Suy Nghĩ Về Kinh Sabhiya Sutta

24/04/20221:51 CH(Xem: 3842)
Suy Nghĩ Về Kinh Sabhiya Sutta

SUY NGHĨ VỀ KINH SABHIYA SUTTA

Nguyên Giác

images (2)Đây là một trong các bài Kinh khi Đức Phật còn trẻ tuổi và chỉ mới xuất gia. Kinh ghi theo thể vấn đáp, khi du sĩ Sabhiya được một vị thiên tử chỉ rằng hãy đi tìm các câu trả lời cho một số câu hỏi, lúc đó không một vị đạonổi tiếng nào lúc đó trả lời nổi. Du sĩ Sabhiya mới nghĩ tới Đức Phật, và suy nghĩ: “Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia.” Kinh không nói rõ mới xuất gia là bao nhiêu tháng hay năm. Nhưng lúc đó Đức Phật đã có một tăng đoàn. Kinh Sabhiya nằm trong nhóm Kinh Tập, viết tắt là Kinh Snp 3.6. Kinh này ghi từng lời Đức Phật dạy đều là các pháp tu cụ thể để giải thoát. Kinh này văn phong khác với nhiều kinh phổ biến, cho chúng ta nhìn thêm về cách Đức Phật hoằng pháp trong các các năm đầu. Kinh này nằm chung bầu không khí với nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời.

Trong bài này các câu hỏi và đáp trong Kinh Sabhiya sẽ được dịch ra tiếng Việt, theo ba bản Anh văn của Bhikkhu Bodhi (bản sách giấy, The Suttanipata, ấn bản 2017, trang 241-249, không có bản trực tuyến), Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Thanissaro với tham khảo bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu. Sẽ để trong ngoặc đơn, ghi là LND (Lời Người Dịch) khi cần làm sáng tỏ thêm. Vì Kinh này khá dài, nên sau đây chỉ dịch riêng các phần vấn đáp, sẽ viết theo văn xuôi cho dễ hiểu. Nơi đây sẽ ghi số thứ tự các bài kệ theo Thầy Thích Minh Châu và Bhikkhu Bodhi. Trong các dấu ngoặc vuông [] cũng là LND để làm sáng tỏ hơn. Đức Phật dạy nhiều pháp trong Kinh này. Người dịch sẽ cố gắng viết bằng một ngôn ngữ cực kỳ đơn giản, làm cho mọi chuyện dễ hiểu, để có thể giúp đa số độc giả tự biết cách tu, tự biết cách an tâm. Các sai sót có thể có xin được sám hối cùng Tam Bảo.

VẤN ĐÁP TRONG KINH SABHIYA

510. Sabhiya nói: Đầy những nỗi nghi và bất định, con tới đây muốn nêu ra các câu hỏi. Xin ngài dứt nỗi nghi cho con. Con sẽ hỏi Ngài các câu tuần tự, xin trả lời theo Chánh pháp.

511. Thế Tôn nói: Ngươi đã tới từ xa, muốn nêu các câu hỏi. Ta sẽ kết thúc các nỗi nghi cho ngươi. Các câu hỏi người đưa ra tuần tự, ta sẽ trả lời phù hợp với Chánh pháp.

512. Sabhiya, hãy nêu ra các câu hỏi, bất cứ những gì lòng ngươi muốn hỏi. Vì ngươi, ta sẽ kết thúc nỗi nghi đối với từng câu hỏi.

[LND: Tiếp theo, Kinh kể về nỗi hân hoan của Sabhiya khi được Thế Tôn hứa trả lời, vì các đạo sĩ nổi tiếng mà Sabhiya tìm gặp đều từ chối trả lời.]

513. Sabhiya hỏi: Thành tựu những gì, mới được gọi là Tỳ kheo? Như thế nào, được gọi là nhu hòa (gentle). Và như thế nào được gọi là thuần thục (tamed)? Như thế nào, được gọi là Bậc giác ngộ (enlightened)? Xin Thế Tôn trả lời cho con.

