Chánh pháp nhãn tạng tùy văn ký

09/07/20162:37 SA(Xem: 10472)
Chánh pháp nhãn tạng tùy văn ký

ĐẠO NGUYÊN HY HUYỀN 
& CÔ VÂN HOÀI TRÁNG
Đỗ Đình Đồng dịch
GHI LẠI NHỮNG ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC NGHE
(CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG TÙY VĂN KÝ

Nguyên tác:     Shōbōgenzō Zuimonki
Tác giả:    Đạo Nguyên Hy Huyền
Biên tập:  Cô Vân Hoài Tráng
Anh dịch: Reihō Masunaga
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

 

Ghi Chú:

     A Primer of Sōtō ZenTâp sách nhỏ này, Ghi Lại Những Điều Đã Được Nghe, được dịch từ bản văn tiếng Anh “A Primer of Sōtō Zen” của Reihō Masunaga dịch từ nguyên tác tiếng Nhật Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký (Shōbōgenzō Zuimonki) và được nhà East-West Center Press xuất bản năm 1971 tại Hoa Kỳ.  Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký là một biên tập do Cô Vân Hoài Tráng, đệ tử đắc pháp của Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền, ghi lại những pháp thoại do Đạo Nguyên nói với nhóm đệ tử đầu tiên của sư sau bốn năm hành trình sang Trung Hoa tu tập và đạt ngộ dưới Thiền sư Như Tịnh, một Thiền sư thuộc tông Tào Động Trung Hoa, rồi trở về Nhật khai đường dạy chúng.  Thiền sư Đạo Nguyên sống vào thế kỷ 12 ở Nhật Bản, là một trong số ít Thiền sư quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo Thiền Nhật Bản. Tác phẩm hàng đầu của sư bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shōbō Genzō) là một trong những đỉnh cao nhất của Phật giáo Nhật Bản.

     Mặc dù những pháp thoại đầu tiên này mang đậm tính chất Thiền và văn hóa Trung Hoa, nó cũng cho thấy ít nhiều kiến giải triêng của Thiền sư Đạo Nguyên. Ở đây sư đã bắt đầu phê phán tri kiến chứa trong một số câu nói của một vài Thiền sư Trung Hoa và cho rằng tri kiến đó không đúng và khuyên người học nên biết và tránh đi, ví dụ như trường hợp của Quốc sư Huệ Trung hỏi một ông tăng về màu cỏ ở Thành Nam. Tính cách phân tích và phê phán những lời nói của các Thiền sư Trung Hoa của Đạo Nguyên càng phát triển rộng và mạnh hơn trong bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng của sư. Có dịp, chúng tôi sẽ giới thiệu với độc giả toàn bộ tác phẩm đồ sộ này.  

     Trong khi dịch, chúng tôitham khảo bản dịch tiếng Anh “Record of Things Heard” của Thomas Cleary, do nhà Prajñā Press in năm 1980 và nhà Random House, Inc. phát hành ở Hoa Kỳ.

Frederick, Hè 2016

Đỗ Đình Đồng

Lời Giới Thiệu

     Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký (Shōbōgenzō Zuimonki) phần lớn gồm những thuyết thoại ngắn, những nhận xéttính cách khích lệ, và những lời bình có tính cách dạy bảocảnh báo cẩn thận của Thiền sư Đạo Nguyên (1200-1253), người Nhật. Những thuyết thoại này được đệ tử của sư, Hoài Tráng (Ejo, 1198-1280), ghi lại, và sau đó lại được một đệ tử của Hoài Tráng hiệu đính sau khi Hoài Tráng viên tịch.

     Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký, theo lời bạt của ấn bản phổ biến thời Đức Xuyên (Tokugawa), được kết tập vào những năm 1235-1237, rõ ràng chỉ một thời gian ngắn sau khi Đạo Nguyên thành lập chùa Hưng Thánh (Kōshōji), ở phía nam Kyoto. Nó vẫn còn trong hình thức thủ bản trong hơn bốn trăm năm và được in lần đầu tiên, với một số lượng rất nhỏ vào năm 1651. Về sau bản văn này được Diện Sơn Thụy Phương (Menzan Zuihō, 1683-1769), duyệt lại. Diện Sơn đã làm việc với bản văn một cách không liên tục qua một thời kỳ năm mươi năm, được xuất bản vào năm 1769, mặc dù nó được đề niên đại trước đó 1758.  Ấn bản này trở thành ấn bản gọi là bản lưu bố (rufubon), hay bản văn phổ biến, đã được chấp nhậnbản tiêu chuẩn của Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký. Vào năm 1941, một bản sao được thực hiện năm 1644 của thủ bản nguyên tác năm 1380 được khám phá ở chùa Chōonji, huyện Aichi. Bản này chứa nhiều vấn đề về bản văn, khác một cách đáng kể so với ấn bản phổ biến về sự sắp xếp bản văn, những tiết mục chứa trong ấy, và sự diễn đạt; và về hình thức nó có thể là gần hơn rất nhiều với bản văn nguyên tác. Nó đã được xuất bản gần đây, với công trình nghiên cứu chi tiết và dịch thuật của Mizuno Mieko trong bộ Cổ Điển Nhật Bản Văn Học Toàn Tập (Koten Nipon Bungaku Zenshū), do Chukima Shobō xuất bản.   

     Bản văn phổ biến đã thấy có nhiều ấn bản của các học giả khác nhau. Watsuji Tetsurō (Iwanami), Ōkubo Dōshū (Sankibō), Tama-muro Taijō (Yūzankaku), Tachibana Shundō (Daitō Shuppansha), và Furuta Shōkin (Kadokawa) có tất cả các ấn bản đã xuất bản. Tất cả những ấn bản này đều căn cứ vào ấn bản phổ biến, như đã được Diện Sơn duyệt lại và hiệu đính. Bản dịch hiện tại căn cứ trên bản của Giáo sư Watsuji; sự phân chia sáu chương thành các đoạn cũng căn cứ vào phương pháp của Giáo sư Watsuji. Về mặt lịch sử, có thể gọi Đạo Nguyên là vị sư thứ nhì đã giới thiệu Thiền với Nhật Bản. Tu tập thiền định đã đóng vai trò quan trọng trong các cựu phái của Phật giáo Nhật Bản, và những Thiền tăng đã đến Nhật Bản vào các thời kỳ đầu, nhưng họ không lập ra một ngôi chùa nào cũng không bắt đầu một tông phái nào. Vinh Tây (Eisai, 1131-1215) đã mang giáo lý Thiền Lâm Tế về Nhật Bản và là người đầu tiên lập một ngôi chùa Thiền trên đất nước này, nhưng sư đã gặp nhiều chống đối từ các tông phái truyền thống, những người không đồng cảm với sự thành lập của một tông phái Phật giáo địch thủ. Đạo Nguyên đã học nhiều năm ở Trung Hoa dưới một Thiền sư Tào Động, sư Như Tịnh (Ju-ching, 1163-1228), và giáo lý của sư đã được Đạo Nguyên mang về, mặc dù chính Đạo Nguyên đã không cố gắng thành lập một phái Thiền. Sau Đạo Nguyên, nhiều tăng nhân Nhật bản đến viếng Trung Hoa vào các triều đại nhà Tống (Sung) và nhà Nguyên (Yüan), nhưng các tăng nhân Trung Hoa đến Nhật Bản, đã mang theo những giáo lý của các Thiền sư Trung Hoa khác nhau. 

     Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký không cho toàn cảnh tư tưởng của Đạo Nuyên. Vì vậy, người ta phải nhìn vào bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shōbōgenzō) đồ sộ của sư. Tác phẩm này, cũng như Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy văn Ký, là khác thường, nói về thời gian nó được viết, theo cách nó được sáng tác bằng tiếng Nhật hơn là bằng tiếng Hán. Cho đến thời gian ấy, tất cả những người Phật giáo Nhật Bản đã viết bằng Hán văn, và các ngữ lục của nhiều Thiền sư theo Đạo Nguyên đã tiếp tục viết bằng ngôn ngữ này cho đến thời Đức Xuyên (Tokugawa). Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shōbōgenzō) là một tác phẩm khó, liên hệ nhiều vấn đề về bản văn và giáo pháp chưa được giải quyết, nhưng ở đây không phải chỗ để khảo sát những phức tạp của tác phẩm này.

     Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký tự nó không liên quan gì với bất cứ những vi tế triết lý vĩ đại nào, song nó vẫn cho một nội kiến về thể loại Phật giáoĐạo Nguyên tìm cách truyền bá cũng như những đòi hỏi cốt yếu mà Đạo Nguyên thấy bắt buộc phải có sự hành xử thành công của đời sống tự viện. Những lời bình của Đạo Nguyên rất thường hướng đến những người mới bắt đầu trong Thiền và hàng cư sĩ. Chúng được thiết kế để chỉ ra cho các đệ tử dưới sư xu hướng chung của cảm xúc và của thân cần thiết đối với sự theo đuổi thành công các nỗ lực của họ. Sư miêu tả những nguy hiểm của thế giới vô thườngthời đại suy thoái mà các đệ tử của sư sống trong đó. Sư thúc giục họ phát tâm cầu Đạo, bỏ tất cả những cam kết thế gian, và tu tập Phật giáo chỉ vì Phật giáo thôi.

     Tác phẩm rất thường có tính cách lặp đi lặp lại. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Đạo Nguyên thường dừng lại ở những đề tài giống nhau để bảo đảm rằng những bài học của sư ghi ấn tượng trên tâm người nghe. Sự lặp đi lặp lại như thế không thể tránh được trong một tác phẩm do một đệ tử ghi lại và không phải là một tài liệu được viết một cách có ý thức để xuất bản và phân phối. Thường có sự không nhất quán. Có khi những người theo được cổ vũ theo cách hành xử của những người đi trước họ trong Thiền; có khi họ được cảnh báo cẩn thận làm ngơ. Những cái không nhất quán như thế một phần có lẽ do Đạo Nguyên nói từ những mức độ khác nhau; đôi khi sư là người thầy đối với những người mới bắt đầu có đức hạnh, và phương thức tiếp cận của sư là phương thức đơn giản giải thích những điều kiện cần thiết để học; có khi sư là Thiền sư thành tựu, đã siêu việt toàn bộ nhị nguyên, và sư nói từ mức độ thành tựu đó mặc dù vấn đề này không hợp với bất cứ mức độ vĩ đại nào trong Chánh Pháp Nhàn Tạng Tùy Văn Ký, nó thường là một cái bẫy cho người đọc không thận trọng thấy nơi đa số những bài viết về Thiền, vì quan điểm mà sư nói thường khó xác định.

     Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký, vì sự xuất bản của nó trong hình thức được Diện Sơn (Menzan) duyệt lại, đã chiếm được sự phổ biến đáng kể, nhất là trong thời hiện đại, khi các học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo, có thể nói, “đã chọn” Đạo Nguyên và đã xuất bản rất nhiều ấn bản các tác phẩm của sư. Những bài viết của Đạo Nguyên đòi hỏi nghiên cứu thêm nữa, nhưng Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký vẫn là tác phẩm đầu tay, một sự giới thiệu không tông phái với những điều kiện tiên quyết cho sự học Thiền, như một đại Thiền sư đã thấy, đã học lâu và thành công dưới sự chỉ dạy nghiêm khắc nhưng từ bi của một Thiền sư Trung Hoa.   

I

1

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

    Trong Tục Cao Tăng Truyện (Hsü kao-seng chuan),[1]câu chuyện về một ông tăng trong hội chúng của một Thiền sư nọ. Ông tăng luôn luôn mang theo một tượng Phật vàng và những thánh tích khác với lòng cực kỳ kính trọng. Ngay cả trong phòng ngủ ông cũng thường xuyên đốt nhang lễ báicúng dường.

     Một hôm Thiền sư nói: “Tượng Phật và thánh tích mà ông đang thờ cúng sau này đối với ông sẽ vô dụng.” Ông tăng không đồng ý, nhưng sư tiếp: “Đây là đồ thủ công của quỉ. Hãy ném chúng đi.” Ông tăng trở nên phẫn nộ và bắt đầu bỏ đi, nhưng Thiền sư gọi theo. “Hãy mở cái hộp ra xem.” Khi ông tăng giận dữ làm theo, người ta nói rằng ông tăng thấy một con rắn độc cuộn tròn bên trong. 

     Như tôi thấy, thánh tích nên được tôn kính, vì chúng tượng trưng cho hình ảnh của Như Lai và những xá lợi còn lại của ngài. Tuy nhiên, mong được giác ngộ chỉ bằng cách thờ phụng thánh tích là sai. Đây là một lỗi lầm đưa các ông vào bàn tay của quỉ và rắn độc. Lời Phật dạy đã lập nên công đức tu tập tôn kính, như thế hình tượngthánh tích hiến dâng những phước đức giống nhau cho người và thần như đức Phật sống cống hiến vậy. Điều hoàn toàn đúng là, nếu các ông tôn kínhcúng dường Thế giới Tam Bảo,[2] các ông tận diệt tội ác, được công đức, gỡ bỏ nghiệp đưa đến tái sinh trong các cõi ác,[3] và được quả báo sinh làm người hay thần. Nhưng tin rằng mình có thể đạt ngộ bằng cách đó là sai lầm.

     Vì người đệ tử chân thực theo lời Phật dạy và cầu đạt quả Phật một cách trực tiếp, các ông phải đem hết tất cả nỗ lực tu tập hợp với những lời dạy ấy. Tu tập đúng phù hợp với những lời dạy này là tập trung ngồi thiền, yếu tố thiết yếu nhất trong Thiện viện ngày nay. Hãy suy nghĩ điều này thật kỹ.

2

Đạo Nguyên cũng nói:    

     Mặc dù giới luật và các qui định về ăn uống nên được duy trì, các ông đừng nên mắc sai lầm xem chúng là điều quan trọng hàng đầu và đặt căn bản sự tu tập của mình trên đó; cũng không nên coi chúng là những phương tiện để giác ngộ. Vì chúng hợp với sự hành xử của Thiền tăng và phong cách của người đệ tử chân thực, mà chúng được tuân giữ. Tuy nhiên, nói rằng chúng là tốt mà không làm cho chúng thành giáo lý thiết yếu nhất. Điều này không có nghĩa là các ông nên phá giớitrở thành phóng dật, nhưng nếu các ông bám vào chúng, cái thấy của các ông sai và các ông lạc mất Đạo.

     Giới luật và các qui định về ăn uống được duy trì bởi vì chúng theo nghi thức Phật giáotượng trưng phong cách tự viện. Trong thời gian tôi sống ở các tự viện ở Trung Hoa, chúng dường như không đóng vai trò chính trong đời sống hằng ngày của tăng nhân. Để đạt Chân Đạo, các ông phải tu tập ngồi thiền và tham công án như đã được Phật và Tổ truyền xuống. Gogembō,[4] một học nhân ở chùa Kiến Nhân (Kenninji) và là đệ tử của Trụ trì Vinh Tây (Eisai),[5] khi huynh ấy lưu trú ở một chùa Thiền ở Trung Hoa, đã nghiêm túc theo các qui định về văn uống và tụng Giới Kinh[6] ngày đêm. Tôi đã  chỉ dẫn cho huynh ấy về những điều trên và huynh ấy đã bỏ cách tu đó.

     Hoài Tráng (Ejō) hỏi: “Ở Thiền viện thì nên theo các qui định do Bách Trượng (Po-chang) [7] thiết lập không? Ngay từ đầu các qui định này nói, ‘Thọ nhận và giữ các giới luật là quan trọng hàng đầu.’ Giới luật đã được truyền xuống đến ngày nay dường như dạy những giới luật căn bản truyền từ Phật và Tổ. Qua sự truyền miệng từ thầy sang trò của Thiền, các giới luật từ Tây thiên[8] truyền đến được dạy cho người học. Đây là những giới luật của hàng Bồ-tát ngày nay, và trong Giới Kinh nói rằng giới luật phải được trì tụng ngày đêm. Vậy tại sao thầy muốn chúng con ngừng tụng đọc giới luật?”

     Đạo Nguyên nói: “Ông nói đúng. Người học nên cẩn thận giữ các qui định do Bách Trượng đặt định. Những qui luật này kêu gọi sự thọ nhận và tuân thủ các giới luật và để tu tập ngồi thiền. Tụng Giới Kinh ngày đêm và tuân giữ giới luật một cách đơn giảntu tập thiền định, như các Thiền sư ngày xưa đã làm. Khi tu tập ngồi thiền, giới luật gì không được giữ, công đức gì không tạo được? Những hành động của các bậc Thiền sư xưa tất cả đều có ý nghĩa sâu xa. Không giữ quan điểm cá nhân, chỉ cùng đi với hội chúngtu tập, tin tưởng vào hành động của các Sư xưa.

3

Một lần Đạo Nguyên huấn thị:[9]

     Một ông tăng học với Thiền sư Phật Chiếu (Fo-chao ch’an-shih)[10] bị bệnh và quyết định muốn có một ít thịt để ăn. Phật Chiếu cho phép. Một đêm nọ Phật Chiếu đến dưỡng đường nhìn thấy ông tăng đang ăn thịt dưới ánh đèn mờ. Một con quỉ, đậu trên đầu ông tăng, đang ăn thịt, mặc dù ông tăng nghĩ ông ta đang đút thịt vào miệng mình. Từ đó Thiền sư biết rằng, khi nào ông tăng dưỡng bệnh muốn ăn thịt, thì bị con quỉ lấy miếng thịt đi; vì vậycho phép ông ta ăn thịt.

     Trong vấn đề như thế này, các ông nên tập phán đoán có nên cho phép ăn thịt hay không. Một vấn đề tương tự xảy ra giữa những người theo Ngũ Tổ Pháp Diễn (Wu-tsu Fa-yen).[11] Vấn đề này được an bài như thế nào tùy thuộc vào khuynh hướng quan tâm của Thiền sư.  

 4

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Các ông nên hiểu rằng một người được sinh vào một nhà nào đó và muốn đi vào nghề nghiệp của gia đình ấy trước tiên phải tự rèn luyện mình theo phong cách đặc biệt của gia đình ấy. Gắng sức để có kiến thứcrèn luyện trong một lãnh vực bên ngoài tính đặc thù và khả năng của mình là một sai lầm.

     Bây giờ, là những người xuất gia, nếu các ông vào nhà của Phật và trở thành tu sĩ, các ông phải học quán triệt những gì được cho là mình phải học. Học những điều này và duy trì những qui định ấy có nghĩa là ném sang một bên sự chấp ngã và làm đúng theo lời dạy của các Thiền sư. Điều kiện thiết yếu đòi hỏi là từ bỏ lòng tham quá độ. Để làm được điều này, các ông trước tiên phải tự giải thoát mình khỏi sự vị kỷ. Giải thoát khỏi vị kỷ là có cái hiểu sâu xa về vô thường. Đây là mối quan tâm trước tiên.

     Đa số người thế gian thích cho mình là tốt và muốn người khác cũng nghĩ về họ như vậy, nhưng điều như thế hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu các ông bỏ dần sự chấp ngã và theo lời khuyên của thầy, các ông sẽ tiến bộ. Các ông có thể nói rằng các ông hiểu nhưng vẫn không thể bỏ được những điều nhất định; và tu tập ngồi thiền trong khi bám giữ những chấp trước khác nhau. Nếu các ông giữ thái độ đó, các ông đắm chìm trong mê hoặc.

     Đối với một Thiền tăng, điều kiện tiên quyết chủ yếu để cải thiệntu tập ngồi thiền thiền định. Không tranh biện ai khôn ai dại, ai trí ai ngu, chỉ ngồi thiền thôi. Rồi tự nhiên các ông sẽ được cải thiện.  

5

Đạo Nguyên huấn thị:

     Học nhiều đọc rộng cũng chẳng được gì. Hãy bỏ ngay đi. Chỉ tập trung tâm mình vào một điều, thấm nhập những gương xưa, học những hành động của các Thiền sư xưa, và thâm nhập vào một hình thức tu tập duy nhất. Đừng nghĩ mình là thầy của ai hay tiền bối của

người nào.

6

    Có lần Hoài Tráng hỏi: “Câu nói: ‘Không mờ nhân quả’[12]

nghĩa là gì?”

     Đạo Nguyên nói: “Nhân quả bất động.”

     Hoài Tráng hỏi: “Nếu là như vậy, làm sao tránh được?”

     Đạo Nguyên đáp: “Nhân quả đồng thời hiện rõ.”

     Hoài Tráng hỏi: “Nếu là như vậy, nhân có báo cho biết quả kế tiếp, hay quả có sinh nhân kế tiếp không?”

     Đạo Nguyên nói: “Nếu mọi vật là như vậy, thì giống như Nam Tuyền chém mèo.[13] Bởi vì hội chúng không thể nói gì, Nam Tuyền chém con mèo làm hai. Sau đó, khi Nam Tuyền thuật lại chuyện này với Triệu Châu,[14] Triệu Châu bèn tháo dép rơm đội lên đầu và đi ra, hành sự tuyệt vời. Nếu tôi là Nam Tuyền, tôi sẽ nói: ‘Dù các ông nói được, tôi sẽ chém con mèo, và dù các ông không nói được, tôi cũng sẽ chém nó. Ai đang tranh cãi về con mèo? Ai có thể cứu được con mèo?’ Hoặc giả, tôi sẽ nói thay cho hội chúng: ‘Chúng con không nói được, bạch Hòa thượng. Xin hãy chém mèo đi.’ Rồi tôi lại có thể nói: ‘Thầy biết làm sao chém con mèo làm đôi bằng một nhát kiếm, nhưng thầy không biết làm sao chém con mèo thành một với một nhát kiếm.’”   

     Hoài Tráng hỏi: “Thế nào là chém con mèo thành một với một nhát kiếm?”

     Đạo Nguyên đáp: “Chính con mèo. Khi hội chúng không thể đáp được và nếu tôi là Nam Tuyền, tôi sẽ thả con mèo, vì hội chúng đã nói họ không thể trả lời được.[15] Một sư xưa nói: “Trong biểu hiện cái dụng đầy đủ, không có phương pháp nào cố định.”[16]

     Đạo Nguyên tiếp: Việc “chém mèo” này là một biểu hiện đầy đủ của cái dụng trong Phật giáo. Nó là một chuyển ngữ.[17] Nếu không phải thì không thể nói núi, sông, trái đất rộng lớn là tâm, không xuất cách, thanh tịnh, và trong sáng. Rồi cũng không thể nói: ‘Tâm này là Phật.’ Liền khi nghe chuyển ngữ này, thấy chính con mèo là thân Phật. Khi nghe lời này, người học nên hốt nhiên đạt ngộ.”

     Đạo Nguyên nói: “Chém mèo là hành động của một vị Phật.”

     Hoài Tráng hỏi: “Chúng con nên gọi hành động này là gì?”

     Đạo Nguyên nói: “Hãy gọi là chém mèo.”

     Hoài Tráng hỏi: “Đây sẽ là một tội ác?”

     Đạo Nguyên nói: “Sẽ như vậy.”

     Hoài Tráng hỏi: “Vậy làm sao chúng ta có thể thoát khỏi tội ác này?”

     Đạo Nguyên nói: “Hành động của Phật và tội ác tách rời nhau, nhưng cả hai xảy ra tức thời trong một hành động.”[18]

     Hoài Tráng hỏi: “Có phải đây điều mà các giới luật prātimokśa muốn nói?”[19]

     Đạo Nguyên nói: “Phải, trong khi một quan điểm như thế [20]hoàn toàn đúng, tốt hơn là không giữ nó.”

     Hoài Tráng hỏi: “Câu nói ‘phạm giới’chỉ những tội ác phạm phải sau khi thọ giới, hay có thể chỉ những tội ác phạm phải trước khi thọ giới?”

     Đạo Nguyên đáp: “Câu nói ‘phạm giới’ áp dụng cho những tội ác phạm phải sau khi thọ giới. Những tội ác phạm phải trước khi thọ giới có thể gọi là ‘tội lỗi’ hay ‘những hành động độc ác,’ nhưng không  ‘phạm giới.’”

     Hoài Tráng hỏi: “Trong bốn mươi tám giới phụ,[21] chữ ‘phạm’ áp dụng cho những tội ác trước khi thọ giới. Tại sao vậy?”

     Đạo Nguyên đáp: “Không phải thế. Nó áp dụng cho người chưa thọ giới nhưng sắp thọ giớisám hối những tội ác người ấy đã phạm cho đến lúc ấy. Thọ mười giới,[22] người ấy nói ‘đã phạm’ trong mỗi trường hợp mà hành động của người ấy trong quá khứ trái với bốn mươi tám giới. Những tội ác người ấy phạm phải trước đó không được xem là ‘phạm giới.’

     Hoài Tráng hỏi: “Kinh nói rằng, khi một người nào đó cầu được thọ giớisám hối những tội lỗi đã phạm trước đó, người ấy được dạy tụng mười giới chính và bốn mươi tám giới phụ. Tuy nhiên, ở một đoạn sau, Kinh ấy nói rằng không nên giải thích các giới luật cho những người chưa thọ giới. Hai việc đó có gì khác nhau?

     Đạo Nguyên đáp: “Giữ giới và tụng giới luật khác nhau. Để sám hối, tụng Giới Kinh giống như tập trung tâm vào kinh. Do đó, ngay cả một người chưa thọ giới cũng muốn tụng Giới Kinh. Không có sự phản đối nào đối với việc giải thích Giới Kinh cho người ấy. Đoạn sau cấm dạy nó vì lợi ích đối với những người chưa thọ giới. Đặc biệt nên dạy nó cho những người đã thọ giới để giúp họ sám hối.”

     Hoài Tráng hỏi: “Trong thọ giới, giới luật được giả định là không cho bất cứ người nào đã phạm bảy trọng tội[23] thọ giới, song trong kinh ấy nói rằng ngay cả bảy trọng tội cũng nên được sám hối. Tại sao như vậy?”

     Đạo Nguyên đáp: “Quả thật chúng nên được sám hối. Sự cấm đoán đối với những người thọ giới như thế có nghĩa là kiểm tra tạm thời.[24] Đoạn trước trong bản văn tuyên bố rằng ngay cả một người phạm giới, nếu người ấy sám hối và rồi thọ giới trở lại, trở nên thanh tịnh. Nếu sám hối, người ấy trở nên thanh tịnh. Điều này khác với chưa thọ giới.”

     Hoài Tráng hỏi: “Nếu cho phép sám hối bảy trọng tội, có thể cho

phép thọ giới sau đó không?”

     Đạo Nguyên trả lời: “Có. Đây là tục lệ đã được Trụ trì Vinh Tây thiết lập. Một khi sự sám hối của một người đã được chấp nhận, người ấy phải thọ giới lại. Ngay cả trong trường hợp bảy trọng tội, bất cứ người nào sám hối cũng nên được cho phép thọ giới lại nếu người ấy muốn như vậy. Nếu ngay cả một Bồ-tát phạm giới, ngài cũng phải được cho thọ giới lại, vì ngài đã làm thế vì người khác.”

 

7

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Không nên chưởi mắng hay khiển trách tăng nhân bằng những lời thô bạo; cũng không nên khinh thị họ bằng cách chỉ ra những lỗi lầm của họ. Dù cho họ là người xấu, cũng không nên khinh miệt hay hành hạ họ. Dù cho lúc đầu họ có vẻ xấu đến đâu, khi nhiều hơn bốn người cùng nhau tu tập, họ tạo thành một tăng-già, làm phong phú đất nước. Họ đáng được kính trọng nhiều nhất. Nếu đệ tử của các ông có lỗi, dù họ là tăng nhân hay trưởng lão hay Sư hay thầy dạy của chùa, các ông nên chỉ dạy và hướng dẫn họ với lòng từ bi. Hãy đánh những kẻ phải đánh, mắng những kẻ phải mắng, nhưng không cho phép chính mình thốt ra những lời vu khống và chê bai. Tiên sư của tôi, sư Như Tịnh (Ju-ching),[25] khi làm sư của chùa ở núi Thiên Đồng (T’ien-t’ung), đánh các ông tăng ngủ gật trong các thời ngồi thiền trong thiền đường bằng trúc bề, rầy la và mắng họ. Song tăng chúng vui khi bị sư đánh, và ca ngợi sư vì thế.

     Một lần, sau khi thuyết pháp, sư nói: “Tôi đã già rồi, đã rút lui khỏi hội chúng, và bây giờ sống trong một ngôi chùa nhỏ và nuôi dưỡng cái thân già này. Song, là thầy của hội chúng, tôi làm hòa thượng đường đầu của ngôi chùa nhỏ này để tôi có thể diệt sự mê hoặc của mỗi người nơi các anh và dạy Đạo cho các anh. Đó là lý do đôi khi tôi dùng lời quở trách; và đôi khi tôi đánh các anh bằng trúc bề. Nhưng tôi thực sự không có lòng nào như thế. Tuy nhiên, tôi dùng những phương tiện giáo huấn này là đứng vào chỗ của Phật. Chư tăng, hãy từ bicho phép vậy.” Khi Như Tịnh dứt lời, tất cả tăng chúng đều khóc.

     Tất cả các ông nên dạy và hướng dẫn theo cách này. Chỉ vì các ông giữ cương vị đứng đầu của chùa hay hòa thượng trưởng lão, các ông không có quyền lăng nhục tăng nhân, thô bạo ra lệnh quanh họ như họ là vật tùy thuộc của mình. Lỗi còn nhiều hơn đến đâu khi chọn lấy điểm yếu của một người nào đó và phê bình họ khi chính các ông không giữ một địa vị cao như thế! Hãy rất thận trọng về điều này.

     Nếu các ông thấy điểm yếu của những người khác và xem đó là xấu và nếu các ông muốn hướng dẫn những người như thế với lòng lân mẫn, các ông phải làm như thế mà không nói trực tiếp đến các lỗi của họ như thế các ông không làm họ nổi giận.

 

8

Một lần Đạo Nguyên kể câu chuyện này:

     Khi vị Tả Tướng quân quá cố của Kamakura (Minamoto Yori-moto)[26] khi còn trẻ được gọi là Hyōenosuke. Một hôm ông dự một bữa tiệc lớn ở gần hoàng cung. Khi ông ngồi gần vị Hội Trưởng Hội Đồng Quốc Gia, một người khách tỏ ra mất trật tự, và vị Hội Trưởng ra lệnh cho Yoritomo bắt người ấy.

     Yorimoto từ chối: “Ngài hãy ra lệnh cho Rikuhara,”[27] ông nói, “Ông ta là tướng quân của dòng họ Taira.”

     Vị Hội Trưởng Hội Đồng Nhà nước nói: “Nhưng hiện giờ anh ở ngay đây.”

     Yoritomo đáp: “Tôi không đủ tư cách bắt người đó.”

     Quả thật những lời nói của Yoritomo đáng ngưỡng mộ. Với thái độ này về sau ông đã cai trị quốc gia. Người học ngày nay nên noi gương ông ấy. Đừng khiển trách người khác nếu các ông không ở địa vị để làm như thế.

 

9

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

      Một lần có một vị tướng quân tên là Lỗ Trọng Liên (Lu Chung-lien),[28] người làm việc cho Bình Nguyên Quân (P’ing-yüan Chün)[29]hàng phục được kẻ thù của triều đình. Khi Bình Nguyên Quân ca ngợi tài năng của ông, tìm cách thưởng ông nhiều vàng và bạc, Lỗ từ chối, nói: “Nhiệm vụ của một tướng quân là hàng phục kẻ thù; không phải là để được khen ngợi và sở hữu.” Sự vô ngãhoàn toàn của Lỗ Trọng Liên được người ta biết đến.

     Như vậy, ngay cả trong hạng người thường, những người trí tuệ ý thức trách nhiệmthể hiện nhiệm vụ của họ đến mức đầy đủ nhất. Không cầu sự ban thưởng đặc biệt nào. Những người học nên cẩn thận làm như vậy. Khi vào Phật giáo họ nên làm việc vì Phật giáo mà không nghĩ đến chuyện được cái gì. Nhiều giáo lý khác nhau, cả Phật giáo và không phải Phật giáo, tất cả đều khuyến dụ chống lại sự thâu tóm sở hữu.

 

10

Một lần, sau khi bàn về giáo pháp, Đạo Nguyên huấn thị:

     Áp đảo người khác bằng tranh luận khi người ấy sai và mình đúng là không tốt. Song bỏ cuộc một cách dễ dàng, nói, “Tôi sai,” khi mình có mọi lý do tin rằng mình đúng, thì cũng không tốt. Cách tốt nhất là buông bỏ cuộc tranh luận một cách tự nhiên, mà không chèn ép người khác hay nhầm lẫn mà nhận rằng mình sai. Nếu mình không lắng nghe những tranh luận của người ấy và không để chúng làm phiền mình, người ấy sẽ làm giống như vậy và không trở nên tức giận. Đây là điều nên cẩn thận coi chừng.     

 

11

Đạo Nguyên huấn thị:

     Trong cuộc diễn hành nhanh chóng của vô thường, sinh và tử là chuyện lớn. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, nếu các ông muốn tu học, chỉ tu học Phật giáo. Viết văn và làm thơ, về lâu về dài, là vô dụng; như thế, không nên bỏ tu học. Khi tu học Phật giáo, đừng ôm lấy quá nhiều sự vật bên ngoài. Hãy bảo đảm đứng xa những giáo lý

tính cách kinh điển của các tông phái Phật giáo hiển và mật.

     Ngay cả các Ngữ lục của các Tổ sư Thiền cũng không nên học quá nhiều ở mức rộng. Người chậm lụt và kém căn cơ tập trung vào một việc còn thấy khó, nói chi đến tập trung vào nhiều việc cùng một lúc, giữ tâm tĩnh lặng và ý nghĩ hài hòa còn khó hơn biết chừng nào!

 

12

Đạo Nguyên huấn thị:

     Có một câu chuyện kể làm thế nào Thiền sư Trí Giác (Chih-hsüeh),[30] cách đây vài thế kỷ, tư duy về sự tham cầu Đạotrở thành Thiền tăng. Vốn là một quan chức, ông bẩm sinh rất thông minhnổi tiếng là thiện lương và trí tuệ. Một lần, trong khi ông trấn nhậm một châu, ông lấy công quĩ ban phát cho dân. Một trong những cộng sự của ông báo cáo điều này về triều đình. Khi hoàng đế nghe chuyện, lấy làm kinh ngạc; và triều thần cũng hoang mang về hành động của Trí Giác. Tuy nhiên, tội của ông là một trọng tội, và ông bị tuyên án tử hình.

     Hoàng đế bàn vấn đề với triều thần, nói: “Đây là một ông quan tài năngthông tuệ. Ông ấy phải có một động cơ đặc biệt nào đó mà  phạm tội này. Có lẽ ông ấy đã hành động vì một lý do sâu kín nào đó. Nếu ông ấy tỏ vẻ hối hận khi sắp bị chém, hãy chém ngay. Nếu ông ấy trên mặt không tỏ vẻ gì, chắc chắn ông ấy phải có một động cơ nào đó sâu xa hơn. Trường hợp đó, đừng để ông ấy chết.”

     Khi sứ giả của hoàng đế mang Trí Giác ra và sắp chém đầu, quả thật sư không tỏ vẻ hối hận mà sắc mặt còn tỏ vẻ hoan hỉ. Trí Giác nói: “Ta hiến sinh mạng ta trong lần sinh này cho tất cả chúng sinh.”

     Sứ giả kinh ngạc và tâu sự việc này lên hoàng đế. “Đúng y như trẫm đã nghĩ,” Hoàng đế nói. “Ông ấy phải có một động cơ sâu hơn. Trẫm đã nghĩ như thế ngay từ đầu.” Rồi hoàng đế yêu cầu giải thích.

     Trí Giác tâu: “Thần đã nghĩ đến việc từ quan hồi hưu, buông bỏ mạng sống của thần, cho của bố thí, và kết giao với chúng sinh khắp mọi nơi. Thần có ý định tái sinh làm một tăng nhân và nhất tâm tu tập Phật giáo.” Hoàng đế xúc động sâu xacho phép sư làm tăng nhân.

Hoàng đế ban chodanh hiệu Diên Thọ (Cho Được Sống Lâu Thêm) để mừng cho sư được hoãn hành hình. Tăng nhân ngày nay nên phát khởi thái độ tương tự như thế ít nhất cũng một lần. Họ nên sẵn sàng hy sinh mạng sống, tăng thêm lòng bi mẫn sâu hơn đối với tất cả chúng sinh, khởi lòng ham muốn phó thác thân mình cho Phật Đạo. Nếu họ có dấu vết nào của tấm lòng bi mẫn như thế, họ nên giữ không để bị mất. Trừ phi họ có thể khởi lòng bi mẫn như thế ít nhất một lần, thì không thể thức tỉnh với Phật giáo.

 

13

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Mục đích thức tỉnh với những câu chuyện xưa của các bậc Tổ của Thiền là để biến đổi dần dần những gì các ông hiểu và suy nghĩ cho đến bây giờ, dưới sự hướng dẫn của một Thiền sư. Ngay như Phật mà các ông biết cho đến bây giờ là được phú bẩm với những tướng khác biệt,[31] chiếu hào quang, và như Thích-ca Mâu-ni và Phật A-di-đà, có hạnh thuyết pháp và đem lợi ích đến cho người, các ông phải tin nếu như Thiền sư bảo các ông rằng Phật là một con cóc hay một con trùng. Các ông sẽ phải bỏ những niềm tin mà các ông đã giữ cho đến bây giờ. Nhưng nếu các ông tìm kiếm các tướng của Phật, sự chiếu hào quang, và những đức hạnh liên hệ của ngài trên con trùng, các ông sẽ không thay đổi được những cái thấy độc đoán của mình về Phật. Hãy thừa nhận những gì các ông thấy bây giờ ngay trước mắt là Phật. Nếu các ông theo lời của Thiền sư nói và hồi hướng những cái thấy mê hoặcchấp trước, các ông sẽ tự nhiên hợp với Phật Đạo.

     Song người học ngày nay bám vào những cái thấy mê hoặc và giữ những ý niệm cá nhân của họ, nghĩ rằng Phật là cái này hay cái kia. Nếu những cái đó khác với những gì họ tưởng tượng, họ phủ nhận rằng cái này có thể là vậy và lang thang lạc mất, tìm kiếm một cái gì đó tương tự với những gì ý niệm mê hoặc của họ tạo ra. Họ hiếm khi tạo được sự tiến bộ theo Phật Đạo.

     Khi được bảo buông cả tay chân, sau khi leo đến đầu cây sào trăm trượng, và tiến tới một bước nữa mà không quan tâm đến thân mình,[32] họ nói: “Ấy là chỉ vì hôm nay tôi còn sống mà tôi có cơ hội học Phật giáo.” Họ không thực sự theo thầy họ. Nên hiểu điều này một cách triệt để.

 

14

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Người trên thế gian này thường cố gắng học nhiều thứ cùng một lúc và kết quả không làm được điều gì tốt. Thay vì họ nên học một thứ cho tốt để họ có thể làm được ngay trước cả đám đông. Phật giáo siêu việt thế gian tầm thường là một giáo pháp mà từ vô thủy không bao giờ dễ học.[33] Ngày nay nó vẫn như vậy. Khả năng học của chúng ta cũng có giới hạn. Trong lãnh vực cao rộng vô cùng của Phật giáo, nếu chúng ta cố gắng học nhiều khía cạnh, chúng ta không thể nắm vững ngay cả một khía cạnh. Dù hiến mình cho một khía cạnh duy nhất, một người với căn cơ thấp thấy khó làm được gì nhiều trong một kiếp. Người học phải tập trung vào một thứ duy nhất.

     Hoài Tráng hỏi: “Nếu là như vậy, chúng con nên tu theo loại pháp tu nào? Chúng con nên tập trung sự tu tập của mình vào khía cạnh nào của giáo lý Phật giáo?”

     Đạo Nguyên đáp: “Cái đó tùy thuộc vào tài năngcăn cơ của người học, nhưng trong Thiền, pháp tu chính yếu là ngồi thiền. Ngồi thiền thích hợp với tất cả mọi người, dù căn cơ của họ cao, trung bình, hay thấp.”

    “Khi tôi ở Trung Hoa, trong hội chúng của sư Như Tịnh, tôi trở nên ý thức được sự thật này và từ đó về sau tôi tu tập ngồi thiền ngày đêm. Nhiều tăng nhân đã bỏ cuộc khi trời rất lạnh hay rất nóng, sợ rằng sẽ bị bệnh.  Nhưng vào những lúc đó tôi tự nghĩ: ‘Dù tôi có bị bệnh hay chết, tôi cũng phải tu tập ngồi thiền. Nếu tôi không tu luyện lúc mình khỏe mạnh, thì thân này của tôi dùng để làm gì? Dù tôi có bị bệnh hay chết, thì đó cũng là số phận của tôi. Tôi có thể đòi hỏi gì hơn là học dưới một Thiền sư ở đại Tống Trung Hoa, chết ở đây, và có những tăng nhân tốt chôn cất tôi? Nếu tôi chết ở Nhật Bản, những hòa thượng trưởng thượng như thế sẽ không dự dám tang tôi. Nếu tôi tu tập mà chết trước khi đạt giác ngộ, tôi chắc chắn rằng kiếp tới của tôi sẽ là kiếp làm người theo Phật giáo. Sống lâu mà không tu tập dường như là sống không có mục đích. Sống như vậy để làm gì? Sau khi quan tâm rất nhiều để bảo vệ thân mình chống lại bệnh tật, thật đáng thương nếu tôi bị tai nạn chết đuối dưới biển hay gặp phải một cái chết bất ngờ nào khác.’ Đây là những ý nghĩ đi qua tâm tôi khi tôi ngồi tinh tấn ngày đêm. Như vậy, tôi không bao giờ bị bệnh lần nào.

     “Mỗi người trong các ông nên tận sức tinh tấn tu tập. Trong mười người các ông, nên cả mười đạt được ngộ. Tiên sư tôi, Như Tịnh, khuyến khích tăng chúng cách này.”

 

15

Đạo Nguyên huấn thị:

     Từ bỏ mạng sống hay lóc thịt, tay, hay chân nếu người ta cảm thấy quá suy sụp thì dễ. Tương tự, trong những chuyện thế gian, người ta cũng có thể làm điều giống như thế bởi vì sự ràng buộc với danh và lợi. Nhưng khi cái tâm đến tiếp xúc với sự cố và sự vật, thì khó mà hài hòa. Khi người học mang lòng tham phế bỏ mạng sống của mình, họ nên làm cho tâm họ bình tĩnh một lúc. Họ nên xem mình phải nói gì hay làm gì cho phù hợp với sự thật; nếu phù hợp, thì họ nên nói và làm điều đó.

 

16

Đạo Nguyên huấn thị:

     Những người học Đạo không nên lo lắng về quần áo hay thức ăn. Họ chỉ nên theo những qui tắc của Phật giáo và đừng can dự vào những chuyện thế gian. Phật nói: “Về quần áo, hãy dùng những y phục làm bằng vải rách đã bị vất đi; về thức ăn, hãy dùng những gì có thể xin được.” Trong bất cứ loại thế giới nào, hai thứ này sẽ không bao giờ hết. Đừng quên vô thường nhanh chóng, cũng đừng để mình bị những việc thế gian làm phiền một cách không cần thiết. Trong khi còn ở trong cuộc tồn sinh ngắn ngủi như sương này, hãy chỉ nghĩ đến Phật giáo, và đừng can dự vào bất cứ vấn đề nào khác.

     Có người hỏi: ‘Người ta nói rằng dù danh và lợi khó ném bỏ sang một bên, chúng là những chướng ngại to lớn đối với tu tập, và như vậy phải từ bỏ. Vì lý do này tôi đã làm như thế. Mặc dù quần áo và thức ăn là những việc nhỏ, chúng quan trọng đối với người tu tập. Mặc áo rách và xin ăn là những dấu hiệu của bậc thượng tăng. Đây là tục lệ ở Ấn độ. Trong các chùa ở Trung Hoa, tăng nhân dùng chung vật dụng nhà bếp và những vật tùy thuộc nên họ không cần lo những thứ đó. Trong các chùa ở Nhật Bản không có những vật tùy thuộc như thế, và tục lệ khất thực, phần lớn, không được truyền cho. Trong những điều kiện này, một người thấp kémyếu đuối có thể làm gì? Nếu có người giống như tôi tìm sự cúng dường từ tín đồ, người ấy có tội vì nhận sự bố thí mà mình không có danh phận thọ nhận. Chúng ta không thích hợp ăn thực phẩm kiếm được bằng cách làm công việc của nông dân, thương gia, chiến sĩ, hay thợ thủ công. Song nếu mọi thứ đều để cho số phận, chúng ta dường như được phần đạm bạc nhất. Khi đói và lạnh đến, chúng ta lo âu và thấy sự tu tập của mình bị cản trở. Có người cho tôi lời khuyên như sau: ‘Cách hành sự của huynh hoàn toàn sai. Dường như huynh hoàn toàn không ý thức về thời gianhoàn cảnh chúng ta sống. Chúng ta sinh trong hạ đẳng và trong thời đại suy đồi. Cách tu luyện của huynh sẽ chỉ đưa đến sự suy thoái. Hãy dàn xếp với người trong giáo xứ, hay lập cam kết với một người bảo trợ; và rồi huynh có thể rút lui an ổn vào một nơi yên tĩnh huynh có thể bình yên tu tập Phật giáo mà không phải lo về thực phẩm hay quần áo. Đây không phải là lòng tham giàu sang hay của cải. Rồi huynh có thể tu tập với phương tiện sống bảo đảm trong một lúc.’ Tôi đã lắng nghe những gì người ấy nói nhưng không tin ông ta. Người ta nên có thái độ nào?

     Đạo Nguyên trả lời: “Cách hành xử của Thiền tăng là chỉ học theo phong cách của Phật và Tổ. Mặc dù ở Ấn độ, Trung Hoa, và Nhật Bản khác nhau, người học Đạo chân thật không bao giờ hành xử theo cách ông miêu tả. Chỉ đừng để tâm mình bám vào những chuyện thế giannhất tâm học Đạo. Phật nói: ‘Đừng sở hữu gì cả trừ y bát của mình, và hãy cho người đói những thứ còn lại từ những gì các ông đã xin được.’ Nếu để dành một miếng nhỏ từ những gì ông nhận được, thì tránh được sự vội vã đi tìm các thứ hơn nhiều.   

     “Trong một tác phẩm không phải của Phật giáo, người ta nói: ‘Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng vui.’[34] Dù cho các ông phải chết vì đói và lạnh, hãy theo lời dạy của Phật giáo dù trong một ngày hay chỉ trong chốc lát. Trong mười ngàn kiếp (kalpa) và một ngàn đời, bao nhiêu lần chúng ta sinh và bao nhiêu lần chúng ta chết! Tất cả điều đó đến từ sự mê hoạc bám vào thế gian của chúng ta. Nếu chỉ một lần trong đời này, chúng ta theo các giáo lý Phật giáo và rồi chết vì đói, chúng ta thực sự đã đạt được bình yên vĩnh viễn.

     “Sự thực, trong tất cả kinh điển Phật giáo mà tôi đã đọc không thấy có một vị Phật hay Tổ nào ở Ấn Độ, Trung Hoa hay Nhật Bản chết vì đói và lạnh. Trong thế gian này mỗi người trong khi còn sống đều có phần quần áo và thực phẩm được phân bố. Người ta không có được những thứ đó bằng cách tìm kiếm, cũng không phải người ta không có được dù cho họ không tìm. Hãy để nó cho số mệnh và đừng để nó làm phiền ông. Nếu ông nói rằng đây là thời đại suy đồi và không phát tâm cầu Đạo trong đời này, thì ông mong đạt được Đạo vào đời nào? Dù ông không phải là một người như Tu-bồ-đề hay Ma-ha Ca- diếp,[35] ông nên học Đạo theo khả năng mình.  

     Một bản văn không phải của Phật giáo nói: “Những ai thích đàn bà đẹp sẽ thích một người đàn bà dù cho người đàn bà ấy không đẹp như Tây Thi (Hsi Shih) hay Mao Tường (Mao Ch’iang).[36] Những ai thích ngựa tốt sẽ thích con ngựa dù nó không tốt như Fei-t’u hay Lu-erh.[37] Những ai thích vị ngon sẽ thích thưởng thức cái vị dù nó không phải là gan rồng hay tủy phượng.’[38] Đó chỉ là vấn đề mỗi người thể hiện sở thích của mình. Đây là chuyện của hạng người thường và cũng áp dụng cho những người theo Phật giáo

     “Ngay cả đức Phật đã không hiến hai chục năm đời ngài để làm lợi ích cho thời đại suy đồi này ư![39] Vì thế, người và thần vẫn cúng dường cho các Thiền viện. Dù cho Như Lai sở hữu các năng lực thần thôngcông đức vĩ đại nhất, ngài đã phải ăn hạt thóc dành cho ngựa[40] để trải qua một mùa mưa.[41] Làm sao các đệ tử trong thời đại suy đồi này muốn những thứ dễ hơn?”   

     Có người hỏi: “Thay vì phạm giới, thọ nhận sự bố thí của người

và thần một cách vô ích, lãng phí di sản của Như Lai mà không phát tâm cầu Đạo, thì làm như cư sĩ, làm công việc họ làm, và tu Đạo trong khi chúng ta còn sống, không tốt hơn sao?”

     Đạo Nguyên nói: “Ai nói phá giới và không có tâm cầu Đạo? Tất cả những gì ông nên làm là phát cái tâm này và cần mẫn tu tập Phật giáo. Người ta nói rằng dù giữ giới hay phạm giới, dù một người mới bắt dầu tu hay tu đã lâu vẫn được bình đẳng thọ nhận sư hộ trì của Như Lai. Không có gì nói rằng nếu ông phạm giới, ông nên quay về đời sống thế tục; hay nếu ông không có tâm cầu Đạo, ông không nên tu. Ai có tâm này ngay từ đầu? Điều đúng là nếu phát khởi cái gì khó phát khởi, nếu tu tập cái gì khó tu tập, chắc chắn ông sẽ tiến bộ. Mọi người đều có tánh Phật. Đừng tự hạ mình.

     “Sách Văn Tuyển (Wen-hsüan) nói: ‘Nước nhà hưng thịnh vì một người. Đạo của thánh hiền xưa bị hủy diệt bởi những kẻ ngu theo.’[42] Những lời này có nghĩa là, nếu một bậc hiền đến với một nước, nước ấy hưng thịnh; nếu một kẻ ngu đến, đạo của thánh hiền suy vong. Hãy suy nghĩ kỹ điều này.

    

17

Trong khi nói về nhiều đề tài khác nhau, Đạo Nguyên nói:

     Khi những người đàn ông và đàn bà bình thường tụ lại với nhau, dù trẻ hay già, họ rất thường bàn tán về những sự việc có tính chất không chính đáng. Điều này làm tâm họ lệch hướng và khiến cho cuộc nói chuyện sống động. Nó đem lại cho họ sự thích thú và làm giảm bớt sự nhàm chán, nhưng loại nói chuyện này nhanh chóng bị cấm đối với tăng nhân. Ngay cả giữa những cư sĩ với nhau, nó cũng hiếm khi xảy ra khi những người tốt, tỉnh táo, và lịch sự cùng nhau bàn luận những vấn đề nghiêm trang. Thông thường nó liên kết với say sưa và phóng túng. Tăng nhân phải tập trung vào một mình Phật giáo mà thôi. Chỉ một vài tăng nhân hồ đồ và vị kỷ đắm mình vào cuộc nói chuyện không trang nhã.

     Trong các chùa ở Trung Hoa không có vấn đề như thế, vì các tăng  không can dự vào cuộc nói chuyện tầm phào. Ngay cả ở Nhật Bản, trong khi Vinh Tây, Trụ trì chùa Kiến Nhân (Kenninji), lúc còn sống, tăng chúng cũng không bao giờ can dự vào cuộc nói chuyện như thế. Ngay cả sau khi sư tịch, trong khi một vài đệ tử của sư vẫn ở lại chùa, thực sự không có cuộc đàm thoại giải đãi nào. Tuy nhiên, trong bảy hay tám năm thời gian qua, một vài người trẻ tuổi đã bắt đầu can dự vào những cuộc nói chuyện nhỏ nhoi. Một chuyện đáng tiếc nhất.

     Trong giáo lý Phật giáo có viết rằng những lời bộc bạo đôi khi đưa người ta đến giác ngộ nhưng cuộc nói chuyện vô giá trị cản trở Chân Đạo. Khi ngay cả những lời nói đột phát từ môi và những lý thuyết vô dụng đều là những chướng ngại Chân Đạo, thì cuộc nói chuyện không trang nhã sẽ có thể xúi giục tâm nhiều hơn thế. Các ông phải rất cẩn hận về điều này. Không những các ông phải biết kiêng loại nói chuyện này mà còn phải biết đó điều là xấu, các ông cũng phải biết cách dần dần bỏ nó sang một bên.

 

18

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Đa số cư sĩ thích công khai những hành vi tốt và giấu đi những hành vi xấu của họ. Vì một thái độ như thế gây ác cảm với các thần hộ vệ,[43] những hành động tốt không được báo đáp, và những hành động xấu, được thực hiện trong bí mật, bị trừng phạt. Điều này đem lại ấn tượng rằng không có báo đáp cho những hành vi tốtPhật giáo cống hiến ít lợi ích. Dĩ nhiên, cái thấy này sai và phải được sửa lại bằng mọi phương tiện.

     Các ông nên làm điều tốt một cách bí mật khi không ai nhìn thấy, và nếu làm sai, các ông nên sám hối. Bằng cách này những hành động tốt sẽ được báo đáp một cách bí mật. Sự sám hối công khai những việc làm sai sẽ gột bỏ tội ác, như thế lợi ích tự nhiên tích lũy trong thế giới hiện tại cũng như trong các thế giới vị lai.

     Một cư sĩ từ thính chúng lên hỏi: “Ngày nay, khi các cư sĩ cúng dường cho tăng nhân và qui y Phật giáo, kết quả có khuynh hướng có nhiều bất hạnh. Họ trở nên có thành kiến và không muốn nương tựa Tam Bảo. Việc này thế nào?”

     Đạo Nguyên trả lời: “Đây không phải là lỗi của tăng nhân hay của

Phật giáo, nhưng đó là chính các cư sĩ đã sai. Đây là lý do: các ông có thể cung kính cúng dường cho những tăng nhân mà họ dường như trì giữ giới luật, theo đúng các qui định về ăn uống, và hành trì kỷ luật nghiêm chỉnh; song các ông không bố thí cho những tăng nhân phạm giới một cách vô liêm sỉ, uống rượu, ăn thịt bởi vì các ông xem họ là không xứng đáng. Một cái tâm phân biệt theo cách này vi phạm các nguyên tắc của Phật giáo. Vì thế, dù cho các ông qui y Phật giáo, thì cũng không có công đức hay đáp ứng nào. Các giới luật có những đoạn cảnh cáo thái độ này. Khi các ông gặp một vị tăng, hãy cúng dường cho vị tăng ấy, bất chấp vị ấy đạo đức hay không. Bất kể thế nào, hãy cố gắng tránh phán đoán đạo đức bên trong hay diện mạo bên ngoài của vị tăng ấy.

     “Trong thời suy đồi này, quả thực có những tăng nhân mà bề ngoài của họ hiếm khi có thể biểu hiện gì, nhưng có những tăng nhân khác mà ý nghĩ và hành động của họ thì tệ hơn vô cùng. Đừng phân biệt tốt và xấu, nhưng bày tỏ sự kính trọng đối với bất cứ người nào nếu người ấy là đệ tử của Phật. Nếu các ông cúng dường và tỏ lòng kính trọng một cách không thiên vị, thì lúc nào các ông cũng sẽ là đang theo ý Phật và sẽ tức thời được lợi ích.

     “Hãy nhớ bốn câu này: ‘Hành động không ai thấy, báo đáp không ai thấy; hành động không ai thấy, báo đáp có người thấy; hành động có người thấy, báo đáp không ai thấy; và hành động có người thấy, báo đáp có người thấy.’ Những gì các ông làm trong đời này có thể được báo đáp trong đời này, đời kế tiếp, hay trong một tương lai nào đó. Hãy học kỹ nguyên lý này.”

 

19

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Giả sử có người nào đó đến nói với ông về chuyện của mình và yêu cầu ông viết một lá thư xin ơn huệ hay giúp y trong một vụ kiện. Ông có từ chối ngay mặt y, nói rằng: “Bây giờ tôi là một tăng nhân đã rút lui khỏi thế gian và không có việc gì liên quan đến chuyện thế tục không?” Điều này phải được xét cẩn thận theo các hạn từ về thời gian và cơ hội.

     Trong khi dường như điều này có thể là thái độ đúng đối với một tăng nhân, nếu ông nghĩ về chuyện đó, thực sự những gì ông đang nói là: “Tôi là một tăng nhân đã rút lui khỏi thế gian, và nếu tôi nói rằng tôi không nói gì, có thể tôi sẽ bị nghĩ là xấu.” Điều này chứng tỏ sự chấp ngã và và quan tâm đến danh tiếng của mình. Vào lúc như thế này, hãy suy nghĩ cho thấu triệt vấn đề, và nếu có thể giúp được người ấy dù chỉ chút ít, hãy làm như thế mà không lo người khác sẽ nghĩ gì về mình. Nếu người bạn nhận lá thư mà phật lòng, cảm thấy rằng ông đã cư xử theo cách không xứng đáng là một tăng nhân, vậy thì có phải là rất tệ vì mất đi tình bạn của một người rất ít hiểu biết không? Mối quan tâm đầu tiên bên trong của ông là giải thoát mình khỏi những ràng buộc vị kỷ và những ý nghĩ về danh tiếng của mình, dù cho bên ngoài ông đang làm một điều hoàn toàn không thích đáng với vị trí của mình.     

     Khi có người xin một vị Phật hay một vị Bồ-tát giúp đỡ, các ngài tự nguyện cúng dường thịt và tay chân của mình. Vậy thì tại sao lại quay lưng với một người đến xin ông viết cho một lá thư chỉ vì ông sợ những gì người ta sẽ nói? Điều này chứng tỏ sự chấp ngã của ông sâu đến đâu. Dù cho người ta phê bình hành động của ông không xứng đáng là một tăng nhân, nếu ông giúp người khác ngay cả một chút thôi và không có tham vọng vì danh hay lợi, là ông đang theo Chánh Đạo. Có nhiều tấm gương thuộc loại hành xử này nơi các bậc thánh hiền ngày xưa. Chính tôi đã làm như vậy. Làm ơn viết một lá thư cho một người nào đó yêu cầu là một việc đơn giản, dù nó có thể làm những người trong đạo hay bạn bè tức giận.

     Hoài Tráng nói: “Những gì thầy nói hoàn toàn đúng. Yêu cầu một điều gì tốt sẽ làm lợi ích cho người khác thì được thôi. Nhưng thầy nói thế nào nếu yêu cầu ấy có thể khiến cho ngươi khác bị lấy mất đi những vật tùy thuộc hay có điều gì xấu xảy ra cho người ấy? Có nên nói ra một yêu cầu như thế?

     Đạo Nguyên đáp: “Quyết định điều gì đó tốt hay xấu không thuộc về chúng ta. Một ý hay là nên bảo cho người yêu cầu viết lá thư biết và thêm vào trong lá thư rằng ông đang viết theo yêu cầu của y và chính ông không biết gì về công đức trong trường hợp của y. Người được lá thư nên có khả năng tự phán đoán cho mình. Đây là những điều chúng ta không biết, và trong đó không có điểm nào để cho chúng ta bóp méo sự việc bằng cách nói với y những điều đó. Giả sử có người bảo ông đưa ra một yêu cầu mà ông biết là xấu về một người bạn mà người bạn ấy nghĩ ông cao cả và có niềm tin nhiều nhất vào sự phán đoán của ông. Trong trường hợp này, hãy viết những điều không hài lòng mà ông không đồng ý đúng y theo cách ông đã nghe những điều đó từ người khác. Và hãy thêm rằng người nhận lá thư nên dùng quyền quyết định của riêng mình mà xử sự nếu thấy nó thích hợp. Nếu làm theo cách này, không ai có lý do để hối tiếc. Đây là những điều xảy ra khi ông gặp người ta hay khi những hoàn cảnh đặc biệt phát sinh; vì vậy phải suy nghĩ thấu đáo những điều này. Điểm chính là trong bất cứ tình thế nào ông cũng phải loại bỏ những ràng buộc với danh và ngã.”

 

20

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Trong thế gian này, cả cư sĩ và tăng nhân đều có khuynh hướng công khai những hành vi tốt và che giấu những hành vi xấu của họ. Vì thế, đời sống bên trong và bên ngoài của họ không tương ưng. Họ nên cố gắng làm cách nào đem cái ngã bên trong và cái ngã bên ngoài của họ lại với nhau, sám hối những lỗi lầm của mình, che lại những đức hạnh chân thật bên trong, kìm chế tô điểm bề ngoài của mình, tin tưởng người khác vì những điều tốt mà họ đã làm, và nhận sự chê trách vì những điều xấu mà họ đã làm.

     Có người nói: “Như thầy nói, chúng tôi nên cố gắng giấu đi đức hạnh chân thật bên trong của mình và kìm chế sự biểu lộ bên ngoài. Phật và các Bồ-tát biểu lộ tâm bi mẫn vĩ đại của các ngài vì tất cả chúng sinh là điều căn bản. Nếu các tăng nhân và cư sĩ vô minh thấy một tu sĩ khó phân biệt được, họ có thể lăng mạ hay chỉ trích và như thế chuốc lấy quả báolăng nhục tu sĩ. Không biết đạo đức chân thực bên trong của một tu sĩ, đôi khi các cư sĩ cung kính cúng dường bởi vì cái vẻ bề ngoài và nghĩ rằng điều đó sẽ mang lại cho họ phúc đức. Thầy nghĩ thế nào về điều này?

     Đạo Nguyên trả lời: “Nói rằng người ta sẽ tự kìm chế sự biểu lộ bề ngoài và rồi chỉ hành động một cách độc đoán cũng là trái với lý luận. Nói rằng người ta sẽ không biểu lộ đức hạnh chân thật của mình ra bên ngoài và rồi hành xử một cách xấu xa trước những người tu tại gia thì rõ ràng là một sự vi phạm giới luật nghiêm trọng. Có những người cố gắng tạo ấn tượng chính họ là những người Phật giáo sở hữu những thành tựu hiếm thấy hay cố gắng che giấu những khuyết điểm của họ, nhưng con mắt của các thần hộ vệTam Bảo thấu suốt khắp mọi nơi. Các ông được cảnh báo cẩn thận không sở hữu một cái tâm không biết xấu hổ cầu sự tôn kính của những người khác. Bất cứ việc gì xảy ra, hãy xem sự việc chỉ theo cách làm sao khiến cho Phật giáo hưng thịnh và làm sao lợi ích cho tất cả chúng sinh. Có câu nói: ‘Hãy biết trước khi nói, hãy xem xét trước khi hành động.’ Hãy luôn luôn thận trọng. Hãy xét chân nghĩa của bất cứ điều gì đến trước mình.

     “Ngay trước mắt mình, các ông có thể thấy rằng những giây phút đi qua không có dừng lại, những ngày trôi đi trong quá trình biến dịch không ngừng, và tất cả là vô thường chóng vánh. Đừng chờ đợi sự chỉ dạy của thầy hay kinh điển. Hãy dùng mỗi giây phút thoáng qua, và không kể ngày mai. Chỉ nghĩ đến hôm nay và giờ này, vì ngày mai là cái không chắc chắn; và không ai biết tương lai sẽ mang đến cái gì. Hãy quyết tâm theo Phật giáo như là mình chỉ có ngày hôm nay để sống. Theo Phật giáo có nghĩa là, trong tất cả mọi cơ hội và kể cả nguy hiểm đến tính mạng, hãy làm cho nó hung thịnh và đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.”      

     Có người hỏi: “Người ta phải đi xin để nâng cao Phật giáo chăng?”

     Đạo Nguyên trả lời: “Phải, đúng vậy, nhưng phải theo tập tục của xứ sở. Trong bất cứ trường hợp nào, nó phải được thực hiện để truyền bá lợi ích cho tất cả chúng sinh và làm tiến bộ sự tu luyện của mình. Nếu ông mặc y đi lang thang quanh quẩn dọc theo những con đường dơ bẩn, chiếc y của ông sẽ dính bẩn. Cũng vậy, vì người Nhật nghèo, không thể đi xin theo cách đã được qui định trước.[44] Nhưng có phải điều này có nghĩa là chúng ta phải đi lùi trong sự tu tập của mình và giới hạn những lợi íchchúng ta mang đến cho người khác không? Nếu ông chỉ tuân theo tục lệ của xứ sở và tu tập Phật giáo cho mọi người thấy, thì người dân thuộc mọi tầng lớp sẽ tự nguyện cúng dường. Khi điều này xảy ra, ông có thể tiếp tục cách tu tập của mình, và đồng thời mang lại lợi ích cho người khác. Phải nghĩ thấu đáo việc đi xin, xem xét thời gianhoàn cảnh. Không quan tâm những gì người ta nghĩ và quên cái được cá nhân, ông nên có kế hoạch để làm bất cứ điều gì khiến cho Phật giáo tiến tớilợi ích tất cả chúng sinh.”

 

21

Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học, có một điểm quan trọng cần phải xem xét khi các ông bỏ những mối quan tâm thế gian sang một bên. Các ông phải từ bỏ thế gian các ông đã biết, gia đình, thân và tâm của các ông. Hãy xét kỹ điều này.

     Mặc dù họ đã chạy trốn thế gian và giấu mình trong sâu trong rừng núi, có một ít người không thể phá vỡ mối quan hệ gia đình đã tiếp tục qua nhiều thế hệ; họ cũng không thể dứt bỏ sự suy nghĩ đến những thành viên của gia đìnhthân nhân. Có những người khác đã dứt bỏ thế gian, gia đìnhảnh hưởng của thân nhân, song còn quan tâm đến thân họ và tránh bất cứ điều gì đem lại sự đau đớn. Họ lưỡng lự trong việc nhận lấy bất cứ sự rèn luyện Phật giáo nào có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Những người như thế chưa ném bỏ thân của họ sang một bên. Rồi có những người chịu sự rèn luyện cực nhọc mà không quan tâm đến thân họ, song vẫn giữ tâm họ cách xa Phật giáo. Họ từ chối bất cứ khía cạnh Phật giáo nào không hợp với những ý niệm có trước của họ. Những người như thế chưa ném bỏ tâm họ sang một bên.

  

II

 

1

Đạo Nguyên huấn thị:

     Các hành giả, nếu các ông điều tâm trước, sẽ dễ ném bỏ cả thân mình và thế gian sang một bên. Nếu các ông lo người khác sẽ phản ứng lời nóicử chỉ của mình, nếu các ông tự kìm mình không làm những điều nào đó bởi vì người khác sẽ xem đó là những điều xấu, hay nếu các ông nghĩ tốt rằng người khác sẽ ngưỡng mộ mình là một Phật tử tốt, thì các ông vẫn còn bám vào thế giới hữu vi. Mặt khác, những người hành động một cách đắn đo với ý xấu thực sự sẽ là những người xấu. Hãy quên đi những ý xấu, quên đi thân mình, và chỉ hành động vì Phật giáo. Hãy ý thức mỗi sự việc khi nó phát sinh.

     Những người chỉ mới bắt đầu với Phật giáo có thể phân biệtsuy nghĩ theo những hạn từ thế tục. Sự cố gắng tự kìm chế đối với điều xấu và tu tập điều tốt với thân tạo thành sự ném sang một bên cả thân và tâm.   

 

2

Đạo Nguyên huấn thị:

     Trong khi cố Trụ trì Vinh Tây còn sống tại chùa Kiến Nhân, một người láng giềng đến nói với sư: “Nhà con nghèo đến nỗi vợ con, con, và ba đứa con của con không có gì để ăn đã mấy ngày rồi. Xin hãy thương xót giúp đỡ chúng con.”

     Đây là lúc chùa hoàn toàn cạn hết thực phẩm, quần áo, và tiền bạc. Vinh Tây đã vắt óc nhưng không thể nghĩ ra cách nào để giải quyết. Đúng vào lúc ấy có việc xảy ra là người ta đang dựng một bức tượng Phật Dược Sư (Yakushi)[45] tại chùa và ở đó có một ít đồng đã được đập ra để làm vòng hào quang. Vinh Tây dùng tay bẻ gãy nó, cuộn thành một quả banh, và đưa cho người đàn ông nghèo ấy. “Hãy đem cái này đổi lấy đồ ăn để cứu gia đình anh khỏi chết đói,” sư nói. Người đàn ông nghèo quá mừng ra đi.

     Các đệ tử của sư phê bình: “Thầy đã cho ông cư sĩ ấy vòng hào quang của pho tượng Phật. Đó không phải là tội dùng đồ của Phật vào việc cá nhân sao?  

     “Các ông nói đúng,” Trụ trì đáp, “nhưng hãy nghĩ đến ý của Phật. Ngài đã cắt thịt và tay chân của ngài vì tất cả chúng sinh. Chắc chắn ngài sẽ hy sinh cả thân mình để cứu những người chết đói. Dù cho tôi phải rơi vào những cõi ác vì tội này, tôi vẫn cứu những người chết đói.” Người học ngày nay nên suy xét kỹ về thái độ tuyệt hảo này của Hòa thượng Vinh Tây. Đừng quên điều này.

     Vào một dịp khác, các đệ tử của sư nhận xét: “Những căn nhà của chùa Kiến Nhân ở gần sông. Trong tương lai rất có thể chúng sẽ bị lụt phá hủy.”

     Vinh Tây nói: “Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra cho chùa của chúng ta trong những năm tới. Cuối cùng, tất cả những gì còn lại của ngôi chùa ở vườn Kỳ-đà (Jetavana)[46] là những cái nền bằng đá. Điều này không có nghĩa là công đức dựng chùa đã bị mất. Với bất cứ giá nào, công đức tu tập trong sáu tháng hay một năm vào thời gian ở chùa Kiến Nhân được kiến tạo chắc chắn to lớn phi thường.”

     Như bây giờ về việc này tôi nghĩ rằng, xây dựng chùa là một trong những việc làm quan trọng nhất mà một người có thể làm trong đời mình. Muốn nó sẽ sống còn trong tương lai không bị hư hoại là điều tự nhiên. Nhưng mục đích cao quí và sự sâu xa của hòa thượng Vinh Tây chắc chắn phải được ghi nhớ. 

 

3

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Ở Trung Hoa trong lúc Hoàng đế Thái tông (T’ai-tsung)[47] nhà Đường trị vì, Wei Cheng[48] lưu ý nhà vua: “Quần thần đang phê bình hoàng thượng.”

     Nhà vua nói: “Nếu trẫm nhân hậu mà chuốc lấy phê phán, trẫm không lo. Nhưng nếu trẫm không nhân hậu mà được ca tụng, thì trẫm

nên lo.”

     Nếu ngay cả một người thế gian mà có thái độ này, thì một tăng nhân càng nên có nó biết bao. Nếu các ông có lòng lân mẫn và tâm cầu Đạo, các ông không cần quan tâm sự phê bình của kẻ ngu. Nếu các ông không có tâm này, nhưng người ta nghĩ rằng các ông có, đây thực sự là một nguyên nhân đáng quan tâm.

 

Vào một dịp khác Đạo Nguyên huấn thị:

     Vua Văn Đế (Wen-ti)[49] nhà Tùy (Sui) có lần đã khuyên: “Hãy bí mật tích lũy đức hạnh và hãy chờ nó tích tụ đầy đủ.” Những gì nhà vua nói là tu tập đức hạnh một cách chu toàn, đợi cho nó tích tụ đầy đủ, và rồi hướng dẫn người ta đến chính trực. Tăng nhân mà không bằng được như vậy, phải đặc biệt cẩn thận. Đức hạnh tu tập bên trong thể hiện ra bên ngoài. Nếu các ông chỉ theo Phật giáo và Đạo của các Tổ mà không mong được thừa nhận, tự nhiên người ta sẽ tìm đến nương nhờ đức hạnh Phật giáo. Nhiều người học mắc phải sai lầm nghĩ rằng đức hạnh hiện ra khi người ta biểu lộ sự kính trọngcúng dường họ. Những người khác thấy vậy cũng đi đến cùng một kết luận. Loại thái độ này quả thậtviệc làm của quỉ và phải đặc biệt để ý đề phòng. Trong các giáo lý, nó được nói đến như là hành động của quỉ. Song tôi chưa nghe bất cứ trường hợp nào ở Ấn Độ, Trung Hoa, hay Nhật Bản có người trở nên đức hạnh do có được của cải hay sự kính trọng của những người ngu. Từ những thời xa xưa ở các nước này, người tu tập Phật giáo chân chính thì nghèo, thân chịu cực nhọc, và không lãng phí một vật gì. Người ấy được bi tâm và Đạo điều động. Đức hạnh không biểu hiện nơi những kho tàng thừa thải và kiêu hãnh nơi những vật cúng dường thọ nhận từ những người khác. Đức hạnh tự nó biểu hiện trong ba giai đoạn: đầu tiên, một người trở nên được biết đến vì tu Đạo; rồi, những người khác có khuynh hướng đến với người ấy; và cuối cùng, họ cũng học Đạo và hành động hợp với Đạo. Đây gọi là biểu hiện đức hạnh.

 

4

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Người học phải ném sang một bên lòng ham muốn thế gian. Ném nó sang một bên là tu tập phù hợp Phật giáo. Đa số mang thái độ Tiểu thừa: phân biệt tốt và xấu, đúng và sai, họ chấp nhận tốt và từ chối xấu. Đây là cái thấy Tiểu thừa. Tuy nhiên, điều đầu tiên các ông phải làm là từ bỏ những cái thấy thế tụcđi vào Phật Đạo. Đi vào Phật Đạo là ngừng phân biệt tốt và xấu, và ném sang một bên cái ý nói rằng đây là tốt và đó là xấu. Các ông phải quên những ý nghĩ về cái gì tốt cho bản thân của các ông hay cái gì hợp với cái tâm của riêng mình, và theo lời nói và hành động của Phật và Tổ, dù những lời nói và hành động ấy có vẻ tốt hay xấu.

