TÍNH VIÊN MÃN VỐN SẴN TRONG KINH HOA NGHIÊM Tính viên mãn vốn sẵn là một chủ đề chính trong kinh Hoa Nghiêm. Sự viên mãn vốn sẵn có này biểu hiện khắp cả vũ trụ, trong thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Thế giới là sự biểu hiện, thị hiện sự viên mãn vốn sẵn cùng khắp: Như Lai cảnh giới không ngằn mé (Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1). Bản chất của thế giới là thân Phật, sự viên mãn vốn sẵn khắp cả: Thấy thân chân thật của Như Lai (Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1). Với người tâm thanh tịnh thì thấy thân Phật sung mãn khắp thế giới vĩ mô. Tâm thanh tịnh tới đâu thì thực tại viên mãn vốn sẵn hiện ra đến đó. “Thân Phật sung mãn tất cả thế giới… Tất cả chư Phật đồng một pháp thân, thân cảnh giới vô lượng, thân công đức vô biên, thân thế gian vô tận, thân tam giới bất nhiễm, thân tự tánh các pháp một tướng vô tướng… thân phổ biến pháp giới, thân tất cả công đức, thân Chân Như chứa tất cả Phật pháp, thân trụ khắp tất cả pháp giới thanh tịnh” (Phẩm Phật bất tư nghì pháp, thứ 33). Trước một pháp giới viên mãn vốn sẵn như vậy, các căn được chuyển hóa thành thanh tịnh, không còn làm nô lệ cho các tướng sanh tử mà là để thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm, và nghĩ pháp giới Phật đang hiện tiền trước mắt. Một hạt bụi bao hàm thế giới mà không lớn thêm, vì một hạt bụi không có trung tâm và biên bờ. Trong một vi trần nhiều biển cõi Chỗ nơi riêng khác đều nghiêm tịnh Vô lượng như vậy vào một cõi Mỗi mỗi phân biệt không xen tạp… Trong mỗi trần có vô lượng quang Chiếu khắp mười phương các cõi nước Đều hiện chư Phật hạnh giác ngộ Tất cả biển cõi vô sai biệt… Trong mỗi vi trần tam thế Phật Tùy chỗ sở thích đều khiến thấy Thể tánh không đến cũng không đi Khắp cả thế gian do nguyện lực. (Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4). Một vi trần có đủ pháp giới, như vậy toàn thiện viên mãn như chính pháp giới. Thấy trong mỗi vi trần Tất cả cõi tam thế Cũng thấy biển chư Phật Và tạng trí các ngài. (Phẩm Thập địa, thứ 26). Pháp giới đầy đặc chư Phật, trong tất cả hiện hữu, thậm chí nhỏ nhất như đầu lông: Nơi một đầu lông thấy chư Phật Tất cả pháp giới cũng đều vậy. (Phẩm Thập hạnh, thứ 21). Một không gian nhỏ nhất, một đầu lông, chứa tất cả thời gian, vô lượng kiếp. Và một thời gian nhỏ nhất, một niệm, chứa tất cả không gian, vô biên cõi nước, chư Phật và chúng sanh: Nơi một đầu lông vô lượng cõi Phật, chúng sanh, kiếp, bất khả thuyết Thấy rõ như vậy đều cùng khắp Lầu này của bậc Vô Ngại Nhãn. Một niệm nhiếp khắp vô biên kiếp Cõi nước, chư Phật và chúng sanh Trí huệ vô ngại đều chánh biết Lầu này của bậc Đủ Đức ở. (Phẩm Nhập pháp giới, thứ 39). Một vi trần chứa tất cả không gian và thời gian, một khoảnh khắc hay một niệm nhiếp tất cả thời gian và không gian. Đây là sự viên mãn vốn sẵn của vi trần và khoảnh khắc. Trước “Như Lai cảnh giới” vốn viên mãn và sẵn có như vậy, tu hành không phải là tạo tác ra một cái gì, mà là tùy thuận theo để thấy thực tại ấy. Trong ý nghĩa này mà kinh nói “không chỗ tu hành”: “Vì Bồ-tát biết rõ các pháp ba thời bình đẳng, như như bất động, thật tế vô trụ. Cũng tự biết rõ không chỗ tu hành, không có chút pháp gì hoặc sanh hoặc diệt mà có thể được”. (Phẩm Ly thế gian, thứ 38). Các pháp ba thời bình đẳng, như như bất động, nên kinh nói “tất cả các pháp tánh tướng thanh tịnh”: “Vì tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, gọi đó là Niết-bàn, thì đâu có sự chán mỏi trong ấy… Biết tất cả pháp đều là Phật pháp, biết tất cả pháp đều là pháp xuất thế gian, xa lìa tất cả vọng tưởng điên đảo. Dùng sự trang nghiêm của nhất thể để tự trang nghiêm mà không chỗ trang nghiêm”. (Phẩm Ly thế gian, thứ 38). “Tất cả đều là Giác” (Kinh Viên Giác, chương Bồ-tát Phổ Nhãn), tất cả thế giới, chúng sanh, các pháp đều là Phật pháp. Đây là điều mà Mật giáo về sau biểu trưng trong một Mạn-đà-la. “Nơi tất cả chúng sanh tưởng là căn khí giác ngộ, nơi tất cả pháp tưởng là Phật pháp”. (Phẩm Ly thế gian, thứ 38). Những câu kinh được trích ở trên lấy từ phẩm Ly thế gian, cho chúng ta thấy lìa thế gian không phải là từ bỏ thế gian, mà Bồ-tát lìa thế gian bằng cách nhìn thấy thực tướng của thế gian bằng cái thấy biết của Phật: “Biết tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả chúng sanh, tất cả thời, là cảnh giới của Phật trí, được pháp nhiếp trì”. (Phẩm Ly thế gian, thứ 38). Trí huệ ba-la-mật là nhìn thấy cảnh giới Phật nhưng không phải do lìa sắc thanh: Trí huệ đến bờ kia Mới thấy cảnh giới Phật Sắc thân chẳng phải Phật Âm thanh cũng chẳng phải Nhưng chẳng lìa sắc thanh Mà thấy thần lực Phật. (Phẩm Đâu-suất kệ tán, thứ 24). Tất cả pháp tánh tướng thanh tịnh: “Đại Bồ-tát nói pháp: tất cả pháp giống như kim cương, tất cả pháp thảy đều như như, tất cả pháp đều trụ một nghĩa vốn toàn thiện viên mãn”. (Phẩm Ly thế gian, thứ 38). Chính vì nghĩa này mà kinh nói, “Có quyển sách lớn bằng Đại thiên thế giới ghi chép hết tất cả mọi sự trong Đại thiên thế giới mà hoàn toàn ở trong một vi trần. Như một vi trần, tất cả các vi trần cũng đều như vậy”. (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37). Tu hành là thấy và đọc được quyển sách đó. Tu hành là thấy nội dung, ý nghĩa của mỗi vi trần và mỗi khoảnh khắc. Tu hành là như Đồng tử Thiện Tài, đi trong thế gian để thấy pháp giới: Tâm đó thanh tịnh không chỗ nương Dầu quán pháp sâu mà chẳng chấp Tư duy như vậy vô lượng kiếp Ở trong ba thời không bám trước. Tâm đó kiên cố khó cản ngăn Đến giác ngộ Phật không chướng ngại Chí cầu diệu đạo trừ lầm mê Đi khắp pháp giới không khổ nhọc. Biết pháp ngữ ngôn đều tịch diệt Chỉ nhập Chân Như tuyệt dị giải Cảnh giới chư Phật đều thuận quán Đạt nơi ba thời tâm vô ngại. Bồ-tát mới phát tâm rộng lớn Có thể qua khắp mười phương cõi Pháp môn vô lượng không thể nói Trí quang chiếu khắp đều sáng tỏ. Đại bi rộng độ rất không sánh Từ tâm cùng khắp đồng hư không Mà với chúng sanh chẳng phân biệt Thanh tịnh như vậy đi thế gian. (Phẩm Sơ phát tâm công đức, thứ 17). Văn Hóa Phật Giáo số 234 |