514. Thế Tôn nói: Trên con đường tự thực tập, vị nào đã thành tựu Niết bàn, đã vượt qua nỗi nghi, đã rời bỏ cả Không Hiện Hữu (nonexistence, non-becoming) và rời cả Có Hiện Hữu (existence, becoming), đã sống Phạm hạnh, đã đoạn tận tái sanh, vị đó là Tỳ kheo.

[LND. Khi tâm lìa cả Có và Không, đó là vào thực tướng Vô ngã, tức là giải thoát. Không có pháp nào trực tiếp hơn. Trong Kinh SN12.15, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy về Chánh kiến: "Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có." Khi tâm lìa cả Có và Không, là khi ngôn ngữ dứt bặt, vì nói Có, nói Không đều sai. Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng đàn nơi đâu. Lúc đó, nói Có hay nói Không đều là hý luận. Tâm dứt bặt hý luậngiải thoát. Lìa Có và Không là ý chỉ Bát Nhã Tâm Kinh, cũng là cốt tủy Thiền Tông Việt Nam.]

515. Tâm tịch lặng đối với tất cả, tâm tỉnh thức, vị đó không gây tổn thương bất kỳ ai trong tất cả các cõi, một tu sĩ đã vượt qua bộc lưu, tâm trong sáng, không chút dao động nào, vị đó là nhu hòa.

516. Các căn đã được tu dưỡng, cả nội xứ và ngoại xứ, trong tất cả những gì trên thế giới này, không còn vướng bất cứ gì trong đời này hay đời sau, chờ cho tới thời, vị đó là đã thuần thục. [LND: không vướng bất cứ gì là ý chỉ “vô sở trụ” của Kinh Kim Cang.]

517. Đã khảo sát tất cả các lý thuyết, xem xét cả hai mặt của luân hồi, cả chết và tái sanh, vị đó sạch bụi, không uế nhiễm, sống trong sạch, vị đó đoạn tận tái sanh, được gọi là bậc giác ngộ.

[LND: Ý “chờ cho tới thời” trong kệ 516 được Thanissaro chú giải rằng ý này trong Trưởng Lão Thi Kệ thường nhắc tới, là không ưa sống, cũng không ưa chết, chờ khi duyên mãn thì đi.

Chữ “bậc giác ngộ” nơi kệ 517 trong bản Bodhi là “enlightened.” Bản của Sujato và Thanissaro là “awakened.” Thầy Minh Châu dịch là “Phật đà."

Có dị biệt lớn trong cách dịch bài kệ 517. Khi dịch là “khảo sát tất cả lý thuyết” là theo Thanissaro (evaluated all theories), theo Bodhi (examined all mental constructs); trong khi đó, Thầy Minh Châu dịch theo nghĩa soi thấu thời gian vô lượng, là "Ai phân tích các kiếp" và Sujato dịch là "examined the aeons in their entirety." Có lẽ dịch như Thanissaro và Bodhi đúng hơn, vì nơi nhiều đoạn sau, bài kệ 538 có nói về hơn sáu mươi dị thuyết. Tuy nhiên, có lẽ nên nghĩ rằng “khảo sát tất cả lý thuyết” chỉ có nghĩa là hiểu rõ tâm mình, còn “chết và tái sanh” có lẽ nên hiểu là “tâm diệt và sanh” đã được khảo sát tận tường.]

518. Sabhiya nói:  Đạt được những gì, thì được gọi là Bà la môn? Như thế nào, được gọi là tu sĩ? Như thế nào, được tắm sạch? Như thế nào, được gọi là voi chúa? Những câu hỏi con đưa ra, kính xin Thế Tôn trả lời.

519. Thế Tôn nói: Lìa tất cả ác pháp, vị đó không còn nhiễm ô, tâm định tỉnh, tâm vững vàng an trú, đã vượt qua luân hồi, tâm tối thắng, tâm vô trụ, vị đó được gọi là một Bà la môn. [LND: bài kệ 519 là lời Phật dạy phải tu giới, định, huệ.]

520. Tâm tịch lặng, rời bỏ cả thiện và ác, không chút bụi nhiễm ô, vị đó hiểu rõ đời này và đời sau; vị đó vượt qua cả sinh và tử, người như thế được gọi là một tu sĩ. [LND: bài kệ 520 là lời Phật dạy giữ tâm lặng lẽ, xa lìa cả thiện với ác, không muốn gì trong đời này hay đời sau, không dính mắc gì với tâm sinh và tâm diệt.]

521. Đã tắm sạch tất cả các loại ác pháp, cả trong và ngoài trong tất cả thế giới, không còn vướng vào lý thuyết nào trong cõi trờicõi người, vị đó được gọi là đã tắm sạch đúng nghi thức. [LND: bài kệ 521 ghi lời Phật dạy “tắm sạch” là lìa tất cả các sở kiến, lìa tất cả lý thuyết. Đây là ý chỉ Kinh Lăng Nghiêm: tri kiến lập tri tức vô minh bổn, khi thấy biết mà dựng lập thấy biết, tức là vô minh rồi.]

522. Vị đó không làm bất kỳ ác pháp nào trên thế giới, đã rời bỏ tất cả các kiết sửtrói buộc, vị đó đã giải thoát, không bị dính mắc vào bất kỳ pháp nào, vị như thế được gọi là voi chúa. [LND: không dính mắc vào bất kỳ pháp nào.]

523. Sabhiya nói: Người thế nào được chư Phật gọi là chiến thắng đất ruộng? Như thế nào được gọi là thiện khéo? Như thế nào được gọi là người trí tuệ? Như thế nào được gọi là bậc tịch lặng? Con xin hỏi như thế, xin Thế Tôn trả lời.

524. Thế Tôn nói: Hỡi Sabhiya, quán sát tất cả các đất ruộng [nơi nghiệp gieo xuống], ruộng cõi trời, ruộng cõi người, ruộng cõi Phạm thiên, xa lìa được tất cả trói buộc vốn là cội rễ của tất cả cánh đồng [nghiệp], người như thế được gọi là bậc chiến thắng đất ruộng. [LND: quán đất ruộng là quán tâm.]

525. Quán sát tất cả các kho tàng [nơi cất giữ nghiệp], kho tàng [nghiệp] cõi trời, cõi người và cõi Phạm thiên, xa lìa được tất cả trói buộc vốn là cội rễ của tất cả các kho tàng [nghiệp], người như thế được gọi là thiện khéo.

526. Quán sát được thuần tịnh nơi trong và ngoài [nội xứ và ngoại xứ], đạt trí tuệ thanh tịnh, vượt qua cả tối và sáng, người như thế được gọi là bậc trí. [LND: bài kệ 526 là lời Phật dạy pháp thiền chỉ quán, thuần tịnh trước, trí huệ sẽ đạt được.]

527. Sau khi biết rõ bản chất các pháp thiệnbất thiện, cả trong và ngoài, trong tất cả các thế giới, đã thoát tất cả trói buộc và lưới giăng, vị đó là bậc tịch lặng, xứng đáng được cõi trờicõi người tôn kính. [LND. Bài kệ 527 là Thiền tuệ.]

528. Sabhiya nói: Thành tựu những gì để được gọi là bậc thầy kiến thức? Như thế nào được gọi là người uyên bác? Như thế nào gọi là tinh tấn? Như thế nào được ca ngợi là ngựa giỏi? Con xin hỏi như thế, xin Thế Tôn trả lời.

529. Thế Tôn nói: Người đã khảo sát tất cả các kiến thức của các sa mônPhạm chí, người đã rời bỏ lòng ưa thích đối với tất cả các cảm thọ, người đã bỏ lại sau lưng tất cả các kiến thức --- người đó là bậc thầy của kiến thức.

[LND. Trong khi Thanissaro và Sujato dịch là “kiến thức,” Thầy Minh Châu và Bodhi dịch là “các bộ sách Vedas.” Trong bối cảnh hơn hai ngàn năm trước ở Ấn Độ, kiến thức đồng nghĩa với các bộ sách Vệ đà. Nhưng ý của Đức Phật nơi đây là nói rằng bậc đáng tôn kính phải là người say mê học, rồi lìa tất cả các cảm thọ (thọ lạc, thọ khổ, không lạc không khổ) và rồi buông hết tất cả kiến thức sau lưng. Tại sao lìa tham đối với tất cả các cảm thọ? Bởi vì Kinh SA 1164 viết rằng: “Sáu nội nhập xứ là một biên; sáu ngoại nhập xứ là biên thứ hai; thọ là ở giữa; ái là thợ khâu." (bản dịch của HT Tuệ Sỹ, HT Thích Đức Thắng). Do vậy, nếu bạn có điều kiện, nên tìm hiểu cái học của trăm nhà rồi mới thực sự rời bỏ cái học của trăm nhà được. Cốt tủy là lìa “ái” vì “ái” là thợ khâu thành lưới vô minh.]

530. Người đã quán sát, thấy rõ các hý luậndanh-sắc, cả trong và ngoài, như là cội rễ của bệnh hoạn, người đã xa lìa các trói buộc, cội rễ của tất cả các bệnh hoạn, người như thế được gọi là người uyên bác.

[LND. Nói “bệnh hoạn” có nghĩa là Khổ đế. Dịch là “uyên bác” nghĩa là người đã biết rõ cội gốc bệnh là do hý luận (proliferation, objectification) và danh sắc cả trong lẫn ngoài, tức là cả nội xứ và ngoại xứ. Tức là người này nhờ quán sát thường trực, nhờ tỉnh thức thường trực, nên thấy hý luận là bệnh, nên thấy danh sắc (thân tâm) cả trong lẫn ngoài là cội nguồn của bệnh. Kinh SN 18.11 (bản dịch HT Minh Châu) ghi lời Đức Phật dạy ngài Rahula rằng: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là vô thường, là khổ, do vậy người trí thấy không có tôi hay của tôi nơi thân tâm này, và do vậy nhàm chán, ly tham, rồi giải thoát. Câu đầu của 530 là "Having studied proliferation and name & form" -- Khảo sát hý luận, và danh-sắc --- riêng phần "khảo sát danh-sắc" hay "nghiên cứu danh-sắc" trong các kinh về sau gọi là "tứ niệm xứ" vì danh-sắc chính là thân-thọ-tâm-pháp. Như thế, có thể suy đoán rằng, Kinh này cho thấy trong các năm đầu hoằng pháp, Đức Phật dùng chữ "khảo cứu danh-sắc" và rồi tới nhiều năm sau mới dùng chữ "tứ niệm xứ" để chỉ pháp quán sát thân-thọ-tâm-pháp.]   

531. Người đã lìa bỏ tất cả các pháp ác nơi đây, đã đi vượt qua những khổ đau của địa ngục, đã tận lực tinh tấn, siêng năng, người đó được gọi là có trí.

532. Người đã cắt lìa tất cả những trói buộc, cả trong và ngoài, xa lìa tất cả cội rễ của dính mắc, người đó được gọi là ngựa giỏi [tuấn mã, là biểu tượng của người giải thoát].

533. Sabhiya nói: Đạt được những gì, được gọi là học giả? Nhờ cách gì được gọi là bậc thánh, với hành vi như thế nào? Như thế nào được gọi là du sĩ? Con xin hỏi như thế, xin Thế Tôn trả lời.

534. Thế Tôn nói: Đã học và đã biết trực tiếp tất cả các pháp trên thế giới, bất cứ những gì có lỗi hay không lỗi, một bậc chiến thắng, đã xa lìa nỗi nghi, đã giải thoát, không còn dao động nơi nào: vị này được gọi là học giả.

[LND: Các bản dịch bài kệ 534 dị biệt nhau. Thầy Minh Châu dịch "Thắng tri tất cả pháp, Pháp có lỗi, không lỗi..." Trong khi Bodhi dịch là "directly known all phenomena in the world" (biết trực tiếp tất cả các hiện tượng trên thế giới). Sujato dịch là "One who has learned every teaching and has known for themselves" (Người đã học tất cả các pháp môn và họ trực tiếp biết...). Trong khi đó, Thanissaro dịch là "Having heard, having directly known every Dhamma for the sake of direct knowing..." (đã nghe, đã biết trực tiếp tất cả Pháp chỉ để biết trực tiếp..." Bản của Thanissaro có 2 chữ "trực tiếp" (directly known, direct knowing) trong một câu. Bản của Bodhi dùng một chữ "trực tiếp" (directly known), bản Sujato một chữ "trực tiếp" (known for themselves). Câu hỏi: dịch là "hiện tượng" (phenomena) như Bodhi đúng, hay "Pháp" (viết hoa, Dhamma) như Thanissaro đúng, hay dịch là "teaching" (pháp môn, hay pháp Phật dạy) như Sujato đúng? Nếu chúng ta dùng chữ BIẾT TRỰC TIẾP (hay trực ngộ) trong nghĩa của Thiền Tông Việt Nam thì dịch cách nào cũng đúng. Sẽ thảo luận nghĩa này cuối bài.]

535. Đã cắt bỏ dính mắc và lậu hoặc, người trí tuệ không trở lại vào bào thai nữa. Đã đoạn tận bùn nhơ của ba loại tưởng [LND: tưởng của ba cõi dục, sắc, vô sắc], vị này không khởi lên tâm nào nữa. [LND. Nghĩa “vô tâm” của Lục Tổ Huệ Năng. Bodhi dịch: “he does not enter upon mental constructs.” Thanissaro dịch: “he goes to no theory: He is called noble.” Bài kệ 535 chính là ý chỉ Thiền Tông Trung Hoa: đoạn trừ 3 loại bùn nhơ của tưởng ở ba cõi, không khởi tâm nào nữa. Vô tâm thị đạo.]

536. Bất kỳ ai nơi đây đã thành tựu giới hạnh, luôn luôn thiện khéo, đã học được Pháp, không bị trói buộc ở bất kỳ nơi đâu, được giải thoát, vị này không còn chút sân giận nào: vị này được gọi là có hạnh. [LND: Đức Phật nhắc, chặng đường giới định huệ.]

537. Tránh làm tất cả các hành động dẫn tới nghiệp khổ đau, dù phía trên, phía dưới, bề ngang và chặng giữa, hiểu biết tận tường, đoạn tận tất cả giả hình và kiêu mạn, cả tham và sân, cả danh và sắc. Đạt được như thế gọi là du sĩ. [LND: “đoạn tận danh-sắc” hàm nghĩa “không thấy gì là thân với tâm” nữa, tức là thấy thân-tâm chỉ là một đám mây lung linh vô ngã.]

(Du sĩ Sabhiya vui mừng, đứng dậy, đắp y một bên, chắp tay, đọc các bài kệ ngợi ca Thế Tôn như sau.)

538. Sabhiya nói: Bạch Thế Tôn, ngài là bậc trí tuệ vô biên. Ngài đã vượt qua dòng thác lũ đen tối của 63 thuyết xuất sinh từ lời giảng của các giáo sĩ, các thuyết xuất sinh từ tưởng và từ khái niệm.

539. Ngài đã đi tới tận cùng, đã vượt qua bờ đau khổ, ngài là một vị A la hán, bậc giác ngộ hoàn toàn. Con nghĩ ngài đã lậu tận, chói sáng, thông minh, trí tuệ rộng lớn vô lượng, đã kết thúc khổ đau, ngài đã và đang đưa con qua bờ kia. [LND: dịch “ngài đã và đang đưa con qua bờ kia” là theo cách Thanissaro dịch "you have brought me across." Có thể dịch là “ngài đã đưa con qua bờ kia” là dịch theo Bodhi (you led me across), và theo Sujato (you brought me across). Nghĩa là, chỉ nghe xong là giải thoát.]

540. Ngài đã hiểu rõ những nỗi nghi của con, ngài đã đưa con vượt qua những nghi ngờ bất định, con xin kính lễ ngài. Ngài là bậc đã thành tựu sự an tịnh. Ngài là đấng bà con của Mặt Trời, ngài là đấng nhu hòa. [LND: Trong các Kinh sơ thời, Đức Phật hiếm khi dùng chữ “Niết bàn” mà ưa dùng các chữ “an tịnh, tịch lặng” chỉ cho Niết bàn, tức là cảnh giới tâm không còn dao động nữa.]

541. Nơi trước giờ, con đầy những nỗi nghi, và ngài đã trả lời cho con. Ngài đã có đôi mắt Pháp. Chắc chắn, ngài là bậc tịch lặng, ngài là bậc Giác ngộ: vì ngài không còn triền cái nào.

