05 Kinh Giảng

06/10/201012:00 SA(Xem: 14251)
05 Kinh Giảng


KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ GIẢNG THÍCH

Tỳ Kheo Thích Hằng Quang


Đức Phật bảo A NanVi Đề Hy: " Người Trung Phẩm Thượng Sanh ấy. Nếu có chúng sanh thọ trì ngũ giới, trì bát giới trai, tu hành các giới, chẳng tạo ngũ nghịch, không có các tội lỗi. Đem thiện căn này nguyện cầu sanh Cực Lạc thế giới. Hành giả lúc lâm chung, A Di Đà Phật cùng các Tỳ kheo quyến thuộc vây quanh, phóng ánh sáng kim sắc đến chỗ hành giả, diễn nói khổ, không, vô thường, vô ngã, tán thán xuất gia được lìa các sự khổ. Hành giả thấy rồi lòng rất vui mừng, tự thấy thân mình ngồi đài liên hoa, quỳ dài chắp tay đảnh lễ Phật, lúc chưa cất đầu lên liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới, liên hoa liền nở. Lúc hoa sen nở, nghe các âm thanh tán thán Tứ Đế, liền được A La Hán đạo, Tam Minh, Lục Thông, đủ Bát giải thoát. Đây gọi là người Trung Phẩm Thượng Sanh vậy

.
Lược giảng:

"Ngũ giới" là năm thứ giới của người tại gia thọ trì. Năm thứ giới đó là:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cướp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu

Trì Bát Quan Trai là Đó tức là thọ tám phần trai giới.

Thứ Nhứt: Không sát sanh
Thứ Hai: Không Trộm Cướp 
Thứ Ba: Không Tà Dâm 
Thứ Tư: Không Nói Láo
Thứ Năm: Không Uống Rượu
Thứ Sáu: Không trang điểm
Thứ Bảy: Không hát múa đàn
Thứ Tám: Không nằm ngồi giường cao rộng tốt
 

Tám thứ giới này thuộc về giới. Trai là không ăn quá ngọ.
 

Mọi người ở đây chắc ai ai cũng biết năm thứ giới này và giới Bát Quan Trai và cách thọ trì của nó như thế nào rồo. Tuy mọi người đều biết, nhưng tôi cũng cần phải nói cho quí vị hiểu, vì Phần này có tầm quan trọng, những công đức này nó sẽ trợ lực cho việc vãng sanh của quí vị.

Thứ nhứt: " Không sát sanh" có phải giết người mới cho là phạm tội sát sanh không? Không những là người mà là tất cả chúng sanh, hễ có sự sống thời không được giết hại, nếu không thì đã phạm tội sát sanh rồi đó. Tất cả mọi loài chúng sanh đều giống như chúng ta, cũng tham sống sợ chết, nhưng khác biệt là họ không có đủ tri thức hiểu biết như loài người. Chúng ta là người tu đạo phải có lòng từ bi đối với chúng, chúng cũng như chúng ta, mê lầm tạo tội nghiệp nên nay phải trả nợ mà do chúng tạo thành trong quá khứ. Người không biết Phật Pháp thời không nói, chớ người học Phật thì phải có lòng tin vững chắc đối với việc nhân quả này, nó không sai chạy dù chỉ là một đường tơ kẻ hở. 

Chúng ta không giết hại cũng là đang thực hành hạnh hiếu đạo đấy. Chúng sanh sống trong lục đạo, hết sanh đây rồi thát đó, Đời này làm trời, đời sau làm đế vương, rồi đời kế tiếp sanh vào loài súc sanh cũng không chừng, không ai có thể biết được. Đời này làm người làm thân quyến của chúng ta, một khi chết rồi đều phải theo nghiệp lực của mình đã tạo mà sanh vào một trong sáu đường, sanh vào hàng súc sanh cũng không chừng, quí vị cũng không biết, rồi đem con vật đó đi làm thịt để thỏa lòng ích kỷ của mình, chiều theo sự đòi hỏi của lưỡi căn không có lòng từ bi đối với sanh mạng khác, mà sanh tâm sát hại, người mà nhiều kiếp đã từng làm quyến thuộc

Quí vị đừng nghĩ chuyện này là chuyện đùa nhé, tôi nói rất là nghiêm chỉnh đấy. Việc này Phật đều thấy rõ cho nên giới bất sát là giới đứng đầu trong các giới. nếu một ngày nào quí vị chứng nhận được việc này thì quí vị sẽ không còn là chúng sanh nữa, vì trong khắp mười phương đều tỏ rõ. Vốn không có gì là của ta, cũng không có gì là không của ta, không có gì chính là không có một việc gì cả. Nói không có cái gì nghĩa là quí vị đều có cả. Đến đây chắc có người sẽ nghĩ vị Pháp Sư này làm chúng tôi hồ đồ hoa mắt rồi, lúc thì có, lúc thì không có. Như vậy phải làm sao đây?

Đúng vậy! tôi muốn quí vị như vậy mà

Cho nên người Phật tử phải biết đủ và phải tập hạnh từ bi để cứu vớt chúng sanh, khiến cho họ chứng được quả vị giải thoát, đây cũng chính là việc làm của Phật giáo đồ chúng ta . 

Thế giới này tại sao có chiến tranh? vì việc giết hại còn thời có chiến tranh, chúng sanh này đương bị giết, lòng sân hận nổi lên và nghĩ đến việc trả thù, do có tâm như vậy mà đều sanh cùng một chỗ với những chúng sanh bị hại như thế, đến khi duyên thành quả đã chín thời phải đối diện với chúng, cọng nghiệp của chúng sanh đã thành, sanh cùng một chỗ thời phải trả nghiệp, đây là lẻ đương nhiên thôi. Giống như người phạm tội thì phải đối diện với luật pháp. Có người cho rằng người phạm tội kia đáng xử tử hình vì không biết họ đã giết hại bao nhiêu mạng người. Đó là sự việc quí vị có thể thấy còn những sự việc quí vị không thấy thời cho là vô tội hay sao? Người thọ khổ vì trong đời quá khứ chính mình đã tạo nghiệp ác rồi, nay nhân đã chín mùi nên phải trả, quí vị thấy những sự việc mà người ấy thọ khổ như vầy nên sanh tâm thương hại, nhưng nếu quí vị có được con mắt trạchpháp thời sẽ biết họ ở trong đời quá khứ đã tạo nghiệp ác nên nay phải trả nợ cũ mà thôi. 

Anh giết tôi, tôi sẽ trả thù, rồi ngược lại. Như vậy đến khi nào mới hết khổ đây? đức Phật đại từ đại bi như vậy, trước sự việc nhân quả này cũng không làm cách gì hơn. Vì nếu ngài nói với chúng sanh có tâm ác kia rằng:"Này bạn! bạn không nên sát hại người kia" Nếu nói như vậy thì người kia sẽ nói, "Ngài không biết đâu tôi mới là người bị hại trước mà, nay tôi chỉ lấy lại những gì mà tôi bị thiệt, vậy có gì là sai chứ? 

Đúng như vậy đó, huống hồ gì Phật là Bậc Đại Giác Ngộ là Bậc Đại Trí Tuệ thì không bao giờ làm việc hồ đồ như chúng sanh. Vì lòng đại từ bi để giải quyết vấn đề này, Ngài tự vấn thân vào cuộc để làm thử nghiệm cho chúng sanh, và chỉ cho họ biết, việc vay trả kiểu này thì cả hai đều thọ khổ. Ngài chỉ cho họ biết cách làm sao để mở cái gút đã thắt chặt vào họ trong vô lượng kiếp, mà hung thủ đó không ngoài ai mà chính là bản thân của họ.

Khi nghe những lời đại từ đại bi như vậy, người kia tự nghĩ, "phải đó! việc này nếu truy cho cùng cả hai đều có lỗi, vậy thì đâu có gì để phải trả thù nữa chứ?"

Chúng ta thấy không? Lòng từ bi của Phật không ngôn từ nào để diễn tả. Công ơn của Ngài rộng khắp mười phương. Cho nên những ai xưng mình là Phật Tử, thời phải hỏi mình có làm được việc này không? Không làm được nhhư Phật, thì cũng phải được phần nào chứ? nếu không thì sao dám gọi mình là Phật Tử?

Tất cả mọi loài chúng sinh đều là đáng thương và đáng để cứu giúp. Họ vì tham sân si làm mê muội, nên sanh tâm hại chúng ta, nhưng bản tánh của họ và chúng ta đều là Phật tánh không có khác biệt gì.

Đối với chư Phật và Bồ Tát, thời không có một chúng sanh nào đáng được độ, và cũng không có một chúng sanh nào đáng được độ. mà tất cả đều là bản thể của các Ngài, chúng sanh còn thọ khổ thời Chư Phật Bồ Tát chịu nhiều gian nan với họ, để giúp cứu vớt cho họ. Vì đối với Bồ tát thời chúng sanh và Ngài đều cùng là một thể

Bồ Tát Địa Tạng Vương, là một vị Bồ Tát đang thực hành đạo hiếu, Ngài Không những không sanh tâm hờn giận đối với chúng sanh, cứng đầu bướn bỉnh làm toàn việc ác, mà trái lại Ngài còn Phát nguyện để cứu độ cho họ. đối với Bồ tát Địa Tạng Vương, tất cả chúng sanh đều đồng thể như Ngài, chúng sanh vì vô minh che lắp cho nên trôi lăn trong sinh tử để trả nghiệp mà chính mình đã gây ra. Bồ Tát tự hỏi:" Nếu như ta không độ họ, thời ai độ họ đây? nếu như ta không cho họ biết đó là nhân khổ thì làm sao họ biết mà chừa?" Thật công ơn này vô lượng, không có lời gì mà để tán thán đại công ơn này".

Trong Kinh Điạ Tạng , Phật cho chúng ta biết vị Bồ Tát này trải không biết bao nhiêu số kiếp vi trần để độ chúng sanh. Bồ Tát Địa Tạng Vương xem tất cả chúng sanh đều là người thân của mình, còn hơn nữa là Ngài xem tất cả chúng sanh đều là một phần trong thân thể của Ngài không thể thiếu. Cho nên trải không biết bao nhiêu số vi trần để cứu độ chúng sanh. Tại sao tôi biết Vì nếu không như vậy, thì Ngài cần gì vì những chúng tà kiến ở cõi Diêm Phù Đề này mà phát ra đại nguyện chứ? Vậy Bồ Tát Địa Tạng Vương đã nguyện những gì? Vì muốn cứu vớt hết thảy mọi loài chúng sanh, Bồ Tát nguyện:" 

"Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề".

Quí vị nghĩ xem, lời nguyện này có lớn hay không? Quí vị có khi nào đem tiền của ra mà cho hết người khác hay không? Cho nên tôi nói vị Bồ Tát này không thể nào nghĩ bàn được, Ngài xem tất cả chúng sanh đều là một bộ phận trong thân thể của Ngài thời không thể sai rồi. Quí vị có hiểu tôi chăng? 

Có người nói, tôi đã hiểu. Chúc mừng bạn nhé! Nhưng tôi lại không hiểu được gì?, hiểu cái gì nè, có gì để phải hiểu đâu? 

Không có! Cho nên một khi quí vị hiểu rồi thời phải bỏ vào tâm để phát huy năng lực của nó. Chớ đừng hiểu suông theo cái sự hiểu biết của người thế gian thời cũng là nước đổ lá môn, có gì để mừng chứ?

Tại sao quí vị cười? Quí vị nghe tôi giảng đến đây,cười tôi phải không? Hãy cười đi, và hãy giữ nguyên nụ cười bát nhã này đừng cho nó mất nhé.

Tại sao chúng ta biết đó là sự khổ? Vì trong việc đó không có nụ cười nên đều là việc khổ. Cho nên muốn không khổ thì phải cười tươi lên. Nhưng đừng cười lớn tiếng nhé! Phải học cách cười như Đức Phật là cười mỉm chớ đừng cười có tiếng. Vì sao? Chúng ta cười lên tiếng là vì chúng ta không hiểu thấu được rõ ràng về việc mà chúng ta cười, nên cười to như vậy. Phật hiểu biết khắp tất cả không còn bị trở ngại, cho nên Ngài chỉ cười mỉm mà thôi. Phải học cách cười này.

Người Phật Tử, cầu sự giải thoát chân thật thì phải suy xét lại những gì mà mình đã làm cho chúng sanh, không làm được 10 phần thì cũng phải cố được hai ba phần rồi từ từ học để tăng lên, tuy nhiên phải với lòng thành của mình thì mới thành tựu được. Mình không giúp gì được cho chúng sanh thì cũng đừng làm não loạn tâm thanh tịnh của chúng, như vậy là đã thực hành thiện pháp rồi đấy. Chớ đừng ra vẻ tu hành với mọi người mà trong tâm chứa đầy đao gươm. 

Hôm nay sửa không được thời cố gắng sửa trong ngày kế tiếp, rồi ngày kế tiếp nữa, cứ thành tâm như vậy thời quí vị sẽ đuợc thành tựu. Hãy dùng sáu cái chìa khóa bằng sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, giờ giờ khắc khắc không buông bỏ, thì làm sao vọng niệm có thể phát sanh? Đối với người mới phát tâm tu pháp môn này, thì có thể có phần giao động trong những lúc ác duyên xảy đến; tuy nhiên chớ có lo, vì tôi đã nói với quí vị rằng, sáu đại tự này cứng chắc hơn Kim cang không có một thứ gì có thể phá vở nó. Đối với những việc ác duyên như vậy, thời hãy xưng Nam mô A Di Đà Phật bằng khẩu nghiệp thanh tịnh, cho mình nghe biết, thời sẽ được mà không có gì phải lo sợ. 

Tôi không thích nói láo, cũng không thích nói lời thêu dệt, vì Đức Từ Phụ của chúng ta không thích người tín Ngài mà nói dối , thứ hai là vì tôn sư của tôi cũng không thích tôi nói dối, thứ ba là tôi vốn không muốn nói dối nữa, vì nó là nhân làm cho chúng ta trôi lăn trong ba đường sáu nẻo chịu đầy đủ mùi vị, chua ngọt đắng cay trong vòng sanh tử. Nhưng hôm nay tôi ở trước quí vị đây, sẽ nói lời thêu dệt, nói những gì đây? tôi nói rằng: nếucó người niệm Phật với tấm chân thành tin tưởng, thời tôi nhứt định sẽ bảo đảm quí vị hưởng được niệm an lạc không thể nghĩ bàn này, vì sao vậy? vì tôi không muốn có người trì danh hiệu của Đức Phật mà lại chịu khổ đau. Quí vị nghĩ xem tôi là một phàm phu còn nghĩ như vậy, huống hồ gì hàng đại Bồ Tát trong khắp mười phương chăng?, cùng là chư Phật mà lại để cho quí vị thọ khổ sao? Cho nên hãy tinh tấn lên, phát lòng chí thành đối với Phật, nhứt định quí vị sẽ được niềm an lạc. Tôi đã nói như vậy rồi, quí vị còn sao không phát lòng thành chứ?

Có một người Phật Tử hỏi một vị tu sĩ rằng," nhà con có rất nhiều kiến, thì con phải làm gì?, nếu không giết chúng, thì chúng có thể là nhân gây ra bệnh cho mọi người trong gia đình, con có thể mua thuốc xịt chúng rồi niệm Phật cho chúng có được không?

Người tu sĩ trả lời là, việc này không phải do chúng ta muốn giết chúng, nhưng gì môi trường sinh sống và sức khỏe của mọi người trong gia đình thì có thể làm được. vị tu sĩ này còn dẫn chứng vào thời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lần Phật và tăng đoàn dừng chân ở tịnh Xá, phòng nắm của chư Tăng có rất nhiều côn trùng tựu hội, do nhân duyên đó, Đức Thế Tôn bảo những vị tỳ kheo kia, giết chúng và trì chú cho chúng.

Quí vị nghĩ xem, đức đại từ bi của chúng ta có làm như vậy hay không? 

Tôi vốn ngu si nên không hiểu đạo lý này, nhưng tôi xin hỏi quí vị:" Quí vị để tôi giết quí vị rồi niệm Phật cho quí vị nhé, có chịu hay không? Mà bảo là giết chúng rồi niệm Phật trì chú v.v... Còn dẫn chứng Đức Phật làm như vậy. Tôi nói cho quí vị biết, đức Như Lai không bao giờ sát hại một chúng sanh nào dù cho đó là một thứ côn trùng nhỏ bé. Vì sao tôi biết? vì nếu không như vậy, thời Ngài không xưng mình là Như Lai. Người Phật Tử Phải có lòng chánh tín với Tam bảo, phải tin chắc thật vào đức Như Lai. Chúng ta có thể sai, trời có thể sai, thanh văn có thể sai, Duyên Giác Bồ tát cũng có thể sai, nhưng đối với Phật thì tuyệt đối không có chữ sai. Những gì tôi nói cũng là sự hiểu biết nông cạn của mình, thì làm sao không sai cho được, cho nên những gì tôi nói, quí vị chớ có tin vội, mà hãy ra công tra từ điển coi có phần nào hợp lý không. Nếu như không thời phải dứt bỏ liền, tôi rất hoan hỷ với những việc làm đó, đối với trước tôn tượng Phật đây mà nói cho quí vị biết, không những tôi không buồn giận gì quí vị, mà chính quí vị là bực thiện tri thức của tôi đấy, vì không có quí vị, thì làm gì tôi biết được chỗ sai của mình để mà sửa.
Tôi kể câu một câu chuyện nữa cho quí vị nghe có được không? Câu chuyện này sẽ trả lời cho quí vị biết là có nên sát hại côn trùng trong hoàn cảnh như nữ Phật tử kia hay không? Hãy nghe kỷ nhé.

Thời Phật còn tại thế, một ngày nọ đức Như Lai đang đi trên một con đường, bỗng nhiên từ trên hư không, có một con chim xà vào vạt áo của ngài. Chú chim tí hon này rất sợ sệt, nó cũng giống như chúng ta khi sợ thì tim đập phìn phịn, vì sự đuổi giết của con đại bàng. 

Chú chim to lớn kia nói với đức Phật rằng: Ngài hãy đưa chú chim đó cho con. 

Phật nói với nó:" ngươi thật muốn giết chết chú chim nhỏ bé này phải không?"

Chú chim to lớn trả lời với đức Phật: "Con biết ngài lòng từ bi thương chúng sanh, không muốn thấy họ khổ, nhưng nếu con không ăn thịt nó, thời con và con của con sẽ bị chết đói."

Phật hỏi, vậy có phải ngươi cần thịt để ăn bằng thân của chú chim này? Nó trả lời, "dạ phải". Lúc đó đức Phật tự mình cắt thịt trên người đưa cho chú chim to lớn kia. 

Như vậy Đức Như Lai đã cứu được mạng sống của chú chim tí hon đó bằng nấm thịt của mình. Vậy quí vị hãy tự nghĩ xem Phật là người như thế nào? 

Ngài mới là bực đại trượng phu đấy, chúng ta thời không phải, lời nói hành động cử chỉ của Ngài đều chắc thật, chớ không giống như chúng ta đâu, khẩu nghiệp thì nói toàn là việc thiện, nhưng làm thì khác, nếu có người hỏi; tại sao anh là người tu hành mà việc nói và làm thì sai biệt? Người này sẽ có cách để biện luận cho mình. Bằng những từ như: "Nói thì như vậy, chớ chúng tôi cũng là phàm phu thì làm sao trọn vẹn được". 

Đúng như vậy! chúng taphàm phu thì làm sao trọn vẹn được. Tuy nhiên, mới phát tâm tu đạo, phát tâm giữ giới không ăn thịt, mà tâm thì nghĩ đến thịt, học cách thức làm sao nấu cho ngon, rồi đem toàn là những thứ, nào là thịt vịt, gà quay, ngỗng quay để trước mắt thì làm sao không lay động được. 

Nói đến đây chắc quí vị hiểu tôi muốn nói gì rồi phải không?

Nếu như trong nhà của quí vị có tương tự như nhà của vị Phật tử kia, có kiến, ván, nhện v.v... nên biết tất cả đều nguyên nhân chớ không phải tự có, nếu có trường hợp như vậy thời hãy tìm xem nguyên nhân gì mà khiến chúng đến nơi đây. Lúc này chính là lúc để cho quí vị dụng công tu hành rồi đó. Sau khi biết nguyên nhân tại sao chúng đến rồi thời phải quét dọn cho sạch sẽ thời chúng đâu đến nữa chứ? Như vậy đã làm vẹn toàn cả hai, chúng không những không bị giết, mà quí vị còn được dịp dụng công tu hành, công đức tăng trưởng, thử nghĩ xem việc này có tốt không?

Thứ Hai "Không Trộm cướp" Có người đến nhà người bạn chơi, thấy nhà bạn mình có rất nhiều của quí báu, rồi sanh tâm mong cầu ưa thích, muốn chiếm làm của riêng, từng phút từng giây rìn chờ cho người bạn này sơ ý một chút, rồi lấy vật ấy bỏ vào túi của mình ngay. Quí vị nghĩ xem người này có tài giỏi không? Tôi nói người này thật là tài giỏi vô song.

Có điều mà tôi thắc mắc là tại sao họ không lên rạp để biểu diễn tài thuật xiết này? Không làm mà muốn có được, thật sự là người vô tri không thể nói hết. Hành vi này rất nhanh nhẹn, chỉ cần trong nháy mắt là có được rồi, nhưng quí vị đừng học kiểu này nhé! Coi chừng bị điện giựt đấy, một khi bị nó hút vào thời chỉ có chết mà thôi, hy vọng sống sót chỉ có được một trong vạn phần. Lấy những gì từ người khác mà họ không biết mình lấy thì gọi là trộm. 

Lấy mà người chủ không hay biết thì có gì phải sợ chứ? 
 

Đúng vậy! Lấy đồ của người mà người không hay biết thì đâu có việc gì phải lo sợ, họ đâu biết mình là hung thủ, thì làm sao kiện thưa mình được, luật pháp cũng không biết được. 

Ôi! Người này thật là tài giỏi, tôi cần phải học hỏi thêm. Còn quí vị thì sao?

Khi còn học ở trung học, trong lớp có cô bạn người Ấn Độ, cô ta bị mất cái điện thoại cầm tay (mobile phone), cô ta khóc suốt một tiết rưởi giờ học mà không thôi. Vì cái điện thoại vốn không phải của cô mà là của anh cô ấy. Khi cô khóc, thì cô giáo dạy môn Info tech (Information Technology)của chúng tôi, đến gần cô nggười Ấn Độ này, hỏi tại sao lại khóc, Cô ấy nói cô bị mất cái mobile phone. Cô giáo nói với cả lớp, bạn Smitha này mất cái điện thoại, vậy ai đã lấy hãy trả lại cho cô. Trong cả lớp ai cũng lặng yên, cô nói tiếp; "nếu như không ai chịu nhận thời trước khi rời khỏi lớp học, mọi người phải cho xét cặp của mình".

Những học sinh Việt và Tàu đang ngồi chung bàn với tôi, họ nói,; "kỳ vậy, ai lấy rồi không nhận, lại xét mình thật là xấu hổ quá". 
Lúc đó có một bạn từ hàng ghế thứ nhứt đứng ra và đi xuống hàng ghế thứ năm chỉ vào bạn của tôi tên là Joe, và nói:" lúc nãy tôi thấy bạn có vẻ nghi ngờ lắm, huống hồ gì computer của bạn ở cạnh bên của bạn Smitha, thì sao không biết người nào lấy, nếu có lấy hãy trả lại đi để chúng tôi không bị oan".

Người bạn tên Joe này mặt đỏ lên, quay về phía sau ngó tôi, lúc đó tôi cười và nói, đúng vậy, lấy của người thời phải nhận, không nên để cho người khác bị dạ lây.
Lúc đó, người bạn thân này của tôi bảo tôi rằng, "bạn cũng tin là tôi lấy hay sao?" 

Tôi không trả lờiđứng dậy, bước lên chỗ ngồi cô giáo, tôi bảo với cô rằng: xét như vậy cũng không hay cho lắm, hay là cô cho mọi người ra hết, ngoại trừ bốn người ở bàn thứ nhứt có được không? 

Lúc đó cô không trả lời, nghĩ một hồi, rồi cho mọi người ở bàn sau ra ngoài, trong lớp giờ chỉ còn tôi, bốn người bạn tây này, và cô giáo. Tôi nói với một trong bốn người bạn này, hãy trao trả lại cho cô giáo chiếc điện thoại kia, mọi người trong lớp đã ra ngoài hết rồi, không ai biết là bạn sẽ lấy đâu, tôi không nói với người khác nghe và cô giáo này cũng vậy, lúc đó cô gặt đầu ra dấu hiệu. 

Ngậm nghĩ hồi lâu, không thấy họ biểu thị gì? tôi nói tiếp, việc làm này tuy không đúng nhưng biết mà sửa thời là quý lắm. Ví vụ một ngày kia bạn mất chiếc MD (MD Player) của bạn đang cầm rồi bạn có buồn không? 

Lúc đó bạn ngồi thứ ba trong bốn người mới chịu đưa ra. Họ là bốn người bạn thân, cho nên che giấu lẫn nhau, còn lại đổ oan cho người bạn của tôi, thật là không biết hổ thẹn. Nhưng rốt cuộc rồi thì họ cũng làm một việc thiện đấy, là trao trả lại cái Mobile phone kia, thì cũng quí lắm rồi.

Người Phật tử, phải khuyên và làm gương cho người, chớ đừng tự mình phạm lỗi lầm này, đồ vật của mình thì mình biết tiếc thương, thì tại sao lại lấy của người khác, chẳng lẻ đồ của mình thì quí còn đồ của người thì không quí sao?
Hãy cẩn thận nhé. Đừng bảo rằng không ai biết, trên đầu có chư Phật, Bồ Tát đang xem chúng ta đó.
"Cướp" là chận đường người để giựt lấy.

Phật tử lời nói cử chỉ phải đều chân thật, dù là nhỏ như cây kim, cọng cỏ không cho mà lấy thì đều là hành vi trộm cắp. Không phải là chân Phật Tử.

"Tà Dâm" giữa nam và nữ đã chọn cho mình người ưng ý, để sống cho hết kiếp này thời phải chung thuỷ với vợ của mình, người nữ cũng vậy. Đã cưới với nhau thời phải sống cho trọn kiếp, đừng ham nhìn ngó, những bến tàu này bến tàu kia. Mà phải biết thương yêu với chồng mình và người chồng cũng phải làm như vậy. Trước khi kết hôn đâu có ai bảo bạn nên cưới người này và không nên cưới người kia, tất cả đều là do bạn chọn, đã chọn rồi nay sao lại? Có phải họ quá quen không ? Nên tìm bến lạ? 

Sống ở thế giới Tây Phương này quá tự do, mỗi năm không biết là có bao nhiêu cặp vợ chồng bị đỗ vỡ, mà lý do chính là những sự dụng trộm, thỏa mãn tánh ích kỷ riêng của mình.

Trước khi làm việc gì hãy nên suy nghĩ kỷ, đừng để nước đến chôn thì mới đắp đê thời quá muộn rồi. Người Phật Tử phải có tâm từ bi giáo hóa chúng sanh cho họ quay về bản thân thanh tịnh của mình. Đừng dẫm lên chiếc xưa cũ, vì nó không giúp lợi ích gì cho chúng ta

Thanh nam tú nữ có gì là tốt? mọi người cũng giống như nhau, bên trong đầy đủ thứ bất tịnh, đó chỉ là lớp da bao bọc bên ngoài để phủ lại những chỗ xấu xa tanh hôi ở bên trong. 

Thử nghĩ xem, trong thân thể này có cái gì đáng được yêu quí? không có gì cả, chúng không những không lập được công lao gì mà trái lại chúng là những bọn ăn hại làm nhân để chúng ta trôi lăn trong sáu đường ba cõi. Đừng cưng chiều bọn chúng lắm, vì cuối cùng chẳng được gì hết, một đời người quá ngắn ngủi, vả lại thân người khó đặng, trăm ngàn muôn kiếp mới được một lần, hãy quí trọng thời gian quí báu này, đừng sống với mục đích tối tăm như thế.

thương yêu tất cả chúng sanh, Phật không muốn chúng sanh kiếp này làm người, kiếp sau bị mất nên lấy năm giới để cho người đời nương vào đó mà không bị trôi lăn vào đường ác.

 Phật thật quá từ bi. anh không nghe tôi thì anh ráng chịu, không liên quan gì đến tôi. 

Không! Phật không nói như vậy, mà trái lại, Phật cảm thấy chúng sanh thật đáng thương, do không thấy rõ những thứ ấy đang hoạt động bên trong, sống trong nhà lửa mà cho là an vui, không biết nó đang cháy mạnh mẻ như thế này. Nên cũng chiều theo họ dùng phương tiện cho họ thọ năm giới để cho họ không mất thân người.

Đúng như vậy đó, quí vị giữ gìn trong sạch năm giới kia thì quí vị sẽ không bị mất thân người. Công ơn của Phật không sao nói trọn. Ngài đầy đủ tất cả, không có gì mà không có, nhưng Ngài lại khiêm nhường với chúng ta, thuận theo chúng tahóa độ, không nên đem vũ lực để ép đặt người ngồi vào một chỗ, khoát lác ra vẻ ta đây, nhưng năng lực thì chẳng có gì cả? mình còn lo chưa xong, huống gì là giúp kẻ khác? Thật là đáng thương thay. 

Cho nên người Phật Tử cần phải biết tri túc, đã thành hôn rồi thời phải yên phận của mình, đừng dùng những tấm giấy phiền phức này mà tác oai tác quái, làm tôi cho nó, kết cuộc không được trả lương đồng nào, mà còn bị nó hại chết mất, đến chừng đó mới biết thì có muộn màng không? Hãy tự mình trả lời cho chính mình.

"Nói dối" Có phải dùng lời nói dối trá để hại người khác, thì mới gọi là nói dối hay không? Quí vị nghĩ như thế nào? Còn tôi thì nói người nói dối dù nói thiện mà dối hay ác đều là nói dối cả, nói dối thì là nói dối đừng biện hộ cho mình nữa, dù đó là thiện hay ác cũng không nên nói dối. Có người bảo, "khi nào nói dối mà hại người khác thì mới có tội, còn việc tôi nói đó đâu có hại ai đâu, thì không có tội". 

Ui! Bạn thật là biện luận giỏi. Tôi phải cam phục thôi. này bạn! sao bạn không làm luật sư? Tài biện luận của bạn có thể cứu được người đấy.

Tất cả chúng sanh đều bình đẳng, không có người đáng được nói thật, cũng không có người đáng ghét phải nói dối. Chúng ta tu hành là tu với ai? Có phải tu để cho Phật xem không nào? Tu là tu với chúng sanh kìa, chớ đừng tu với Phật, vì ngài đã tu và Ngài đã ra trường rồi, thì không nên khoe tài trước mặt Ngài, những gì quí vị muốn, Ngài đều biết rõ. Có sinh viên đại học nào đến lớp mà giảng lại cho thầy giáo không? Cho nên chúng ta tu hành chính là tu với tất cả chúng sanh. Bất luận việc đó là thiện hay ác thời cũng không được nói đối. Miệng thì nói toàn là việc thiện, nhưng sự thật đều là dối trá, khi có ai đó biết được mình là người nói dối thì biện luận cho mình là dùng phương tiện thiện xảo v.v....

Giống như người nghiện đánh lô tô, cho người nghiện cờ bạc mới là tham, còn mình thì không phải, đi đâu cũng nói xấu họ, là người nầy nghiện cờ bạc bởi lòng tham, còn chính bản thân mình thì không phải. Vì mình chỉ dùng số tiền nhỏ để giải trí thôi mà? Nhưng kỳ thật, đã tham thì tham, chớ nói việc nhỏ hơn việc kia. Bạn nói là bạn không tham, vậy tôi hỏi bạn chuyện gì thu hút bạn phải đánh lô tô, chơi đề chứ? Đừng trả lời với tôi rằng:"Thứ năm tuần này giải trúng lên đến ba mươi hai triệu, bỏ vài đồng ra thử vận may đó mà?"

Vậy bạn, thật là không tham sao? Không tham mà biết được tuần này giải trúng đến ba mươi hai triệu, vậy khi biết mình tham thì giải thưởng này có thể lên đến mấy chục tỷ dollar? 
 
Không biết! kỳ thật đây đều là lòng tham của chúng sanh, giữa người nghiện cờ bạc và người nghiện đánh lô tô vốn là không hai, đừng như cái máy chụp hình chỉ biết chụp người mà không biết tự chụp mình. Bạn có biết tại sao bạn cho bạn không có lòng tham không? Vì bạn quá thông minh, do cái thông minh này nên sanh ra tâm xảo nguyệt. Biết cách để biện luận cho mình. Còn người nghiện cờ bạc kia thật là đáng thương, vì họ không đủ trí tuệ như bạn, nên không thể biện luận cho chính mình, nên phải chịu thua.

Quí vị nghĩ xem, họ có đáng thương hay không? 

Là người Phật Tử, đối trước những người này không nên sanh tâm oán ghét, khinh thường họ, mà phải phát lòng đại từ bi giáo hóa họ, để họ có thể quay về với chánh kiến. Tuy nhiên, phải xem mình có đủ khả năng để giáo hóa họ hay không, nếu không quí vị sẽ bị họ độ lại đấy, việc này chỉ làm trò cười cho thiên hạ, cho nên phải thận trọng nhé.

Việc đầu tiên muốn người khác phục mình, thì hãy xem mình có những thứ gì tốt để cho họ phục. Đối trước hoàn cảnh như vậy, tốt nhứt là phải nói thật, làm thật, ý chí, tức là vì muốn họ tốt, lâu dần sẽ cảm hóa được họ.

Khi tôi giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm có người đến hỏi tôi như vậy:" Năm nay thầy được bao nhiêu tuổi, và học đến đâu rồi, sao biết giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm?"
Quí vị nghĩ tôi phải trả lời như thế nào đây?

A! Phải nói là mình đã đổ bằng tiến sĩ trường đại học danh tiếng nào đó? cũng chưa được, phải nói rằng: mình lấy luôn bằng thạc sĩ? như vậy mới vừa ý của họ chứ. Nhưng khi tôi muốn nói như vậy, thì tôi liền nghĩ: Với cách học thức vấn này thì làm sao có tư cáchgiảng kinh của Phật. Cho nên không nên nói dối. Lúc đó tôi nhìn vào tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, và tự nghĩ: " Vị Bồ Tát này chắc chắn rằng học thức rất cao, không nên ở trước tượng của Ngài mà cho mình là người trí thức. Tôi liền đáp: tuổi người được bao nhiêu năm? người cho tôi bao nhiêu tuổi thời tôi vừa tròn tuổi ấy. Người bảo tôi học đến đâu? tôi xin thưa, mình vẫn còn đang học, vì không trí tuệ nên sẽ còn học mãi.

Có một vị tiểu thiền sư, đến hỏi một vị Hòa thượng rằng:

" Bạch Hòa Thượng! Giảng kinh như thế nào mới hợp với chư Phật?" 

Vị Hòa Thượng này không đáp. Ngài mỉm cười, và cởi sâu chuỗi đang đeo, đưa cho vị tiểu thiền sư và hỏi:

"Con xem, sâu chuỗi này có dài hay không ?"

"Dạ! sâu chuỗi này đối với con thì nó rất dài, còn đối với Hòa Thượng thời nó không!"

Hòa Thượng hỏi:

"Vậy con tháo bớt hạt chuỗi ra, thời nó sẽ vừa đặng với con"

"Dạ! Không được! Nếu con tháo bớt nó, khi hòa thượng đeo thời nó sẽ không vừa với hòa thượng"

Hòa Thượng mỉm cười với vị tiểu thiền Sư và nói: "Hay Thay! Hay Thay!"

Quí vị nghe qua câu chuyện này, đã nhận được những gì trong đó?