     Những gì trong tâm các ông cho là tốt hay những gì người thế gian nghĩ là tốt không nhất thiết có nghĩa là tốt. Do đó, hãy quên những gì người khác nói, hãy ném sang một bên cái tâm của riêng mình, và chỉ theo những lời dạy của Phật giáo. Dù cho các ông biết rằng thân mình sẽ khổ, tâm mình sẽ bị dày vò, và tin rằng mình phải hoàn toàn xả bỏ thân tâm, các ông vẫn phải theo những gì Phật và Tổ làm. Mặt khác, dù cho các ông muốn làm điều gì đó mà các ông nghĩ là tốt và hợp với Phật giáo, cũng đừng làm như thế trừ phi nó hợp với sự hành xử của Phật và Tổ. Ấy là vì các ngài hiểu trọn vẹn các giáo lý Phật giáo.

     Ném bỏ những ý niệm các ông có trong tâm và những khái niệm về giáo thuyết có được trong quá khứ. Chỉ hướng tâm mình đến những lời nói và hành động của vị Thiền sư các ông thấy trước mình bây giờ. Nếu các ông làm như thế, trí tuệ sẽ gia tănggiác ngộ sẽ khai mở. Các ông phải suy nghĩ bằng những hạn từ có ý nghĩa ở trước các ông bây giờ, và bỏ đi bất cứ kiến thức nào có được từ kinh văn mà các ông đã học trước kia, cũng như bất cứ nguyên tắc nào cần phải loại bỏ. Một vài người trong các ông có thể thắc mắc làm sao những công đức có được qua nhiều năm học tập có thể bỏ đi một cách dễ dàng như vậy, nhưng cái ý như thế vẫn còn ở trong sự ràng buộc với thế giới mê hoặc của sinh và tử. Hãy suy nghĩ kỹ điều này.

 

5

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Tiểu sử của hòa thượng Vinh Tây, cố Trụ trì chùa Kiến Nhân, do Akikane Chūnagon,[50] người đã trở thành một tăng nhân Phật giáo, viết.

     Ban đầu ông ta từ chối sự phân công, nói: “Tiểu sử này nên để cho một nhà Khổng học viết, một nhà Khổng học quên thân mình, từ lúc thiếu niên cho đến khi trưởng thành, và tập trung vào sự học. Không có lỗi lầm nào trong những gì ông ta viết. Thông thường, những người tập trung vào việc riêng và những hoạt động xã hội của họ và dấn thân vào sự học chỉ là một việc phụ. Họ có thể là những người viết văn có tài, nhưng họ tạo ra sai lầm trong những bài viết của họ.” Dường như ngày xưa, ngay cả những người nghiên cứu những bản văn không phải Phật giáo cũng đã biết cách quên thân.

     Cố Trụ trì Kōin[51] nói: “Cái tâm cầu Đạo là cái tâm học, lãnh hội cho chính nó, và chủ trương giáo lý ba ngàn thế giới trong một niệm.[52] Cột cái nón che mưa quanh cổ và đi lang thang trong mê hoặc là cách hành xử của một người bị thiên cẩu (tengu) [53] dụ hoặc.”

 

6

Trong một thuyết thoại vào một buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Cố Trụ trì Vinh Tây thường hay bảo chúng tôi: “Đừng nghĩ tôi là người cho các ông y phụcthực phẩm các ông dùng. Đây tất cả là do nhiều thiên thần cúng dường. Tôi chỉ nhận và chuyển đến các ông. Mỗi người thọ nhận phần được phân bố trong đời mình. Đừng vội vã chạy đi tìm thêm nữa, và đừng cảm thấy phải biết ơn tôi vì những thứ đó.” Tôi nghĩ đây là những lời tuyệt diệu nhất.

     Trong hội chúngThiên Đồng (T’ien-t’ung) nơi Hoằng Trí[54] là Sư, lương thực được dự trữ để cung cấp cho một ngàn người một ngày. Khoảng bảy trăm người trong hội chúng đang tu tập thiền định, và ba trăm người làm việc trong khuôn viên chùa. Bởi vì đại danh của sư Hoằng Trí, tăng chúng tụ tập từ khắp nơi, cho đến khi có một ngàn tăng nhân tu tập và khoảng năm hay sáu trăm dấn thân làm việc chùa. Cuối cùng, một trong các tăng nhân chịu trách nhiệm quản lý cầu cứu với Hoằng Trí: “Chúng ta chỉ có lương thực cho một ngàn người, nhưng rất đông người tụ tập ở đây đến nỗi chúng ta không có đủ để cung cấp. Xin hòa thượng gửi những người thặng dư đi.”

     Hoằng Trí đáp: “Mọi người đều có miệng để ăn. Đó không phải chuyện ông lo, vậy đừng phàn nàn.”

     Khi nghĩ về nó, mọi người đều được phần phân bố về thực phẩm và quần áo của mình trong khi còn sống. Nó không đến do người ta  suy nghĩ về nó; người ta cũng không được nó bởi vì không tìm nó. Người thế gian để mặc những chuyện như thế cho số phận, trong khi chính họ quan tâm đến sự trung thành và phát triển lòng hiếu kính. Vậy thì tăng nhân càng nên ít để bị những mối quan tâm thế gian chế ngự biết bao! Đức Thích-ca Mâu-ni đã để phần còn lại của đời ngài[55] cho con cháu, và nhiều thiên thần cũng cúng dường thực phẩmy phục. Mỗi người tự nhiên nhận phần được phân bố trong đời mình. Người ấy không cần nghĩ về nó, không cần tìm nó; phần được phân bố ở đó. Dù cho các ông vội vã chạy đi tìm của cải, việc gì xảy ra khi cái chết đến thình lình? Người học nên làm cho tâm mình sạch hết những sự việc không thiết yếu và tập trung vào việc học Đạo.

     Có lần có người nói: “Vì Phật giáo hưng thịnh trong thời đại này, người ta phải sống ở nơi yên tĩnh không có sự lo lắng nào về thực phẩm và áo quần. Nếu một người tu tập Phật giáo với những nhu cầu cần thiết được cung cấp cho, lợi ích sẽ to lớn.” Đối với tôi điều này tỏ ra không đúng. Nếu một nhóm người bị sắc tướng và ngã ràng buộc tập trung lại với nhau để học tập, trong bọn họ sẽ không có người nào phát tâm theo Đạo. Bao lâu họ còn tìm lợi dưỡng, dù cho mười triệu người tụ tập lại với nhau, cũng sẽ không có được một người cầu Đạo. Tất cả họ sẽ tích lũy nghiệp dẫn đến những cõi ác, và họ sẽ không có khuynh hướng vì Phật giáo.

     Nhưng nếu có người đến và muốn học với các ông, sau khi nghe nói rằng tăng nhân sống cực kỳ khổ hạnh, thùy thuộc vào sự xin bố thí, sống với trái cây và ngũ cốc, và tu tập khổ nhọc trong khi đói, thì người đó là một người cầu Đạo chân thật, và Phật giáo sẽ hưng thịnh. Để không có người nào tu tập trong khó khăn và cảnh nghèo không tì vết và có nhiều người tụ họp trong sự thừa thải thực phẩm và quần áo, nhưng không có Phật giáo chân thật, là một bên nửa lạng và một bên tám cân.

 

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Ngày nay nhiều người nghĩ rằng đúc tượng và xây chùa khiến cho Phật giáo hưng thịnh. Điều này cũng chẳng phải vậy. Không một ai có được Đạo bằng cách dựng lên những cao ốc nguy nga có ngọc lóng lánh và những món trang trí bằng vàng. Đây chỉ là một hành động tốt tạo phúc bằng cách đem những kho tàng thế gian vào thế giới Phật giáo. Dù những nguyên nhân nhỏ bé có thể có những kết quả lớn, Phật giáo không hưng thịnh nếu tăng nhân can dự vào những hoạt động như thế. Nếu các ông học một câu trong những lời Phật dạy hay tu tập ngồi thiền dù chỉ trong khoảnh khắc trong một am tranh hay ngay cả dưới một cội cây, Phật giáo sẽ thực sự hưng thịnh.

     Bây giờ tôi đang xây một ngôi chùa[56] và đang cầu người ta đóng góp. Trong khi việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực về phần tôi, tôi không thể tin rằng nó nhất thiết kích thích Phật giáo. Ấy chỉ vì những ngày này không có ai muốn học Phật giáo, và tôi có nhiều thời gian trong tay mình. Vì bây giờ không có chỗ cho họ học, tôi muốn cung cấp một chỗ cho người học tu tập ngồi thiền, nếu như có những tín đồ mê hoặc nào ước muốn thiết lập sự nối kết với Phật giáo. Nếu các kế hoạch của tôi không thực hiện được, tôi sẽ không có gì nuối tiếc. Nếu tôi có thể dựng được dù chỉ một cây cột, tôi sẽ không quan tâm nếu người sau thấy nó và nghĩ rằng tôi đã có kế hoạch nhưng không

thể thực hiện được.

 

7

     Một hôm có người khuyên Đạo Nguyên đến Đông Nhật Bản nếu sư muốn thấy Phật giáo hưng thịnh.

     Đạo Nguyên nói: “Tôi không đồng ý. Nếu người nào muốn học Phật giáo, người ấy sẽ đến đây, dù cho người ấy phải vượt qua núi, sông, và biển. Nếu tôi đem giáo lý của tôi đến với những người không có lòng muốn học, tôi không biết họ có lắng nghe tôi không. Có thể tôi không những chỉ hướng dẫn người ta lạc đường vì sự sống của riêng tôi hay vì tôi muốn sự giàu sang vật chất? Điều này sẽ chỉ làm tôi hao mòn. Tôi không thể thấy được điểm quan trọng trong vệc đi.”

 

8

Vào một dịp khác Đạo Nguyên huấn thị:

     Những người học Đạo không nên đọc kinh điển của những giáo lý Phật giáo khác hay học những bản văn không phải Phật giáo. Nếu các ông thực sự đọc, hãy khảo nghiệm những bài viết về Thiền, Những tác phẩm khác tạm thời nên đặt sang một bên.

     Những ngày này các Thiền tăng thích văn chương, thấy nó trợ giúp trong việc viết kệ và tiểu luận. Đây là một sai lầm. Dù cho các ông không thể sáng tác thơ kệ, thì chỉ viết những gì các ông có trong lòng. Những vẻ thanh lịch của ngữ pháp không thành vấn đề nếu các ông chỉ diễn đạt những lời dạy của Phật. Những người thiếu tâm cầu Đạo có thể phàn nàn rằng văn viết của một người nào đó dở tệ. Song dù cho văn của họ thanh nhã đến đâu hay thơ của họ tuyệt vời đến đâu, chúng chỉ là sự chơi chữ và không thể đạt được Chân lý. Tôi đã yêu thích văn chương từ khi tôi còn trẻ và ngay cả bây giờ còn nhớ được những câu đẹp của những tác phẩm không phải Phật giáo. Tôi đã bị lôi cuốn cầm giữ những quyển sách như Văn Tuyển (Wen-hsüan), nhưng tôi đã đi đến chỗ cảm thấy rằng đó là lãng phí thì giờ và có khuynh hướng nghĩ rằng nên hoàn toàn để sự đọc như thế sang một bên.    

 

 

9

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Khi tôi ở trong một Thiền viện ở Trung Hoa, lúc đang đọc những lời nói của các Thiền sư xưa, một ông tăng từ Tứ Xuyên (Szechuan) hỏi: “Đọc những Thiền ngôn này để làm gì?”

     Tôi đáp: “Để hiểu hành động của các Sư xưa.”

     Ông tăng hỏi: “Dùng để làm gì?”

     Tôi đáp: “Tôi muốn tôi có thể hướng dẫn người ta khi tôi trở về Nhật.”

     Rồi ông tăng hỏi: “Dùng để làm gì?”

     “Làm lợi ích tất cả chúng sinh,” tôi nói.

     Rồi ông tăng lại hỏi: “Nhưng về lâu về dài dùng để làm gì?”

     Sau đó tôi suy nghĩ về điều này. Đọc những Thiền ngôn và công án Thiền, và hiểu hành động của các Thiền sư xưa để dạy những người mê hoặc rốt cùng vô dụng, dù cho sự tu tập riêng hay hướng dẫn người khác. Nếu các ông sáng tỏ được Nguyên lý Cốt yếu trong ngồi thiền thiền định, các ông có vô số cách hướng dẫn người khác, dù cho các ông có thể không biết một chữ. Đây là lý do ông tăng ấy nói “dùng về lâu về dài.” Chấp nhận rằng điều ông ta nói đúng là nguyên lý, về sau tôi không đọc các Thiền ngôn và những sách viết khác nữa. Như thế tôi đã có thể có được sự tỉnh ngộ Nguyên lý Cốt yếu.

 

10

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Các ông không xứng đáng được sự kính trọng của người khác trừ phi bên trong các ông có đức hạnh chân thật. Bởi vì người Nhật kính trọng người khác vì bề ngoài của họ, mà không biết đức hạnh chân thật bên trong, những người học không có tâm cầu Đạo rơi vào các ác đạotrở thành tín đồ của quỉ. Được người khác kính trọng thì dễ. Một người chỉ cần tạo ra ấn tượng quên thân và xa lìa thế gian bằng hình thức bề ngoài mà người ta ưa chuộng. Người cầu Đạo chân thật điều tâm mình song sống một cách khiêm tốn như bất cứ người bình thường nào khác trong thế gian.

     Do đó, một cổ đức nói: “Bên trong hãy làm trống mình, và bên ngoài hãy theo thế gian.” Đây có nghĩa là các ông phải loại bỏ cho chính mình những chấp trước bên trong song bên ngoài hãy thích nghi với những lề lối thế gian. Nếu các ông hoàn toàn quên thân và tâm mình, nhập vào Phật giáo, và tu tập hợp với những giáo lý Phật giáo, các ông trở nên tốt bên trong và bên ngoài cả bây giờ và trong tương lai.

     Dù Phật giáo nói xả bỏ thân và từ bỏ thế gian, nhưng ném bỏ những gì không nên ném bỏ là sai. Ở nước này, những người cố mạo nhận mình là người Phật giáo và những người cầu Đạo là những người nói rằng, vì họ đã quên thân, mặc cho người khác nghĩ gì; và họ hành động thô bạo vô lý. Hoặc nói rằng họ không còn bị ràng buộc với thế gian, họ đi quanh quẩn trong mưa không chú ý gì và bị ướt sũng. Những hành động này không phục vụ một mục đích nào dù bên trong hay bên ngoài, song những người bình thườngấn tượng rằng loại người này nên được kính trọng, bởi vì người ấy dường như không bị ràng buộc với thế gian. Mặt khác, một tăng nhân giương cao giáo nghĩa Phật giáo, biết các giới luật, và theo Phật Đạo, trong đó người ấy tu tập cho chính mình và hướng dẫn những người khác, thì hầu như bị những người cảm thấy rằng ông ta đang tìm danh lợi và làm ngơ. Đối với tôi, loại tăng nhân thứ nhì đang theo các giáo lý Phật giáo và có cơ hội tốt hơn để phát triển đức hạnh cả bên trong lẫn bên ngoài.

 

11

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Này những người học, được thế gian biết mình là người có kiến thức thì chẳng ích dụng gì. Dù chỉ có một người thành thật muốn học Phật giáo, các ông chớ giữ lại mà không cho người ấy bất cứ giáo lý nào của Phật và Tổ mà các ông có được. Dù cho người ấy đến với ý định giết các ông, nếu người ấy hỏi các ông Chánh Đạo với lòng chân thành, hãy quên đi sự phật ý của mình và dạy cho người ấy. Giả vờtri kiến về các giáo lý hiển và mật và tỏ vẻ quen thuộc với tác tác phẩm Phật giáo và phi Phật giáo thì hoàn toàn chẳng có giá trị gì. Nếu có người đến hỏi về những thứ đó, thì tuyệt đối chẳng có gì sai khi nói rằng mình không biết. Nghiên cứu các kinh điển của Phật giáo và các giáo lý khác để cố mở rộng kiến thức của mình hoặc vì người khác cho là dở vì mình không biết sự việc hay vì chính các ông cảm thấy mình ngu là một sai lầm khủng khiếp. Một vài người còn đi xa hơnnghiên cứu những chuyện thế tục để tạo ấn tượng rằng họ yêu thích học. Đối với việc học Đạo, những cái đó hoàn toàn vô ích. Song biết mà giả vờ mình không biết là không tự nhiên và gây nên ấn tượng xấu. Tốt hơn hết là không biết ngay từ đầu.

     Khi tôi còn trẻ, tôi thích thú nghiên cứu các sách thông thường. Về sau khi đến Trung Hoa, và cho đến khi tôi trở về Nhật Bản, tôi đã đọc cả những tác phẩm Phật giáo và những tác phẩm thế tục và còn thông thạo cả ngôn ngữ địa phương. Vì những nhiệm vụ khác nhau và những quan hệ với thế giới thế tục, tôi đã có một kiến thức rộng về những sự việc dị biệt. Mà bây giờ khi tôi nhìn lại, tất cả điều này là một chướng ngại cho sự tu tập của tôi, mặc dù tôi đã học được nhiều điều mà người thường thấy khó. Trong khi đọc các kinh điển thiêng liêng, người ta dần dần có thể hiểu được chân lý Phật giáo như nó được tiết lộ trong bản văn. Dù trước tiên nhìn vào các câu, liên hệ với sự sắp xếp chỉn chu ngữ cú và nhịp điệu, đánh giá chúng là hay hay dở, và rồi cố gắng nắm bắt chân lý, là một sai lầm. Thay vì, tốt hơn là không quan tâm đến văn chươnglãnh hội chân lý của bản văn ngay từ lúc bắt đầu. Trong khi viết những bài thuyết pháp phổ thông và những tác phẩm khác, các ông cố gắng sáng tác những câu hay và tránh những vụng về trong vần điệu, các ông bị sai lạckiến thức mình có. Các ông nên ổn định vững vàng chân lý khi nó đến với tâm, không quan tâm đến từ ngữ và thể loại. Rồi thì dù cho câu văn có thể có vẻ như trục trặc, không liền lạc, các ông vẫn đóng góp được cho Phật giáo nếu chân lý ở đó. Điều này cũng áp dụng cho những môn học khác.

     Có một câu chuyện về Kū Amidabutsu (Không A-di-đà-phật)[57] ở núi Cao-dã (Kōya) đã quá cố. Sư vốn là một học giả nổi tiếng về Phật giáo hiển và mật. Sau khi từ bỏ thế gian, sư quay sang nghiên cứu phép Niệm Phật (Nembutsu).[58] Sau này, khi một tu sĩ tông Chơn Ngôn (Shingon) đến hỏi sư về giáo lý của Phật giáo mật giáo, sư đáp: “Tôi đã quên hết mọi thứ. Tôi không nhớ một chữ nào.”

     Đây là một thí dụ tốt về tâm cầu Đạo. Với một bối cảnh như thế, chắc chắc sư nhớ một cái gì đó. Nhưng những gì sư nói rất đúng trọng điểm, vì từ ngày sư nhập vào giáo lý Niệm Phật, một thái độ như thế là thích hợp. Thiền sinh ngày nay phải có thái độ giống như thế. Dù cho họ có thể biết kinh điển cảc giáo lý khác, họ phải quên tất cả những giáo lý đó; không những thế mà bây giờ họ còn không nên quan tâm đến việc học chúng dù trong chốc lát. Thiền tăng tu tập chân thật không nên đọc ngay cả ngữ lục của các sư xưa và những bài viết khác. Điều này cũng áp dụng đối với những tác phẩm khác.

 

12

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Ngày nay ở nước này, nhiều người học lo về tốt và xấu, đúng và sai, về lời nói và hành động của họ và thắc mắc người khác sẽ phản ứng thế nào đối với những gì họ thấy và nghe. Họ quan tâm điều họ làm sẽ lôi kéo sự chỉ trích hay đem đến sự ca ngợi bây giờ và trong tương lai. Đây là một tình trạng rất xấu của sự việc. Những gì thế gian xem là tốt thì không nhất thiết là tốt. Người khác nghĩ gì chẳng phải là vấn đề; hãy để họ gọi các ông là người điên. Nếu các ông sống đời mình hòa hợp với Phật giáo và không làm điều gì trái với nó, thì cái thấy của người khác ít ra cũng chẳng thành vấn đề.

     Thoát khỏi thế gian có nghĩa là tâm không quan hệ gì với những quan niệm của thế gian. Chỉ học và tu tập hành động của Phật và Tổ và bi tâm của Bồ-tát, tự mình phản tỉnhchư thiên đang soi chiếu những lỗi lầm cả mình, và hành động phù hợp với qui tắc của Phật giáo; rồi chẳng có gì làm các ông phiền não được.  

     Mặt khác, vui vẻ làm ngơ những gì người khác xem là xấu và độc đoán làm những điều xấu hoàn toàn bất chấp sự phê bình của người khác, là một lỗi lầm.  Không quan tâm những gì người khác nghĩ, chỉ hành động hợp với Phật giáo. Trong Phật giáo, những hành động độc đoán và sự cư xử không biết xấu hổ đều bị cấm.   

 

13

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

      Ngay cả theo tiêu chuẩn của xã hội thông thường, thiếu sự thích đáng – như thay y phục không đúng đắn, ngay cả khi các ông ở chỗ người ta không thể thấy được hay ở trong một căn phòng tối; hoặc ngồi hay nằm không đàng hoàng để những phần nên che giấu lộ ra –

là một sỉ nhục đối với quỉ thần. Hãy che giấu những gì nên che giấu, và hãy biết xấu hổ những gì đáng xấu hổ, y như các ông đang ở trước sự có mặt của người khác. Điều này phản ánh ý chỉ của giới luật. Những người thiện xảo trong Đạo không nên tạo ra những phân biệt về chuyện họ ở trong phòng hay ở ngoài, sáng hay tối, và làm những chuyện xấu chỉ vì họ ở ngoài tầm mắt của những người biết các điều lệ của Phật giáo.   

 

14

     Một hôm một người học hỏi: “Con đã mất nhiều tháng năm nhiệt tình nghiên cứu, nhưng con chưa đạt được ngộ. Nhiều bậc sư xưa nói rằng Đạo không tùy thuộc vào thông minh và khôn lanh, và không cần kiến thứctài năng. Theo con hiểu, dù cho căn cơ của mình thấp, con không cần cảm thấy xấu về chính mình. Có những lời xưa hay những câu nói cảnh giác nào con nên biết không?”

     Đạo Nguyên đáp: “Phải, có. Học Đạo chân thực không nương tựa vào kiến thứcthiên tài hay khôn lanh và sáng láng. Nhưng khuyến khích người ta giống như người mù, câm điếc, hay đần độn là một sai lầm. Bởi vì học không dùng kiến thức rộngthông minh cao, ngay cả những người có căn cơ thấp kém cũng có thể tham dự. Học Đạo chân thực là một việc dễ. 

     Nhưng ngay cả ở các tự viện Trung Hoa, chỉ một hay hai người trong số mấy trăm, hay cả ngàn đệ tử ở dưới một bậc đại Thiền sư thực tế đạt được chân ngộ. Do đó, người ta cần những câu nói của người xưa hay những lời cảnh giác. Như bây giờ tôi thấy, ấy là chuyện có lòng ham muốn tu tập. Một người phát tâm ham muốn chân thật và đặt những nỗ lực tối đa của mình vào sự học dưới một vị thầy chắc chắn sẽ đạt ngộ. Cốt yếu là phải hiến toàn bộ sự chú ý vào tu tập với tất cả tốc độ thích đáng. Cụ thể hơn là phải giữ trong tâm những điểm sau đây:

     “Đầu tiên, phải có lòng nhiệt thành cầu Đạo. Ví dụ, một người ước muốn ăn cắp một viên ngọc quí, muốn tấn công một kẻ thù đáng sợ, hay muốn làm quen với một người đàn bà đẹp, thì lúc nào cũng phải chủ ý canh chừng cơ hội, điều chỉnh hay thay đổi các sự cố và thay đổi hoàn cảnh. Kịch liệt tìm kiếm bất cứ một cái gì như thế thì chắc chắn sẽ tìm được. Nếu lòng ham muốn cầu Đạo trở nên kịch liệt như vậy, dù ông tập trung ngồi thiền một mình, tham một công án của một bậc sư xưa, tham vấn với một Thiền sư, hay tu tập với lòng sùng mộ chân thành, ông sẽ thành công dù ông phải bắn cao bao nhiêu hay phải phóng xuống sâu bao nhiêu cũng chẳng là vấn đề. Không có sự phát toàn tâm nguyệnPhật Đạo này, làm sao ai có thể thành công trong công tác quan trọng nhất này là cắt đứt cái vòng sinh tử vô tận? Những ai có được động cơ này, dù cho họ chỉ có chút ít kiến thức hay có căn cơ thấp, dù cho họ ngu hay ác, cũng sẽ đạt ngộ mà không thất bại.

     “Kế tiếp, phát khởi một cái tâm như thế, người ta phải ý thức sâu xa sự vô thường của thế gian. Người ta không đạt được sự thức ngộ này bằng một phương pháp quán chiếu nhất thời nào đó. Ấy không phải là tạo ra một cái gì đó vốn không hiện hữu và rồi suy nghĩ về nó. Vô thườngsự kiện trước mắt chúng ta. Đừng chờ đợi lời dạy của người khác, lời nói của kinh điển, và các nguyên tắc để giác ngộ. Chúng ta được sinh ra vào buổi sáng và chết vào buổi tối; người chúng ta thấy hôm qua hôm nay không còn nữa. Có những sự kiện chúng ta thấy bằng mắt và nghe bằng tai. Ông thấy và nghe vô thường theo lời nói của người khác, nhưng hãy cố gắng cân nhắc nó nơi thân ông. Dù cho ông sống là bảy mươi hay tám mươi, ông sẽ chết hợp với cái chết không thể tránh được. Ông sẽ đến với những hạn từ lo âu, vui vẻ, thân mật, và xung đột mà ông quan tâm trong đời này như thế nào? Với niềm tin vào Phật giáo, hãy tìm hạnh phúc chân thật của Niết-bàn. Làm sao những người đã già hay đã vượt qua cái mốc nửa đường trong đời họ giải đãi trong việc học của họ khi không có cách nào nói họ còn được bao nhiêu năm nữa?

     “Dù cho điều này nói một cách quá đơn giản. Hãy nghĩ về những gì có thể xảy ra hôm nay, trong giây phút này, trong thế giới bình thường cũng như trong thế giới của Phật. Có lẽ đêm nay, có lẽ ngày mai, ông sẽ đột nhiên bị bệnh trầm trọng; thấy thân mình bị sự đau đớn không chịu được hành hạ; chết một cách đột ngột, bị quỉ vô danh nguyền rủa; gặp phải bất hạnh trong tay kẻ cướp; hay bị người nào đó giết để trả thù. Sống quả thực là điều không chắc chắn. Trong thế gian đầy oán ghét này, nơi cái chết có thể đến bất cứ giây phút nào. Lập kế hoạch cho đời mình, âm mưu hiểm độc chống người khác, và dùng thì giờ cho những theo đuổi không mục đíchphi lý.

     “Bởi vì vô thường là một sự kiện của đời sống, Phật đã nói về nó vì tất cả chúng sinh, và các Tổ chỉ rao giảng một mình điều này. Ngay cả bây giờ trong giảng đường và trong những chỉ dạy của họ, các Thiền sư đều nhấn mạnh vào vô thường nhanh chóng và chuyện lớn sinh tử. Tôi lặp lại, đừng quên chân lý này. Chỉ nghĩ chính giây phút này và không phí thì giờ trong khi chuyên tâm học Đạo. Sau đó thì dễ rồi. Nó không liên quan gì đến phẩm cách của bản tánh hay căn cơ chậm lụt hay sắc bén của ông.”

 

15

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Nhiều người không chạy trốn thế gian này bởi vì, trong khi dường như họ quí thân họ, nhưng thực tế họ không quan tâm nó một cách tương xứng. Họ suy nghĩ không đủ sâu bởi vì họ chưa gặp được thầy giỏi. Xét về mặt lợi, họ muốn được phúc đức vui vẻ không giới hạn và tìm sự cúng dường từ rồng và thần. Nhìn về mặt danh, họ có cơ hội để được sự kính trọng của các bậc hiền tương lai, bằng cách đạt thanh danh như Phật, Tổ, và các bậc cổ đức.

 

16

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Theo Khổng Phu Tử (Confucius), người ta nên: “Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam.” Người học ngày nay nên có thái độ này. Qua những đại kiếp dài chúng tavô số cơ hội trải qua quá trình sinh và chết, song hiếm khi chúng tacơ duyên có được thân người và trở nên quen thuộc với Phật giáo. Nếu chúng ta không tự cứu mình bây giờ, thì chúng ta còn có thể mong làm được điều ấy ở thế giới nào? Không thể nào duy trì được thân này dù cho chúng ta quí nó như thế nào. Vì rốt cùng tất cả chúng ta đều phải chết, nếu chúng ta hiến thân mình cho Phật giáo một ngày hay chỉ giây phút thôi, là chúng ta đặt căn bản cho sự bình an vĩnh cửu.

     Tiêu phí ngày và đêm của đời mình một cách vô ích, suy nghĩ về những điều có thể [xảy ra], lập kế hoạch cho cuộc sống ngày mai, và do dự trong việc quên đi những gì nên quên và trong việc tu tập những gì nên tu tập, là điều đáng tiếc. Ngay từ lúc khởi đầu, hãy phát khởi quyết tâm nghe Đạo và theo tâm Phật chỉ một ngày này thôi, dù cho mình phải chết. Nếu như các ông chết vì đói hay lạnh bởi vì không có phương tiện sống vào ngày mai thì thế nào? Nếu các ông làm điều này, các ông sẽ không có lỗi trong tu tập và đạt Đạo.

     Những ai không thể phát khởi quyết tâm này, dù cho họ dường như đã chạy trốn khỏi thế gian để học Đạo, họ lo âu về quần áo trong mùa hè và mùa đông và về phương tiện để sống vào ngày mai hay năm tới. Những người đến với Phật giáo với thái độ này sẽ không thể hiểu nó, dù cho họ học vô số kiếp. Quả thật có những người như thế, nhưng chắc chắn điều này không tiêu biểu cho những giáo lý của Phật và Tổ mà tôi biết.

 

17

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Người học phải xem xét thấu đáo sự kiện rằng cuối cùng mình sẽ chết. Trong khi các ông có thể không nghĩ về cái chết một cách trực tiếp, chắc chắn các ông không lãng phí thời gian. Thay vì phí thời gian một cách không có kết quả, hãy dùng nó cho những hoạt độngý nghĩa. Nếu các ông muốn biết điều quan trọng nhất trong tất cả mọi điều là gì, ấy là biết cách Phật và Tổ tự hành xử. Tất cả những cái khác đều vô dụng.    

 

18

     Có lần Hoài Tráng hỏi: “Nếu một Thiền tăng không chịu ném bỏ một chiếc y cũ vá víu, có vẻ như ông ta ham thích nó. Nếu ông ta ném bỏ chiếc y cũ và mua một chiếc mới, dường như ông ta bị ràng buộc vào cái mới. Cả hai cái thấy đều sai. Người ta nên có thái độ như thế nào? 

     Đạo Nguyên trả lời: “Nếu ông có thể giải thoát mình khỏi cả ham thíchràng buộc, thì chẳng cái nào sai. Nếu vá lại chiếc y rách và dùng nó một thời gian lâu, không phải là tốt hơn mong có một cái mới sao?

19

     Khi theo dõi một thuyết thoại buổi tối, Hoài Tráng hỏi: “Chúng ta có phải hoàn thành các bổn phận của mình đối với cha mẹ không?”

     Đạo Nguyên huấn thị: “Hiếu tâm là quan trọng nhất, nhưng có sự khác nhau giữa cư sĩ và tăng nhân. Cư sĩ, dựa vào những tác phẩm như Hiếu Kinh (Hsiao ching), chăm sóc cha mẹ họ suốt đờithờ cúng cha mẹ sau khi chết. Mặt khác, tăng nhân đã cắt đứt những mối quan hệ thế gian của họ và sống trong thế giới của tôn giáo. Như thế bổn phận của họ không giới hạn ở một mình cha mẹ mà còn cảm thấy có bổn phận này đối với tất cả chúng sinh, họ làm đầy thế gian bằng những hành vi tốt. Nếu họ chỉ giới hạn bổn phận của họ với cha mẹ thôi, họ sẽ trở thành trái với con đường tôn giáo. Hiếu tâm chân chính gồm cả việc theo Phật giáo trong sự tu tập hằng ngày và học dưới một Thiền sư trong từng giây phút. Cúng giỗ cha mẹ vào lúc chết và làm tốt trong bốn mươi chín ngày[59] thuộc về việc làm của thế giới cư sĩ. Thiền tăng phải hiểu những nghĩa vụ sâu xa của họ đối với cha mẹ theo điều trên. Như vậy họ phải biết tất cả những nghĩa vụ khác theo cùng cách. Chọn chỉ một ngày để làm điều tốt và thờ cúng[60] chỉ một người thôi có thực sự phản ánh tinh thần của Phật giáo không? Trong Giới Kinh, đoạn nói về ngày cha mẹ và anh em chết có phải trước tiên là cho cư sĩ không? Trong các chùa của Trung Hoa, tăng nhân cử hành lễ kỷ niệm ngày viên tịch của vị Thiền sư nhưng dường như không làm như thế vào ngày cha mẹ mất.”  

 

20

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Nếu các ông nói về sự khôn lanh hay ngu muội của một người, chứng tỏ rằng các ông chưa phát khởi quyết tâm học Phật giáo. Khi một người bình thường té ngựa, nhiều điều chạy nhanh qua tâm người ấy trước khi người ấy chạm đến mặt đất. Cũng vậy, khi bất cứ mối đe dọa to lớn nào đối với mạng sống và tay chân xảy ra, mọi người vận dụng tất cả suy nghĩkiến thức của mình để chạy trốn nguy hại. Vào những lúc như thế, không ai, dù khôn lanh hay ngu muội, suy nghĩ khác với những người khác. Do đó, nếu các ông có thể thúc giục và khởi lên quyết tâm với ý nghĩ rằng mình có thể chết tối nay hay ngày mai hay bất cứ lúc nào các ông cũng có thể gặp một bất hạnh ghê gớm nào đó, thì các ông có thể mong đạt giác ngộ. Một người đần độn, nếu người ấy hăng hái khởi lên quyết tâm, sẽ đạt ngộ nhanh hơn một người chỉ thông minh và hùng biện. Trong lúc Phật còn sống, Kṣudrapanthaka[61] có sự phiền não trong việc đọc ngay cả một câu kệ, song vì chủ tâm cầu Đạo, ngài đã đạt được giác ngộ chỉ trong một kỳ nhập thất. Các ông chỉ còn sống ngay bây giờ. Bất cứ ai cũng có thể đạt ngộ nếu người ấy nhiệt tâm học Phật giáo, nguyện rằng mình phải tỉnh giác trước khi cái chết cắt đứt cuộc đời chóng vánh của mình.

 

21

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Ở một Thiền viện ở Trung Hoa, các tăng nhân có thói quen phân loại lúa mì và lúa gạo, tách rời những hạt xấu khỏi những hạt tốt làm cho bữa ăn của họ chỉ hạt tốt.

     Một Thiền sư phản đối pháp tu này trong một câu kệ: “Dù cho đầu ta bị chẻ làm bảy mảnh, Ta cũng không phân loại gạo đâu.” Điều sư muốn nói là tăng nhân không nên quan tâm mình ăn gì. Chỉ ăn những gì tại đó. Nếu ngon thì thưởng thức, nếu dở thì ăn mà không chê. Chỉ tu tập, ăn đủ để tránh chết đói, và duy trì mạng sống của mình bằng thực phẩm do tín đồ bố thí và những thực phẩm thanh tịnh tích trữ trong tự viện. Điều này có nghĩa là không phê phán thực phẩm căn cứ theo mùi vị của nó. Các ông những người tu học với tôi bây giờ nên giữ điều này trong tâm.

 

22

     Có lần có người hỏi: “Giả sử một học nhân, nghe dạy rằng chính mình là Phật-pháp (Buddhadharma) và người đó không phải tìm cầu bên ngoài, nên tin sâu xa những lời này, bỏ sự tu học dưới một vị thầy đã chiếm hữu người ấy cho đến lúc này, rồi sống đời mình, làm cả điều tốt và điều xấu theo xu hướng riêng của mình. Thầy nghĩ thế nào về lời dạy này?”

     Đạo Nguyên huấn thị: “Cái thấy này, lời nóiý nghĩa không hợp nhau. Nói, ‘Không tìm cầu Phật-pháp ở bên ngoài,’ và rồi ném sự tu học sang một bên, ám chỉ người ấy đang cầu tìm bằng chính hành động ném sang một bên. Điều này không đúng với sự kiện cả tu lẫn học vốn là Phật-pháp. Nếu, không cầu tìm bất cứ điều gì, ông tự tách rời mình với sự việc thế gian và những hành động xấu xa, dù cho chúng có thể lôi cuốn ông; nếu, dù cho ông có thể không cảm thấy thích tu học, thì thế nào ông cũng làm điều đó; nếu ông toàn tâm tu tập với thái độ này và vẫn được báo đáp tốt – rồi chính sự kiện ông tu tập không cầu tìm cho chính mình hợp với nguyên tắc ‘không cầu tìm Phật-pháp ở bên ngoài.’  

