Tôn Giả Angulimala

05/05/20173:38 SA(Xem: 12685)
Tôn Giả Angulimala

TÔN GIẢ ANGULIMALA
Lời giới thiệu sách của Cao Huy Thuần

Tôn giả AngulimalaAngulimala là một chuyện tiêu biểu của Phật giáo về sám hối. Chuyện đã đi vào dân gian, ai cũng biết và ai cũng nói: ngay cả tên tướng cướp giết người không gớm tay mà khi đã vất dao sám hối thì ác nghiệp cũng có thể chuyển thành thiện nghiệp.

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm đã diệt rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm diệt thảy đều không
Thế mới thật là chân sám hối.

Cái “tâm đã diệt” là tâm của tên tướng cướp khi tay còn dao. Cái độc đáo của Phật giáo là khi con dao đã vất ra khỏi tâm rồi thì dao ấy không còn dấu vết nữa vì chính cái tâm ấy cũng không còn dấu vết nữa. Cái độc đáo của Phật giáo là ở chỗ ấy: hãy xem bình minh của trời đất sau cơn phong ba, chỉ còn bình minh tươi sáng như mọi bình minh tươi sáng, phong ba đâu nữa. Cái độc đáo của Phật giáo là ở chỗ ấy: phong ba trong lòng không còn dấu vết nữa, Phật tính vẫn tươi sáng như Phật tính bao giờ cũng tươi sáng như thế, trong tâm người đã thật tình sám hối cũng như trong tâm của bất cứ ai. Cái độc đáo của Phật giáo là ở chỗ ấy: sám hối xong rồi thì ngay cả sám hối cũng không còn, vì tội đâu nữa mà cứ phải dằn vặt khổ sở hoài cả đời về một cái tội đã tiêu? Cái độc đáo của Phật giáo là ở chỗ ấy: cuối cùng, cái phải diệt chính là đau khổ. Mà đau khổ, không phải chỉ là con dao trong tâm chưa vất, mà còn là ý niệm về con dao đã vất rồi: phải vất luôn cả cái ý niệm ấy, cái ám ảnh ấy, vất hết, không còn gì nữa cả, chỉ còn Phật tính với cái ta bình yên. Chỉ còn bình minh tươi sáng.

Angulimala là chuyện của bình minh chưa bao giờ có dấu vết phong ba. Chuyện của  sám hối chân chính. Với dân gian, chuyện hay như cổ tích. Với con mắt nghệ thuật, chuyện đẹp như tranh thiền. Tướng cướp Angulimala giết người khét tiếng cả vùng, không ai dám qua lại. Y giết người không phải để cướp mà để chặt ngón tay, phơi khô một lóng, xâu thành chuỗi, đeo vào cổ như đeo vòng hoa. Vòng hoa của y phải có đủ một ngàn lóng tay. Y đã xâu được 999 lóng, còn thiếu một. Không ai dám qua lại ven rừng ấy nữa, chỉ có bà mẹ của y đi tìm con. Mẹ của y? Không, với y, đây là người thứ một ngàn. Không có địa ngục nào khủng khiếp hơn địa ngục ấy.

Nhưng ở đâu có địa ngục thì ở đấy có Niết-bàn. Bởi vì địa ngục và Niết-bàn không phải là hai. Không có khổ làm gì có giải thoát? Giải thoát nằm trong khổ chứ nằm ở đâu? Sấp nằm ở đâu, ngửa nằm ở đâu, nếu không phải trong cùng một bàn tay? Xoay bàn tay là sấp thành ngửa, là hết khổ, là giải thoát, là Niết-bàn. Đức Phật biết tên cướp kia có khả năng xoay bàn tay. Có khả năng đi đến, không phải cửa địa ngục, mà là cửa Niết-bàn. Cho nên Phật đi đến phía trước tên cướp, đi bình thường như Phật vẫn đi khất thực. Hay quá, tốt quá, người thứ một ngàn bây giờ là ông samôn này. Phật đi bình thường. Tên cướp đuổi theo. Dao hươi lên. Nhưng đuổi hụt hơi, ông sa-môn vẫn cứ bình thường đi trước mắt. Tên cướp la lên: “Ông kia, dừng lại!”. Lập tức, cánh cửa Niết-bàn mở ra. Bởi vì cánh cửa ấy chính là hai chữ “dừng lại”. Hai chữ ấy, chính tên cướp thốt ra. Tên cướp thốt ra hai chữ ấy mà y không biết là đã nằm sẵn trong lòng từ bao giờ, có thể là từ bao nhiêu kiếp trước. Y không biết nhưng Phật biết. Cho nên Phật chỉ cần nhắc lại: “Ta đã dừng lại từ lâu, chỉ có ngươi là chưa dừng”.

Dừng lại. Tất cả tinh túy của đạo Phật nằm trong hai chữ ấy. Dừng lại, không sát sanh. Dừng lại, không trộm cướp.

Dừng lại, không tham. Dừng lại, không sân. Dừng lại, không si. Dừng lại, không vô minh, tưởng sự vật là thường, tưởng ta là có. Và dừng lại, không làm người khác khổ. Và dừng lại, không làm chính ta khổ. Dừng lại, chấm dứt đau khổ. Chấm dứt đau khổ là Niết-bàn. Dừng lại. Ta đã học hai chữ ấy từ thuở nhỏ mới đến chùa, quỳ trước chuông mõ tụng bài kinh vỡ lòng:

Thề tránh điều dữ

Nguyện làm việc lành.

Ta đã học hai chữ ấy từ nhỏ, vì ta có cái may mắn biết Phật. Tránh điều dữ: ta biết đó là cửa địa ngục. Làm việc lành: ta biết đó là cửa Niết-bàn. Angulimala lúc ấy chưa biết Phật nên dốt thua ta. Nhưng Angulimala có cái may mắn hơn ta là có hai Đức Phật: Phật ở trong lòng giống như ta, nhưng còn Phật ở trước mắt, Phật đang đi trước mắt, với bình bát trong tay và chân bước bình thường nhưng đuổi theo không kịp. Phật trước mắt y chỉ cần nhắc lại một tiếng là Phật trong lòng y hiện ra và y vất dao, quỳ xuống trước cửa Niếtbàn. Khi đó y không còn là tên cướp nữa, y là bình minh, và bình minh mở đầu với giọng nói ôn tồn của Đức Phật: “Lại đây, ông Tỳ-kheo”.

Ngày nay, mỗi lần tụng lại bài kinh vỡ lòng hồi nhỏ, “điều dữ”, “việc lành”, đẹp bao nhiêu nếu ta tưởng tượng bức tranh đẹp vô ngần ấy trước mắt: tên cướp vất dao quỳ xuống chân Đức Phật. Tôi ước mong chuyện nên kể cho mỗi em bé, không phải chỉ khi bước chân vào chùa, mà cả khi bước chân vào trường. Kể lại đơn giản, ít lời nhiều ý, vì chuyện hay thì nên để dành cho tưởng tượng, và trẻ em thì tưởng tượng đầy ắp hai cánh.

Người lớn đời sau kể lại chuyện lắm khi có khuynh hướng tiểu thuyết hóa, bình dân hóa, chi tiết hóa, lâm ly hóa, rườm rà giải thích, xa với ngôn ngữ cô đọng, chắt lọc của kinh kệ, chẳng hạn ngôn ngữ vừa phải của bài kinh Angulimala trong Trung Bộ kinh. Dù sao, cũng xin ghi nhận, trong những chuyện kể của người đời sau về cuộc đời tu chứng của Tỳ-kheo Angulimala, vài bài học về nhân quả, nghiệp báo, công năng của sám hối, năng lực của thiền định. Quyển sách này nói rõ những điều đó.

Chân thành cảm tạ Hòa thượng tác giả và Thầy Trung Hậu kính mến đã cho tôi hân hạnh viết mấy lời giới thiệu đơn sơ này.

Paris, đầu Xuân Đinh Dậu (2017), PL.2560 GS.Cao Huy Thuần

Bài đọc thêm:
Năng lực phát nguyện (Chân Hiền Tâm)




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/05/2011(Xem: 104521)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.