Thư Viện Hoa Sen

Trả lời những câu hỏi của độc giả (3)

05/10/20153:39 SA(Xem: 17101)
Trả lời những câu hỏi của độc giả (3)

blank

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (3)

van dap phat phap 2Xin thưa: Có những comment và những email, thấy không hữu ích hoặc không cần thiết nên tôi không trả lời, xin chư vị thông cảm.

Bạn lâm taxy

Rất cám ơn thầy đã giải đáp tận tình. Nhân đây con cũng muốn hỏi một vấn đề được không ạ. 

Con 27 tuổi đã tập thiền hơn 3 năm và toàn tự đọc kinhtham khảo trên mạng tự tập lấy. Cách đây một năm vào đợt tết âm con bỗng dưng không kiểm soát được mình lúc ngồi thiền: Ban đầu chóng mặt 1 lúc rồi đầu cổ toàn thân con bắt đầu xoay tròn. Khi mệt con mới thoát được và đọc trên mạng nói là kundalini thức tỉnh. Con không biết hỏi ai và phải bỏ thiền hơn 1 tháng. 

Bây giờ con đã hoàn toàn làm chủ thân, nhưng đôi khi bị ốm hay thỉnh thoảng vẫn bị chóng mặt. Do đó con không thể thường xuyên tập thiền được. Xin thầy chỉ cho con cách khắc phục. 

Ngoài ra con thấy bớt tham, sân nhiều nhưng vẫn nghiện game online và truyện kiếm hiệp, nó có phải là si không ạ.

Trả lời:

- Người học Phật chơn chánh không nên đi vào các thuật luyện Yoga, nó chỉ là phương pháp luyện thân thôi, thân càng tinh luyện thì càng tăng trưởng dục vọng, chẳng hay ho gì! Mở luân xa cũng vậy, đều là của ngoại đạo.Thuật Kundalini cũng thế, là bí thuật cổ xưa của Bà-la-môn giáo, rất nguy hiểm, là của tà giáo đó!

- Điều chỉnh lại ăn uống. Trở lại tâm sinh lý bình thường. Lấy ý thức bình thường nhìn ngắm mọi sự mọi vật. Lưu ý là phải thường trực đặt để nhận thức trên mọi đối tượng để rời xa những “tưởng tri” (vọng tưởng, tưởng tượng) do đã huân tập sai lầm trước đây. Có thể không cần tập thiền một thời gian, hãy sống như một người bình thường để thân tâm trở lại bình thường đã.

- Bớt tham sân là tốt rồi. Con còn quá trẻ khó tránh khỏi tìm những thú vui giải trí. Tuy nhiên, nhớ là giải trí, có nghĩa là khi học tập, làm việc mệt thì xả chơi một chút, không sao. Đọc truyện kiếm hiệp cũng vậy, truyện của Kim Dung có chiều sâu triết học và nhân văn, có cả tư tưởng Phật nữa, khá thú vị, trong chừng mực nào đó, nên đọc để giải trí để tìm chút niềm vui tinh thần.

Bạn Trí Quả

Con thành kính tri ân Thầy, con có duyên lành nên những ngày, tháng nầy đọc được những lời chia sẻ cùng giải đáp thắc mắc cho quí Phật tử của Thầy. Được đọc những bài viết chỉ dạy cặn kẽ của Thầy trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, tự con cũng giải nghi được nhiều điều trong nội tâm trên bước đường mày mò thực hành Chánh Pháp mà trước đây con ngại trao đổi Con biết Thầy đã cao niên, lạp lớn nhưng con có thể xin Thầy cho con Email hoặc nhũng cách thức tiếp cận Thầy để khi con có khúc mắc trên bước đường thực hành Mong được nhờ Thầy chỉ dạy thêm. Con xin Thành tâm Đảnh lễ xin Thầy làm Y Chỉ Sư cho con được không? KÍnh chúc Thầy Thân an-Tâm lạc -Tuổi thọ dài lâu để mọi Phật tử như chúng con được nương nhờ. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

27/09/20153:36 CH

Trả lời:

Ai có tu tập, tôi mừng. Đọc, nhưng mà phải biết so sánh, lựa chọn, có nhận thức đúng đắn, biết phân biệt đâu chánh, đâu tà. Được gọi là chánh pháp thì khi thực hành mình thấy sáng suốt hơn và giảm bớt tham sân phiền não; ngược lại mình thấy tù mù, bí hiểm, tăng thêm ngờ vực, chẳng giảm bớt tham sân phiền não thì nó là tà đấy!

