(Thích Nữ Đàm Uyên)
Đạo Phật có 8 vạn 4 nghìn pháp môn, trong đó Tịnh Độ tông có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân sinh. Pháp môn này dễ thực hành nên vô cùng phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội. Khi nghe đến Tịnh độ, chúng ta đều nghĩ ngay đến một cảnh giới tâm linh thuần tịnh vi diệu của mười phương chư Phật, đó là cõi nước lý tưởng mà tất cả tín đồ đều ước ao và ngưỡng vọng sinh về. Như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ diễn tả cõi nước đó lúc nào cũng thanh sạch thơm tho, lầu gác nguy nga tráng lệ, có ao bảy báu với nước tám công đức và rất nhiều sự thù thắng khác. Chúng sinh nơi ấy dung sắc tươi đẹp không già, không chết, vô ưu – vô bệnh. Y áo vật thực thì tùy tâm thọ dụng chẳng cần phải vất vả lao nhọc để kiếm cái ăn cái mặc, lại được thường xuyên thân cận chư thiện thượng nhân là các bậc Bồ Tát bất thối. Những ai muốn sinh về cõi ấy thì phải trọn đời chuyên tâm niệm Phật, thành tựu Tín – Hạnh – Nguyện, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc.
Cũng có thể đặt ra hoài nghi, đạo Phật là đạo thiết thực hiện tại, lẽ nào con người phải tìm cách chối bỏ cuộc sống hiện thực, cắn răng chịu đựng khổ đau để mà Niệm Phật chờ ngày tạ thế? Tuy nhiên, giáo lý đạo Phật cùng tột cao xa dung thông sự lý đâu thể chỉ hướng dẫn con người đến một đời sống an lành sau khi chết mà lãng quên thực tại. Quan trọng hơn cả là học lời Phật dạy để cải tạo, xây dựng thế gian này thành một thế giới thanh bình, hạnh phúc như cõi Tịnh độ phương Tây.
Vậy, thế giới Tịnh Độ đó nằm ở đâu và nguyên nhân, nhân duyên nào làm nên Tịnh độ? Tịnh độ chỉ có ở thế giới của Đức Phật hay thế giới Hoa Nghiêm hay có ở đâu nữa không? Thật ra, Tịnh độ có ở nhiều nơi, tuy nhiên Đức Phật chỉ giới thiệu cõi Tây phương thắng cảnh để chúng sinh tin học. Vậy phương pháp, nhân duyên, phương cách chúng ta làm nên Tịnh độ hiện tiền thực sự ở tại nhân gian như ta từng nghe “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”. Chúng ta cũng vậy, những lúc khó khăn, sống không bằng chết thì khổ nơi địa ngục cũng không sánh bằng, khi sống trong cảnh no ấm, sung sướng như thiên đường. Vậy thiên đường hay địa ngục phải chăng chính tại nhân gian hay tại nơi tâm mình?
KHÁI NIỆM VỀ TỊNH ĐỘ
Tịnh độ (S: Suddhàvàsa, Sukhāvatī; E: Pure land; C: 淨土) là cõi nước thanh tịnh, nơi an trú của Phật và Bồ tát. Trái lại, quốc độ của chúng sanh còn nhiều phiền não (tham, sân, si, tà kiến, chấp thủ,…) gọi là Uế độ. Trong phẩm Phật quốc của Kinh Duy Ma cho rằng tâm tịnh thì quốc độ tịnh, Ta bà tức Thường Tịch Quang Tịnh độ, nếu tâm chúng sanh không thanh tịnh thì cõi này trở thành nhơ xấu, còn chỗ thấy của chư Phật thanh tịnh thì trở thành vô lượng công đức trang nghiêm. Theo Sơ tổ Trần Nhân Tông – một người tiên phong chủ trương xây dựng Tịnh độ tại nhân gian: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc” [1].
