Thư Viện Hoa Sen

Chậu Hoa Ngày Lễ Tạ Ơn - Pháp Thoại Tại Tu Viện Lộc Uyển Ngày 27-11-2005

24/08/20173:24 SA(Xem: 7689)
Chậu Hoa Ngày Lễ Tạ Ơn - Pháp Thoại Tại Tu Viện Lộc Uyển Ngày 27-11-2005
CÀNH TRIÊU NHAN 
Thích Phước Tịnh
Nhà xuất bản Phương Đông

CHẬU HOA NGÀY LỄ TẠ ƠN  
Pháp thoại tại Tu viện Lộc Uyển Ngày 27-11-2005

"Chúng con rất bận rộn. Làm thế nào để tu đây?" Đó là một câu hỏi rất hay của một Phật tử nêu lên trong buổi pháp thoại và tôi nghĩ câu hỏi này cũng đang có mặt trong tâm thức chúng ta hôm nay. Câu trả lời được một giáo thọ trẻ chia sẻ rất ngắn gọn: "Chúng ta có thể tu tập liền ngay bây giờ, không cần đợi đến ngày mai, không cần chờ hoàn cảnh thuận lợi hơn".

Chúng ta thường hay nghĩ rằng phải có đủ điều kiện, hoàn cảnh hay thì giờ cho phép thì mới tu tập được. Có một điều gì đó chưa ổn trong suy nghĩ này. Nếu ta không tu tập được ngay bây giờ có nghĩa là mình không bao giờ tu tập được. Nếu ta không làm cho niềm vui có mặt ngay bây giờ thì cũng không thể làm cho niềm vui có mặt vào ngày mai được; chờ đợi điều kiện ngày mai để tu tập thì sẽ không có cái ngày mai đó. Ngay bây giờ, hay là không bao giờ! Chúng ta cứ chờ đợi, mong ước có được một đời sống như quí thầy, quí cô trong tu viện thì không bao giờ ta thực tập được. Vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, môi trường riêng, và nhất là ta không thể trút bỏ tất cả những gì ta đang mang cho bất cứ ai, để tìm riêng cho mình một không gian tu tập. Thế nên từ trong chỗ đứng của mình, điều kiện của mình, nếu ta làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ mà đều có thể đem đến hạnh phúc cho người có duyên tiếp xúc với mình tức là ta đang tu tập. Khi làm được điều này thì bất cứ nơi nào mình bước chân đến đều là hạnh phúc, là thiên đường cho chính ta và cho mọi người.

Chẳng hạn, hạnh phúc gần nhất trong cuộc sống đời thường mà ta có thể có được đó là niềm tri ân của chúng ta đối với bao người chung quanh. Khi niềm tri ân trong ta được biểu hiện thì cuộc sống, cách hành xử của chúng ta trở nên chan hòa tình thương và sự trân trọng. Trong truyền thống của các dân tộc, Tây phương cũng như Đông phương, ngày lễ Tạ Ơn là ngày vui, là ngày hạnh phúc, mang đến cho chúng ta nhiều ý nghĩa rất quý giá. Ngày lễ Tạ Ơn hay tri ân được người dân bản xứ nơi đây xem như ngày hội quan trọng. Theo năm tháng đi qua, do bận rộn với đời sống chúng ta không có dịp hồi tưởng hay tiếp xúc với ý nghĩa sâu sắc của lễ hội này: đó là tinh thần tạ ơn đất trời, tạ ơn con người và nhất là tạ ơn cha mẹ.

Ngày lễ Mẹ đặc biệt được tất cả mọi người, mọi nơi hướng đến. Qua nhiều lãnh vực nghệ thuật như thi ca, âm nhạc, hội họa..., các thi nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã để lại biết bao tác phẩm tuyệt vời nói về mẹ. Nhưng khi tâm ta không đủ yên lắng để nhớ về, để cảm nhận sự nhiệm mầu của tình mẹ đang tuôn chảy, đang có mặt trong từng tế bào của mình thì dù đi bất cứ nơi đâu chúng ta vẫn cô đơn, vẫn không hạnh phúc cho dù mẹ còn sống hay đã mất.

      Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

      Khi người còn sống, tôi lên mười

      Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

      Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

    (Lưu Trọng Lư)
Những câu thơ mộc mạc, đơn giản không trau chuốt, không ca tụng hay than thở nhưng chúng ta có thể cảm nhân nỗi cô quạnh của người con mất mẹ, và cũng thấy được niềm hạnh phúc của những ngày thơ ấu, khi còn mẹ trong màu áo đỏ phơi trước giậu. Hạnh phúc ấy nồng ấm, trong như màu nắng mới, thắm như màu áo của mẹ ngày nào. Và đối với mẹ, chúng ta có chờ cho đến khi quá muộn rồi nhớ thương, tiếc nuối? Có một câu chuyện nhỏ rất dễ thương và đầy ý nghĩa dành cho ngày lễ Mẹ. 

Có một người đàn ông vào tiệm hoa, đặt một bó hoa gởi cho mẹ nhân ngày lễ Tạ Ơn. Trong tiệm hoa lúc ấy, đứng trước ông là một em bé cũng định mua hoa tặng mẹ. Em muốn một chậu hoa đẹp cho mẹ nhưng không có đủ tiền. Người chủ tiệm nói với em rằng nếu không có đủ tiền thì em nên chọn một loại hoa khác, nhưng cậu bé bảo rằng mẹ cậu thích loại hoa này nên câu phải mua chậu này thôi. Cậu bé nói: "Xin bán cho cháu, ngày mai có tiền cháu sẽ mang đến trả". Người bán hoa không thể tin là thằng bé có tiền để trả, nên không chịu bán. Người đàn ông nọ nghe thấy như vậy cảm động nên bỏ tiền mua chậu hoa cho cậu. Rất vui mừng, cậu bé ôm chậu hoa cám ơn và bước ra.

Người đàn ông mua hoa xong, trên đường đến bưu điện gửi hoa cho mẹ, ông thấy cậu bé hai tay ôm chậu hoa vừa đi vừa hát. Ông nghĩ nhà nó chắc gần đâu đây, nên dừng xe lại hỏi: "Nhà cháu ở đâu để bác chở về?" Thằng bé nói: "Nhà mẹ con gần đây thôi!" Người đàn ông chở thằng bé đi một vòng theo lời nó chỉ, lúc sau ông thấy mình chạy vào một miếng đất rộng, và nó bảo dừng lại: "Mẹ cháu ở trong này". Thì ra đây là nghĩa trang. Sự tò mò kèm theo nổi ngạc nhiênxúc động cùng cực, người đàn ông đi theo. Cậu bé ôm chậu hoa trân trọng đặt lên mộ mẹ, nói: "Mẹ à, con nhớ ngày trước mẹ rất yêu hoa này, con không đủ tiền nhưng nhờ một người tốt bụng đã mua cho con. Con xin mẹ nhận tấm lòng của con, và nhận cho lòng tốt của bác đứng bên cạnh". Nói xong em sờ tay lên mộ mẹ, đi quanh một vòng và ra về. Người đàn ông sau khi thấy việc làm của cậu bé, thay vì định gửi bó hoa đã mua cho mẹ bằng đường bưu điện, ông đổi ý và đã lái xe trên mấy trăm dặm về nhà vào giữa khuya ngày lễ Tạ Ơn. Ông đã tặng bó hoa tận tay mẹ mình.

Câu chuyện thật hay và cảm động. Và một điều rất đẹp và có ý nghĩa nhất ở đây đó là khả năng chuyển hóa tâm thức. Bao nhiêu năm ta nghĩ rằng ta thương mẹ, nhớ đến mẹ, vẫn mua hoa tặng mẹ ngày lễ Tạ Ơn, nhưng như thế đã đủ chưa?

Đời sống chúng ta vốn sẵn đầy châu ngọc và những giếng nước ngọt ngào cũng rất gần ta; nhưng chúng ta không nhận thấy có lẽ vì quá gần, vì vô tình và vì thói quen quên lãng. Ta đợi khi có một điều kiện, một cơ hội nhỏ nhoi bên ngoài tác động ta mới nhớ. Phiêu bạt vất vả ngược xuôi vì đời sống áo cơm, ta từng có một người thương quý mà ta bỏ quên. Hãy thử nghĩ, nếu ta có một người thương như thằng bé kia mà chẳng may nằm xuống, khi ấy ta có muốn tặng một chậu hoa đẹp nhất thì cũng đã muộn mất rồi. Ta sẽ vô cùng ân hận! Vì vậy ta hãy nhận diện người thương đã và đang có mặt quanh ta, bên ta và nếu nhìn sâu hơn, ta thấy họ đang luân lưu trong tế bào của ta từ hình hài đến tâm thức. Một người đã đưa ta vào đời, đã dâng hiến, hy sinh cả cuộc đời mình cho ta khôn lớn, trưởng thành, đó là mẹ, là tình mẫu tử.

Nói về tình mẫu tử, một trong những câu chuyện thật cảm động về tiền thân của đức Phật kể rằng: Ở trong cánh rừng nọ, có hai con vượn với bộ lông trắng tuyệt đẹp, rất thông minh và khả năng leo trèo của nó cũng vô cùng nhanh nhẹn; không một thợ săn nào có thể đuổi bắt được. Một ông vua rất mê bộ lông trắng của hai con vượn kia, nên ra lệnh bằng mọi giá phải bắt cho được chúng để lấy bộ da làm áo choàng. Thế là đoàn thợ săn do một người mà từ lâu cũng đã có ý định muốn bắt con của hai con vượn kia về làm bạn với con trai mình, dẫn đầu cuộc săn bắt vợ chồng vượn đang trú ngụ trên một cây đại thọ.

Tuy có tài leo trèo và chạy nhảy nhanh nhẹn, nhưng lần này với mưu chước thâm độc của người dẫn đầu toán thợ săn, cùng với rất nhiều thợ săn khác đi theo, hai con vượn không thể nào chạy thoát được. Một mũi tên bắn ra, con vượn cha đưa ra lưng hứng lấy nhưng không kịp, tên độc đã trúng nhằm vượn mẹ. Bị trúng tên độc, vượn mẹ biết chắc mình không thể nào sống được, nó trao con cho chồng. Khi vượn cha ôm con vào lòng (loài vượn có đặc trưng là thường ôm con trước lồng ngực), vượn mẹ lấy cành cây quấn lại thành cái phễu, vắt hết chút sữa còn lại của mình đưa cho chồng, rồi buông tay rơi xuống đất. Đám thợ săn vì thấy vượn mẹ rơi xuống sợ hư bộ da nên cũng leo xuống. Lúc bây giờ, vượn cha thấy vượn mẹ rơi xuống đất đau lòng quá, nó liền để con ôm lấy cành cây và chạy xuống. Vừa leo xuống một đoạn ngắn, thì nghe tiếng con kêu la hốt hoảng, nó liền chạy lên. Chạy đến giữa thân cây, nhìn thấy xác vợ với bộ lông trắng như tuyết giờ đang loang máu nằm dưới kia, quá đau xót nó lại chạy xuống. Và cứ như thế, nó chạy lên chạy xuống không ngừng trong tiếng lêu la, sợ hãi của con, trong cơn hoảng loạn của mình vì thương vợ. Cuối cùng thấy không còn hạnh phúc gì trên cuộc đời này, vượn cha buông mình rơi xuống đất.

Sau khi thủ đắc hai bộ da của loài vượn trắng, người thợ săn cuối cũng cũng đã bắt được con vượn con đem về nuôi. Vượn con được nuôi trong chiếc lồng sơn son thếp vàng rất đẹp; người ta để thức ăn, nước uống tinh khiết cho con vượn, và tìm những loại sữa hảo hạng cho nó uống. Người thợ săn còn ủ ấm vượn con bằng loại nỉ tốt nhất. Thế nhưng suốt đêm người ta nghe tiếng gào thảm thiết như từng giọt máu từ tim nhỏ xuống, vì vượn con nhớ mẹ. Sáng hôm sau, khi không còn nghe tiếng kêu, người thợ săn mở cửa lồng thì thấy vượn con đã chết, đầu nó gác trên chén sữa.

Ở đây chúng ta thấy mối liên hệ gắn bó của tình cảm gia đình đã được đưa vào cốt chuyện. Ngoài ý nghĩa tình thương, đức hy sinh để người khác được sống, chuyện còn gợi lên trong chúng ta ý nghĩa sâu đậm của tình mẫu tử. Không có gì nuôi dưỡng ta mà có thể sánh bằng tình mẫu tử. Cũng là tình cảm gia đình, nhưng bên trong tình mẫu tử, ngoài hương sắc dịu ngọt của tình thương (như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau...), còn có sự biểu hiện của lòng từ được ví như biển rộng: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào", hay:

      Mẹ là vạn vật muôn loài

      Mẹ là nhật nguyệt sáng ngời biển đông...

    (Diệu Đức - Vu Lan nhớ mẹ)
Do vậy, nói về mẹ, nghĩ về mẹ ta cảm được niềm hạnh phúc rất lớn, vì không ai thương yêu ta bằng mẹ và đôi lúc ta vô cùng ân hận vì chưa làm được cái gì để gọi là tri ân hay tạ ơn mẹ. Tuy vậy, muốn làm những điều này cũng không khó nếu chúng ta biết tu tập. Hãy thử làm một việc giản dị là mở rộng lòng, nhìn những người thân đang có mặt (như người hôn phối, con cái, bạn hữu của mình...), thấy rằng họ đều là người để cho ta thương quý, và ta luôn nghĩ đến họ như một người dễ thương đáng yêu quí như mẹ của mình.

