Thiền tông qua bờ kia - Giới thiệu sách mới

12/10/20174:36 CH(Xem: 18859)
Thiền tông qua bờ kia - Giới thiệu sách mới

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
THIỀN TÔNG QUA BỜ KIA
Tác Giả: NGUYÊN GIÁC
Nhà xuất bản: Ananda Viet Foundation 2017


LỜI GIỚI THIỆU

 

bia-sach-thien-tong-qua-bo-kia-nguyen-giac-03Đầu tiên, chúng tôi xin được điểm qua vài nét về tác giả.

Cư sĩ Nguyên Giác sinh năm 1952 tại Sài Gòn, Việt Nam. Hiện đang định cư tại bang California, Hoa Kỳ. Tác giả đã tham học ở Chùa Tây Tạng, Bình Dương dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Trạm Nhiên Tịch Chiếu. Ông là đệ tử đời thứ ba dòng thiền Tây Tạng với tông chỉ thuộc dòng Lâm Tế. Cuốn sách đầu tiên “Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ” được ra đời tại quận Cam vào năm 1990 sau khi tác giả đến Hoa Kỳ. Tiếp sau đó là 8 cuốn sách khác đã lần lượt được xuất bản ở nhiều thời điểm khác nhau.

Quyển sách mà chúng tôi rất hoan hỷ được giới thiệu đến quý độc giả là quyển thứ 10, “Thiền Tông Qua Bờ Kia.” Đây là một tuyển tập về các pháp hành Phật giáo với nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái, bộ phái, qua đó tác giả đã khảo sát về các phương pháp tu tập trong Phật Giáo, từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản như pháp thiền hơi thở đến phức tạp như pháp thiền trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời khi Đức Phật còn tại thế, nhưng phần lớn là các pháp thiền thuộc dòng Thiền truyền thừa được lưu truyền từ các tổ sư.

Trước khi đi vào các pháp môn tu tập phức tạp, tác giả đã dành nửa đầu cuốn sách để nói về sự lan tỏa pháp thiền chánh niệm, từ núi rừng về thành thị, từ Á sang Âu, sang Mỹ; từ chùa, viện len vào trường học, nhà giam, đến công sở, quốc hội và chính quyền lẫn quân đội…. Hiện nay tại Bắc Mỹ Châu và Âu Châu Thiền Phật Giáo đã được các nhà giáo dục và khoa học lược bỏ phần giáo lý để còn lại pháp Chánh Niệm nhằm đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính và tôn giáo.

Tuy nhiên, tác giả cũng không quên nhấn mạnh đến Giới, bước đi đầu tiên trong ba môn học của nhà Phật: Giới, Định và Huệ. Nhất định là phải giữ giới trước. Nếu không có giới chẳng thể tu thiền được cũng như không có huệ được. Giới sinh Định và Định sinh Huệ. Thế nên tác giả cho rằng việc giữ giới là quan trọng nhất. Giữ giớiưu tiên hàng đầu, không những cho hàng xuất gia mà còn cả hàng Phật tử tại gia nữa. Giới còn thì Đạo Phật còn. Thực hành thiền Chánh Niệm hay bất cứ pháp hành thiền nào một cách miên mật tức là đã giữ giới (thiền giới).

Để khẳng định như thế, tác giả đã hỏi rằng, “suốt 2,000 năm hầu như không tu thiền Vipassana, tại sao Phật giáo vẫn gắn bó với rất nhiều dân tộc? Hiển nhiên, đó là do chư tăng nghiêm túc giữ giới, học kinh. Hãy hình dung, nếu quý Thầy phá giới, Phật giáo có thể biến mất chỉ trong vòng vài thập niên. Nhưng khi quý thầy giữ giới và tụng đọc kinh điển, Phật giáo vẫn trường tồn suốt 2 thiên niên kỷ trong khi thiền tập “bị bỏ lơ và bị bỏ quên.”  (Bài thứ 12)

Vậy pháp Chánh Niệm hiện nay đang thực hành phổ thông tại các trường học ở Úc, Hoa Kỳ, Canada và Anh như thế nào? Chúng ta hãy nghe tác giả kể về cô giáo Jen Leslie hướng dẫn 21 em trong một lớp tập thiền đơn giản (áp dụng từ lớp tiền-mẫu-giáo cho hết lớp 5). Cô nói: “Các em hãy chú tâm vào hơi thở, hơi vào và hơi ra nơi mũi. Nếu muốn, có thể nhắm mắt. Ghi nhận lồng ngực phồng lên và xẹp xuống với từng hơi thở vào và ra.”