Như thế, trước tiên, chúng ta phải tha thiết xây dựng, thiết lập tư duy, mong mỏi, bản hoài trước đã. Như muốn xây nhà phải lên tích lũy tiền của, nêu ý định, thiết kế, và thi công. Xây dựng Tịnh độ cũng vậy. Sau đó chúng ta tham học trong kinh điển, lấy cách các ngài xây dựng chúng ta cũng làm và hướng thế giới của chúng ta viên mãn như thế. Phật nói thời quá khứ rất lâu, có Tỳ kheo Pháp Tạng, ngài nghe Phật hiện đời giảng pháp giới thiệu về cõi nước 10 phương, nên Tỳ kheo ấy đã phát đại nguyện đi du phương học để tìm hiểu tinh túy nhất ở các cõi nước mong hình thành cõi nước Tây Phương cực lạc và hướng dẫn chúng sinh. Việc Pháp Tạng đến các thế giới học về cách xây dựng cõi Tịnh độ của chư Phật giống như việc du học, học tinh hoa nước bạn để làm giàu kiến thức, nâng cao khả năng của mình rồi trở về cống hiến, sáng tạo, làm đẹp cho quê hương. Chúng ta sơ phát tâm cũng đi tham học các nơi để xây dựng Tịnh độ tại nhân gian. Tư tưởng xây dựng Tịnh độ tại nhân gian đã được xây dựng từ rất lâu, ngay từ thời chư Phật, chư Tổ đã hình thành.
TƯ TƯỞNG TÌNH ĐỘ
Bên cạnh các pháp môn như Thiền, Mật thì còn có tư tưởng Tịnh độ với năm môn niệm Phật gồm công đức lễ bái, tán thán,tác nguyện, quán sát thuộc về tự lợi, đưa hành giả vào thế giới Liên Hoa Tạng thọ hưởng pháp lạc, thành tựu công đức. Công đức hồi hướng thuộc về lợi tha, Bồ Tát vào cõi Ta bà hoá độ chúng sinh, thành tựu Bồ đề và công đức. Ngoài ra trong bộ luận Vô lượng thọ kinh ưu bà đề xá của ngài Thế Thân và Vô lượng kinh ưu bà đề xá nguyện sinh kệ chú của ngài Đàm đề cập các thuật ngữ tự lực và tha lực, làm tư tưởng cho Tịnh độ. Ngài Thế Thân cho rằng Đức Phật Di Đà chỉ là một vị Phật của ánh sáng, tư tưởng này ảnh hưởng đến tư tưởng Đàm Loan ở Trung Quốc cũng như Thân Loan ở Nhật Bản. Hành giả Tịnh độ cần thực hành tín, hạnh, nguyện bằng việc trì danh niệm Phật (Tổ Đạo Xước, Tổ Thiện Đạo), quán tưởng niệm Phật (từ Tổ Huệ Viễn đến Tổ Vĩnh Minh), thật tướng niệm Phật (Tổ Trừng Quán, Tổ Tông Mật) và tham cứu niệm Phật (Tổ Châu Hoằng, Tổ Vĩnh Minh), quán tướng niệm Phật (mọi hành giả). Hành giả tu Tịnh độ thường y cứ tu tập nơi Kinh Di Đà, Kinh Vô lượng thọ, Kinh Quán vô lượng thọ và luận Vãng sanh cùng với chương Đại Thế Chí niệm Phật viên thông chương trong Kinh Lăng nghiêm để hành trì đồng thời cần tôn trọng trì giới, chí tâm niệm Phật cũng như hồi hướng mọi thiện căn hướng về cõi Tây phương.
YẾU TỐ XÂY DỰNG TỊNH ĐỘ TẠI NHÂN GIAN
Trong Niệm Phật luận, thiền gia Trần Thái Tông khuyến tấn mọi người loại bỏ niệm xấu, thay vào đó bằng niệm tốt nơi ba nghiệp, thể hiện qua việc: “Trong lúc niệm Phật, thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân chánh, không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý tà, thế là tắt được nghiệp ý” [2]. Trong Thượng sĩ ngữ lục, Trần Tung có bài Thị tu Tây phương bối: “Thân báu Di Đà ẩn đáy lòng. Bốn phương thân pháp toả mênh mông” [3]. Sau này các tư tưởng ấy góp phần phát triển phương pháp Thiền-Tịnh song tu.
Thật vậy, đầu tiên, chúng ta cần tịnh hóa thân: theo duyên sinh để quán chiếu năm uẩn mà dứt trừ chấp ngã với sự sống chết của sắc thân, thấy khổ, vui, tốt, xấu đan xen… không còn chấp mình ở trong đó. Là người con Phật phải luôn nương tựa Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Chúng ta phải tin sâu nhân quả nghiệp báo như trong Kinh Tiểu nghiệp phân biệt thuộc Kinh Trung bộ, Đức Phật dạy cho chàng thanh niên Subha rằng: “Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu” [4].