Có lẽ chúng ta chưa bằng lòng với điều vừa chia sẻ. Có thể chúng ta sẽ nói rằng có người dễ thương nhưng có người lại làm cho ta đau khổ thì làm sao ta thương hết được. Nếu ta may mắn có người hôn phối cùng một cung bậc tâm hồn thì đời sống gia đình dĩ nhiên là một thiên đường nhỏ. Ngược lại, có gia đình chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, những nụ cười, niềm vui ngày trước không còn, chỉ có chì chiết, dằn vặt, khổ đau là thường trực. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, có khi hoàn cảnh ấy chính là mảnh đất màu mỡ cho ta thực tập tưới tẩm hạt giống thương yêu có sẵn trong ta nẩy mầm. Cho ta cơ hội nhìn lại mình xem tình thương thực sự có mặt bên trong hay chưa. Nếu ta nhìn đời sống, nhìn mọi người bằng con mắt yêu thương, với tấm lòng rộng mở thì bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng có người cho ta thương; huống chi người mà ta đã từng đeo đuổi, từng nói lên những lời êm dịu để có nhau. Đối tượng dù thế nào đi nữa, trong bản chất vẫn có ít nhất vài điều dễ thương, chỉ tại mình chưa chịu nhìn họ bằng con mắt thương yêu mà thôi. Nếu như mở mắt ra, ta chỉ nhìn bằng đôi mắt kỳ thi, biên kiến, nhìn cái dở, cái xấu của người bằng tâm địa hẹp hòi thì dù cho thánh nhân có đứng trước mặt, ta cũng không thấy họ dễ thương chút nào. Thế nên có thể nói dễ thương hay khó thương là tùy cái nhìn của mình chứ không hẳn từ con người ấy.

Bước thêm bước nữa, đó là khi nhìn mọi người bằng đôi nắt thương yêu, thì niềm vui có được không phải đến với người kia mà trước hết là đến với chính mình. Sống trong đời khi tiếp xúc với mọi người mà ta để phát sinh tâm lý thù nghịch thì chứng tỏ hồ nước tâm của ta còn vẩn đục, ô nhiễm. Và khi trong ta còn mang ý niệm thù ghét bất kỳ ai thì tự nhiên tâm ta trĩu nặng, bất an.

Cũng một chu kỳ sống trên cõi đời đầy phiền trược, nhưng nếu thực tập sao cho những ngày tháng nơi đây, ngay trong hiện tại này ta có thể bước được những bước thong dong, thảnh thơi; không gieo xuống những buồn giận, ghen hờn thì ta là người hạnh phúc gấp nhiều lần so với những người bên cạnh. Thực tập điều này không khó. An vui, hạnh phúc là những gì ta có thể làm ra được bởi vì tình thương đã có sẵn trong trái tim ta. Và ta có thể dễ dàng hiến tặng cho người bên cạnh - dù thân quen hay xa lạ - niềm an vui, hạnh phúc đó vì chúng là suối nguồn không bao giờ cạn. Hạnh phúc có được từ sức mạnh tình thương của chúng ta sẽ thấm đẫm vào mọi người chung quanh, tác động ngay vào trong môi trường sống, có khả năng cải thiện xã hội để làm giàu có cho các thế hệ tương lai.

Hãy thực tập dừng tâm lại ngay nơi đây và ngay giờ phút này. Khi dừng lại được sự vô tâm quên lãng của mình, chúng ta sẽ cảm thấy hoa cỏ trở nên đẹp hơn, trời trong xanh hơn, mọi người quanh ta dễ thương hơn. Và khi mình dừng tâm lại không còn rong ruổi hướng ngoại tìm cầu, lúc ấy ta mới có thể nhận diện sự có mặt của người thương một cách sâu sắc, đồng thời làm cho năng lượng yêu thương tuôn chảy tự nhiên; ấy mới là tình yêu thương đích thực. Nếu ta chưa dừng lại, chưa buông bỏ được, chưa quay về để nhìn lại tự thân thì ta mãi chỉ là kẻ lang thang, rong ruổi trên con đường dài của cuộc đờibỏ quên châu ngọc mình đang có.
Tạo bài viết
06/03/2024(Xem: 1814)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: