TỈA NHÁNH CÂY KHÔ
Mặc Phương Tử.
Thường ngày nghe tiếng líu lo của chim trêm chòm cây xanh, bóng cây râm mát những buổi trưa chiều tĩnh mịch quanh sân vườn chùa, thỉnh thoảng nghe tiếng chuông gia trì từ trong chánh điện rơi nhẹ vào không gian bên ngoài khi có khách thập phương lễ Phật. Ngoài khách vãng cảnh ra còn có những Phật tử công quả thường tụ lại để trốn nắng, giải mệt mươi phút dưới những gốc cây, có khi như để hòa nhập thân tâm vào nơi tĩnh lặng.
Sân cảnh vườn chùa mỗi ngày có những chú tiểu và một vài thiện nam lo chăm sóc, tưới tẩm, phân nước, kể cả những cây to có nhiều bóng mát, thường quan tâm đến bọn sâu rầy, một khi phát hiện chúng xâm nhập và phát triển, chúng sẽ phá đi sắc hoa màu lá và sự sống của các loài cây, hoa kiểng, nói chung. Cây được nẩy lộc bủa cành xanh mát, Hoa được đơm nụ tươi tốt sắc màu và hương vị, cũng nhờ người chăm sóc, ngăn ngừa, thì hình thức cảnh quan sẽ tăng thêm phần sạch đẹp cộng vào không gian yên tĩnh trang nghiêm ở chốn thiền môn.
Như thường lệ, mỗi sáng sớm nơi bộ ghế đá, ngồi nhâm nhi vài chung trà cùng huynh đệ, cảm giác thoảng chút hương trà lẫn vào chút hơi sương mỏng manh lất phất mát dịu đầu ngày, rồi chút suy tư về ý tưởng đạo lý đang khi từng bước du hóa vào muôn ngã cuộc đời. Nhất là bối cảnh xã hội hôm nay, đã không ít những diễn biến phức tạp về tâm lý, mọi giao tiếp hành xử chơn giả, và bao đối mặt khác trong cuộc sống nhiều vật vã bon chen.v.v…
Bất chợt nhìn xuống một góc của mặt sân dưới tàng cây, thấy có nhiều phân sâu và những chiếc lá bị nhâm nát rụng đầy, đường kính tàng cây độ chừng 7 đến 8 mét, khi nhìn lên phía bên trên thì thấy có nhiều nhánh to lá đã úa vàng, có vài nhánh đã chết khô tự bao giờ, liền kiểm tra tìm hiểu, mới biết nơi thân cây ở phía dưới thấy trốc một vài nơi vỏ ngoài, thâm đen từng ô nhỏ ở vỏ trong, thì ra bọn sâu đục thân đã xâm nhập tấn công, đây là trường hợp dễ phát hiện, dễ nhận ra, còn có trường hợp khác nếu không để ý xem xét, thiếu kinh nghiệm của người chăm sóc cây vườn, thì không biết điều gì từ phía bên trong khi chúng đã đục khoét, tàn phá hư hại từ giác cây thậm chí cả lỏi cây. Nếu điều ấy tồn tại thì không bao lâu, cây sẽ chết toàn thân.
Người chăm sóc cây cho biết : trước hết cho thuốc trừ sâu vào chung quanh gốc cây, kế đến khoét rộng những chỗ bị đổ bọt cây rồi cho thuốc vào bên trong, xịt thuốc trừ sâu trên lá và cưa bỏ đi những nhánh bị chết khô, hay những nhánh đang bị khô dần. Nhờ kịp thời xử lý như thế, mà các bọn sâu rầy phá hoại tàng lá bên ngoài cũng như bên trong thân cây không còn nữa, nên cây mỗi ngày được phục hồi lại sức sống như xưa, từ từ lộc non sẽ lúm phúm tạo cho cây thêm màu xanh, cho sân vườn thêm nhiều bóng mát.
***
Đó là chuyện của cây, chuyện của ngưới chăm sóc sân vườn.
Còn chuyện của người đệ tử Phật thì sao ?
Một khi đã phát tâm quy ngưỡng Tam Bảo, tu tập để dự phần vào đời sống hướng thượng, an trú vào pháp của bậc Thánh, để tự giúp cho mình và cho người được nhiều an vui lâu dài, như lời Phật dạy:
“Tự sách tấn chánh niệm
Không thích cư xá nào
Như ngỗng trời rời ao
Bỏ sau mọi trú ẩn “
PC. 91.
Chúng ta sẽ thực tập chuyển hóa dòng tâm thức đã bao phen đã bị ngầu đục, lê mình nặng nề trong kiếp tử sinh, một khi đã bị những “Dục tưởng, Sân tưởng và Hại tưởng” khởi động đưa đến cuộc hành trình cho “Dục tầm cầu, Sân tầm cầu và Hại tầm cầu (thuộc bất thiện tầm), vì các tầm nầy đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”.
( Kinh Trung Bộ 1, số 19.)
