7. Tìm hiểu ý nghĩa bài kinh “Thanh Tịnh”

21/06/202110:10 SA(Xem: 3459)
7. Tìm hiểu ý nghĩa bài kinh “Thanh Tịnh”

ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION 2021

 

7

TÌM HIU Ý NGHĨA

BÀI KINH "THANH TNH"

 

          Bài kinh "Thanh Tịnh"bài kinh ngắn, Đức Phật giảng cho các vị Tỷ-kheo khi Ngài còn tại thế. Bài kinh được ghi lại trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 3, phẩm Đọa Xứ. Trước khi vào đề mục chính, chúng tôi giới thiệu khái quát về "Kinh Tăng Chi Bộ" này.

          Kinh Tăng Chi Bộ, tiếng Phạn là Anguttara Nikàya là bộ thứ Tư trong 5 bộ kinh tạng Pali: 1) Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya); 2) Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya); 3) Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya); 4) Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya); 5) Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya).

          Bộ kinh này được cố đại lão Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ. Bộ kinh chứa 7,557 bài kinh ngắn được chia thành 11 chương (nipàtas). Mỗi chương gồm nhiều phẩm (vaggas). Trong mỗi phẩm lại có nhiều bài kinh ngắn, được xếp theo pháp số thứ tự từ nhỏ (1 pháp số) đến lớn dần (11 pháp số). Thí dụ như chương Một, thì những bài kinh diễn đạt về một pháp (Eka Nipàta). Chương Hai, bao gồm những phẩm thuộc các bài kinh diễn đạt về hai pháp (Duka Nipàta)… và tuần tự như thế đến pháp Mười Một (Ekàdasaka Nipàta) thì có tới mười một pháp là chương cuối cùng. Do từ pháp số 1 tăng dần lên đến pháp số 11, nên Bộ kinh có tên là "Tăng Chi" nghĩa là "tăng lên từng pháp số".

          Hôm nay chúng tôi chọn bài kinh ngắn nói về "Thanh Tịnh" bài kinh tuy ngắn nhưng rất quan trọng trên con đường tu tập của chúng ta. Bài kinh này là bài số 118. Trong kinh ghi là: Thanh Tịnh (1). Tiếp theo là bài số 119 trong kinh ghi là Thanh Tịnh (2). Cả hai bài kinh này thuộc "Phẩm Đọa Xứ" nằm trong Chương Ba, tức chương đặc biệt nói về ba pháp tu tập được chọn đăng trong Tăng Chi Bộ Kinh.

I. NGUYÊN VĂN KINH

          118-Thanh Tịnh (1)

          - Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.

          Thế nào là thân thanh tịnh?

          Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân thanh tịnh.

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh?

          Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói thanh tịnh.

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh?

          Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có tham lam, với tâm không sân hận, có chánh tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh.

          Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.

II. TÌM HIỂU

          - Tỷ-kheo: Tỷ-kheo là chữ dịch theo âm của tiếng Phạn là Bhikhu chỉ nam tu sĩ Phật giáo. Tỷ-kheo-ni dịch theo âm Bhikhuni chỉ nữ tu Phật giáo. Ngày nay các vị mới xuất gia thọ 10 giới gọi là Sa-di hay Sa-di-ni. Sau một thời gian tu tập, thọ Cụ Túc Giới, tăng 250 giới, ni 348 giới mới gọi là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni.

          - Thanh tịnh: Nghĩa là trong sạch, không ô uế, không dơ bẩn.

          - Ba thanh tịnh: Gồm thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnhý thanh tịnh.         

          - Thân thanh tịnh: Người nào sống ở đời không sát sanh giết người, giết vật, không trộm cắp lấy của không cho, không tà dâm xâm phạm tiết hạnh người khác...  Đức Phật nói rằng người đó giữ được "thân thanh tịnh".

          - Lời nói thanh tịnh: Người nào từ bỏ nói láo, tức khi nói thì nói đúng sự thật không thêm không bớt. Không nói hai lưỡi, tức không nói hai chiều gây chia rẽ thù oán giữa người này với người kia. Không nói những lời hung dữ, ác độc làm đau lòng người khác. Ngoài ra cũng không nói những chuyện phù phiếm cợt nhã trên trời dưới đất vô ích.

          Những lời nói láo, nói hai lưỡi, nói hung dữ hay nói phù phiếm bây giờ người ta gọi chung là vọng ngữ. Xa lìa vọng ngữ, nói lời chân thật, dịu dàng, từ ái có lợi cho mình cho người, thì người đó giữ được "lời nói thanh tịnh".

          - Ý thanh tịnh: Người có tâm không tham lam, không sân hận và có Chánh tri kiến. Người có Chánh tri kiến là người nhìn thấy sự kiện một cách đúng đắn, biết rõ chánh, tà, hiểu rõ lời Phật dạy, giữ tâm ý trong sạch là người giữ được "Ý thanh tịnh". Ngược lại là "tri kiến điên đảo", huân tập tư tưởng tham, sân, si, mạn, nghi tà kiến... tạo nghiệp.

          III. KHAI TRIỂN ĐỜI SỐNG THANH TỊNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

          Là người Phật tử khi quy y Tam Bảo sẽ được trao truyền năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không vọng ngữ, không tà dâm, không dùng chất say, nghiện. Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm là các giới thuộc về thân. Không vọng ngữ là giới thuộc về lời. Không uống rượu, hay xử dụng các chất ghiền nghiện (xì-ke, ma tuý) là giới thuộc về ý. Nếu người Phật tử giữ được các giới này thì được xem như thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Trong nhà Phật thường nhắc tới từ "ba nghiệp thanh tịnh". Nghĩa là không tạo nghiệp xấu ác qua hành động, lời nói và trong ý nghĩ.

          Là người cư sĩ sống ngoài đời, có gia đình, cha mẹ, vợ, chồng, con cái nên còn nhiều trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội. Do đó khó tránh những xung đột, va chạm với người xung quanh khiến cho bản thân mình phải chịu ít nhiều những bức xúc, phiền não, khổ đau...

          Đức Phật dạy người Phật tử nên giữ gìn 5 giới. Giữ tròn 5 giới này thì mình không gây tổn thương đến người khác. Nhờ thế mà cuộc sống của mình cũng được an vui hạnh phúc. Trước hết nói về 3 giới thuộc về hành động của Thân.

          - Giới về thân là giới về hành động, cử chỉ, là cái tướng bề ngoài của con người. Nói đến "thanh tịnh" là nói đến sự thanh tao, thanh bạch, trong sạch, là sự yên lặng, định tĩnh... Muốn "thân thanh tịnh", Đức Phật dạy không được tà dâm nghĩa là không được liên hệ tình cảm, tình dục với người không phải là vợ hay chồng chính thức của mình. Không được trộm cắp nghĩa là không lấy của không cho. Không phải chỉ trộm cắp tiền bạc, vòng vàng vật chất của người khác mới phạm lỗi trộm cắp. Lười biếng trong giờ làm việc, hoặc lấy giờ công làm việc riêng hay khai gian giờ làm việc, làm ít giờ khai nhiều giờ cũng là hành động ăn cắp

          Nói về "thân thanh tịnh" cũng cần phải bàn đến việc chăm sóc giữ gìn thân thể sạch sẽ. Cái dáng vẻ bề ngoài của thân cũng cần phải được chú ý như cách ăn mặc gọn gàng đẹp đẽ, nhưng giản dị không loè loẹt, không hở hang, không tẩm ướp dầu thơm nồng nực khiến những người xung quanh phải hắc xì, xổ mũi... Vì như thế cũng bị xem là thân thể bất tịnh theo nghĩa đen.

          Ngoài ra, sống ở đời người Phật tử cần lập "đức thanh tịnh" bằng cách không ỷ vào thế lực, tài năng mà uy hiếp những người thấp cổ bé họng hơn mình, ngược lại nên ân cần giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Ngay cả con mắt nhìn hay hành động (cử chỉ) cũng cần độ lượng chứ không nên ngạo nghễ khinh người.

          Trong kinh Phật dạy việc ác dù nhỏ cũng không làm, lỡ làm thì phải sám hối, ngừng ngay không tái phạm. Bởi vì những hành động xấu tuy nhỏ nhưng huân tập lâu ngày cũng làm hoen ố sự trong sạch của mình và tạo nghiệp bất thiện.

          - Giới thứ hai cần phải gìn giữ cho thanh tịnhlời nói. Lời nói rất cần thiết cho cuộc sống của con người, nhờ có lời nóicon người ta hiểu nhau, giải quyết được những rắc rối trong công ăn việc làm. Lời nói giúp cho người ta đến gần nhau, thông cảm nhau, thương yêu nhau hơn. Nhưng lời nói cũng là một vũ khí sắc bén hại người, hại mình không cần gươm đao. Chỉ cần lời nói ác độc vu oan vá hoạ, khiến cho nạn nhân phải chịu nhiều oan ức khổ đau, hay lời nói tuy ngọt ngào thân ái nhằm xúi giục người khác làm chuyện xằng bậy phạm pháp, hoặc lời nói đẩy đưa ngọt mật, nhằm lừa bịp cướp tình, cướp tiền, phá hoại gia cang người khác, khiến người ta đau khổ quẩn trí đi tìm cái chết thì tội ác của mình làm sao kể xiết?... Những lời nói gây phiền lụy khổ đau cho mọi ngườilời nói xấu xa, trong nhà Phật xem đó là những lời nói bất tịnh.

          Ngược lại, khi cần chúng ta xử dụng lời nói chân thật, hiền hoà từ ái... khuyên lơn người gặp cảnh trái lòng đau khổ, tạo niềm tin và sức sống cho họ. Lời nói gây tình đoàn kết trong gia đình, hay trong đạo tràng nơi mình đến tu tập, thì đó là "lời nói được xem là thanh tịnh."

          - Giới thứ ba là giữ tâm ý trong sạch. Chúng ta biết rằng động cơ chính khiến đời sống con người trôi lăn trong biển khổ từ đời này sang đời khác... là do ý tưởng. Nhưng cũng chính ý tưởng tạo vô lượng phước lành hỗ trợ việc tu tập hành trì... đưa con người tới thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.

          Ý tưởng nắm vai trò chủ động của một đời người. Khi trong tâm có tư tưởng xấu xa ích kỷ thì nó khiến con ngườilời nói hành động xấu xa, ích kỷ. Vì thế muốn giữ thân nghiệp, khẩu nghiệp được thanh tịnh, chúng ta cần phải gạn lọc đào thải những tư tưởng hắc ám trong đầu, thay vào đó huân tập những ý nghĩ thiện lành.

          Muốn ngăn chận những niệm xấu khởi lên trong đầu, chúng ta cần phải tinh tấn tu tập để đoạn diệt các loại tâm sở như: tham lam, sân hận, tự ái, ngã mạn, nghi ngờ, tà kiến... trong kinh gọi cái mớ ô nhiễm này là lậu hoặc, là kiết sử, là tuỳ miên. Do đó, các loại tâm sở vừa kể là tâm bất tịnh, nó chi phối hành động và lời nói của chúng ta khiến cho cả ba nghiệp của chúng ta không được trong sạch.

          Tóm lại trong ba nghiệp cần thanh tịnh, thì ý tưởng là quan trọng hàng đầu, cho nên tu đức thanh tịnh, chúng ta cần phải gạn lọc cái tâm trước. Khi tâm yên lặng trong sạch thì ngôn ngữ và hành động cũng nương theo đó mà yên lặng, trong sạch theo.

IV. THỰC HÀNH GIỮ "BA NGHIỆP THANH TỊNH"

          1. Giữ Giới:

          Muốn thanh tịnh hoá ba nghiệp thân, khẩu, ý. Trước tiên phải có Chánh tri kiến, tức phải có cái nhìn đúng đắn về cuộc đời. Phải biết tư duy thế nào là sống theo lẽ phải, sống có đạo đức. Năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu cũng như không xử dụng những chất ghiền nghiện làm lu mờ lý trí con người, do Đức Phật đưa ra... là hàng rào bảo vệ cho người Phật tử sống một đời sống trong sạch không bị sa đoạ vào bùn nhơ tội ác. Như vậy việc đầu tiên là chúng ta phải tuân giữ năm giới.

          2. Thiền Định:

          Từ tâm phàm phu lăng xăng dao động tham sân si, là nơi phát xuất những niệm "biết có lời" không ngưng nghỉ. Chúng ta có thể thực tập pháp "thu thúc lục căn", nghĩa là khi nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý... tiếp xúc với ngoại xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... ta giữ tâm yên lặng, không phản ứng trong đầu, nghĩa là ngay lúc đó chúng ta thấy, nghe, hoặc xúc chạm, chúng ta nhận biết rõ ràng đối tượng nhưng không khen chê, thương ghét. Trong nhà thiền gọi trạng thái tâm này là "biết không lời". Như vậy tâm chúng ta hoàn toàn yên lặng không dính mắc với đối tượng. Đây là cách huấn luyện tế bào não từ quán tính dao động trở thành quán tính yên lặng. Yên lặng là đặc tính của Tánh Giác, trong kinh tạm gọi đó là Tâm bậc thánh.

          Những chiêu thức khác như thư giãn lưỡi, nghe tiếng chuông, nhìn xa, nhìn gần, nhìn lướt, nhìn lưng chừng, nhìn ánh sáng nắng, nhìn bóng đen, thiền hành v.v... thuộc thiền Chỉ/Samatha, cũng giúp tâm dừng suy nghĩ, dừng lao xao.

          Khi trạng thái "biết không lời" vững chắc thì gọi là Định/Samãdhi. Đến lúc này thì ý tưởng hoàn toàn yên lặng. Chúng ta kinh nghiệm "ý thanh tịnh" vững chắc. Từ đó "thân và lời cũng thanh tịnh".

          Ba nghiệp thanh tịnh là nền tảng quan trọng cho mọi người. Nó giúp cho đời sống hiện tại của chúng ta được an vui hạnh phúc, và là cái Nhân tốt cho những đời sau. Nó còn là nền tảng cho con đường tu tập thiền Định, phát huy trí huệ tâm linh cho những ai ôm ấp lý tưởng tu hành "thoát khổ, giác ngộ, giải thoát."

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

September 25-2019

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/05/2011(Xem: 104576)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.