- Điện thoại cầm tay tôi ít khi sử dụng, vì ở chỗ sóng chập chờn. Địa chỉ Email: [email protected]

Tôi sẽ trả lời trong khả năng của mình. Còn Y Chỉ Sư thì được, nhưng mà có vội quá chăng?

Bạn Nguyễn Hương Linh

Kính Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh! Thiền tông phải vượt qua đầu sào trăm thước, tiến thêm một bước và té cho tan nát (đại tử đại hoạt) mới gọi là chánh ngộ: một tiếng "Ồ". 

Từ đó sạch sành sanh vọng tưởng mà tự động sống với cái biết chân thật (Phật tánh) . 

Xin được nhờ Thầy nói rõ. Minh sát thiền chuyên chú tâm trên Thân , Thọ Tâm , Pháp, hay là Thiền Vipassana thấy biết thực tại như nó đang là. có đưa đến cái gọi là "Ồ " trong Thiền Tông không?. 

nếu không thì chẳng lẽ cứ phải luôn quán như thế cho đến lúc chết hay sao. biết rằng hành lâu cũng tự động nhận ra pháp một cách tự nhiên. song nếu không có cái "Ồ" để hoàn toàn sống với nó một cách trọn vẹn như Thiền Tông (đại ngộ) rồi thì không bao giờ quay trở lại mê nữa. 

Kính Thầy cho lời dễ hiểu. Đa tạ Thầy trước

28/09/201510:33 SA

Trả lời:

- Cụm từ: “Vượt qua đầu sào trăm thước” nó nằm trong bài thơ của thiền sư Cảnh Sâm, thế kỷ thứ 9, đệ tử của ngài Nam Tuyền. Nguyên văn: “Bách trượng can đầu, bất động nhân. Tuy nhiên đắc pháp vị vi chân. Bách trượng can đầu tu tấn bộ. Thập phương thế giới thị toàn chân!” Có nghĩa là: “Trăm trượng đầu sào, người bất động. Tuy đã đắc pháp nhưng đó chưa phải là chân. Trăm trượng đầu sào, hãy thêm một bước nữa. Mười phương thế giới hiện toàn chân!”

Việc “bước thêm một bước nữa và té cho tan nát, rồi chánh ngộ, rồi “ồ” là sản phẩm chính hiệu của thiền tông Trung Quốc, tuyệt đối không tìm thấy bóng dáng vào thời đức Phật cùng chư thánh đệ tử.

Lạ lùng, tôi đọc cụm từ kia cùng bài thơ ấy, tôi lại có kiến giải kiểu khác, mà người học Phật nào cũng hiểu được chứ không “bí hiểm thượng thừa” như thế. Đức Phậthiển bày 2 chân lý, 2 sự thật: 1- Sự thật quy ước, ước lệ, khái niệm - đấy là tục thể, tục đế, thế tình - được gọi Sammuti-sacca (Sammuti là thế tình, sacca là thật, sự thật). 2- Chân lý thứ 2, sự thật thứ 2 – là sự thật chân đế, thắng nghĩa, đệ nhất nghĩa, được gọi là Paramattha-sacca - nó vượt ngoài quy ước, ước lệ, khái niệm của thế tình. Nó ở cao, ở trên, ở xa mà ngôn ngữ khái niệm, cả lý trí không bao giờ với tới được. Nói ở cao, ở trên, ở xa... cả ngàn trượng nếu sử dụng ý thức thường nghiệm, tư duy lý tính... cũng đành bất lực, cũng ở bên bờ vực. “Đại tử đại hoạt” là ở chỗ này, tan nát hết thế giới tục đế, thế tình. “Bất động nhân” cũng ở đây, không rục rịch cựa quậy gì được, không mở miệng được, nghĩa là mọi khái niệm đều bất lực. Tuy nhiên, nếu sử dụng tuệ tri, tuệ giác – vì đối tượng của tuệ tri, tuệ giác luôn luôn là chân đế, đệ nhất nghĩa, thắng đế (paramattha) nên sẽ bắt gặp chân lý thứ 2 này ngay tức khắc, ngay bây giờ! Và ở đây, mới sử dụng tuệ tri, tuệ giác để tu tập minh sát nên chưa chứng, chưa ngộ, chưa đắc pháp gì cả. Họ mới chỉ thấy thế giới đệ nhất nghĩa, siêu tuyệt ý niệm, ngữ ngôn, rứa thôi! Chỗ này có một số vị thiền sư hiểu và thấy, ví dụ họ nói: Ông nói cho nghe một tiếng đệ nhất nghĩa thử nào? Vậy là vị thiền sinh tịt ngòi, cấm khẩu – vì mở miệng nói ra là đã thuộc chân lý thứ nhất rồi!

Lưu ý rằng, thiền sư nhưng có thiền sư thật, có chứng ngộ, có thiền sư chữ nghĩ bí hiểm, có thiền sư đao to búa lớn... khó phân biệt lắm! Trở về với bài thơ, trăm trượng là hình tượng tận cùng, cao nhất của sự thật thế tình. Muốn lên sự thật chân đế phải bước thêm một bước nữa, hình tượng này cũng hiểu được vì không thể có cách nói nào khác. Đến chỗ sự thật chân đế thì đúng là tất cả hiển bày như chân như thực, hiện toàn chân là vậy – vì khi ấy tất cả thế gian này đều là Paramattha trong đôi mắt của thánh giả!

Nói sạch sanh vọng tưởng thì hơi cường điệu, hơi trật – vì rằng trong cái nhìn của minh sát thì thiện ác, tốt xấu đều nhìn ngắm như chân, như thật, như là chúng đang là. Cái vọng, cái chân này cũng của Trung Quốc, xin thưa rõ như vậy. Nên hiểu cho đúng: Khi lý trí, ý thức thường nghiệm lăng xăng của bản ngã tư tác thì tất thảy đối tượng đều là vọng. Khi tuệ tri, tuệ giác nhìn ngắm đúng như thực tướng vô thường, vô ngã thì tất thảy đối tượng đều là chân!

Tu tập minh sát sau khi tâm đã được yên lặng. Không phải là cứ quán hoài, quán huỷ. Quán phải có đối tượng. Đối tượng của nó là ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi, là Tứ niệm xứ. Quán là để thấy rõ bản chất vô thườngvô ngã của tâm và pháp. Mới nói đến diệt tham sân si phiền não được. Mới nói đến Tam giải thoát môn: Không, vô tướng, vô tác được!

Tôi muốn trình bày cho dễ hiểu rồi đấy. Nhưng đừng nói Phật tánh nữa, “Phật tánh” này cũng là sản phẩm của Tàu. Đức Phật lịch sử nói rõ hơn mà không sinh ra hiểu lầm, hiểu lầm“có một tánh Phật” rồi người ta đi tìm cái tánh ấy, thường kiến đó! Thay vì Phật tánh, Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ!” Cuối cùng, chữ “ngộ” của thiền tông tôi hiểu cách khác. Ngộ là chỉ mới thấy pháp thôi! Thấy pháp rồi, bắt đầu tu mới đúng!

