Chuyện vãng sinh của vua quan

13/07/20162:49 SA(Xem: 4923)
Chuyện vãng sinh của vua quan

AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT 
CẦU SINH TỊNH ĐỘ
Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ
Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Chuyện vãng sinh của vua quan

 

Vua Ô-trường 

Vua Ô-trường, mỗi khi có được chút thời gian rảnh rỗi sau khi giải quyết muôn ngàn công việc của đất nước, rất thích học hỏi Phật pháp. Vua thường nói với các quan hầu cận rằng: “Trẫm tuy làm vua hưởng nhiều phước báu, được vui thích, nhưng cũng không thể tránh được vô thường. Được nghe rằng cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-di-đà ở phương tây là nơi yên nghỉ được, trẫm phát nguyện vãng sinh về cõi ấy.” 

Do đó, vua kiên trì tu tập, ngày đêm sáu thời kinh hành niệm Phật. Mỗi lần trai tăng cúng dường, đích thân đức vua và hoàng hậu lo việc dâng thức ăn, trong suốt ba mươi năm chưa từng bỏ sót

Khi vua sắp băng hà, sắc mặt tươi nhuận vui vẻ, mọi người đều nhìn thấy hóa Phật đến đón, cùng với rất nhiều điềm lành

Ngụy Thái tử

Ngụy Thái Tử đời Tống, cùng với hai con trai và một con gái là quận chúa đều tu theo pháp môn Tịnh độ, chỉ riêng người vợ không chịu tu. 

Quận chúa chết sớm, sau khi chết được bảy ngày bỗng nhiên sống lại, nói với người mẹ rằng: “Con nhìn thấy trong hồ bảy báuTây phương có sẵn hoa sen đợi cha và hai anh, về sau sẽ vãng sinh lên đó. Chỉ có mẹ không thấy có hoa sen, nên con tạm quay lại báo cho mẹ biết, xin mẹ sớm phát tâm niệm Phật.” Vừa nói xong lại nhắm mắt qua đời. 

Người mẹ nhân việc đó liền nhanh chóng phát khởi niềm tin, niệm Phật không mệt mỏi. Về sau, cả nhà họ đều lần lượt qua đời trong tư thế ngồi lặng an nhiên, khi lâm chung cũng đều có nhiều điềm lành

Tham quân Lưu Di Dân

Đời Tấn có Lưu Di Dân, quê ở Bành Thành, vốn là hậu duệ của Sở Nguyên Vương. Di Dân mồ côi cha từ nhỏ, nuôi dưỡng mẹ nổi tiếng hiếu hạnh. Ban đầu nhận chức Phủ Tham quân, sau về ở ẩn. Hai người Tạ An, Lưu Dụ cùng tiến cử nhưng ông không nhận lời, vào Lô sơn tham gia Bạch Liên xã của Đại sư Tuệ Viễn, chuyên tâm bền chí niệm Phật, trải qua thời gian rất lâu chưa từng biếng trễ. 

Ông có lần đang nhập định bỗng thấy hào quang của Phật chiếu sáng mặt đất, biến thành sắc vàng. Ở trong núi được mười lăm năm, nhìn thấy đức Phật A-di-đà phóng hào quang từ khoảng giữa hai chân mày chiếu đến, rồi đưa tay vỗ về. Ông chắp tay thành khẩn nguyện: “Nguyện được Như Lai dùng tay xoa đầu con, lấy y che thân con.” Nguyện vừa dứt, đức Phật liền đưa tay xoa đầu, lấy y che thân ông. 

Một đêm nọ, ông lại mộng thấy đức Phật A-di-đà có vầng hào quang tròn quanh đầu, nơi ngực có chữ vạn, đưa tay chỉ vào nước trong hồ có đủ tám công đức, bảo ông uống vào. Di Dân uống nước thấy vị ngon ngọt. Đến khi tỉnh giấc bỗng có mùi hương lạ tỏa ra từ các lỗ chân lông, ông liền nói với mọi người: “Duyên Tịnh độ đã đến.” 

Ông liền thắp hương đối trước tượng Phật khấn nguyện rằng: “Con nhờ nghe theo lời dạy của đức Phật Thích-ca, mới biết có Phật A-di-đà. Nay nguyện dâng hương này, trước cúng dường đức Phật Thích-ca, sau cúng dường đức Phật A-di-đà, cùng bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nguyện cho hết thảy hữu tình đều được sinh về Tịnh độ.” Khấn nguyện xong liền chắp tay quay mặt về hướng tây mà qua đời. 

