Tứ chánh cần

18/01/201710:09 SA(Xem: 8267)
Tứ chánh cần

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
Ni sư AYYA KHEMA 
THẤY BIẾT: BÂY GIỜ & Ở ĐÂY 
Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: To Be Seen Here & Now 
Việt dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2016

Tứ Chánh Cần

 

  Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết tâm đang làm gì.  Nó hồi tưởng, phản ứng và thường đầy vọng tưởng cũng như trạng thái.  Những ai không hành thiền sẽ tin vào tất cả những điều ấy.  Ngay chính các thiền giả cũng có thể vẫn tin vào những phản ứng của tâm đối với các duyên khởi bên ngoài, hoặc nghĩ rằng không được coi thường các trạng thái phát khởi trong tâm, rằng bất cứ tâm làm gì là do duyên bên ngoài tác động chứ không phải là phản ứng nội tâm.  Điều này có thể dễ dàng nhận thấy nếu chúng ta quán sát quá trình tư duy của mình không chỉ lúc hành thiền mà cả trong cuộc sống hằng ngày.

   Đức Phật đã trao truyền cho ta những lời chỉ dẫn rất xác thực về phương cách để làm thế nào hóa giải bất cứ trạng thái tâm bất thiện nào và thay bằng các tâm thiện xảo.  Chúng có thể được tóm gọn như là “tránh né”, “chế ngự”, “phát huy” và “duy trì”, và được gọi là tứ chánh cần (bốn nỗ lực siêu phàm), mà tôi đã nhắc tới trước đây. Chúng thuộc 37 phẩm trợ đạo, nên phải nằm trong phần tu tập của ta.  Khi thực hành rốt ráo, chúng là một phần trong quy trình giác ngộ.

   Có thể bạn cũng đã nghe câu nói “Niết Bàn và Luân hồi ở cùng một chỗ”.  Nói vậy thì không chính xác, vì không có một “chỗ” như thế.  Niết bàn, sự giải thoát, giác ngộ, buông bỏ, và luân hồi (Samsara), là vòng sinh tử, làm sao chúng có thể ở cùng một chỗ?  Nhìn ở một phương diện nào đó thì cho là có thể, vì cả hai đều ở trong tâm của tất cả chúng sanh.  Nhưng mọi người chỉ ý thức về một thứ, đó là cái khiến ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sinh tử.  Không chỉ là khi thân này mất đi, được coi là chết hay khi thân tái hiện, được coi là sinh, mà luôn có sinh và tử trong từng giây phút hiện hữu của ta.  Có sự sinh của những tư tưởng thiện và bất thiện, và sự mất đi của chúng.  Có sự sinh của các cảm thọ, dễ chịu, khó chịu hay trung tính, và sự mất đi của chúng.  Có sự sinh và chết ở thân này trong từng giây phút, chỉ có điều là ta không đủ chánh niệm để nhận ra chúng.

   Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi nhìn lại những tấm ảnh của ta chụp 10 hay 20 năm về trước.  Chúng ta hoàn toàn khác với hình ảnh mà ta nhìn thấy trong gương bây giờ.  Nhưng không phải là thân bỗng nhiên thay đổi như thế.  Nó đã thay đổi từng giây phút qua năm tháng, để cuối cùng ta mới nhận ra điều đó.  Nếu tâm chánh niệm hơn thì ta đã nhận ra điều đó từ lâu, vì luôn có sự sinh, sự chết trong thân này, đối với các tư tưởngcảm thọ cũng thế.  Đó là Samsara (luân hồi), vòng sinh tử trong ta, do lòng tham ái muốn lưu giữ hay tân trang cái mà ta nghĩ là “tôi” này.  Khi giải thoát, lòng tham ái đó chấm dứt, cái gì đã qua, sẽ được cho qua, cái gì đã mất, sẽ để cho mất đi.

   Dầu có khả năng được giải thoát, ta không có khả năng nhận ra điều đó, vì ta chỉ quan tâm đến những gì ta đã biết.  Chúng ta dễ tạo thói quen và bám theo thói quen.  Với thời gian thiền tập, hành giả trở nên ý thức đến thói quen của tâm với các phản ứng cũ kỹ, sáo mòn đối với các ngoại duyên.  Dầu trong quá khứ ta thấy rằng các phản ứng này chẳng ích lợi gì, nhưng ta vẫn lặp lại do thói quen.  Đối với các cảm thọ cũng thế.  Chúng phát khởi, rồi qua đi, chẳng hơn gì một đám mây đi qua bầu trời, chỉ có thể báo hiệu thời tiết thế nào, chứ chẳng có giá trị lớn lao gì.  Các trạng thái cũng chỉ cho tín hiệu để tâm lập trình, nếu tâm tin vào trạng thái đó.

   Tứ chánh cần, trước tiên, là tránh những tư duy bất thiện, uế nhiễm.  Nếu ta có thể nhận ra chúng là bất thiện, thì ta có thể chấp nhận việc phải học một khả năng khác dễ dàng hơn.  Tránh né có nghĩa là ta không để tư tưởng nào đó phát khởi, mà cũng không phản ứng theo trạng thái, hay theo các ngoại duyên.  Nếu ta tự thấy mình hay phản ứng theo thói quen đối với việc gì đó, ta có thể bó buộc phải tránh né những hoàn cảnh như thế, để cuối cùng ta có thể đạt được trí tuệ, biết phải chọn lọc điều gì từ đó.  Khi phản ứng theo duyên hay trạng thái, ta không thể đánh giá nó một cách trung thực, vì các phản ứng đã lấn áp tâm trí.

   Tránh né, nói theo Pháp, có nghĩa là tránh tư tưởng bất thiện; thực tế ra, chúng ta có thể phải tránh bất cứ điều gì làm phát khởi các trạng thái tâm đó trong ta.  Tuy nhiên, ta không nên quá cực đoan đến độ tránh né cả những điều nhỏ nhặt nhất, là phương cách mà nhiều người thường sử dụng, dầu không thành công, để thoát khỏi các phản ứng tiêu cựcThói quen trốn chạy hoàn cảnh, tạo ra các phản ứng bất thiện trong ta, chứ không mang đến tâm bình an.  Chỉ khi có nguyên do đặc biệt nào đó khiến ta luôn phát khởi các phản ứng tiêu cực, thì ta có thể phải tránh né nó chứ không đổ lỗi cho ai.  Ta chỉ phải thừa nhận là mình chưa đủ bản lãnh để tự chủ trong một số hoàn cảnh nào đó.  Cũng thế, khi hành thiền, ta không thể trách móc cảm giác khó chịu ở thân, mà phải nhận ra rằng ta chưa làm chủ được việc không phản ứng đối với khổ, nên đành phải thay đổi tư thế ngồi thôi.

   Cả hai đều giống nhau.  Cái thì thuộc về chuyển động ở thân, cái thì thuộc tâm.  Tất cả chỉ có nghĩa là ta chưa hoàn toàn làm chủ một tình thế nào đó.  Nó khiến ta ý thức rằng vẫn còn nhiều điều ta phải học hỏi về bản thân.  Trách móc, đổ lỗi cho bất cứ thứ gì ở bên ngoài ta đều vô ích, nó chỉ làm xấu thêm tình thế và đổ thêm tư duy bất thiện vào đó.

   Để tránh các phản ứng tiêu cực trong tâm, ta phải chú tâm và biết cách vận hành của tâm trước khi buông lời nói năng.  Chúng ta có thể huân tập điều đó trong khi hành thiền.  Tỉnh thức là lực đẩy chính trong thiền tập.  Không ích lợi gì nếu tâm được thanh tịnh, an bình mà ta không hoàn toàn biết tâm đạt được, duy trì và thoát ra khỏi các trạng thái đó bằng cách nào.  Việc huân tập được điều này trong thiền tập, sẽ giúp ta ý thức được tâm hoạt động như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, trước khi nó lên tiếng nói những điều như: “Tôi không thể chịu nổi cảnh này” hay “Tôi ghét người đó quá”.  Khi điều đó xảy ra, tức là một trạng thái tâm bất thiện đã thành hình.

   Trước khi tâm bị rơi vào chiếc bẫy đó, một cảm giác khó chịu, bức bối có thể được cảm nhận, như báo hiệu rằng một trạng thái tâm bất thiện đang tượng hình, để ta có thể buông bỏ trước khi nó xuất hiện.  Sẽ dễ buông bỏ tâm uế nhiễm trước khi nó xuất hiện, nhưng khó nhận ra nó hơn.  Khi ta nhận thấy một trạng thái tâm đang thành hình mà không cảm thấybình an, hạnh phúc, thì ta có thể chắc chắn rằng nó là bất thiện.  Ta càng huân tập bản thân để chánh niệm về các trạng thái tâm, ta càng ý thức hơn về sự bất hạnh ta tạo ra cho mình và cho người qua tư duy bất thiện.

   Khi không thể tránh được tâm uế nhiễm, ta phải tu tập chế ngự nó.  Do không dễ để ta kịp thời tránh các trạng thái tâm tiêu cực, ta phải biết rõ phương cách chế ngự chúng.  Buông bỏ tâm bất thiện là một hành động tích cực chứ không phải là một phản ứng thụ động, tuy nhiên khó làm điều đó, vì tâm luôn cần phải bám vào điều gì đó.  Trong thiền tập chúng ta cần đối tượng thiền quán, như là hơi thở hay cảm thọ để theo dõi, trước khi tâm có thể trở nên tĩnh lặng, bình anCũng thế, khi cần chế ngự các trạng thái tâm tiêu cực, ta thay chúng bằng tư duy thiện lành thì dễ dàng hơn là cố gắng buông bỏ chúng.

   Nếu ta nắm níu các trạng thái tâm tiêu cực thêm bất cứ thời gian nào, chúng sẽ trở nên thân thiết.  Khi sự có mặt của chúng không khiến ta khó chịu thì ta càng lúc càng tin vào chúng, rồi cuối cùng những suy nghĩ kiểu như sau sẽ lộ diện, “Tôi không thích ai chống đối tôi” hay “Sấm sét luôn làm tôi sợ hãi”.  Các câu này cho thấy tính cách không đổi dời của người nói, khiến họ thêm ngã mạnLý do duy nhất khiến những câu nói như thế vận vào tính cách của ta là vì ta bo bo giữ thái độ tiêu cực quá lâu, ta nghĩ là  mình không thể sống thiếu chúng.  Tuy nhiên, chúng chỉ là các trạng thái tâm tiêu cực mà ta có thể và cần chuyển đổi.  Ta càng có thể nhanh chóng chuyển hóa chúng, ta càng dễ tìm được sự bình an cho bản tâm.

   Nếu ta thấy không ưa hay đối nghịch với ai đó, ta có thể nghĩ đến điểm tốt của người đó và thay thế tư tưởng tiêu cực với điều gì đó tích cực một cách cụ thể.  Ai cũng có cả hai tính chất, tốt và xấu, nên nếu ta cứ nhìn vào điều xấu, thì ta luôn phải đối mặt với khía cạnh đó, hơn là điều ngược lại.  Đối với một số người, ta khó thay đổi cách nhìn về họ hơn là với người khác.  Tuy nhiên, họ là sự thử thách của ta, nên hãy cố gắng.  Không ai có thể trốn chạy những thử thách trong cuộc sống này.  Cuộc sống là một ‘trung tâm giáo dục thường xuyên’ với nhiều bài thi không được báo trước xảy đến cho ta.  Chúng ta không được báo trước điều gì sẽ xảy đến cho mình, nên lúc nào ta cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng.

   Khi ta đã huân tập được kỹ năng thay thế và thực hành được, dù chỉ một lần, ta sẽ tự tin vào khả năng của mình.  Không có lý do gì khiến ta không thể lặp lại việc này bất cứ khi nào cần thiếtCảm giác nhẹ nhõm mà ta cảm nhận được là cả một nguồn khích lệ mà ta cần có để tiếp tục thực hành.

   Khi phải đối mặt với những tình thế mà ta thấy khó làm chủ, ta có thể tự nhắc nhở là mình đang gặp một hoàn cảnh đáng học hỏi.  Việc chế ngự các trạng thái tâm uế nhiễm đòi hỏi ta phải có sức mạnh tinh thần, là điều ta có thể phát triển qua công phu thiền tập.  Nếu ta chưa thể giữ được sự chú tâm ở nơi mình muốn khi hành thiền, thì ta chưa thể chuyển hóa tâm khi ta muốn.  Ta càng phát triển được sự thiện xảo trong thiền tập, thì ta càng thấy dễ dàng “tránh né” hay “chế ngự”.  Tương tự, khi ta có thể thực hành phương cách thay thế trong đời sống hằng ngày là cách ta giúp cho sự hành thiền của mình được dễ dàng hơn.  Khi ta ý thức được rằng tâm không phải là một vật thể rắn chắc, luôn phản ứng theo một cách nào đó, mà nó là một dòng chảy uyển chuyển, có thể thay đổi, có thể trong suốt, sáng chói, thì ta sẽ càng cố gắng hơn để bảo vệ nó khỏi các uế nhiễm.  Tân thiền sinh thường coi đó là một khám phá bất ngờ khi nhận thức rằng tâm không phải là một “lò phản ứng” cứng nhắc, thụ động, mà nó có thể chuyển đổi và tạo ảnh hưởng khi cần.

   Để phát huy các trạng thái tâm thiện lành có nghĩa là ta phải cố gắng vun trồng chúng, khi chúng chưa phát khởi.  Nếu tâm đang ở trạng thái trung tính hoặc có chiều hướng cân nhắc, phán đoán, chê bai, thương tổn hay ngã mạn, thì ta chủ tâm chuyển tâm theo các khuynh hướng ngược lại để phát khởi các trạng thái tâm thiện.  Ta thừa biết rằng tất cả các trạng thái tiêu cực không đưa đến sự an bình, hạnh phúc, và hòa hợp cho bản thân.  Ngược lại, khi ta phát khởi được lòng từ, bi mẫn, hoan hỷtự tại, thì ta thấy các đức tính này đưa đến sự bình an nội tâm.  Như thế rõ ràng là ta cần luôn cố gắng vun trồng các trạng thái tâm đưa đến sự thoải mái, an lành.  Phát triển chúng từ sự hiểu biết rằng các trạng thái tâm thiện lành tốt cho ta, là một tuệ giác sâu sắc.  Khi tâm tĩnh lặng, ta nhận ra rằng với bao tình huống xấu ác đang xảy ra trên đời, nếu ta chỉ có phản ứng bất thiện đối với chúng, là ta đã nhân đôi dukkha (khổ).  Phản ứng bất thiện không giúp giải quyết tình huống, mà cũng không ích lợi gì cho ai.

   Nếu ta có thể phát triển khả năng nhìn mọi thứ theo hướng tích cựcsử dụng bất cứ điều gì xảy ra trước mắt như một kinh nghiệm học tập, cố gắng duy trì các tâm thiện lành, thì chỉ còn một nỗ lực cuối cùng, được gọi là duy trì trạng thái tâm thiện xảo.  Bất cứ ai chưa đạt được hoàn toàn giác ngộ, giải thoát khỏi các khuynh hướng ngủ ngầm sẽ không thể luôn giữ được các trạng thái tích cực, nhưng tâm chánh niệm của ta có thể đủ sắc bén để báo cho ta biết khi ta thất bại.  Đó là sự tỉnh giác mà ta cần có để chuyển đổi.  Khi ta không thể duy trì trạng thái thiện, ta luôn có thể cố gắng lần nữa.  Tuy nhiên, nếu ta bắt đầu tự trách hay đổ lỗi cho người, là ta đang làm tăng thêm một trạng thái tiêu cực thứ hai trong tâm, làm cản trở sự tiến bộ của ta.

   Kỹ năng có thể được rèn luyệnChúng ta đã học nhiều kỹ năng trong cuộc sống.  Đây là loại kỹ năng đáng được vun trồng, đáng được rèn luyện luôn.  Đây không phải là một đặc tính mà ta hoặc là có hay là không.  Tâm mọi người đều có khả năng phát triển sự thiện lành và buông bỏ điều xấu ác.  Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là từ đây mọi thứ đều tốt đẹp, tuyệt vời.  Nghĩ thế là không thực tế.  Cái mà ta có thể thực hành là, dầu có bao uế nhiễm bên trong và bên ngoài, thái độ chán ghét chúng không phải là một phản ứng hiệu quả để mang đến an bình, hạnh phúc.  Tột đỉnh của tất cả các trạng thái tình cảm là sự buông thư, quân bình, đã được phát triển qua thiền tậpdựa trên tuệ giác.  Đó là khí cụ của ta trong cuộc sống hằng ngày để phát triển và duy trì các trạng thái tâm thiện lành.

   Việc đè nén hay tự dối bằng cách nghĩ “Tôi phải thế này” hay “Tôi phải thế kia” đều vô ích.  Chỉ cần chánh niệm về những gì đang xảy ra trong tâm và huân tập khả năng chuyển đổi mà tâm ta cần có.  Dần dần tâm sẽ trở nên là một dụng cụ đã được khéo trui rèn, là dụng cụ duy nhất trên vũ trụ có thể giải thoát cho ta khỏi tất cả khổ (dukkha).  Tất cả mọi chúng sanh đều sở hữu dụng cụ đó, và những lời giáo huấn của đức Phật là để dạy ta kỹ năng sử dụng dụng cụ này một cách tốt nhất; là để ta không tin vào các trạng thái, phản ứng của nó đối với các kích thích bên ngoài, nhưng phải theo dõi, bảo vệ nó và ý thức được tiềm năng có thể hoàn toàn giải thoát của nó.

   Nếu ta muốn có một dụng cụ sắc bén, ta cần phải chăm sóc nó theo cách tốt nhất mà ta có thể thực hiện.  Điều này có nghĩa là không để bụi bặm bám tụ, mà phải lau sạch nó càng nhanh càng tốt.  Đối với tâm cũng thế.  Đây có lẽ là kỹ năng khó nhất mà ta phải học, đó là lý do tại sao rất ít người có thể thực hiện, nhưng là thiền giả, là ta đang bước trên con đường chánh đạo để tiến đến đó, bằng cách ý thức rằng không thể tin vào tâm bất chấp tất cả, vì nó đầy vọng tưởng và chóng đổi thay.

   Bốn nỗ lực (tứ chánh cần) này được coi là “tối thượng”, không chỉ vì chúng khó tột cùng, mà cũng vì chúng tột cùng hữu ích.  Một vị thiền giả tinh tấn sẽ muốn chuyển hóa cõi người khi vẫn còn mang kiếp người, và những nỗ lực này là thử thách của tất cả chúng ta.  Chúng đã được đức Phật giảng dạy rõ ràng đến độ ta có thể thấy rõ những khó khăn ta phải đối mặt và lý do tại sao ta vẫn còn luẩn quẩn trong luân hồi (Samsara).  Nhưng chúng ta không phải tiếp tục như thế không dừng dứt.  Biết được con đườngcách đi trên đó, ta sẽ có cơ hội để thoát khỏi mọi uế nhiễm.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2014(Xem: 17757)
14/02/2019(Xem: 11950)
18/09/2013(Xem: 19983)
30/01/2020(Xem: 8448)
25/03/2017(Xem: 9813)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.