Nghiệp sát sinh chiêu cảm chiến tranh vì số người sát sinh còn nhiều, số người bảo vệ thiện lành ít nên chưa tạo nên Tịnh độ. Phật dạy thế giới sa bà là ngũ trược, nên chưa tạo nên Tịnh độ. Hành động trộm cắp chiêu cảm quả báo làm mà không được hưởng. Tịnh độ không có, nên hành giả phải tu tập mở tâm bố thí. Hành vi tà hạnh phá hủy hạnh phúc nhân sinh, nên không thể đạt mốc Tịnh độ. Chúng ta phải biết đủ, thường vui. Tịnh độ là thế giới ưa chuộng trí tuệ nên ta không dùng chất kích thích phá hoại tư duy, não bộ. Và chúng ta phải từ bi, bố thí, biết đủ, thường vui giúp người khác tu tập.
Tịnh hóa ý: Nghiệp thân để lại hậu quả nhưng lời nói tạo ra nghiệp rất tai hại, có thể phá hoại cả quốc gia. Nên chúng ta phải nói lời có lợi ích, chân thật giản dị, không phải vô bổ, không bàn chuyện phiếm. Phải tôn trọng sự thật, có nói có, không nói không, không đi lại trái sự thật, khi nói chân thật sẽ không gây nghiệp về khẩu. Nói lời nhu hòa, ái ngữ dễ đi vào lòng người. Không ai thích nghe lời gắt gỏng, ác khẩu. Lời không ái ngữ sẽ gây phản cảm và không mang lại lợi ích. Dùng lời chữa lành, vực dậy niềm tin cho họ, thay đổi tư duy giúp họ lấy lại niềm tin. Chúng ta ít khi vui với thành công của người khác nhưng hay đố kỵ, cũng không tùy hủy với thành công của người khác. Nếu biết dùng lời tùy hỷ khen ngợi chân thành thì dần dần chúng ta cũng tốt đẹp như điều ta khen ngợi người, vô tình tạo thành mối keo kết nối giữa người với người. Dù quý thầy hay quý Phật tử mới hoằng pháp mà tất cả chúng ta có thể làm cánh tay hoằng dương chánh pháp, đem lời Phật dạy thực hành và giúp mọi người hiểu, mưa dầm thấm đất. Thường xuyên nhớ lời Phật dạy sẽ ăn sâu vào tiềm thức và thực hành. Mình là người lợi ích trước.
Vì thế, hằng ngày tự thân phải luôn trau dồi thân, khẩu và ý cho thanh tịnh, trong đó Tâm (tức ý nghiệp) còn quan trọng hơn. Tâm như họa sĩ vẽ nên ngôi nhà, mà trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu dạy rằng:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình” [5].
Tịnh hóa tâm: Phật giáo ví von chúng sinh được làm người ít như đất trong móng tay. Người Phật tử làm đẹp nhà mình là muốn xây dựng Tịnh độ tại nhà mình nhưng còn muốn làm đẹp chùa, xây dựng Tịnh độ cho người khác cùng hưởng. Ngày ngày làm cỏ chùa, quét dọn làm sạch đẹp chùa, dọn nhà vệ sinh để cho mọi người sạch sẽ, những việc này khó làm nhất, mọi người ai cũng muốn ngồi bàn ghi công đức, muốn cắm hoa để kiếp sau được đẹp, muốn vào bếp để đông vui, làm cung nghinh rước quý thầy nhưng mấy ai muốn làm việc dọn dẹp nhơ uế, cũng như mấy ai muốn làm việc nhỏ nhặt nhưng cái gì càng khó làm công đức càng lớn. Nhưng nhà Phật làm những việc nhơ uế ấy công đức vô cùng, đó là công hạnh của Bồ tát, nếu không có công hạnh nhỏ như thế để viên tròn Phật quả thì còn lâu lắm mới thành tựu Phật quả, không có những giọt nước đó không sao đầy lu. Chúng ta không phô trương mà làm với hết trái tim người con Phật và làm vị tha làm vì chúng sinh, vì người khác. Thứ nữa là chuyển hóa hạt giống tham, sân, si, kiêu mạn. Nói dễ làm khó. Chúng rất khó bỏ vì nó đã ăn vào nghiệp thức của chúng sinh, là bản nghiệp, nó