Huyện úy Mã Tử Vân

Tử Vân sống vào đời Đường, được tiến cử vào hàng hiếu liêm, nhận chức quan Huyện úy. Một lần ông mang tiền thu thuế của dân về Kinh đô giao nạp, gặp gió lớn chìm thuyền mất sạch, liền bị khép tội bắt giam. 

Trong thời gian ở tù, ông chuyên tâm niệm Phật, trải qua 5 năm liền được ân xá, thả ra. Từ đó, ông vào chùa Nam Lăng Sơn ở ẩn, chuyên tâm tu tập.

Một hôm, ông không bệnh, bỗng nói với người chung quanh rằng: “Tôi một đời tinh tấn chuyên cần niệm Phật, nay tịnh nghiệp đã thành tựu, sắp vãng sinh về Cực Lạc.”

Hôm sau, ông tắm rửa, thay y phục sạch sẽ, ngồi ngay ngắn chắp tay niệm Phật. Bỗng có mùi hương thơm lạ tỏa lan khắp trong phòng, ông vui mừng nói: “Phật đến đón tôi rồi.” Vừa nói xong thì qua đời. 

Quan trợ giáo Trương Địch

Trương Địch sống vào đời Tống, quê ở Tiền Đường. Ông làm quan Trợ giáo, thọ giới Bồ Tát với Luật sư Viên Tịnh. Ông tìm hiểu về pháp môn Tịnh độ rồi quyết chí tu tập, nguyện vãng sinh về Cực Lạc

Mỗi thời khóa niệm Phật, ông đều gắng sức niệm thật rõ tiếng, niệm cho đến khi tắt tiếng mới thôi. Một hôm, ông nói với ngài Viên Tịnh: “Con nhập định nhìn thấy chim tần-già màu trắng, bay lượn ngay trước mắt.” 

Ba năm sau, ông ngồi ngay ngắn quay mặt về hướng tây, an nhiên niệm Phật mà qua đời. 

Tiến sĩ Vương Long Thư


Vương Nhật Hưu sống vào đời Tống, người đất Long Thư. Ông là người ngay thẳng, giản dị mà thanh khiết, sức học thông bác kinh sử. 

Một hôm, ông mang sách vở trong nhà vất bỏ hết, nói rằng: “Những thứ này đều là tập khí nghiệp căn, không phải pháp cứu cánh. Tôi từ nay quyết hướng về Tây phương Cực Lạc.” 

Từ đó, ông tinh tấn niệm Phật. Năm ông 60 tuổi vẫn mặc áo vải thô, ăn uống sơ sài, mỗi ngày lạy Phật một ngàn lạy, đến giữa đêm mới ngả lưng nằm ngủ

Ông có soạn bài văn Tịnh độ để khuyên người đời tu theo pháp môn niệm Phật

Trước khi mất ba ngày, ông từ biệt tất cả bạn bè quen biết. Đến ngày ra đi, ông vẫn đọc sách như thường. Đọc sách xong, đến thời khóa lễ bái niệm Phật như hằng ngày, ông bỗng cất giọng niệm lớn tiếng “A-di-đà Phật” rồi nói: “Phật đến đón tôi.” Vừa nói xong thì vẫn đứng yên ngay ngắn mà tịch. 

Quan Đại phu Cát Phồn

Cát Phồn sống vào đời Tống, quê ở Trừng Giang. Ông đỗ đạt từ lúc còn trẻ tuổi, làm quan đến chức Triều Tán Đại phu. Khi ông nhậm chức các nơi, dù ở nơi làm việc hay nhà riêng đều cho xây dựng một tịnh thất, an trí tượng Phật. Thường ngày ông đều vào thất ấy lễ bái, tụng kinh, niệm Phật. Có lần cảm ứng xá lợi từ trên không trung rơi xuống. 

Bình sinh ông thường khuyên dạy người khác tu theo pháp môn Tịnh độ. Rất nhiều người nghe theo lời khuyên của ông mà phát tâm tu tập, có cả hàng xuất gia cũng như tại gia.

Về sau ông không có bệnh, ngồi an nhiên quay mặt về hướng tây mà qua đời. 

Quan Đề hình Dương Vô Vi

Dương Kiệt sống vào đời Tống, quê ở châu Vô Vi nên lấy hiệu là Vô Vi tử. 