Ngoài thiền Chánh Niệm đi vào các trường học, Thiền tập cũng đang được huấn luyện trong quân đội Hoa Kỳ, nhưng, theo tác giả họ chỉ áp dụng một phần nhỏ pháp thiền Phật giáo là “giữ tâm tỉnh thức không phán đoán.” Là khi đi thì biết là đi, khi ngồi thì biết là ngồi, khi niệm khởi thì biết là niệm khởi, khi niệm diệt thì biết là niệm diệt… chỉ quan sát chuyển biến ở thân thọ tâm pháp, mà không cần phán đoán đúng hay sai. Chánh niệm là chỉ biết mà không có sự phân biệt.

Thực ra, Chánh niệmĐức Phật dạy không chỉ ngừng ở đó mà còn cần phảitrí tuệ để phán đoán, rằng chánh niệmnhận ra tâm tham khi tâm tham khởi, nhận ra tâm sân khi tâm sân khởi…

Đối với thai phụ, tác giả cho biết trong bài Kinh Từ Bi Metta Sutta, Đức Phật dạy kết hợp thiền tỉnh thức (đi đứng nằm ngồi đều giữ tâm tỉnh thức, an tĩnh) vào tâm từ bi hướng tới tất cả chúng sanh trong mọi thời. Trong pháp này, không giữ “niệm bây giờ và ở đây,” và cũng không “niệm thân, thọ, tâm, pháp.”

Đến đây, bắt đầu từ bài thứ 14, tác giả đưa chúng ta đi tìm pháp hành. Pháp hành phổ biến hiện nay ngoài pháp hành chánh niệm như đã trình bày ở trên còn có pháp “ở đây và bây giờ” mà chúng ta thường biết đến là “Hiện Pháp Lạc Trú.” Chính Đức Phật dạy rằng: “Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận. Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại. Tuệ quán chính ở đây.”

Câu hỏi được tác giả đặt ra là: có phải pháp hiện tạiĐức Phật nói đến là bây giờ và ở đây? Có thực rằng chánh niệmđể tâm vào “bây giờ” được không? khi mà thực tướng cái “bây giờ” là ảo tưởng, và cái “ở đây” thực ramơ hồ, vì không chỉ rõ ở đâu trên thân và tâm, vì chúng ta chỉ có thể để tâm vào cái “ở thân” hay “ở tâm,” hay chỉ có thể để tâm vào cảm thọ (niệm thọ) hay vào hơi thở (một phần của niệm thân).

Tuy nhiên, tác giả cũng cho chúng ta biết đoạn kinh này hay những đoạn kinh tương tự khác đều có nghĩa là “buông bỏ cả ba thời”. Hãy giữ tâm vô sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chính Đức Phật đã dạy như thế trong Kinh Pháp Cú kệ 348 và Kinh Kim Cương.

Từ “Hiện Pháp Lạc Trú” với ý nghĩa buông bỏ, tác giả đưa chúng ta về với pháp tu không có gì để nắm giữ, một pháp tu khá phức tạp. Nói là pháp tu nhưng thực ra theo Thiền Tông, là không có một pháp tu nào hết. Cốt yếu chỉ là giữ tâm vô sở trụ. Không trụ vào bất kỳ nơi đâu, không trụ vào bất kỳ pháp nào, xa lìa tất cả những dính mắc. Chỉ cần buông bỏ hết thân và tâm.

Qua quyển sách này, chúng ta mới thấy rằng pháp “Ưng Vô Sở Trụ” trong kinh Kim Cương đã có mặt từ thời kỳ bình minh của Phật Giáo qua kinh Atthakavagga và kinh Parayanavagga tức kinh Con đường đến bờ bên kia. Hai kinh này được tìm thấy trong hệ Pali, Kinh Tiểu Bộ và được các nhà học Phật xếp vào thời kỳ Phật Giáo Sơ Thời (Early Buddhism). Có một điều đặc biệt là các kinh này không mở đầu với câu “Như thị ngã văn” và thường là những kinh ngắn gọn, trực tiếp, không nói gì về Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thiền, Thất Giác Chi.