 Bạn Phương

Con cám ơn Thầy đã trả lời các câu hỏi, 

Qua phần trả lời của Thầy về truyện Mi Tiên vấn đápniệm Phật có giảm được nghiệp chướng không, thì câu trả lời là có, ví như con thuyền nâng tảng đá tội lỗi. Như vậy con thấy tu Tịnh độ nhờ niệm Phật sẽ được hộ trì, gia trì. Niệm Phật nhất niệm sẽ đạt đến cận hành định. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì phải có tuệ mới đạt được. Như vậy con nghĩ nên phê phán những người tu Tịnh độ không đúng, coi niệm Phật như cầu chúa để đạt niết bàn, còn pháp môn Tịnh độ cũng là môn pháp môn tu tập dành cho căn cơ người có tín. Nếu quả vậy thì con mong Thầy có bài trả lời sâu sắc để dẹp những băn khoăn hoài nghi không đáng có của những người tu Tịnh độtu Thiền, được vậy sẽ làm cho nhiều người kiên định trên con đường đã chọn. 

Thầy cũng trả lời con về việc làm đám ma chay, con xin xám hối vì dùng từ sư vãi vì ở ngoài Bắc nhiều chùa cũng không có sư mà chỉ có người trông chùa và các vãi là các cụ bà hay lên chùa đọc kinh. Con không có ý khinh miệt Tăng Ni. Theo câu trả lời của Thầy việc mời Tăng về tụng kinh cũng là việc nên làm vì gia chủ có duyên phước được cúng dườnghồi hướng cho người đã mất. Con hiểu câu trả lời như vậy có đúng ạ. Con xin lỗi vì hỏi nhiều lần vì con thấy việc này quan trọng cần giải quyết rõ ràng để phân biệt giữa mê tínchánh pháp, và giúp cho việc cúng dường của cư sĩ Phật tử được trọn vẹn.

Trả lời:

- Niệm Phật để tâm yên tịnh, thanh tịnh; và hiểu Tịnh độ là ở đây và bây giờ, vì “tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” thì tốt, thì đúng. Tuy nhiên, tâm thanh tịnh thì mới có định, chưa có tuệ. Nếu nói theo kinh Trạm Xe ở Nikāya hoặc Thanh Tịnh đạo thì từ tâm thanh tịnh đến rốt ráo tuệ giải thoát thì còn nhiều trạm xe nữa, phải vượt qua cả 7 trạm: Giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh. Đến trạm thứ 7 là tri kiến thanh tịnh rồi, cũng phải rời bỏ mới “vô thủ trước bát-niết-bàn” được.

- Niệm Phật, ví như Lục Tự Di Đà có hai trường hợp: 1, Niệm Lục Tự Di Đà đến chỗ nhất niệm, nghĩa là chỉ còn một niệm thì được tâm bất loạn (chỉ là gần định, không phải tuệ) chứ không thể đến chỗ nhất tâm (ekaggata) được. Vì nhất tâm là định. Định là tâm chỉ còn một điểm, chú tâm vào điểm ấy, phát sanh quang tướng, trú tâm vào quang tướng mới đi vào định được (10 đề mục định: Kasiṇa đất, nước, lửa, gió, xanh, đỏ, trắng, vàng, hư không, ánh sáng). Vậy niệm Lục Tự Di Đà đến nhất niệm thì đạt cận hành định. Từ đây có thể quay sang tu tập minh sát tuệ. 2- Niệm Lục Tự Di Đà để cầu vãng sanh Tịnh Độ thì tâm sẽ bỏ ở đây, thế gian này - cái hiện thực đang là - mà tưởng tượng, vọng tưởng cảnh giới Cực Lạc, vì ở đấy: “Có bảy tầng bao lơn, bảy tầng màng lưới, bảy tầng hàng cây đều bằng chất báu bao bọc giáp vòng... Rồi vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não...” hấp dẫn lôi cuốn dễ phát sanh vọng tưởng, tham luyến...

Vậy cách niệm thứ nhất để đạt cận hành định thì nó phù hợp với tinh thần nguyên thuỷ của đức Phật lịch sử. Và nếu mà như vậy, do kinh Di Đà là kinh phương tiện nên khi tâm đã thanh tịnh rồi, đã tịnh độ rồi thì phải còn tu tập 37 trợ đạo phẩm nữa. Đoạn kinh văn phía dưới, hãy nghe: “Có những con chim như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng ngày đêm sáu thời tiếng kêu hoà nhã, diễn nói những pháp Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ-đề phần, Bát Thánh đạo phần... Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

Theo với liên tưởng này, thật lạ lùng, khi đọc: “Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung. Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu. Hoa khai kiến Phật ngộ Vô sanh. Bồ-tát bất thối vi bạn lữ”. Đầu tiên thì nguyện sanh Tây phương Tịnh độ. Rồi lấy cửu phẩm liên hoa làm cha mẹ. Cửu phẩm liên hoahình tượng nói đến 4 đạo. 4 quả và 1 Niết-bàn. Tại sao vậy, vì khi mà hoa đã nở rồi, thấy Phật rồi thì ngộ Vô sanh, tức là đắc quả Vô sanh A-la-hán! Trên thì nguyện sanh, dưới thì Vô sanh! Không biết chư tổ có gởi gắm tư tưởng như trên trong kinh phương tiện này là để dành cho người có trí? Còn đa phần chúng sanh, có niệm Phật, còn biết niệm Phậtquý báu lắm rồi?

- Về việc tu Thiền thì tôi xác định một điều: Thiền phái nào cũng được, thiền nào cũng được nhưng phải có định, có tuệ. Không có định, không có tuệ không phải Phật giáo (Giới, định, tuệ).

- Mời thầy tụng kinhviệc làm cần thiết, đúng đắn. Tuy nhiên, phải mời thầy tu chứ không phải thầy tụng. Thầy tu là Tăng, Ni có phẩm hạnh, giới luật. Nếu có được 4 vị trở lên thì tốt, vì 4 vị trở lên mới có thể đại biểu cho Tăng-già (Saṅgha), cho ba đời Tăng Bảo. Về việc thành tựu sự cúng dường phải hội đủ 3 thanh tịnh: 1- Năng thí thanh tịnh (Người cúng dườngthân khẩu ý lành, tốt) 2- Vật thí thanh tịnh (không phải do bất chánh, tà mạng). 3- Sở thí thanh tịnh (người nhận cúng dường là Saṅgha thanh tịnh). 

Bạn pdpk

"CAO SƠN TUYẾT 
29/09/20152:33 CH

Trả lời:

Xin cảm ơn sự ví von. Nhưng đừng nên nói thế, tôi đức mỏng, sợ tổn thọ. Tôi chỉ nói thế thôi, chỉ bạn và tôi hiểu. Comment của bạn tôi không dám đưa lên. Tôi đọc lại và xem như tán thán công hạnh của đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa thì cũng đẹp vậy.

Bạn Người Học Đạo

Con xin đa tạ về những chia sẻ tận tình của thầy. Nếu không phiền, rất mong thầy cho chúng con địa chỉ e mail hoặc số điện thoại của thầy để sau này tiện nhờ thầy chỉ dẫn thêm. Con kính chúc thầy mạnh khỏe.

30/09/20154:00 SA

Trả lời:

- Địa chỉ Email của tôi nơi bạn Trí Quả.

Bạn Nguyễn Hương Linh

Trích trả lời của Thầy MĐTTA: "Tôi cũng có nói, người làm ác nhưng biết tưởng nhớ ân đức Phật thì có thể sanh thiên. Bạn biết không, thứ nhất, ân đức Phật lớn lắm, cái phước tưởng nhớ ân đức Phật như chiếc ghe lớn, trong đó thừa sức chở vài ba cục đá lớn nhỏ! Thứ hai, niệm ân đức Phật nếu thuần thục, nhất niệm thì đắc cận hành định; nếu lâm chung mà giữ được cận hành định này thì có thể hoá sanh cung trời Đẩu Suất ngay tức khắc, trước đó nếu có làm ác, thì ác ấy cũng bị năng lực thiện lớn hơn vô hiệu hoá nó; cũng có thể ác kia sẽ bị trả quả nhiều kiếp về sau."

 Kính thưa Thầy! 

Cổ đức nói 

+ nói giống một vật cũng không trúng. 

+ Thiện ác chẳng lập thì trung đạo từ đâu mà có?

