Phần IV: Niết-bàn Vô Danh - Niết-bàn Vô Danh Luận

09/02/20213:26 CH(Xem: 1915)
Phần IV: Niết-bàn Vô Danh - Niết-bàn Vô Danh Luận
WALTER LIEBENTHAL
TRIỆU LUẬN
肇 論
HONG KONG UNIVERSITY PRESS 1968
THÍCH NHUẬN CHÂU dịch 2020
 
Phần IV: NIẾT-BÀN VÔ DANH
NIẾT-BÀN VÔ DANH LUẬN[1]

 

  1. Biểu Tấu Vua Tần

Tăng Triệu nói:

Triệu nghe Trời đạt nhất thể do thanh tịnh, Đất đạt nhất thể do an tĩnh, vua đạt nhất thể do cai trị thiên hạ.[2] Phủ phục trước sự sáng suốt minh triết của bệ hạ. Đạo đã hội ứng với thần linh của bệ hạ, nên lý tắc không làm sao mà không thông hợp, diệu khế như trung tâm chiếc kim hoàn.[3] Thong thảgiải quyết vạn sự,[4] hoằng đạo[5] trọn ngày, uy đức bảo bọc trăm họ, văn chỉ của bệ hạ đã trở thành luật tắc cho nhân gian. Do đó người xưa nói rằng,[6] ‘Vũ trụ có bốn điều lớn, trong đó vương quyền là một.’

 

Đạo lý của niết-bàn (nirvāṇa) là chỗ hội quy của Tam thừa,[7] là uyên nguyên của Phương đẳng,[8] là vùng nước sâu thẳm, là sa mạc mênh mông, là cảnh giới dứt tuyệt mọi điều thấy nghe,[9] u ẩn đến hư huyền, hầu như chẳng phải tình người có thể thăm dò tới được.

Triệu tôi hèn mọn, lại mong ân đất nước được nhàn cư nơi học tứ,[10] làm môn hạ Thập công hơn mười năm. Tuy kinh điển học tập có nhiều đề mục thắng giải chớ không phải chỉ có một, nhưng vấn đề Niết-bàn (nirvāṇa) vẫn là quan trọng bậc nhất. Tuy lấy điều dự thính các công cuộc học tập làm đầu, nhưng vì Triệu tôi tài hèn trí kém nên tuy được Thập công tận tường dạy dỗ mà lòng vẫn còn nặng trĩu mơ hồ những hoài nghi. Vì trí óc ngu muội không dừng, lại nữa, những hoài nghi này tựa hồ như đã được liễu giải, nhưng vì chưa được các kinh hơn cao quyết xác cho, nên vẫn chưa dám tự quyết là đúng.

Bất hạnh Thập công viên tịch nên không còn ai để tham cứu học hỏi nữa, Triệu tôi lấy đó làm điều vĩnh viễn cảm khái trong lòng. Thế nhưng thánh đức của bệ hạ không cô độc,[11] vì thần khí đã cùng Thập công khế hợp.[12] Chính mắt Triệu tôi trông thấy Đạo được bệ hạ và Thập công bảo tồn, tấc lòng thật vô cùng mừng rỡ, nên càng phấn chấn học tập huyền phong để mở cửa pháp cho đời mạt thế.

 

II.1

Một hôm, mong ân được xem thư của bệ hạ gởi cho (hoàng đệ là) An Thành hầu Diêu Tung,[13] trả lời về tông chỉ của Vô vi.[14] Bệ hạ đáp rằng: “Sở dĩ chúng sinh từ bao lâu vẫn lưu chuyển trong vòng sinh tử là vì cứ mãi đắm trước nơi ái dục. Nếu mà tâm đình chỉ dục vọng thì không còn trôi lăn trong sinh tử. Không còn sinh tử, ẩn giấu tinh thần nơi huyền mặc, khế hợp cùng đức của hư không,[15] đó gọi là niết-bàn (nirvāṇa). Đã là niết-bàn thì làm sao còn có thể dung chứa vật hữu danh bên trong?”[16]

Những lời này quả là đã đạt đến tận cùng vi tế mỹ lệ, đàm luận đến tột cùng, vượt ngoài hình tướng. Như chính bệ hạ, thâm nhập đạo pháp chưa đến Văn-thù, đức chẳng sánh bằng Di-lặc, thì làm sao có thể tuyên dương huyền đạo, làm thành hào cho Phật pháp được? Làm sao có thể làm cho đại giáo vốn đã cuộn lại rồi nay lại được trải ra, hiển dương ý chỉ u huyền vốn đã bị luân lạc?

Triệu tôi ân cần ngoạn thưởng nghĩa văn, không thể lìa thư khỏi tay dầu trong chốc lát. Hân hoan, tỏ ngộ, lòng mang mang phơi phới, tứ chi rung động, chẳng phí thời gian làm điều gì khác. Chẳng phải đây là quỹ phạm thù thắng cho đương thời, mà còn là bờ bến cho bao nhiêu kiếp về sau nữa hay sao?

 

II.2

Ý chỉ của thánh vương uyên thâm huyền nhiệm, lý luận vi tế, lời văn giản lược, khiến cho người tài giỏi khả dĩ tiến thêm, bậc cao sĩ vượt lên hơn nữa. Triệu tôi chỉ e rằng những người câu chấp văn từ chưa thể tận tường thông hiểu ý nghĩa bệ hạ nêu ra. Nên Triệu tôi xin phỏng theo Khổng Tử trứ tác chương Thận Dực trong Kinh Dịch,[17] không tham cầu văn từ bóng bẩy mà nghĩ đến việc mở ra ý chỉ u huyền của kinh điển, viết ra Niết-bàn vô danh luận này.

Luận gồm chín điều phản bác bỏ và mười phần điều giải, biện luận quảng diễn, dẫn chứngthí dụ theo các kinh. Kính cẩn lấy điều nhận định của bệ hạ về Vô danh chí cực, nào dám đâu gọi luận này là diễn đạt thần tâm hay là nghiên cứu đến tận cùng tư tưởng xa vời của bệ hạ. Vậy nên chỉ dám luận nghị về huyền môn để thuyên giải cho học chúng mà thôi.

 

II.3

Cuối thư trả lời bệ hạ viết: “Tất cả các học phái đều biết rõ, Đệ nhất nghĩa đế[18] rỗng lặng, tịch tĩnh, chẳng phân biệt thánh phàm. Tôi thường cho đó là quá thẳng tắt, không gần với nhân tình. Nếu như khôngThánh nhân thì ai là người biết có cái Vô?”[19]

Thật như chiếu văn sáng suốt của bệ hạ, quả đúng như vậy. Đạo vốn hoảng hốt, yểu minh, nhưng nội tại hiện hữu tinh thần.[20] Nếu không phải Thánh nhân, thì ai cùng Đạo giao du? Người học ngày nay, chẳng thể không trù trừ trước ngưỡng cửa Đạo mà tấm tức về ý chỉ này. Suốt đời hoài nghi mà chẳng có ai để xác chính cho. Hữu hạnh tình cờ được lời phán quyết cao siêu của bệ hạ, tông đồ nhờ đó mà được y nhiên. Người học đang gõ cửa Đạo, nay được hăm hở bước vào huyền thất. Đó quả thật có thể gọi là Pháp luân tái chuyển nơi Diêm-phù,[21] ánh sáng Đạo pháp lại rực rỡ thêm qua ngàn muôn kiếp nữa.

II. 4

Nay xin diễn thích ý chỉ của luận do bệ hạ sáng tác, biện giải khúc chiết về thể vô danh của niết-bàn, để làm lặng im quan niệm hư vô, bác bỏ lập luận của những người khác.

 

Kính cẩn trình lên bệ hạ, như bài này tham giải thánh chỉ phần nào, mong bệ hạ sắc cho được tồn ký. Như có điều sai lạc, xin bệ hạ chỉ điểm cho.

 

  1. Luận Văn

Trong luận văn có ba từ phiên âm: niết-bàn 涅槃, nê-viết 泥曰, nê hoàn 泥洹 (nirvāṇa), vì khi phiên dịch, hoặc trước hoặc sau. Đọc khác nhau do người ở kinh đô hay vùng biên giới. Phiên âm thường dùng là niết-bàn (nirvāṇa).

 

Khai tông

Vô danh[22] nói: Kinh gọi Hữu dư niết-bàn,[23] Vô dư niết-bàn, Hán dịch là vô vi, cũng gọi là diệt độ. Vô vi[24] là rỗng lặng tịch diệt, cách tuyệt với hữu vi. Diệt độtai họa lớn sanh tử vĩnh viễn tiêu diệt,[25] vượt qua bốn dòng.[26]

Đó là nơi quay về của tất cả cảnh tượng,[27] cũng là chỗ sâu kín, tuyệt dứt ngôn từ. Gọi hữu dư, vô dư, chỉ là tên khác biệt của xuất xứ,[28] giả danh của ứng cơ hóa độ mà thôi. Nay tôi thử luận bàn rằng:[29]

Đạo của niết-bàn tịch diệt, rỗng lặng, chẳng thể theo danh tướng mà tìm;[30] vô tướng vi diệu, chẳng thể dùng hữu tâm mà biết. Siêu tuyệt tướng hữu vi do đạt đến u huyền, lớn như thái hư nên thường vĩnh cửu. Đuổi theo chẳng thấy tông tích; đón ở trước, không thấy đầu ở đâu.[31] Theo dõi đàng sau, chẳng làm sao đạt được tông tích.

Lục thú[32] không làm sao bao nhiếp được nó, sức mạnh[33] chẳng thể làm cho biến đổi. Hoang mang, hốt hoảng,[34] dường như lưu lại đây, dường như đã đi rồi.

 Ngũ nhãn[35] chẳng thấy được dung mạo, nhị thính[36] chẳng nghe được âm thanh. Mịt mù thâm sâu, ai thấy ai hiểu? Trùm khắp bao gồm, không có chỗ nào chẳng tồn tại, mà siêu việt biểu tượng có không.[37]

Thế thì hễ nói được là mất cái chân, biết được thì trái với tính chất phác;[38] được cái có là trái với tự tánh, được cái không là tổn thương đến thể của nó.

Do thế nên Đức Thích-ca đóng thất nơi Ma-kiệt-đà,[39] Tịnh Danh im lặng nơi thành Tỳ-da,[40] Tu-bồ-đề dùng vô ngôn hiển bày giáo pháp, Đế Thích[41] chẳng nghe thấy mà vẫn rãi hoa cúng dường.[42] Đó do khế hợp chánh lý[43] nên ngậm miệng, đâu phải có biện tài. Vì nói cái chẳng thể nói được.

Kinh[44] nói: “Chân giải thoát lìa ngôn ngữ tướng số, [45] tịch diệt vĩnh an, vô thỉ vô chung, chẳng tối chẳng sáng, không lạnh không nóng, trạm nhiên thường tịch như hư không, vô danh vô thuyết”.

Luận[46] nói: “Niết-bàn chẳng có cũng chẳng không, đường ngôn ngữ chấm dứt, chỗ suy lường của tâm ý tiêu diệt.” Theo lời kinh luận trên, đâu phải không đúng sự thật. Như thế, quả thật có cái sở dĩ chẳng có, nên không thể cho là có; có cái sở dĩ chẳng không, nên chẳng thể cho là không vậy. Vì sao?[47]

Nếu đặt niết-bàn vào nơi hữu, tất ngũ uẩn phải vĩnh viễn tiêu diệt,[48] nếu đặt niết-bàn vào nơi vô, thì sự nhiệm mầu linh tri[49] thường tồn,[50] nhiệm mầu linh tri thường tồn nên dầu bặt thấy nghe mà nhất chân[51] trạm nhiên thường tịch,[52] ngũ ấm vĩnh viễn tiêu diệt thì vô biên phiền não đều sạch.[53] Tất cả phiền não đều sạch nên thông đạt với đạo; nhất chân trạm nhiên thường tịch nên diệu dụng mà chẳng thấy công dụng.[54] Diệu dụng mà chẳng thấy công dụng nên chí công thường tồn; thông đạt với đạo nên thâm sâu mà chẳng biến đổi. Thâm sâu mà chẳng biến đổi nên chẳng thể cho là có; chí công thường tồn nên chẳng thể cho là không.

Thế thì có, không tuyệt bên trong, tên gọi bặt bên ngoài, thấy nghe chẳng thể đến, người cõi Tứ không[55] mê muội chẳng hiểu biết. Bình đẳng nhất như mà vô trụ, trống rỗng chiếu soi mà khắp nơi; cữu lưu[56] lấy đó làm nơi giao quy, các thánh do đó mà minh hội. Đó là cảnh giới chẳng thể thấy nghe, xứ sở của thái huyền, mà muốn lấy có và không để gán tên chỉ bày phạm vi của niết-bàn, dùng lời nói để tả cái đạo thần diệu, chẳng phải lại càng xa xôi ư!