huân tập nhiều đời nhiều kiếp, nó huân tập quá lâu quá dầy nên rất khó bào mòn nhưng không phải không làm được. Nghiện rượu, thuốc còn khó bỏ huống chi tham, sân, si, mạn. Nhưng thế giới Tịnh độ nếu chúng ta vẫn còn những yếu tố này thì không về được. Bởi vì tham là nhân của ngạ quỷ, sân hận là nhân địa ngục, si mê là nhân của súc sinh nên có ba cái này không thể về cực lạc. Để làm được chúng ta học Phật, để nhổ những cây cỏ này, trồng những hạt giống từ bi, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, chính ngữ, chính tư duy…. để kìm hãm cỏ và thanh lọc tâm. Để chúng ta sợ mà tránh. Sát sinh đập vào mắt rất nhiều để ta sợ quý thân người, những con ấy từng là người, từng sinh lên trời nhưng vẫn ở cõi súc sinh mà trả nghiệp vì nó từng tham, sân, si gây ra và không biết học phật, khi hết vòng luân chuyển lại làm người tiếp tục gây nhân và đọa ba đường ác. Chúng ta học Phật thì phải chuyển hóa, chính niệm để giữ lòng vững chãi khi gặp chướng duyên. Có mấy ai học mà nhớ hay nhớ mà không hành hay hành mà không tới. Chính niệm là tâm luôn nhớ nghĩ điều chính đáng, là nhớ Phật, nhớ pháp, nhớ tăng. Nửa tháng chúng ta nên tụng giới một lần để biết và xem chúng ta thực hành được gì. Chính niệm là nhớ nó và ý thức mình, nó như ngọn đèn soi tâm đi qua chướng duyên, nghịch cảnh. Xem nó đem lợi ích gì, hậu quả gì. Nếu nó gây hại cho mình và người thì nhất quyết không làm. Việc thiện dù nhỏ chúng ta cũng nên làm.
Ta cần phát tâm bồ đề, hành Bồ tát đạo. Ngài Di Lặc hiện đang tu công hạnh Bồ tát, xây dựng Tịnh độ tại nhân gian, tương lai thành Phật tại sa bà nhưng rất lâu mới thành Phật. Theo Phật giáo, đất nước Ngài đẹp như cõi nước Phật Dược Sư. Nhân dân cõi nước ngài tuổi thọ 8 vạn tuổi. Hiện tại tuổi thọ trung bình của con người là 75 tuổi thì cứ 100 năm tuổi thọ giảm 1 tuổi đến khi nào tuổi thọ giảm đến 10 tuổi, người ta không biết Phật pháp, rất hung bạo, chỉ có chiến tranh… lúc đó là kiếp giảm thấp nhất, sau đó nó lại tăng dần, 100 năm lại tăng 1 tuổi, tăng lên đến 8 vạn 4 nghìn tuổi rồi giảm xuống còn 8 vạn tuổi thì lúc đó Di Lặc ra đời, thời gian còn rất xa. Vậy trong khoảng thời gian đó Ngài tu hạnh Bồ tát chuyển hóa thân, tâm, khẩu chúng sinh để từ xấu thành tốt, xây dựng cõi Tịnh độ tại nhân gian.
Nhìn chung, muốn lợi ích an lạc cho chúng sinh có nhiều cách nhưng chúng ta có đủ phương cách, từ bi hay không, quý thầy lên nơi thanh vắng để tu cần gì phải xây dựng chùa to, cảnh lớn, thiết lập đạo tràng, khuyến dụ Phật tử tu tập. Để làm gì, để đem Phật pháp vào đời, làm lợi ích chúng sinh. Quý thầy vào đời là thiết lập Tịnh độ nhân gian, lan tỏa phật pháp, chuyển hóa tâm chúng sinh. Chiến tranh từ đâu là từ sát sinh, tham lam, sân hận. Họ đã có hạt giống tư thù rồi thì hiện tại đủ duyên nó chín thì bây giờ trổ ra. Phật tử học Phật, biết nhân quả chúng ta hãy lan tỏa nó ra cộng đồng, xây dựng thế giới hòa bình… chỉ có thể dựa vào bàn tay của chính chúng ta chứ không có thần thánh nào. Chúng ta những người con Phật hãy là những viên gạch lành lặn, vuông vắn, đặt đúng chỗ, kiên cố xây dựng quốc độ Tịnh độ tại nhân gian đẹp gần như thế giới của chư Phật.