     “Khi Nam Nhạc (Nan-yüeh)[62] nói là không cố gắng mài ngói làm gương, sư cảnh báo Mã Tổ (Ma-tsu),[63] đệ tử của sư, về sự cố gắng trở thành Phật bằng cách ngồi thiền (zazen). Sư không cố gắng bài xích chính sự ngồi thiền. Ngồi thiền là pháp tu của Phật. Ngồi thiền là pháp tu tối thượng. Đây quả thậtChân Ngã. Người ta không tìm cầu Phật-pháp bên ngoài cái này.”

 

23

Một hôm Đạo Nguyên trả lời câu hỏi của một đệ tử như sau:

     Những ngày gần đây nhiều tăng nhân nói rằng họ phải theo những lề thói của thế gian. Tôi không tin điều này. Ngay cả những người trí tuệ trong hàng cư sĩ cũng biết rằng, nếu một người theo lề thói của thế gian, người ấy bị ô nhiễm. Ví dụ, Khuất Nguyên người nước Sở (Ch’ü Yüan)[64] nói: “Mọi người trong thế gian đều say. Chỉ một mình ta tỉnh!” Ông từ chối không theo lề thói của thế gian cho đến khi kết thúc đời mình trong dòng nước sông Ts’ang-lang.

     Phật giáo hoàn toàn khác với những lề thói thông thường của thế gian. Người thường trang điểm tóc của họ, tăng nhân cạo bỏ tóc. Người thường ăn nhiều lần một ngày; tăng nhân chỉ ăn một lần. Họ khác nhau mọi thứ. Song về sau tăng nhân trở thành những người đạt được đại tịch tĩnh. Đối với tăng nhân thì nên tránh những lề thói của thế gian.

 

24

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Pháp luật thế gian nói rằng mỗi người, từ vua chúa đến thứ dân, làm công việc theo đị vị của mình. Khi một người chiếm một địa vị mà y không đủ tư cách giữ lấy, ấy là nhiễu loạn Ý Trời. Khi chính thể hợp với Ý trời, thế gian yên ổn và dân chúng bình yên. Như thế nhà vua buổi sáng dậy sớm[65] thực hiện nhiệm vụ của vua; đây không phải là việc dễ. Pháp Phật cho đến bây giờ chỉ khác sự chiếm hữu và loại việc làm liên hệ. Khi nhà vua cai trị trên căn bản suy nghĩ của riêng mình, theo những tiền lệ trong quá khứ, và tìm những bậc hiền thần đức hạnh và khi chính thể của vua hợp với Ý Trời, thì chính thể tốt chiếm ưu thế khắp lãnh thổ. Khi những điều này bị chểnh mảng, sẽ có sự mâu thuẫn với trời, nhiễu loạn đầy thiên hạ, và dân chúng đau khổ. Từ vua trở xuống – tất cả quan chức, binh sĩ, và thường dân – có công việc đặc biệt mà họ phải làm. Những ai nghe theo tiếng gọi đó là người chân chính. Bởi vì những người không thực hiện nhiệm vụ của họ làm rối loạn việc trời, họ phải nhận hình phạt.

     Vì thế, những người học Phật giáo, trong đó họ bỏ cả thế giangia đình, không nên nghĩ đến tiện nghi của thân dù trong chốc lát. Mặc dù tiện nghi này có thể có vẻ hữu dụng lúc đầu, sau đó có thể chỉ gây hại. Tăng nhân phải tu tự rèn mình thực hiện đầy đủ các bổn phận và làm công việc theo cách được mong muốn. Cai trị quốc gia đòi hỏi sự hiểu biết về các luật lệ trong quá khứ, nhưng khi không có tấm gương nào từ các bậc thánh hiền thời trước truyền xuống, thì phải theo những gì tỏ ra là đúng để làm vào lúc đó. Tuy nhiên, người Phật giáo có những tiền lệgiáo lý rõ ràng để theo. Các bậc sư hiện nay đang sống là những người đã thọ nhận những giáo lý đã được truyền xuống một cách trực tiếp từ quá khứ.

     Một khi các ông nhận ra rằng mỗi một trong bốn oai nghi[66] đều có những tiền lệ đã được thiết lập và các ông chỉ phải tu tập theo cách của những người đi trước, rồi các ông chỉ có thể đạt Đạo mà thôi. Người thường nghĩ về hợp với Ý Trời; Thiền tăng nghĩ đến phù hợp với ý Phật. Trong khi mỗi người phải làm việc lao động giống nhau, cái đạt được thì khác nhau, với tăng nhân thì đạt một cái gì đó tốt hơn xa, một lần đạt được tồn tại vĩnh viễn. Vì cái đại tịch tĩnh này, hành giả chỉ phải quyết tâm trải qua những gian khó tạm thời xảy đến cho cái thân hư huyễn này trong một đờiđi theo ý Phật.

     Song Phật giáo không dạy rằng thân các ông phải chịu đau đớn hay các ông phải làm những điều không thể làm được. Nếu các ông tuân giữ qui tắc hay giới luật, thân các ông tự nhiên cảm thấy thong dong, hành động của các ông khoan hòa, và ngoại hình của các ông hấp dẫn người khác. Hãy quan tâm điều này và bỏ cái thấy vị kỷ về sự tĩnh lặng của thân mà bây giờ các ông chấp giữ, và toàn tâm theo những điều lệ của Phật giáo.

 

25

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Khi tôi ở chùa Thiên Đồng ở Trung Hoa, Hòa thượng Như Tịnh thực hành ngồi thiền cho đến mười một giờ đêm, rồi thức dậy vào lúc hai giờ rưỡi hay ba giờ, và bắt đầu trở lại. Sư ngồi trong thiền đường với các tăng nhân lớn tuổi, không sót một đêm nào. Trong lúc đó, nhiều tăng nhân khác trong hội chúng ngủ gật. Sư Như Tịnh đi vòng quanh đánh các ông tăng ngủ gật bằng cú tay hay bằng thanh trúc bề, khiến họ xấu hổ và họ thức tỉnh. Nếu có tăng nhân nào vẫn còn tiếp tục ngủ, sư sẽ đi vào căn nhà nhỏ phía sau thiền đường, gõ chuông, và gọi thị giả. Bên ánh đèn cầy, sư thuyết pháp cho toàn thể hội chúng nghe.

     “Tụ tập trong thiền đường và rồi lãng phí thì giờ vào việc ngủ để

làm gì? Đây có phải là mục đích để các ông lìa bỏ gia đình đi vào chùa? Các ông có thấy vua, các quan triều đình, hay bất cứ người nào, vì thế, mà sống đời dễ dàng? Vua phải thực hiện nhiệm của người cai trị, quan lại phải phục vụ với lòng trung thành, thường dân phải dọn đất và trồng trọt; ai có thể sống đời dễ dảng? Điểm quan trọng là gì khi lìa bỏ thế gian bình phàm đi vào Thiền viện? Sinh tử là chuyện lớn; vô thường luôn luôn ở trên chúng ta. Thiền và các tông phái đều đồng ý điểm này. Chết hay một chứng bệnh khủng khiếp nào đó có thể đến vào tối nay hay sáng mai. Với thời gian ngắn ngủi như thế, không tu tập Phật-pháp mà lãng phí thì giờ của mình trong việc ngủ thì thật là ngu ngốc biết bao. Đây là những gì khiến cho Pháp của Phật suy vong. Khi Phật giáo hưng thịnh khắp nơi, tăng nhân trong tất cả các Thiền viện chỉ tập trung vào ngồi thiền. Bởi vì những ngày gần đây ngồi thiền không được sự khuyến khích mạnh, nên Phật giáo đang trên đà suy vong.”

     Với những lời này, sư khuyên khích những người theo sư tu tập ngồi thiền. Đây là điều tôi đã thấy bằng mắt mình. Người học ngày nay nên suy nghĩ kỹ phong cách này của Thiền.

     Vào một dịp khác, một thị giả nói với hòa thượng Như Tịnh: “Một vài tăng nhân ở đây kiệt lực vì thiếu ngủ, một vài người bị bệnh, và những người khác mất đi sự ham muốn cầu Đạo. Có lẽ các thời thiền định quá dài và nên rút ngắn lại.”

     Sư có vẻ giận, nói: “Tuyệt đối không được. Những người không có tâm cầu Đạo sẽ ngủ gật trong thiền đườngthời gian ngồi có ngắn hơn. Với những người tu tập với quyết tâm, thời gian ngồi càng dài họ càng thích thú ngồi. Khi còn trẻ, tôi thường viếng các Thiền sư trên khắp cả nước. Một trong các vị ấy có lần bảo tôi:[67] ‘Nếu có ông nào tăng đang ngủ, tôi thường đánh ông ta cho đến khi nắm tay tôi suýt vỡ ra. Nhưng bây giờ tôi già và yếu rồi, tôi không thể đánh mạnh được nữa. Đó là lý do tại sao khó đào tạo được những bậc cao tăng. Bởi vì Thiền sư khắp nơi có thái độ dễ cho qua đối với việc ngồi thiền, Phật giáo đang suy vong. Chúng ta phải bắt đầu đánh lại họ mạnh hơn.’”

26

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Đạo đạt được bằng tâm hay bằng thân? Các tông phái nói rằng, vì thân và tâm là đồng nhất, Đạo đạt được qua thân. Song vì họ nói thân và tâm đồng nhất, nên không tuyên bố một cách rõ ràng rằng Đạo đạt được do thân. Trong Thiền, Đạo đạt được với thân và tâm. Nếu các ông chiêm nghiệm Phật giáo chỉ bằng tâm thôi, dù cho ngàn kiếp hay ngàn đời các ông cũng không thể đạt được Đạo. Nhưng nếu các ông buông xả tâm, ném bỏ kiến thức và cái hiểu lý trí sang một bên, các ông sẽ đạt Đạo. Có những người đạt ngộ khi thấy hoa nở hay nghe âm thanh[68]  mà được nó qua thân. Do đó, nếu các ông ném sang một bên tất cả những ý nghĩ, khái niệm của tâm và chỉ tập trung vào một mình ngồi thiền, các ông sẽ đạt được sự thâm mật với Đạo. Đạt Đạo thực sự được thành tựu với thân. Vì lý do này, tôi thúc giục các ông tập trung vào ngồi thiền.

 

III

 

1

Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học, hãy ném thân và tâm của các ông sang một bên và hoàn toàn nhập vào Phật giáo.

     Một sư xưa nói: “Các ông đã leo lên đầu sào trăm trượng. Bây giờ hãy bước tiếp.”[69] Đa số người ta khi đã lên đến đỉnh đều sợ sẽ mất chân đứng và té xuống chết. Vì thế họ càng đeo bám chặt hơn. Tiến thêm bước nữa có nghĩa là xóa bỏ tất cả những ý niệm về mọi thứ, từ các nhiệm vụ như làm người cứu độ của những chúng sinh khác đến các phương tiện sống của riêng mình, dù cho phải bỏ cả mạng sống của mình. Nếu các ông không làm như thế và dù các ông có hăng hái học Đạo như là các ông đang cố gắng dập tắt ngọn lửa đang cháy trên tóc mình, các ông sẽ không thể đạt được Đạo. Hãy quyết tâm ném cả thân và tâm sang một bên.

 

2

     Có lần có một ni cô hỏi Đạo Nguyên: “Ngay cả những người đàn bà bình thường cũng dấn thân học Phạt giáo. Thì có lý do nào một ni cô, dù cho cô ấy có thể có một vài lỗi nhỏ, không xứng đáng với Phật giáo?”

     Đạo Nguyên đáp: “Cô sai rồi. Mặc dù những người nữ bình thường có thể học Phật giáo và đạt ngộ như những thành viên của một cộng đồng cư sĩ, những người xuất gia không thể đạt Đạo trừ phi họ có được quyết tâm cần thiết. Không phải Phật giáo phân biệt người mà vì người không nhập vào Phật giáo. Tăng nhân và cư sĩ có những động cơ khác nhau. Một cư sĩ suy nghĩ giống như một tăng nhân có thể tự giải thoát mình khỏi mê hoặc, nhưng một tăng nhân suy nghĩ giống như một cư sĩ thì lỗi thêm trầm trọng. Hai phương thức tiếp cận khác nhau. Không phải điều đó khó làm nhưng làm cho tốt thì khó. Cách tu lìa bỏ thế gian và đạt Đạo hấp dẫn nhiều người, nhưng chỉ một ít làm tốt. Sinh tử là chuyện lớn; những thay đổi vô thường rất mau chóng. Đừng chậm chạp trong quyết tâm của mình. Nếu cô đang từ bỏ thế gian, thì hãy thực sự từ bỏ nó. Những chỉ danh tạm thời, như cư sĩ hay tu sĩ, dường như chỉ có chút ít ý nghĩa.

 

3

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Khi nhìn thế gian, tôi thấy rằng những người được quả báo giàu sang và đem lại sự thịnh vượng cho gia đình của họ là những người quan tâm đến người khác. Họ duy trì gia đình yên ổn, và con cháu họ thịnh vượng. Những người có tâm bại hoại và tình cảm bệnh hoạn đối với người khác thường hay gặp bất hạnh, dù cho có lúc họ dường như được quả báo tốt và ở trong hoàn cảnh thuận lợi. Họ có thể thịnh vượng trong một lúc, nhưng chẳng phải con cháu họ sẽ không gặp suy vong.

     Làm điều tốt cho người khác thấy trước sự biết ơnhạnh phúc tỏ ra tốt hơn là làm điều xấu, nhưng đây chẳng phải là cái tốt thực sự bởi vì các ông vẫn còn nghĩ về mình. Người tốt thực sự làm những điều cho người khác, dù cho bây giờ hay trong tương lai họ không có cách nào biết được điều đó. Thái độ của Thiền tăng mà như thế này thì  tốt hơn biết bao! Khi quan tâm người ta, đừng phân biệt thân hay sơ. Hãy quyết định giúp tất cả một cách bình đẳng. Hãy quyết tâm làm lợi ích người khác, dù là cư sĩ hay tăng nhân, không tự tư tự lợi, không quan tâm việc người ta biết đến hay thẩm định hành động của mình. Hơn nữa, đừng để người khác biết rằng mình đang hành động theo quan điểm này.

     Ngay từ khởi đầu, điều cốt yếu luôn luôn là từ bỏ thế gian và ném thân mình sang một bên. Nếu các ông thực sự ném bỏ được thân mình, cái tâm tìm kiếm sự đánh giá của người khác biến mất. Mặt khác, nếu các ông không quan tâm người ta nghĩ gì, làm điều xấu, và hành xử độc đoán, các ông vi phạm ý Phật. Chỉ thực hành điều tốt, làm điều tốt cho người khác, mà không nghĩ làm cho mình được ai biết đến để được quả báo. Thực sự đem lợi ích cho người khác, không mong mình được gì. Đây là điều kiện tiên quyết để phá giải những ràng buộc của ngã.  

     Để thiết lập được một thái độ như thế, trước hết các ông phải hiểu vô thường. Đời của chúng ta như giấc mộng, và thời gian qua nhanh. Cuộc tồn sinh như sương này tàn lụi dễ dàng. Bởi vì thời gian không chờ đợi ai, trong cuộc đời ngắn ngủi này, các ông nên nguyện theo ý Phật và giúp đỡ người khác bằng mọi cách có thể, dù nhỏ đến đâu.

 

4

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Những người học Đạo nên là những người nghèo nhất trong tất cả. Một người nhận thấy rằng người giàu trên thế gian này bị tiêm nhiễm hai thứ khó không thể tránh được, giận dữxấu hổ. Nếu một người giàu, những người khác cố gắng cướp của người ấy; và rồi người ấy cố gắng bảo vệ mình, bỗng nhiên người ấy nổi cơn giận dữ. Hoặc một cuộc tranh cãi nổi lên và có sự đối diện với pháp luật can dự vào xung đột không thể tránh được. Từ những sự cố như thế, giận dữxấu hổ phát sinh. Tuy nhiên, một người nghèo và không tham lam sẽ tránh được cảnh khó như thế ngay từ đầu và sẽ tự do thoải mái. Các ông có thể thấy bằng chứng của điều này ngay trước mắt mình. Các ông không phải đợi sự xác nhận bằng văn bản, vì ngay cả các bậc thánh hiền ngày xưa cũng đã kết án giận dữxấu hổ, chư thiên, Phật, và các Tổ cũng vậy. Song những kẻ ngu tích lũy của cảinuôi dưỡng giận dữ. Đây là một trong những xấu hổ. Một người nghèo và tập trung vào Đạo kính trọng các bậc thánh hiền xưa và mang niềm vui đến Phật và Tổ.

     Ngày nay sự suy đồi của Phật giáo đã hiển nhiên. Những gì tôi đã thấy lần đầu tiên khi tôi bước vào chùa Kiến Nhân hoàn toàn khác hẳn với những gì tôi thấy bảy hay tám năm về sau. Một sự thay đổi dần dần đã xảy ra. Bây giờ các phòng ngủ đều có tủ chứa với vách trát thạch cao. Mỗi tăng nhân có đồ dùng riêng, y phục đẹp, và những món quí hiếm khác. Các tăng nhân thích nói chuyện gẫu, và chểnh mảng sự chào hỏi, lễ kính theo nghi thức. Tôi cho rằng những tình trạng như vậy cũng chiếm ưu thế ở các chùa khác. Tăng nhân không nên có những sở hữu nào khác hơn y và bát. Càng tích trữ đồ vật nhiều, nỗi lo sợ bị trộm cướp càng lớn. Không sở hữu gì, tăng nhân được yên ổn hơn. Khi một người lo việc giết một người nào đó và đồng thời để mình không bị giết, người ấy căng thẳngđề phòng. Nhưng một người không có ý muốn trả thù, dù cho có bị giết, người ấy cũng không cần đề phòng và không cần lo ai cướp giật. Không lúc nào người ấy không thoải mái.

 

5

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Khi Thiền sư Hai-wen[70]trụ trì của chùa ở núi Thiên Đồng, trong hội chúng có ông tăng tên là Nguyên (Yüan).[71] Nguyên là một người đã ngộ và sự chứng đắc của ông ta còn trên cả sự chứng đắc của vị Trụ trì.

     Một đêm nọ ông vào phòng của vị Trụ trì, thắp nhang, lễ bái, và nói: “Xin hãy cho tôi làm thủ tọa tăng chúngthiền đường phía sau.”[72]

     Rưng rưng nước mắt, Thiền sư nói: “Từ ngày tôi vào chùa này khi tôi còn là một tăng nhân trẻ cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi nghe một yêu cầu thuộc loại này. Đó là một sai lầm nghiêm trọng đối với một Thiền tăng như ông đi tìm địa vị thủ tọa hay trụ trì. Cái ngộ của ông đã vượt qua cả cái ngộ của tôi. Có phải là ông đang cố gắng tự tiến lên bằng cách tìm kiếm địa vị này? Nếu tôi đồng ý với yêu cầu này, tôi cũng có thể để ông trở thành thủ tọa của thiền đường phía trước hay ngay cả chức vụ trụ trì nữa. Thái độ của ông đáng khinh. Nếu ngay cả ông mà như thế này, tôi cũng có thể tưởng tượng thái độ của những tăng nhân khác chưa đạt ngộ sẽ như thế nào. Điều đó chắc chắn chứng tỏ Phật giáo đã suy đồi xa đến đâu.” Nguyên rút lui trong xấu hổ, nhưng sau đó ông ta được chỉ định làm thủ tọa. Về sau ông ta ghi lại những gì sư Trụ trì đã nói và công khai sự xấu hổ của mình qua những lời tốt của sư Trụ trì.

     Khi một người quan tâm đến điều này, thì rõ ràng các bậc sư xưa đã khinh thị những ai tìm kiếm sự tiến thân, muốn phụ trách sự việc, hay nhắm vào chức vị trụ trì. Hãy chỉ tập trung vào sự tỉnh ngộ Đạo mà không vào việc gì khác. 

 

6

Trong một thuyết thoại buổi tối Đạo Nguyên nói:

     Khi Hoàng đế Thái tông (T’ai-ts’ung) nhà Đường lên ngôi, Hoàng đế sống trong những ngôi nhà cũ. Cung điện bị ẩm ướt và rất cần được sửa chữa. Gió và sương mù làm thân nhà vua lạnh cóng. Khi các quan thượng thư đề nghị xây cung điện mới, Hoàng đế nói: “Bây giờ là mùa gặt hái. Dân chúng sẽ rất bất tiện. Chúng ta đợi mùa gặt qua rồi hãy xây. Ẩm ướt làm phiền chúng tachúng ta không chấp nhận đất, gió, mưa tấn công mình vì chúng ta không hòa hợp với trời. Nếu chúng ta đi ngược với trời và đất, chúng ta không thể bảo trì được thân mình. Nếu chúng ta không đem phiền nhiễu đến cho dân chúng, tự nhiên chúng ta hòa hợp với trời và đất. Nếu chúng ta hòa hợp với trời và đất, thân chúng ta sẽ không bị nguy hại.” Cuối cùng nhà vua quyết định không xây cung điện mới và tiếp tục sống trong cung điện cũ.

     Khi ngay cả một người thế tục cảm nghĩ về người khác theo cách này, người ấy đã vượt lên trên thân mình. Những đệ tử của Phật, những người theo gót Như Lai, nên bi mẫn nhiều hơn thế biết bao. Lòng bi mẫn của họ đối với tất cả mọi người nên như đối với đứa con duy nhất. Đừng mắng chửi và gây phiền não cho các thị giả và những người theo các ông chỉ vì họ phục vụ các ông. Giới luật tuyên bố rõ ràng rằng các ông phải kính trọng người học và các bậc trưởng lão như kính trọng đức Như Lai.

     Vì thế, người học ngày nay nên hiến mình vì điều tốt của những người khác, mà không phô trương, không phân biệt cao thấp, thân sơ. Không gây phiền não cho người khác, không làm họ đau lòng trong các vấn đề, dù tầm thường hay quan trọng. Trong khi đức Như Lai còn sống, có nhiều người chửi mắng ngài là người tà giáo và ghét ngài. Có lần một đệ tử hỏi ngài: “Thế Tôn bản tánh từ bi, và tất cả mọi người đều tôn kính Thế Tôn một cách bình đẳng. Tại sao có một ít người không theo Thế Tôn?”

     Phật đáp: “Trong một đời trước, tôi quản giáo một hội chúng, tôi cảnh cáo các đệ tử của tôi bằng cách la hét, mắng chửi họ. Sự việc ngày nay là quả báo.” Chuyện này có trong Luật tạng (Vinaya).

     Do đó, dù cho các ông có thể làm viện chủ hay thủ tọa quản giáo một hội chúng, các ông đừng dùng lời lẽ chửi mắng khi các ông khiển trách đệ tử của mình và sửa lỗi của họ. Họ sẽ theo những gì nên theo nếu các ông khiển trách và khuyến khích họ bằng những lời lẽ dịu dàng. Bằng tất cả mọi cách, hãy thôi dùng những lời lẽ thô bạo chửi mắng người khác, dù họ là người học Đạo, thân nhân, hay bất cứ người nào khác. Hãy suy nghĩ thật kỹ điều này.  

 

7

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Tăng nhân nên cần mẫn theo cách hành xử của Phật và Tổ. Trước hết, không ham muốn của cải. Không thể nào nói thành lời được bi tâm sâu xa của đức Như Lai. Mọi điều ngài làm là vì tất cả chúng sinh. Không có điều gì ngài làm, dù nhỏ đến đâu, là không phải vì người khác. Phật là con của một vị vua và có thể lên nối ngôi, nếu ngài muốn. Nếu ngài muốn, ngài có thể ban các kho tàng cho những người theo ngài và phong đất cho họ. Vậy tại sao ngài đã từ bỏ quyền lên ngôi của mình và trở thành một khất sĩ? Ấy là để làm lợi ích cho người trong những thời đại mà Pháp suy đồi và để khuyến khích việc tu Đạo mà ngài đã dựng lên một tấm gương, bằng cách từ chối tích lũy của cải và tự mình trở thành một khất sĩ. Từ đó, tất cả các Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa, và tất cả những người được thế gian biết đến như là những người Phật giáo tốt đều nghèo và xin thực phẩm để ăn. Trong tông phái của chúng ta, tất cả các sư đều cảnh báo chống lại sự tích trữ của cải. Khi các tông phái khác nói về Thiền, điều đầu tiên họ ca ngợi là sự nghèo của nó. Trong các tác phẩm ghi lại sự truyền đạt, cảnh nghèo thường được nhắc đến và cao ca. Tôi chưa nghe có người giàu nào dấn mình vào tu tập Phật giáo. Những người được thừa nhận là người Phật giáo tốt thì mặc y thô và xin ăn. Thanh danh của Thiền và thế đứng độc đáo của nó mà tăng nhân phát xuất từ những ngày đầu khi họ vẫn còn sống trong các chùa của Luật tông và các tông phái khác. Từ thời kỳ đầu tiên này các Thiền tăng đã từ bỏ thân họ và sống trong cảnh nghèo. Điều này được thừa nhận là một đặc tính nổi bật của Thiền tông. Đừng chờ đợi những giáo lý và nguyên tắc của các kinh điển thiêng liêng. Có một lần tôi đã làm chủ những mảnh đất tư và sở hữu của cải, nhưng khi so sánh tình trạng của thân và tâm tôi vào lúc đó với cách bây giờ, chỉ với y và bát, tôi nhận ra rằng tình trạng hiện tại của tôi hơn hẳn biết bao. Bằng chứng nằm ở đây.

 

8

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Một cổ đức nói: “Đừng nói về cách hành xử của người khác nếu ông không giống họ.” Điều này có nghĩa là, không biết hay không học đức hạnh của một người, khi thấy những điểm yếu của người ấy, không nên kết luận rằng người ấy là một người tốt nhưng khổ vì những khiếm khuyết nào đó và làm những điều xấu. Chỉ nhìn vào đức hạnh mà không nhìn vào khuyết điểm của người ấy. Đây là ý nghĩa của câu nói: “Bậc thượng nhân thấy đức hạnh của người khác mà không thấy khuyết điểm của họ.”

 

9

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Một người nên luôn luôn tu mật hạnh. Nếu tu như thế, người ấy sẽ được lợi íchphúc đức vô hình. Dù có thể là một bức tượng thô làm bằng củi và bùn, nó là một tượng Phật, hãy tôn kính nó. Dù có thể là một cuộn được viết một cách nghèo nàn trên giấy vàng cán đỏ, nó là kinh điển thiêng liêng, hãy tôn kính nó. Dù một tăng nhân phá giới và không biết xấu hổ, hãy kính trọng ông ấynhư là một thành viên của tăng-già. Nếu các ông kính trọng ông ấy với lòng tin, không phải không sinh phúc đức. Nếu ông tăng phá giới, không xấu hổ, bức tượng Phật thô, và quyển kinh xấu xí ấy khiến các ông mất niềm tin và sự kính trọng, các ông không khỏi bị trừng phạt. Trong các luật do Như Lai để lại, chúng ta thấy rằng những hình ảnh Phật giáo, kinh điển, và tăng chúng đem lại phúc đức cho người và thần. Do đó, nếu các ông tôn kính những vật ấy, lợi ích sẽ luôn luôn tích tụ. Nếu các ông không có niềm tin nơi chúng, các ông sẽ bị trừng phạt. Dù cho có thể thô xấu phi lý đến đâu, bất cứ cái gì mang hình tướng của Tam Bảo cũng phải được kính trọng. Những Thiền tăng ưa thích những hành vi ác, nói rằng không cần tu thiện hay tích lũy công đức là một lỗi lầm nghiêm trọng. Tôi chưa từng nghe nói về sự ưa thích những hành vi ác trong các truyền thống Thiền trong quá khứ.   

     Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên (Tan-hsia T’ien-jan)[73] đã đốt tượng Phật bằng gỗ. Mặc dù đây có vẻ là hành vi xấu, nó có ý nhấn mạnh một điểm trong giáo lý của sư. Từ ngữ lục về đời sư chúng ta biết rằng sư luôn luôn tuân thủ nghi thức, dù ngồi hay đứng; khi có mặt khách, sư luôn luôn chắc chắc mình đối diện với khách. Bất cứ lúc nào ngồi, dù chỉ một chút, sư luôn luôn ngồi tư tế kiết già; khi đứng, sư co nhẹ hai bàn tay ở ngực. Sư quan tâm tài sản chung của tự viện với sự kính trọng tối đa, và luôn luôn sẵn sàng ca ngợi một tăng nhân cần mẫn. Sư quí mến cao độ ngay cả điều tốt nhỏ nhất, và cách hành xử hằng ngày của sư thực thanh nhã. Sự miêu tả về đời sư cho đến ngày nay vẫn còn là một mẫu mực cho các Thiền viện. Hơn nữa, theo những gì chúng ta đã thấy và nghe được, tất cả các Thiền sư đã giác ngộ khác và các Tổ, những người đạt Đạo, đều tuân giữ giới luật, nghi thức, và quí mến cao độ ngay cả những việc thiện nhỏ nhất. Tôi chưa bao giờ nghe nói có Thiền sư giác ngộ nào xem nhẹ những căn cơ tốt. 

     Do đó, những người học nguyện theo Đạo của các Tổ không bao giờ nên xem nhẹ những căn cơ tốt. Trên hết, họ phải có lòng tin hoàn toàn vào lời dạy của Phật. Nơi nào Đạo của Phật và Tổ được người tu tập, nơi đó tích lũy tất cả mọi loại thiện lành. Một khi chúng ta hoàn toàn nhận ra rằng tất cả sự vật đều là Phật-pháp, khi ấy chúng ta biết rằng ác luôn luôn là ác và nó cách xa Đạo của Phật và Tổ, và thiện luôn luôn là thiện và nó kết nối với Đạo của Phật. Nếu là như vậy, làm sao chúng ta không thể tôn kính bất cứ vật gì tượng trưng cho thế giới Tam Bảo?

 

10

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Nếu muốn tu Đạo của Phật và Tổ, các ông nên theo mà không nghĩ là được lợi gì từ Đạo của các bậc hiền xưa và cách hành xử của các Tổ, không mong điều gì, không cầu vật gì, và không đạt gì. Hãy cắt đứt cái tâm cầu tìm và không ấp ủ lòng ham muốn đạt quả Phật. Nếu các ông ngừng tu tập và vẫn còn bị ám ảnh với những hành vi ác trước kia, các ông sẽ làm mồi mạnh hơn cho cái tâm cầu tìm và không thể leo ra khỏi cái hang mà các ông đã rơi vào.[74] Nếu các ông không mong bất cứ điều gì mà chỉ cố gắng đem lại lợi ích cho người và thần, tự hành xử với sự cao quí của một tăng nhân, quan tâm tự cứu mình và làm lợi ích người khác, tu tập với nhiều phương thức tốt, xóa bỏ những nghiệp ác của quá khứ, và không dừng nghỉ bằng lòng với cái tốt hiện tạitiếp tục tu tập suốt đời; thì các ông sẽ, nói theo lời của các bậc sư xưa, là người đã “phá vỡ cái thùng sơn đen.”[75] Đây là những gì chúng ta gọi là cách hành xử của Phật và Tổ.

 

11

     Một hôm một ông tăng đến hỏi về những điều cốt yếu của Đạo. Đạo Nguyên huấn thị: “Trước hết người học phải nghèo. Nếu họ có nhiều của cải, chắc chắn họ sẽ mất sự ham học. Những người thế tục học Đạo, nếu họ quan tâm đến của cải và bám vào nơi ở của họ và giữ sự tiếp xúc gần gũi với thân nhân của họ, họ sẽ thấy có nhiều chướng ngại để đạt Đạo, dù cho họ nói rằng họ có quyết tâm để học. Từ những thời xa xưa, nhiều cư sĩ đã đảm đương việc học dưới một Thiền sư, nhưng ngay cả người tốt nhất trong bọn họ cũng hiếm khi bằng được các tăng nhân. Tăng nhân khôngsở hữu nào khác hơn là y và bát của họ. Họ không quan tâm mình ở đâu; họ không quan tâm quần áo và thực phẩm mà tập trung vào học Đạo, mỗi người lợi ích tùy theo căn cơ. Vì lý do này, sự nghèo của tăng nhân có thể tương hợp cao độ với Đạo của Phật.

     “Ông Bàng (P’ang),[76] dù là một cư sĩ, không thua kém các tăng nhân. Tên của ông được nhớ đến trong Thiền bởi vì, trước khi ông bắt đầu học dưới một bậc sư, ông đã đem tất cả những vật sở hữu trong nhà mình với mục đích ném xuống biển. Có người khuyên: ‘Ông nên đem cho người ta hay dùng cho lý do Phật giáo.’

     “Bàng đáp: ‘Tôi đem ném chúng đi bởi vì tôi xem chúng là kẻ thù

thù. Làm sao tôi có thể đem chúng cho những người khác! Giàu sang là địch thủ chỉ đem lại buồn phiền cho thân và tâm.’ Cuối cùng, ông ném những vật quí giá của ông xuống biển và từ đó về sau ông kiếm sống bằng nghề làm và bán giỏ tre. Dù là một cư sĩ, ông được biết là một người tốt bởi vì ông đã phế bỏ sự giàu sang bằng cách này. Vậy thì đối với các tăng nhân, phế bỏ những vật quí hiếm thật cần thiết hơn biết bao!

 

12

     Một ông tăng hỏi: “Trong các chùa ở Trung Hoa nơi các tăng nhân lưu trú là cố định, và thực phẩm cho tăng chúng trong chùa, cũng như cho những người có thể có cơ hội đến viếng, được để sang một bên. Lương thực này cung cấp để duy trì các tăng nhân đang tu tập nên họ không phải lo về sinh kế. Tuy nhiên, ở đất nước này, không có tập tục như thế, và nếu chúng ta ném hết tất cả những vật tùy thuộc của mình sang một bên, nó sẽ phá vỡ sự tu Đạo. Nếu chúng ta được cung cấp y áo và thực phẩm dường như là một ý kiến tốt. Ý thầy nghĩ sao?

     Đạo Nguyên nói: “Điều này không phải vậy. Người dân trong nước này toàn tâm ủng hộ tăng nhân nhiều hơn người Trung Hoa đối với tăng nhân trong nước họ. Đôi khi họ còn cho nhiều hơn những phương tiện họ có. Tôi không biết những người khác như thế nào, nhưng chính tôi đã có kinh nghiệm về khía cạnh này và tôi biết tôi đang nói gì. Không tùy thuộc vào một vật nào hay nghĩ đến có được vật gì, tôi đã quản chế để sống còn hơn mười năm. Những vấn đề phát sinh khi người ta bắt đầu suy nghĩ đến tích lũy những vật sở hữu. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, dù cho chúng ta không quan tâm đến việc tích lũy các vật, chúng ta sẽ thấy rằng các vật được cung cấp một cách tự nhiên. Mỗi người thọ nhận phần được phân bố của mình, được trời đất tặng cho. Nó ở đó dù cho chúng ta không vội vã chạy quanh tìm nó. Các đệ tử của Phật đều có phần di sản do Như Lai để lại, theo dòng sự vật, có được mà không phải tìm. Nếu chúng ta ném những vật sở hữu của mình sang một bên và tận lực tu Đạo, những vật ấy tự nhiên là của chúng ta. Bằng chứng ở ngay trước mắt các ông.”

 

13

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Những người học Đạo thường hỏi: “Nếu chúng tôi làm điều này, người ta có phê bình chúng tôi không?” Đây là một sai lầm trầm trọng. Dù người ta có phê bình như thế nào, nếu hành động của các ông phù hợp với cách hành xử của các Phật, các Tổ, và những nguyên tắc của những lời dạy thiêng liêng và nếu chúng mâu thuẫn với sự thực hành của chư Tổ, các ông không nên trải nghiệm.

     Nếu các ông đặt căn bản những hành động của mình trên sự ca ngợi hay chỉ trích của bạn bè hay người lạ, thì khi chết các ông rơi vào các cõi ác bởi vì những việc làm sai của mình, những người đó không thể cứu các ông. Dù cho các ông bị người ta phê bình hay ghét, nếu các ông tu tập Đạo của Phật và Tổ, các ông sẽ thực sự được cứu độ. Đừng ngừng tu tập Đạo chỉ vì mình bị người khác phê bình. Những người phê bìnhca tụng theo cách này không bao giờ thâm nhập được cách hành xử của Phật và Tổ; họ cũng không đạt được giác ngộ. Làm sao các ông có thể phê phán Đạo của Phật và Tổ trên căn bản những tiêu chuẩn thiện ác của thế gian? Do đó, đừng xao động vì những xung động của người khác. Chỉ tập trung vào việc theo và tu tập chân lý của Phật giáo.

 

14

     Vào một dịp khác một tăng nhân hỏi: “Con chỉ là một đứa trẻ, và người mẹ già của con vẫn còn sống. Mẹ con sống nhờ những gì con có thể gửi về cho bà. Mẹ con và con ràng buộc với nhau sâu xa, và lòng hiếu thảo của con rất mạnh. Vì vậy, bằng thỏa hiệp nhẹ nhàng với với thế gian và người thế gian, con có thể cung cấp thức ăn và quần áo cho mẹ con qua sự ủng hộ của những người khác. Nếu con từ bỏ thế gian và sống một mình, mẹ con sẽ khó sống dù trong một ngày. Như thế, trong khi tham dự vào thế tục, con bị căng thẳng con không thể toàn tâm nhập vào Phật giáo. Nếu có một nguyên tắc khiến con có thể từ bỏ thế gian và nhập vào Phật giáo, thầy có giải thích cho con không?”