 Pháp còn phải bỏ huống là phi pháp.... 

nhiều nhiều lắm. 

nhưng thầy nói người làm ác mà nhớ tưởng ân đức của Phật thì có thể sanh thiên.

 + Thưa thầy! nếu người sao hỏa ngắm trái đất thì người sao hỏa có nói trái đất là cõi thiên ? 

+ Bạn biết không, thứ nhất, ân đức Phật lớn lắm, cái phước tưởng nhớ ân đức Phật như chiếc ghe lớn, trong đó thừa sức chở vài ba cục đá lớn nhỏ. 

Ân đức của Phật mà chỉ có thế thôi sao? 

cs nghĩa là không bằng cái tàu thủy bây giờ?

 + niệm ân đức Phật là niệm như thế nào Thưa Thầy nó cho rõ một chút ạ?

 + nếu chết mà có chỗ để thác sanh thì cũng chỉ là lìa chỗ này về chỗ kia thì đâu có gì là tốt đẹp, cũng là sanh diệt luân hồi

Người đã giác ngộ thì có thấy chỗ đi chỗ đến chỗ về không ạ . Mong Thầy chỉ rõ 

Kính cám ơn Thầy trước

Trả lời:

Bạn có 4 comment nhưng chỉ có 2 comment là tôi sẽ trả lời, còn 2 comment kia là bạn đối thoại với ai đó, tuy có liên hệ tới tôi, nhưng nội dung thế nào tôi không nắm vững nên không dám lạm bàn.

Vào các câu hỏi.

- Nói giống một vật cũng không trúng, cũng tương tự cụm từ “bản lai vô nhất vật” đều muốn nói đến sự thật đệ nhất nghĩa - nó vượt phạm trù khái niệm ngữ ngôn - như tôi đã có giải thích trong comment trước. 

- Thiện ác chẳng lập thì trung đạo từ đâu có? Tôi không lập ngôn như vậy. Còn nói thiện ác chẳng lập là nói đến lý giải thoát, vô vi, vô tác của các vị thánh giả A-la-hán, đã ở ngoài luân hồi sinh tử.

- Pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp! Đúng vậy, khi qua sông rồi thì vác bè trên vai làm gì. Câu này chỉ để dành cho những ai đã đoạn tuyệt tham sân si, phiền não, đã giác ngộ, đã Niết-bàn rồi. Còn người đang tu hành mà lập ngôn như thế nguy hiểm lắm. Tôi đã trên 40 tu tập, nhưng tôi vẫn còn học kinh Pháp Cú số 11, 12: Phi chơn lại tưởng chánh chơn. Chánh chơn lại tưởng phi chơn, đó là: Duy trì ác kiến, ác tà. Ngu nhân nào thấy tinh hoa pháp mầu! (Asāre sāramatino, sāre cāsāradassino, te sāraṃ nādhigacchanti, micchāsaṅkappagocarā).Và: Chánh chơn thấy rõ chánh chơn. Phi chơn thấy rõ phi chơn, mới là: Lìa xa ác kiến, ác tà. Trí nhân dễ ngộ tinh hoa pháp mầu!(Sārañca sārato ñatvā, asārañ ca asārato, te sāraṃ adhigacchanti, sammāsaṅkappagocarā). Tôi chưa dám bỏ pháp đâu. Thật ra, nói bỏ bè, bỏ pháp, bên này sông, bên kia sông, bờ mê, bờ giác cũng chỉ là ước lệ, vấn đề tối hậuthiết thực của đạo Diệt Khổ là dứt tham sân phiền não, như câu kệ Pháp Cú số 385: Bên này sông, bên kia sông, Cả hai không có, cũng không bờ nào! Thoát ly phiền não buộc rào. Là sa-môn gọi, đúng sao, danh người! (Yassa pāraṃ apāraṃ vā, pārāpāraṃ na vijjati, vītaddaraṃ visaṃyuttaṃ, tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ).