Nghiệm xét về thể niết-bàn (nirvāṇa)

Hữu danh vấn:

Danh hiệu chẳng phải khi không đặt ra, tên gọi chẳng phải tự nó đương nhiên sanh khởi. Kinh nói: “Hữu dư niết-bàn và Vô dư niết-bàn là chân danh trở về tự tánh,[57] cũng là tên gọi đạo pháp thần diệu.”[58] Nay tôi xin thử trình bày:

Hữu dư y niết-bàn[59]

Hữu dư có nghĩa Như Lai vừa khi đại giác, pháp thân[60] bắt đầu kiến lập, tắm gội trong dòng nước bát giải thoát,[61] nghỉ ngơi trong rừng tươi tốt thất giác chi,[62] tích chứa muôn thiện từ nhiều kiếp, rửa sạch cáu bẩn từ vô thuỷ. Tam minh[63] chứng ngộ bên trong, thần quang[64] chiếu rọi bên ngoài. Phát thệ nguyện nơi sơ tâm,[65] độ chúng sinh[66] cho đến cuối cùng, trên cầu quả Phật, dưới cứu độ chúng sanh, siêu việt tam giới,[67] độc chứng đại giác.[68]

Mở đường bằng phẳng Bát chánh đạo, thành lối bình ổn cho chúng sinh. Cỡi thần mã lục thông,[69] đi xe lành ngũ thừa.[70] Ra vào trong sanh tử để tùy cơ hóa độ chúng sanh, đạo pháp sung mãn, đức dụng khắp nơi,[71] cùng tột đến chỗ tạo hóa[72] mới sanh khởi, cực độ đến diệu dụng then cửa huyền môn, khuếch trương vũ trụ không hư đến nơi không cương giới, soi sáng pháp giới bởi nhất thiết trí.[73] Nhân duyên hóa độ ngưng nơi cửu địa,[74] chìm nơi thái hưnhân duyên chưa hết; dấu tích giáo hóa không cùng, nghiệp báo chưa dứt, thánh trí vẫn còn, đó là Hữu dư niết-bàn.

Kinh[75] nói: “Tiêu tan trần lao phiền não, như luyện vàng thật, muôn khổ đều hết mà linh giác độc tồn.”

 

Vô dư y niết-bàn (nirvāṇa) [76]

 “Vô dư” là nhân duyên giáo hóa của bậc chí nhân đã xong, linh chiếu[77] vĩnh viễn tiêu diệtcơ cảm đều tuyệt, nên gọi Vô dư.

Tại sao? Họa lớn chẳng bằng nơi có thân, nên phải quên thân để trở về không.[78] Lao nhọc chẳng bằng có trí, nên phải bặt trí để vào nơi trống rỗng. Thế nên trí do hình thể mà mệt mỏi, hình thể bởi trí mà lao nhọc, nhiều kiếp luân hồi trong lục đạo, đau khổ không dừng.

Kinh[79] nói: “Tâm trí là gốc của tất cả độc, hình thể là chỗ tựa của gông cùm, lìa chánh lý thâm sâu vắng lặng, tai họa do đó mà sanh khởi.” Cho nên bậc chí nhân tiêu thân diệt trí,[80] bỏ hình thể, tuyệt suy tư. Trong không lao nhọc của ứng cơ chiếu soi,[81] ngoài cắt đứt nguồn gốc tai họa. Siêu nhiên tam giới nên sanh tử vĩnh viễn cắt tuyệt, trống rỗng bao la đồng thể hư không. Tịch diệt chẳng thấy nghe, trống không chẳng dấu tích,[82] âm thầm mờ mịt chẳng có chỗ đến; cũng như đèn tắt, dầu và ánh sáng đều hết, đó là Vô dư niết-bàn.

Kinh[83] nói: “Ngũ ấm sạch hết, cũng như đèn tắt.”

 

Kết luận

Thế nên Hữu dư niết-bàn có thể hữu danh, Vô dư niết-bàn có thể vô danh. Vô danh đã lập rồi thì kẻ tôn sùng hư vô ham thích với sự thâm sâu vắng lặng, Hữu danh có tên thì người nhớ ân càng ngưỡng mộ công đức bậc thánh.

Đó là lời văn trong kinh điển, là sự giáo hóa hợp lý của Đức Phật. Mà ông lại nói có, không dứt ở bên trong, danh xưng chìm mất bên ngoài, thấy nghe chẳng thể đến, người cõi Tứ không[84] mê muội chẳng thể hiểu. Làm cho người biết ân đức tự cách tuyệt với đạo, kẻ tôn sùng hư vô chẳng có chỗ nương tựa,

Chẳng khác gì tai mắt bị bít lấp nơi thai bào, huyễn tượng bị che khuất bởi mây mờ, thế mà lại cầu mong có dị biệt giữa cung thương mấy nhịp, biện luận sai thù giữa trắng với đen. Đâu có lý như vậy?

Ông chỉ biết suy tôn bậc chí nhân, siêu việt sự có không, tự cho lời văn vượt ra ngoài danh tướng, mà ý chỉ luận bàn lại làm cho người đọc chẳng biết chỗ quy hướng, nên đạo của niết-bàn tự ẩn mà chưa được hiển bày.

Tôi im lặng suy nghĩ tìm hiểu, cảm thấy chẳng có chỗ y cứ,[85] vì thế đâu có thể cho là soi ánh sáng nhiệm mầu vào gian phòng u tối, là tấu âm hưởng huyền diệu cho người không biết nghe chăng?

 

Xác lập thể tánh niết-bàn (nirvāṇa)

Vô danh đáp:

Hữu dư, Vô dư là tên gọi bên ngoài của niết-bàn, giả danh của ứng cơ hóa độ mà thôi; kẻ đuổi theo tên gọi là chấp danh, kẻ ghi nhớ hình tượngchấp tướng. Danh hiệu hạn chế nơi đề mục, hình tướng phạm vi trong vuông tròn. Cũng có chỗ chẳng thể lấy vuông tròn để diễn tả, lấy đề mục để truyền nhau được. Đâu có thể lấy tên gọi gán vào nơi vô danh, lấy hình tướng gán vào nơi vô hình! Bởi vì thể tánh niết-bàn lìa danh lìa tướng, chẳng phải cảnh giới phàm tình, nên đạo vô hình vô tướng ấy đâu có thể đuổi theo hình theo danh mà tìm cầu được.

Lời vấn nạn rằng: “Hữu dư, Vô dư là bản ý phương tiện tịch diệt để thiết lập giáo môn, cũng là sự tích ẩn và hiển của Như Lai. Nhưng chưa phải tuyệt ngôn thâm sâu của nhiệm mầu tịch diệt, cũng chẳng phải diệu đạo cứu thế của bậc trí nhân.”

Ông chưa nghe thuyết chánh quán[86] chăng? Duy-ma-cật[87] nói: “Ta quán Như Lai vô thỉ vô chung, vượt qua lục nhập,[88] ra ngoài tam giới, chẳng tại phương, chẳng lìa phương, chẳng hữu vi, chẳng vô vi. Chẳng thể dùng thức để biết, chẳng thể lấy trí để hiểu, vô ngôn vô thuyết, chỗ suy lường của tâm ý dứt sạch. Theo đúng như vậy là chánh quán, nếu quán theo cách khác thì chẳng thấy Phật.”

Kinh Phóng quang[89] nói: “Phật như hư không, vô khứ vô lai, ứng cơ mà hiện,[90] chẳng có phương sở.”

Thế thì, bậc thánh ở nơi vũ trụ tịch diệt trống rỗng, không chấp trước, không tranh biện. Dẫn dắt mà chẳng đi trước, cảm nên ứng cơ. Ví như tiếng trong hang, hình trong gương sáng, đối diện mà không biết từ đâu đến, đuổi theo chẳng hiểu chỗ đi; chớp nhoáng mà có, mập mờ mà không, động lại càng tịnh, ẩn lại càng tỏ, ra vào nơi có, không; thâm sâu âm thầm, biến hóa vô thường, chẳng thể suy lường được.

Đặt ra tên gọi là bởi ứng cơ hóa độ, hiển bày sự tích là sanh, ngưng nghỉ sự tích là diệt; sanh gọi là Hữu dư, diệt gọi là Vô dư.[91] Thế thì tên gọi của hữu, vô là sanh khởi từ vô danh, mà đạo vô danh thì nơi nào chẳng phải danh?

Cho nên bậc chí nhân ở nơi vuông thì vuông, ở nơi tròn thì tròn, ở cõi trời thì làm trời, ở cõi người thì làm người, bởi vì cái năng lực làm trời, làm người đâu phải hạng trời, người có thể làm được! Vậy rõ ràng chẳng phải trời, chẳng phải người nên mới làm trời, làm người được mà thôi.[92]

Do đó, khi hóa độ chúng sanh, ứng cơ mà chẳng làm, vì chẳng qua tác ý nên việc làm rộng lớn; ứng cơ chẳng làm nên ứng cơ rộng lớn. Việc làm rộng lớn nên trở lại nơi vi ẩn,[93] ứng cơ rộng lớn nên quy về Vô danh.

Kinh[94] nói: “Đạo bồ-đề[95] chẳng thể suy lường, cao mà vô thượng, rộng chẳng bờ bến, thâm sâu không đáy, xa xôi chẳng có chỗ đến. Lớn bao gồm trời đất, nhỏ nhập vào bụi trần cực nhỏ, nên gọi là Đạo.” Thế nên đạo của niết-bàn (nirvāṇa) chẳng thể lấy sự hữu, vô để tìm đã rõ ràng rồi.

Thế mà kẻ mê hoặc thấy sự thần biến[96] lại cho là có, thấy sự diệt độ liền cho là không, cái cảnh có, không là trong phạm vi của vọng tưởng, đâu có thể làm tiêu biểu cho huyền đạodiễn tả chân tâm của bậc Thánh.

Ý nói bậc chí nhân tịch diệt trống rỗng chẳng có dấu tích,[97] ẩn và hiển cùng nguồn gốc, còn chẳng cho là có, mất chẳng cho là không. Tại sao?

Đức Phật nói:[98] “Ta chẳng phải có sanh hay không sanh, tuy sanh mà chẳng sanh; chẳng phải có hình tướng hay không có hình tướng, dù hiện hình mà chẳng thấy hình.” Nên biết, còn chẳng cho là có.

Kinh[99] nói: “Bồ-tát nhập vô tận tam-muội,[100] thấy tất cả chư Phật diệt độ trong quá khứ.” Lại nói: “Vào niết-bàn mà chẳng trụ niết-bàn.”[101] Nên biết mất (vong) chẳng thể cho là không. Mất chẳng là không, dù không mà có; còn (tồn) không cho là có, tuy có mà không. Dù có mà không nên gọi là phi hữu; dù không mà có, nên gọi là phi vô.

Thế nên, đạo niết-bàn (nirvāṇa) quả thật vượt ngoài phạm vi có không, nên đường ngôn ngữhình tượng tuyệt dứt. Mà ông lại nói “Tai họa của bậc thánh là do có thân, nên diệt thân để trở về không; lao nhọc là do có trí, nên bặt trí để chìm nơi trống rỗng.” Há chẳng phải trái với chánh lý cùng tột của pháp thân, tổn thương ý chỉ nhiệm mầu[102] (của niết-bàn) chăng?

Kinh[103] nói : “Pháp thân vô tướng, ứng cơ hiện hình; Bát-nhã vô tri, tuỳ duyên chiếu hiện.” Ứng cơ vạn cảnh tâm không hề xao động; đối trị ngàn vấn nạn sai khác mà chẳng phải suy tư. Động như mây bay, tịnh như hang sâu.[104] Đâu còn tâm bỉ thử, và tình dính mắc động tịnh? Đã vô tâm động tịnh, vô tướng khứ lai, đến đi chẳng có tướng nên không có vật nào mà chẳng hiện hình, động tịnh chẳng có tâm nên không có cảm[105] nào mà chẳng ứng.

Thế nên, tâm sanh nơi hữu tâm, tướng xuất nơi hữu tướng; tướng chẳng xuất nơi ta nên dù đá vàng chảy mà Ngã chẳng cháy,[106] tâm chẳng sanh nơi Ngã, nên tuy ứng dụng hằng ngày mà chẳng động. Tự nó lăng xăng, đối với Ngã có làm gì được đâu?

Cho nên Thánh trí cùng khắp vạn vật mà chẳng lao nhọc, hình thể sung mãn mười phương mà chẳng tai họa, sự lợi ích chẳng thể thêm, sự tổn hại chẳng thể bớt; mà ông lại tin rằng Đức Phật mắc bệnh dịch trên đường (đến Câu-thi-na), nằm nghỉ dưới tàng song thọ, linh thần tắt hẳn nơi tự tháp,[107] xác thân tận diệt trong hỏa táng như vậy?

Thế nhưng mê mờ nơi cảnh giới thấy nghe, tìm kiếm sự tích khác biệt của ứng cơ hóa độ; lấy thước đo lường hư không, đem tâm trí làm lao nhọc bậc thánh, lấy hình thể làm tai họa cho chí nhân, nên bỏ có vào không, rồi đặt tên như vậy. Đó đâu phải là lời nói tinh vi, siêu việt thấy nghe, hiển bày huyền căn[108] nơi trống rỗng.

 

Nạn vấn 2. Thể siêu xuất của niết-bàn.[109]

Hữu danh vấn: Thời hỗn mang sơ khai vạn hữu sanh khởi,[110] vạn hữu đã có rồi thì chẳng thể cho là không. Không chẳng tự không, phải do nơi có; nên nói[111] cao và thấp tương sanh, có và không tương thành, đó là lẽ tự nhiên, số lượng của hiện tượng thế giới cùng tột nơi đây.[112]

Theo đó quán sát, tạo hóa[113] sanh vạn vật, lý chẳng ẩn dấu và hiển bày, lớn nhỏ, thọ yểu, thành thậtdối trá đều có cả. Cái có là do biến đổi mà thành không, không mà chẳng không. Thế nên cái cảnh có, không trên thế gian đều thuộc nguyên lý này.

