PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Hòa Thượng Thích Trí Thủ biên tập
Phát Nguyện Vãng Sanh Cực Lạc
Tánh Cách Trọng Yếu của Sự Phát Nguyện
Trong một chương trước đã nói sự quan trọng của lòng tin, nay xin giải rõ tính cách trọng yếu của sự phát nguyện.
Ngài Ngẫu Ích Đại Sư nói: "Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không; còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn".
Ở đây, chưa bàn đến phẩm vị cao thấp sau khi vãng sanh. Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết là có được vãng sanh hay không đã. Vì vậy, chưa bàn đến vấn đề hành trì sâu hay cạn, mà chỉ nên bàn đến tín, nguyện có hay không thôi.
Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh Độ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Vì thế, sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh Độ.
Đức Phật A Di Đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành thế giới Cực Lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh Độ. Một đàng, Phật nguyện tiếp dẫn, một đàng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha, hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dõng mãnh.
Trong 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà. Lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.
Lại nữa trong kinh "Phật thuyết A Di Đà" đức Phật Thích Ca bảo Ngài Xá Lợi Phất "Nếu có người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sắp phát nguyện, nguyện sanh về thế giới đức Phật A Di Đà, các người ấy tất đã sanh, hoặc đương sanh hoặc sắp sanh tại thế giới kia, và, hết thảy đều được quả bất thoái chuyển vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác". Đoạn trích dẫn đây cũng thuyết minh rằng hễ có phát nguyện tức có vãng sanh vậy.
Lại nữa, trong kinh Hoa Nghiêm cũng từng dạy rằng: "Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn thảy đều bại hoại, tất cả thân thuộc đều xa rời, tất cả uy thế đều tan rã... chỉ còn nguyện vương là hằng cùng theo dõi, hướng dẫn trước mắt; trong một khoảnh khắc, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc". Căn cứ vào các kinh văn trích dẫn trên đây, ta thấy công dụng của phát nguyện là như thế nào rồi vậy.
Bây giờ, trên thực tế, đây là câu chuyện mà thầy Bạch Sa ở Quy Nhơn đã kể cho tôi nghe:
Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều buôn bán ở Quy Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp thầy ấy kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn Niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía đức A Di Đà (tức ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ thọ chung ấy. Năm bà mất, đã 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên thầy cũng phải chiều theo. Đến ngày 17, bà con và đạo hữu mà cái tin ấy đã làm cho họ kinh ngạc, tụ tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tánh hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tĩnh như thường ngày, khiến thầy Bạch Sa trong thâm tâm rất e sợ, không khéo phen nầy làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng quá 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đem lên nhờ thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà, bà chắn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nửa, còn một nửa bảo người giúp việc ăn mà từ tạ rằng: "Gọi là đền đáp công ơn bà giúp đỡ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu bà ăn nửa phần cơm nầy để sau nhờ Phật tiếp dẫn về Tây phương". Nói xong, rửa mặt súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa. Bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người trong nhà. Năm ấy ở Quy Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.
Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực Lạc là một điều tối cần thiết cho người tu theo pháp môn Tịnh Độ. Phát nguyện là một nhu kiện không thể không có, ta không nên sơ suất để phải mất công hiệu và lợi ích rất lớn về sau.
Từ xưa nay, người tu theo pháp môn Tịnh Độ đã làm ra rất nhiều bài nguyện vãng sanh Cực Lạc. Mỗi bài đều có một ý nghĩa hoặc sâu hoặc cạn nhưng mục đích chung vẫn là:
"Nguyện khi thân mạng gần chung, biết trước giờ chết mà thân tâm vẫn được an vui, được thấy Phật và Bồ Tát đến tiếp dẫn".
Trong các bài phát nguyện, nổi tiếng nhất là bài "Khể Thủ Tây Phương" của Ngài Liên Trì Đại sư, bài "Nhất tâm quy mạng" của Ngài Từ Vân Sám chủ, bài "Thập phương tam thế Phật" của Ngài Đại Từ Bồ Tát. Bài nào bài nấy, lời văn rất hay, ý nghĩa rất đầy đủ và hàm súc. Trong quốc văn ta thì có bài "Đệ tử chúng con từ vô thủy" và bài "Đệ tử kính lạy". Sau một thời kinh và trì niệm danh hiệu Phật, ta nên vận hết thành tâm đọc một trong những bài ấy, hoặc đọc tiếp hai ba lần cũng được. Đọc như thế tức là mượn lời văn để tự mình phát lời nguyện vậy. Lúc lâm chung, nhất định sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Nếu không muốn lắp theo khuôn có sẵn, ta có thể tự mình viết lấy bài phát nguyện riêng cho thích hợp cũng được. Đại cương lời phát nguyện không ngoài việc cầu vãng sanh, cầu Phật tiếp dẫn, cầu chứng quả, để trở lui tam giới cứu độ chúng sanh đồng sanh Lạc quốc. Còn nếu muốn thêm những chi tiết nào thâm thiết khác, ấy là tùy hoàn cảnh và sở nguyện riêng từng người.
Trong văn phát nguyện bao giờ cũng có câu cầu Phật và chúng Bồ Tát đến tiếp dẫn là vì lẽ gì? Xin thưa:
Người tu Tịnh Độ nếu công phu chưa được thuần thục, thường hay bị hãm vào trong những trạng thái sau đây, nên khi lâm chung không niệm được, hoặc lắm khi cũng không kịp mời người khác hộ niệm giùm. Các trạng thái ấy có thể là: hoặc vì bệnh khổ bức bách nên sinh hôn mê, hoặc bị bà con thương tiếc khó bề xả bỏ nên sinh si luyến, hoặc vì sự nghiệp của tiền khó dứt lòng tham đắm nên sinh bi ai, hoặc vì thù hận đầy dẫy khó giải nỗi lòng nên sinh sân hận v.v... Đó là chưa kể các trường hợp hoạnh tử, miệng chưa kịp niệm đã vong.
Nếu lúc gần lâm chung mà không được Phật hiện đến tiếp dẫn thì không những không được vãng sanh, lại còn vì các sự đau khổ tham sân luyến tiếc mà bị đọa lạc ba đường dữ nữa là khác. Vì các lý do ấy nên trong văn phát nguyện, bao giờ cũng cầu Phật đến trước để tiếp dẫn mới là chu toàn. Sự phát nguyện hằng ngày có thể ở tại chùa vào bất luận giờ nào cũng được, miễn là sau khi lễ Phật xong thì quỳ ngay trước điện Phật mà đọc lời phát nguyện. Nếu ở nhà có bàn thờ Phật thì hằng ngày nên đốt hương lạy Phật rồi phát nguyện. Hoặc giả nếu không tiện thờ Phật thì viết câu: "Nam mô Thập phương Tam thế Phật Bồ Tát" dán lên trên vách, hằng đêm trước khi đi ngủ, đối mặt vào vách mà đốt hương phát nguyện. Gặp khi đi đường, chưa kịp trở về thì nên xây mặt về hướng Tây chắp tay niệm năm, mười hiệu Phật rồi lâm râm đọc lời phát nguyện. Ta lại có thể phát nguyện mỗi khi làm được một việc thiện nào, bất luận lớn nhỏ v.v...
Trong nghi lễ phát nguyện, đều tuyệt đối cấm hẳn là không được đối trước đền, tháp thờ thần thánh, ma quỷ mà phát nguyện.
Giới Thiệu Vài Bài Phát Nguyện của Người Xưa
và Nghi Thức Phát Nguyện
Chung cùng khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo