Lời Đầu Sách

09/07/20214:31 SA(Xem: 3255)
Lời Đầu Sách
VÔ THƯỜNG VÀ GIẢI THOÁT ĐẠO
Thượng Tọa Thích Minh Quang 
Nhà xuất bản Bồ Đề Tâm
Tu Viện Thiện Tường, Champagne, IL 61824

Lời Đầu Sách

   Cuộc đời vốn tạm bợ mong manhmộng huyễn không thực, như bóng nước lúc trời mưa, tợ ánh trăng lồng đáy nước…. Nhưng bề ngoài chỗ mong manh đó là vẻ đẹp long lanh, muôn màu muôn sắc, khiến cho bao người phải điên đảo mộng tưởng! Cho nên, chúng ta như nàng công chúa ngây thơ thuở xưa, không màng viên ngọc quý vô giá trên người, mà khóc lóc đòi có bằng được xâu chuỗi kết từ bong bóng nước!

   Từ chỗ nhận giả làm chân này, bao nhiêu nước mắt chúng ta đã rơi vì đau khổ, bao nhiêu xương thịt chất chồng vì sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay. Như vậy, nỗi khổ niềm đau của chúng ta là do nhận giả làm chân, chấp thật không buông, để một đời sống say chết mộng và nhiều đời sinh tử ngược xuôi:

         Lưỡi tham vị ngon, tai thích tiếng
         Mắt mê sắc đẹp, mũi đắm hương
         Lang thang làm khách phong trần mãi
         Ngày một xa quê muôn dặm đường.[1]

   Để thức tỉnh những người còn mê đắm như chúng tađức Phật và bao đời tổ sư đã dùng đủ mọi ngôn từthí dụ để chỉ ra thực tướng của cuộc đời là vô thường, khổ, không, vô ngã. Như nói, vô thường là cơn bão lớn, phá tan tất cả công đức tốt đẹp trong thế gian:

         Ôi thế gian vô thường
         Như thân chuối, bóng trăng
         Công đức khắp ba cõi
         Gió vô thường phá tan![2]

   Lại nói, vô thường là dòng thác lũ, cuốn phăng cả ngôi làng đang say ngủ trong đêm:

         Người nhặt các loại hoa,
         Ý đắm say, tham nhiễm,
         Bị thần chết mang đi,
         Như lụt trôi làng ngủ.[3]

   Thêm nữa, vô thường là ngọn lửa dữ đang thiêu cháy ngôi nhà thế gian mà chúng sinh đang mê đùa trong đó:

          Ba cõi không an
          Như nhà lửa cháy
          Đầy dẫy các khổ
          Thực đáng sợ hãi.
          Thường có sinh, già
          Bệnh, chết lo âu
          Những ngọn lửa này
          Thiêu cháy không ngừng![4]

   Xin tri ân đức Phật. Ngài như người cha lành giàu có vô lượng, vì muốn gần đứa con nghèo cùng, mang tâm chí hạ liệt để dạy dỗ mà hòa quang đồng trầnthị hiện trong cõi đời vô thường để dạy dỗ chúng sinh. Thuở xưa, Thái tử Tất-đạt-đa đã đọc và giác ngộ bài kinh vô thường không chữ nơi bốn cửa thành Ca-tỳ-la-vệ mà từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan để xuất gia tầm Đạo, rồi giác ngộ thành Phậtgiáo hóa chúng sinh.

   Xin tri ân đức Phật. Suốt cuộc đời Ngài không dừng bước chân hoằng hóa, dùng hữu ngôn để diễn đạt chỗ vô ngônphương tiện tùy cơ dẫn dắt chúng sinh, để lại ba tạng kinh điển làm kim chỉ nam cho người.

   Xin tri ân Chánh Pháp. Những bài kinh có chữ đã phát khởi lòng tin, khai sáng đường về nẻo giác, cho chúng con có được chánh kiến tu hành.

   Xin tri ân bao đời chư tổ sư và các bậc thầy hiện tại. Quý ngài đã truyền thừa mạng mạch Phật Pháp, để hơn hai ngàn sáu trăm năm sau, cách nơi Phật ra đời rất xa mà chúng con vẫn có thể nghe được tiếng Pháp âm về vô thườngvô ngã.

   Xin tri ân bài kinh không chữ. Bài kinh vô thường không lời mà Tất-đạt-đa đọc được nơi bốn cửa thành Ca-tỳ-la-vệ vẫn còn đây, những trang kinh vẫn tươi mới không chịu chút ảnh hưởng của thời gian. Mỗi ngày xung quanh ta, cảnh sinh, già, bệnh, chết vẫn xảy ra như những gì Tất-đạt-đa đã gặp khi xưa.

         Ta thấy người khác chết
         Trong lòng rất xót xa
         Không chỉ xót kẻ mất
         Vì cũng đến phiên ta!

   Cho nên, vô thường đau khổ chính là vị thiện tri thức đã thức tỉnh chúng ta giật mình tỉnh giấc chiêm bao ngũ dục, tìm về mái nhà hạnh phúc ngày xưa, nơi có Cha Lành luôn ngóng đợi. Vô thường cũng là đề tài thiền quán ngay trong cuộc đời, ở nơi thân tâm của mình mà không cần phải tìm đâu xa xôi.

   Ngựa hay thấy bóng roi liền chạy; ngựa khá roi đánh chạm da liền chạy, ngựa bình thường roi đánh đau da thịt mới chạy, còn con ngựa dở bị roi đánh đau thấu xương mới biết chạy!

   Bút giả là một con ngựa dở, phải bị ngọn roi vô thường đánh đau thấu xương mới chịu cất bước, tiến lên trên con đường Đạo. Cho nên, soạn phẩm Vô Thường và Giải Thoát Đạo này chủ yếu để tự nhắc nhở mình, mượn bài kinh có chữ để định hướng, khích lệ cho mình trên con đường khám phá bài kinh không chữ qua công phu thiền quán.

   Việc xuất bản quyển sách này chẳng qua là làm tròn bổn phận hoằng Pháp của xuất gia, mong đền đáp bốn ơn trong muôn một. Kính nguyện những ai có duyên đọc được, cùng bút giả kết thành pháp duyên thanh tịnh, cùng sách tấn nhau tinh tấn hơn trên con đường giác ngộ giải thoát.

    Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

    Sakya Minh-Quang kính ghi.

 -----------------

[1] Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục.

[2] Đại Trí Độ Luận: “Đốt thế gian vô thường, như thủy nguyệt ba tiêucông đức mãn tam giớivô thường phong sở hoại.”《大智度論》「咄世間無常,如水月芭蕉,功德滿三界,無常風所壞」Đại Chánh Tạng 25, kinh số. 1509, tr. 69, b26-27).

[3] Kinh Pháp Cú, kệ số 47.

[4] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: ‘Tam giới vô an, do như hỏa trạchchúng khổ  sung mãn, thậm khả bố úy. Thường hữu sinh lão, bệnh tử ưu hoạnnhư thị đẳng hỏa, xí nhiên bất tức.”《妙法蓮華經》「三界無安,猶如火宅,眾苦充滿,甚可怖畏,常有生老,病死憂患,如是等火,熾然不息」Đại Chánh Tạng 09, kinh số. 262, tr. 13, c19-p. 14, c24).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2014(Xem: 17757)
14/02/2019(Xem: 11950)
18/09/2013(Xem: 19981)
30/01/2020(Xem: 8448)
25/03/2017(Xem: 9813)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.