Người học Phật, lời nói phải chân thật, không những là không nên nói dối, mà nói lời thêu dệt, chửi rủa, nói lời ác cũng không nên nói. 

Đừng nói người này tốt, người kia không tốt, đồ này ngon đồ kia không ngon. Tu tập Thiền định tốt, đọc tụng kinh điển không tốt v.v...

Mục tiêu của chúng tagiải thoát. Thời không nên nói những điều tạp nhạp vô ích, mà hãy lau chùi cho sạch tấm gương của mình, chưa đến đâu mà cho mình đã đến, thấu rõ thật tướng của các pháp, cho thiền là tốt, tụng kinh niệm Phật không tốt. 

Có một vị thiền sinh bảo:" Tu thiền mới là tu theo những gì mà Phật đã tu, còn tụng kinh, niệm Phật trì chú, thời không phải.

Còn có vị cho tôi biết:" Tụng kinh thì chỉ được 20% công đức mà thôi, còn tu thiền thì mới được trọn vẹn.

Quí vị nói? tụng kinh có được 20% công đức, nhưng tôi nói quí vị đã sai rồi đấy: Mà phải nói, tụng kinh không được một phần công đức nào, thì mới là nói đúng.

Thiền giáo, mật giáo, trì chú giáo, tụng kinh giáo, niệm Phật giáo, những thứ này từ đâu đến? Đừng bảo với tôi là chúng từ hư không rơi xuống. Kỳ thật! Tất cả đều nằm trọn trong Tạng Pháp của Như Lai

Ở đây tôi không nói là tông, mà tôi xin dùng chữ giáo, vì chữ giáo tức là lời dạy của Đức Thế Tôn.

Như vậy quí vị nghĩ xem, cái nào là tốt, cái nào là không tốt? 

Vốn không có. Đã không có, thì sao dám nói pháp môn này tốt, pháp môn kia không tốt. Đều là con một nhà, chỉ có một người cha, sao phân biệt nhiều vậy?

Pháp môn tịnh độ là một pháp môn tối diệu, ngoài chư Phật ra, chúng ta không thể hiểu nỗi đâu. Vì là niệm Phật mà, cho nên tôi nói pháp môn này chỉ có chư Phật mới thông hiểu trọn vẹn, Bồ Tát đối với Pháp môn này chỉ dùng chữ tín đối với đức Phật mà tu theo, các Ngài còn chưa thấu suốt, huống hồ gì là chúng ta ư? Quí vị muốn đem cái bằng tiến Sĩ của mình để thông hiểu sao? Thật đáng thương.

Pháp môn Niệm Phật, là do Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo mà có, khi tu nhân địa đã Phát nguyện, đã trải bao kiếp tu hành để trang nghiêm quốc độ, do nguyện lực sâu xa, lại phù hợp với chúng sanh, cho nên Đức Phật vì lòng đại bi mà nói ra những hạnh nguyện sâu xa đó, không thể nghĩ bàn này. 

Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà, đoạn sau có nói : "Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức, bỉ chư Phật đẳng diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức, nhi tác thị ngôn: “Thích Ca Mâu Ni Phật năng vi thậm nan hy hữu chi sự, năng ư Ta Bà quốc độ ngũ trược ác thế: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược trung đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vị chư chúng sinh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi phá".

Quí vị nghĩ xem: Chư Phật đồng ca ngợi sự kham nhẫn của Đức Thế Tôn có thể ở trong đời ác thế ngũ trược này tu hành để thành bậc Chánh Giác, đã không phải là chuyện dễ dàng mà nay lại vì chúng sanh mê muội ở cõi đời này mà thuyết ra những hạnh nguyện sâu xa của chư Phật khó tin này thật là rất khó.

Vậy! quí vị là ai? mà có thể nói pháp môn niệm Phật dành cho người hạ trí chứ? Là mê tín dị đoan?

Còn nói đến việc tụng kinh, cũng đừng nên nói là có phước bao nhiêu, ít hay nhiều, tôi chỉ e rằng quí vị sẽ nói sai đấy. Cách tốt nhứt là khôn nói. Tôi vẫn là một phàm phu chưa chứng được lục thông, cho nên không thể thấy được quí vị tụng kinh được bao nhiêu công đức. Nhưng tôi dám chắc rằng, nếu quí vị không có đầy thiện căn thì tên của một bộ kinh còn chưa được nghe đến, huống chi trọn bộ. 

Cho nên này các Phật Tử! hãy quí trọng thiện duyên này đừng để nó mất. 

Khi tụng kinh trì chú v.v.... đừng cho mình được bao nhiêu phần công đức. Tốt nhứt là đừng nghĩ tưởng đến nó. Tôi nói thật cho quí vị biết, vốn là không có, phần công đức nào, trong kinh Kim Cang nói:" Do vì phước đức là không, nên Phật nói phước đức hồng vô biên".

Cứ việc làm những gì quí vị cần phải làm, không nên mông cầu đến nó, nó tự nhiên ở ngay trước mắt của quí vị. Khi quí vị để tâm đến nó, nó liền biến mất. Tại sao? Vì còn khởi niệm chính là còn vướng mắc ở tâm ích kỷ, còn có tham. Nếu như không nghĩ đến nó, thời quí vị đã thắng được nó rồi, một khi quí vị thắng được cái tâm này, thời tất cả không cần phải tìm nữa, vì nó đã hiện ngay trước mắt

Ăn cơm thì biết mình ăn cơm, đừng ăn vặt mà cho là mình đang ăn cơm.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc, chớ thấy không nói là không, đừng thấy sắc cho là có thật. Khi giảng kinh Kim Cang đã từng nói qua:

Sắc sắc không không
Không không sắc sắc
Tìm sắc ở vô sắc
Vô sắc vốn ở sắc
Tìm kiếm những thứ chi?
Người tìm sắc ở sắc
Sắc kia vốn là không
Không cũng không ngoài sắc
Tìm hoài không thông hiểu
Sắc vốn ở tự tâm
Chữ không cũng ở đó
Vô minh không thấu rõ
Chắp chặt hướng bên ngoài
Tìm cầu khắp hư không 
Vạn Pháp không sanh diệt
Quét sạch hết cõi lòng
Vạn Pháp đều không sanh
Hãy lau chùi cho sạch
Mây tan hiện trời trông
Di Đà không dứt niệm
Mười Phương hiện trong gương
Như vậy mới Như Thị
Không Y thời không tin

Cho nên, tôi chủ trương cho Phật tử, hãy làm những gì bạn muốn làm, hãy nói những gì bạn muốn nói, tất cả không có gì cần phải nói, cũng không có cái gì mà mình không. như vậy mới thật sự là nói, mà đã không có gì thời không nên nói láo. Tôi rất chiều quí vị, nhưng quí vị cũng phải tuân theo quy cũ chứ, bằng không tôi sẽ phạt quí vị đấy. Trước khi quy y, tôi đã từng nói với quí vị là: Hãy suy nghĩ kỷ trước quy y với tôi. Đã quy y với tôi rồi thời phải tuân theo quy cũ, cái gì nên nói, thời hãy nói đi, cái gì không nên nói thời không nên nói nhé. Vì tôi không muốn mọi người đến đây để học cách trị bịnh cho mình, mà không học được thuyết căn bản nào. 

 Nếu quí vị không phải là người muốn lành bịnh thời không cần đến đây để phí thời giờ của mình.

Là người Phật Tử mọi hành vi đều phải chân thật, có lỗi thì phải nhận, phải sám hối, làm được như vậy quí vị là bực trượng phu đấy. Quí vị làm được như vậy thì chính là đã cúng dường cho tôi không thiếu những gì. Nếu không như vậy, thì quí vị đã tự mình đổ mực vào mình. Lấy mực để làm gương, thời bảo đảo quí vị sẽ không bao giời thấy được bản lai diện mục của mình. Thì làm sao có thể gọi mình là Phật tử. Chỉ là trò cười cho kẻ khác.

Là người xuất gia, tôi rất thông cảm cho hàng Phật Tử và luôn luôn cổ vũ cho quí vị. Vì tôi biết, chúng ta vốn bịnh nặng, muốn lành bịnh thời không thể quá gấp. Cho nên trên đường tu học, chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ngọn đuốc đại tuệ mà đức Như Lai đã mồi cho chúng ta cách đây hơn 2500 năm. hãy dìu dắt cho nhau trên con đường đen tối và đầy cạm bẫy. Không nên đố kỵ, hiềm khích lẫn nhau, vì nó không giúp ích gì cho chúng ta.

"Uống Rượu" Có người bảo với tôi rượu nếp gò đen rất ngon, nhứt là uống vào trời lạnh thì hết chỗ chê. 

A! Vậy là hợp với chúng ta rồi, vì chúng ta đang ở Úc Đại Lợi, mùa Đông ở bên nầy rất lạnh, vậy uống vào vài ly rượu nếp gò đen cho nó ấm bụng một chút nhé. Nếu không người ta sẽ nói mình là người dại, không biết hưởng thụ thật uổng kiếp người. Muốn có được loại rượu này tốt nhứt mỗi khi về Việt nam du lịch thì nên mua vài chục lít, chuẩn bị cho mùa Đông năm tới. Khi nào quí vị về Việt nam, nhớ cho tôi biết nhé? Vì tôi cũng muốn gởi quí vị mua dùm vài xị để chuẩn bị cho mình. Nếu như không người ta bảo chúng ta không biết enjoy, không phải là người trí thức?