Có thể nói pháp “Ưng Vô Sở Trụ” này xuyên suốt trong các kinh hệ Pali và hệ Sanskrit, từ những nhóm kinh ngắn trong kinh Tương Ưng Bộ, cho đến kinh Tiểu Bộ như Kinh Bahiya, Kinh Khemaka, Kinh Kalaka, Kinh Cetana, Kinh SA 17, Kinh Satta Sutta, kinh Pháp Cú, và còn nhiều nữa…Ngược lại, kinh Kim CươngBát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh cũng như Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ, Tín Tâm Minh của Tổ Tăng XánChứng Đạo Ca của Huyền Giác Thiền sư cũng được quảng diễn từ Kinh Nhật Tụng Sơ Thời của Đức Phật. Thật tuyệt vời.

Có thể nào chúng ta ứng dụng pháp tu này trong đời thường. Tác giả cho biết rất dễ dàng. “Đức Phật dạy rằng hãy luôn luôn tỉnh giác, hãy nhìn thế giới là rỗng rang không thực tướng, và hãy ưng vô sở trụ. Cốt tủy là như thế. Bây giờ, bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở của bạn, tuổi thọ chúng ta đang ngắn dần từng hơi thở đó. Bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở xem, hãy cảm nhận vô thường đang ngấm vào ngay nơi hơi thở đó… Ngay khi bạn tu như thế, tức khắc là an lạc.”

Ngoài ra, hãy ứng dụng lời Phật dạy trong Kinh Bahiya, và Kinh Malunkyaputta rằng: “với những gì được ngươi thấy, nghe, cảm thọ, và thức tri: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri…” Chỉ cần, đối cảnh vô tâm, hay cứ để mặc cho các pháp được thấy như là được thấy, được nghe như là được nghe… Và đó cũng là Thiền Tông: không một pháp nào để làm.

Tác giả còn đối chiếu nhiều đoạn kinh văn khác của hai dòng tư tưởng chính và pháp hành của các tông phái Phật giáochúng tôi, do giới hạn của bài viết, không thể trình bày mà để dành cho quý độc giả thưởng lãm.

Điều chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn sách này trình bày rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái và tông phái Phật giáo. Chúng tôi xin chúc mừng Cư sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với công trình khảo sát và dịch thuật rất cẩn trọng của ông. Chúng tôi cũng ước mong độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn - và nguồn cảm hứng để chọn cho mình một pháp hành. Vì chỉ có pháp hành mới giúp cho hành giả chúng ta an trú tâm và an tịnh nội tâm.

Trân trọng kính giới thiệu,

Cư sĩ Tâm Diệu | Thư Viện Hoa Sen



MỤC LỤC

lời thưa
lời giới thiệu
1. một nhà nước tỉnh thức
2. một quốc hội tỉnh thức
3. sinh nhật đức đạt lai lạt ma
4. thiền tập với trẻ em
5. thiền tập khi mang thai
6. hình ảnh người mẹ trong kinh
7. thiền tập và chiến binh
8. những người phật tử jubu
9. hương đạo bay xa
10. phật giáo cho người vô thần
11. tưởng nhớ công ơn chư tôn đức tiền bối
12. ưu tiên nên là giới
13. thiện hữu tri thứ trên đường tu học    
14. vài ghi chú rời về thiền
15. không một pháp để làm
16. thiền tập giữa trận đồ tâm thức
17. pháp môn định vô tướng
18. các pháp vào định
19.thiền tông và các pháp ngắn gọn
20. đọc tạng pali: đừng trụ bất kỳ pháp nào
21. bài kinh tuấn mã và thiền tông
22. đơn sơ, lặng lẽ, rỗng rang, gương sáng
23. đức phật dạy pháp thấy tánh
24. nhìn tâm như gương sáng 
25. bản lai vô nhất vật
26. ai gìn giữ tâm nguyên
27. thân cận với tánh không

pdf_download_2
Thien Tong Qua Bo Kia - Nguyen Giac


Quý độc giả có thể tìm trên Amazon bằng cách gõ chữ không dấu: "Thien Tong Qua Bo Kia" hay click vào link sau đây để trực tiếp mua từ Amazon: https://www.amazon.com/s/ref=nb_sb_noss?url=search-alias%3Daps&field-keywords=thien+tong+qua+bo+kia 

bia-sach-thien-tong-qua-bo-kia__Nguyen-Giac---02Ghi chú: 
Ảnh bìa: Buổi tọa thiền khuya trong Mùa An Cư 2015 tại chánh điện chùa Huyền Không Sơn Thượng (Ảnh nghệ thuật: Chơn Hữu)

Ananda Viet Foundation Books

Tạo bài viết
13/04/2016(Xem: 18608)
29/11/2015(Xem: 10638)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.