Mùa Xuân Của Tâm Linh

09/01/201510:30 CH(Xem: 10745)
Mùa Xuân Của Tâm Linh
Ý NGHĨA ĐỜI SỐNG
Tuyển tập các bài viết của tác gỉa Nguyễn Thế Đăng
Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức

MÙA XUÂN CỦA TÂM LINH


Tết là một lễ thiêng liêng để người ta mặc cho thân và cả tâm một bộ quần áo mới, tốt đẹp nhất cho mình và cho cuộc đời. Những người có trải nghiệm sâu sắc vào giờ giao thừa đều có thể nâng tâm thức mình lên một mức độ tốt đẹp nhất, xả bỏ những cảm xúc tiêu cực để tìm thấy lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm.

Mùa xuân làm mới lại trời đất, thiên nhiên và cả con người: tất cả như được nạp vào sinh khí mới. Từ rất xưa, con người đã biết tự làm mới lại thân lẫn tâm của mình trong mỗi dịp Tết. Hầu như không ai lại không biết nương theo mùa Xuân để tự làm mới mình. Với người không biết tự làm mới lại thân và tâm của mình, hay làm mà chưa đủ, thế là đã bỏ qua một cơ hội làm mới lại của trời đất và con người. Vua Trần Nhân Tông khi mở đầu một buổi giảng pháp đã từng nói:

Quyên kêu từng chặp, trời trăng sáng

Chớ để tầm thường xuân luống qua.

Với người vẫn thực hành hàng ngày một pháp môn nào đó của Phật giáo, họ tự biết làm sao để tự làm mới lại tâm trí mình, có thêm ánh sáng và rộng mở, làm mới lại tình thương, những thệ nguyện, niềm hỷ xả, sự hướng về người khác (kể cả tổ tiên của mình…) chỉ bằng một thời thực hành như thường ngày. Có khác chăng là trang trọng hơn, đặc biệt hơn, vì là dịp Tết. Ở đây chúng ta nói về cái Tết chung cho mọi người.

Lúc nhỏ, mỗi dịp Tết tôi được bà ngoại (vì gia đình tôi sống với bên ngoại) dặn dò ngày mồng một Tết chớ làm bể chén, rớt đũa, chớ làm dơ nhà vì không được quét trong ba ngày Tết, chớ ồn ào tinh nghịch, chớ giành giựt nhau, chớ nói những lời thô nặng, chớ gắt gỏng, biểu lộ tính xấu ra bên ngoài.. Lúc đó, vài người lớn nói rằng phạm vào những điều ấy là “xui” cho cả năm. Khi lớn lên, tôi mới nhận ra những điều kiêng cữ ấy chính là sự “thúc liễm” thân tâm để làm cho mình có thể sống một cách tốt đẹp nhất trong những ngày Tết, làm đà tiến cho một cuộc sống tốt đẹp kéo dài suốt năm. Những kiêng cữ ấy giữ cho thân tâm mình được sự trọn vẹn, sự nguyên sơ tươi mới, không hư hỏng để đón Tết, hưởng Tết. Còn những điều tích cực nữa: tâm hồn cởi mở không câu chấp, trân trọng, nói lời êm đẹp, thăm và chúc Tết, lì xì, giúp đỡ, lòng tốt, không nghĩ xấu, nghĩ bậy, nhớ ơn cha mẹ ông bà tổ tiên, cầu nguyện, cúng cho những cô hồn, cho những vị thần đất đai… Tất cả những tốt đẹp của cuộc sống bình thường đều được thể hiện ra trong ngày Tết, và mọi thứ tiêu cực (ích kỷ, nhỏ nhen, hiềm khích, tranh giành, nghĩ xấu…) đều phải được chôn giấu đi. Càng lớn, chúng ta càng thấy rõ những điều tốt đẹp của đời sống bình thường đều có trong những phạm trù của Phật giáo. Như những sự tốt đẹp sơ lược ở trên, nói theo Phật giáo, là tâm an định, trí tuệ do buông xả, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự, tâm vô ngại, từ bi hỷ xả, thành tâm, thiện ý, nhẫn nhục, cầu nguyện, chúc phúc, hồi hướng… Có điều trong Phật giáo chúng được làm rõ nghĩa, phân tích trong nhiều mặt và có những phương pháp để khai triển, phát huy những phẩm chất ấy.