Ông đỗ đạt từ khi còn trẻ, làm quan đến chức Thượng Thư Chủ khách lang, quản lý việc hình ngục ở cả hai tỉnh Chiết Đông và Chiết Tây. 

Ông tôn sùng Phật pháp, sáng tỏ được lẽ thiền, nhưng thường cho rằng [khó thích hợp với] căn tánh tất cả chúng sinh, vì có kẻ nhanh lẹ sáng suốt, lại có người trì độn u mê, chỉ riêng pháp môn Tịnh độdễ hiểu dễ làm. Ông từng viết lời tựa cho các sách Thiên Thai thập nghi luận, Tịnh Độ quyết nghi tập, nội dung đều xiển dương pháp môn Tịnh độ

Về già, ông vẽ tranh tượng đức Phật A-di-đà cao một trượng sáu thước, tùy duyên hạnh mà cúng dường. Khi lâm chung chiêu cảm Phật đến đón, ông ngồi yên an nhiên mà tịch. 

Lộ công Văn Ngạn Bác 

Văn Ngạn Bác sống vào đời Tống, tin sâu Tam bảo, chuyên tu pháp môn niệm Phật. Thời gian ông cư trú ở Kinh đô, có cùng với Pháp sư Tịnh Nghiêm lập hội niệm Phật, những người tham gia được sự giáo hóa lên đến cả vạn người. Đương thời, giới trí thức quan chức từng có bài kệ ngợi khen ông rằng: 

Lộ công hùng đảm sánh ngang trời, 
Tây phương dẫn dắt mười vạn người; 
Không chỉ riêng mình tìm lẽ sống
Muôn kẻ nhờ ông thoát luân hồi

Ngày lâm chung, ông không bệnh, an nhiên niệm Phật mà đi. 

Thiếu sư Chung Ly 

Chung Ly Cẩn sống vào đời Tống, trong thời gian giữ chức Đề Hình ở Chiết Tây gặp được Sám chủ Từ Vân, nhờ đó phát khởi niềm tin sâu xa vào pháp môn Tịnh độ. Sau ông làm tri phủ Khai Phong, lo việc công hết sức tận tụy, nhưng khi về nhà không quên niệm Phật

Một hôm, vào lúc giữa đêm ông bỗng gấp rút gọi người nhà đến, giúp ông tắm rửa, thay y phục. Sau đó, ông ngồi an nhiên niệm Phật mà tịch. 

Người trong nhà tất cả đều nhìn thấy ông ngồi trên tòa hoa sen màu xanh, có nhạc trời nghênh đón đi về hướng tây

Quận thú Tiền Tượng Tổ

Tiền Tượng Tổ sống vào đời Tống, hiệu Chỉ Am. Trong thời gian làm Quận thú Kim Lăng, ngoài những lúc lo việc công, ông chuyên tâm niệm Phật không ngừng nghỉ. Tại Hương Châu ông từng xây dựng hơn mười nhà tiếp khách cho các am viện, đều lấy tên chung là Tịnh độ Cực Lạc

Sau khi ông từ chức Tả Thừa tướng về quê, lại càng chuyên tâm niệm Phật nhiều hơn nữa. Vào tháng 2 niên hiệu Gia Định năm thứ tư, ông có bệnh nhẹ, bảo người nhà mang giấy bút đến viết kệ để lại. Xong, ông ngồi kiết già mà tịch. Về sau có người nằm mộng thấy ông sinh về Tây phương thành Bồ Tát Từ Tế. 

Quan Thị Lang Vương Mẫn Trọng 

Vương Cổ sống vào đời Tống, tên tự là Mẫn Trọng, làm quan Lễ Bộ Thị Lang.Ông thương người yêu vật, gia đình đã bảy đời không phạm giới sát. Ông có sự khế hợp sâu xa yếu chỉ thiền tông, nhưng lại hướng tâm về Tịnh độ. Ông có trước tác sách Trực chỉ Tịnh độ quyết nghi tập, 3 quyển, rộng khuyên mọi người niệm Phật

Ông chuyên tâm niệm Phật, dù khi đi đứng nằm ngồi đều lấy việc niệm Phật quán tưởng làm chỗ lưu tâm, trên tay không lúc nào rời xâu chuỗi hạt

Khi lâm chung, ông tắm rửa thay y phục sạch sẽ, ngồi an nhiên niệm Phật rồi tịch. 




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.