542. Với ngài, mọi ưu não đã được phá tan, đoạn diệt. Ngài đã tịch lặng, ngài đã thuần hóa, ngài đã kiên trì: sự thậtsức mạnh của ngài.

543. Ngài là bậc long tượng, trong các hàng long tượng, Ngài là đại anh hùng, chư Thiên đều hoan hỷ. Cả hai nhóm chư thiên Nàrada, và Pabbatà đều hoan hỷ tín thọ lời thuyết giảng của Ngài. [LND: Thanissaro chú giải theo luận thư rằng Nàrada và Pabbatà là hai nhóm chư thiêntrí tuệ.]

544. Chúng con xin đảnh lễ Con người thuần thục nhất. Chúng con xin đảnh lễ Con người tối thượng nhất. Trong cảnh giới Trời, Người, không ai sánh được Ngài.

545. Ngài chính là Đức Phật, Ngài chính là Đạo Sư, Ngài là bậc ẩn sĩ, đã chiến thắng Ác ma. Ngài chặt đứt tuỳ miên, đã vượt qua sanh tử, Ngài giúp nhân loại cùng vượt qua bể sanh tử.

546. Ngài đã vượt qua các dính mắc, ngài đã phá vỡ các lậu hoặc, ngài là bậc sư tử, không hề nắm giữ gì, ngài đã đoạn tận các sợ hãi và hoảng hốt.

547. Như hoa sen tươi đẹp, nước không thể dính vào. Cũng vậy với cả thiện và ác, cả hai không dính tới Ngài. Ôi anh hùng vĩ đại, xin Ngài duỗi chân ra, để Sabhiya con, quỳ lạy chân bậc Đạo Sư.

[LND. Kế tiếp, Sabhiya quỳ lạy, áp sát đầu vào bàn chân Đức Phật, xin quy y, xin xuất gia, xin thọ giới tỳ kheo. Đức Phật nói, vì Sabhiya là dị giáo vào, nên cần sống trong tăng đoàn 4 tháng để được quan sát trước khi cho thọ đại giới Tỳ kheo. Sabhiya hoan hỷ, bạch Đức Phật rằng 4 năm biệt trú trước khi thọ đại giới cũng hoan hỷ, nói gì 4 tháng. Và rồi Sabhiya được Thế Tôn cho xuất gia, và rồi trở thành một vị A La Hán.

Kinh này nói lên khi Đức Phật còn trẻ và mới xuất gia, đã dạy nhiều pháp qua nhiều bài kệ khác nhau. Trong các pháp được dạy trong các bài kệ, có lời Đức Phật dạy ít được nhiều người chú ý: rời bỏ kiến thức sau lưng (kệ 529), xa lìa hý luận (kệ 530), đã học và đã biết trực tiếp tất cả các pháp trên thế giới (kệ 534). Chúng ta nên thấy rằng, khi đã biết trực tiếp các pháp, thì tự động là rời bỏ kiến thức và tự động xa lìa hý luận.

Biết trực tiếp tất cả các pháp trên thế giới? Thế giớivô lượng pháp, lời Đức Phật dạy không có nghĩa là chúng ta học thuộc lòng hay phải đọc tất cả kinh điển. Bởi vì “tất cả các pháp trên thế giới” là ý nghĩa trong Kinh Sabba Sutta  (SN 35:23), khi Đức Phật dạy toàn thể thế giới là: "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả." (bản dịch của Thầy Minh Châu) Như vậy, bài kệ 534 là dạy phải biết trực tiếp, tức là biết thẳng, biết không qua một trung gian nào.

Làm thế nào để biết trực tiếp, để biết không qua trung gian nào, để biết không qua bất kỳ luận thư hay kinh điển nào? Và là biết tất cả các pháp trên thế giời này như thế. Đây chính là yếu chỉ của Thiền Tông Việt Nam. Và pháp này, có thể sẽ thích hợp với rất nhiều học nhân.

