Nhìn nước mà thấy người

31/12/20163:45 SA(Xem: 9107)
Nhìn nước mà thấy người

NHÌN NƯỚC MÀ THẤY NGƯỜI
Quảng Tánh

duc phat thanh dao
Để chứng đạt những Thánh quả này, Thế Tôn thiết
tha căn dặn “Hãy nhớ tọa thiền chớ có lười biếng”.
Chúng ta ai cũng đã từng có lần đứng trước biển cả mênh mông. Khi ấy, ta thấy mình thật nhỏ bé so với sóng nước bao la, biển hồ lai láng. Thường thì mỗi người có một tâm sự khác nhau, riêng người học Phật, biển nước kia cũng là một đối tượng để quán niệm. Nhìn nước mà thấy người, nhất là thấy mình.

Bước xuống nước cũng như bước vào cuộc đời. Người không biết bơi thì chìm nghỉm. Người tập bơi thì hãy dè chừng vì cố ngoi lên cũng bị chìm xuống. Hai hạng người này thật nguy vì nước vốn chẳng hiền. Chỉ có những hạng người đứng được trên sóng nước mới tạm yên. Ai vượt qua bờ kia mới thực sự an toàn, thảnh thơi nhất.

“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta sẽ nói bảy thí dụ về nước. Người cũng như thế. Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Khéo suy nghĩ về chúng.

Các Tỳ-kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!

Thế Tôn bảo: Bảy thí dụ về nước giống như người thế nào? Ví như, có người chìm ở đáy nước; có người tạm ngoi lên mặt nước rồi chìm xuống lại; có người ra khỏi nước nhìn xem; có người ra khỏi nước mà đứng; có người muốn đi qua nước; có người ra khỏi nước muốn đến bờ kia; có người đã lên hẳn trên bờ. Đó là, này Tỳ-kheo, có bảy thí dụ về nước xuất hiện ở đời.

Thế nào là người chìm đáy nước không ra khỏi được? Ở đây, có người toàn thân hành pháp bất thiện, trải qua kiếp số không thể trị liệu. Đó là người chìm ở đáy nước.

Thế nào là người ra khỏi nước rồi chìm lại? Ở đây, có người lòng tin cạn cợt, tuy có pháp lành mà không kiên cố. Người ấy thân, miệng, ý làm lành, sau lại hành bất thiện. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào địa ngục. Đó là người ra khỏi nước lại chìm.

Thế nào là người ra khỏi mặt nước nhìn trông? Ở đây, có người có tín thiện căn, thân, miệng, ý làm lành nhưng không tăng trưởng pháp này, tự giữ đứng. Người ấy thân hoại mạng chung sanh trong A-tu-la. Đó là người ra khỏi nước nhìn.

Thế nào là người ra khỏi nước mà đứng? Ở đây, có người có lòng tin, tinh tấn đoạn ba kiết sử, không thối chuyển nữa, chắc chắn đạt được cứu cánh thành đạo Vô thượng. Đó là người ra khỏi nước mà đứng.

Thế nào là người muốn đi qua nước? Ở đây, có người tín căn tinh tấn, hằng ôm lòng hổ thẹn, mong đoạn ba kiết sử dâm, nộ, si. Người ấy trở lại đời này mà đoạn dứt mé khổ. Đó là người muốn qua nước.

Thế nào là người muốn đến bờ kia? Ở đây, có người tín căn tinh tấn, đoạn năm hạ phần kiết sử, thành A-na-hàm, liền đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa. Đó là người muốn đến bờ kia.

Thế nào là người đã đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, ôm lòng hổ thẹn, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu. Ở trong hiện pháp, người ấy tự an vui; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết; nơi Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn. Đó là người đã qua đến bờ kia.

Này Tỳ-kheo! Đó là bảy thí dụ nước và người, Ta nói với các thầy. Chỗ chư Phật Thế Tôn đáng tu hành tiếp độ mọi người, nay Ta đã thi hành. Các thầy nên ở chỗ vắng vẻ, như dưới cội cây, hãy nhớ tọa thiền chớ có lười biếng. Đây là lời Ta dạy dỗ.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 39. Đẳng pháp, 
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.490)

Thế Tôn đã đưa ra “bảy thí dụ nước và người”. Thứ nhất, bước xuống nước mà chìm là hạng người cả đời làm ác. Dĩ nhiên, quả báo địa ngục luôn dành cho hạng người này. Thứ hai là hạng cố ngoi lên rồi lại chìm xuống. Chúng ta từng có lần thức tỉnh, quyết chí vươn lên, tập tành hướng thiện. Nhưng rồi vì nghiệp lực, vì hoàn cảnh, vì yếu đuối, nhất là chưa đủ lòng tin để quyết tâm nên rồi ngựa quen đường cũ, đau khổ vẫn hoàn khổ đau. Thứ ba là hạng người nổi trên nước rồi nhưng chỉ nhìn quanh. Họ có căn lành nhưng chưa có ý bước ra khỏi dòng sinh tử.

Chỉ có bốn hạng sau cùng, tuy vẫn ở trong nước nhưng đã thấy bờ, quyết chí lên bờ và đã sang đến bờ kia. Đó là những người con Phật trọn vẹn niềm kính tin Tam bảo, quyết tâm đoạn tận mười kiết sử (Hạ phần: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân / Thượng phần: hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cửvô minh) để thành tựu các Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Điều đáng lưu tâm nhất là, để chứng đạt những Thánh quả này, Thế Tôn thiết tha căn dặn “Hãy nhớ tọa thiền chớ có lười biếng”. 

Quảng Tánh

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/02/2019(Xem: 11955)
18/09/2013(Xem: 19999)
30/01/2020(Xem: 8467)
25/03/2017(Xem: 9821)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.