KẾT LUẬN
Trên lộ trình tu tập, việc hành trì năm điều đạo đức (không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) hay rộng hơn bằng việc giữ gìn mười điều thiện (không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói lời mạ nhục hung ác, không tham lam, không sân giận, và không si mê hay tà kiến) sẽ thanh tịnh hóa ba nghiệp. Cũng chính ta làm ta được thanh tịnh, cũng chính ý niệm của ta dẫn ta rơi vào tam đồ ác đạo. Nên trong đời sống hằng ngày, giữa những đổi thay từng ngày, hành giả phải tu tập Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), như lý tác ý nhận diện thiện và ác. Hành giả dù niệm mười đức hiệu Phật theo truyền thống Nguyên thuỷ hoặc niệm Phật A Di Đà theo Tịnh độ tông,… phải thức tỉnh tìm lại chất Phật trong ta mà Đức Phật từng nói rằng: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” [6]. Bản thân mình phải tự thắp lên ngọn đuốc trí tuệ, siêng nghe giáo pháp và nghiên tầm kinh điển, chỉ nương tựa theo lời Phật dạy, không bị lệ thuộc vào thần quyền mê tín, hãy là kẻ thừa tự pháp trong xu thế phát triển công nghệ 4.0 và đạo đức con người có nguy cơ suy thoái. Ngày nay con người đang sống trong một xã hội mà vật chất hết sức sung mãn, nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, một nghịch lý đã phát sinh, khi mà giữa cảnh giàu sang phú quý con người lại không sao cảm nhận được hạnh phúc và bình an trái lại là những nỗi bất an thường trực, phập phồng lo sợ về chiến tranh, đói nghèo và chết chóc khổ đau đang ngày một gia tăng. Sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần đã dẫn đến những khủng hoảng nghiêm trọng mà hậu quả là tranh chấp bất an và thống khổ ngập tràn trong xã hội. Như vậy, điều tiên quyết để giải trừ mọi vấn nạn hướng đến một xã hội thanh bình, thịnh vượng là phải biết cân bằng giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, quan trọng nhất là đầu tư giáo dục một lối sống lành mạnh hướng thiện bởi vì tâm tịnh thì quốc độ tịnh, nói cách khác Tịnh độ hay uế độ là tùy thuộc vào tâm niệm của mỗi người.
Dù quốc độ nào đi nữa, dù xuất thân từ giai cấp nào hay thuộc thành phần nào trong xã hội, dù nam hay nữ,… mà tinh tấn tu tập, thanh tịnh ba nghiệp thì Tịnh độ hiện tiền giữa cuộc đời này. Không phải đợi vãng sanh về Tịnh độ Đâu suất của đức Di Lặc hay Tịnh độ Lạc bang của Đức Phật A Di Đà mà ngay bây giờ, hành giả phải nỗ lực hoàn thiện đạo đức tự thân (tu tập Bát chánh đạo, giữ mười điều thiện), hoà hợp và phát triển đạo đức gia đình cùng xã hội (kinh Thi Ca La Việt,…) và thành tựu đạo đức giải thoát là đã xây dựng một cõi Tịnh độ giữa nhân gian rồi. Mỗi ngày trôi qua, mạng sống giảm dần, gió vô thường không hẹn một ai, tâm mình đã vơi được bao nhiêu phiền não rồi; có nhận ra được lẽ vô thường, khổ và vô ngã trong ngũ uẩn duyên sanh hay không? Vì thế, chúng ta hãy thanh tịnh hoá chính bản thân ngay hôm nay và thành tựu đạo lộ giải thoát trong mai sau.
Tóm lại, con người là chủ nhân của mọi nguồn cơn, khổ đau hay hạnh phúc, Tịnh độ hay uế độ, có được cuộc sống bình an, một cuộc đời tự do, một thế giới hòa bình, một tương lai rực rỡ… là tùy thuộc vào thái độ sống và tiến trình tu tập của mỗi người. Chỉ có những nỗ lực chuyển hóa nội tâm của chính mình cùng với sự cải thiện lối sống gia đình và xã hội hướng đến chân – thiện – mỹ, thì cảnh giới Tịnh độ tại nhân gian sẽ được hiện thực hóa ngay tại thế giới ta bà.
Chú thích:
* Học viên Cao học khóa III – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
[1] Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Sơ Tổ phái Trúc Lâm – Trần Nhân Tông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 340.
[2] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 84.
[3] https://www.thivien.net/Tu%E1%BB%87-Trung-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-s%C4%A9/Th%E1%BB%8B-tu-T%C3%A2y-Ph%C6%B0%C6%A1ng-b%E1%BB%91i/poem-0G2Na-8DCPRN3yLNu_j9aQ.
[4] https://suttacentral.net/mn135/vi/minh_chau?reference=none&highlight=false
[5] https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-01-pham-song-yeu/.
[6] Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn sang Hán, HT.Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt, Đại chính, tập 24, số 1484, Phật thuyết Phạm võng kinh Bồ-tát tâm địa phẩm.