Trước tiên, nên phân biệt giữa sự kiệný kiến. Sự kiện là cái được thấy (sắc), cái đươc nghe (thanh), cái được ngửi (hương), cái được nếm (vị), cái được chạm xúc (xúc), cái được tư lường (pháp, đối tượng của ý). Sự kiện là cái biết trực tiếp mà Đức Phật nói trong bài kệ 534. Ý kiếnnhận định của chúng ta về các sự kiện. Như vậy, ý kiến là cái nhận biết qua trung gian của một nền văn hóachúng ta hấp thụ từ thơ ấu.

Khi chúng ta chỉ nhận biết qua sự kiện (qua cái được thấy, được nghe…) thì trong đó là cái vô danh, cái không có tên, cái không hề có ta hay người. Trong cái biết trực tiếp qua sự kiện, thì không có quá khứ, và là cái vô ngôn, vô ngã, vô ngã sở, và là Thiền đốn ngộ: Khi chúng ta thấy bông hoa, thì cái được thấy không có tên gọi, không có cái ta ưa ghét, không có cái người ưa ghét; khi chúng ta nghe âm thanh, thì cái được nghe không có tên gọi, chúng ta vui với cả điệu nhạc bolero của miền Tây và vui với cả dàn hợp xướng của Sài Gòn Nhạc Viện. Tuy nhiên, khi ý kiến khởi lên thì đất trời ngăn cách, mọi chuyện trở thành cái biết qua trung gian của ngôn ngữ Đông Tây, qua trung gian của văn hóa Tây Tàu Mỹ Nhật… chư Tổ Trung Hoa gọi là “trên đầu lại chắp thêm đầu, trên tuyết lại tắm thêm sương” vào (và là cái biết không trực tiếp). Pháp thiền này không cần ngồi, nhưng chỉ là lặng lẽ sống với cái biết trực tiếp, tức là sống với cái biết không hề có quá khứ và là cái biết dứt bặt mọi ngôn ngữ.

Tất cả chúng ta dễ dàng có kinh nghiệm này: khi đã quen với cái biết trực tiếp thì sẽ thấy “Hồn nhiên người với hoa vô biệt” -- như Thầy Nhất Hạnh (1926-2022) đã dịch thơ của Thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Sống với cái biết trực tiếp sẽ thấy trong tâm không hề có quá khứ nào dính tới, và là cái vô ngôn, vô ngã, vô ngã sở. Chính ngay nơi đây, sẽ thấy thân tâm mình chính là đời sống này, chính thân tâm mình là dòng sông cuộc đời đang trôi ra biển lớn để hòa nhập vào Niết bàn. Sống với cái biết trực tiếp rồi sẽ thấy lòng từ bi tự nhiên sinh khởi, sẽ thấy tâm không dính vào lý luận, vì tất cả mọi người già trẻ lớn bé trong thế giới này khi tương tác với mình đã trở thành các ảnh trong gương tâm của mình, nơi đó mình với người không phải khác, và cũng không phải đồng. Sống với cái biết trực tiếp chính là sống với vô lượng thiện pháp của cái không hề có quá khứ, và là cái vô ngôn, vô ngã, vô ngã sở, và nơi đó lìa xa đôi bờ phân biệt thiện ác của ba cõi.

Trong cái biết trực tiếp, sẽ thấy tất cả mình và người chỉ còn là các đám mây lung linh vô ngã, không chỉ đâu ra được là A hay B vì ngôn ngữ đã dứt bặt. Ngay khi thấy nghe hay biết trực tiếp thì vô lượng hý luận biến mất, vô lượng kiến thức đã học tự nhiên rời bỏ sau lưng, sẽ thấy mình là đám mây, là ngọn gió, sẽ thấy mình chính là nỗi đau khi tuổi già gân xương đau nhức và sẽ thấy mình chính là niềm hạnh phúc khi từng cơn đau giảm đi… và không hề vướng gì nữa.

THAM KHẢO:

Kinh Sabhiya, bản dịch Thanissaro: https://www.dhammatalks.org/suttas/KN/StNp/StNp3_6.html

Kinh Sabhiya, bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/snp3.6/en/sujato

Kinh Sabhiya, bản dịch Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a1546/chuong-03-dai-pham

Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, bản dịch Nguyên Giác: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/02/2016(Xem: 14172)
06/10/2022(Xem: 3815)
14/06/2014(Xem: 17761)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.