- Tôi nói tưởng nhớ ân đức Phật có thể sanh thiên. Bạn lại đặt câu hỏi mà tôi không hiểu: Sao Hoả ngắm quả đất thì người sao Hoả có nói quả đất là cõi thiên? Chỗ này, đầu tiên xin xác định với bạn là quả đất, nơi con người ở thuộc cõi Dục giới, và 6 cõi trời Tứ đại thiên vương, Dạ Ma, Đao Lợi, Đẩu Suất, Hoá Lạc Thiên, Tha Hoá Tự Tại cũng thuộc cõi Dục. Vậy nếu bạn chưa phân biệt đâu là cõi người, đâu là cõi trời thì nên nghiên cứu thêm để sự học Phật của bạn có tri kiến chín chắn, vững chắc hơn. Và nhất là phải có đức tin.

- Khi tôi nói niệm tưởng ân đức Phật có phước báu rất lớn, như chiếc ghe có thể chở được đá, bạn lại nói “Có nghĩa là không bằng cái tàu thuỷ bây giờ?” Nếu đây không phải là câu hỏi mỉa mai thì tôi xin nói rõ hơn một tí nữa: Làm việc ác nhỏ, ví như nhỏ như hạt cát, bỏ xuống nước cũng chìm (không có thiện pháp nâng đỡ); nhưng nếu làm việc thiện lớn, công đức lớn thì như chiếc ghe có thể chở đá bên trong (đá là việc ác nhưng so với việc thiện lớn thì việc thiện chở nổi việc ác). Chỗ này sao bạn lại liên hệ với cái tàu thuỷ?

- Niệm Phật nằm trong thập tuỳ niệm, đề mục thiền định: Phật, Pháp, Tăng, thí, giới, thiên, tịch tịnh, sự chết, thân, hơi thở. Niệm Phật ở đây là niệm hồng danh Phật chứ không phải niệm một vị Phật nào; cụ thể là niệm Arahaṃ, Buddho... thuộc “danh niệm”.

- Niệm ân đức Phật thuộc “tưởng niệm”. Trong tưởng niệm nầy, hành giả tưởng nghĩ đến những ân đức của Phật qua các đức tánh – trong 9 hồng danh Phật.

Tôi chỉ tóm tắt vậy, nếu đi sâu thì cần một bài viết dài.

- Câu hỏi của bạn: Nếu chết mà có chỗ để thác sanh thì cũng chỉ là lìa chỗ này về chỗ kia thì đâu có gì là tốt đẹp, cũng là sanh diệt luân hồi. Đúng vậy! Đấy là sự thật của chúng sanh trong 3 cõi, 6 đường khi còn trong sanh tử luân hồi. Chúng sanh nếu gây nhân thiện thì sanh cõi Trời, Người; nếu gây nhân ác thì đoạ sanh 4 cõi khổ. Đấy là định luật nhân quả nghiệp báo.

- Câu hỏi của bạn: Người đã giác ngộ thì có thấy chỗ đi chỗ đến chỗ về không ạ? Có chỗ đi, có chỗ đến, có chỗ về vẫn còn trong sanh tử. Người đã giác ngộ, giải thoát thì đã chấm dứt tham sân, phiền não; và khi họ hết tham sân phiền não thì họ tự biết “Niết-bàn tịch diệt” ấy ra sao! Nó không đến, không đi, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không bờ này, không bờ kia... Thiền tông có nói: Ở đó, ly tứ cú, tuyệt bách phi – thưa bạn!

Bạn hạ trần

Tuệ giác ngon lành nhất là biết: chúng sanh vô biên 7 tỷ hay 7000 tỷ người cũng phải độ cho tất cả họ thành Phật (chưa làm được như thế, chưa độ họ thành Phật, thì tuệ giác hay sự tu chứng cũng chưa đến giai đoạn ngon lành?)

Trả lời:

Đức Chánh Đẳng Giác cũng không làm được như thế, ngài chỉ hoá độ những người hữu duyên ở những quốc độ quanh thung lũng sông Hằng đó thôi, thưa bạn.

Cảm ơn tất cả các bạn đã chịu khó đọc những ý kiến đóng góp của tôi trong tinh thần xây dựnghọc hỏi. Trân trọng.  

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: