người có nhan sắc xinh đẹp, dễ thương, họ sẽ luyến ái bám chấp vào vẻ đẹp của thân thể, chính vì thế họ sẽ đau khổ gấp nhiều lần so với người bình thường. Ai tham lam, luyến ái nhiều thì sẽ rất sợ chết, họ lo lắng sợ hãi mỗi khi bị bệnh tật hoặc tai nạn. Người Phật tử chân chính thấm nhuần lời Phật dạy nên hiểu rõ thân tâm và hoàn cảnh mọi thứ đều duyên sinh, vô ngã, vô thường, không gì bền chắc lâu dài nên vui vẻ, không tiếc nuối khi mình lâm trọng bệnh hoặc lúc sắp từ giã cõi đời. Nỗi khổ, niềm đau cũng dễ bị khuếch đại làm gia tăng thêm bởi sự “tưởng tượng quá mức” của con người. Chúng ta hay tưởng tượng, nhớ lại và hình dung về những gì mình đã thấy nghe. Như một người bệnh không đến nỗi nào nhưng vì sợ chết nên ngày đêm lo sợ khiến cho người đó ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần mệt mỏi, bệnh tật càng trở nên trầm trọng hơn. Tất cả đều do sự “tưởng tượng” của con người mà ra. Nỗi khổ do thiếu thốn về vật chất hoặc sự vất vả, nhọc nhằn thì ít mà nỗi khổ, niềm đau thì nhiều là do tâm so sánh, phân biệt bởi nhận thức sai lầm do chấp ngã thân tâm này là thật, bởi tưởng tượng như vậy nên ta càng thêm khổ não, bất an. Chúng ta sống ở hoàn cảnh nào thì phải nương theo hoàn cảnh đó, người muốn ít biết đủ không tham cầu quá đáng sẽ chẳng phải lo sợ gì cả. Khi ta có xe đạp thì đi xe đạp, có xe máy thì đi xe máy, nếu không có xe thì đi bộ cũng chẳng sao. Chúng ta hay tiếc nuối, tưởng nhớ về quá khứ, hay mong cầu, mơ tưởng đến tương lai mà không biết bằng lòng với những gì đã có trong hiện tại. Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa đến, vậy mà ta cứ tiếc nuối và hy vọng cho nên khổ. Sướng khổ nhiều hay ít là do tâm, tức là sự khổ về tinh thần. |