Tết là một lễ thiêng liêng để người ta mặc cho thân và cả tâm một bộ quần áo mới, tốt đẹp nhất cho mình và cho cuộc đời. Những người có trải nghiệm sâu sắc vào giờ giao thừa đều có thể nâng tâm thức mình lên một mức độ tốt đẹp nhất, xả bỏ những cảm xúc tiêu cực để tìm thấy lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm. Nếu duy trì được một trạng thái tâm tươi mới trẻ trung như vậy, tiếp tục sau lúc giao thừa, khi mà những phẩm tính của tâm hầu như không còn bị hoàn cảnh điều kiện hóa, duy trì được cái mà Phật giáo gọi là “sơ tâm” không những chỉ trong vài ngày Tết mà trải qua tháng và năm, chúng sẽ trở thành những phẩm tính  của tâm hồn chúng ta, những ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta buồn khổ, oán trách những xúc cảm tiêu cực suốt cả đường đời chỉ bởi vì chúng ta đã đánh mất cái sơ tâm ấy.

Phút giao thừa, chúng ta dễ dàng cảm nghiệm sự thiêng liêng của trời đất, xã hội con người và phần thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẵn sàng xóa bỏ những tỵ hiềm, xích mích, giành giựt… và độ lượng, trân trọng với tất cả. Chúng ta sẵn sàng biến cuộc đời mình thành một lời chúc phúc cho cả thế giới này. Chúng ta dễ dàng rộng mở lòng mình để cảm thông, để chia sẻ, để làm lợi lạc cho mọi người, mọi vật. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự tinh khiết thanh cao của tâm hồn mình và sự tinh khiết thanh cao của mọi sự (Phật giáo gọi là “bổn lai thanh tịnh”). Chúng ta dễ dàng mở rộng toàn bộ thân tâm mình để hợp với tất cả sự sống, một sự sống vừa bao la vừa trong sạch, thiêng liêng. Vào lúc ấy chúng ta dễ dàng bắt gặp con người thật của mình và tìm thấy đời sống đích thực, cái đời sống không phải được nhìn bằng một cái tâm rối loạn, xung đột, phân tán mà bằng một cái tâm trong sáng, an bình và hợp nhất. Lúc đó chúng ta và cả trời đất như mới được khai sinh, tất cả đời sống là một cái gì mới mẻ chưa từng có. Thậm chí cho cả sau này và lúc chết, hẳn chúng ta cũng chỉ ra đi với một tâm thức rộng mở, thanh thản, tinh khiết và đấy ắp an vui như vậy.

Giờ đây, một mùa Xuân nữa lại về, đó cũng chỉ là một mùa Xuân  “tầm thường” như những mùa Xuân khác. Có khác chăng là Xuân Đinh Hợi thay vì Xuân Bính Tuất, có khác chăng là mỗi năm chúng ta thêm già đi một tuổi, mỗi năm xã hội lại bỏ bớt đi một ít lễ nghi, tập tục mà rồi chẳng còn mấy ai nhìn thấy sự diệu kỳ của chúng. Nhưng nếu chúng ta biết tỉnh thức lắng nghe những phẩm chất tốt đẹp đang biểu hiện từ trong lòng ra thành những tiết điệu của văn hóavăn minh, và hơn nữa, nếu chúng ta được hướng dẫn rồi tự mình giữ gìn, nuôi dưỡng, khai triển, phát huy trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta sẽ biết được ý nghĩa của đời sống là gì, và chắc chắn, vì ý nghĩa đích thực đó mà chúng ta đã có mặt ở cõi đời này. Chúng ta sẽ sống được một mùa Xuân vĩnh cửu, một mùa Xuân “không nở không tàn, không bao giờ tận”, tất cả không gianthời gian đều là xuân, “chỉ là xuân”; chúng ta sẽ biến toàn bộ đời sống thành một mùa Xuân, mỗi khoảnh khắc là một mùa Xuân, như Thiền sư Chân Không (1046 – 1100) đã từng nói:

Xuân đến xuân đi nghi xuân tận

Hoa tàn hoa nở chỉ là xuân.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2014(Xem: 17953)
14/02/2019(Xem: 12152)
18/09/2013(Xem: 20367)
30/01/2020(Xem: 8665)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.