Như vậy, sự tập nhiễm, đắm nhiễm theo bao vị ngọt của dục, có sức hấp dẫn, có sức công phá đưa đến tàn hại bởi nhiệt não, nó làm tổn giảm một nếp sống lành mạnh, trong sạch, nhường lại cho sự sống dậy của những bất thiện tùy miên, dung dưỡng cho những loại sâu ác hại, tàn phá, tiêu mòn chân tánh, ngăn trở sự hướng tâm Giác ngộ và giải thoát. Tà tư duy, tà kiến đưa đến gậm nhấm, bâm nát tự thân còn gây bao nhiểu hại cho người khác, rộng hơn là xã hội mà thực phẫm của chúng lại chính là miếng đỉnh chung (lợi đắt danh xưng) những ti tiện ích kỷ, chút suy tư thọ dụng thấp kém, chỉ vì để thỏa mãn những “dục tưởng, tham tưởng” tạo thành miếng đất phì nhiêu của trần tâm tầm thường.
Ngày nay, chúng ta càng nhận diện rõ hơn ngay trong cuộc sống quanh ta, mỗi ngày có biết bao điều trắc ẩn, đáng thương tâm, đáng quan ngại, những tội phạm cố sát, cướp giựt trộm cắp, lừa đảo ngày càng gia tăng, những bất kính, bất nghĩa, bất hiếu, những việc phá hoại, ô nhiễm môi trường, những khí hậu biến đổi bất thường, những khí chất độc hại ô nhiểm làm chết dòng sông, lòng đất và cả một phần không gian, những tài nguyên trái đất, những sinh động vật đã đến lúc báo động.v.v…
Tất cả đều bắt nguồn từ sự sống và vì cuộc sống, trong đó từ việc đạo đức giáo dục chưa được quan tâm thật sự, hay chưa có sự thăng bằng từ gia đình đến các nhà chức năng đào tạo, những điều ấy chưa nói lên sự khắc phục tích cực một cách đồng bộ. Nói một cách khác đi – chính sự giáo dục đạo đức (người phục vụ truyền đạt) và ý thức cảm thụ (người tiếp thu) phải được thật sự có mặt từ trong chân tính của con người (chính mình). Cho nên Ngài Krishnamurti đã phát biểu về tính chấy ấy như sau :”Nền giáo dục thích đáng, chúng ta sẽ phải dò xét toàn thể ý nghĩa cuộc sống” hay “ Giáo dục là để nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể… Và giáo dục sẽ đánh thức khả năng tự giác”.
***
Trở lại vấn đề cây bị sâu rầy làm hại và qua cái nhìn tu tập của những người đệ tử Phật.
Người làm vườn chăm sóc cây cảnh nhờ kịp thời phát hiện bọn sâu rầy xâm nhập và tàn phá, vì chất liệu của cây, lá và hoa là thực phẫm dung dưỡng cho chúng, là nơi trú ẩn cho sự tồn tại ác hại của chúng. Cùng thế ấy, đối với người đệ tử Phật, khi bị các dục chi phối ( Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy ), ở đây chính là những thực phẫm dung dưỡng cho một tâm có cấu uế, bị đắm chìm do những cảm thọ lạc thú thấp kém của dục.v.v… và như vậy sẽ chờ đợi một cõi ác, trong đó có sự tham mưu của chúng ác ma bằng :”Dục tưởng, Sân tưởng và Hại tưởng”.
Chúng ta bị chinh phục, bị lệ thuộc, bị cột trói và vâng lệnh bởi những thế lực, những ý lực, đó là sức mạnh của các “ ác dục”. Và đây cũng chính là bị bọn sâu rầy đụt khoét, gậm nhấm, tàn phá, tàn hại, gây nên bao nhiệt não, tổn giảm, bất an cho cây đời hay những tâm hồn chơn chất, đạo đức hiền thiện và lành mạnh trong thế giới loài người.
Thay vì chúng ta biết tu tập, hướng tâm đến các pháp mà các bậc Thánh đã chứng được và đã đi du hóa vào muôn ngã cuộc đời. Lặng lẽ mà tâm kiên định, an lạc, khiêm cung mà sở hành dũng trí, bình dị mà khí thần bất khuất, sống giữa bận rộn mà không bị sự trói buộc, vây hãm, không bị sự sai xử xuôi theo bởi từ ý lực của ác ma đến từ mọi phương diện.
Nhờ kịp thời phản tỉnh thể hiện từng ý niệm Bi Trí hùng lực, để đoạn trừ (chặt bỏ) những nhánh khô chết của trần tâm từ nguồn dục nhiễm bùn đục đã trải qua bao ngược xuôi, chìm nổi của kiếp đời khổ lụy, như chặt đứt từng sợi dây leo, không cho bám leo từ đời nầy đến những đời khác. Được như vậy, thì cây đời ngày một thêm xanh tốt, sân vườn ngày một thêm bóng mát bình an.
Hôm nay, chúng ta cùng hướng về ngày Đức Bổn Sư thành tựu pháp Chánh Đẳng Chánh Giác cách nay trên 25 thế kỷ, chúng ta thể hiện bằng ý niệm, bằng một nghĩa cử qua lời Phật dạy, để hiện thực sự tu tập nhận diện khổ và chấm dứt khổ như sau :
“ Ly dục tầm, Vô sân tầm, Bất hại tầm (thuộc thiện tầm), vì các tầm nầy không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não hướng đến Niết bàn”. (Trung Bộ I, 19).