Kinh[114] nói: “Hai pháp có, không nhiếp trọn tất cả pháp.” Còn gọi[115] tam vô vi: Hư không vô vi, Trạch diệt (số duyên) vô vi, Phi trạch diệt (số duyên) vô vi. [116] Phi trạch diệt vô vi là niết-bàn (nirvāṇa).[117]

Luận nói: “Ngoài có và không, còn có đạo huyền diệu khác, huyền diệu hơn có và không, gọi là niết-bàn (nirvāṇa).”[118]

Nhưng tôi suy xét bản thể đạo huyền diệu, nếu quả thật là có, dù cho huyền diệu, chẳng phải là không. Dù huyền diệu chẳng phải là không, tức là chỗ cảnh thật có rồi; nếu quả thật là không thì phải thật không, không mà thật không tức là nhập vào cảnh thật không.

Nói tóm lại, chẳng có sự khác với có mà phi vô, chẳng có sự khác với không mà phi hữu đã rõ ràng. Theo giáo lý suy xét nguồn gốc, chẳng ra ngoài có và không, đâu phải khác với có mà lại nói chẳng không, khác với sự không mà lại nói chẳng có? Mà Luận nói: “Ngoài sự có và không còn có đạo huyền diệu khác, là phi hữu phi vô, gọi là niết-bàn.” Tôi nghe lời này thật chưa hợp với chân tâm.

(Câu trả lời 2). Khẳng định bản thể siêu việt (của niết-bàn).

Vô danh đáp: Tên gọi hữu vô, dù cho không pháp nào chẳng bao gồm, không có lý nào chẳng lệ thuộc, nhưng sự bao gồm lệ thuộc chỉ là tục đế mà thôi. Kinh[119] nói: “Chân đế là gì? Là đạo niết-bàn. Tục đế là gì? Là pháp hữu vô.” Tại sao? Hữu là hữu nơi vô. Vô là vô nơi hữu. Cho nên, hữu cái sở vô gọi là hữu, vô cái sở hữu gọi là vô; hữu sinh từ vô, vô sinh trong hữu; lìa hữu chẳng có vô, lìa vô không có hữu; hữu và vô nương nhau mà có. Cao thấp thay phiên với nhau, có cao thì phải có thấp, có thấp thì phải có cao.

Như thế, hữu và vô dù khác biệt đều chẳng thể lìa nơi hữu vậy. Ấy là chỗ hình thành của ngôn ngữ, chỗ sanh khởi của thị phi. Đâu có thể bao gồm tất cả nhiệm mầu cùng cực mà diễn tả đạo thần diệu[120] (niết-bàn)?

Cho nên luận nói siêu xuất hữu vô do danh xưng hữu vô[121] chỉ hạn chế trong phạm trù sáu căn sáu trần.[122] Trong phạm trù sáu căn sáu trần chẳng phải là ngôi nhà niết-bàn, nên mượn chữ xuất để khử trừ mê chấp vậy.

Mong người học đạo, lờ mờ trên con đường đến niết-bàn vi diệu, gởi tâm nơi tuyệt đối, được ý quên lời, Thể hội[123] chẳng có chẳng không. Đâu phải ở ngoài hữu và vô còn có một cái hữu để gọi?

Kinh nói: “Ba pháp vô vi là do những rối rắm rối rắm ưu phiền của chúng sinh trọn đời mang nỗi lo.” Lo toan trước tiên không gì bằng hữu; khi diệt tuyệt hữu rồi thì danh xưng trước tiên không gì bằng vô. Cho nên tôi mượn tạm vô để mà nói rõ rằng nó phi hữu; mượn tạm hữu để nói rõ điều đó phi vô, nên không gọi nó là vô vậy.

 

(Nạn vấn 3). Hỏi về Huyền diệu

Hữu danh hỏi: Luận nói[124] niết-bàn chẳng ngoài có không, cũng chẳng trong có không. Chẳng trong có không, thì chẳng thể tìm được ở nơi có không; chẳng ngoài có không, thì chẳng thể lìa có không mà tìm được. Chẳng có chỗ tìm thì phải tất cả đều không, mà lại nói diệu đạo chẳng không, nếu diệu đạo chẳng không thì đường lối thâm sâu có thể tìm. Cho nên ngàn thánh đồng một quỹ đạo, chưa từng trống rỗng, chẳng có chỗ quy hướng.

Diệu đạo đã có mà lại nói chẳng ra ngoài, chẳng ở trong, vậy phải có ý chỉ khác thường, nay xin nói cho nghe được chăng?

Trả lời: Diệu đạo (niết-bàn) thường tồn

 

Vô danh: Ngôn ngữ sanh khởi do danh tự, danh tự do hình tướng mà sanh, hình tướng từ vọng tưởng bày ra. Danh và tướng đều không thì vô danh vô thuyết, ngôn thuyết đã không thì chẳng có cái nghe. Kinh[125] nói: ‘niết-bàn chẳng phải pháp nên chẳng ở trong, chẳng phải không là pháp nên chẳng ở ngoài, không nói không nghe, vì diệu đạo lìa ngôn ngữ, chẳng phải do tâm ý mà biết được.” Tôi đâu dám nói. Mà ông muốn nghe đó thôi!

Tuy thế, Tu-bồ-đề[126] nói: “Ta quán Bát-nhã vốn chẳng ngôn thuyết, nếu chúng sanh được vô tâm để lãnh thọ, chẳng nghe mà nghe, thì ta sẽ chẳng nói mà nói.” Nay ông theo ngôn từ, nên tôi dùng ngôn từ biện giải.

Duy-ma-cật[127] nói: “Chẳng lìa phiền não mà chứng được niết-bàn.” Thiên nữ[128] nói rằng: “Chẳng cần ra khỏi cảnh giới ma mà vẫn vào cảnh giới Phật.”

Thế nên, huyền đạo ở nơi diệu ngộ, diệu ngộ tại tức chân; tức chân thì có, không cùng thấy, cùng thấy thì người và mình chẳng phải hai.[129] Cho nên trời đất với Ngã đồng một gốc, vạn vật với Ngã đồng một thể; đồng với Ngã thì chẳng còn sự có không, khác Ngã thì trái với sự dung thông; cho nên chẳng ra ngoài, chẳng ở trong, mà ngay đó diệu đạo thường tồn. Tại sao?

Vì bậc thánh nơi tâm trống rỗng mà âm thầm chiếu soi, từ lý đạt sự nên chẳng có chỗ nào mà chẳng bao gồm; ôm vũ trụ trong lòng mà linh minh soi chiếu có dư, hiện vạn hữu trong tâm mà chân tâm thường rỗng lặng;

do diệu ngộ nên tẩy sạch phiền não, phá cái mê chấp từ vô thỉ, ngay nơi náo động mà chân tâm thường tịnh, trống rỗng vắng lặng mà khế ngộ tự nhiên.[130]

Thế nên ở nơi có mà chẳng có; ở nơi không mà chẳng không; vì ở nơi không mà chẳng không nên chẳng kẹt không, vì ở nơi có mà chẳng có nên chẳng chấp có. Thế nên chẳng ra ngoài có không cũng chẳng ở trong có không. Vạn pháp chẳng có tướng có không, bậc thánh chẳng có cái biết có không. Bậc thánh chẳng có có cái biết có không thì chẳng tác ý bên trong; vạn pháp chẳng có cái tướng có không thì chẳng có danh số bên ngoài. [131] Chẳng có danh số bên ngoài thì cảnh tuyệt, chẳng tác ý bên trong thì trí tiêu. Cảnh và tâm đều rỗng lặng thì vật và ngã âm thầm hợp nhất, trống rỗng chẳng dấu tích, [132] nên gọi niết-bàn. Nếu niết-bàn như thế thì suy lường dứt tuyệt, đâu còn có thể chứa chấp có không ở bên trong và tìm cầu có không[133] bên ngoài ư?

 

(Nạn vấn thứ 4). Sai biệt về 3 niết-bàn (nirvāṇa)  

Hữu danh hỏi:

Nếu đã tuyệt suy lường nơi niết-bàn thì siêu việt lục cănlục trần,[134]  chẳng ra ngoài, chẳng ở trong mà huyền đạo độc tồn. Thế thì đạo cứu cánh, lý cùng tánh tận,[135] nhiệm mầu hợp nhất,[136] chẳng có sai biệt là lẽ tất nhiên. Mà kinh Phóng quang[137] nói: “Đạo pháp của tam thừa, do nơi vô vi mà có sai biệt.” Phật nói:[138] ‘Khi ta là Bồ-tát Nho Đồng,[139] vào thời Đức Phật Nhiên Đăng, ta đã nhập niết-bàn.’ Lúc ấy Nho Đồng Bồ-tát ở thất địa,[140] vừa chứng vô sanh pháp nhẫn,[141] cần phải tiến thêm ba vị[142] nữa (mới chứng thập địa).”

Nếu niết-bàn (nirvāṇa) là một thì chẳng nên có ba, nếu đã có ba thì chẳng phải cứu cánh. Đã là đạo cứu cánh mà cao thấp chẳng đồng,[143] theo sự thuyết pháp khác biệt trong các kinh, phải lấy cái nào làm trung đạo?

 

9. Giải đáp thứ 4: Về sai biệt (3 niết-bàn)

Vô danh đáp: Chánh lý của đạo cứu cánh chẳng có sai biệt. Kinh Pháp hoa[144] nói: “Đệ nhất đại đạo chẳng có hai chánh lý, Như Lai vì những kẻ giải đãikiến lập phương tiện, pháp nhất thừa phân ra nói thành ba.”[145] Cũng như ẩn dụ ‘ra khỏi nhà lửa được ba thứ xe’[146] tức là lý này vậy. Vì đều được ra ngoài sanh tử nên cùng gọi là vô vi; vì loại xe (thừa) chẳng đồng nên có ba tên, nếu trở về nguồn gốc thì chỉ một thôi.

Ông vấn nạn rằng “Đạo tam thừa đều do vô vi mà có sai biệt.” Đó là do người có ba[147] mới thành ba loại vô vi,[148] chẳng phải vô vi có ba.

Nên Kinh Phóng quang nói:[149] “Niết-bàn có sai biệt chăng? Đáp: Không sai biệt. Chỉ vì Như Lai tập khí phiền não đều dứt sạch,[150] Thanh văn tập khí chưa sạch mà thôi.’

Nay lấy thí dụ gần để so sánh ý chỉ sâu xa: Như người chặt cây, chặt một thước thì mất một thước, chặt một tấc thì mất một tấc, dài ngắn do thước tấc chẳng do nơi sự mất vậy.[151]

Muôn điều sai biệt của chúng sanh là do căn thức không đồng, nên trí huệ chiếu soi có sâu cạn, đức hạnh có lớn nhỏ, nên Tam thừa cao thấp chẳng đồng mà đều được đến bờ bên kia. Bờ bên kia có gì khác biệt? Do căn cơ con người thành ra khác biệt mà thôi. Thế nên việc tùy cơ thuyết pháp của các kinh có sai biệt, nhưng ý chỉ không trái nhau.

(Nạn vấn thứ 5): Hỏi về sự sai biệt

Hữu danh vấn:

Cùng ra nhà lửa thì lìa tai họa là một, đồng ra khỏi sanh tử vô vi cũng là một. Mà lại nói: “Bờ bên kia chẳng khác, do căn cơ con người tự thành ra khác.” Bờ bên kia tức vô vi, người là kẻ chứng vô vi, xin hỏi người và vô vi là một hay khác?

 

Nếu người tức vô vi, vô vi tức người, thì chẳng nên nói vô vi không khác, do người tự thành ra khác. Nếu người khác với vô vi thì người chẳng phải vô vi. Vô vi tựvô vi, người thường là hữu vi, thì cái lý âm thầm dung hợp bị ngưng trệ chẳng thông. Thế nên, người với vô vi nếu là một thì cũng chẳng phải là ba, nếu khác cũng chẳng phải là ba, vậy cái tên Tam thừa do đâu mà có?

Trả lời câu hỏi thứ 5: Dung thông sai biệt

 

Vô danh đáp: Dừng nơi đây là ở đây, sang bên kia là ở bên kia. Nên người cùng đắc thì sự chứng đắc ba thừa đều đắc; người chưa chứng đắc thì mê hoặc lục đạo cũng đều mê.[152] Người vào vô vi, người tức vô vi. Vô vi tuy một, đâu có trái với sự khác biệt!

Ví như ba loài chim ra khỏi lưới, cùng vào nơi chẳng có tai họa; chẳng tai họa dù là đồng mà chim thì mỗi loại khác nhau, chẳng thể vì chim mỗi loại khác nhau mà nói chỗ chẳng tai họa cũng khác; lại chẳng vì chỗ chẳng tai họa là một mà lại cho nhiều loại chim cũng là một. Thế thì chim tức là chẳng tai họa, chẳng tai họa tức là chim; điều chẳng tai họa đâu có khác, chỉ do mỗi loại chim tự thành ra khác thôi.

Như thế chúng sanh Tam thừa đều ra khỏi lồng vọng tưởng, đồng vào cảnh vô vi; vô vi dù đồng nhưng mỗi thừa khác nhau, chẳng thể vì mỗi thừa khác nhau lại nói vô vi cũng khác, cũng chẳng thể vì vô vi là một mà nói Tam thừa cũng là một. Thế thì người tức là vô vi, vô vi tức là người, vô vi đâu có khác, đó là do người có ba loại, tự thành khác biệt mà thôi.

 

Cho nên chỗ chẳng tai họa dù đồng, nhưng chim có lớn nhỏ thì chỗ bay có xa gần; vô vi tuy một, mà âm thầm chiếu soi có sâu cạn. Vậy vô vi tức thừa, thừa tức vô vi. Chẳng phải người khác vô vi, vì chưa đến chỗ cùng tột của vô vi, nên mới có sự khác nhau của Tam thừa vậy.

 

Nạn vấn thứ 6: Tiệm ngộ

Hữu danh hỏi: Tất cả đau khổ vốn từ vọng tưởng, vọng tưởng đã trừ thì tất cả đau khổ đều dứt. Nhị thừa chứng đắc tận trí,[153] Bồ-tát chứng đắc vô sanh trí,[154] lúc ấy vọng tưởng đều sạch, sự trói buộc[155] vĩnh viễn tiêu trừ; bó buộc đã tiêu trừ thì tâm vô vi, tâm vô vi thì chánh lý chẳng bị che lấp.[156]

Kinh[157] nói: “Trí huệ của bậc Thánh chẳng trái ngược nhau, không ngoài cũng không trong; thực thể Thánh trí là không.”[158] Cũng nói: “Đại đạo vô vi bình đẳng bất nhị.”[159] Đã nói bất nhị thì chẳng cho tâm có khác biệt; chẳng thể hội thì thôi, nếu đã thể hội ắt là phải cùng tột. Mà lại nói “Thể hội chưa cùng tột.” Đó là điều tôi chưa hiểu.

Trả lời 6: Giải thích tiệm ngộ

Vô danh đáp: Vô vi nên bất nhị, vốn đã như vậy. Nhưng tập khí phiền não, nhiều lớp mê hoặc từ lâu nay, mà muốn ngay đó liền dứt sạch, lời ông nói tôi cũng chưa hiểu. Kinh[160] nói: “Ba mũi tên trúng hồng tâm, ba con thú qua sông,”[161] trúng đích và qua sông chẳng khác, sâu cạn khác nhau là do sức lực chẳng đồng.

Chúng sinh trong Tam thừa đều đi qua bến đò duyên khởi,[162] đều chiếu soi mục đích của Tứ đế,[163] dứt tuyệt nguỵ[164] tức là chân, đồng thể nhập vô vi. Tuy nhiên, chúng sinh không ngồi cùng trên một thừa là do vì trí lực không đồng. Chúng sinh tuy nhiều mà số lượng thì có hạn. Ví như người có trí tuệ bằng Xá-lợi-phất[165] biện luận như Phú-lâu-na,[166] cho đến cùng cực tài trí tư duy của y vẫn không thấy được bờ bến trí tuệbiện luận của hai người trên. Huống hồ vận số của hư vô, cảnh giới huyền diệu,[167] đạo lý vốn không bờ bến; lại muốn thấu đạt ngay thì làm sao được?

Trong sách[168] có nói: “Sự học thì ngày càng thêm, tu đạo thì ngày càng bớt.” Người tu đạo là vào cõi vô vi, vào cõi vô vi mà nói ngày càng bớt, việc đó đâu phải có ngay được? Cần phải bớt rồi lại bớt nữa, cho đến chẳng còn có gì để bớt nữa mới được. Kinh[169] dùng ví dụ đom đóm và mặt trời, nên biết dụng của trí tuệ có sự sai biệt!

Vấn nạn thứ 7: Hỏi thêm về động  

Hữu danh hỏi: Kinh[170] nói “Pháp thân,[171] khi đạt đến rồi thì nhập cảnh giới vô vi. Không thể dùng trí mà biết được tâm, không thể dùng tướng mà đo lường hình, thân thể không còn bị các ấm xâm nhập nữa; tâm và trí đều tịch diệt.” Thế mà (kinh) nói[172] “Tiến tu thêm ba giai vị nữa, tích đức nhiều thêm.” Tu hành tiến bộ do tâm ham thích, tích chứa công đức là do tâm sanh khởi tìm cầu. Tâm ham thích thì tình cảm hiện ra thủ xả, tâm tìm cầu thì điều thêm bớt giao tranh. Đã dùng thủ xả làm tâm, thêm bớt làm thể, Thế mà luận nói là thể không còn bị các ấm xâm nhập, tâm trí đã tịch diệt, văn nghĩa này trái ngược đến độ sai khác nhau, mà lại chỉ về một người, chẳng khác nào lấy hướng Nam mà nói là phương Bắc để chỉ cho kẻ lạc đường vậy.[173]

 

Nạn vấn 7: Đồng nhất động tịch.

 Vô danh đáp: Kinh[174] nói: “Bậc thánh vô vivô sở bất vi.” Vô vi nên dù động mà thường tịch, vô sở bất vi nên dù tịch mà thường động.

Dù tịch mà thường động nên tâm và cảnh chẳng thể là một; dù động mà thường tịch nên tâm và cảnh chẳng thể thành hai. Tâm và cảnh chẳng thể thành hai nên càng động càng tịch, tâm và cảnh chẳng thể là một nên càng tịch càng động.[175] Cho nên vi tức vô vi, vô vi tức vi, động tịch dù khác nhau mà chẳng thể cho là khác.

Kinh Đạo hành[176] nói: “Tâm chẳng có cũng chẳng không.” Nói “chẳng có” là chẳng như có của chúng sanh hữu tâm; nói “chẳng không” là cũng chẳng như không của vô tâm. Tại sao?

Tâm Chúng Sinh

Hữu tâm tức chúng sanh, vô tâm tức hư không.[177] Chúng sanh chỉ có vọng tưởng, hư không chẳng có chiếu soi. Đâu có thể lấy vọng tưởng và chẳng có chiếu soi để tiêu biểu cho đạo thần diệu mà nói Thánh tâm là có hay là không?

 

Thánh Tâm

Thế nên, Thánh tâm chẳng có, cũng chẳng thể cho là không; Thánh tâm chẳng không, cũng chẳng thể cho là có. Chẳng có nên tâm thức đều diệt; chẳng không nên chánh lý khế hợp. Chánh lý khế hợp nên vô biên công đức được hoằng dương, tâm thức đều diệt nên công thànhvô ngã.[178] Cho nên ứng cơ hóa độ khắp nơi mà chưa từng cho là hữu vi. Tịch nhiên bất động mà chưa từng cho là vô vi. Kinh[179] nói “Tâm vô sở hành, vô sở bất hành” là đáng tin vậy.

Nho Đồng nói:[180] “Xưa kia ta đem tài sản, thân mạng bố thí cho người trải qua vô số kiếp, vì dùng tâm vọng tưởng bố thí, chẳng phải là chân thật bố thí;[181] nay với tâm vô sanh, chỉ dâng năm cành hoa cúng dường Phật, mới được gọi là chân thật bố thí.”

Lại nữa, Không Hạnh Bồ-tát[182] khi nhập Không giải thoát môn nói rằng đây chỉ là lúc hành đạo, chưa phải là chứng được đạo.[183] Thế nên tâm càng trống rỗng thì hạnh càng rộng lớn, suốt ngày hành[184] mà chẳng trái với vô hành vậy.

Cho nên kinh Hiền kiếp[185] nói về hạnh bố thí vô xả. Kinh Thành cụ[186] tán thán sự chẳng làm mà làm. Thiền kinh[187] đề xướng hạnh vô duyên từ. Kinh Tư ích[188] diễn đạt cái trí vô tri. Ý chỉ của Thánh nhân hư huyền, nên tuy văn nghĩa sai thù mà cùng đồng một biện luận. Há có thể vì văn nghĩa cho là hữu vi là ta vội phải cho đó là hữu vi, cho là vô vi liền cho đó là vô vi hay sao?

Bồ-tát[189] trụ nơi pháp môn bình đẳng, diệt tận và cũng không diệt tận;[190] không diệt tận hữu vi, cũng không trụ nơi vô vi; đó là ý nghĩa này. Thế nên dùng thí dụ Nam Bắc là sai lầm, chẳng lĩnh hội được ý nghĩa tôi nói ở đây.

 

Nạn vấn thứ 8: Truy cứu căn nguyên (niết-bàn)

Hữu danh hỏi: Nếu chẳng có chúng sanh thì chẳng thể nói Tam thừa, chẳng phải Tam thừa thì chẳng thể thành tựu niết-bàn, vậy trước tiên phải có chúng sanh, sau mới có niết-bàn. Vậy niết-bàn có sự bắt đầu (thỉ), có bắt đầu tất có cuối cùng (chung), mà kinh[191] nói “Niết-bàn vô thỉ vô chung, trạm nhiên như hư không”.

Vậy thì niết-bàn có trước, chẳng phải do tu học rồi sau mới chứng được, tại sao lại nói chúng sanh chứng được niết-bàn?[192]

Trả lời 8: Thời gian vô nghĩa (trong niết-bàn)

Vô danh đáp: Chí nhân trống rỗng không hình tướng, nhưng vạn vật không gì là không do Ngã tạo nên.[193] Trong khi thành hình nên vạn vật như thế, Người tự tạo thành. Điều đó duy chỉ có Thánh nhân làm được mà thôi. Vì sao? Chẳng có Lý tắc thì không có Thánh nhân; chẳng có Thánh nhân thì không có Lý tắc. Lý tắc tựu thành Thánh nhân; Thánh nhân không khác Lý tắc.

Nên Thiên đế[194] nói: “Tìm Bát-nhã ở đâu? Thiện Cát[195] nói: Không thể trong sắc tướng mà tìm Bát-nhã, cũng không xa lìa khỏi sắc tướng mà tìm cầu Bát-nhã.” Lại nói:[196] “Thấy Duyên khởi[197] là thấy Pháp; thấy Pháp là thấy Phật.” Đó là lý vật (cảnh) và ngã (tâm) không khác.[198]

Cho nên bậc chí nhân che giấu huyền cơ khi chưa có triệu chứng gì, tàng ẩn âm thầm chuyển vận theo biến hóa, ôm lục hợp làm cảnh tâm, hợp nhất quá khứ vị lai thành thể, [199] thông suốt xưa nay, trước sau đồng nhất, tột ngọn nguồn, chẳng thể thành hai, mênh mông trống rỗng nên gọi niết-bàn (nirvāṇa).[200]

Kinh[201] nói: “Chẳng lìa các pháp mà chứng đắc niết-bàn.” Còn nói:[202]

“Vạn pháp vô biên nên bồ-đề cũng vô biên.” Do đó, nên biết đạo niết-bàn do tâm khế hợp vi diệu âm thầm thành một. Thế thì vật (cảnh) chẳng khác ngã (tâm), tâm chẳng khác cảnh, tâm cảnh dung hội nhiệm mầu, qui về vô cực.[203] Tiến chẳng ở trước, lui chẳng ở sau, đâu có thể để cho ý niệm trước sau lẫn lộn trong đó!

Thiên nữ[204] nói: “Trưởng lão, ngài được giải thoát, đâu có tùy thuộc thời gian lâu mau.”

Vấn nạn 9: Hỏi về chứng Niết-bàn (nirvāṇa)

Hữu danh hỏi: Kinh[205] nói: “Tánh của chúng sanh chỉ hạn chế trong ngũ ấm.” Lại còn nói: “Chứng đắc niết-bàn, ngũ ấm đều sạch, ví như đèn tắt.” Thế thì tánh của chúng sanh bỗng dứt trong ngũ ấm, đạo niết-bàn kiến lập bên ngoài tam giới,[206] rõ ràng niết-bàn và ngũ ấm là hai cõi khác nhau, thì không còn chúng sanh chứng được niết-bàn.

Nếu quả thậtchứng đắc thì tánh của chúng sanh chẳng bị hạn chế trong ngũ ấm; nếu bị hạn chế trong ngũ ấm thì ngũ ấm chẳng phải đều diệt, nếu ngũ ấm đều diệt thì còn ai để chứng niết-bàn?[207]

 

Nạn vấn 9: Chứng đắc niết-bàn (nirvāṇa) là điều mầu nhiệm.

Vô danh đáp:

Chân là do lìa tình cảm và tư tưởng nên hiển bày; ngụy là do chấp trước sanh ra. Chấp trước nên có đắc, lìa chấp nên vô danh. Cho nên chân thì đồng với chân, ngụy thì đồng với ngụy. Ông cho có đắc là đắc, nên chỉ cầu nơi có đắc mà thôi. Tôi cho vô đắc là đắc, nên đắc ở nơi vô đắc vậy.

Theo trong luận, trước tiên cần phải xác định căn bản, nay luận niết-bàn, thì chẳng thể lìa niết-bàn mà nói niết-bàn; nếu ngay nơi niết-bàn để nói, thì đâu còn ai không là niết-bàn mà ông còn muốn chứng đắc?[208]

Tại sao? Đạo niết-bàn dứt tuyệt danh tướng, dung hòa trời đất, tẩy sạch vạn hữu, trời và người quân bình, một và nhiều không khác. Trong đó, nhìn mà không tự thấy mình; dội lại tiếng mà chẳng phải mình nghe.[209] Chưa từng chứng đắc, chưa từng chẳng chứng đắc.

Kinh[210] nói: “Niết-bàn chẳng phải chúng sanh, cũng chẳng khác chúng sanh.” Duy-ma-cật[211] nói : “Nếu Di-lặc đã được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng đã được diệt độ. Tại sao vậy? Tất cả chúng sanh bản tánh thường diệt, chẳng cần diệt nữa.” Nay gọi diệt độ là ở nơi chẳng diệt vậy. Thế thì, chúng sanh chẳng phải chúng sanh, lấy ai làm người chứng đắc? Niết-bàn chẳng phải niết-bàn, lấy gì làm pháp để chứng đắc?

Kinh Phóng quang[212] nói :

“Bồ-đề do nơi hữu chứng đắc được sao? Đáp: Chẳng phải. Do nơi vô chứng đắc được sao? Đáp: Chẳng phải. Do nơi hữu vô chứng đắc được sao? Đáp: Chẳng phải. Lìa hữu vô chứng đắc được sao? Đáp: Chẳng phải. Thế tất cả đều vô chứng đắc được sao? Đáp: Chẳng phải. Nghĩa nầy như thế nào? Đáp: “Vô sở đắc nên gọi là đắc vậy.”

Cho nên, chứng cái vô sở đắc. Ai là người chẳng phải như thế? Do đó huyền đạo ở chỗ dứt tuyệt, nên chẳng đắc mà đắc. Diệu trí vốn ngoài vật nên chẳng tri mà tri. Đại tượng ẩn nơi vô hình nên chẳng thấy mà thấy. Pháp âm vi diệu  ẩn trong chỗ chẳng nghe,[213] nên chẳng nghe mà nghe.

Cho nên niết-bàn bao quát mênh mông, bao gồm xưa nay,

ngăn độc hại thương tổn chúng sinh, thông suốt chẳng hề thiếu sót, sâu rộng như biển. Không điều gì chẳng do đây mà kiến lập!

Nên Phạm chí[214] nói: “Ta nghe Phật đạo ý nghĩa rộng lớn thâm sâu, mênh mông chẳng có bờ bến, chẳng có gì không tựu thành được, chẳng chúng sinh nào không được độ thoát.” Nhờ đó con đường Tam thừa được mở ra, đường lối chân ngụy được phân rõ, đạo Hiền Thánh thường còn, ý chỉ Vô danh được hiển bày rõ ràng rồi vậy!



[1] 無名Vô danh biểu thị cho việc không thể xác định niết-bàn (nirvāṇa) hoặc dịch nó sang tiếng Hán. Tham khảo 大乘玄論 Đại thừa huyền luận, ch. 3 46a (Thích danh môn 釋名門 ). Nhưng thuật ngữ này xuất hiện từ phần bổ sung B.I bên dưới, cũng gắn liền với các quan niệm của Đạo giáo. Lao-tzu I. 有名萬物之母 Hữu danh vạn vật chi mẫu

[2] Lão Tử, ch. 39. 天得一以清, 地得一以寧, 神得一以靈, 谷得一以盈,萬物得一以生, 侯王得一以爲天下正. 其致之. Thiên đắc nhất dĩ thanh, địa đắc nhứt dĩ ninh, thần đắc nhứt dĩ linh, cốc đắc nhứt dĩ doanh, vạn vật đắc nhứt dĩ sinh, hầu vương đắc nhứt dĩ vi thiên hạ trinh; kỳ trí chi.

[3] Trang Tử 2.3 ch1 fol 28a, Tề vật luận. 處始得還中,以應無窮 Xử thủy đắc hoàn trung, dĩ ứng vô cùng.

[4] Trang Tử 3.2 ch.2 fol. 4a du nhận vạn cô.

[5] Có nghĩa là dharma: pháp.

[6] Lão Tử, ch. 25. 域中有四大,而王居其一焉 Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhứt yên.

[7] Thanh văn (Śrāvaka), Độc giác (pratyeka-buddha), Bồ-tát (bodhisattva).

[8] S: Vaipulya Śūtra. Lưu ý tính tương đương với mở đầu của Vật bất thiên luận và Bát-nhã vô tri luận .

[9] Lão Tử, ch. 14.

[10] 學 肆 , nhóm người chung quanh Cưu-ma-la-thập.

[11] Luận ngữ IV, 25.

[12] Trang Tử 21.2 ch. 7 fol. 30b.


 

[13] Thư đáp Diêu Hưng này viết sau khi Cưu-ma-la-thập ngã bệnh năm 409 và trước khi Cưu-ma-la-thập viên tịch năm 413. Thư không nói rằng Dao Tung đã gửi cho Tăng Triệu bức thư. có thể Dao Tung đã cho Tăng Triệu xem hoặc Tăng Triệu có thể đã có một bản sao. Diêu Tung, bào đệ của nhà vua, được nhắc đến trong tiểu sử của La Thập như là một tín đồ hăng say truyền bá đạo Phật. Trong Xuất tam tạng ký tập (77c), ông được gọi là Đại Tần Tư Lệ Giáo Úy Tả Tướng Quân 大秦司隷教慰左將軍. Được phong làm Giám sát quan nơi học tứ cho đến năm 410. Năm 417 tử trận. Thư tín đề cập trong luận nầy được lưu giữ trong Quảng hoằng minh tập: 228a-230a. Gồm các bản sau:

  1. Một bức thư của nhà vua cùng với hình ảnh của Đức Phật (228a 17-27). Bên trong gồm có: i. Một lá thư với Cưu-ma-la-thập liên quan đến vấn đề ba thời (traikālaya; three times; n 18-c3). ii. Bốn tuyên bố của Vua về các điểm tranh luận: Bát-nhã, tướng của Đức Phật, ba thời, vô vi (asaṁskṛta) (c4-25).
  2. Một thư trả lời của người anh em dường như được cung cấp thông tin tốt hơn một chút so với thư của Vua (228c 26-229 c 2).
  3. Thư thứ hai của Vua, trả lời thư b. Luận văn nầy trích dẫn từ bức thư nầy. (229 c 3-230a 13).
  4. Thư đáp lại của người anh (230a 14-24).
  5. Thư đáp lại của Vua (230a 25-28).

Thư tín được dịch một phần (a ii.) trong ấn bản đầu tiên sách nầy. Xem Phụ lục IV.

[14] Vô vi 無為 trong luận văn nầy đồng nghĩa với niết-bàn (nirvāṇa)

[15] Nguyên văn: 潛神玄默,與虛空合其德. Tiềm thần huyền mặc, dữ hư không hợp kỳ đức. Triệu luận viết đức 德 thay thể

 như trong thư

[16] Văn bản được dịch thấy trong 229c 19-230a.

[17] Phụ lục đã gán sai cho Khổng Tử.

[18] Trong những bức thư nầy, Đệ nhất nghĩa đế (paramārtha satya) đồng nghĩa với vô vi (asaṁskṛta) và niết-bàn (nirvāṇa) 

[19] Tham khảo Dụ nghi luận của Huệ Duệ, tức Tăng Duệ (Seng-jui), Ông đi từ Tràng An đến miền Nam rồi viên tịch năm 439). Xuất tam tạng ký tập 5.6: 42a  每至苦問:佛之真主亦復虛妄。佛若虛妄,誰為真者。若是虛,積功累德誰未不感其本,或時有言,佛若虛妄,誰為真者,若是虛,積功累德,誰為其主?Mỗi chí khổ vấn: Phật chi chân chủ diệc phục hư vọng. Phật nhược hư vọng, thùy vi chân giả. Nhược thị hư vọng, tích công lũy đức, thùy vị bất cảm kỳ bổn? Hoặc thời hữu ngôn, Phật nhược hư vọng, thuỳ vi chân giả, nhược thị hư vọng, tích công luỹ đức, thuỳ vi kỳ chủ?

[20] Đạo đức kinh 21.

[21] S: Jambudvīpa. Ấn Độ hay cõi nước Phật.

 

[22] Tăng Triệu chủ trương Niết-bàn là Vô danh nên tự xưng mình là Vô danh, và gọi đối phương là Hữu danh.

[23] Sanskrit là sopadhiṣeśa nirupadhiṣeśa. La Vallée Poussin dịch là: Arhat 'Si "'1111 Arhat, d'llII/tomme dont los dees sont complCt/iment dcitmits, la vie cGlltimJt.', la sh'ie 1/_$ Jlrtllilis fllllmfmtl lit de la matiere dhif!Ce lI'est pas coupee, la serie des pel/srcs so pOllrmit I'll rIIl.fOll ti'/III CfJrps IIIlmi des dllq ()"ilal/(!.~'. (Kosa VI: 211 n, 3): (p104). Đây là tàn khí (surplus breath) được đề cập trong Thư tín 1 và 2. Điều nầy dùng để giải thích tại sao Bồ-tát, dù trong niết-bàn (nirvāṇa), vẫn có thể tái sinh để tiếp tục hạnh độ sanh.

[24] Hữu vi (Saṁkṛta); vô vi (asaṁkṛta). Sự đồng nhất niết-bàn (nirvāṇa) với luân hồi (saṃsāra), vô (non-Existence) và hữu (Existence), không hoàn toàn đúng như các trường phái Ấn Độ như là Vô vi (asaṁkṛta).

 

[25] Đạo đức kinh 13.

[26]Triệu luận lược sớ, Đức Thanh: 四流。謂欲流。有流。見流。無明流。為二死之本) Tứ lưu, vị dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu.

[27] Xem Bát-nhã vô tri luận

[28] Chỉ cho Hệ từ (A 5 ch.7 6a), 君子之道或出或處 Quân tử chi đạo hoặc xuất hoặc xử.

[29] Đoạn trước nêu ra tiền đề chung. Đoạn nầy giải thích chi tiết.

[30] Mô tả nầy giống như nói về bậc Thánh ở Bất chân không luận và Niết-bàn vô danh luận.

[31] Đạo đức kinh 14; Tham khảo Waley (1931): 159

[32] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời và a-tu-la.

[33] Lực phụ力負 e: strong man. Tham khảo Vật bất thiên luận.

[34] * Lão Tử, ch. 21. 道之爲物、唯恍唯惚。惚兮恍兮、其中有象。恍兮惚兮、其中有物 Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hốt hề hoảng hề kỳ trung hữu tượng, hoảng hề hốt hề kỳ trung hữu vật.

[35] nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn.

[36] nhục nhĩ, thiên nhĩ; e: corporeal and the Divine Ear.


[37] Nguyên văn: 獨曳於有無之表 Độc duệ ư hữu  chi biểu.

[38] ddk 20. 我愚人之心也哉。沌沌兮Ngã ngu nhơn chi tâm dã tai, độn độn hề.

[39] Kinh Phổ diệu (Lalitavistara), Đức Phật nhập thiền định bảy tuần lễ dưới cội bồ đề tại thành Ma-kiệt-đà (Magadha) và chỉ khi Phạm Thiên đến thỉnh cầu thuyết pháp cứu độ chúng sinh mới xả thiền bắt đầu chuyển pháp luân. Tham khảo thêm MS: 109b 27…. (p.105)

[40] Khi Văn-thù-sư-lợi hỏi làm sao đạt đến Trung đạo. Tham khảo Chú Duy-ma-cật Kinh (Vimalakī rtinirdeśa) ch.8: 399b4.

[41] *s: Devānam Indra

[42] Tham khảo Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā) ch. 7-8 273b-277a: 須菩提唱無說以釋道,釋梵絕聽而華

[43] Nguyên văn: 理為神御 Lý vi thần ngự. Tsukamoto (1955: 103a), gợi ý 'tâm trí của người được lý trí ngự trị,' đó là giải thích theo ngữ pháp, Huệ Đạt: 417b 18: 以無言表無相,是嘿教之詮理 (?)

vô ngôn biểu vô tướng, thị mặc giáo chi thuyên lý. Trạng thái nầy được nhiều người biết đến. Đức Phật, hay một vị Thánh khác, tên là Duy-ma-cật (Vimalakirti) chuyển lời chào mà không cần nói, hoặc thông qua một dạng thần giao cách cảm (thường gặp trong kinh Pali) hoặc bằng một hành động tượng trưng, như câu nổi tiếngniêm hoa 拈花’. Lý 理, tất nhiên, không phải là lý do mà là Trật tự (Vũ trụ), là cỗ xe trên đó cả thầy và trò phải đi để hiểu nhau mà không nói lời nào.

[44] Kinh Niết-bàn (Nirvāṇa-Śūtra ) 392a 12-396b 11. Bản dịch của Dharmakṣema.

[45] 離於言數 Ly ư ngôn số. Tăng Triệu thường dùng số để chỉ cho số phận, như đã được khắc hoạ trong Kinh Dịch. Câu nầy chắc là lấy từ Chú kinh Duy-ma-cật (Tham khảo Huệ Đạt 419c, 4, xem thêm trích dẫn từ (Lương) Quang Trạch 宅光 của Long Quang tự 龍光寺, ibid. 420a 12).

[46] Theo Nguyên Khang sớ, chỉ cho Trung quán luận, có lẽ là Kệ tụng 25.23.4: aśāśvataṃ śāśvataṃ ca kiṃ vā nobhayam apy atha

sarvopalambhopaśamaḥ prapañcopaśamaḥ śivaḥ|. Như Phật kinh trung thuyết, đoạn hữu đoạn phi hữu, thị cố tri niết-bàn, phi hữu diệc phi vô. Tham khảo MK: 35a4.  

[47] Tham khảo Bất chân không luận. Phần sau đây trông có vẻ là văn phong đặc biệt của Tăng Triệu.

[48]* Diệt nên lìa khổ, gọi là lạc đức, một trong bốn đức của niết-bàn (nirvāṇa), thường lạc ngã tịnh.

[49]  Ánh sáng vô hình của Đời sống vũ trụ (U linh 幽 靈) đồng nghĩa với Huyền cảnh玄鏡, là cùng danh hiệu của niết-bàn (nirvāṇa). Nơi khác, được gán cho bậc Thánh. Bát-nhã và những danh hiệu khác, đều đại biểu cho Đời sống vũ trụ.

[50] * ngã đức.

[51] Nhất trạm 一湛. Tham khảo Đạo đức kinh 10.

[52] * thường đức

[53] * tịnh đức,

[54] Vô công 無功

[55] Cõi Tứ thiền vô sắc giới (ārūpya-dhyāna) (Mhv. 162. YK).

[56] Nguyên Khang sớ và WTS cho là chín trường phái triết học. Nhưng Nguyên Khang sớ nghi ngờ điều nầy. Người ta có thể nghĩ đến một phần trong Tam giới, TS, về Cửu nghiệp九業 (Thành thật luận (Satyasiddhi-śāstra; 9,7), bát bộ 八部 dự nghe kinh trong hội chúng, cùng với loài người, tạo thành chín, hoặc đơn giảncửu phẩm九品.

[57] 返本Phản bổn= Without residue. WTS. Thuật ngữ của Đạo gia, Đạo Phật không có thuật ngữ nầy.

[58]神道 Thần đạo = With residue. Đời sống của Đức Phật trong thế gian. Đối với Hữu danh, Đức Phậtcon người lịch sử; đối với Vô danh (Tăng Triệu) Đức PhậtThánh nhân, hoá thân vào cuộc đời, hiện hữu mãi trong niết-bàn (nirvāṇa). Thuật ngữ chân danh 真名 và diệu xưng 妙稱 là đồng nghĩa, do vậy không cần nêu rõ ý nghĩa và không cần dịch. Hữu danh thờ ơ với nghĩa chuyên môn của chân danh, cho là đối nghĩa của thế danh 世名 (Bất chân không luận 2.4).

[59] * s: sopadhiśeṣa-nirvāṇa

[60] Thuật ngữ đại giác大覺 pháp thân 法身(mahā bodhi, dharmakāya) ở đây hiểu theo nghĩa Nguyên thuỷ. Pháp thân (dharmakāya) là ngũ phần pháp thân (pañcāngika dharmakāya). Tham khảo Mhv 4. 1-5.,

[61] Tám bậc thiền định, gọi là giải thoát phần (vimokṣa bhāgiya), không có trong bản Pāli. Tham khảo Kośa VIII 32a: 204 và Mhv. 70

[62] s: saptabodhyangāni. Tham khảo Mhv. 43

[63] Mhv. 14

[64] Hào quang phát ra từ đảnh nhục kế (uṣṇīṣā) (?)

[65] s: saṁnāha-saṁnaddha

[66] prathama-cittopāda (2)

[67] Dục giới (kāma-world), sắc giới (rūpa-world), vô sắc giới (arūpa-world)

[68] Nguyên văn:大方Đại phương.

[69] S: ṣaḍ abhijñāḥ; Mhv 14

[70] Luận văn có tiếng Sanskrit với nghĩa thừa (yāna; vehicle), Thanh văn thừa (Śrāvaka-yāna), Độc giác thừa (Pratyekabuddha-yāna); Phật thừa (Tathāgata-yāna), Nhân thừa (purusa-yāna), Thiên thừa (Deva-yāna).

[71] Ám chỉ lời trong sách Lễ ký 禮記, nhưng có lẽ với nghĩa Phật pháp. Tham khảo Nguyên Khang sớ 79a 8.

[72] 化母; e: Mother of Creation. Đạo đức kinh 1.

[73] 薩雲,S: sarvajñāna, phiên âm tát-vân-nhã;

[74] Cửu chỉ 九止 s; Sattvāvāsa, Mhv 119 ; e: Nine Abodes of Beings

[75] Chưa rõ xuất xứ nguồn trích dẫn.

[76] *s: anupadhiśeṣa-nirvāṇa

[77] Linh chiếu 靈 照, Tăng Triệu muốn nói đến ánh sáng của Đời sống vũ trụ. Ngài không bao giờ dùng cả hai điều khoản thuật ngữ với nhau. Đối phương hiểu những gì đối với Tăng Triệu về mặt lịch sửbiểu tượng của các quá trình vũ trụ.

[78] Đạo đức kinh 13 吾所以有大患者、爲吾有身。及吾無身、吾有何患. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn.

[79] Chưa rõ xuất xứ nguồn trích dẫn.

[80] Phương thức diệt ngã của Tiểu thừa (Hinayāna). Tham khảo Đại thừa huyền luận大乘玄論1, Đế Nghĩa 9 24b 21: “諦義昔日灰身滅智為無餘涅盤,今日妙有不空 Tích nhật khôi thân diệt trí vi Vô dư niết-bàn, kim nhật diệu hữu bất không.

[81] 機 cơ= 靈 機 linh cơ; 勤 cần = 功 công; 機 照 cơ chiếu: chiếu soi bất kỳ nơi nào khi hữu duyên.

[82] Nguyên văn: 怕爾無兆 Phạ nhĩ triệu

[83] Kinh Niết-bàn (nirvāṇa-Śūtra) 418c 25

[84] Xem chú thích trên.

[85] Tham khảo Tsukamoto: 104. Chú thích 188, 189.


[86] 正觀 Chánh quán (s: bhūtapratyavekṣā); e: Right Insight

[87] Trích dẫn không chính xác như trong VSK: 555a 1-27

[88] Đối tượng của sáu giác quan (căn); s: bāhyāyatana

[89] Tham khảo PSM: 143a 12.

[90] Khoảnh khắc khi hiện hữu đã viên mãn.

[91] Vấn đề ở đây không phải là cuộc đời của Ngài như là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà là sự đến và đi của sự biểu hiện Tự nhiên, như khi chuyển giao các mùa (âm-dương). Các lý thuyết khác nhau được nêu ra trong Thư tín 2 và 3. Nhưng tác giả Trung Hoa của thiên luận này không nghĩ đến những lý thuyết này. Các định nghĩa của Ấn Độ rất nặng nề đối với tâm trí người Trung Hoa, do đó dễ dàng bị lãng quên và bị thay thế bởi những hình ảnh tinh thần từ kho tàng ngôn ngữ Trung Hoa. Vì vậy Đức Phật được mô tảThánh nhân (Sage) hay Bản thể (Nature).

[92] Tham khảo đoạn văn tương đương trong Chú Duy-ma-cật (Vimalakīrtinirdeśa): 343a 12.

[93] Nguyên văn: Phản ư tiểu thành 返 於 小 成. Tsukamoto: 104 và 193 trích dẫn một đoạn trong Trang Tử, 道 隱 於 小 成 Đạo ẩn ư tiểu thành với phần bình luận thú vị, 小 成 者 為 仁 義 五 德 Tiểu thành giả vi nhân nghĩa ngũ đức. Điều này phù hợp hơn đoạn văn trong Hệ từ được trích dẫn trong ấn bản đầu tiên. Đạo đức siêu phàm của Đạo giáo không phải là vô đạo đức, nhưng đúng hơn, phải được hiểu là chống lại chủ nghĩa Đạo đức giả của Khổng giáo, đạo đức tìm kiếm sự vinh quang.

[94] Tham khảo Thái tử thuỵ ứng bản khởi kinh太子瑞應本起經

 (Taisho, 185 III: 478c 21 f.)

[95] s: Bodhi: giác ngộ. Bồ-đề đạo là Hạnh của hàng Bồ-tát, không phải là ‘hình tướng của giác ngộ’, nhưng ở đây có nghĩa là vũ trụ. Tôi (Liebenthal) dịch theo ý của Tăng Triệu đã hiểu về thuật ngữ, chứ không theo gợi ý như tiếng Sanskrit.

[96] 神變=hoá thân ; s: nirmānakāya.

[97] 寂怕無兆 Tịch phạ triệu. Xem chú thích trên.

[98] Nguyên Khang sớ và WTS chỉ đến PSM:123b 7, nhưng hoàn toàn không tương tự. Hầu như những câu trích dẫn giống nhau được thấy trong Chú kinh Duy-ma-cật 343a 2: 法身者,虛空身出。佛生而無不生,無形而無不形Pháp thân giả, hư không thân xuất. Phật sinh nhi vô bất sinh, vô hình nhi vô bất hình.

[99] WTS đề cập đến bản dịch Kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka-Śūtra) của Buddhabhadra nhưng thêm rằng chỉ nội dung tổng quát chương 21 và 32 được trích dẫn. Tham khảo Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (Taishō 278 X:717). Câu thứ hai cũng xuất hiện trong VSK: 545b 28. Tham khảo thêm Quang tán kinh 光讚經(6 Taishō 222 VIII: 191b 15)

[100] 無盡三昧; s: akṣaya nāma samādhi: được định nghĩa trong Kinh Niết-bàn (nirvāṇa-Śūtra). Trong kinh Thủ-lăng-nghiêm (Sūraṁgama), đó là câu hỏi đầu tiên của Bồ-tát Kiên Ý 堅意. Trong định nầy, Bồ-tát chứng thật rằng các pháp chẳng phải vô thường.

[101] Sự khác nhau giữa nirvāṇaparinirvāṇa không là vấn đề trong tiếng Sanskrit.

[102] Tôi đọc 淪虛 luân hư và vô nãi quai hồ thần cực, thương ư huyền chỉ. 無乃乖乎神極、傷於玄旨. Tsukamoto:p.68 đọc khác cực 極. , n. 371

[103] TCH đề cập đến nội dung tổng quát của Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (Taishō 278 X:717).

[104] Đạo đức kinh, .6 谷神不死 Cốc thần bất tử; e: spirit of the valley

[105] Nguyên Khang sớ giải thích cảm 感 là 扣 khấu

 Thánh nhân đáp ứng, thoả mãn mọi nguyện vọng.

[106] Tham khảo Trang Tử 1.2 ch.1 fol. 14 a. Thánh nhân không có ngã sinh tử, nên không có thân vị kỷ. Nhưng có thân vũ trụ, còn gọi là chân ngã. Tôi viết hoa đại danh từ trong trường hợp nầy.

[107] (584. P.113) Chữ khác là Thiên quan 天 冠 , theo Huệ Đạt. Có thể đúng. Tự tháp, makūtabandhana, tên của tháp nơi thờ xá-lợi của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.  Akanuma (1931) đọc là天 冠 và Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya)  (PTS) II:160. Tsukamoto và Nguyên Khương sớ đọc là 天棺 quan tài.Ở Ấn Độ không có tục lệ chôn người chết trong quan tài. fs

[108]* Huyền căn 玄根 E: mystic root. Chỉ pháp thân không sinh diệt.

[109] Vô danh: Niết-bàn không bị hạn cuộc trong hữu vô. Tham khảo phần trên.

[110] Đạo đức kinh 25. Hai thành ba. Theo Đạo giáo sự sinh sôi nẩy nở bắt đầu từ số 3 (gia đình).

[111] Đạo đức kinh 2.

[112] 數極於是 Số cực ư thị. Theo các con số vũ trụ của Hệ từ đến căn nguyên của chúng là 50, Chúng ta thấy rằng sự phân chia đầu tiên là ở dương 49 và âm

[113] Đạo đức kinh 1. Tham khảo Huệ Đạt.

[114] Các chú giải không nêu ra manh mối nguồn gốc trích dẫn, nhưng Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramito-padeśa), dù không phải là kinh, có nhiều đoạn văn tương tự ở trang p.289b 1-3.

[115] Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramito-padeśa): 288a 23. 三無為,虛空,智緣盡,非智緣盡 Tam vô vi, hư không, trí duyên tận, phi trí duyên tận. Trong luận văn dùng số thay trí. Huệ Dạt dùng 數滅

 số diệt. tiếng Sanskrit pratisaṁkhyā là tiến trình nhận thức, không liên hệ ‘số’.

[116] s:  Ākāsa, pratisaṁkhyā nirodha, apratisaṁkhyānirodha.

[117] Điều nầy không đúng. Cả hai sự tịch diệt đều là niết-bàn (nirvāṇa).

[118] 有無之表,別有妙道 Hữu vô chi biểu biệt hữu diệu đạo. Tham khảo Bất chân không luận I.1, đề cập đến 獨曳於有無之表

 Độc duệ ư hữu vô chi biểu. hiện hữu 

[119] Tham khảo PSK: 378c (?). ‘Có (hữu) và không (vô) ở đây là sat (hiện hữu) và asat (không hiện hữu). Ở Ấn Độ không bao giờ nhẫm lẫn với asattā như Hữu danh (và Tăng Triệu) thỉnh thoảng cũng có. Tham khảo Dẫn nhập. Tham khảo Trung quán luận, Kệ tụng XXV 7, bản dịch của Stcherbatsky (1927): ‘Nếu niết-bàn không phải là thật có, thì liệu nó có hiện hữu không? Bất cứ nơi nào không có hiện hữu, cũng chẳng phải không có hiện hữu '; và 16: Nếu niết-bàn không phải là hiện hữu, cũng không phải là không  hiện hữu; vậy thì ai hiểu được giáo lý này mà tuyên bố phủ nhận cả hai? Trong phần sau, tôi viết hoa Có và Không bất kỳ nơi nào đề cập đến Tục đế (laukika) và Chân đế (paramārtha) và dùng ý niệm Không cho sự siêu việt, để luận văn không bị khác biệt.

[120] Thần đạo. tk 神道Tham khảo Hệ từ (A ch.7 p.4a) 陰陽不測之謂神

Âm dương bất trắc chi vị thần.

[121] Hữu vô chi số 有 無 之 數 Số 數 trong tiếng Hán tương quan với pháp (dharma). Như trong Ấn Độ, nội dung các pháp trong thế gian được phác hoạ với danh sách 80 hay 100 pháp, Trung Hoa cũng vây, phác hoạ thế giới bằng 64 quẻ trong Kinh Dịch..

[122] Lục cảnh 六境. 6 nhập, xứ (āyatana); đối tựơng của sáu căn.

[123] Thể 體 (động từ)

[124] Trích dẫn nội dung tổng quát từ luận văn trước, nhưng hiểu nhầm.

[125] Kinh Niết-bàn (nirvāṇa): 487 f. Nêu ra ý nghĩa chung.

[126] Tham khảo Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā): 275b 21.

[127] Tham khảo Chú Kinh Duy-ma-cật (Vimalakīrtinirdeśa): 359 c 25.

[128] Nguyên Khang sớ trích dẫn từ Chú Kinh Duy-ma-cật (Vimalakīrtinirdeśa): 548a17 f (Luận giải: 388b) Triệu luận lược sớ của Đức Thanh đời Minh lại dẫn chứng một đoạn khác trong Bảo nữ sở vấn kinh寳女所問經 (taisho 399 XIII: 471a), nhưng không sát nghĩa. Thiên nữ này chắc chắn là người trả lời những câu hỏi của Xá-lợi-phất (Śāriputra) trong phẩm 7 của kinh Tịnh Danh.

[129] 有無齊觀 Hữu vô tề quán. Trong văn bản sau tôi đọc Bỉ kỷ mạc nhị 彼 己 莫 二với HT 423d 18. Kỷ tương đương ngã 我 trong văn sau. Ý đó không chỉ cho tác giả mà đề cập đến bất kỳ chủ đề nào có cái nhìn sâu sắc về Trung đạo. Do đó, tôi dịch 我 là 'chủ từ' lúc đầu. Nhưng nên nhớ rằng bất kỳ người nào có cái nhìn sâu sắc về Con đường Trung đạo đều có được sự đồng nhất với Thánh nhân, do đó người đó không còn là 'bất kỳ người nào'.

Trong câu sau điều này xảy ra và ngã 我 chỉ cho Thánh nhân. Điều nầy, vì thuộc tính của hội thông 會通 không bao giờ được gán cho bất kỳ cá nhân nào. Thế nên chúng tôi không chọn nhưng dịch 'Ngài', biểu thị bằng cách viết hoa. Ngài là hình ảnh nhất định trong cảnh giới huyền nhiệm. Đoạn văn nầy nên nghiên cứu cùng với đoạn 17 câu trả lời thứ 8. Tham khảo thêm các chú thích trên. Có khả năng ngã khi được dùng như trên là chỉ cho Chân ngã 真我 (thật ngã 實我; bhūtāman) trong Kinh Niết-bàn cũng không thể loại trừ, nhưng tôi thấy không tương thích với giả định nầy.

[130] Diệu khế tự nhiên 妙契自然

[131] Tham khảo Bát-nhã vô tri luận. Bỉ thử tịch diệt, vật ngã minh nhất 彼此寂滅,物我冥一

[132] Phạ nhĩ vô trẫm.怕爾無朕. Rất lạ, Tăng Triệu dùng cùng từ với đối phương. Tham khảo chú thích trên. Điều nầy cho thấy rằng có gì khác thường trong luận văn.

[133] Bất kỳ độc giả nào thích độ chính xác của ngôn ngữ trong Vật bất thiên luận sẽ nhất trí rằng sự rườm rà của các phần I - 7 không phải là đặc điểm của Tăng Triệu mặc dù văn phong của ngài có thể đã được sử dụng, Đoạn 8-I4 có lẽ là một lời khen ngợi, Thang Dụng Đồng tin rằng trong đó chứa đựng cuộc thảo luận giữa các đối thủ của trường phái Tiệm ngộĐốn ngộ, Huệ Quán (tác giả) và Đạo Sinh (đối thủ) (?). Các tài liệu liên quan đã được Liebenthal dịch (1956a): 256-262.

[134] Căn thứ sáu là ý thức (manas).

[135] Cùng lý tận tánh 窮理盡性, chỉ cho Kinh Dịch, quẻ Thuyết khuê 說刲

[136] Diệu nhất vô sai 妙一無差

[137] Tham khảo Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā): 114b 10. 云何說言,是修陀桓,是阿羅漢,是壁支佛,是三邪三佛乎?佛言:是皆因無為而有名. Vân hà thuyết ngôn, thị Tu đà hoàn, thị A-la-hán, thị Bích chi Phật, thị tam da tam phật hồ? Phật ngôn: thị giai nhân vô vi nhi hữu danh”.

[138] Tham khảo Tự tại vương Bồ-tát kinh (taisho 420 XIII: 932b), được trích dẫn trong Thư tín 2: 132c ‘Đức Phật nói với Bồ-tát Tự tại vương (Īśvararāja Bodhisattva), ‘Vào thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṁkara), Như Lai đã thành tựu bốn năng lực tự tại (aiśvrya) nên Như Lai thành Phật và nhập niết-bàn (nirvāṇa). Đó là lần sanh tối hậu của Như Lai.’ Bồ-tát nói. ‘Nếu Thế Tôn đã chứng đắc niết-bàn (nirvāṇa), còn những điều thành tựu ra sao? Đức Phật đáp: ‘Như Lai đã thành tựu sở nguyện, nhưng để độ thoát cho chúng sinh quy hưướng Tịnh độ, nên Như Lai cụ túc bốn năng lực tự tại...’ Nguyên Khang sớ trích dẫn kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīka), nhưng có câu hỏi của Nhiên Đăng, chứ không phải của Thiện Huệ (Sumedha). Tsukamoto 106, trích trong Taishō 420. Không có nguồn tư liệu nào có câu sau chữ ‘niết-bàn (nirvāṇa)’. Nhưng trong mục 14, Nạn vấn 7, đối phương đề cập đến câu cuối cùng … hàm ý có bản kinh nào khác. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng chúng tôi kết thúc trích dẫn bằng ‘từng đoạn’ (p118)

[139] s: Sumedha 儒童. Còn gọi Thiện Huệ. Câu chuyện về Bồ-tát Thiện Huệ (Sumedha) thuở xưa. Đã bị (depleted) trong tháp (stupa) ở Barhut. Gotama vào thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṁkara) được sinh ra trong gia đình giàu có dòng bà-la-môn, tên là Thiện Huệ (Sumedha), một hôm cảm thấy nhàm chán thế gian, xuất gia tu đạo. Nghe tin Đức Phật đến, Thiện Huệ muốn đến cúng dường. Thiện Huệ trải tóc trên đường bùn, nằm sấp mặt xuống đất chờ đợi Đức Phậttăng chúng đi qua. Trong tư thế đó, Thiện Huệ phát nguyện, và sau đó được Đức Phật thọ ký. Thiện Huệ phát tâm tu tập chứng đắc 10 ba-la-mật-đa để chính mình thành Phật. Theo phiên bản trong Phật sử (Buddhavaṁśa) (Winternit, 1933: 161) và Thái tử thuỵ ứng bản khởi kinh (Taishō 185 III 478c). Câu chuyện nầy được nhắc lại trong Cariyā- piṭaka và Niddāna-katthā. Trong Đại sự (Mahāvastu) có liên hệ với Thập địa (J. Rahder, 1926: XVII, Siddhi 19: 732, Kośa IV:227

[140] s: Kṛtāvi, thất trụ vị 七住位 tức sở tác địa 所作地, tức a-la-hán vị, cao nhất của quả vị Tiểu thừa (Hinayāna).

[141] S: anutpattidharmakṣānti. 無生忍. Đây là thuật ngữ chuyên môn, có ý nghĩa riêng biệt trong Câu-xá-luận. Trong Kinh Duy-ma-cật (Vimalakīrtinirdeśa), thuật ngữ nầy xuất hiện thường xuyên, và được Tăng Triệu định nghĩa trong luận của ngài: 338b22. Tham khảo thêm Suzuki (1930):31.

[142] Ba vị này, như xuất hiện từ phần sau, thực ra không phải là vị mà là yāna (thừa), mỗi vị đều có công hạnh riêng. Ban đầu vốn không được thông qua liên tiếp. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong Śatasāhasrikā (Siddhi 726, MS 585). Đối với tác giả của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các vị Bồ-tát vẫn chưa được biết đến mà chỉ có Thanh văn địa (Śrāvaka-bhumis śuklavidarśanādi) (Mhv. 50), có bảy vị. Cùng với ba thừa (yāna), sau này bị nhầm thành vị, bảy thành mười và sau đó được gọi là chung là Giai vị 三乘共十位 Tam thừa cộng Thập vị. Đây là các vị được đề cập. Tham khảo Chao (1938): Phụ lục III, 1.

[143] Hữu thăng giáng chi thù 有升降之殊. Chỉ cho ẩn dụ ba con thú qua sông. Tham khảo Bát-nhã vô tri luận.

[144] Tham khảo Diệu pháp liên hoa kinh 妙法 蓮花經(Saddharmapuṇḍarīka)

[145] Ba thừa: Thanh văn thừa (Śrāvaka-yāna), Độc giác thừa (pratyekabuddha-yāna) và Phật thừa (Buddha-yāna).

[146] Ẩn dụ trong kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīka), ch 2. (Taishō 262 IX: 13c1). Ba cỗ xe, do con dê, nai và trâu kéo, được dùng để dẫn dụ các đứa con ra khỏi ngôi nhà đang cháy, nơi chúng mải chơi không biết nguy hiểm đang đến. Đây là ẩn dụ phương tiện (upāya), thiện xảo có nghĩa là Bồ-tát dùng để độ thoát chúng sinh.

[147] Phân biệt do căn tánh (indriya) khác nhau. Tham khảo Câu-xá-luận VI: 29, 31, 33cd và R. Obermiller (1933): 49f.

[148] Sự đánh đồng nầy hoàn toàn theo Trung Hoa. Không tương xứng hoàn toàn. Vì một trong ba dạng vô viHư không vô vi và hai dạng vô vi khác không có mối liên hệ nào với căn (indriya). Tham khảo chú thích trên. Vô vi (asaṁskṛta) và niết-bàn (nirvāṇa) hiển nhiên được xem là đồng nghĩa.

[149] Tham khảo PSM: 114a 29b3 và PSK: 375c 25f (Chúng tôi đọc … thay vì 緒 t. ‘Tu-bồ-đề đảnh lễ Thế Tôn rồi thưa hỏi. ‘Bạch Thế Tôn tát-vân-nhã (sarvajñatā), tát-vân-nhã sự (sarvakārajñatā), đạo huệ sự (mārgajñatā) cả ba điều ấy có sai biệt chăng? Trong mọi trường hợp, phiền não được trừ sạch chăng? Đức Phật đáp: ‘Đều không có sai biệt. Chỉ vì đối với Thế Tôn, các tập khí đều đã dứt sạch. Hàng Thanh văn (Śrāvaka) tập khí chưa dứt sạch. Bạch Thế Tôn! Tập khí phiền não chưa dứt sạch, có đắc niết-bàn (nirvāṇa) chăng? Đức Phật đáp. ‘Không’. Ý nghĩa đoạn kinh nầy chưa rõ lắm. Hàng Thanh văn (Śrāvaka) khi vào niết-bàn (nirvāṇa) là phiền não tập khí đã dứt sạch. Niết-bàn (nirvāṇa) của Bồ-tát và Phật được xem là thắng diệu hơn niết-bàn (nirvāṇa) của a-la-hán. Thế nên còn có những chướng ngại cần phải gỡ bỏ, gọi chung là tập khí phiền não (kleśa). Tăng Triệu trong Chú VSK (399a 10f) cho rằng chỉ có hàng a-la-hán, chứ không phải Bồ-tát, là sạch các lậu hoặc.

[150] Kết tập 結習: phiền não (kleśa) và dư tập 餘習: tập khí (vāsanā). Thuật ngữ kép nầy được Tăng Triệu định nghĩa trong Chú VSK là ‘ma quỷ trong ta’ nội quỷ內鬼

[151] Ẩn dụ nầy còn xuất hiện trong bài tựa Kinh Vô lượng thọ của Liu Ch’iu, Xuất tam tạng ký tập 9.22: 68b. Vốn đã được các môn đệ phái Tiệm ngộ (Huệ Quán) dùng, nhưng được lấy ra bởi những người theo phái Đốn ngộ (Đạo Sinh). Thêm vào ‘chỉ vì nó vẫn là gỗ, chỉ có thể bị chặt đi một tất hay một thốn mà thôi’ 木存故尺寸可漸mộc tồn cố xích thốn khả tiệm,

 có nghĩa là, niết-bàn (nirvāṇa) không thể được chứng đắc qua nhiều lần. Tham khảo Book of Chao (1948): Phụ lục III, 5.

[152] Tương ưng với hai câu trong Đạo đức kinh 23

[153] 盡智s: kṣayajñāna

[154] 無生智; s: anupādajñāna. La Vallée Poussin (Kośa VII: 3. IV: 231) định nghĩa Tận trí là ‘le savoir de la destruction des passions’, Vô sinh trí là ‘ le savoir de la non-production à nouveau des passions'. Cả hai đều tạo thành sự giác ngộ vào giây phút sau cùng. Tiếng sấm sét. Đây là những thuật ngữ của Tiểu thừa (Hinayāna). Dường như bị hiểu lầm bởi đối phương khi phân hạng giữa các thừa. Tham khảo MS: 586a 16. Đoạn văn giải thích sự chứng đắc Kṛtāvibhūmi, thất trụ vị 七住位 tức sở tác địa 所作地, tức a-la-hán vị. Thanh văn nhân đắc tận trí, đắc vô sinh trí.

[155] 結縛 Kết phược (s: kleśāvaraṇa). Có hai loại ràng buộc: phiền não chướng (s: kleśāvaraṇa) và sở tri chướng (s: jñeyāvaraṇa). Thanh văn (Śrāvaka) trừ được phiền não chướng. Bồ-tát trừ diệt chướng thứ II.

[156] Ế翳 s: timira; mắt bị bệnh nhặm, dụ cho người bị mù.

[157] Trích dẫn không chính các từ PSM: 52 27 fol 1. (WTS, TCH) hay từ PSK (Nguyên Khang sớ)

[158] Tứ thánh đế (ārya-satya) đều có trí (jñāna) riêng. Những trí nầy hình thành một loạt. Vấn đềthiền định nào là rốt ráo? Cầu nối nào giữa luân hồi (saṃsāra) và niết-bàn (nirvāṇa)? Nếu cả hai giống nhau, ý nghĩa ‘cầu nối’ như thế nào? (Nếu có).

[159] 平等不二 Bình đẳng bất nhị (s: sama advitiva). Trúc Đạo Sinh được biết là người tán thành câu 理 不 可 分 Lý bất khả phân.

[160] Có lẽ ko phải từ kinh mà từ luận, Tỳ-bà-sa luận (Vaibhāṣika)(Taishō 1547 XXVIII: 445c 17-9). Thí dụ được trích trong Thư tín (Câu hỏi 2: 130c 13)

[161] Voi, ngựa và thỏ. Tham khảo Kinh Phổ diệu (Lalitavistara-Śūtra) (Taishō 186 III 488b 20). Tham khảo Bát-nhã vô tri luận. Tăng Triệu chỉ bảo vệ mặt đối nghịch.

[162] S: pratītyasamutpāda. 

[163] S: Ārya-satya.

[164] 絕偽即真. Câu nầy cho thấy rằng tác giả của đoạn 13 không phải là Tăng Triệu , người đã có chủ trương Tức nguỵ tức chân 即 偽 即 真.

[165] S: Śāriputra, Hán: Thân Tử 身子

[166] P: Punna Mantāniputta. Hán: Mãn Nguyện 滿願

[167] Đạo đức kinh 1: 玄之又玄 Huyền chi hựu huyền

[168] Đạo đức kinh 48: Thư 書 khác với kinh.

[169] Tham khảo PSM: 5b 16.

[170] Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh nói chung. TS (?)

 

[171] Hữu danh trong đoạn nầy giống như Nạn vấn thứ 4. Thế nên Pháp thân phải là Pháp thân Đại thừa (Mahāyāna dharmakāya), chẳng phải là ngũ phần pháp thân (pañcāngila dharmakāya) đề cập trong Vấn nạn 1. Đây là điều chứng tỏ Niết-bàn vô danh luận có nhiều tác giả.

[172] Trích dẫn nầy xuất hiện trong Chương 8.

[173] Huệ Đạt: 426c trích dẫn Biện tông luận 辨宗論 của Tạ Linh Vận 謝靈, người đã dùng ví dụ Bắc Nam để giải thích thuyết Đốn ngộ của Trúc Đạo Sinh. Về sau được Huệ Quán sử dụng với sự thay đổi. Tham khảo The Book of Chao (1938); Phụ lục III 8: 189 và Lý hoặc luận 理惑論 (Taishō) LII: 6c 20 f). Người Trung Hoa thường nói 南轅北轍Nam viên Bắc triệt.

 

[174] Tham khảo PSM: 113a 12 (?) Asaṁskṛta được dịch là vô vi 無為, chỉ cho câu nói nổi tiếng của Đạo giáo, 無為而無所不為 vô vi nhi vô sở bất vi. Câu聖人無為而無所不為 Thánh nhân vô vi nhi vô sở bất vi không thể dịch ngược sang tiếng Sanskrit. Tăng Triệu chỉ thay đổi theo mô thức tiếng Hán.

[175] Tham khảo Vật bất thiên luận I.a.

[176] Tham khảo DSL: 425c 25. Tôi đọc kinh văn như Tăng Triệu đọc, không phải như theo tiếng Sanskrit, sẽ đảm bảo hơn.

[177]太虛Thái hư như 絕無 Tuyệt vô ở trên và những nơi khác.

 

[178] 功成非我 công thành phi ngã. Tham khảo Chú Kinh Duy-ma-cật (Vimalakīrtinirdeśa): 398a2. Ở đây ngã 我 là

 Ngã Tiểu thừa (Hinayāna) 

[179] Tham khảo PSK. 308b 19.

[180] Chuyện về Sumedha (Nho Đồng, Thiện Huệ) khác hơn trích dẫn ở trên, xuất hiện trong một bản dịch. Sự kiện nêu trong văn bản của chúng tôi được kể trong MS (46 và 180a 23 f) như một ví dụ cho bố thí (dāna). Như sau: Một đạo sĩ khổ hạnh muốn mua một món quà cho Đức Phật. Anh ta nhìn thấy một cô gái hầu cận của gia đình hoàng gia mang theo bảy bông hoa. 'Với năm trăm lượng bạc, anh ta mua năm chiếc trong số đó, sau đó gom lại tạo thành tán cây che trên đầu Đức Phật.

[181] Bồ-tát (bố thí) với tâm thức không có người bố thí, không có người nhận bố thí, và phẩm vật bố thí đều là không. So naiva dānapāramitām upalabhate na dāyakaṁ na pratigrāhakaṁ na dānam upalabhata anupalambhayogena.' Āṣṭasāhasrikā (ed. Raj. Mitra): 183.

[182] Đương cơ trong kinh Śatsāhasrikā. Tham khảo MS: 592b 3

[183] Tam giải thoát môn: không (śūnya), vô tướng (animita), vô nguyện (apraṇihita) 

[184] Hành 行(caryā). Công hạnh của Bồ-tát cốt yếu hoàn thiện tự thân vì lợi ích cho chúng sinh. Theo đạo Phật. đây là ‘ tâm nhân từhơn là ‘tình thương’

[185] 賢經劫, Bhradrakalpila Śūtra, phẩm 4. Tham khảo Taishō 425 XIV: 16b.

[186] Thành cụ quang minh định ý kinh 成具光明定意經

 Taishō 630 XV: 452b29.

[187] Toạ thiền tam muội kinh 坐禪三昧經

 Taishō 586 XV: 39b11.

[188] Tư ích phạm thiên sở vấn kinh 思益梵天所問經

 Taishō 614 XV: 282c9.

[189] Duy-ma-cật.

[190] Tham khảo VSK: 554b3. ‘Đồng nhất nghĩa tận và vô tận (của luân hồi; saṃsāra).

[191] Tham khảo Kinh Niết-bàn (nirvāṇa Śūtra) 21: 487a22. WTS. Tương đối giống nhau.

[192] Vấn đề thuỷ giác bản giác 始覺本覺 phát xuất từ Kinh Niết-bàn (nirvāṇa Śūtra), chưa được thảo luận vào thời của Tăng Triệu. Đây là một lý do nữa tại sao Niết-bàn vô danh luận được coi ít nhất phần nào giả tạo.

[193] Vạn vật vô phi ngã tạo 萬物無非我造. HT đưa ra bản khác. Đưa ra chữ gi 者thay vì tạo 造, như thể là ‘điều chỉnh. Tạo 造 đồng nghĩa với thành 成trong nửa câu sau và phải đọc là tạo. Thánh nhân được đồng nhất với Vũ trụ hoặc Tự nhiên. Tự nhiên tự tạo ra chính nó, thế nên nó tạo ra vạn vật trong nhận thức của chính nó. Đối với tự nhiên là cực số… Một đoạn khá hay thấy trong Bo tng lun (Tục tạng kinh (Hsü) 1B 1/1 28c 13 f):

夫聖人生而不有,死而不無…所謂萬生萬子公正無私,法爾自然,中無我造. phù thánh nhân sinh nhi bất hữu, tử nhi bất vô... sở vị vạn sinh vạn tử công chính vô tư, pháp nhĩ tự nhiên, trung vô ngã tạo.’Phải chăng điều nầy là tương phản ngẫu nhiên? Ở trên chúng ta đọc thấy ‘公成非我

công thành phi ngã.’ Vì Thánh nhân tạo vật mà không có ý định tạo 心想都滅 Tâm tưởng đô diệt. Hay là, như Tăng Triệu cũng đã nói: Tạo mà chẳng tạo. Tất nhiên, không thể có bất kỳ câu hỏi nào về sự sáng tạo theo nghĩa Kinh thánh (Biblical). Tuy nhiên, câu 'chính Ngài là người tạo ra vạn vật’ nghe lời bắt bẻ. Phải chăng có cuộc thảo luận đang diễn ra về sự sáng tạo, nhánh cuối cùng có lẽ của cuộc thảo luận lâu đời hơn nhiều về các hành vi, ý thức, v.v. của Thánh nhân? Trong Dedication II.3 tôi đọc thấy rằng thời Đông Tấn, người ta tin vào một đấng cai trị cá nhân như Thiên tử (Thánh nhân) và Tăng Triệu đã viết thiên luận này để 'chấm dứt luận bàn trong không gian vô biên không có Thánh nhân'. Liệu ngài có viết điều này để chứng minh lòng trung thành của mình không?’ Hình thành hai phe ủng hộchống lại niềm tin vào một vị thần cá nhân không? Sự ra đi sớm của Trúc Đạo Sinh và sự đối xử thô bạo dành cho những người khác, sau đó Đạo Sinh chuyển đến Lô sơn gợi ý vài điều thiếu kiên nhẫn của nhà cầm quyền. Có thể sự thật trong truyền thuyết Tăng Triệu đã bị giết theo lệnh của giới thống trị? Tham khảo Dẫn nhập. Về giá trị ngữ nghĩa của ngã. Tham khảo các chú thích trên.

[194] Śakro devānām indraḥ trong PSK: 278b 26.

[195] S: Subhūti; Tu-bồ-đề

[196] Tham khảo Kinh Niết-bàn (Nirvāṇa-Śūtra): 524a, b, Xem thêm Chú Duy-ma-cật kinh; 330a và 429c. Câu nầy có trong Kinh Śālistambha Śūtra (Liễu bản sinh tử kinh, Taishō 708 XVI: 815b).

[197] Duyên khởi (pratītyasamutpāda) đồng nhất với Tánh không (śūnyata)

[198] 物我不異Vật ngã bất dị.

[199] 以成體 Dĩ thành thể

[200] Pháp giới; e: universe. T

[201] Tham khảo VSC: 539c 25

[202] Tham khảo PSM: 146b 11

[203] 物不異我、我不異物,物我玄會,歸乎. Vật bất dị ngã, ngã bất dị vật, vật ngã huyền hội, quy vô cực hồ. 無極Vô cực (anuttara)

[204] Trong phẩm V VSK: 548a 8. Xá-lợi-phất (Śāriputra)) hỏi Thiên nữ trong thất của Duy-ma-cật vốn là biểu tượng của Đại thừa (Mahāyāna): ‘Cô ở đây bao lâu rồi? Thiên nữ trả lời: ‘Lâu như Ngài được giải thoát.’ Rồi Xá-lợi-phất (Śāriputra) im lặng. Qua đó Thiên nữ cho biết rằng chứng niết-bàn (nirvāṇa) là không hạn cuộc vào thời gian.

[205] Tham khảo Kinh Niết-bàn (Nirvāṇa-Śūtra) : 537a 11.

[206] Dục giới (kāma), Sắc giới (rūpa), Vô sắc giới (arūpa):

[207] Tham khảo Trung quán luận, Kệ tụng IV, Quán ngũ ấm (skandha-parikṣā).11-18. Ngũ uẩn khiến thức (vijñāna) của chúng sinh luân hồi (saṃsāra), xem Dẫn nhập. Tam giới được phân biệt: luân hồi (saṃsāra)- chứng đắc-niết-bàn (nirvāṇa). Vì chẳng có pháp nào lìa sát-na (kṣaṇa) hiện tiền,  nhưng ba điều nầy đều cần thiết cho sự tác động để chấm dứt luân hồi (saṃsāra), nên không có sự chứng đắc niết-bàn (nirvāṇa).

[208] Luận giả nhất trí với đối phương: Không có ai là người dự tuyển vào niết-bàn!

[209] Đọc kỷ 己 thay 已. Tham khảo Huệ Đạt: 428b. Nguyên Khang sớ cho ngã là chỉ cho Thánh nhân. Luận văn có nghĩa là ‘bậc Thánh khó tìm thấy được, chẳng trong chẳng ngoài niết-bàn .’ trong trường hợp đó, ngã 我 thay cho kỷ  己

[210] Tham khảo Kinh Niết-bàn (Nirvāṇa-Śūtra): 495a 1.

[211] Tham khảo VSK: 542b 13.

[212] PSM: 113a 29-113b5, có đoạn kinh tương tự.

[213] * Hy 希. Lặng lẽ không tiếng động. Đạo đức kinh 14 ; “Thị chi bất kiến danh viết di, thính chi bất văn danh viết hi” 視之不見名曰夷, 聽之不聞名曰希

[214] Bà-la-môn (Brahmacārin. Tk Tham khảo Phật thuyết bát sư kinh (Taishō 581 XIV: 965a 10 f.)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/05/2011(Xem: 15522)
14/05/2011(Xem: 104592)
14/05/2011(Xem: 25732)
10/04/2011(Xem: 79895)
25/11/2010(Xem: 74683)
25/11/2010(Xem: 85917)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.