Rượu là một trong nhân tố khá đặc biệt, chúng là nhân sản xuất ra trí ngu si của chúng sanh, không những không phát huy được trí tuệ tiềm năng của mình, trái lại chúng diệt mất cái trí tuệ siêu việt vốn có của chúng sanh

Rượu là giới thứ năm của hàng tại gia. Rượu là một chất đen rất đáng sợ, một khi chúng ta bị nó làm mê hoặc, thời hồn vía đều phải lên mây. 

Như vậy thì sướng chứ sao? 

Người đời đã không bị say mà còn làm những việc không thể cầm chế được. Huống gì là người bị say ư? Một khi say, sợ e những việc như, trộm cắp, vọng ngữ, dâm dục(tại gia tà dâm) , ý lơ, sát sanh, chửi rủa, gây gỗ, đánh đập vợ con v.v... khó mà tránh khỏi. Mọi việc này đều có thể do tửu mà ra. Người Phật Tử phát tâm học Phật Pháp, là muốn khai thông cái trí tuệ vốn có của mình thì tuyệt đối không nên uống rượu. 

Trong Bồ Tát giới ghi rằng:" Nếu có người tự tay mình đưa cho người khác rượu để uống, thời bị quả báo trong năm trăm năm đời không tay, huống gì là mình tự uống". Như vậy quí vị hãy dùng trí tuệ thanh tịnh của mình để biết sự lợi hại của rượu ra sao? Không những không được uống rượu mà tất cả những thứ biến chất từ rượu cũng không được dùng.

Có rất nhiều vị đại đức, đã từng giảng rằng:" Không nên uống rượu nhưng khi bịnh cần dùng rượu để trị bịnh cho mình thì uống không sao". 

Đúng vậy! đây là phương tiện để khuyến tấn cho những Phật tử chưa có lòng tin vững chắc đối với những lời dạy của đức Phật. Nên dùng những lời nói này, để dìu dắt cho họ.

Phật Tử chân tín, hướng Phật, vì mong sớm được thoát khỏi vòng luân hồi, thì việc sanh tử có gì để mà bận tâm? Huống gì là một lượng rượu nhỏ kia để trị bịnh cho mình. Nếu có Phật Tử nào mong trị lành tham sân si của mình mà siêng như vậy thì hay biết bao?

Tôi biết thời bây giờ, phong trào uống rượu tỏi có rất nhiều người quan nghênh. Là trị bệnh uống thì có sao nào? 

Đúng vậy! là trị bịnh uống thì có sao? Tôi đâu có nói là quí vị không được uống. Tôi chỉ nói, những ai thật sự muốn mình sớm khai mở cái trí tuệ của mình thời không nên uống. người tu đạo, tự xưng mình là không, không sợ chết. Vậy nếu như có bịnh đi nữa thì có mất mớ gì đến mình? Đó là việc thường tình của thế gain, đã là bình thường thì bận tâm để làm gì? 

Đừng bảo với tôi, phải trị bịnh để sống, để thuyết pháp độ sanh, để tu hành? nếu như chết thì làm sao tu hành được?

Trong sử Phật có nghi rõ ràng, câu chuyện của hai vị Tỳ Kheo, mà ai cũng biết.

Thưở Phật còn tại thế, có hai vị Tỳ Kheo muốn đi đến gặp Phật Thích Ca, trên đường đi rất xa, lại không có nước để uống, trải qua nhiều ngày như vậy. 

Một hôm trên đường đi về Tịnh Xá, hai vị Tỳ Kheo này gặp được chút nước còn động lại ở trong sương đầu, một vị Tỳ Kheo nói:

"Chúng ta có thể uống nước trong sương đầu này". 

Vị Tỳ Kheo nọ nói:" Không được! nước trong sương đầu này có côn trùng, đã có côn trùng thời chúng ta không nên uống."

 Vị Tỳ Kheo kia bảo: " Chúng ta trải qua nhiều ngày không được uống nước, mà từ đây về chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni còn rất xa, không uống sẽ bị chết khát, không thể gặp được đức Phật".

Vị Tỳ Kheo nọ bảo: "Phật đã dạy là nước có côn trùng thì không được uống, tôi thà chịu chết khát, chớ không phạm giới của Ngài."

Vị Tỳ Kheo này, không uống nước trong sương đầu dĩ nhiên là bị chết khát. Nói đến đây có người sẽ bảo vị Tỳ Kheo này thật là ngu si? Uống chút nước như vầy thì có sao đâu? mà lại được gặp đức Phật nữa. Còn quí vị có cho vị Tỳ Kheo này ngu si hay không? 

Vị Tỳ Kheo còn sống vì nhờ uống được nước trong sương đầu, đến gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni; vị này thưa với đức Phật:

"Chúng con có hai người muốn đến gặp Phật, trên đường đi không có nước để uống, hôm nọ chúng con gặp được chút nước còn động lại ở trong sương đầu, vị Tỳ Kheo kia nói; nước trong sương đầu có côn trùng nên không chịu uống, rốt cuộc vị tỳ kheo đó bị chết khát, còn con thì uống nước đó nên nay có thể đến gặp được đức Như Lai".

Đức Phật hỏi :"Con thật sự là cho vị Tỳ Kheo đó chết hay sao".

Nói đến đây, nếu là Phật Tử chân tín thì hãy nghĩ xem mình nên làm những gì và những gì mình không nên làm. Không cần người khác nói lại. Vì e rằng phật lòng của quí vị. Cho nên tôi cũng vậy, không muốn phật lòng Phật Tử cho nên tôi xin tạm dừng ở đây. 

"trang điểm" Người Phật Tử thì chỉ cần thọ trì năm giới mà thôi, còn từ giới thứ sáu này đến giới không ăn quá ngọ cộng thêm giới không cất giữ tiền bạc thì là thập giới của Sa Di

Nhưng ở đây là Quan Bát Trai giới. Khi thọ giới bát quan trai thời phải về chùa thọ và phải ở Già Lam trong 24 tiếng đồng hồ mà thọ tám giới này và thêm giới không ăn quá ngọ nên gọi là trai. 

Có người hỏi tôi, vậy chúng tôi có thể thọ bát quan trai trong vòng mười hai tiếng hay không? 

Tôi cũng không biết, là có được hay không? Nhưng tôi chỉ biết trong thời Phật còn tại thế đã có giới này rồi và mỗi lần thọ thì phải ở Già Lam 24 tiếng. Nếu quí vị muốn yên cứu kỷ xem coi có thể làm cách khác hay không? thì hãy đọc kỷ bộ kinh Bửu Tích thì sẽ biết rõ.

Sống ở đây thường người ra đường thì đều lái xe hơi. Xe hơi thì có bốn bánh. Tôi hỏi quí vị, nếu như ai đó lấy một bánh ra, thời xe này có chạy được không? Sẽ có người không cần suy nghĩ mà đáp:

 "Dĩ nhiên là không được rồi". 

Không được? Vậy xe này bị hư rồi sao? 

"Không! Xe này vẫn còn hoạt động, nhưng chỉ thiếu một bánh, chỉ cần gắn bánh xe kia vào thời sẽ chạy được?"

Vậy thì bạn hỏi tôi để làm gì?

Trang điểm, có lẻ rất gần với nữ giới hơn, nếu nói mà không thuận với họ thì họ sẽ giận đấy. Cho nên phải nói những gì mà họ thích. Nhưng tôi thì có tánh rất quái lạ, muốn nói những gì tôi muốn nói, chớ không phải muốn nói những gì quí vị muốn nghe. 

Bạn học Sư Phạm khi tốt nghiệp phải theo cái bằng của mình mà làm việc, học luật thời là luật sư, học y thời phải làm bác sĩ. v.v....

Còn tôi thời không được như quí vị, mà tôi học cách nói chân thật cho nên phải nói lời thật. Nếu như những gì tôi muốn nói đây, có phật lòng hay trái tai với một số người, xin hiểu cho và hoan hỷ dùm . Vì tôi không có lòng làm cho quí vị buồn hay bị trái tai.

Đã là người Phật Tử, thì phải biết đủ, không ai có quyền cấm cản bạn là không được đánh phấn thoa môi. Một trong những giới bát quan trai này là không cho, cũng là cấm ngăn cho hàng Phật Tử khi vào chùa thọ giới bát quan trai này cũng chính là trở về với bộ mặt thật của chúng ta, mà bộ mặt thật của chúng ta thì vốn là không cần những thứ trang sức này để làm đẹp thêm. 

Khi tôi còn là chú tiểu Sa Di, tôi chứng kiến rất nhiều mà người Phật Tử không nên có.

Có người về chùa thọ bát quan trai, có người trong những người đó, họ thật không tuân theo quy cũ. Họ Sửa soạn trang điểm cho mình để vào chùa thọ bát, đeo trang sức dầy như núi (nói người cố tình chứ không phải người vốn có). Có người chỉ thọ vài tiếng đồng hồ, lại có người không dùng trai (ăn ngọ) hoặc có người dùng trai, nhưng vào khoảng xế chiều thì cảm thấy đói cho nên tốt nhứt là xin xả giới để về nhà ăn thêm, hoặc có người tuy không xả giới mà lại ăn thêm, ăn thêm kiểu họ gọi là ăn nhẹ đấy. Khi thấy những cảnh như vậy tôi muốn rơi nước mắt, không phải vì họ làm không đúng, mà tôi rơi nước mắt vì Phật Pháp không còn được hưng thịnh nữa, chúng sanh sẽ đi về đâu, nên tôi rơi nước mắt. 

Tôi từng nhũ với mình rằng, sau nầy tôi nhứt định là phải nghiêm khắc với hàng Phật Tử của tôi, vì chúng ta đến nơi này là để tìm sự giải thoát, chớ không phải đến nơi đây để phí thời gian của chúng ta. Muốn vui chơi hưởng thụ thời hãy về với thế gian mà sống, đâu ai có quyền ngăn cấm quí vị. Nhưng một khi đến với đức từ bi thời phải tuân theo quy cũ của Ngài.

Có người ra vẻ mình là người tu hành thanh cao lắm, nhưng bên trong thì đầy dẫy thứ phiền muộn. Rồi bảo, Phật này không linh, bồ tát nọ không giúp tôi, để tôi phải chịu khổ như vầy. Cái khổ do quí vị tạo thành, chớ đâu phải từ người khác đưa sang, mà than trách ai chứ?

Càng ra vẻ tu hành lại càng thấy khổ. Ôi! thật là đáng thương thay. Quí Phật Tử ơi, hãy suy xét lại những gì mình đang làm cho Phật Pháp, đừng để đến phút cuối cùng thời mới biết, thì có muộn không?

Có người còn hơn như vậy, ngày thọ giới bát quan trai cũng là ngày khui hụi, ở chùa được vài tiếng, vào khoảng giữa trưa, thôi xin phép đức Như Lai cho con vắng mặt một chút, để con đi bỏ hụi, rồi con sẽ trở lại

Thật đau lòng thay, chúng sanh không có chánh tín. Quí vị đừng nghĩ đây là những lời nói tôi nói suông, những việc này đều là thật đấy, có người bảo: "thầy nói dối, có ai mà làm như vậy". 

Phải, những gì quí vị cho tôi nói dối, tôi nhận thôi, nhưng tôi xin nhắc cho quí vị, trên đầu chúng ta, chư vị Bồ Tát đang nhìn thấy đó. Những ai đã làm sai, thì người ấy biết, là người tu hành không nên bàn tán những việc lỗi lầm của người. Đúng hay sai, dối hay thật thì tự người này biết. 

Già Lam là nơi thánh địa, chúng ta là người Phật Tử cần phải trang nghiêm gìn giữ cho kỷ. Không đóng góp vào thời cũng không nên làm cho nó bị tổn hại, vậy là quí vị đã làm trọn phận của mình. Giúp tam bảo được phồn vinh không phải là xây chùa cho to, đắp vàng vào tượng Phật mà nói là đã gìn giữ, chuyện này không có liên quan gì cả. Xây chùa tạc tượng Phật đều là phước đức của quí vị. Quí vị sẽ được phước đức chẳng thể nghĩ bàn qua những việc làm ở trên, nhưng tốt nhứt là đừng nghĩ đến nó. 

Vào chùa, mọi người đều là bình đẳng, chẳng có ai hơn ai cả, chẳng có người giàu hơn hay người nghèo hơn, mà xem coi đạo hạnh của mình như thế nào, đáng nhận lời cung kính từ người khác hay không?

Khi đến chùa thọ bát tốt nhứt là không nên vẽ mắt thoa môi, vì chúng ta đến đây là để học sự giác ngộ, chứ không phải đến đây để đi du lịch. Chỗ này là chỗ của Phật , hãy tự kiểm điểm mình. 

Nếu có người đến chùa mà phát tâm vui vẻ, không đánh mắt thoa môi, thì quí vị đem những thứ này mà cúng dường thời là công đức vô lượng. Không phải, đến chùa cúng dường nhiều tiền một chút là cúng dường tam bảo. Đây chỉ là phương tiện, có hay không cũng không nên trông cầu. Người Phật Tử của tôi ơi. Quí vị có hiểu tôi muốn nói những gì hay không?

Đã phát lòng tin với Phật, thực sự muốn giải thoát thì hãy theo Phật mà làm, ai cho mình là đúng hay sai cũng không nên bận tâm để làm gì? cũng không nên tranh cãi. Vì chúng ta đến nơi này để tìm nguồn an lạc, chớ không phải đến đây để tăng thêm phiền não. Tuy nhiên, những ai muốn mình tăng thêm phiền não, thời hãy làm những gì quí vị muốn làm, không cần phải để ý đến lời nói của tôi.

Một bước đi một bước về là sinh tử
Một bước đi hai bước về là đạo vậy

Mình không ra công mà tự muốn hái trái, vậy có hổ thẹn không? 

"hát múa đàn" cũng là một nhân trọng yếu làm cho chúng sanh, không thể sanh được định. nếu bảo với người Phât tử rằng: bạn không nên làm như vậy thì họ sẽ không chịu, Phật cũng biết vậy, nên giới Phật Tử tại gia không cần phải giữ, nói không cần phải giữ, vậy là được làm thoải mái? Không đâu quí vị. người Phật tử tuy không cần phải giữ. tuy nhiên phải biết đủ thôi nhé, không nên đi quá xa, vì sẽ không trở lại được.

Người thọ bát chỉ giữ một ngày, như vậy cũng không thể giữ được sao?

Nếu có người bảo, tối nay có ca sĩ từ mỹ đến, chúng ta hãy đi xem có được không? Người bạn bảo:" Được chứ! Tôi rất nghiền ca nhạc".
Còn có người bảo:"tối nay ở chùa nào đó có Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, chúng ta hãy đến đó để nghe pháp". Người kia nói:" Thôi! Tôi không đi đâu, giảng kinh thuyết pháp có gì là hay chứ, mà phải đi nghe".

Quí vị thấy không? Việc nào thuận với họ thì họ sẽ làm, việc gì không lợi cho họ thì họ sẽ không làm. Cho nên, khi nào bạn nói với một người là, ở chùa kia có tổ chức phật thất, để an thân tịnh nghiệp, thì họ sẽ không quan tâm gì đến bạn, còn khi nào bạn nói với họ, có người kia không tốt, cách thức phạm lỗi ra sao, thì họ sẽ chú ý rất kỷ và đem những gì được nghe nói lại cho người khác biết, thì họ rất siêng năng. Người Phật Tử Tuyệt đối là không nên phạm vào lỗi này. 

Bất luận là ai đi chăng nữa, cũng không nên nói bàn tán chuyện của người khác. Thấy họ sai, thì hãy lấy đó làm gương cho mình, để mình không phạm lỗi.

Thời bấy giờ, có chùa tổ chức ca nhạc để lạc quyên. Đem những lời ca tiếng trống của người thế tục vào trong chùa đánh mất đi sự thanh tịnh trang nghiêm của Phật Pháp mà nó đã trải dài trong suốt bao thế kỷ, thật là đau lòng thay. Có phải đây chính là biểu hiện của thời mạt Pháp hay không?

Nếu khi gặp Phật thì trả lời sao đây. Chẳng lẻ bảo với Ngài:" Dạ! Con làm như vậy, để lạc quyên xây chùa tạc tượng, để cứu giúp những người nghèo đói v.v....
Nếu có thể dùng những lý do này, thời thưở xưa đức Như Lai không cần phải hiện thân khất sĩ để làm phương tiện độ sanh, với uy tín của đức đại từ bi của Ngài, chỉ cần mở miệng vàng thời sẽ xây cất được biết bao là ngôi chùa đồ sộ. Nhưng Ngài không làm như vậy.

Xây chùa to tượng Phật lớn đều là việc làm tốt, tuy nhiên! đừng quan tâm gì đến nó, có hay không tuỳ duyên vậy. Đừng triển lãm cho người xem ở bên ngoài được đẹp đẽ mà bên trong hư nát, đã là hư nát thời quí vị nghĩ xem có chứa được nhiều người hay không? một khi chúng bị sập sẽ đè không biết bao nhiêu là chúng sanh, như vậy có phải gọi là độ sanh hay không? Đừng sống với đức từ bi mà tâm ta quá tự lợi.

Lời Kinh tiếng mõ chính là những bài hát hay nhứt,đi sau là tiếng trống bát nhã. Vậy còn tìm những tiếng gì nữa đây? người đời không thấu hiểu thời không nói, còn người Phật Tử hiểu được sự giả dối của cuộc đời, nên mới tựu về đây, thì không nên mang vào đây những thứ mà mình muốn bỏ.

Hãy vì tấm lòng đại biphát tâm cứu vớt kẻ khác, bằng những bài ca từ bi hỷ xã, quên mình vì người, bằng những điệp khúc chân thật, làm cho chúng sanh nhận hiểu được những gì mà người Phật Tử đang hát, chớ đừng cho họ nghe những gì mà họ không thông hiểu.
 
