Lời Sau Cùng

05/05/201012:00 SA(Xem: 40379)
Lời Sau Cùng

NIỆM PHẬT THẬP YẾU

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản

 

Lời Sau Cùng  

Người xưa bảo: "Trứ thơ nghi tại văn niên." Đây là ý nói: Viết sách nên đợi lúc tuổi già, vì tuổi càng lớn càng đầy đủ hiểu biết kinh nghiệm, quyển sách viết ra giá trị mới có thể được thành toàn. Bút giả chưa phải tuổi già muộn, chỗ kinh nghiệm cùng sự hiểu biết tất còn nhiều thiếu sót, song vì cấp thiết trong sự lợi tha, lại chẳng biết vô thường sẽ đến ngày nào, nên gắng gượng xin đem chút ngu thành hiến dâng hàng thức giả. Đây tuy nói là trứ tác song hầu hết phần lớn đều rút lời trong kinh Phật, ý kiến của chư cổ đức cùng các bậc thiện tri thức mà góp thành. Nên thiết tưởng cũng có thể đem lại lợi ích phần nào cho bạn đọc.

Khi xưa Sở Thạch đại sư có hai câu thi:

Nhơn sanh bá tuế thất tuần hy.
Vãng sự hồi quan tận giác phi!

Lời này thốt ra trong lúc Ngài đã thất tuần, ý than: kiếp người tuy nói trăm năm, nhưng sống được bảy mươi tuổi cũng rất ít có, và tuổi đã bảy mươi như Ngài khi quy nhìn việc cũ, thấy mình đều lỗi lầm. Một bậc cao tăng mà còn tự phê kiểm dường ấy, thì hạng người phàm thường sự lầm lỗi biết là bao nhiêu? Cho nên khi bút giả nghĩ mình tội chướng còn dẫy đầy, tự độ chưa xong mà mạo muội nói đến chuyện khuyên nhắc người, đôi lúc cũng hổ thẹn bàng hoàng ngập ngừng không muốn viết. Nhưng nghĩ lại danh từ khuyến hóa thật ra mình chẳng dám đương, nhưng lấy tánh cách người trong biển khổ gắng kêu nhắc đồng bạn cùng vượt qua biển khổ, để mong cho mình nhờ chút ảnh hưởng đó tiêu bớt phần nào tội chướng nên mới không ngần ngại.

Nhớ lại thuở đời nhà Minh bên Trung Hoa, ông La Điện có soạn bài thi "Tỉnh thế" như sau:

Vội vội vàng vàng khổ nhọc cầu,
Mưa mưa nắng nắng trải xuân thu.
Hôm hôm sớm sớm lo sinh kế,
Lãng lãng quên quên thấy bạch đầu.
Thị thị phi phi không kết liễu,
Phiền phiền não não những bi ưu.
Rành rành rõ rõ một đường đạo,
Vạn vạn ngàn ngàn chẳng chịu tu!

Lời văn trên tuy thô sơ, dường như khôngđạo lý chi sâu sắc, nhưng đã đem tất cả hành vichướng nghiệp trong đời sống của kiếp người mô tả ra rất rõ ràng. Ai có thể tránh khỏi khuôn khổ của bài thi trên đây, và cố gắng tu hành, mới gọi là người đi trên đường giải thoát.

Ông La Điện sở dĩ có lời than trên đây, bởi thấy biển tục dễ chìm, đường tu khó bước. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy:

Nhơn sanh có hai mươi việc khó:

- Nghèo khổ bố thí là khó
- Giàu sang học đạo là khó
- Xả thân quyết chết là khó
- Xem được kinh Phật là khó
- Nhịn sắc lìa dục là khó
- Sanh gặp đời Phật là khó
- Thấy tốt không cầu là khó
- Bị nhục chẳng giận là khó
- Có thế không ỷ là khó
- Gặp việc vô tâm là khó
- Học rộng nghiên tầm nhiều là khó
- Trừ bỏ ngã mạn là khó
- Không khinh kẻ chưa học là khó
- Tâm hành bình đẳng là khó
- Chẳng nói việc thị phi là khó
- Được gặp thiện tri thức là khó
- Thấy tánh học đạo là khó
- Tùy duyên độ người là khó
- Thấy cảnh không động là khó
- Khéo biết dùng phương tiện là khó.

