TRẢ NGHIỆP OAN GIA NHIỀU ĐỜI Người đời khi gặp quả xấu đến, nếu không oán trời trách đất cũng đổ thừa tại gia đình người thân hay xã hội, ít ai nghĩ đến nhân quả công bằng mà sinh lòng ăn năn hối cải. Chúng ta phải nên biết: "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" là lẽ đương nhiên, đã gieo nhân xấu ác tất phải chịu quả khổ đau. Hiện đời làm ác mà vẫn hưởng phước, là do nhiều đời trước đã biết tích lũy phước báo nhưng không tu trí tuệ buông xả nên đời này vẫn tạo nghiệp ác. Ví như nhiều đứa con nhà giàu do ỷ lại cha mẹ, nên mặc tình ăn chơi bài bạc, nhưng không bị quả báo thiếu thốn, là do cha mẹ có quá nhiều của cải. Trong cuộc sống thế gian thường nói có nợ mới có duyên, nhân quả vay trả để con người đến với nhau để trả nợ cho nhau bằng tờ giấy hợp đồng ở kiếp trước. Trong sự tái sinh luân hồi vô số kiếp, nhân quả tốt xấu đời trước sẽ theo duyên mà tiếp tục đến đời sau. Người làm lành mà hay bị tai nạn, là do đời trước gieo nhân xấu nhiều giờ đủ duyên phải trả quả, nếu đời này không làm lành thì họa càng lớn hơn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta phải tu ngay từ bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Tu là sửa, sửa xấu thành tốt, sửa sai thành đúng, sửa mê thành ngộ… Chúng ta nên nhớ, tu là bỏ ác làm lành, nếu trong hiện đời có tai nạn xảy ra, biết đó là nghiệp quá khứ còn rơi rớt lại, không thối chí nản lòng mà kiên quyết vượt qua mọi trở ngại khó khăn. Chúng ta đừng nên nghĩ tu là mọi nghiệp xấu sẽ sạch hết, mọi chuyện đều được như ý muốn. Khi chúng ta phát tâm tu, nếu gặp người làm chuyện khó dễ gây phiền hà, ta không nên buồn giận mà phải quán từ bi để lần hồi chuyển hóa họ. Nhất là những Phật tử có gia đình mà biết tu, khi bị gia đình người thân làm khó dễ, chớ nên buồn giận mà hãy tìm cách thuyết phục. Chính Phật ngày xưa khi đi giáo hóa mà vẫn bị người đời dèm pha mắng chửi. Phật đi giáo hóa trong vùng Bà La Môn khiến nhiều người nhận ra chân lý mà phát tâm theo Phật, tức quá họ ra đón đường chửi Phật. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, đi từng bước chân an nhàn họ chạy nhanh lên phía trước chận Phật lại và nói: Này Cù Đàm ông có điếc không? Dạ thưa quý ngài tôi không điếc ạ. Nếu không điếc tại sao làm thinh? Phật ôn tồn hỏi lại này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám giỗ, khi mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà đem tặng họ, nhưng họ không nhận thì quà ấy thuộc về ai? Thì quà ấy thuộc về tôi, chứ còn ai nữa. Cũng vậy, từ sáng đến giờ ông chửi ta, nhưng ta không nhận thì có lỗi gì với ông. Ông Bà La Môn nghe Phật nói thế liền cảm thấy xấu hổ và tự rút đi. Người ta kêu tên Phật chửi mà Ngài cũng không buồn giận gì hết mà còn dùng nghĩa lý để chuyển hóa kẻ ghét bỏ mình. Còn chúng ta, khi bị ai nói động đến thì liền tìm cách trả trù, trả thù không được thì hẹn mười năm sau trả thù cũng chưa muộn, bởi vậy ta phải làm chúng sinh dài dài. Chúng ta do si mê chấp ngã, nên ai chỉ nói một lời hơi nặng nề, thì ta ôm ấp mãi trong lòng mà tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình và người khác. Phật ví dụ người ác mắng chửi người có nhân cách đạo đức, giống như người ngậm máu phun người dơ miệng mình. Thế cho nên, ai chấp trước và dính mắc nhiều sẽ nhận quả khổ đau, mình chưa hại được ai mà đã hại chính mình. Đa số chúng ta khi phát tâm tu thường cầu an suông, nếu không có người thử thách thì làm sao biết mình làm chủ được thân tâm nhiều hay ít. Chúng ta còn buồn giận nhiều về những việc bất như ý, đó là ta chưa tu tiến. Tu là chuyển nghiệp để giảm bớt phiền não khổ đau mà được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Người nào còn tham chấp nhiều thì sẽ khó mà chuyển nghiệp hết rầu chuyện này lại trách móc chuyện kia, tu như vậy không được lợi ích gì cả. Tu là biết cách làm chủ thân miệng ý, như đức Phật bị người chửi mắng, bị người vu oan giá họa mà Ngài vẫn bình tĩnh an nhiên trước những sóng gió của cuộc đời. Kính mong rằng ai cũng ý thức việc tu học của mình để chúng ta cùng sống bên nhau bằng tình người trong cuộc sống. |