Hãy học cách hát như Cư Sĩ Lâm, Tuệ Chánh, Diệu Trí, ở Gia Nã đại thì có Cư Sĩ Diệu Minh, Tâm Nhựt, Pháp Quốc có Cư Sĩ, Tuệ Minh, hay quí vị muốn nghe ca sĩ ở Mỹ quốc đến, vậy để tôi giới thiệu cho quí vị ca sĩ ở mỹ quốc nhé, đó là Cư Sĩ Tâm Từ, Diệu Thanh, Tịnh trí ,Tâm Kiến Chánh v.v....họ đều là những ca sĩ quên mình vì người mà phát tâm thanh tịnh hát ra những lời hát chân thật. hãy học cách hát này với họ và dùng tiếng hát bát nhã của mình mà hát cho người khác nghe thì đây thật là công đức vô lượng.

"nằm ngồi giường cao rộng tốt" Người Phật Tử hãy phát đại từ bi, trong khi thọ bát, thời gian ở chùa thời nên sanh tâm đại bi với chúng sanh khác, Ngoài chúng ta có biết bao nhiêu là chúng sanh đang chịu khổ, hãy vì họ mà phát tâm giữ giới nầy cho được trọn vẹn. Cũng vì giúp chúng ta bỏ đi sự kiêu căng. Còn người xuất gia thời cũng cần phải hiểu rõ.

Đó là tám thứ giới thuộc về giới tạng. Không những là quí vị có thể thọ tám thứ giới này ở chùa mà quí vị cũng có thể thọ nó ở nhà trong một tháng, hoặc ba tháng v.v... nhứt tâm giữ cho trọn vẹn thời là công đức không thể nghĩ bàn. 

"Trai" là không ăn quá ngọ (bất thời phi thực). Tu theo trung đạo cũng cần phải giữ giới này. Giới của người xuất gia là không ăn quá ngọ. Người Phật Tử về chùa thọ bát, là học làm thiện nhân, học theo trung đạo, cho nên cũng phải giữ giới này, sau khi xã giới thời không cần phải giữ nữa.

Người học Phật, cốt yếu vì học đạo cho nên cần dùng ngọ để nuôi thân để học đạo. Đã nói là nuôi thân học đạo thì đâu cần phải ăn nhiều, ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn để diệt vô minh tăng thêm trí tuệ, thời không cần phải ăn nhiều, càng thọ nhiều thời càng vướng mắc, đều tuỳ ở quí vị thôi. Thời Phật còn tại thế, Khi chứng được đạo giải thoát rồi Ngài chỉ dùng một buổi, đại trí đại tuệ như vậy mà cả đời hiện hữu trên cõi đời này chỉ dùng một buổi. Phật Tử ngày nay khi thọ bát chỉ có hai mươi bốn giờ thì lại không nhịn nỗi hay sao? 

Ăn nhiều thân lại nặng nề 
Biếng lười ưa ngủ khó bề tiến tu
Phật Tử hãy ráng công phu
Ngày một buổi công phu tu hành

"tu hành các giới" các giới chính những giới bao hàm xuất giatại gia, tại giangũ giới, mười giới của sa di, sa di ni, Tỳ Kheo có 250 giới, Tỳ Kheo Ni có 348 giới, Bồ Tát có 10 giới trong 48 giới khinh.

"Ngũ Nghịch" là năm thứ nghịch. Năm thứ nghịch đó là:
1. Giết Cha
2. Giết Mẹ
3. Giết A La Hán
4. Phá hòa hiệp Tăng: là làm ra sự bất hòa giữa với
5. Làm cho Thân Phật ra máu là làm cho thân Phật chảy máu,

Những ai làm được những việc trên đó tức là không có phạm lỗi, thì đem những công đức mà mình đã làm hồi hướng, cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. thì sẽ được toại ý, lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đàthánh chúng hiện ra vây quanh người đó, Phật và đại chúng phóng quang đến chỗ của hành giả, diễn nói những pháp mầu nhiệm cho. Trong lúc thấy được sắc thân vàng của Phật và đại chúng tâm hành giả vui mừng tán thán, lúc đó tự cảm thấy mình đang ngồi trên hoa sen báu, đảnh lễ đức Phật. Trong lúc đảnh lễ chưa cất đầu lên, thời đã sanh về thế giới Cực Lạc.

"Tứ Đế" Tứ đế là gì? Là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đức Phật Thích Ca đầu tiên ba lần chuyển pháp luân Tứ đế cho năm vị Tỳ kheo nghe. Bấy giờ các vị Kiều Trần Như, hãy còn chưa xuất gia, sau khi được Phật nói pháp cho nghe, mới xuất gia làm Tỳ-kheo. 

"Khổ Đế" này khiến người chịu không nổi. Khổ có Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ. Lại có tám thứ: Sanh khổ, Lão khổ, Bịnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ. Những thứ khổ ấy bức bách con người xoay chuyển không nổi, thở không ra hơi, suốt ngày bực bội. Tất cả vấn đề đó đều do khổ sanh ra, cho nên nói Khổ có tánh bức bách.

"Tập Đế" là chứa nhóm tích tụ. Cái gì tích tụ với nhau? Phiền não tích tụ với nhau. Tại sao có phiền não? Tại vì có "Khổ." Trước hết có khổ, khi bị khổ áp bức chịu không nổi mới sanh ra phiền não, phát sinh ra giận dữ. Vì thế nói phiền não này có tánh chiêu cảm, là do chứa nhóm mà thành. Đó cũng là từ Khổ mà có Tập.

 "Diệt Đế"Diệt là tịch diệt, tịch diệt cả vô minh phiền não. Thứ an lạc của tịch diệt này là diệu quả của Niết-bàn, là thứ có thể chứng đắc được. 

"Đạo Đế" Thứ Đạo này mọi người đều có thể tu, không một ai nói là không thể tu được. Bất cứ người nào cũng đều có thể tu đạo, bất cứ người nào cũng đều có thể chứng được lý thể Niết-bàn. 

"A La Hán" là quả thứ tư của hàng thanh văn. A La Hán có ba nghĩa, ba nghĩa đó là: Sát Tặc, ứng Cúng và Bất Sanh. Những ý nghĩa này đã giảng kỷ trong lúc giảng kinh Kim Cang nên nay tôi không giảng lại ý nghĩa này nữa.

"Tam Minh" là túc mạng minh, thiên nhãn minhlậu tận minh.

1.Túc mạng minh là biết rõ các tiền kiếp của mình và chúng sinh lưu chuyển như thế nào.
2.Thiên nhãn minh là sự thấy rõ về mình và chúng sanh về sau sẽ lưu chuyển như thế nào.
3. lậu tận minh là đã diệt hết các vi trần lậu hoặc không còn mảy may
Lục thông:
1. Thiên nhãn thông
2. Thiên nhĩ thông
3. Tha tâm thông
4. Túc mạng thông
5. Thần túc thông:
6. Lậu tận thông
"Bát Giải Thoát" Tức là tám thứ định giải thoát:

1. Nội quán sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát tam muội (Ở trong sắc giới, quán nội sắc và ngoại sắc) cảnh giới này thuộc về sơ thiền thiên.
2. Nội vô sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát tam muội thuộc về nhị thiền thiên (Không quán nội sắc, quán ngoại sắc, nhận ngoại sắc là ô nhiễm)
3. Tịnh giải thoát thân chứng tam muội(thiền định chứng cõi tịnh lạc) cảnh giói này thuộc về tam thiền thiêntứ thiền thiên(Quán tưởng về thanh tịnh nhưng không bám giữ)
4. Không xứ giải thoát tam muội (cảnh giới Không vô biên xứ thiên)
5. Thức xứ giải thoát tam muội (cảnh giới thức vô biên xứ thiên)
6. Vô sở hữu xứ giải thoát tam muội (cảnh giới Vô sở hữu xứ thiên )
7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát tam muội (cảnh giải phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên)
8. Diệt tận định xứ giải thoát tam muội, cảnh giới này không thể nghĩ bàn được, là cảnh giới bất động, không có một động tỉnh gì hết, thân khẩu và đều vắng lặng, thật cảnh giới không thể nào diễn tả

Cho nên quí vị hãy dụng công chơn chánh, một ngày kia thì sẽ nhận được mùi vị của nó. Thật là tự do biết chừng nào.

Những việc thiện ở trên là nhân cho người sanh vào Trung Phẩm Thượng Sanh, còn phần sau là quả, vậy ai có thể nói pháp môn niệm Phật này tầm thường, đơn giản, cho người hạ căn tu chứ? Quí vị tu chứng được sơ thiền thiên chưa? Người sanh vào Phẩm này không những là qua khỏi cảnh giới tịch tĩnh ở các tầng trời vô sắc giới mà nó chứng luôn diệt định tận xứ tam muội, thật là vi diệu

Này chư Phật Tử hãy tinh tấn lên với lòng tin vững như núi Tu Di. Nhứt định quý vị sẽ được toại nguyện sanh vào phẩm này, nếu như y theo những lời dạy của Phật.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/01/2015(Xem: 4852)
29/01/2015(Xem: 5489)
22/10/2010(Xem: 59480)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.