Trong hai mươi điều trên, nơi đây chỉ xin nói lược qua ít chi tiết. Như nghèo khổ bố thí là khó, bởi nghèo khổ dù muốn bố thí, nhưng ngặt vì có lòng mà thiếu sức, nếu gắng gượng bố thí tất ảnh hưởng đến sự sống của mình, nên mới thành khó. Hoặc như giàu sang học đạo khó, bởi giàu sang tuy có sức bố thí, song lại bị cảnh dục lạc lôi cuốn, khó buông bỏ thân tâm để tu hành. Sanh gặp đời Phật là khó, như Luận Trí Độ nói: — thành Xá Vệ gồm chín ức dân mà chỉ có ba ức người được gặp thấy Phật, ba ức người tuy nghe danh tin tưởng nhưng không thấy gặp, và ba ức người hoàn toàn không được nghe biết cũng không được thấy. Đức Phật ở tại xứ này giáo hóa trước sau hai mươi lăm năm, mà còn có ba ức người không thấy gặp nghe biết, thì những kẻ sanh nhằm đời Phật nhưng ở cách xa, hoặc sanh trước hay sau khi Phật ra đời, tất cơ duyên gặp Phật hoặc nghe Phật pháp là điều không phải dễ. Nhưng tuy không gặp Phật mà y theo Phật pháp tu hành, thì cũng như gặp Phật. Nếu không theo lời Phật dạy, dù ở gần Phật, vẫn là cách xa. Như khi xưa Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật, Tỳ Khưu Thiện Tinh làm thị gia cho Phật hai mươi năm, vì không giữ đúng theo đường đạo, nên kết cuộc đều bị đọa địa ngục. Và bà lão ở phía đông thành Xá Vệ, sanh đồng năm tháng ngày giờ với Phật, nhưng vì vô duyên nên không muốn thấy gặp Phật. Cho nên được thấy Phật nghe pháp, y theo lời dạy phụng hành, phải là người có nhiều căn lành phước đức nhân duyên. Nay Như Lai đã nhập diệt, các bậc thiện tri thức thay thế Phật ra hoằng dương đạo pháp, nếu thân cận nghe theo lời khuyên dạy tu hành, tất cũng được giải thoát. Nhưng kẻ căn lành sơ bạc, gặp thiện tri thức cũng khó. Dù có duyên được thấy mặt nghe pháp, song nếu không hiểu nghĩa lý, hoặc chấp hình thức bên ngoài mà chẳng chịu tin theo, thì cũng đều vô ích. Theo Kinh Phạm VõngHoa Nghiêm, muốn tìm cầu thiện tri thức, đừng câu nệ theo hình thức bên ngoài; như chớ chấp kẻ đó trẻ tuổi, nghèo nàn, địa vị thấp, hoặc dòng dõi hạ tiện, tướng mạo xấu xa, các căn chẳng đủ, mà chỉ cầu người thông hiểu Phật pháp, có thể làm lợi ích cho mình. Lại đối với bậc thiện tri thức chớ nên tìm cầu sự lỗi lầm, bởi vị đó có khi vì mật hạnh tu hành, vì phương tiện hóa độ, hoặc đạo lực tuy cao song tập khí còn chưa dứt, nên mới có hành động như vậy. Nếu chấp nê hình thức, tìm cầu lỗi lầm, tất không được lợi ích trên đường đạo. Khi Phật còn tại thế, ngài Ca Lưu Đà Dithói quen miệng nhơi qua nhơi lại như trâu; Tỳ Khưu Ni Liên Hoa Sắc tánh ưa soi gương trang điểm; một vị Tỳ Khưu thích leo lên cây nhảy chuyền; một vị Tỳ Khưu khác nói với ai, ưa lên giọng xưng mi tao lớn lối. Nhưng sự thật bốn vị này đều đã chứng quả A La Hán cả. Bởi kiếp trước một vị làm thân trâu, một vị là kỷ nữ, một vị làm thân khỉ, một vị là dòng quí tộc Bà La Môn, nhiều đời ở trong hoàn cảnh đó, đến nay tuy đắc quả song tập quán dư thừa hãy còn. Lại như đức Lục Tổ vì thấy người học Phật thời ấy ưa chấp nói theo kinh văn, không nhận ngay Phật tánh, nên mới thị hiện làm kẻ dốt, không biết chữ. Ngọc Lam thiền sư vì muốn tránh duyên để tu hành, nên mới giả làm người điên cuồng, quần áo lôi thôi, ăn nói không chừng độ. Hư Vân hòa thượng vì thấy người thời mạt pháp, phần nhiều thân xuất gia, mà tâm không xuất gia nên tuy đã ngộ đạo mà thường để râu tóc, mật ý chỉ cho "đạo" không phải ở nơi đầu tròn áo vuông. Nhưng đương thời của các vị ấy, cũng có nhiều kẻ chê bai chỉ trích đức Lục Tổ là dốt nát, ngài Ngọc Lam là điên khùng, Hư Vân thượng nhơn là người phạm quy luật thiền môn. Cho nên nhìn tìm bậc thiện tri thức khó là như thế. Mấy điều này người học Phật cũng nên hiểu, để bớt sự cố chấp và tránh lỗi khinh báng Tăng Ni. Còn các việc khó kia, có thể suy ra để hiểu.

Tuy nhiên, khó và dễ là pháp đối đãi, trong khó có dễ, trong dễ có khó. Nếu nhận hiểu và quyết tâm thì các việc khó chẳng phải không thể làm được. Như thuở đời Phật Tỳ Bà Thi, có hai vợ chồng ông Kế La Di, nghèo đến đổi mặc chung một chiếc khố, khi chồng đi làm vợ phải lỏa thể đóng cửa ở nhà, vợ thay phiên đi làm thì chồng cũng y như vậy. Nhưng khi nghe chư tăng đi khuyến hóa, bảo bố thí sẽ có phước tránh cảnh nghèo khổ, hai vợ chồng bàn luận nhau đem chiếc khố duy nhứt ấy trao qua cửa sổ bố thí, đành cam cùng chịu lỏa thể đóng cửa nằm chết trong nhà. Do sự quyết tâm làm lành đó, khiến cho vị quốc vương hay được, đem y phục tiền của giúp đỡ. Từ đó về sau, mỗi đời sanh ra, hai vợ chồng đều có y phục tùy thân, và sau cùng đều chứng đạo quả. Cho nên tuy nghèo khổ, bố thí là khó, nhưng nếu hiểu cái nhân nghèo nàn do bởi không bố thí, rồi quyết tâm cam chịu thiếu kém khổ cực đem của riêng để tu phước, tất việc bố thí cũng có thể làm. Lại như vua Thuận Trị nhà Thanh, lên ngôi hồi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi từ bỏ vương vị, theo Ngọc Lâm quốc sư đầu Phật xuất gia. Làm một vị hoàng đế giàu sang tột bực, ở lầu rồng gác phượng ăn hải vị sơn hào, phi tần có cả hàng ngàn trang tuyệt sắc giai nhơn, quyền lực nắm cả thần dân trong một nước, sự phú quí còn chi hơn? Nhưng nếu nhận rõ sự phước lạc thế gian vô thường như mộng huyễn, cảnh chân như thường tịch mới thật là vui, thì tuy nói giàu sang học đạo là khó, song đã quyết tâm tất cũng có thể thật hành. Ngoài ra, nghèo khổ quá tu hành vẫn thật khó, nhưng nếu có chí cũng chẳng phải không làm được. Như thuở Phật Thích Ca còn ở đời, có một bà lão rất nghèo khổ, ở mướn cho người từ hồi mười ba tuổi, đến tám mươi tuổi cũng còn vất vả, ban ngày làm việc không ngơi nghỉ, đêm nào cũng phải giả gạo đến canh hai, gà gáy sáng đã thức dậy quây quần bên cối xay bột. Hoàn cảnh cực nhọc không rãnh rỗi như thế, muốn tu hành là một sự vạn nan. Nhưng nhờ tôn giả Ca Chiên Diên khuyến hóa, nên mỗi buổi tối sau khi giả gạo xong, bà tắm rửa thay đổi y phục, ngồi tu niệm đến quá nửa đêm mới đi nghỉ. Nhờ sự quyết tâm cố gắng đó, mà sau khi chết bà được sanh lên làm vị thiên tử ở cung trời Dạ Ma.

Kính thưa quí vị! Thân người khó được, pháp Phật khó nghe. Nay quí vị đã được thân người, và có duyên xem đến quyển này, tức là đã gặp được pháp môn thành Phật mầu nhiệm. Dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn, xin quí vị nhận rõ duyên đời khổ mộng, quyết chí tu hành, để hoa sen báu bên trời tây được nở thêm những hàng thượng thiện.

Ngày Phật Đản 2515
Thích Thiền Tâm
kính phụng

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.