     Đạo Nguyên huấn thị: “Đây là một vấn đề khó, không phải để cho người khác quyết định. Nếu sau khi xem xét nghiêm túc, con vẫn còn nhiệt tâm ham muốn nhập vào Phật giáo một cách trọn vẹn và có thể tìm ra phương cách bảo đảm tiện nghi và sự sống của mẹ con, thì nhập vào Phật giáo là điều tốt cho cả mẹ con và chính con. Điều mà con quá muốn luôn luôn có thể đạt được. Kẻ thù dù hung dữ đến đâu, người đàn bà đẹp dù xa xôi đến đâu, kho tàng dù được canh giữ cẩn thận thế nào, cũng luôn luôn có cách để đạt được mục đích cho người nhiệt tâm tìm kiếm. Sự trợ giúp vô hình của các thần hộ vệ của trời và đất bảo đảm hoàn thành.

     “Tổ sư thứ sáu ở Tào Khê (T’sao-ch’i)[77] là một thường dân ở Tân châu (Hsin-chou) đã bán củi để giúp đỡ mẹ ngài. Một hôm tâm ngài phát khởi cầu Đạo khi ngài nghe một người tụng kinh Kim Cang ở chợ. Khi ngài từ giã mẹ ngài để đến núi Hoàng Bá (Huang-p’o),[78] ngài đã kiếm được mười lạng bạc để lo thực phẩm và áo quần cho mẹ. Đây có thể xem là một tặng phẩm của trời, phát sinh từ lòng ham muốn nhập Đạo của ngài. Hãy xem xét điều này một cách trang nghiêm; nó là chân lý tối thượng.

     “Nếu ngài đợi đến khi mẹ ngài chết rồi mới vào Phật giáo không có những chướng ngại thế gian, thì phù hợp với ý định ban đầu của ngài; và tất cả sẽ xảy ra tốt đẹp. Nhưng rồi lại vì chết là điều không thể biết trước được, mẹ của con có thể sống lâu dài, trong khi con có thể chết trước. Trong trường hợp đó, kế hoạch của con sẽ lệch lạc. Chính con sẽ nuối tiếc vì đã không nhập vào Phật giáo, mẹ con sẽ có tội vì đã không cho phép con làm như vậy, và cả hai sẽ có tội hơn là lợi ích. Rồi thì sao?

     “Nếu con từ bỏ đời này và nhập vào Phật giáo, mẹ già của con có thể bị chết đói. Nhưng công đức cho phép con trai nhập vào Phật giáo sẽ không thành được một nhân tốt để đạt Đạo trong tương lai sao? Nếu con ném sang một bên lòng hiếu thảo và bổn phận mà con đã không xóa được qua nhiều kiếp và nhiều đời trong đời này khi con đã được sinh ra trong thân người và có rất ít cơ hội gặp được Phật giáo, đây sẽ là dấu hiệu của người thực sự biết ơn. Làm sao điều này không phù hợp với ý Phật. Người ta nói rằng nếu một người con trai xuất gia làm tăng, thì bảy đời cha mẹ được Đạo. Làm sao con có thể phí bỏ cơ hội cho sự bình an vĩnh viễnquan tâm đến thân trong đời hiện tại phù du này? Hãy nghĩ kỹ điều này cho chính mình.” 

 

IV

 

1

Một hôm sau khi người học tham vấn, Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học Đạo, các ông chớ bám vào những cái thấy cá nhân của mình. Dù cho các ông có thể hiểu, các ông cũng nên rộng tìm thầy giỏi và tham cứu những câu nói của các bậc sư xưa nếu các ông cảm thấy rằng thiếu một cái gì đó hay có cái hiểu nào đó cao hơn cái hiểu của mình. Song các ông chớ bám vào lời nói của các bậc hiền xưa; chúng cũng có thể không đúng. Dù cho tin những lời nói ấy, các ông nên cảnh tỉnh, trong trường hợp có cái gì đó cao hơn đến, các ông có thể theo cái đó.

 

2

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Có lần Quốc sư Nam Dương Huệ Trung (Nan-yang Hui-chung)[79] hỏi ông tăng hầu cận mặc áo tím, tên là Lâm (Lin):[80] “Ông từ đâu đến?”

     Ông tăng hầu cận đáp: “Tôi từ Thành Nam (Ch’eng-nam) đến.”

      Nam Dương hỏi: “Cỏ Thành Nam màu gì?”

     Ông tăng hầu cận đáp: “Màu vàng.”

     Lúc ấy sư gọi một chú tiểu đến và cũng hỏi câu đó. Chú tiểu đáp: “Màu vàng.”

     Sư nói: “Chú tiểu này cũng đáng được ban cho áo tím trước tấm màn trúc và đủ tư cách bàn luận Phật giáo với hoàng đế. Là thầy của hoàng đế, chú tiểu có thể nói đúng tên màu của cỏ. Cái thấy của ông không vượt quá kiến thức thông thường.”

     Chẳng bao lâu sau đó, có người thách thức lời của sư, nói: “Lời của ông tăng hầu cận không hơn kiến thức thông thường, nhưng có gì sai chăng? Chú tiểu cũng nói thế, chú tiểu nói đúng tên màu của cỏ. Điều này khiến chú thành bậc chân sư.”

     Vì vậy, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của sự biện biệt chân lý và không luôn luôn chấp nhận lời nói của các bậc sư xưa. Mặc dù có thái độ hoài nghi là không tốt, nhưng bám vào điều không đáng tin và không nghi vấn về một ý nghĩa nên khám phá cũng là một sai lầm.

 

3

Vào một dịp khác Đạo Nguyên huấn thị:

     Trước hết người học nên tự mình xa lìa những khái niệm về ngã. Xa lìa những cái thấy về ngã có nghĩa là không bám vào thân này. Dù cho các ông nghiên cứu sâu về những lời nói của các bậc sư xưa và thực hành ngồi thiền, giữ bất động như đá hay sắt, các ông cũng sẽ không bao giờ đạt được Đạo của Phật và Tổ, dù cho các ông cố gắng trong vô số kiếp, trừ phi các ông có thể giải thoát mình khỏi sự ràng buộc với thân.

     Dù cho các ông nói các ông biết rõ đến đâu chánh giáoquyền giáo hay mật giáohiển giáo, bao lâu các ông còn sở hữu cái tâm bám lấy thân, ông chỉ đếm không công kho tàng của người khác, mà chính các ông chẳng được nửa xu.

     Tôi chỉ yêu cầu các ông, những người học ngồi tĩnh lặng và quán xét với nội kiến chân thật sự khởi đầu và chấm dứt của thân người này. Thân, tóc, và da là sản phẩm của sự giao hợp của cha mẹ. Khi hơi thở ngừng, thân phân tán giữa núi non và đồng ruộng và cuối cùng thành đất và bùn. Vậy thì tại sao các ông chấp vào thân này?

     Nhìn theo quan điểm Phật giáo, thân không gì khác hơn là sự tụ lại và phân tán của mười tám giới.[81] Chúng ta có nên chọn và nhận diện giới nào là thân ta? Trong khi giữa Thiền và các giáo lý khác có sự khác nhau, họ đồng ý trong tu Đạo cần nhấn mạnh vào sự vô thường của thân người. Một khi các ông thâm nhập được sự thật này, chân Phật giáo tự hiện thân một cách rõ ràng.

 

4

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Theo một sư xưa: “Nếu ông phát triển mối quan hệ với một người

tốt, ấy giống như đi trong mù hay sương. Dù thực tế ông không làm áo quần mình ướt, nó dần dần trở nên ẩm ướt.” Những gì sư muốn nói là nếu ông gần gũi với một người tốt, một cách không ý thức chính ông trở thành tốt. Đây là trường hợp nhiều năm qua của chú tiểu hầu cận sư Câu Chi (Chü-chih).[82] Không có cách nào biết được chú đã học và tu tập khi nào, và chính chú ta cũng không ý thức điều này, nhưng vì sự giao kết lâu dài với sư, chú đã đạt ngộ.  

     Nếu các ông tu tập ngồi thiền nhiều năm, các ông sẽ đột nhiên thấy được điểm trọng yếu của giác ngộ và biết rằng ngồi thiềncửa chính để vào.

 

5

     Năm Gia Trinh (Katei) thứ hai, vào buổi tối ngày cuối cùng của tháng 12,[83] lần đầu tiên Đạo Nguyên mời Hoài Tráng làm thủ tọa[84] ở chùa Hưng Thánh (Kōshōji). Sau bài pháp thượng đường, Đạo Nguyên bảo Hoài Tráng cầm phất tử và nói pháp với hội chúng. Đây là lần đầu tiên địa vị thủ tọa ở chùa Hưng Thánh được bổ nhiệm.

     Bài pháp của Đạo Nguyên hôm đó nói về sự truyền Thiền:

     “Tổ sư thứ nhất, Bô-đề Đạt-ma,[85] từ phương Tây đến và ở lại chùa Thiếu Lâm (Shao-lin) chờ cơ duyên truyền bá pháp. Tổ ngồi kiên nhẫn nhìn vách, cho đến khi Huệ Khả (Hui-k’o)[86] xuất hiện vào tháng cuối cùng năm đó. Tổ Bồ-đề Đạt-ma biết rằng đây là pháp khí Tối thượng thừa,[87] hướng dẫn sư, và về đó truyền y và pháp cho sư. Con cháu của Tổ tràn khắp thế gian, và Chánh Pháp được truyền xuống đến ngày nay.

     Lần đầu tiên ở chùa này, hôm nay tôi chỉ định một vị thủ tọa

yêu cầu ông ấy cầm phất tử và nói pháp. Đừng để tầm vóc nhỏ bé của hội này hay sự kiện đây là bài pháp đầu tiên của ông ấy làm phiền các ông. Nhóm người tụ họp chung quanh Phần Dương (Fen-yang)[88] chỉ có sáu hay bảy người; Dược Sơn (Yao-san)[89] có ít hơn mười đệ tử dưới sư; song tất cả họ đều tu Đạo của Phật và Tổ. Họ nói, một lần như thế, là khi tự viện hưng thịnh. Hãy nghĩ đến những người đã đạt ngộ khi nghe tiếng ngói chạm cành tre hay thấy hoa nở trong bụi.[90] Tre có phân biệt kẻ lanh hay người khờ, kẻ mê hay người ngộ, hoa có phân biệt kẻ nông hay người sâu, kẻ trí hay người ngu không? Dù hoa nở mỗi năm, không phải mọi người ai thấy hoa cũng đạt ngộ. Tre luôn luôn có tiếng, nhưng không phải tất cả những người nghe tiếng đều đạt ngộ. Ấy là chỉ do hạnh học lâu dài dưới một bậc thầy và tu tập nhiều mà chúng ta có duyên với những gì chúng ta đã cần lao và đạt ngộ và tâm thanh tịnh. Đây không có nghĩa là chính tiếng tre có tác dụng thâm nhập hay sắc hoa đẹp vô song. Dù tiếng tre có thể là kỳ diệu, nó không tự thành tiếng mà phải đợi miếng ngói chạm vào mới xuất hiện; dù sắc hoa có thể đẹp, chúng không tự nở mà phải đợi gió xuân động đến mới nở.

     “Cũng thế, học Đạo phải có nguyên nhân. Dù mỗi cá nhân vốn có Đạo, mà sự đạt Đạo tùy vào tất cả các tăng nhân cùng học với nhau. Dù một cá nhân có thể có tâm sáng láng, sự tu Đạo tùy vào sức mạnh của đa số. Do đó, hãy hợp nhất tâm mình và tập trung quyết tâm của mình, hãy học dưới một bậc thầy và cầu Đạo. Ngọc trở thành vật đẹp nhờ mài giũa; người trở thành chân nhân nhờ tu luyện. Ngọc gì sáng chói ngay từ đầu, người gì thượng đẳng ngay lúc khởi sự? Các ông phải luôn luôn tiếp tục mài giũa và luôn luôn tiếp tục tu luyện. Đừng tỏ ra mình không tùy thuận và đừng lơi lỏng trong việc học Đạo

     “Một sư xưa nói: ‘Đừng lãng phí thì giờ của mình.’ Tôi hỏi các ông: Thời gian có phải là một cái gì sẽ dừng lại khi các ông đánh giá nó không? Hay nó là một cái gì không thể khiến cho ngừng lại dù các ông đánh giá nó thế nào? Các ông phải hiểu điều này: không phải thời gian trôi qua vô ích mà người ta để thời gian trôi qua vô ích. Con người cũng như thời gian không nên bị lãng phí; hãy hiến mình cho việc học Đạo.

     “Theo cách này, các ông tất cả phải học Đạo với cái tâm giống nhau. Dù dạy Phật giáomột mình tôi thì không dễ, nếu chúng ta cùng làm việc với quyết tâm giống nhau, chúng ta sẽ tu Đạo theo cách của Phật và Tổ. Dù đa số đạt giác ngộ bằng cách theo đức Như Lai, cũng có những người đạt ngộ theo ngài A-nan. Này tân thủ tọa, chớ đánh giá thấp khả năng của mình! Hãy cho hội chúng một bài pháp về ba cân gai của Động Sơn.”[91]  

     Đạo Nguyên xuống tòa, khi trống đánh, Hoài Tráng dựng phất tử và bắt đầu bài pháp. Đây là bài pháp đầu tiên của Hoài Tráng tại chùa Hưng Thánh. Lúc ấy sư ba mươi chín tuổi.

 

6

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Một người thường nói: “Có ai không muốn quần áo đẹp hay có ai không thèm thức ăn ngon? Song những người cầu Đạo đi vào núi sâu, ngủ giữa mây, và chịu đói rét. Các bậc tiền bối của chúng ta chắc chắn đã khổ, chịu đựng khó khăn, họ bảo vệ Đạo. Những người đi sau nghe nói về sự khổ của họ, tôn kính công đức của họ, và ước mong được Đạo.”

     Ngay như trong hạng người thường còn có những người trí thuộc loại này, thì những người Phật giáo phải có thái độ tương tự. Không phải tất cả những bậc thánh hiền xưa đều có xương bằng vàng. Ngay cả đức Thích-ca Mâu-ni khi còn sống không phải tất cả những đệ tử của ngài đều là những người đạt được những chứng đắc thượng đẳng. Nếu các ông nhìn vào những qui định thận trọng trong giới luật của cả Đại thừaTiểu thừa, thì rõ ràng là tăng nhân thời đó đi đến chỗ vi phạm những khinh xuất không thể tin được. Song về sau tất cả họ đều đạt Đạo và trở thành những bậc A-la-hán. Dù bây giờ các ông có thể thấp kém và không thích nghi, nếu các ông khởi lên quyết tâm cầu Đạotu tập, các ông sẽ thành công. Biết được như vậy, các ông nên lập tức khởi lên quyết tâm này.

     Những bậc trí tuệ thời xưa tất cả đều chịu cực nhọc và lạnh, song  trong cảnh khổ, họ vẫn tu tập. Người học ngày nay nên tự ép mình học Đạo, bất chấp những khó khăn về thể xác và thống khổ về tinh thần mà họ có thể trải qua.

 

7

Đạo Nguyên huấn thị:

     Những người học không thể đạt ngộ chỉ vì họ cố giữ lấy những khái niệm đã có trước. Không biết ai đã dạy họ những điều đó, họ xem tâm là ý nghĩnhận thức và họ không tin khi được bảo rằng tâm là cỏ cây. Họ nghĩ Phật là có những tướng kỳ đặc, với hào quang phát ra từ thân ngài và họ bị chấn động khi được bảo rằng ngài là ngói sỏi. Những khái niệm có trước như thế không phải do cha mẹ họ dạy, nhưng người học đi đến chỗ tin những điều đó vì không có lý do nào khác hơn là họ đã nghe nói về những điều đó từ những người khác qua một thời gian lâu dài. Do đó, khi Phật và Tổ theo thứ lớp tuyên bố rằng tâm là cỏ cây. Hãy xem lại những khái niệm có trước của mình và hiểu cỏ cây là tâm. Nếu nói Phật là ngói sỏi, hãy xem ngói sỏi là Phật, Nếu các ông thay đổi những khái niệm có trước của mình, các ông có thể đạt Đạo.

     Một cổ đức nói: “Dù mặt trờimặt trăng chiếu sáng, mây bồng bềnh che khuất chúng. Dù khóm phong lan tươi tốt, gió thu sẽ làm chúng héo tàn.”[92] Đây là dẫn từ sách Chen-kuan cheng-yao[93] nói về vị vua khôn ngoan và những quan thượng thư xấu của nhà vua. Tôi nói rằng dù những đám mây bồng bềnh che khuất mặt trờimặt trăng, điều đó không lâu; dù bị gió thu phá hủy, hoa ấy sẽ lại nở; dù các quan xấu ác, nếu trí tuệ của vua kiên cường, vua không thể bị lật đổ. Điều tương tự áp dụng cho Phật giáo ngày nay. Dù xấu ác phát sinh nhiều đến đâu, nếu chúng ta kiên cường bảo vệ Phật giáo qua nhiều năm dài, những đám mây trôi nổi, và gió thu sẽ ngừng.

 

8

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Khi những người học xúc động đi vào Phật giáo, trước tiên họ nên đọc các kinh điểngiáo lý, và học chúng một cách thấu triệt, dù họ có tâm cầu Đạo hay không.

     Khi tôi còn rất trẻ, nhận thức về sự chóng vánh của thế gian này khởi động tâm tôi hướng về cầu Đạo.[94] Sau khi rời núi Tỉ-duệ (Hiei), tôi viếng nhiều chùa trong lúc tu tập Đạo, nhưng cho đến khi tôi đến chùa Kiến Nhân tôi chưa gặp được một bậc chân sư hay một người bạn tốt. Tôi đã bị mê hoặc và đầy những ý niệm sai lầm.

     Các bậc thầy tôi đã tham kiến khuyên tôi đầu tiên nên học cho đến khi tôi có thể hiểu biết ngang bằng những người đi trước. Tôi đã được bảo tự làm cho mình được cả nước biết đến và nổi danh thiên hạ. Do đó, ngay cả trong khi học giáo lý, điều cao nhất trong tâm tôi là trở thành ngang hàng với những người tài trí thời xưa của Nhật Bản hay với những người đã được danh hiệu Đại sư[95] Nhưng khi mở sách Cao Tăng Truyện (Kao-seng chuan) và Tục Cao Tăng Truyện (Hsü Kao-seng chuan)[96] và khi học về các bậc đại hòa thượng và những người  Phật giáo Trung Hoa, tôi có thể thấy rằng cách tiếp cận của họ khác với cách của các thầy tôi. Tôi cảm thấy rằng những mục tiêu đã phấn khích tôi bị coi nhẹ và khinh thường trong tất cả các kinh truyện. Ngay cả khi nghĩ về danh vọng, tôi cũng coi thường những người có trí tuệ xưa và những người có thiện chí tương lai, trong khi có được danh tiếng giữa những người thấp kém của thời kỳ này. Nếu tôi muốn thi đua với người nào, ấy sẽ là những bậc hiền giảcao tăng trước kia của Trung Hoa và Ấn Độ, hơn là của Nhật Bản. Khi cảm thấy xấu hổsự kiện tôi không bằng những người đó, tôi nhận ra rằng quả thật tôi nên cố gắng giống như chư thiên của các cõi trời và giống như các Phật và các Bồ-tát. Sau khi lãnh hội điều này, tôi xem những đại sư của đất nước này [Nhật Bản] như bụi bẩn và ngói vỡ. Tướng trạng của thân và tâm tôi thay đổi hoàn toàn.

     Khi chúng ta nhìn vào những hành động của Phật trong đời ngài, chúng ta thấy rằng ngài đã đi vào rừng núi, từ bỏ đẳng cấp cao quí của mình. Ngay cả sau khi giác ngộ, ngài cũng đã sống phần đời còn lại đi khất thực. Luật tạng (Vinaya) nói: “Khi biết nhà của mình không phải là nhà thật, ngài đã bỏ nó sang một bên và trở thành sa môn.” 

     Một cổ đức nói: “Chớ kiêu hãnh mà hãy cố gắng thi đua với những bậc trí tuệ của quá khứ; chớ tự hạ mìnhtìm cách ganh đua với kẻ hạ nhân.” Ở đây ám chỉ rằng cả hai đều là hình thức của tự phụ. Đừng quên rằng dù cho các ông bây giờ có thể ở địa vị cao, rồi sẽ đến lúc các ông rơi xuống. Đừng quên rằng, dù cho các ông bây giờ có thể an toàn, nguy hiểm luôn luôn lẩn quất. Đừng tin rằng mình sẽ còn sống vào ngày mai, chỉ vì hôm nay các ông còn sống. Cho đến khi chết, cái chết sắp xảy ra luôn luôn ở dưới chân các ông.

 

9

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Những người ngu nghĩ và nói những điều vô nghĩa. Ở chùa này, có lần có một ni cô già thường nói về địa vị cao của cô ấy trước kia, dường như cô ấy xấu hổ về những gì mình đã làm trước kia. Dù cho ngày nay người ta nghĩ về sự việc thường như thế nào, cũng là vô ích. Những sự việc thuộc loại này là hoàn toàn lãng phí.

     Tuy nhiên, dường như đa số người ta có khuynh hướng suy nghĩ thuộc loại này. Điều đó cho thấy sự thiếu tâm cầu Đạo. Bằng cách thay đổi thái độ này, người ta có thể trở thành có chút gì giống như một người có tâm này.

     Giả sử có người nào đó vào Đạo nhưng không có dấu vết của tâm cầu Đạo. Bởi vì người ấy là một người bạn thân, tôi muốn bảo ông ta cầu nguyện chư Phật và chư thiên để phát khởi tâm này, nhưng tôi lưỡng lự, nghĩ rằng điều đó có thể làm ông ta nổi giậnphản đối. Song trừ phi ông ta phát khởi tâm này, tình bạn của chúng tôi vô dụng cho cả hai chúng tôi.

 

10

Đạo Nguyên huấn thị:

     Người xưa có câu nói bảo chúng ta hãy nghĩ ba lần trước khi nói một điều gì. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là bất cứ khi nào chúng ta sắp nói hay làm một điều gì, chúng nên nghĩ ba lần trước khi phát ra lời nói hay hành động. Đa số các nhà Khổng học ngày xưa đã hiểu điều này có nghĩa là giữ lại lời nói hay hành động cho đến khi vấn đề đã được xem xét ba lần và mỗi lần đều thấy thích đáng. Đối với các hiền triết Trung Hoa, xem xét một điều gì ba lần có nghĩa là xem xét nó nhiều lần – nghĩ trước khi nói, nghĩ trước khi hành động – và nếu mỗi lần mình đều nghĩ nó tốt, và chỉ lúc ấy mới nói và làm. Thiền tăng phải có quan điểm tương tự. Những gì các ông nghĩ hay nói có thể đưa đến điều xấu một cách bất ngờ. Vì thế, các ông phải xem xét chu đáo những gì mình sắp nói hay làm có phù hợp với Phật giáo và đem lại lợi ích cho chính mình và người khác không. Nếu các ông quyết định là nó tốt, chỉ khi ấy các ông mới nên nói hay hành động. Nếu một hành giả bảo vệ thái độ này, thì suốt đời ông ấy sẽ không đi ngược lại ý Phật.

     Lần đầu tiên khi tôi vào chùa Kiến Nhân, các tăng nhân tụ tập ở đó có nhiệm vụ giữ ba cách hành xử.[97] Họ cẩn thận để không nói hay làm bất cứ điều gì có hại cho Phật giáo hay không đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ngay cả sau khi sư Vinh Tây viên tịch, trong lúc ảnh hưởng của sư vẫn còn, pháp tu này vẫn còn, nhưng bây bây giờ chẳng còn lại tí nào.

     Người học ngày nay phải biết rằng họ nên quên thân tâm mình và chỉ nói và làm những gì giúp Phật giáo và đem lại lợi ích cho chính họ và những người khác. Nếu có điều gì vô ích, thì không nói hay làm điều đó. Khi các vị tăng thâm niên hơn nói hay làm điều gì, những người có thời gian làm tăng ít hơn không nên chen vào. Đây là điều lệ của Phật giáo và phải được quan tâm cẩn thận.

     Ngay cả người tại gia cũng có lòng muốn quên thân mình và cầu Đạo. Xưa kia ở đất Triệu (Chao), có một người tên là Lạn Tương  Như (Lin Hsiang-ju)[98] Mặc dù sinh ra trong giai cấp hạ đẳng, ông là người có tài lớn, và vua Triệu cho làm việc phụ chính trong nước. Một hôm, là đặc sứ của nhà vua, ông được phái đem một viên ngọc quí, nổi tiếng là Ngọc nước Triệu, đến đất Tần (Ch’in). Vua Tần đã đồng ý đổi mười lăm thành để lấy viên ngọc mà Lạn Tương Như chịu trách nhiệm mang đi. Vào lúc đó, các quan thượng thư khác bàn tán rằng: “Giao một viên ngọc giá trị như thế cho một kẻ hạ đẳng khiến cho tựa hồ như trong nước chúng ta không có người xứng đáng với nhiệm vụ này. Nó làm bẽ mặt chúng ta và khiến chúng ta thành trò cười cho thiên hạ.” Họ lập kế giết Tương Như trên đường đi và giật lấy viên ngọc từ tay ông.

     Có người biết được âm mưu bí mật khuyên Tương Như bỏ sứ mệnh và cứu lấy mạng sống của mình. Tuy nhiên, Tương Như từ chối: “Tôi sẽ không bỏ sứ mệnh này đâu. Nếu người đời sau nghe nói tôi bị bọn quan xấu xa giết chết trong lúc mang ngọc đến Tần khi làm đặc sứ của vua, việc ấy sẽ khiến tôi vui. Trong khi thân tôi có thể chết, tên tôi là một người trí vẫn còn.” Với những lời này, ông bắt đầu cuộc hành trình đến Tần.

     Khi các quan thượng thư khác nghe được những gì ông nói, họ bỏ âm mưu của họ. “Chúng ta không thể giết một người như thế,” họ đồng ý.

     Cuối cùng Tương Như gặp vua Tần và trình viên ngọc cho nhà vua. Tuy nhiên, ông chú ý thấy rằng nhà vua có vẻ do dự trong việc trao đổi mười lăm thành. Một ý nghĩ đến với Tương Như, và ông nói với vua: ‘Trong viên ngọc này có chỗ tì vết. Hãy để tôi chỉ cho bệ hạ.” Lấy lại viên ngọc, ông tiếp: “Tôi có thể nói là sắc mặt của bệ hạ cho thấy rằng bệ hạ hối tiếc đổi mười lăm thành để lấy viên ngọc này. Vì thế, tôi sẽ dùng đầu tôi đập vỡ viên ngọc này vào cây cột đồng. Nhìn nhà vua với đôi mắt giận dữ, ông tiến gần đến cây cột làm như ông thực sự sắp đập vỡ viên ngọc.

     Nhà vua kêu lên: “Đừng đập viên ngọc. Trẫm sẽ cho ngươi mười lăm thành. Hãy giữ viên ngọc cho đến khi chúng ta có thể làm cho sự việc rõ ràng.” Rồi Tương Như bí mật bảo một trong những người

của ông đem viên ngọc về nước.

     Sau này vua nước Triệu và vua nước Tần gặp nhau tại một yến

tiệc ở một nơi gọi là Dẫn Trì (Min-ch’ih). Vua Triệu là một người sành chơi đàn cầm, vua Tần ra lệnh cho vua Triệu gảy đàn. Vua Triệu liền gảy đàn mà không hỏi ý Tương Như. Giận vì vua mình đã vâng lời vua kia, ông quyết tâm ép vua Tần chơi sáo. Ông quay sang vua Tần và nói: “Bệ hạ là người giỏi về sáo, vua của thần xin nghe bệ hạ chơi sáo.” Vua Tần từ chối.

     Lúc ấy Tương Như lớn tiếng nói: “Nếu bệ hạ không chơi, tôi giết bệ hạ,” và ông đi về phía vua Tần. Một viên tướng Tần chụp lấy kiếm và chạy vội đến bảo vệ vua Tần, nhưng Tương Như trừng mắt nhìn viên tương ấy với ác ý đến độ ông ta kinh hãi rút lui, không rút kiếm ra. Vua Tần đồng ý chơi sáo.

     Sau này Tương Như trở thành tể tướng. Với cách điều hành quốc gia của ông, ông đã làm cho một quan thượng thư khác không có quyền hành bằng ông ganh tỵ. Quan thượng thư này [Liêm Pha] tìm cách giết ông, và Tương Như chạy trốn, ẩn thân ở những chỗ khác nhau trong nước. Ông không xuất hiện ở triều đình khi ông phải có mặt và hành động tựa như ông đang ở trong sự khủng bố hèn hạ. Lúc ấy một trong những người tùy tùng của ông nói: “Giết ông quan thượng thư ấy thì dễ mà. Sao ngài lại bỏ chạy và trốn trong sợ hãi?”

     Tương Như đáp: “Tôi đâu có sợ ông ta. Tôi đã ép tướng Tần rút lui bằng ánh mắt. Tôi đã lấy lại viên ngọc từ tay vua Tần. Ấy không phải chỉ là chuyện giết một ông quan thượng thư. Nên gây dựng quân đội, điều động bộ binh để phòng vệ kẻ thù tấn công. Nhiệm vụ của các quan là bảo vệ đất nước. Nếu chúng tôi không hòa thuậngây lộn với nhau, và nếu một người trong chúng tôi bị giết, thì người kia bị yếu đi. Nếu điều này xảy ra, nước láng giềng sẽ vui mừng mà tấn công chúng ta. Đó là lý do tại sao cả hai chúng tôi nên tiếp tục sống và quan tâm đến việc bảo vệ đất nước. Vì vậy, tôi không đánh nhau với ông ta.”

     Khi nghe được điều này, vị quan kia cảm thấy rất xấu hổ. Tìm gặp Tương Như, vái chào ông, và hai người trở thành bạn gắn bóhợp tác trong việc điều hành quốc gia.

     Bằng cách này Tương Như đã quên thân mình và bảo vệ Đạo. Trong việc bảo vệ Phật giáo bây giờ, chúng ta nên có thái độ như thế. Có câu nói: “Thà chết để bảo vệ Đạo còn hơn là sống mà không có Đạo.”

 

11

Đạo Nguyên huấn thị:

     Khó quyết định cái gì là tốt và cái gì là xấu. Người thế gian nói tốt là mặc lụa xa hoa, quần áo thêu, và gấm; và xấu là mặc vải rách bị vứt đi. Trong Phật giáo thì ngược lại: y rách thì tốt và thanh tịnh; quần áo thêu thùa là xấu và bẩn. Điều này cũng áp dụng cho tất cả những vật khác.

     Nếu có người như tôi viết một bài thơ cho thấy rằng một kỹ năng nào đó trong cách dùng vần hay từ ngữ, một vài người thế gian nào đó có thể sẽ ca ngợi tôi có tài năng hơn người thường. Mặt khác những người khác có thể phê bình tôi vì có những thành tựu không hợp với một tăng nhân đã xuất gia. Làm sao chúng ta có thể nói cái nào tốt và cái nào xấu?

     Tôi đã đọc ở đâu đó: “Những điều được ca ngợibao gồm trong những điều thanh tịnh được gọi là tốt; những điều bị phỉ bángbao gồm trong những điều bất tịnh thì bị gọi là xấu.” Ở một chỗ khác nói: “Chịu đựng đau khổ đền bù lại cho những hành động trong quá khứ gọi là xấu; thỉnh mời an lạc đến báo đền cho những hành động trong quá khứ gọi là tốt.”

     Vì thế, phải quan tâm cẩn thận: những gì chúng ta thấy thực sự là tốt thì nên thực hành; những gì chúng ta thấy thực sự là xấu thì nên loại bỏ. Bởi vì những tăng nhân đến từ thanh tịnh, họ xem những gì không làm dấy lên lòng ham muốn nơi những người khác là tốt và thanh tịnh.

 

12

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:

     Đa số người trong thế gian này nói: “Tôi muốn học Phật giáo; song thế gian thì suy đồi, và con người thì thấp kém. Tu tập Phật giáo đòi hỏi quá sức tôi. Tôi sẽ theo con đường dễ và chỉ làm mạnh thêm các duyên của tôi với Phật giáo và để giác ngộ lại cho đến một đời khác.”

    Thái độ mà những lời ấy nói là hoàn toàn sai lầm. Trong Phật giáo, sự dựng lập Pháp ba thời kỳ[99] chỉ là sự quyền biến nhất thời.[100] Trong thời Phật, tăng nhân không nhất thiếthoàn toàn xuất sắc; có một vài người cực kỳ hư hỏng và có tính cách hạ đẳng. Vì những người xấu và thấp kém như thế mà đức Phật đặt ra giới luật. Tất cả mọi người đều có căn cơ tỉnh ngộ Phật giáo. Đừng nghĩ rằng họ không có căn cơ đó. Nếu các ông tu tập hợp với giáo lý, chắc chắn các ông sẽ đạt được giác ngộ.    

     Bao lâu các ông còn có tâm, thì các ông còn có thể phân biệt được tốt và xấu. Bao lâu các ông còn có tay và chân, thì các ông còn có khả năng chắp tay và bước đi. Vì thế, không có những điều như là không có phương tiện để tu tập Phật giáo. Tất cả mọi người được sinh ra với tiềm năng này, đây không giống như những chúng sinh sinh trong thế giới súc sinh. Này những người học Đạo, đừng chờ đến ngày mai. Chính ngày này, chính giây phút này, hãy tu tập theo lời Phật dạy.

 

13

Đạo Nguyên huấn thị:

     Người thế gian có câu nói: “Lâu đài ngã đổ khi bí mật thì thầm trong các bức tường.” Họ cũng nói: “Trong nhà có hai ý kiến trái nghịch chẳng thể mua được một cây kim gút; trong nhà không có ý kiến mâu thuẫn có thể mua được cả vàng.”

     Ngay cả người thế tục cũng nói rằng muốn giữ được gia đình hay bảo vệ lâu đài, phải có sự đoàn kết, nếu không sẽ bước vào suy sụp. Vậy thì sự hợp nhất của các tăng nhân dưới một vị sư phải nhiều hơn biết bao, như sữa và nước hòa lẫn nhau. Chúng ta cũng có sáu cách hòa hợp.[101] Hành giả không nên ở trong phòng riêng, giữ cách biệt nhau, và học Phật giáo như họ thấy thích hợp. Ấy giống như vượt qua biển lớn trên một chiếc tàu đơn độc. Với tâm như thế, họ phải tự hành xử với sự cao cả hỗ tương, sửa những lỗi lầm và chọn điều tốt, và tu tập Phật giáo theo cách tương tự. Đây là phương pháp truyền xuống từ thời đức Phật đến chúng ta.

 

14

Đạo Nguyên huấn thị:

     Khi Thiền sư Phương Hội (Fang-hui) ở núi Dương Kỳ (Yang-chi)[102] đầu tiên trở thành hòa thượng đường đầu, chùa đã cũ và đổ nát, khiến tăng chúng gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, vị tăng giám tự đề nghị sửa lại chùa.

     Phương Hội nói: “Nhà đổ nát nhưng vẫn hơn sống trên mặt đất trơ trụi hay dưới gốc cây. Nếu một phần cần sửa và nếu mái dột, thì hãy ngồi thiền ở chỗ nào mưa không đến. Nếu tăng nhân có thể đạt ngộ nhờ xây cất nhà chùa, thì chúng ta nên làm nó bằng vàng và ngọc. Giác ngộ không tùy thuộc vào phẩm chất chỗ các ông ở mà chỉ tùy thuộc vào mức độ các ông ngồi thiềnhiệu quả.”

     Ngày hôm sau Phương Hội nói pháp với hội chúng trong pháp đường

     “Khi trở thành hòa thượng đường đầu ở núi Dương Kỳ, tôi thấy mái và tường suy sụp. Trên thiền sàng, ngọc tuyết tung bay. Tăng chúng rụt cổ vào vì lạnh và thở dài.” Sau khi nghỉ một chút, sư tiếp: “Nó làm tôi nhớ đến các bậc cổ đức xưa ngồi dưới gốc cây.”

     Thái độ này không những chỉ thấy trong Phật giáochúng ta còn thấy nó trong nghệ thuật cai trị. Hoàng đế Thái Tông nhà Đường từ chối xây cung điện mới thay vì thích sống trong cung điện cũ hơn.

     Thiền sư Long Nha (Lung-ya)[103] nói: “Học Phật giáo, trước tiên các ông phải học nghèo. Chỉ sau khi học nghèo và trở nên nghèo thật sự, các ông mới có thể trở nên thâm mật với Đạo.” Từ những ngày xa xưa của Phật cho đến bây giờ, tôi không thấy cũng không nghe có người học Đạo nào giàu sang cả.

15

     Một hôm có một hòa thượng đến viếng, nói: “Gần đây, phương cách từ khước thế gian dường như là chuẩn bị cung cấp trước thực phẩm và những vật dụng cần thiết khác để không phải lo sau đó. Đây là việc nhỏ, nhưng giúp cho việc học Đạo. Nếu thiếu những món đó, tu tập bị gián đoạn. Nhưng theo những gì tôi đã nói, không nên có sự chuẩn bị như thế, và nên để mọi sự cho số mệnh. Nếu thực sự được như thế, sẽ không có phiền não về sau. Thầy nghĩ sao?”

     Đạo Nguyên đáp: “Về việc này, chúng ta có những tiền lệ của tất cả các bậc sư xưa. Đây không phải là cái thấy cá nhân của tôi; tất cả Phật và Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa đều theo một phương cách tương tự. Phúc đức của lọn tóc xoắn trên trán của Phật[104] dùng không bao giờ hết. Tại sao tôi phải lập kế hoạch cho sự sống của tôi? Không dễ gì quyết định và lập kế hoạch cho ngày mai. Những gì tôi làm bây giờ thì tất cả Phật và Tổ đã làm; không phải là điều tôi làm theo ý riêng của tôi. Nếu thực phẩm trở nên khan hiếm và không có gì để ăn, chỉ lúc ấy hãy tìm phương tiện giải quyết tình thế. Không cần nghĩ trước làm gì.”

 

16

Đạo Nguyên huấn thị:

     Tôi đã nghe nhưng không biết điều này có thực không. Khi cố tu sĩ Chūnagon, Jimyōin,[105] trở thành tu sĩ, thì một thanh kiếm có giá trị của ông bị mất cắp. Một chiến sĩ phục vụ của ông đã điều tra, tìm được thanh kiếm, và báo cho Chūnagon biết rằng người đánh cắp là một chiến sĩ khác trong đám tùy tùng của ông. Tuy nhiên, Chūnagon phủ nhận rằng đó không phải thanh kiếm của ông và trả lại thanh kiếm.

     Không nghi ngờ gì, đó là thanh kiếm đã bị đánh cắp, nhưng nghĩ rằng điều đó sẽ làm nhục người chiến sĩ đã đánh cắp thanh kiếm, Chūnagon phủ nhận đó không  phải là thanh kiếm của mình. Mặc dù mọi ngươi đều biết sự thật là như thế, sự việc chấm dứt không có vấn đề gì. Vì vậy, con cháu của Chūnagon thịnh vượng. Ngay cả một người thế gian mà còn có được thái độ này, thì tăng nhân càng nên có thái độ ấy hơn biết bao!

     Bởi vì tăng nhân khôngtài sản riêng tư, họ biến trí tuệ và đức hạnh thành kho tàng quí báu của họ. Nếu có người không có tâm cầu Đạo làm điều gì xấu, đừng tỏ vẻ không hài lòng, cũng đừng kết án họ vì làm điều xấu. Chỉ giải thích sự việc cho họ theo cách không khiến họ trở nên tức giận. Người ta nói rằng điều gì khuyến khích bạo động sẽ không lâu dài. Dù các ông có thể khiển trách đúng một người nào đó, nhưng cái đúng của các ông sẽ không tồn tại lâu dài nếu các ông dùng những lời thô bạo. Một người nhỏ mọn phật lòng vì sự phê bình nhẹ nhàng nhất, nghĩ rằng mình bị làm nhục. Điều này không đúng với người bậc thượng, dù cho bị đánh, người ấy cũng không nghĩ đến chuyện trả thù. Ngày nay trên đất nước chúng ta, có rất nhiều người nhỏ mọn. Các ông phải cẩn thận.

 

 

V

 

1

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Đừng do dự từ bỏ mạng sống của mình vì Phật giáo. Với Đạo trong tâm, ngay cả những người thế gian cũng ném bỏ sinh mạng mình, không màng đến gia đình, và tự hiến mình vì lòng trung thành. Những người như thế được người đời biết đến là những vị quan trung thành và những người trí tuệ.

     Xưa kia, Hoàng đế Cao Tông (Kao-tsung)[106] nhà Hán đi đánh nhau với nước láng giềng, mẹ của một vị quan ở trên lãnh thổ địch. Các tướng lĩnh quân đội nghi ngờ lòng trung thành nước đôi của vị quan này, và chính vua Cao Tông cũng hoài nghi người này, nghĩ rằng mẹ ông ta có thể không bỏ mặc kẻ thù. Nếu việc như thế xảy ra, thì có cơ hội bị thua trận. Đồng thời, người mẹ sợ rằng con trai bà có thể quay về vì mình, bà cảnh báo con: “Đừng lơ là lòng trung thành của con bởi vì mẹ. Nếu mẹ tiếp tục sống, con có thể bị phân tâm,” và bà gieo mình vào lưỡi kiếm mà chết. Người ta nói rằng con trai bà, ngay từ đầu đã không có phân chia lòng trung thành, càng quyết tâm nhiều hơn hiến mình cho nhiệm vụ trong chiến đấu.

     Thiền tăng thực sự phù hợp với Phật giáo khi ông ta hoàn toàn không có sự phân tâm. Trong Phật giáo có một ít người ngay từ đầu đã được phú bẩm bi tâmtrí tuệ. Nhưng dù cho những phẩm chất này có thể không hiện diện ngay từ đầu, người ta cũng có thể học để có được những phẩm chất đó. Đừng độc đoán đeo bám vào những cái thấy của mình. Chỉ ném cả thân và tâm sang một bên, nhảy vào biển lớn Phật giáo, và trao mình cho Phật giáo.

     Trong lúc vua Cao Tông nhà Hán trị vì, một vị quan khôn ngoan tâu: “Chữa trị những hỗn loạn của triều chính giống như mở những cái nút thắt của một sợi dây thừng. Đừng vội vã, mà trước hãy xem xét cẩn thận cái nút rồi mở nó.”  

     Với Phật giáo cũng vậy. Hãy tu tập cẩn thận và đi đến chỗ lãnh hội các nguyên tắc của Phật giáo. Những người lãnh hội Phật giáo tốt nhất luôn luôn là những người có tâm cầu Đạo thành khẩn. Dù cho khôn lanh và sáng láng đến đâu, những ai không có cái tâm này thì không thể giải thoát mình khỏi những ham muốn vị kỷ cũng như danh và lợi. Họ không thể trở thành những người Phật giáo chân chính, cũng không thể hiểu được Chánh Pháp.

 

2

Đạo Nguyên huấn thị:

     Những người học Đạo không nên học Phật giáo vì mình. Họ phải học Phật giáo chỉ vì Phật giáo thôi. Điểm căn bản là xả bỏ thân tâm mà không giữ lại bất cứ cái gì và cúng dường chúng cho biển lớn Phật giáo. Kế đó các ông phải mạnh mẽ thực hiện những gì khó làm và khó chịu đựng, mà không quan tâm đến đúng và sai, và không đeo bám vào các ý kiến riêng của mình. Các ông phải ném sang một bên bất cứ điều gì không phù hợp với chân lý Phật giáo dù cho đó là điều mà mình ưa thích nhất. Đừng bao giờ cố đạt một cái gì tốt bù lại bằng công đức tu tập Phật giáo. Một khi các ông đã tự mình cam kết với Phật giáo, thì không cần đến mình nữa. Chỉ tu tập phù hợp với những qui tắc Phật giáo và không để bị vướng mắc trong những cái thấy cá nhân của mình. Tất cả điều này đã được chứng minh trong quá khứ. Nếu tâm các ông không cầu tìm điều gì, thì các ông sẽ được đại bình an.

     Trong thế gian, có những người không bao giờ kết giao với người khác và chỉ lớn lên trong nhà họ. Họ hành xử một cách độc đoán theo ý họ và đưa ra tiền lệ theo ý kiến của họ, không quan tâm những gì người khác thấy và nghĩ. Những người như thế luôn luôn là xấu. Trong khi học Đạo, hãy cẩn thận những điều như vậy. Các ông sẽ trở thành những người Phật giáo chân chính một cách dễ dàng nếu các ông làm việc một cách gần gũi với người khác, theo thầy mình, không dựng lập cái thấy của riêng mình, và hãy làm mới tâm mình.

     Trong sự học Đạo, điều đầu tiên các ông phải làm là hiểu cái nghèo. Nếu các ông ném bỏ danh và lợi sang một bên, không khéo léo để được lòng ai, và phế bỏ tất cả mọi sự, chắc chắn các ông sẽ thành tăng nhân tốt. Ở Trung Hoa những người được người ta biết đến như là tăng nhân tốt đều là những người nghèo. Y áo của họ sờn rách, mọi thứ quanh họ đều đạm bạc.

     Khi tôi ở núi Thiên Đồng, người thư ký của chùa có pháp danh là Tao-ju. Ông ấy là con trai của quan Tể tướng, nhưng vì ông ấy đã xa lìa gia đình và không luyến tiếc cái lợi thế gian, y phục của ông ấy rách rưới, và người ta hiếm khi để mắt nhìn ông ấy. Nhưng ông ấy được người ta biết đến vì đức hạnh của ông ấy và ông ấy trở thành thư ký của một ngôi chùa lớn. 

     Có lần tôi hỏi ông ấy: “Huynh là con trai của một quan chức và là thành viên của một gia đình giàu có. Sao huynh lại mặc những đồ thô xấu và cùng khổ như thế?”

     “Bởi vì tôi là một tăng nhân,” ông ấy đáp. 

 

3

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Một người thế gian đã nói: “Kho tàng thường trở thành kẻ thù đem lại nguy hại cho thân. Trong quá khứ đã như vậy, và bây giờ cũng như vậy.”

     Câu chuyện xảy ra nhận xét này như sau: Ngày xưa có một thường nhân có người vợ đẹp. Một lãnh chúa địa phương muốn có người đàn bà đó, nhưng người chồng từ chối không cho vợ mình. Rồi lãnh chúa triệu tập quân lính bao vây nhà họ. Khi người vợ sắp bị mang đi, người chồng nói: “Vì nàng, ta đang mất đi mạng sống của ta.” Người vợ đáp: “Vì chàng, thiếp sẽ ném bỏ mạng sống của thiếp,” và nàng từ trên tòa nhà cao nhảy xuống mà chết. Sau đó người chồng tìm cách trốn thoát được và kể lại câu chuyện

     Ngày xưa có một người khôn ngoan cai quản một tỉnh là quan tri phủ. Con trai ông ta vâng lệnh ra đi vì việc quốc gia, anh ta đến từ biệt cha. Khi anh ta đi, người cha tặng anh một bó lụa.

     Người con trai nói: “Cha là một vị quan quan thanh liêm. Cha từ đâu mà có lụa này?

     Người cha đáp: “Cha mua nó bằng những đồng lương còn lại của cha.”

     Người con trai tiến hành đến kinh đô, anh ta kể chuyện này với Hoàng đế. Hoàng đế rất cảm phục sự khôn ngoan của người cha. Người con trai nói: “Cha hạ thần cho đến bây giờ vẫn tìm cách che giấu tên ông. Bây giờ hạ thần đã tiết lộ tên cha. Trí khôn ngoan của cha hạ thần quả thật trên hẳn của thần.”

     Điểm trọng yếu của câu chuyện này là, trong khi bó lụa chỉ là một vật tầm thường, người khôn ngoan ấy biết rằng mình không nên dùng của công vào việc tư. Nhưng người khôn ngoan thật sự che giấu tài năng của mình và chỉ lưu ý rằng món quà là hoàn toàn chính đáng, bởi vì nó đến từ tiền lương riêng của ông ta. Khi chúng ta có những người thế tục như thế này, thì Thiền tăng càng nên có cái tâm không cầu gì cho chính nó biết bao. Những người thực sự theo Đạo sẽ khéo che giấu sự kiện họ là người Phật giáo.

 

Đạo Nguyên lại nói:

     Có lần có người hỏi một Đạo sĩ: “Làm thế nào một người trở thành một hiền sĩ?”

     Đạo sĩ trả lời: “Nếu ông muốn trở thành một hiền sĩ, chỉ cần thích Đạo của các hiền sĩ.”

     Vì thế, nếu người học muốn đạt Đạo của Phật và Tổ, họ phải thích Đạo của Phật và Tổ.”

 

4

Đạo Nguyên huấn thị:

     Vào thuở xa xưa có một ông vua, sau khi đem đến nền thịnh trị cho đất nước mình, hỏi các quan thượng thư: “Trẫm đã cai trị tốt đất nước này. Điều này có làm trẫm thành một minh quân không?”

     Các quan thượng thư tâu: “Bệ hạ đã cai tri tốt quốc gia. Bệ hạ quả thật là một minh quân.”

     Tuy nhiên, một quan thượng thư đáp: “Bệ hạ không phải là minh quân.” Khi nhà vua hỏi tại sao, quan thượng thư trả lời: “Khi bệ hạ lên nắm quyền, bệ hạ chỉ ban đất cho các con trai của bệ hạ mà không ban gì cho người em của bệ hạ.” Nhà vua không hài lònglưu đày quan thượng thư.

     Sau đó nhà vua hỏi một quan thượng thư khác: “Trẫm có nhân từ không?” Khi được bảo là nhân từ, nhà vua hỏi tại sao như thế.

     Quan thượng thư đáp: “Một người cai trị nhân từ luôn luôn có những vị quan thượng thư trung thành, những vị quan thượng thư trung thành hiến lời khuyên chính trực. Vị quan thượng thư bị bệ hạ lưu đày đã hiến bệ hạ loại lời khuyên này, ông ta là một vị quan thượng thư chính trực. Nếu bệ hạ không nhân từ, thì bệ hạ đã không có được một người như thế.” Nhà vua rất cảm phụctriệu hồi vị quan thượng thư trước kia.

 

Đạo nguyên lại nói:

     Trong thời Hoàng đế thứ nhất của nhà Tần (Ch’in), một hoàng tử lập kế hoạch mở rộng các khu vườn của mình. Một quan thượng thư bình phẩm: “Một ý kiến tuyệt vời. Nếu điện hạ mở rộng các khu vườn, tất cả các loại chim và thú sẽ tụ hội ở đó, và rồi chúng ta có thể tự phòng vệ chống lại các đội quân láng giềng với những đội quân chim và thú.” Với những lời này, dự án mở rộng vườn bị bỏ rơi.

     Vào một dịp khác, hoàng tử đề nghị xây một cung điện với những cây cột sơn đen. Vị quan thượng thư nhận xét: “Điều này tốt thôi. Bằng những cây cột sơn đen, điện hạ có thể chận được quân thù xâm nhập. Dự án ấy cũng bị bỏ rơi.

     Tinh hoa của Khổng giáokiểm tra cái xấu và khuyến khích cái tốt bằng dùng lời nói khéo léo. Thiền tăng, khi hướng dẫn người khác, cũng nên dùng sự khéo léo như thế.

 

5

     Một hôm một tu sĩ hỏi: “Một người có trí không có tâm cầu Đạo hay một người không có trí mà có tâm như thế, người nào tốt hơn?”

     Đạo Nguyên đáp: “Trong nhiều trường hợp, người không có trí mà có tâm cầu Đạo cuối cùng sẽ thối lui, trong khi người có trí nhưng không có tâm cầu Đạo cuối cùng sẽ thức ngộ tâm này. Có nhiều tấm gương như thế trong thế giới ngày nay. Vì thế, đừng quan tâm mình có tâm này hay không mà chỉ tập trung vào sự học Đạo thôi.

     “Để học Đạo, ông phải nghèo. Trong các tác phẩm kể cả của Phật giáo và của thế tục, chúng ta thấy có những thí dụ: một vài người nghèo đến độ không có nhà để ở; những người khác như Khuất Nguyên người nước Sở (Ch’ü Yüan), đã trầm mình xuống sông Ts’ang-lang;[107] một vài người trốn trong núi Thú Dương (Shou- yang);[108] một vài người tu tập ngồi thiền dưới gốc cây và trên nền đất trơ trụi; và những người khác dựng những chỗ trú sơ sài giữa các ngôi mộ hay trong núi rừng hoang vắng. Lại nữa, có những người giàu sang, có nhiều sở hữu, dựng những cung điện trang trí bằng sơn mài màu đỏ, vàng, và đá quí. Chuyện về những người như thế được ghi lại trong sách. Nhưng trong tấm gương này, những người được ca ngợitrở thành những kiểu mẫu để khuyến khích người sau, tất cả đều nghèo không có sở hữu gì cả. Đến khi cảnh báo phải thận trọng đối với cách hành xử xấu xa, những người sở hữu của cảitài sản xa hoa đều bị khiển trách vì họ là những người hoang phí.

 

6

Đạo Nguyên huấn thị:

     Tăng nhân không bao giờ nên hoan hỉ thọ nhận những vật bố thí của công chúng; song cũng không nên từ chối họ. Cố Trụ trì Vinh Tây nói: “Hoan hỉ thọ nhận của bố thí của công chúng không hợp với những qui định của Phật giáo. Không hoan hỉ nhận lấy không hợp với tấm lòng của người bố thí.” Quan điểm truyền thống nói rằng cúng dường không phải cho vị tăng ấy mà là cho Tam Bảo. Vì thế, các ông phải nói với người bố thí: “Chắc chắn Tam Bảo sẽ nhận cúng dường của thí chủ.”

 

7

Đạo Nguyên huấn thị:

     Người xưa nói: “Người quân tử mạnh hơn bò, nhưng không đấu với bò,” Người học ngày nay, mặc dù họ cảm thấy trí tuệtài năng của họ ở mức thượng đẳng, không nên hân hoan tranh cãi với người khác. Đừng dùng lời thô bạo mắng chưởi người khác và đừng trừng mắt giận dữ nhìn họ. Dù người ngày nay bố thí những món có thực chất và trao tặng những ưu ái, họ có khuynh hướng phản ứng chống lại các ông nếu họ khám phá vẻ giận dữ trên mặt của người khác hay họ bị phê bình bằng những lời thô bạo

     Một lần hòa thượng Chân Tịnh Khắc Văn (Chen-ching K’o-wen)[109] kể với hội chúng: “Hồi trước, khi Tuyết Phong (Hsüeh-feng)[110] và tôi cùng học với nhau, chúng tôi tạo nên tình bạn gắn bó. Một hôm Tuyết Phong tranh luận giáo lý với một học nhân khác trong phòng ngủ của tăng nhân. Họ to tiếng tranh luậncuối cùng bắt đầu đánh nhau, dùng ngôn ngữ gièm pha nhau quá mức. Khi cuộc tranh luận kết thúc, Tuyết Phong lôi tôi vào cuộc: “Chúng ta là bạn đồng học có tâm giống nhau. Chúng ta còn tạo nên sự gắn bó với nhau. Tại sao huynh không giúp tôi khi tôi đánh nhau với người bạn đó?” Tất cả tôi có thể làm vào lúc ấy là cúi đầu lễ bái trong tiếc nuối.

     “Sau này Tuyết Phong trở thành một bậc thầy tuyệt vời, và tôi trở thành hòa thượng của chùa này. Bây giờ khi nghĩ lại chuyện xảy ra, tôi thấy cuộc tranh luận của Tuyết Phong không nhằm mục đích hữu dụng nào. Quả thật, tranh luận luôn luôn là một lầm lỗi. Bởi vì tôi tin tranh luận là vô mục đích, tôi đã giữ im lặng.” 

     Người học bây giờ nên xem xét điều này một cách chu đáo. Nếu các ông có quyết tâm học Đạo, các ông phải làm như thế, miễn cưỡng bất cứ lúc nào cũng là lãng phí. Lúc nào các ông có thì giờ mà tranh cãi với người khác? Nó sẽ không làm được chuyện gì tốt cho các ông hay bất cứ ai khác về lâu về dài. Nếu với giáo lý Phật giáo mà như vậy, thì tranh cãi về những việc thế gian còn vô dụng hơn biết chừng nào!

     “Người quân tử mạnh hơn bò, nhưng không đấu với bò.” Dù cho các ông nghĩ rằng mình biết trọn vẹn giáo lý và hơn xa địch thủ, các ông không nên vùi dập họ bằng tranh cãi.Nếu một người chân thành tìm cầu Phật giáo hỏi các ông về giáo lý, chớ có miễn cưỡng khi cho người ấy câu trả lời. Hãy vì người ấy mà giải thích. Nhưng với ba câu hỏi, chỉ cho một câu trả lời; những bình luận dài dòng đều không có giá trị. Sau khi đọc những lời của sư Chân Tịnh, tôi nhận ra rằng chính tôi đã bị lỗi ở chỗ này. Giữ lời của sư trong lòng, tôi đã ngừng tranh luận giáo lý với người khác.

 

8

Đạo Nguyên huấn thị:

     Các bậc sư xưa thường cảnh báo: “Đừng lãng phí thời gian” và “đừng để thời gian trôi qua vô ích.” Người học ngày nay nên tận dụng từng giây phút một. Đời này như sương móc tan đi; thời gian trôi qua nhanh chóng. Trong cuộc đời ngắn ngủi này của chúng ta, hãy tránh can dự vào những việc dư thừa vô ích và chỉ học Đạo thôi.

     Người ngày nay nói: “Khó phế bỏ bổn phận đối với cha mẹ,” hay “Khó mà không vâng lệnh chủ nhân,” hay “Khó chia ly với vợ, con, và thân nhân.” Hoặc họ nói: “Khó bảo đảm sinh kế cho thân nhân của tôi,” hay “Người ta sẽ chửi tôi nếu tôi bỏ nhà.” Hoặc họ lại nói: “Tôi quá nghèo không thể mua phương tiện cho đời sống tự viện,” hay “Tôi không có khả năng chịu đựng sự học Đạo.” Nghĩ như vậy, họ nhập cuộc theo đuổi giàu sangcủa cải, mà không xa lìa chủ nhân hay cha mẹ và không đoạn tuyệt với vợ conthân nhân. Với tất cả cuộc đời bị lãng phí, họ sẽ chỉ có những hối hận khi đối mặt với kết cuộc

     Hãy ngồi tĩnh lặng và xem xét những nguyên tắc của Phật giáo; và nhanh chóng quyết phát tâm cầu Đạo. Chủ nhân và cha mẹ không thể cho các ông sự giác ngộ. Vợ conthân nhân không thể cứu vớt các ông khỏi đau khổ. Giàu sangtài sản không thể giải thoát các ông khỏi vòng sinh tử. Người thường không thể giúp được các ông. Nếu các ông không tu tập bây giờ, nói rằng mình không có khả năng, thì khi nào các ông có thể đạt được Đạo? Hãy nhất tâm học Đạo mà không nghĩ đến mọi sự. Đừng để đến sau này mới nghĩ đến điều đó.

 

9

Đạo Nguyên huấn thị:

     Trong học Đạo, hãy xa lìa những mối quan tâm về ngã. Dù cho các ông học hết tất cả kinh luận, nếu các ông không thể cắt đứt những mối ràng buộc với ngã, các ông sẽ không thể tránh được rơi vào cõi của ác quỉ. Một cổ đức nói: “Nếu các ông không có thân và tâm của Phật-pháp, làm sao các ông thành Phật hay Tổ được?”

     Xa lìa ngã có nghĩa là ném bỏ thân và tâm mình vào biển lớn Phật giáotu tập phù hợp với Phật giáo, dù có khó nhọc hay lo lắng bất an nào. Các ông có thể cảm thấy xin ăn làm mình thấp kém trong con mắt người khác, nhưng các ông sẽ không bao giờ có thể nhập vào Phật giáo được chừng nào các ông còn nghĩ theo cách này. Hãy quên tất cả những quan niệm thế gian và hãy học Đạo, chỉ nương tựa vào Chân lý. Nghĩ rằng mình không hợp với Phật giáo bởi vì căn cơ của mình thấp kém cho thấy đó là một mối ràng buộc với ngã. Quan tâm đến ý kiếnphản ứng của người khác là căn bản của sự tự ràng buộc mình. Chỉ học Phật giáo thôi. Đừng theo tình kiến của thế gian.

 

10

     Một hôm Hoài Tráng hỏi: “Những người ở trong một Thiền viện tự hành xử như thế nào trong sự học Phật giáo?”

     Đạo Nguyên huấn thị: “Chỉ tu tập ngồi thiền. Bất cứ ông ở đâu, dù ở tầng trên hay ở tầng dưới, chỉ tu tập thiền định. Thay vì nói chuyện tầm phào với người khác, hãy luôn luôn ngồi một mình như một người câm điếc.”

 

11

Một hôm, sau một bài pháp, Đạo Nguyên huấn thị:

     Ta-tao Ku-ch’üan[111] nói: “Tôi ngồi đối mặt với gió; tôi ngủ đối mặt với mặt trời. Tôi thoải mái hơn những người ngày nay mặc áo thêu giàu có.” Đây là lời của một bậc thầy xưa, nhưng tỏ ra có chút nghi. Bằng những chữ “người ngày nay” sư không muốn nói những người ham lợi thế gian sao? Nếu vậy, họ rất ít đáng lân mẫn. Sao còn nhắc đến họ? Hay sư muốn nói đến những người đang học Phật giáo? Nếu vậy, sao nói họ cảm thấy thoải mái hơn những người đang mặc áo thêu giàu có? Nếu các ông nhìn vào thái độ phía sau lời tuyên bố này, dường như sư đánh giá những chiếc áo thêu giàu sang. Một hiền giả thì không như vậy. Hiền giả không chấp vàng bạc châu báu cũng không chấp ngói sỏi. Đây là lý do tại sao đức Thích-ca Mâu-ni ăn cháo sữa do một cô gái vắt sữa cúng dường cũng như lúa dành cho ngựa. Cả hai thứ đó đối với ngài giống nhau.

     Trong Phật giáo không có nhẹ và nặng; ấy là người phân biệt nông và sâu. Trong thế gian có một ít người từ chối chấp nhận viên ngọc nếu nó được cúng dường như một vật có giá trị, trong khi họ sẽ vui vẻ chấp nhận một vật nào đó bằng gỗ và đá nếu họ được bảo rằng nó không có giá trị. Ngọc vốn từ đất đến, gỗ và đá là do trái đất to lớn sản xuất. Tại sao một cái không được chấp nhận vì nó có giá trị, và cái kia được chấp nhậnbảo tồn bởi vì nó rẻ tiền? Có thể ấy là vì lòng ham muốn chấp nhận vật có giá trị ám chỉ sự ràng buộc không? Song, nếu chấp nhận và ấp ủ vật rẻ tiền, lỗi vẫn giống nhau. Đây là điều mà người học phải cẩn thận.

 

12

Đạo Nguyên huấn thị:

     Khi tiên sư  Minh Toàn (Myōzen)[112] sắp sửa đi Trung Hoa, thầy của sư, Myōyū,[113] ở núi Tỷ Duệ (Hiei) trở bệnh trầm trọng và nằm trên giường chết.

     Lúc đó Myōyū nói: “Tôi khổ vì bệnh già và sắp chết, bây giờ xin hãy hoãn lại chuyến đi Trung Hoa, chăm sóc tôi trong cơn bệnh cuối cùng, hướng dẫn các lễ cho tôi, và thực hiện kế hoạch bổn sự của ông sau khi tôi ra đi.”

     Lúc ấy Minh Toàn gọi các đệ tử của sư và các tu sĩ đồng môn lại và tham khảo ý kiến của họ. “Sau khi tôi ra khỏi nhà cha mẹ tôi từ lúc còn nhỏ,” sư nói, “tôi lớn lên dưới sự chăm sóc của vị thầy này và tôi biết ơn thầy một cách sâu xa. Từ thầy tôi đã học giáo thuyết Phật giáo, văn học Đại thừaTiểu thừa, và các giáo lý quyền và thực. Thầy đã bồi đắp sự hiểu biết của tôi về nhân duyên, về đúng và sai, khiến tôi có khả năng vượt qua các đồng đạo và có được danh vọng. Ngay cả sự phân biệt các nguyên tắc Phật giáophát khởi quyết tâm sang Trung Hoa của tôi để cầu tìm Chánh Pháp cũng phát sinh từ lòng từ ái của thầy. Nhưng năm nay thầy đột nhiên già đi và bây giờ nằm bệnh trên giường chết. Thầy chỉ còn sống trong một thời gian ngắn, và tôi sẽ không bao giờ thấy thầy nữa nếu bây giờ tôi đi. Vì những lý do này thầy đã mạnh mẽ giục tôi hoãn lại chuyến đi. Khó mà không vâng theo yêu cầu của thầy. Nhưng chuyến đi Trung Hoa của tôi bây giờ vì sự liều mạng sống của tôi để cầu Đạo cũng phát xuất từ tâm đại bi của vị Bồ-tát ấy và sự ham muốn làm lợi ích tất cả chúng sinh. Có gì biện minh cho việc không vâng theo ước mong của thầy tôi và việc đi Trung Hoa của tôi không? Hãy cho tôi biết tất cả các vị cảm thấy thế nào về việc này.”

     Tất cả đệ tử của sư đáp: “Hãy bỏ chuyến đi Trung Hoa năm nay. Sư ông gần kề cái chết, sư ông không thể sống lâu được. Nếu thầy chỉ ở lại năm nay và đi Trung Hoa vào năm tới, thầy sẽ không trái nghịch với mong ước của sư ông và không chểnh mảng bổn phận của thầy. Có gì cản trở việc thầy hoãn lại chuyến đi trong sáu tháng hay một năm? Nếu thầy hoãn lại, thầy sẽ không phá vỡ mối liên hệ gần gũi giữa thầy và đệ tử và vẫn còn có thể thông qua được những dự định đi Trung Hoa ban đầu của thầy.”

     Mặc dù thời gian này tôi là người ít kinh nghiệm nhất trong tăng chúng, tôi nói: “Nếu thầy cảm thấy sự giác ngộ Phật giáo của thầy bây giờ xứng đáng, tốt hơn nên hoãn lại chuyến đi của thầy.”

     Minh Toàn nói: “Đó là như vậy. Nếu sự tu tập Phật giáo đạt đến giai đoạn này, thì đủ tốt rồi. Nếu tôi cứ tu tập như thế trong phần đời còn lại của tôi, tôi nghĩ sẽ diệt được mê hoặcđạt được Phật Đạo.”

     “Nếu như vậy, thì thầy hãy ngừng chuyến đi,” tôi nói.

     Sau khi mỗi người đã nói ra ý kiến của mình và cuộc thảo luận chấm dứt, Minh Toàn nói: “Tất cả các người dường như đồng ý rằng tôi nên ở lại, nhưng tôi lại thấy khác. Dù cho bây giờ tôi ở lại, việc này cũng không kéo dài được mạng sống của người đang hấp hối. Dù cho tôi ở lại và chăm sóc ông, tôi cũng không thể làm ông hết đau khổ. Dù cho tôi làm ông cảm thấy an ủi trong những giờ phút cuối cùng, cũng không có gì liên hệ với việc ông thoát khỏi vòng sinh tử. Tất cả việc này tóm lại sẽ an ủi thầy tôi hợp với sự yêu cầu của ông. Điều đó tuyệt đối sẽ là vô dụng trong sự xa lìa thế gian và đạt Đạo. Nếu quyết tâm cầu Đạo của tôi bị chướng ngại một cách sai lầm, ấy sẽ là cái nguồn của những hành vi ác. Nhưng nếu tôi có thể thực hiện chuyến viếng thăm Trung Hoa cầu Pháp và còn có thể được chút dấu vết của giác ngộ, nó sẽ phục vụ làm thức tỉnh nhiều người, dù cho nó trái với ước muốn mê hoặc của một người. Nếu đức hạnh đạt đượcphi thường, nó sẽ báo đáp lòng từ ái của thầy tôi. Dù cho tôi phải chết trong lúc vượt biển và thất bại trong kế hoạch ban đầu của tôi, vì cái chết của tôi sẽ phát sinh từ quyết tâm cầu Đạo của tôi, thệ nguyện của tôi sẽ không kiệt tận trong đời vị lai. Hãy nghĩ đến chuyến du hành của sư Huyền Trang (Hsüan-tsang)[114] đến Ấn Độ. Lãng phí thì giờ chỉ vì một người là không hợp với ý Phật. Vì thế, tôi nhất định đi trung Hoa bây giờ.” Với những lời này, Minh Toàn khởi hành đi Trung Hoa.

     Từ những lời này của sư tôi có thể nói rằng Minh Toàn thật sự có quyết tâm cầu Đạo. Người học ngày nay không nên làm những điều vô dụng và phí thì giờ một cách vô ích, dù cho là vì cha mẹ hay sư thầy. Họ không nên để Phật giáo, giáo lý tuyệt vời nhất trong tất cả mọi giáo lý, sang một bên và lãng phí ngày giờ của họ.

      Lúc đó Hoài Tráng hỏi: “Trong khi thật sự cầu Pháp, chắc hẳn phải nhất thiết khước từ toàn bộ những sợi dây bổn phận của thế gian ràng buộc chúng ta với cha mẹ và sư thầy trong thế gian mê hoặc này. Dù cho chúng ta hoàn toàn ném sang một bên bổn phận và tình thương yêu đối với cha mẹ và sư thầy khi chúng ta quan tâm những hoạt động của một vị Bồ-tát, chúng ta có nên đặt sang một bên những lợi ích cho chính mình và việc làm lợi ích cho người khác không? Vì không một ai khác chăm sóc thầy mình ở dưỡng đường trong lúc tuổi già, nó không trái với cách hành xử của vị Bồ-tát vì sư Minh Toàn chỉ nghĩ đến sự tu tập của mình và không chăm sóc thầy khi sư ở vị trí trợ giúp thầy sao? Một Bồ-tát không nên phân biệt trong những hành vi thiện của mình. Chúng ta có đặt căn bản sự hiểu biết của mình trên những hoàn cảnh và cơ hội dù chúng có thể là gì không? Theo nguyên tắc này, sư không nên ở lại giúp thầy sao? Sư không nên giúp người thầy già nua và bệnh tật của sư, thay vì chỉ nghĩ đến lòng ham muốn cầu Pháp của riêng mình sao? Ý thầy thế nào?”

     Đạo Nguyên huấn thị: “Trong cả hai việc làm lợi ích người khác và tự mình tu tập, bỏ cái thấp hơn và giữ cái cao hơn bao gồm trong hành động tốt của Bồ-tát. Dâng món chay đậu và nước trong nỗ lực cứu người già và đau yếu chỉ nuôi dưỡng tình thương bị dẫn dắt lầm lẫn và những phiền não mê hoặc của cuộc đời ngắn ngủi này. Nếu ông quay lưng lại với những cảm xúc mê hoặchọc Đạo dẫn đến giác ngộ, dù cho ông có thể có lý do để ân hận nào đó, ông sẽ thiết lập được căn bản cho sự siêu việt thế gian. Hãy xét kỹ điều này, Hãy xét kỹ điêu này!”

 

13

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Nhiều người trong thế gian này nói: Tôi nghe lời thầy nói, nhưng nó không hợp với những gì tôi nghĩ.” Đây là cái thấy lầm lẫn. Tôi không biết những gì ở trong tâm họ. Có thể họ đang nghĩ rằng những nguyên tắc của các giáo lý thiêng liêng ấy là sai bởi vì chúng không hợp với những gì do họ tưởng tượng không? Đây là hoàn toàn rồ dại. Hay là những lời ấy do một vị thầy không hợp với tâm họ nói ra? Nếu vậy, tại sao họ không hỏi vị thầy ấy ngay lúc ban đầu? Hay họ nói điều này trên căn bản những khái niệm cảm xúc thông thường của họ? Nếu thế, khái niệm cảm xúc này chỉ là cái tâm bị mê hoặc đã từ vô thủy xuống đến hiện tại.

     Điểm trọng yếu của sự học Đạoxóa bỏ tất cả những quan niệm về ngã mà ông đã bám lấy cho đến bây giờ và tự tái tạo hoàn toàn theo các kinh văn thiêng liêng, dù cho các kinh văn ấy không xảy ra hợp với niềm tin của riêng ông. Đây luôn luôn là một điều thiết yếu đối với sự học Đạo.

     Mấy năm trước khi tôi đang học, trong những người đồng học với tôi có một người bám chặt vào những niềm tin của riêng mình. Người ấy viếng nhiều Thiền sư, nhưng ông ta đã lãng phí đời mình và không hiểu Phật giáo bởi vì ông ta từ chối những gì không hợp với tâm mình và chỉ chấp nhận những gì hợp với những ý niệm có trước của ông ta. Điều này khiến tôi nhận ra rằng đừng bao giờ tiếp cận sự học Đạo với thái độ này. Với điều này trong tâm, tôi theo những lời của thầy và thức tỉnh đầy đủ với chân lý. Sau này tôi tìm thấy đoạn văn sau đây ở một trong những quyển kinh tôi đọc: “Nếu ông muốn học Phật giáo, đừng mang theo mình cái tâm phan duyên của quá khứ, hiện tại, và vị lai.” Tôi biết chắc rằng tôi phải quên đi những quan điểmý kiến khác nhau tích lũy từ quá khứ và tôi phải dần dần tự cải thiện mình.

     Một tác phẩm thế tục nói: “Lời trung thực trái tai.”[115] Đây có nghĩa là lời khuyêngiá trị thường khó nghe. Dù cho không hợp ý, lời khuyên như thế, nếu kiên định theo, cuối cùng sẽ có giá trị.

 

14

Một hôm, sau một thuyết thoại về nhiều đề tài khác nhau, Đạo Nguyên nói:

     Ngay từ đầu, không có tốt hay xấu trong tâm con người. Tốt và xấu phát sinh theo hoàn cảnh. Ví dụ, khi một người muốn học Phật giáo và vào rừng ẩn tu, người ấy thấy sự yên tĩnh của rừng là tốt và thế giới bận rộn của con người là xấu. Rồi khi trở nên chán và quyết tâm yếu đi, người ấy lìa bỏ rừng, vì bây giờ thấy nó xấu. Nói cách khác, tâm khôngđặc tính cố định; tốt và xấu tùy thuộc vào hoàn cảnh. Như thế, nếu các ông gặp hoàn cảnh tốt, tâm các ông sẽ trở nên tốt và nếu các ông rơi vào hoàn cảnh xấu, tâm các ông sẽ trở nên xấu. Chớ nghĩ rằng tâm vốn là xấu. Chỉ thuận theo hoàn cảnh.

 

15

Vào một dịp khác Đạo Nguyên huấn thị:

     Tôi tin rằng tâm con người thường bị lời nói của người khác ảnh hưởng. Trong Luận Đại Trí Độ[116] viết: “Giả sử có một người ngu cầm một viên ngọc quí trong tay và nghe người nào đó nói: ‘Cầm vật ấy trong tay ông trở nên tầm thường làm sao.’ Người ấy nghĩ: ‘Viên ngọc này quí giá, nhưng thanh danh của ta cũng quan trọng. Ta không muốn bị người ta nghĩ mình hèn kém.’ Lo nghĩ về chuyện đó, người ấy quan tâm đến thanh danh của mình đến độ vì lời nói của người khác khiến cho người ấy ném đi viên ngọc, muốn ai đó nhặt lấy nó. Cuối cùng người ấy mất viên ngọc.”

     Tâm con người là như thế. Một người có thể nghĩ rằng điều gì đó đối với mình chắc chắn là tốt, nhưng người ấy bỏ nó bởi vì lo lắng cho thanh danh của mình. Rồi lại, trong khi ý thức rằng điều gì đó là hoàn toàn xấu đối với mình, người ấy sẽ theo đuổi nó chỉ vì danh và lợi. Khi theo tốt và xấu, tâm bị tốt và xấu lôi kéo. Vì thế, dù tâm ông có thể xấu thế nào trong quá khứ, nếu ông theo một Thiền sư tốt, ông sẽ trở thành giống như người tốt, và tâm ông tự nhiên trở nên tốt. Nếu ông kết bạn với người xấu, dù trong tâm ông biết ngay từ đầu đó là xấu, cuối cùng chính ông trở thành xấu, vì ông rơi vào ảnh hưởng của người ấy mà ông không biết.

     Lại nữa, tâm con người, dù cho quyết định không cho người khác vật gì đó, sẽ lưỡng lự hiến nó nếu được người ta đủ kiên trì hỏi xin. Mặt khác, có người có thể đã quyết tâm cho đi một vật gì nhưng cuối cùng không cho bởi vì thiếu cơ hội hay không có dịp.

     Vì thế, người học, dù cho có thể không có tâm cầu Đạo, nên kết bạn với người tốt, trở nên can dự vào những hoàn cảnh tốt, nghe và thấy cùng một điều nhiều lần. Đừng nghĩ rằng bởi vì đã nghe và thấy một lần, thì không cần phải nghe và thấy lại nó. Đối với những người đã phát tâm cầu Đạo, mỗi lần nghe là mài giũa cái cái tâm và tạo được tiến bộ, dù cho đề tài có thể là cùng một thứ. Những người không có tâm này có thể không đạt được nhiều trong lần nghe thứ nhất hay thứ nhì, nhưng nếu họ tiếp tục lắng nghe đều đặn, lâu dần sẽ thấm ướt, như quần áo dần dần sẽ ướt khi đi trong sương mù. Nếu họ nghe lời nói của người tốt nhiều lần, tự nhiên lòng xấu hổ phát sinh vì mình không có tâm cầu Đạo, và tâm đó tự nó sẽ thực sự phát sinh. Vì thế, dù cho quen thuộc đến đâu, ông phải xem những kinh điển thiêng liêng ấy nhiều lần. Dù ông đã nghe những lời của thầy mình đã nói nhiều lần, ông phải lắng nghe chúng lại mãi. Dần dần tâm ông sẽ được khuấy động đến những nơi sâu hơn. Đừng mãi đến gần bất cứ cái gì ngăn cản sự tu Đạo. Dù cho đau đớn và khó khăn đến đâu, cũng hãy đến gần người bạn tốt và tu Đạo.

 

 

16

Đạo Nguyên huấn thị:

     Một lần Thiền sư Đại Huệ (Ta-hui)[117] có cục u mọc ở mông. Y sĩ khám nghiệm cho sư và thấy nó cực kỳ nguy hiểm. Đại Huệ hỏi: “Nếu trầm trọng như thế, tôi có sắp chết không?”

     “Rất có cơ thầy sẽ như thế,” y sĩ đáp.

     “Nếu tôi sắp chết, tốt hơn tôi nên nỗ lực ngồi thiền nhiều hơn,” Đại Huệ nói. Sư tập trung ngồi thiền, cục u vỡ ra, và đó là tất cả sự vụ.

     Tâm của người xưa là như vậy. Khi họ mắc bệnh, họ càng dốc toàn lực ngồi thiền. Ngày nay những người hoàn toàn khỏe mạnh không nên có thái độ lơi lỏng trong tu tập ngồi thiền. Tôi ngờ rằng sự kiện bệnh tật xảy ra phát sinh từ tâm. Nếu ông nói dối với một người đang nấc cụt, đặt người ấy vào thế phòng vệ, người ấy rất bận giải thích cho mình nên hết nấc cụt. Vài năm trước, khi tôi đi Trung Hoa, tôi khổ vì bệnh tiêu chảy trong lúc trên tàu. Một cơn bão dữ dội nổi lên, tạo nên tình trạng vô cùng hỗn loạn; trước khi tôi biết được, bệnh của tôi đã biến mất. Điều này khiến tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tập trung vào việc học và quên đi những thứ khác, bệnh sẽ không phát sinh.

 

17

Đạo Nguyên huấn thị:

     Có một câu tục ngữ phổ biến: “Trừ phi hành xử như người câm điếc, thì không thể trở thành gia trưởng được.” Điều này có nghĩa là một người không chú ý đến sự vu khống của người khác và không nói lời phê bình về những khuyết điểm của họ sẽ có thể hoàn thành việc làm của mình. Một người như thế xứng đáng trở thành gia trưởng. Đây có thể chỉ là một câu tục ngữ, nhưng nó cũng áp dụng cho cách hành xử của Thiền tăng. Làm sao một người tu Đạo mà không phản ứng trước sự khinh bỉ hay thù ghét của người khác và không nói điều gì tốt hay xấu về họ? Chỉ những người đã thâm nhập đến tận xương tủy là có thể thành tựu điều này.

18

Đạo Nguyên huấn thị:

     Thiền sư Đại Huệ tuyên bố: “Trong sự học Phật giáo ông phải có thái độ của một người đã mượn một món tiền lớn và rồi bị đòi phải trả lại khi mình không có gì cả. Nếu ông có thể có cái tâm như thế, thì dễ đạt Đạo.”

 

Đạo Nguyên tiếp:

     Tín Tâm Minh (Hsin-hsin-ming) nói: “Đạt Đạo không khó, chỉ bỏ phân biệt.”[118] Nếu các ông bỏ cái tâm phân biệt sang một bên, tức thời các ông được tỉnh ngộ. Bỏ tâm phân biệt có nghĩa là phá bỏ sự ràng buộc với ngã. Đừng nghĩ rằng học Phật giáo vì lợi ích mà các ông có thể đạt được là cái thay thế cho tu tập Phật giáo. Chỉ tu tập Phật giáoPhật giáo thôi. Dù cho các ông học ngàn kinh vạn luận và khổ nhọc ngồi đến vỡ bồ đoàn, các ông cũng không thể đạt Đạo của Phật và Tổ mà không có quyết tâm này. Chỉ ném thân tâm sang một bên và nếu ở trong Phật giáo mà các ông không có những ý niệm có sẵn thiên lệch, các ông sẽ được tỉnh ngộ tức thời.

 

19

Đạo Nguyên huấn thị:

     Một bậc sư xưa nói: “Trong Thiền viện, tất cả tài sản và hạt thóc cung cấp được đặt dưới sự trông coi của các giám sự, những người hiểu nhân quả và phân bố việc làm thực tế cho những người thích hợp. Điều này có nghĩa là vị Thiền sư của tự viện không phải quan tâm những vấn đề quản trị lớn hay nhỏ nhưng khuyến khích hội chúng kịch liệt ngồi thiền và tham công án.

     Lại nói: “Có được một thuật nhỏ tùy thân tốt hơn là làm chủ những thửa đất phì nhiêu to lớn.” “Khi cho, không mong được đáp lại điều gì, cũng đừng tiếc nuối những gì đã cho người khác.” “Nếu mình có thể giữ miệng im lặng như mũi, sẽ chẳng mời phiền não đến.” “Nếu hành động của một người cao quí, những người khác tự nhiên sẽ kính trọng người ấy, nhưng nếu học thức của một người mà rộng lớn, những người khác sẽ sớm bắt kịp người ấy.” “Nếu ông cày sâu và trồng cạn, ông sẽ mời thiên tai đến.” “Nếu ông lợi mình và hại người, làm sao ông có thể tránh được ác báo?”

     Khi người học Đạo tham công án, họ phải học thân thiết, toàn tâm chú ý và nỗ lực tối đa.

 

20

Đạo Nguyên huấn thị:

     Một bậc sư xưa nói: “Hãy tiến thêm bước nữa từ đầu sào trăm trượng.” Điều này có nghĩa là các ông phải buông bỏ cả thân tâm, như leo lên đầu một cây sào trăm trượng và buông cả chân tay. Có nhiều điểm quan trọng trong việc này.

     Ngày nay, một vài người dường như đã từ bỏ thế gianlìa bỏ gia đình trở thành tăng nhân, nhưng khi có người xét cách hành xử của họ, thì họ không thực sự từ bỏ thế gianlìa bỏ gia đình. Điều kiện tiên quyết thứ nhất cho người lìa bỏ gia đình trở thành tăng nhân là xa lìa ngã và tất cả lòng ham muốn danh lợi. Bất cứ người nào không thể thực hiện được sự xa lìa này có thể tu tập khẩn trương như người cố gắng dập tắt ngọn lửa đang cháy trên đầu mình và nhiệt tâm ấy có thể so với sự quên nhấc chân của Phật,[119] song toàn bộ điều đó tóm lại chỉ là sự cực nhọc vô nghĩa, và người ấy sẽ không bao giờ chạy trốn được thế gian. Ngay cả ở Trung Hoa cũng đã có những người từ bỏ những mối ràng buộc gia đình khó từ bỏ và bỏ những của cải thế gian khó từ bỏ để vào Thiền viện. Một vài người còn chiếm được ngay cả địa vị hòa thượng đường đầu của chùa, song vì họ tu tập mà không biết sự thật cổ xưa này, họ lãng phí đời họ mà không ngộ được Đạo hay làm cho tâm họ trong sáng. Điều này xảy ra bởi vì một vài người, dù cho ngay từ lúc khởi đầu họ đã phát tâm cầu Đạo, trở thành tăng nhân, và làm đồ đệ của các thầy giỏi, họ không nghĩ đến thành Phật thành Tổ mà quan tâm đến việc để cho những người bảo trợbố thí biết chỗ đứng cao của chính họ và chùa của họ. Họ nói điều này với thân nhântìm cách để có được sự tôn kínhcúng dường từ những người khác. Thêm nữa, họ hạ thấp sự toàn bích của các tăng nhân khác, cố gắng tạo ấn tượng rằng một mình họ là có tâm cầu Đạo và chỉ họ là tốt. Những người như thế không đáng nói đến nữa và có thể so sánh với những tăng nhân có năm tật xấu bất trị.[120] Không có gì để nghi ngờ rằng họ sẽ rơi xuống địa ngục. Những người thế gian không biết tình cảnh, đôi khi xem họ là những cá nhân tốt có tâm cầu Đạo.

     Có những người khác hơi khá hơn những người này một chút. Không ham muốn vật cúng dường của các thí chủ, họ vào Thiền việntu tập, cắt đứt mối quan hệ của họ với cha mẹ, vợ con. Song do bản chất, họ lười biếng, mặc dù họ xấu hổtỏ ra lười nhác. Như thế, họ giả vờ là đang tu tập khi vị tăng thủ tọa và các tăng nhân quản lý thiền định đang nhìn họ. Tuy nhiên, khi không ai trông chừng, họ chụp lấy mọi cơ hội để lãng phí thì giờ của họ. Có lẽ họ khá hơn những cư sĩ tự hành xử theo cách không đúng, nhưng họ vẫn không thể ném sang một bên cái ta sự ham muốn danh lợi.

     Rồi lại có những người khác không bị hạn chế bởi những gì mà vị Thầy có thể nghĩ hay họ không lo mình bị các tu sĩ giám thị hay những người cùng học thấy hay không. Nghĩ, “Phật giáo không phải vì những người khác mà vì chính mình thôi,” họ hăng hái cố sức trở thành Phật thành Tổ nơi thân họ. Họ có thể được xem là thông thạo Phật giáo hơn xa những người miêu tả trên, nhưng bởi vì họ chỉ tập suy nghĩ chính họ trở nên tốt, họ chưa phá bỏ sự ràng buộc với ngã. Họ mong được sự chứng nhận của các vị Phật và Bồ-tát khác nhau và hoàn thiện sự giác ngộ của riêng họ. Họ cũng không thể ném sang một bên cái tâm tìm sự thỏa mãn cá nhântheo đuổi danh lợi.

     Tất cả những loại người khác nhau này, dù cho có leo đến đầu sào trăm trượng, họ cũng không thể buông bỏ; họ vẫn bám lấy nó. Những người ném thân tâm họ vào Phật giáotu tập mà không suy nghĩ ngay cả đến việc đạt ngộ có thể gọi là những hành giả không ô nhiễm. Đây là ý nghĩa của  câu nói, “chỗ có Phật, không đứng lại; và chỗ không Phật, bước lẹ qua.”[121]

 

21

Đạo Nguyên huấn thị:

     Đừng sắp đặt trước để có được y áo và thực phẩm. Nếu tất cả thực phẩm đã hết, thì các ông có thể ra ngoài xin một ít. Sắp đặt kế hoạch trước để xin thức ăn của người khác thì giống như tích trữ thực phẩm, là vi phạm điều lệ Phật giáo. Tăng nhân như mây, không có chỗ cố định. Như nước chảy, không ràng buộc mình với bất cứ vật gì. Dù cho tăng nhân chỉ sở hữu y và bát, nếu họ nương tựa vào một thí chủ hay một gia chủ trong các thân nhân, thì họ và những người họ nương tựa trở nên bị ràng buộc, và như thế thực phẩm sẽ bất tịnh. Với thân và tâm được nuôi dưỡng bằng thực phẩm bất tịnh như thế thì mong gì thức ngộ được Đại Pháp của các Phật. Ví vụ, y như những vật được sơn chàm trở thành màu xanh và những vật được sơn bằng kihada (mận vàng) trở thành màu vàng, cũng vậy thân và tâm được nuôi dưỡng với thực phẩm kiếm được bằng những phương tiện không chính đáng sẽ trở nên bị ô nhiễm. Cầu Phật giáo bằng cái thân và tâm như thế giống như ép cát lấy dầu. Trong mỗi trường hợp, hãy luôn luôn suy nghĩ đến sự vật phù hợp với các nguyên tắc của Phật giáo như thế nào. Tất cả những kế hoạch chuẩn bị trước đều vi phạm Phật Đạo. Hãy xét kỹ điều này.

 

22

Đạo Nguyên huấn thị:

     Tất cả những người học nên biết rằng mỗi người đều có khuyết điểm. Trong những khuyết điểm mà một người có thể có, khuyết điểm lớn nhất là kiêu mạn. Những tác phẩm Phật giáothế tục cả hai đều cảnh báo đề phòng nó.

     Một tác phẩm không phải của Phật giáo nói: “Có một vài người nghèo khéo lấy lòng người khác, nhưng không có người giàu nào

không  kiêu căng.” Câu nói này cảnh báo đề phòng khuynh hướng tự

kiêu của người giàu. Nó nói lên điểm quan trọng, điểm đáng xem xét kỹ.

     Đối với những người hạ đẳng, đỉnh cao của kiêu mạn là nghĩ đến việc bình đẳng với các giai cấp cao hơn hay vượt qua chúng. Tuy nhiên, chuyện thuộc loại này thì tương đối dễ đề phòng. Một người nào đó trong thế gian rất giàu sang, có nhiều tài sản và hưởng vận tốt, được thân nhân và bạn bè công nhận. Nhưng vì tính kiêu mạn đi kèm, những người thuộc các tầng lớp thấp chứng kiến và trở nên tức giận. Làm sao một người giàu sang có thể thận trọng trong việc gây ra những đau đớn thuộc loại này cho người khác? Khó cảnh giác một người giàu sang, và người ấy sẽ hiếm khi tập hạn chế chính mình. Lại nữa, người này có thể khôngý định phô bày sự kiêu mạn; song trong khi làm việc của mình một cách vô tư, người ấy làm dấy lên sự ganh tị và làm đau đớn những người ít may mắn hơn quanh mình. Đặt định sự tự hạn chế ở đây là thận trọng đối với kiêu mạn. Những người xem sự giàu sang của họ chỉ là phần thưởng và không chú ý đến sự ganh tị của những người nghèo bị gọi là kiêu mạn.

     Trong một tác phẩm không phải của Phật giáo viết: “Đừng đi ngang qua trước nhà người nghèo trong khi đi xe.” Câu nói này ám chỉ rằng, dù cho một người có thể đủ sức đi xe sang, người ấy nên quyết định đi có qua trước nhà một người nghèo hay không. Các kinh điển Phật giáo cũng nêu lên điểm này.

     Người học và tăng nhân ngày nay nghĩ rằng họ hơn những người khác bởi vì kiến thức giáo lý của họ. Chớ bao giờ kiêu hãnh về một điều như thế. Đỉnh cao của kiêu mạn là làm cho người ta chú ý đến lỗi lầm của những người ở dưới mình hay phê bình các bậc trưởng thượng hay những người đồng học vì những sai lầm của họ.

     Một bậc sư xưa nói: “Bại trước người trí thì được, nhưng đừng bao giờ thắng trước kẻ ngu.”

     Dù cho có người hiểu lầm những điều mình biết là đúng, chính mình có lỗi khi chỉ ra sai lầm của người ấy. Khi bàn luận giáo lý Phật giáo, đừng chế nhạo những người đi trước và các bậc trưởng thượng. Hãy đặc biệt cẩn thận về điểm này vào những dịp mà mình có thể khơi dậy sự ganh tị và ghen ghét của những người vô họcvô minh.

     Khi tôi ở chùa Kiến Nhân, nhiều người hỏi về giáo thuyết Phật giáo. Những câu họ hỏi tiết lộ những thiếu sótsai lầm của họ, nhưng luôn luôn ý thức đầy đủ cần cẩn thận, tôi chỉ nói về những công đức của chính các giáo lý thôi. Vì tôi không chỉ ra những sai lầm của người khác, nên không có gì khiếm nhã xảy ra. Những người ngu, với những ý niệm có trước đã cắm rễ sâu, chắc chắn sẽ trở nên giận dữ, nói: “Ông đang chỉ trích thầy tôi vì những thiếu sót của ông ấy.” Người trí với cái hiểu đúng, bởi vì người ấy hiểu rõ ý nghĩa của Phật giáo, phân biệt lỗi của mình và lỗi của thầy mà không được nói cho biết, và người ấy đi những bước sửa sai cần thiết. Những điều này phải được hiểu thấu đáo.

 

23

Đạo Nguyên huấn thị:

     Điểm quan trọng nhất trong việc học Đạongồi thiền. Nhiều người ở Trung Hoa đã đạt ngộ chỉ qua sức mạnh của ngồi thiền. Một vài người dốt đến độ không thể trả lời được một câu hỏi nào, đã vượt qua những người có học thức đã nghiên cứu nhiều năm, chỉ nhờ hiệu quả của sự nhất tâm sùng mộ ngồi thiền. Vì thế, người học phải tập trung vào một mình sự ngồi thiềnvà không phiền quan tâm đến những việc khác. Đạo của Phật và Tổ chỉ là ngồi thiền. Đừng theo cái gì khác.

     Lúc ấy Hoài Tráng hỏi: “Khi chúng ta kết hợp ngồi thiền với đọc kinh, chúng ta có thể hiểu về một điểm trong một trăm hay một ngàn điểm khi xem xét những câu nói của Thiền và các công án. Nhưng trong một mình ngồi thiền không có ám chỉ nào về điều này nhiều như vậy. Vậy thì chúng ta có phải hiến mình ngồi thiền không?”

     Đạo Nguyên đáp: “Mặc dù có chút ít hiểu biết xuất hiện từ sự tham công án, nó khiến cho Đạo của Phật và Tổ trở nên xa xôi hơn. Nếu các ông hiến thì giờ của mình ngồi thiền mà không muốn biết bất cứ điều gì và không cầu giác ngộ, điều này tự nó là Đạo của Tổ. Mặc dù các bậc sư xưa thúc giục cả hai đọc kinhthực hành ngồi thiền, rõ ràng các sư đã nhấn mạnh ngồi thiền. Một ít người đã đạt giác ngộ qua công án, nhưng công đức đem lại giác ngộ là từ ngồi thiền. Công đức thực sự ở trong ngồi thiền.

 

VI

 

1

Đạo Nguyên huấn thị:

     Nếu ông phải phiền khi bị người khác phê bình, thì nên phiền khi bị một người giác ngộ phê bình.

     Khi tôi ở Trung Hoa, Sư Như Tịnh ở núi Thiên Đồng mời tôi làm thị giả của sư, nói: “Con có thể là một người nước ngoài, nhưng con là một người tài năng.” Tôi kiên định từ chối lời mời này. Lý do của tôi là thế này, mặc dù ở một vị trí như thế sẽ đem lại cho tôi nhiều thanh danhNhật Bản và sẽ là quan trọng cho sự học Đạo của tôi, trong hội chúng có những tăng nhân mắt sáng có thể phê bình một người nước ngoài được chỉ định làm thị giả trong một ngôi chùa Thiền lớn, vì nó ám chỉ sự thiếu những ứng viên thích hợp ở Trung Hoa. Người ta nên cẩn thận xét đến sự phê bình như thế. Tôi viết thư bày tỏ những cảm nghĩ của tôi với sư Như Tịnh. Sư thừa nhận lòng kính trọng của tôi đối với đất nước của sư và nhận ra rằng chắc chắn người ta sẽ cảm thấy bị phê bình. Sư chấp nhận sự từ chối của tôi và không mời tôi nữa. 

 

2

Đạo Nguyên huấn thị:

     Có người nói: “Tôi có bệnh và có chút tài mọn, và không có sức học Đạo. Nhưng tôi đã nghe những điều cốt yếu của giáo lý và sẽ hồi hưu sống một mình, sống quãng đời còn lại tự chăm sóc thân mình, và cố gắng chữa bệnh.” Đây là một sai lầm lớn.

     Các bậc thánh hiền xưa không nhất thiết có xương bằng vàng. Có phải những người trong quá khứ tất cả đều sở hữu tài năng thượng đẳng không? Không bao lâu sau khi Phật nhập niết-bàn, những người đã lắng nghe ngài trong lúc ngài còn sống không phải tất cả đều là những người thượng đẳng. Những người theo ngài gồm cả tốt lẫn xấu. Trong những người đó, có một vài người có cách hành xử xấu không thể tin được, cũng như có những người thuộc loại hạ đẳng nhất. Song không có người nào, nói là mình hạ đẳng, không phát tâm cầu Đạo. Cũng không có người nào, nói họ không có tài nằng, từ chối việc học Đạo. Nếu ông không tu và học trong đời này, thì ông có thể mong có tài và sức khỏe để học Đạo trong đời nào? Những điều cốt yếu trong sự học đơn giản là như thế này: phát tâm cầu Đạotu tập mà không quan tâm vì sự sống của riêng mình.

 

3

Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học Đạo, chớ ham muốn y áo và thực phẩm. Mỗi người đều có phần thực phẩmđời sống được phân bố. Người ấy không thể có được nhiều hơn phần của mình dù y cố gắng. Quả thật, những người học Phật giáo cũng nhận được những sự cúng dường từ các thí chủ theo thông lệ. Điều này không thể so sánh với sự khất thực bình thường. Tăng nhân cũng có tài sản của cộng đồng không đòi hỏi nỗ lực cá nhân để có được. Có ba loại thực phẩm, trái cây và các thứ rau, thực phẩm xin được, và thực phẩm do tín đồ bố thí, là những thực phẩm thanh tịnh. Những thực phẩm liên hệ với bốn loại nghề – nông nghiệp, thương mại, chiến tranh, và công nghiệp – là bất tịnh và không được chia phần.     

     Ngày xưa có một ông tăng chết và đi đến cõi chết. Diêm Vương (Yama) nói: “Người này chưa hết phần đời, hãy trả y lại.”

     Một trong những viên quan của địa ngục đáp: “Dù phần đời của y chưa tận, phần thực phẩm của y đã dùng hết.”

     “Vậy thì để y ăn lá sen,” Diêm Vương bảo. Sau khi trở về trần gian, ông tăng không thể ăn được thức ăn bình thường và ăn lá sen  suốt phần đời còn lại cho đến khi chết.

     Như vậy, những người học, nhờ sức mạnh có được do học Phật giáo, không cạn hết phần thực phẩm của họ. Nhờ công đức lọn tóc quăn giữa hai lông mày của đức Phật[122]di sản hai mươi năm của ngài,[123] tăng nhân không thể cạn hết thực phẩm nầy, dù cho qua vô số a-tăng-kỳ kiếp. Họ phải tập trung vào tu tập và không tìm cầu thức ăn và y áo.  

     Từ y học chúng ta biết rằng, nếu giữ thân, thịt, và máu lành mạnh, thì tâm cũng lành mạnh. Tâm của người học sẽ trở nên điều hòa nhiều hơn biết bao nếu người ấy có thể điều thân mình theo cách hành xử của Phật và Tổ, trong khi giữ giới và sống thanh tịnh.  

     Này những người học, khi các ông muốn nói điều gì, hãy nghĩ ba lần trước khi nói. Chỉ nói nếu lời nói của mình đem lại lợi ích cho mình và người khác. Đừng nói, nếu nó không đem lại lợi ích gì. Khó mà làm tất cả những điều này cùng một lúc. Hãy giữ chúng trong tâm và học dần dần.

 

4

Sau khi thuyết thoại về nhiều đề tài khác nhau, Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học, chớ lo lắng chi về y áo và thức ăn. Mặc dù Nhật Bản là một nước nhỏ và xa đường giao thông, nhưng có danh về cả hai trường phái hiển giáomật giáo của Phật giáo trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Trong những thế hệ sau, nó đã sản sinh nhiều người có đại danh. Cũng đã có nhiều người vượt bậc trong thi ca, âm nhạc, văn chương, và võ thuật, và nhiều người đã hiến mình luyện tập những ngành đó. Tuy nhiên, tôi chưa nghe có ai trong những người đó tiêu phí xa xỉ cho y phụcthức ăn. Bởi vì họ chịu nghèo, quên tất cả những thứ khác, và nhất tâm theo đuổi Đạo của họ, họ có được danh tiếng. Vậy thì, những người học Đạo của các Tổ, những người đã gạt bỏ thế giantừ bỏ tìm cầu danh lợi, càng ít mong có được sự giàu sang vật chất hơn biết bao! 

     Mặc dù đây là thời đại suy đồi, trong các Thiền viện ở Trung Hoa có cả triệu người học. Trong số đó có những người đến từ xa và những người khác lìa bỏ các châu huyện nơi họ sinh trưởng, và hầu hết họ là những người nghèo. Song họ không lo lắng gì về cái nghèo của họ. Họ chỉ lo về đã đạt được ngộ hay chưa. Bất cứ ngồi ở đâu họ cũng ngồi thiền, dù ở các tầng trên hay ở các phần dưới của tòa nhà, họ tha thiết tu tập Phật giáo, tựa như thương tiếc cha mẹ của họ qua đời.

     Chính tôi đã gặp một vị tăng đến từ Tứ Xuyên (Szechuan) xa xôi, thực sự không có sở hữu gì. Tất cả những gì ông có là hai hay ba thỏi mực, có lẽ đáng giá hai hay ba trăm mon,[124] tương đương với hai hay ba mươi monNhật Bản. Với những thứ đó, ông mua loại giấy rẻ tiền, cực kỳ mỏng, làm áo quần. Mỗi lần ông ngồi xuống hay đứng lên có thể nghe tiếng sột soạt phát ra, nhưng bề ngoài khốn cùng ấy không làm phiền ông chút nào.

     Có người đề nghị: “Huynh nên về nhà và hãy trở lại khi nào huynh có trang phục chỉnh tề.”

     Vị tăng ấy nói: “Quê tôi xa nơi đây, chuyến đi của tôi sẽ mất thời gian lâu. Tôi sẽ phí thì giờ một cách vô ích và lo thời gian tôi bị mất không học được Đạo.” Không phiền vì lạnh, ông tu tập Đạo. Đây là lý do tại sao có nhiều người vĩ đại đã xuất hiện ở Trung Hoa.

 

5

Đạo Nguyên huấn thị:

     Tôi nghe nói rằng khi ngôi chùa trên núi Tuyết Phong (Hsüeh-feng)[125] được thành lập, nó rất nghèo. Tăng nhân khôngthực phẩm gì cả hay họ chỉ sống bằng món đậu và gạo nấu chung với nhau. Họ học Đạo trong những điều kiện như vậy, nhưng về sau không bao giờ có ít hơn một ngàn năm trăm tăng chúng học ở đó. Ngày xưa tăng nhân học như thế; ngày nay chúng ta cũng nên như thế.

     Sự suy đồi của tăng nhân thường liên quan với giàu sang và cấp bậc. Khi đức Phật còn sống, lòng ghen ghét của Đề-bà-đạt-đa (Deva-datta) khởi lên là do sự cúng dường hằng ngày năm trăm xe lương thực.[126] Ông ta không những hại mình mà còn hại những người khác. Tại sao những người học Đạo lại muốn được giàu sang? Sự tích lũy của những nhà kho lớn, dù cho đó là của cúng dường đến từ niềm tin thanh tịnh, chắc chắn sẽ khiến cho người ta nghĩ đến việc báo đáp cho các thí chủ vì sự ưu ái của họ. Người xứ này sẽ cúng dường để được lợi ích cho chính họ. Mỉm cười với những ai đến với mình là phản ứng thông thường của con người. Nhưng nếu các ông hành xử như thế để làm hài lòng kẻ khác, nó sẽ trở thành chướng ngại cho việc học Đạo. Hãy chịu đói và lạnh và chỉ hiến mình cho sự học Đạo.

 

6

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Một cổ đức nói: “Phải thấy nó, nghe nó, và được nó.” Lại nói: “Nếu không thể được nó thì phải thấy nó; nếu không thể thấy nó thì phải nghe nó.” Điều này có nghĩa là ông nên thấy nó hơn là nghe nó; nên được nó hơn là thấy nó. Nếu ông chưa được nó thì phải thấy nó. Nếu ông chưa thấy nó thì phải nghe nó.

 

7

Vào một dịp khác Đạo Nguyên nói:  

     Điểm căn bản để hiểu trong sự học Đạo là ông phải ném sang một bên những chấp trước thâm căn cố đế của mình. Nếu ông điều chỉnh

thân theo đúng bốn oai nghi, tâm sẽ tự điều chỉnh. Nếu ông giữ giới trước, tâm sẽ tự cải thiện. Ở Trung Hoa những người thế gian có tục lệ bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn đối với cha mẹ đã qua đời bằng cách cùng nhau tụ tập nơi phần mộ của tổ tiêngiả vờ nhiệt tình than khóc cho đến cuối cùng nước mắt đau buồn thật sự rơi xuống. Những người học Đạo ngày nay, dù cho ban đầu không có tâm cầu Đạo, cuối cùng cũng khởi dậy được tâm này chỉ bằng cách yêu thích học Đạo một cách kiên định.

     Những người học đã xúc động học Đạo chỉ nên theo hội chúng trong cách hành xử của họ. Đừng cố gắng học những điểm cốt yếu và những tấm gương xưa ngay tức thời. Tuy nhiên, tốt nhất là lãnh hội đầy đủ những điều đó trước khi các ông đi tu tập một mình trong núi hay ẩn mình nơi thành thị. Nếu các ông tu tập làm những gì hội chúng làm, các ông sẽ có khả năng đạt Đạo. Ấy giống như đi thuyền mà không biết chèo. Nếu các ông để mọi thứ cho một người lái thuyền tài năng, các ông sẽ đến được bờ bên kia, bất chấp các ông có biết chèo thuyền hay không. Nếu các ông theo một vị thầy giỏi và cùng nhau tu tập với hội chúng và không có khái niệm nào về ngã, tự nhiên các ông sẽ trở thành người của Đạo.

     Này những người học, dù cho các ông đạt ngộ, chớ ngừng tu tập, nghĩ rằng mình đã đạt được cái tối hậu. Đạo của Phật thì vô cùng. Một khi đã đạt ngộ các ông phải tu tập nhiều hơn nữa. Hãy nhớ giảng sư Lương Toại (Liang-sui) [127] đến tham học dưới sư Ma Cốc (Ma-yü). [128]

 

8

Đạo Nguyên huấn thị:

     Những người học Đạo không nên trì hoãn sự tu tập cho đến một ngày nào đó, mà phải gắng sức mỗi ngày và mỗi giây phút, không lãng phí thời gian.

     Mùa xuân năm ngoái, một cư sĩ đã bị bệnh trong một thời gian lâu đến đây hứa với tôi, nói rằng: “Nếu chữa được bệnh này, con nguyện sẽ xa lìa vợ và con của con và xây một am nhỏ gần chùa để sống. Mỗi tháng hai lần con sẽ dự lễ sám hốiphạm giới, tham dự tu tập hàng ngày, và lắng nghe giáo lý. Con sẽ tận hết sức mình giữ giới trong suốt quãng đời còn lại của con.” Sau đó, nhờ những phương thuốc chữa trị khác nhau, anh ta khá hơn chút ít, nhưng rồi bệnh tái phát nên lại nằm bệnh, anh ta đã phí những ngày của đời mình một cách vô ích. Tình trạng của anh ta đột nhiên trở nên nghiêm trọng, và càng khổ hơn. Bởi vì không có thì giờ để chuyển vật liệu đã chuẩn bị để xây cất am, anh ta mượn một căn phòng của một người nào đó và dọn vào. Song trong khoảng một hay hai tháng, anh ta chết. Một đêm trước khi chết, anh ta đã thọ Bồ-tát giới, qui y Tam Bảo, và đối diện với sự chấm dứt một cách bình tĩnh. Tình trạng này vẫn tốt hơn là nếu anh ta ở lại nhà và chết điên dại do sự khốn khổ vì tình yêu vợ con gây nên. Tuy nhiên, tốt hơn hết nếu năm ngoái anh ta xuất gia, khi anh ta đã quyết định, sống gần chùa, trở thành tăng nhân, và chấm dứt đời mình trong tu Đạo. Điều này khiến tôi tin rằng không nên trì hoãn việc tu tập Phật giáo đến một ngày nào đó.

     Nghĩ rằng bởi vì mình bệnh, ông phải chờ đến khi lành bệnh sẽ tu

tập là tỏ ra thiếu tâm cầu Đạo. Thân chúng ta được tạo thành do sự kết hợp của bốn đại;[129] ai ở đó mà có thể trốn được bệnh? Không phải tất cả các bậc cổ đức đều có xương bằng vàng. Nếu ông thực có quyết tâm, ông có thể tu tập, quên tất cả những thứ khác. Khi thân gặp phải điều trọng yếu, nó có thói quen quên những điều tầm thường và nhỏ bé. Bởi vì Phật giáo là cái trọng yếu, hãy quyết tâm tham vấn cả đời mình và quyết tâm không để những ngày của đời mình trôi qua vô ích.

     Một bậc sư xưa nói: “Đững lãng phí thời gian của mình.” Nếu ông đang cố gắng chữa bệnh, nhưng bệnh tiếp tục trở nên tệ hơn và đau đớn cứ dần dần gia tăng, hãy quyết tâm tu tập ngay lúc cơn đau trở nên dễ chịu chút ít.[130] Nếu ông khổ vì đau kịch liệt, hãy quyết tâm tu tập trước khi bệnh trở nên trầm trọng. Nếu bệnh đang trầm trọng, hãy quyết tâm tu tập trước khi chết. Trong khi chữa bệnh, đôi khi bệnh giảm và đôi khi nặng hơn. Có những lúc bệnh trở nên khá hơn, dù cho ông không cố gắng chữa trị; và những lúc khác nó trở nên tệ hơn, dù cho ông cố gắng chữa trị. Hãy xét kỹ điều này.

     Này những người tu Đạo, đừng nghĩ đến việc chờ cho đến khi mình đã chuẩn bị một chỗ để ở hay trang bị cho mình những y bát rồi mới tu tập. Nếu những người nghèo hoãn việc tu tập cho đến khi họ có y bát, nhưng bây giờ vì nghèo mà chưa có, thì họ có thể làm gì khi họ đối diện với cái chết? Vì thế, nếu các ông chờ cho đến khi mình tìm được một chỗ để ở và có đủ y bát rồi mới tu tập, các ông sẽ lãng phí cả đời mình. Nếu chỉ vì thiếu y bát, ngay cả một cư sĩ cũng không nên để việc này chận mình lại mà nên tu tập Phật giáo nếu mình muốn tu tập. Y áo chỉ là những món trang sức mà tất cả các tăng nhân được cho rằng phải có. Hành giả chân thực của Phật giáo không dựa vào những món đó. Nếu chúng ở đó, thì chúng ở đó. Đừng đi tìm chúng theo cách của mình, và đừng nghĩ rằng mình đang thiếu vật mà mình phải có. Bị một chứng bệnh đòi hỏi sự chữa trị và không làm gì cho nó bởi vì ông có ý muốn chết – đây là cái thấy của ngoại đạo. Đừng miễn cưỡng đời mình với Phật giáo; mặt khác, hãy cứu nó nếu mình có thể. Nếu được, việc dùng ngải cứu (moxa) hay dược thảo không trở thành chướng ngại cho sự tu tập. Tuy nhiên, sai là bỏ việc tu tập sang một bên hay trì hoãn cho đến khi chữa được bệnh.

 

9

Đạo Nguyên huấn thị:

     Giữa biển có một nơi có những làn sóng lớn nhô lên gọi là Long Môn. Nếu có con cá nào có thể vượt qua được chỗ này, nó hóa thành rồng. Vì vậy chỗ này được gọi là Long Môn (Cửa Rồng). Đối với tôi dường như sóng chỗ đó không cao gì hơn sóng các chỗ khác, nước cũng chỉ mặn như các chỗ khác. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, bất cứ con cá nào vượt qua được chỗ đó thì biến thành con rồng không sai. Vảy nó không thay đổi; thân nó vẫn giữ nguyên; song đột nhiênbiến thành rồng.

     Thiền tăng tu tập có thể nói giống như con cá ấy. Khi tăng nhân ấy vào tự viện, mặc dù nó có thể không khác với bất cứ nơi nào khác, tăng nhân ấy chắc chắn trở thành một vị Phật hay một vị Tổ. Tăng nhân ấy ăn theo cách người khác ăn, mặc theo cách người khác mặc, làm giảm những cơn đói của mình và bảo vệ thân mình chống lại cái lạnh theo cách những người khác làm. Song tăng nhân ấy cạo đầu, mặc y, ăn những bữa ăn theo qui định vào những giờ qui định, và bỗng nhiên tăng nhân ấy trở thành Thiền tăng. Đừng tìm cách trở thành Phật thành Tổ ở đâu xa. Vào tự viện hay không không khác với con cá có vượt Long Môn hay không.

     Tục ngữ có câu: “Bán vàng nhưng chẳng ai mua.” Về Đạo của Tổ cũng có thể nói như thế. Đạo này không bao giờ miễn cưỡng. Nó tình nguyện dâng hiến, nhưng người ta không chấp nhận nó. Đạt Đạo không tùy thuộc người vốn sáng láng hay ngu si; bất cứ người nào cũng có thể tỉnh ngộ với Đạo. Đạt Đạo nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiệt tâm hay biếng nhác. Sự khác nhau giữa nhiệt tâm hay biếng nhác do sức mạnh của ý chí cầu Đạo quyết định. Quyết tâm yếu là do không hiểu sự vô thường. Mỗi giây phút, có người chết; quá trình này tiếp tục không ngừng. Trong cuộc tồn sinh ngắn ngủi này, đừng phí thì giờ trong giải đãi.

     Tục ngữ xưa có câu: “Con chuột sống trong nhà kho đói mà không có thức ăn; con bò cày ruộng không bao giờ ăn cỏ đầy bụng.” Câu nói này có nghĩa là ở giữa thực phẩm mà bị đói, chung quanh đầy cỏ mà muốn có cỏ. Với con người cũng thế. Trong khi sống trong Phật Đạo, người ấy không hợp với Đạo. Nếu không thể ngừng cái tâm cầu danh lợi, người ấy sẽ phí đời mình mà không tìm được bình an.

 

10

Đạo Nguyên huấn thị:

     Mọi hành động của một người lão thông Phật giáo chứng tỏ ý  nghĩ sâu xa, dù hành động ấy tốt hay xấu. Điều này người bình thường không hiểu. Một hôm Trụ trì Tuệ Tâm (Eshin)[131] bảo một người đánh đuổi một con nai đang ăn cỏ trong vườn. Lúc đó có người hỏi: “Dường như thầy không có tâm bi mẫn. Tại sao thầy ghét cỏ mà lại làm khổ con vật đó?

     Vị Trụ trì đáp: “Ông không hiểu đấy thôi. Nếu tôi không đuổi con

nai, nó sẽ sớm trở nên quen với người. Nếu nó đến gần một người xấu, chắc chắn nó sẽ bị giết. Đó là lý do tôi đuổi nó đi.”

     Mặc dù việc đuổi con nai có vẻ thiếu lòng bi mẫn, nó được điều động bởi lòng bi mẫn thâm sâu.

 

11

Một hôm Đạo Nguyên huấn thị:

     Nếu có người đến hỏi về giáo lý hay những điều cốt yếu trong tu tập, Thiền tăng luôn luôn phải trả lời người ấy đúng sự thật. Nếu người ấy dường như là người không có tài hay chỉ là người mới bắt đầu, ít hiểu và không thể hiểu được, Thiền tăng không nên trả lời bằng câu đáp thiện xảo hay không đúng. Tinh thần của Bồ-tát giới đòi hỏi Thiền tăng chỉ trả lời bằng giáo lý Đại thừa, dù cho người hỏi là người theo Tiểu thừa, hỏi về Đạo Tiểu thừa. Đây là cách Như Lai đã dạy trong đời ngài. Những giáo lý thiện xảo nhất thời thực ra không có giá trị. Chỉ Chân Giáo[132] tối hậu là có giá trị. Tuy nhiên, đừng lo người khác có hiểu hay không; chỉ trả lời sự thật. Khi ông nhìn một người, nên thấy người ấy theo quan điểm đức hạnh thực sự. Đừng phán xét theo bề ngoài hay đức hạnh giả định của người ấy.

     Ngày xưa, có người đến muốn thọ giáo với Không Tử. Khổng Tử hỏi người ấy: “Tại sao anh muốn làm đệ tử của tôi?”

     Người ấy đáp: “Khi con thấy ngài ở triều đình, ngài có vẻ cao quí. Điều này khiến con muốn thọ giáo với ngài.”

     Vì thế Khổng Tử lệnh cho đệ tử của mình đem ra xe cộ, y phục lộng lẫy, vàng, bạc, và những thứ quí giá khác. Khổng Tử tặng những thứ đó cho người ấy, nói: “Anh đến đây không phải để học với tôi,” và bảo người ấy đi đi.    

 

Đạo Nguyên tiếp:

     Một hôm Uji no Kampaku[133] đến nhà tắm trong trang viện của mình để xem đốt lửa. Người coi nhà tắm thấy ông và hỏi: “Ông là ai không mời mà đến nhà tắm này?” và anh ta đuổi Kampaku đi. Sau đó, vị Kampaku cởi bỏ quần áo nghèo đã mặc và thay bằng một chiếc áo rực rỡ. Khi ông xuất hiện với tất cả vẻ uy nghi trong y phục hoa mỹ, người coi nhà tắm từ đằng xa chợt thấy ông, sợ hãi chạy trốn. Lúc ấy vị Kampaku treo chiếc áo hoa mỹ ấy lên dầu một cây sào và lễ bái nó. Khi người ta hỏi ông tại sao làm thế, ông đáp: “Người khác không kính trọng tôi vì đức hạnh của tôi. Họ chỉ kính trọng cái áo đẹp này.” Những người ngu ngốc bày tỏ sự kính trọng theo cách này. Hãy kính trọng những lời nói trong các kinh cũng như các giáo lý thuộc loại này.

     Người xưa nói: “Lời nói của người làm chính trị đầy thiên hạ, song những lời nói ấy không có lỗi. Hành động của những người làm chính trị đầy thiên hạ, song không ai thỏa mãn.”[134] Đây là vì những gì phải nói đã được nói và những gì phải làm đã được làm. Đây là lời nói và hành động của những người có đức hạnh cao và là tinh hoa của Đạo. Lời nói và hành động của những người trong thế gian này được tính toán và phục vụ những khái niệm cá nhân và có thể chỉ đưa đến khiển trách. Lời nói và hành động của Thiền tăng đã được những người đi trước thiết lập. Đừng bám giữ cái thấy cá nhân của mình. Đây là Đạo đã được Phật và Tổ thực hành.

     Những người học Đạo mỗi người phải tự phản tỉnh. Phản tỉnh thân mình là phản tỉnh mình nên hành xử như thế nào với thân và tâm mình. Thiền tăng là con của đức Thích-ca Mâu-ni; họ phải học phong cách của Như Lai. Những qui tắc đúng để dùng thân, ngữ, và ý có thể thấy trong hành động của các đức Phật đã đến trước. Mỗi người trong các ông phải theo những hành động này. Ngay cả trong hàng cư sĩ cũng nói rằng quần áo nên theo những tiền lệ đã được thiết lậplời nói nên hợp với hành động. Thế thì thiết yếu hơn tất cả là Thiền tăng không sử dụng những cái thấy cá nhân.

 

12

Đạo Nguyên huấn thị:

      Những người học ngày nay, khi họ lắng nghe giáo lý, trước họ cố gắng tạo ấn tượng rằng họ hiểu rõ những gì họ nghe, và họ tự xem mình có khả năng trả lời đúng trọng điểm. Như vậy, những gì họ nghe chỉ đi qua tai họ. Những gì điều này muốn nói là họ thiếu tâm cầu Đạo, bởi vì họ vẫn sở hữu những cái thấy vị ngã.

     Trước hết, các ông phải quên ngã. Sau khi cẩn thận lắng nghe những gì mà người nào đó phải nói, các ông nên lặng lẽ suy nghĩ. Nếu thấy có chỗ nào khó hay nghi ngờ điều gì, hãy theo đuổi đến cùng. Nếu hiểu được, các ông nên lần lượt trình kiến giải của mình với Thầy. Trình những gì mình hiểu ngay tức thời chứng tỏ rằng các ông đã không lắng nghe kỹ giáo lý.

 

13

Đạo Nguyên huấn thị:

     Trong lúc Hoàng đế Thái Tông nhà Đường trị vì, Hoàng đế được một nước khác tặng một con ngựa một ngày có thể chạy một ngàn dặm (li). Hoàng đế không vui vì món quà, tự nghĩ: “Nếu ta cưỡi một con ngựa có thể chạy một ngàn dặm và đi một quãng đường xa như vậy, nếu những kẻ tùy tùng của ta không thể theo kịp thì có ích dụng gì?”

     Hoàng đế cho gọi Wei Cheng và hỏi ý kiến của mình. “Hạ thần hoàn toàn đồng ý với bệ hạ,” Wei Cheng đáp. Hoàng đế ra lệnh cho chất vàng và lụa lên con ngựa và gửi trả lại.

     Khi ngay cả một vị Hoàng đế còn trả lại những gì mình không thể dùng được, thì một Thiền tăng giữ lại những gì ngoài y và bát ra còn vô dụng hơn biết bao? Những người thế gian chuyên môn trong một nghệ thuật nào đó thấy không cần phải có ruộng đồng, hoa lan, và lãnh địa của riêng mình. Họ xem tất cả những người khác trong nước là người của họ, gia đình của họ, sống trên đất thuộc về họ.

     Sō, có pháp hiệu là Hokkyō (Pháp Kiều),[135] đã để lại những lời nầy cho con trai của mình: “Con hãy hiến dâng tất cả nỗ lực của con Đạo mà bây giờ con đang theo.” Đệ tử của Phật phải ném toàn bộ những thứ khác sang một bên và chỉ tập trung vào Phật Đạo. Đây là điểm trọng yếu nhất đối với họ.

 

14

Đạo Nguyên huấn thị:

     Này những người học Đao, khi các ông học dưới một vị sư và nghe giáo pháp, hãy hết sức chú ý lắng nghe, và hãy hỏi và hỏi nữa. Nếu các ông không hỏi điều gì nên hỏi và không nói điều gì nên nói, thì các ông sẽ bị mất. Thiền sư luôn luôn chờ câu hỏi của đệ tử và rồi cho câu trả lời của mình. Dù cho các ông hiểu được điều gì, hãy hỏi về điều ấy nhiều lần cho đến khi các ông chắc chắn về nó. Sư phải hỏi đệ tử hiểu hay không, nhưng phải giải thích sự việc cặn kẽ.

 

15

Đạo Nguyên huấn thị:

     Những điểm để xem những người thông thạo trong Phật giáo khác với những điểm của những người bình thường.

     Khi cố Trụ trì chùa Kiến Nhân còn sống, có một lần chùa không có thực phẩm để ăn. Tuy nhiên, lúc đó một người bảo hộ mời Trụ trì đến viếng và tặng sư một bó lụa. Sư rất hoan hỉ đến nỗi không đưa nó cho ai mang mà nhét nó vào y của mình và trở về chùa. Sư đưa bó lụa cho một trong những chức sự của chùa, nói: “Hãy dùng cái này cho thực phẩm ngày mai.”

     Tuy nhiên, ngay lúc ấy có một cư sĩ yêu cầu: “Con thật bối rối mà hỏi như thế này, nhưng con quá cần hai hay ba bó lụa, nếu thầy có thể dành cho con chút nào không, con biết ơn sâu xa nếu thầy cho con một ít.” Lúc ấyTrụ trì lấy lại bó lụa từ viên chức sự và đưa cho người cư sĩ. Viên chức sự của chùa và các vị tăng khác đều tức giận vì hành động bất ngờ này.

     Sau đó sư Trụ trì nói: “Có lẽ tất cả các ông nghĩ rằng điều tôi làm là sai. Nhưng theo tôi thấy, tất cả các ông đã tụ tập ở đây với quyết tâm cầu Đạo. Không có thức ăn một ngày, hay dù cho chết đói, các ông không nên phiền não. Giúp những người thường khi họ khổ vì thiếu vật gì sẽ đem lại những phúc lợi tuyệt vời cho mỗi người các ông.” Đây là cách người lão thông trong Phật giáo nhìn sự vật.

 

 

16

Đạo Nguyên huấn thị:

     Phật và Tổ tất cả đã có lần là những người thường. Trong khi ở cảnh giới này, một ít người có tội vì hành xử xấu và nghĩ xấu, một ít người chậm lụt và những người khác ngu đần. Song vì tất cả các ngài đều tự cải thiện mình, theo thầy giỏi và tu tập, các ngài đã trở thành Phật và Tổ. Người ngày nay nên làm như vậy. Đừng hạ thấp mình mà nói rằng mình chậm lụt và ngu đần. Nếu các ông không phát quyết tâm cầu Đạo trong đời này, thì các ông mong có thể tu tập vào khi nào? Nếu các ông tự ép mình tu tập bây giờ, các ông sẽ không thất bại trong việc đạt Đạo.

 

17

Đạo Nguyên huấn thị:

     Một câu tục ngữ tóm lược Vương Đạo nói: “Trừ phi làm trống tâm mình, ông không thể chấp nhận lời khuyên tốt.” Câu nói này có nghĩa là, nếu các ông ném sang một bên những cái thấy cá nhân của mình và theo lời khuyên của các vị quan trung thành, Vương Đạo sẽ tự hiện thân như nó phải vậy. Tóm tắt, sự học Đạo của Thiền tăng chỉ là như vậy. Nếu người ấy có quan điểm cá nhân dù ở độ nhỏ nhất, thì lời của Thầy sẽ không vào tai y, và nếu có vào, thì y cũng không thể lãnh hội được lời dạy của Thầy. Quên những quan điểm khác nhau về giáo lý vẫn chưa đủ, các ông còn phải quên những sự việc thế gian, đói, và lạnh. Rồi khi các ông lắng nghe giáo lý, nhất tâm tẩy sạch thân tâm, các ông có thể nghe với sự thâm mật. Khi các ông nghe như vậy, lý trở nên rõ ràng, và nghi ngờ tự giải tỏa. Đạt Đạo chân thật có nghĩa là xả bỏ thân và tâm đã có cho đến bây giờ và chỉ theo lời Thầy dạy như thực. Nếu làm như vậy, các ông sẽ trở thành người thực sự thông thạo trong Đạo. Đây là chân lý trọng yếu nhất từ xưa truyền xuống.

Đỗ Đình Đồng dịch | Thư Viện Hoa Sen



[1] Một tác phẩm 30 quyển (chüan) của Đạo Tuyên (Tao-hsüan, 595-667).

[2] Phật, Pháp, và Tăng-già.

[3] Các cõi: địa ngục, ngã quỉ, và súc sinh.

[4] Không nhận diện được là ai.

[5] Vinh Tây (1141-1215) hai lần viếng Trung Hoa và mang về các giáo lý Thiền. Sư đã sáng lập ngôi chùa Thiền đầu tiên ở Nhật Bản, cũng như chùa Kiến Nhân ở Kyoto. Đạo Nguyênđệ tử của sư một thời gian.

[6] Có lẽ là Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sūtra).

[7] Bách Trượng Hoài Hải (Po-chang Hui-hai, 749-814). Tác phẩm của sư, Bách Trượng Thanh Quy (Po-chang ch’ing-kuei), thiết lập những qui định cho Thiền viện.

[8] Được Bồ-đề Đạt-ma từ Tây thiên (Ấn độ) mang đến.

[9] Câu chuyện này không có trong ấn bản chùa Chōon và có thể là được thêm vào sau này.

[10] Pháp hiệu của Chuyết Am Đức Quang (Cho-an Te-kung, 1144-1203).

[11] Ngũ Tổ Pháp Diễn (tịch năm 1104). Sư được chú ý vì đã đào tạo được ba vị đệ tử nổi tiếng.

[12] Nguyên Hán văn: “Bất muội nhân quả.” Câu nói này trong công án nổi tiếng “Bách Trượng và con chồn hoang.” Có thể tìm thấy trong Thung Dung Lục, Vô Môn Quan, và những sách khác.

[13] Ám chỉ công án nổi tiếng Nam Tuyền Phổ Nguyện (Nan-ch’üan P’u-yüan, 748-834) và con mèo.

[14] Chao-chou Ts’ung-shen, (778-897).

[15] Phiên bản chùa Chōon thay đổi lời nói chút ít và và bỏ câu phủ định ở đây. “Khi hội chúng không thể trả lời, Nam Tuyền nên ngừng một chút rồi nói: ‘Trong khi các ông im lặng Đạo hiện ra như thực.”

[16] Dẫn lời của Vân Môn Văn Yển (Yün-men Wen-yen (tịch năm 949).

[17] Một câu nói đưa đến ngộ.

[18] Ở đây dịch theo phiên bản chùa Chōon.

[19] Các giới luật đưa đến sự giải thoát khỏi những hành vi ác của thân, ngữ, và ý.

[20] Giết mèo như là một phương tiện đem đến ngộ cho người khác.

[21] Như đã có ở phần Bồ-tát Giới trong Kinh Phạm Võng.

[22] Mười giới chính: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không vu khống, không lăng nhục, không đôi mách, không tham lam, không giận dữ, và không hoài nghi.

[23] Làm Phật chảy máu, giết cha, mẹ, tăng, thầy, hay A-la-hán; và phá hoại tăng-già.

[24] Khi một người ác được nhận vào hội chúng, y có thể được đối xử thiếu lân mẫn trong một thời gian như là một phương tiện cảnh báo y phải cẩn thận với điều ác của y trong quá khứ

[25] Như Tịnh (1163-1228) là sư của chùa ở núi Thiên Đồng, là thầy của Đạo Nguyên.

[26] Minamoto no Yoritomo (1147-1199).

[27] Rokuhara là một phần của Kyoto, phía đông sông Kamo, là nơi dòng họ Taira đóng tổng hành dinh. Ở đây ám chỉ người đứng đầu của dòng họ ấy.

[28] Một nhà du thuyết danh tiếng thời Chiến Quốc. Người đất Tề (Ch’i).

[29] Em trai của vua nước Triệu (Chao). Mất năm 250 trước C.N.

[30] Pháp hiệu của Vĩnh Minh Diên Thọ (Yung-ming Yen-shou, 904-975).

[31] Ba mươi hai tướng chính và tám mươi tướng phụ của một vị Phật.

[32] Theo ý một bài kệ của Trường Sa Cảnh Sầm (Ch’ang-sha Ching-ts’en, niên đại ? - 868).

[33] Nghĩa chính xác của đoạn này không rõ ràng.

[34] Nguyên Hán văn trong Luận Ngữ của Khổng Tử: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỉ.”

[35] Hai trong mười đại đệ tử của Phật.

[36] Cả hai là những người đẹp nổi tiếng của thế kỷ thứ năm trước C.N.

[37] Tên của những con ngựa nổi tiếng.

[38] Không biết chính xác đoạn này trích từ đâu; có thể là từ Chen-kuan cheng-yao.

[39] Phật đã sống một trăm năm, nhưng ngài nhập Niết-bàn lúc tám mươi tuổi, hiến hai mươi năm còn lại của đời ngài cho lợi ích chúng sinh trong thời đại suy đồi sắp đến.

[40] Một trong chín cảnh khổ Phật đã chịu trong đời ngài.

[41] Thời gian an cư chín mươi ngày trong mùa mưa.

[42] Wen-hsüan xxxviii.

[43] Phạm-thiên (Brahma), Dạ-ma (Yama), và những vị thần Ấn độ khác, được chấp nhận như là những thần hộ vệ của Phật giáo.

[44] Những qui định về khất thực cho phép người ta được đến viếng bảy nhà, mà không quan tâm đến chuyện họ giàu hay nghèo.

[45] Phạn: Bhaiṣajya.

[46] Công viên ở gần Śrāvastī nơi ngôi chùa được dựng lên và là nơi đức Thích-ca Mâu-ni thuyết pháp.

[47] Vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường, 598-649.

[48] Quan Thượng thư được ca tụng vào thời kỳ đầu của nhà Đường.

[49] Vị vua thứ nhất của nhà Tùy, 580-604.

[50] Thuộc dòng họ Minamoto. Về danh tiếng, ông là tác giả của Cổ Sự Đàm (Kojidan). Ông mất năm 1215.

[51] Một tăng chính của chùa Onjō, một ngôi chùa của tông Thiên Thai (Sendai). Về sau sư từ chức và trở thành đệ tử của Pháp Nhiên (Honen) của tông Tịnh Độ. Kōin tịch năm 1216.

[52] Giáo thuyết Thiên Thai chủ trương rằng mỗi niệm thoáng qua hàm tàng trong nó ba ngàn thế giới hay tất cả sự vật.

[53] Một loài quỉ mũi dài, được miêu tả một cách khác nhau.

[54] Hoằng Trí Chánh Giác (Hung-chih Cheng-chüeh, 1091-1157). Thiền sư danh

tiếng, tác giả của Thung Dung Lục (Ts’ung-yung lu). Sư đã mở rộng chùa Cảnh Đức (Ching-te) ở núi Thiên Đồng (T’ien-t’ung) rất nhiều, là nơi sau này Đạo Nguyên tu học.

[55] Xem Chương 1, đoạn 16.

[56] Chùa Hưng Thánh (Kōshōji) ở Fukakusha thuộc Fushimi, nam Kyoto.

[57] Tức Myōhen (1091-1224) của núi Cao-dã (Kōya), là một tăng chính (sōjō) của Chơn Ngôn tông. Sư đã cải đạo sang Tịnh Độ tông, và lấy pháp hiệu Không A-di-đà-phật.

[58] Niệm danh hiệu của một vị Phật.

[59] Thời kỳ giữa chết và tái sinh trong một sắc thân mới.

[60] Dâng hiến những điều tốt cho một người đã làm vì người khác.

[61] Đại diện của những đệ tử châm lụt và không thông minh của đức Phật. Bằng tận lực bình sinh, ngài đã chứng đắc quả A-la-hán.

[62] Nam Nhạc Hoài Nhượng (Nam-yüeh Huai-jang, 677-744), đệ tử của Lục tổ Huệ Năng.

[63] Mã Tổ Đạo Nhất (Ma-tsu Tao-i, 707-786), đệ tử của Hoài Nhượng.

[64] Khuất Nguyên (289?-243?, trước C.N.), chính khách nước Sở (Ch’ü). [Ông can vua thất bại, bị cách chức và gièm pha. Ông trầm mình chết ở sông Mịch La (Mi La), không phải sông Ts’ang lang được liên hệ ở đây. Ông sáng tạo Sở Từ (Ch’ü Tz’u), một thể thơ mới thời đó. ND].

[65] Đêm được chia thành năm canh, mỗi canh gồm hai giờ, bắt đầu từ tám giờ. Mỗi canh được chia thành năm phần, mỗi phần gồm hai mươi bốn phút. Ở đây thời gian được qui định là phần thứ ba của canh ba, hay 1 giờ 12 sáng.

[66] Bốn hình thức cư xử: đi, đứng, nằm, và ngồi – khi được thể hiện đúng sẽ phấn khích sự kính trọng.

[67] Phiên bản chùa Chōon cho những lời sau đây là của Như Tịnh, hơn là lời dẫn từ một sư khác.

[68] Linh Vân Chí Cần (Ling-yün Chih-ch’in) ngộ khi thấy hoa đào nở. Hương Nghiêm Trí Nhàn (Hsiang-yen Chih-hsien) ngộ khi nghe tiếng ngói ném vào bụi tre.

[69] Xem Chương I, đoạn 14. [Đây là công án được cho là của Thạch Sương Sở Viên (986-1039) – ND].

[70] Hai-wen Shih-chai. Không biết niên đại. Sư là Phương trượng của chùa ở núi Thiên Đồng chẳng bao lâu trước khi Đạo Nguyên đến chùa.

[71] Không nhận ra là ai.

[72] Thiền đường chia làm hai phần, với tượng Văn Thù Sư Lợi ở chính giữa. Phần thiền đường mặt hướng về cổng trước là thiền đường phía trước; phần hướng mặt hướng về phía cổng sau, là thiền đường phía sau.

[73] Đơn Hà Thiên Nhiên (759-824). Chuyện kể trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (Ch’ing-te ch’uan teng lu, xiv).

[74] Cái hang chim làm tổ dưới đất. Bị mê hoặc ràng buộc.

[75] Cái thùng sơn đen nên người ta không thể nói nó chứa gì bên trong.

[76] Bàng Uẩn (P’ang Yüan). Quan chức cao cấp của nhà Đường, nổi tiếngcư sĩ của Thiền.

[77] Tào Khê là tên núi có chùa của Lục Tổ Huệ Năng (638-713) ở đó.

[78] Hoàng Bá là tên núi có chùa của Hoằng Nhẫn (Hung-jen, 601-674), ở đó. Núi thuộc huyện Hoàng Mai (Huang-mei).

[79] Huệ Trung (Hui-chung, ? – 775), một đệ tử thừa kế pháp của Lục tổ Huệ Năng.

[80] Hiển nhiên, một tu sĩ phục vụ trong triều đình, mặc tử y (áo màu tím do vua ban). Huệ Trungquốc sư, làm chức vụ hành lễ ở đó.

[81] Sáu giác quan, những đối tượng, và những nhận thức của chúng.

[82] Chúng ta không biết tiểu sử của sư. Sư nổi tiếng vì Thiền “một ngón tay” của sư.

[83] 28 tháng 1, năm 1236 .

[84] Thủ tọa (shuza). Địa vị đầu tiên trong thiền đường. Giám đốc việc thiền định của tăng nhân, đôi khi đứng thuyết giảng ở chỗ của hòa thượng đường đầu của chùa.  

[85] Bồ-đề Đạt-ma, theo truyền thống là một nhà sư đến từ Ấn Độ, là Tổ sư thứ nhất của Thiền ở Trung Hoa.

[86] Huệ KhảTổ sư thứ hai của Thiền và là Tổ sư thứ nhất, người Trung Hoa. Huệ Khả là sư Thần Quang (Shen Kuang) trước khi đạt ngộ với Bồ-đề Đạt-ma.

[87] Thuật ngữ chỉ Thiền, lấy từ kinh Kim Cang.

[88] Phần Dương Thiện Chiêu (Fen-yang Shan-chao, 947-1024).

[89] Dược Sơn Duy Nghiêm (Yao-san Wei-yen, 751-834).

[90] Xem Chương II, đoạn 26.

[91] Một công án nổi tiếng liên quan với Động Sơn Thủ Sơ (T’ung-san Shou-ch’u, t.k. 12), người thừa kế pháp của Vân Môn Văn Yển (Yun-men Wen-yen).

[92] Dẫn theo Hoài Nam Tử (Huai-nan tzu).

[93] Một tác phẩm gồm mười quyển (chüan); sách thuộc loại tập yếu lời khuyên về chính trị. Rõ ràng là nguồn của nhiều lời nhận xét cảnh tỉnh của Đạo Nguyên về các bậc hiền đức thời xưa ở Trung Hoa.

[94] Đạo Nguyên mất cha năm lên ba và mất mẹ năm lên tám, trong khi vẫn còn là một đứa bé, sư đã trở thành một chú tiểu ở thành Thiên Thai (Sendai) của núi Tỉ-duệ (Hiei) gần Kyoto.

[95] Những người như Truyền Giáo đại sư (Dengyōdaishi), Hoằng Pháp đại sư (Kōbōdaishi), Từ Giác đại sư (Jikakudaishi).

[96] Hai tập sách ghi lại hành trạng của các bậc cao tăng Trung Hoa.

[97] Về hành động, ý nghĩ, và lời nói.

[98] Một danh tướng thời Chiến Quốc. Những phần của câu chuyện này xuất hiện trong Sử Ký (Shihchi, xxxi) của Tư Mã Thiên.

[99] Phật đã chia giáo Pháp thành ba thời kỳ: 1) Chánh pháp (shōbō), 500 năm sau khi Phật nhập diệt, khi chánh pháp còn thắng thế; 2) Tượng pháp (zōhō) một ngàn năm trong đó giáo lýtu tập chỉ được duy trì mà không có giác ngộ; 3) Mạt pháp (mappō), trong thời kỳ này chỉ còn giáo lý. Thời kỳ này sẽ kéo dài mười ngàn năm. Số năm của mỗi thời kỳ dài ngắn khác nhau trong nhiều bản văn. Tuy nhiên, các con số trên dường như đã được chấp nhậnNhật Bản vào thời Đạo Nguyên.

[100] Phiên bản chùa Chōon thêm hai câu ở đây: “Phật giáo chân chánh không phải như thế này. Nếu một người tu tập theo giáo lý chắc chắn người ấy sẽ đạt giác ngộ.” Điều này chứng minh câu nói của Đạo Nguyên về Ba Thời Kỳ của Pháp là “quyền biến tạm thời” và dùng để bác bỏ niềm tin rằng trong thời “Mạt Pháp” không ai có thể đạt được giác ngộ.

[101] Sự hợp nhất của thân, ngữ, và ý; cùng giới luật, cùng tri kiến, và cùng tu tập.

[102] Dương Kỳ Phương Hội (992-1049).

[103] Long Nha Cư Tuần (Lung-ya Ch’ü-tun, 835-923).

[104] Một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật.

[105] Ichijō Motoie (1132-1214). Ông trở thành một tăng nhân ở chùa Kiến Nhân năm 1201. Jimyōin là một trong những biệt danh của ông.

[106] Hoàng đế đầu tiên của nhà Hán, trị vì 202-190 trước C. N.

[107] Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, đó là sông Mịch La (Mi-lo), không phải sông Ts’ang-lang như được dẫn ở đây. Xem Chương II, đoạn 23.

[108] Ám chỉ chuyện Bá Di (Po-i) và Thúc Tề (Shu-ch’i), hai anh em, theo truyền thuyết, đã từ chối ngai vàng và lui về ở ẩn trên núi Thú Dương, nơi họ chết vì đói.

[109] Cũng gọi là Lặc Đàm Khắc Văn (Le-t’an K’o-wen, 1025-1102).

[110] Tuyết Phong Đạo Nguyên (Hsüeh-feng Tao-yüan), không biết niên đại, một môn đệ đồng học với Khắc Văn dưới Hoàng Long Huệ Nam (Huang-lung Hui-nan). Ấn bản này cho Vân Phong (Yün-feng) là tên của ngọn núi liên kết với vị hòa thượng ấy. Nó đã được đổi thành Tuyết Phong, theo ấn bản chùa Chōon. Cả hai Vân PhongTuyết Phong là những ngọn núi có những ngôi chùa nổi tiếng trong Thiền.

[111] Một đệ tử của Phần Dương Thiện Chiêu (Fen-yang Shan-chao, 947-1024). Sư tịch ở tuổi chín mươi hai, khoảng giữa 1056 và 1064.

[112] Minh Toàn (1183-1225) là đệ tử của Vinh Tây và là thầy của Đạo Nguyên trong một thời gian. Sư cùng đi với Đạo Nguyên đến Trung Hoa và tịch ở đó. 

[113] Không biết chi tiết đời sư.

[114] Huyền Trang (596-664). Tu sĩ nổi tiếng đã du hành đến Ấn Độ để thỉnh kinh. Sư là dịch giả của một số lớn các kinh văn và là người lãnh đạo tông Duy Thức

[115] Nguyên Hán văn: “Trung ngôn nghịch nhĩ,” trích từ Khổng Tử Gia Ngữ (K’ung-tzu Chia-yü), một kết tập những lời dẫn từ rất nhiều tác phẩm khác nhau thuộc thời kỳ đầu của Trung Hoa. Tính chính thốngtác quyền của nó, cho đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các học giả.

[116] Mahāprajñāpāramitā Śāstra. Một tác phẩm gồm 100 quyển của Bồ-tát Long Thọ, được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán văn, nguyên tác Phạn ngữ không còn nữa. Tác phẩm này luận về kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

[117] Đại Huệ Tông Cảo (Ta-hui Ts’ung-kao, 1089-1163). Một trong những Thiền sư nổi tiếng nhất đời nhà Tống (Sung).

[118] Một bài kệ nổi tiếng, được dùng rộng rãi trong Thiền, được cho là của Tăng Xán (Seng-ts’an), vị Tổ thứ ba của Thiền Trung Hoa. [Nguyên Hán văn: “Chí Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch. ND].

[119] Ám chỉ chuyện đức Phật trước khi ngài đạt giác ngộ. Ngài đã kinh nghiệm niềm vui như thế khi thấy cảnh một vị cổ Phật nào đó trong bảy ngày, ngài tụng những bài kệ và nói những lời tán thán, quên việc nhấc chân lên và đặt xuống trong một lúc. [Ý muốn nói là khi chú ý trọn vẹn một điều sẽ quên tất cả những điều khác. ND].

[120] Những ông tăng có năm tật xấu bất trị là những người quá lười biếng đọc kinh, kết quả, không nhận được sự cúng dường nào. Tuy nhiên, họ phô trương sự tu tập thiền định và nhận được sự ủng hộ, nhưng cuối cùng rơi xuống địa ngục. Họ tái sinh làm những chúng sinh bất toàn, như thạch nữ chẳng hạn.

[121] Trích từ một công án liên hệ với Triệu Châu Tùng Thẩm (Chao-chou Ts’ung-shen).

[122] Một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật.

[123] Xem Chương I, đoạn 16.

[124] Mon (quan?), đơn vị tiền tệ xưa ở Trung Hoa và Nhật Bản. ND.

[125] Chỉ ngôi chùa của Tuyết Phong Nghĩa Tồn (Hsüeh-feng I-ts’un, 822-08), một Thiền sư danh tiếng đời nhà Đường.

[126] Đề-bà-đat-đa là em họ của đức Thích-ca Mâu-ni, tiêu biểu cho những kẻ xấu cố gắng làm thui chột mục đích của Phật. Tội ác của ông ta quá nhiều khiến ông ta rơi xuống địa ngục trong lúc còn sống. Lòng ghen ghét vì năm trăm xe thực phẩm, do một thí chủ giàu có cúng dường, là động cơ khiến Đề-ba-đạt-đa phạm những hành vi tội ác.

[127] Lương Toại (Liang-sui) một học giả Phật giáo chuyên giảng kinh, đến viếng Thiền sư Ma Cốc Bảo Triệt (Ma-yü Pao-ch’e) và đạt ngộ dưới sư. Sau đó Lương Toại không giảng nữa, giải tán đệ tử và hiến mình học Đạo.

[128] Ma Cốc là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất, không biết niên đại của sư.

[129] Đất, nước, gió, và lửa.

[130] Phiên bản chùa Chōon thay đổi câu này chút ít: “…cơn đau cứ dần dần gia tăng, ông sẽ ước muốn mình đã tu tập khi cơn đau vẫn còn nhẹ.”

[131] Cũng gọi là Nguyên Tín (Genshin, 941-1003). Một tăng chính nổi tiếng của tông Thiên Thai (Tendai), sư sống ở Yokawa trên núi Hiei (Tỷ Duệ), gần Kyoto.

[132] Chỉ giáo lý của kinh Pháp Hoa và Kinh Niết-bàn. Theo giáo thuyết Thiên Thai, những giáo lý này tiêu biểu cho loại cao nhất trong năm loại giáo lýđức Phật đã dạy.

[133] Chỉ Fujiwara no Yorimichi (992-1074). Ông xây viện Bình Đẳng (Byōdōin) làm ngôi chùa của gia đình. “Kampaku” là danh hiệu, tương đương với quan nhiếp chính hay viên chức điều hành dân sự.

[134] Dẫn từ Hiếu Kinh, iv.

[135] Một cao tăng. “Sō” phỏng đoán là tên riêng. Trong phiên bản chùa Chōon viết là Chisō. Không biết sư là ai. 


pdf_download_2
Ghi lại những điều đã được nghe
 (Chánh Pháp Nhãn Tạng Tuỳ Văn Ký)




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
13/04/2016(Xem: 17230)
29/11/2015(Xem: 9931)
01/09/2015(Xem: 17256)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.