Quan Điểm Của Daisetz Suzuki Về Công Án

26/07/201012:00 SA(Xem: 46382)
Quan Điểm Của Daisetz Suzuki Về Công Án
QUAN ĐIỂM CỦA DAISETZ SUZUKI VỀ CÔNG ÁN
Hà Minh Triết

Ý KIẾN PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA Lý Việt Dũng

http://www.giacngo.vn/tuvan/2008/03/26/56D619/

blankCuốn “Essays in Zen Buddhism”của soạn giả Daisetz Teitaro Suzuki, mà dịch giả Trúc Thiên và thượng tọa Tuệ Sỹ dịch là Thiền Luận, thượng tọa Thích Nguyên Tạng dịch là "Khái luận Phật giáo Thiền", -- (hoặc nếu muốn, cũng có thể dịch là “Những bài tiểu luận về Thiền Phật giáo”) --, là bộ sách có nội dung gồm nhiều bài tiểu luận, không chỉ riêng viết về những đề tài trực tiếp liên hệ đến Thiền như thiền Công Án, thiền Chỉ Quán, mà còn đề cập đến cả những tài liệu gián tiếp liên hệ đến Thiền và Chứng Ngộ, thí dụ các kinh liễu nghĩa như kinh Lăng Già, kinh Đại Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, Quán Kinh, và các tông phái như tông Hoa Nghiêm, tông Thiên Thai, tông Tịnh Độ, ... vân vân….và cũng có lược qua các đề tài về các môn phái Thiền khác tại Nhật như Thiền trong Kiếm thuật, trong Võ đạo, trong Trà đạo, … vân vân….

Trong số rất nhiều đề tài khác nhau đó, nơi Thiền Luận bộ Trung, Tiểu Luận 1, Phần 1 với tên “Kinh nghiệm siêu việt tri kiến”, soạn giả Suzuki và dịch giả Tuệ Sỹ đã dùng tới trên 200 trang sách để trình bày về một phương tiện Chứng Ngộtu tập Công Án, trong đó soạn giả Suzuki nói rất rõ về tầm quan trọng của Nghi Tình và chủ trương không thể dùng tâm ý thức, suy tư tìm hiểu, kiến giải, để tu trong pháp môn khán Công Án, Thọai Đầu.

Đọc đến đây, có thể ai đó đã lắc đầu nhăn mặt rằng: “Thiền sao mà “luận” được, sai rồi, sai rồi”. Nếu quả có người nghĩ như thế thì tôi mong rằng chúng ta nên nhìn vào thực tế, đừng để những vướng mắc của thành kiến che mất cánh cửa Văn, Tư, Tu, vì chẳng riêng gì “Thiền” có thể “luận”, mà Đại sư Tăng Triệu còn “luận” luôn cả đến “Bát Nhã Vô Tri”, Niết Bàn Vô Danh” (Bát Nhã Vô Tri Luận, Niết Bàn Vô Danh Luận, trong bộ Triệu Luận, Đại Chánh tân tu Đại Tạng Kinh, mục số 1858, thiền sư Hám Sơn lược giải, thiền sư Thích Duy Lực dịch, Từ Ân Thiền Đường ấn hành).

Ngoài ra, bồ tát Long Thọ (Nāgārjuna) còn “luận” luôn cả đến Đại Bát Nhã (Mahā Prajñā Pāramitā), tức là “Trí Tuệ Bát-nhã Ba-la-mật”, bằng bộ “Đại Trí Độ Luận”. Đến Bát Nhã Vô Tri, Niết bàn Vô Danh, Trí Tuệ Bát Nhã, Tri Kiến Phật còn “luận” được thì chẳng nên phê phán việc soạn giả Suzuki viết “Essays in Zen Buddhism” và các dịch giả Trúc Thiên và Tuệ Sỹ đã dịch là Thiền Luận.

Tóm lại, nếu muốn giải thích cho người khác thấu triệt được vấn đề gì thì phải “luận giải, do đó, trong Tam Tạng Kinh Điển của nhà Phật gồm “Kinh, Luật, Luận” mới có tạng thứ ba tên là Tạng Luận.

Nay xin trở về đề tài chính. Mở đầu chương “Tu Tập Công Án: Phương Tiện Chứng Ngộ”, soạn giả Suzuki nói về “Thánh Trí Tự Chứng” (Ngộ), và để giải thích thế nào là “Tự Chứng”, ông đã trích dẫn kinh Hoa Nghiêm:

“Thiện Tài Đồng Tử hỏi: Môn giải thoát này làm sao để hiện tiền? Làm sao để chứng đắc?

“Diệu Nguyệt trưởng giả đáp: Một người thân chứng hiện tiền môn giải thoát này khi nào người ấy phát khởi tâm Bát nhã Ba La mật (Prajna-paramita) và cực kỳ tương thuận; rồi thì người ấy được chứng nhập trong tất cả những gì mà mình thấy và thấu hiểu.

“Thiện Tài Đồng Tử lại thưa: Có phải do nghe những ngôn thuyết và chương cú về Bát-nhã Ba-la-mật mà được hiện chứng?”

“Diệu Nguyệt đáp: Không phải. Tại sao thế? Bởi vì Bát-nhã Ba-la-mật thấy suốt thể tánh chân thật của các pháp mà hiện chứng vậy.

“Thiện Tài thưa: Há không phải do nghe mà có tư duy và do tư duybiện luận mà được thấy Chân Như là gì? và há đây không phải là tự chứng ngộ?

“Diệu Nguyệt đáp: Không phải vậy. Không hề do nghe và tư duy mà được tự chứng ngộ. Này Thiện nam tử, đối với nghĩa này ta phải lấy một thí dụ, ngươi hãy lắng nghe!

“Thí dụ như trong một sa mạc mênh mông không có suối và giếng, vào mùa xuân hay mùa hạ khi trời nóng, có một người khách từ Tây hướng về Đông mà đi, gặp một gã đàn ông từ phương Đông đến, liền hỏi gã rằng: “Tôi nay nóng và khát nước ghê gớm lắm; xin chỉ cho tôi nơi nào có suối trong và bóng cây mát mẻ để tôi có thể uống nước, tắm mát, nghỉ ngơi và hoàn toàn tươi tỉnh lại?”

“Gã đàn ông ấy theo lời yêu cầu, liền chỉ dẫn cặn kẽ cho người khách rằng: “Cứ tiếp tục đi về hướng Đông, rồi sẽ có con đường chia làm hai nẻo, nẻo phải và nẻo trái. Bạn nên hãy theo nẻo bên phải và gắng sức mà đi tới chắc chắc bạn sẽ đến một nơi có suối trong và bóng mát.

“Này thiện nam tử, bây giờ ngươi có nghĩ rằng người khách nóng khát, từ Tây đến, khi nghe nói đến suối mát và những bóng cây, liền tư duy về việc đi tới đó càng nhanh càng tốt, người ấy có thể trừ được cơn khát và được mát mẻ chăng?

“Thiện Tài đáp: “Dạ không; người ấy không thể làm thế được; bởi vì người ấy chỉ trừ được cơn nóng khát và được mát mẻ khi nào theo lời chỉ dẫn của kẻ kia mà đi ngay đến dòng suối rồi uống và tắm ở đó.

“Diệu Nguyệt: “Này thiện nam tử, đối với Bồ tát cũng vậy không phải chỉ do nghe, tư duy và huệ giải mà có thể chứng nhập hết thảy pháp môn. Này thiện nam tử, sa mạc là chỉ cho sinh tử; người khách đi từ Tây chỉ cho các loài hữu tình; nóng bức là tất cả những sự tướng mê hoặc; khát tức là tham và ái; gã đàn ông từ Đông đến và biết rõ đường lối là Phật hay Bồ tát đã an trụ trong nhất thiết trí, các ngài đã thâm nhập Chân Tánh của các pháp và Thật Nghĩa bình đẳng; “giải trừ khát cháy và thoát khỏi nóng bức nhờ uống dòng suối mát” là chỉ cho sự Chứng Ngộ Chân Lý bởi chính mình vậy.
(Thiền Luận bộ Trung, trang 22)

Để nhấn mạnh và làm sáng tỏ sự Chứng Ngộ vốn không liên quan đến ngôn ngữ, văn tự, ông Suzuki tiếp:

…”…Từ trích dẫn này chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng môn giải thoát Bát- nhã ba-la-mật phải được chứng ngộ bằng kinh nghiệm cá biệt của mình; còn như chỉ có nghe và học hỏi thôi thì chúng ta không cách gì thâm nhập vào giữa lòng chân tánh của thực tại. Người ta có thể hỏi, tại sao không thể vươn tới chân lý tự chứng bằng tri kiến? Câu hỏi này được trả lời ở một đoạn khác trong kinh Hoa nghiêm.

“Chân lý tự chứng (bản thân của Thực Tại) thì không phải một, không phải hai (bất nhị). Do năng lực tự chứng này mà (Thực Tại) là khả năng làm ích lợi bình đẳng cho tất cả kẻ khác cũng như cho chính mình; hoàn toàn không thiên lệch với ý tưởng đây kia, giống như mọi vật đều sinh trưởng từ lòng đất. Chính Thực Tại hay Pháp Tánh, không phải hữu tướng, cũng không phải vô tướng; thể của nó như hư không, vượt ngoài tri kiếnliễu giải; pháp ấy vi diệu, khó lấy văn tự mà diễn nói.

Tại sao thế? Bởi vì nó siêu việt hết thảy cảnh giới của văn tự; siêu việt hết thảy cảnh giới của ngôn thuyết; siêu việt hết thảy các cảnh giới ngữ nghiệp vận hành; siêu việt hết thảy các cảnh giới của hí luận, phân biệt tư lương; siêu việt hết thảy các cảnh giới của tầm tư và tính toán, siêu việt cảnh giới sở tư của tất cả chúng sinh ngu muội; siêu việt cảnh giới của hết thảy phiền não tương ưng ma sự; siêu việt hết thảy cảnh giới của tâm thức…”…
(Trang 24, sđd)

Với quan niệm phải bác bỏ tri kiến trong sách vở khi tham thiền, soạn giả Suzuki viết:

“Bài thuyết pháp sau đây của Hoàng Long Tử Tâm Ngộ Tân Thiền sư (1044-1145) cho thấy không gì diễn ra trong lòng của một kẻ học Thiền chân thật :

“Này chư Thượng tọa, thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Thân này không nhắm đời nay độ, còn đợi đời nào độ thân này? Nay còn sống đó, các ngài hãy tham thiền đi, tham thiền là để buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ tứ đại, ngũ uẩn, buông bỏ bao nhiêu nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay; hãy nhìn xuống dưới gót chân của mình mà suy xét cho thấu đáo để thấy đạo lý ấy là gì? Suy tới suy lui hốt nhiên tâm hoa bừng nở, chiếu khắp mười phương. Sự chứng ngộ thì không thể trao truyền, dù chính các ngài biết rõ nó là cái gì ?

“Đây là lúc các ngài có thể biến đất lớn thành vàng ròng, quậy sông dài thành biển sữa. Há không sướng khoái bình sinh sao! Vậy thì đừng phí thì giờ niệm ngôn niệm ngữ mà hỏi đạo hỏi thiền nơi sách vở; bởi vì đạo thiền không ở nơi sách vở. Dù cho thuộc lòng một bộ Đại tạng cũng như Bách gia chư tử, chẳng qua là những lời rỗi rãi, khi chết chẳng dùng được gì”.
(Trang 28, sđd)

Để sáng tỏ quan điểm về bác bỏ mọi sự tìm tòi trên bình diện tri kiến, ngưng lại thói quen ”tâm viên ý mã”, ông Suzuki nhấn mạnh:

Kẻ thù tai hại nhất của kinh nghiệm Thiền là trí năng với bản chấttác dụngphân biệt chủ khách. Do đó người ta phải cắt bỏ bớt trí năng phân biệt nếu muốn khai triển ý thức Thiền, và công án được nêu cao để thực hiện mục đích này.

Khi khảo sát chúng ta nhận thấy ngay rằng giải thích của trí năng không có tác dụng gì hết trong công án. Lưỡi dao trí năng không đủ sắc bén để chẻ đôi công án hầu nhìn thấy nội dung của nó, bởi vì một công án không phải là một mệnh đề luận lý mà là sự diễn đạt của một tâm trạng nào đó kết quả từ pháp môn Thiền. Chẳng hạn, có quan hệ luận lý nào giữa “Phật” và “ba cân gai”? hay giữa “Phật tính” và “vô” hay giữa “mật chỉ của Bồ-đề-đạt-ma” và “cây bách”?

Trong một tác phẩm Thiền mang danh là Bích Nham Lục, Viên Ngộ đưa ra nhưng ghi nhận sau đây về “ba cân gai” đồng thời cho thấy công án được giải thích ra sao bởi các môn đệ « tà Thiền » không đủ sức nắm vững Thiền.

“Có một số người thời bấy giờ không lãnh hội chân chính công án này; đấy là vì không có kẽ hở nào cho trí năng của họ cắn răng. Bởi vậy ta nói nó rất ư nhạt nhẽo vô vị. Cổ nhân đã có nhiều câu trả lời cho câu hỏi: “Phật là gì?”. Vị thì nói: “Ngài ngồi trong Phật điện”. Vị thì bảo: “Một người có 32 tướng tốt”. Vị khác: “Cây roi bằng rễ tre”. Nhưng, không ai hay hơn Động Sơn: “Ba cân gai”; bất chấp cái phi lý của nó; cắt đứt mọi đường lối biện bác. (Trang 136 sđd)

Câu trích sau đây càng cho thấy Suzuki quyết liệt bác bỏ sự vận hành của trí năng trong Công Án:

“Đứng về mặt thủ pháp, công án được nêu ra cho kẻ sơ cơ là để “hủy hoại gốc rễ của sự sống”, “giết chết đầu óc so đo đốn ngã tâm trí hiện hành tử vô thủy”, v.v... Sự diễn tả như vậy có thể dồn người ta vào tử lộ, nhưng đích ý là vượt lên những giới hạn của trí năng, và chỉ có thể vượt qua những giới hạn này khi nào người ta dốc hết toàn lực, tận dụng những năng lực tâm thần vốn có...”...
(Trang 137 sđd)

Trong tiểu mục “Những chỉ thị thực tiễn đối với tu tập công án”, soạn giả Suzuki viết:

”Một Thiền sư trên núi Hoàng Bá, khoảng đầu nhà Tống, chỉ thị về lối học Thiền như sau:

“Này chư huynh đệ! Có thể chư vị thích nói về Thiền, về Đạo chửi Phật, chửi Tổ nhưng đến khi tính lại, các thứ Thiền đầu môi chót lưỡi của chư vị nào có ích chi. Như thế chỉ làm mờ mắt kẻ khác, nhưng nay chư vị sẽ thấy rằng mình tự làm mờ mắt mình. Này chư huynh đệ! Lúc thân thể còn khang kiện hãy cố mà hiểu biết chân chính Thiền là gì. Quả tình, cái ổ khóa đó chẳng phải khó mở xoay vào cho lắm, mà chỉ vì chư vị không quyết lòng sống chết với công phu; rồi khi không biết làm sao để chứng, chư vị lại bảo “Khó lắm, khó lắm, sức ta không làm nổi”. Thật là vô lý! Nếu chư vị quả thật là những kẻ trượng phu, chư vị sẽ thấy ra ý nghĩa công án của mình. Một thầy Tăng hỏi Triệu Châu: con chó có Phật tính không?” Châu đáp “Vô”. Rồi, bây giờ chư vị hãy chuyên tâm vào chữ VÔ này cả ngày lẫn đêm; dù đi, đứng hay nằm, ngồi suốt trong mười hai thời; dù cả khi mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, hãy chú tâm nhất định nơi công án. Hãy tận lực ghi nhớ nó mãi trong lòng. Ngày qua tháng lại, cho tới khi tâm của chư vị được nhồi lại thành một khối, thì hoa lòng bỗng nhiên bừng nở - tỏ ngộ cái tâm cơ của Phật và Tổ. Bấy giờ, kể từ nay, khắp trong thiên hạ chẳng còn một lão Thiền sư nào mà mắt chư vị được nữa”

Nhấn mạnh điều sai lầm khi dùng tâm Ý thức nghiên cứu suy tư, một hình thức ”giải công án”, soạn giả Suzuki viết:

”Trong trích dẫn sau đây rút ra từ cuốn Đại Huệ Phổ Thuyết gồm các bài pháp của thiền sư Đại Huệ, ngài còn nêu lên một công án khác cho vị tăng thị giả của mình là Tịnh Quang:

“Pháp không do kiến văn giác tri mà biết thấu rõ. Nếu pháp kiến văn giác tri mà thấu rõ, đấy chỉ là kiến văn giác tri mà thôi; hoàn toàn không phải là pháp. Bởi vì pháp không ở nơi những cái mà người ta nghe từ kẻ khác hay học tập bằng thế trí. Bây giờ, người hãy bỏ đi những gì thấy, nghe và suy nghĩ, mà thấy nhưng gì trong chính ngươi. Chỉ có chân không, vô vật, không thể bắt nắm được, không thể nghĩ tưởng đến được. Tại sao? Bởi vì đó là nơi siêu việt giác quan. Nếu giác quan mà với tới nơi này được, thì đó là cái có thể nghĩ tưởng, có thể bám víu; và như vậy, nó nằm trong vòng sống chết.

“Điều cốt yếu là khép chặt các giác quan, và biến tâm thức thành như một khúc cây. Khi khúc cây này đột nhiên trỗi dậy và khua vang, ấy là ngươi như sư tử cất tiếng rống tự do, tự tại, không ai quấy phá, hay như một con voi vượt qua sông chẳng e dè dòng nước chảy xiết. Đấy là lúc không còn dao động, không còn tạo tác.....”….
(Trang 142 sđd)

Soạn giả Suzuki ca ngợi:

”Đại Huệ không mệt mỏi nhắc nhở môn đệ của mình sự quan trọng của chứng ngộ siêu việt ngôn ngữ biện biệt, vượt ngoài giới hạn của tâm hành...” ...

”Nơi khác, Đại Huệ nói: “Hãy kiên trì công án trong suốt cả bình sinh. Nếu một niệm khởi lên, đừng cố ý dẹp xuống, mà cứ cố giữ công án hiện tiền với tâm. Dù khi đi khi đứng hay nằm ngồi, chú tâm không gián đoạn. Đến khi bắt đầu thấy nó không còn hương vị gì hết, ấy là lúc thời cơ quyết định đang đến; đừng để nó vuột mất. Đến khi một vật đột nhiên chớp lên trong tâm ngươi, ánh sáng của nó sẽ sáng rực cả vũ trụ, và ngươi sẽ thấy rằng quốc độ của chư Phật hoàn toàn hiện lên trên đầu một sợi tóc, và bánh xe Chánh pháp vĩ đại đang quay trong một hạt bụi…”…
(Trang 146 sđd)

Ông Suzuki cũng dẫn chứng lời thiền sư Không Cốc Long khuyên các sư tăng:

“Cái của Triệu Châu, trước khi các thầy thấu triệt nó, thì nó như một hòn núi bạc hay như một bức tường sắt (đứng chắn lối của các thầy). Nhưng khi các thầy tiến tới với cái ngày qua ngày, cố bước vào trong lòng của nó, đừng để một khoảnh khắc dừng nghỉ, thời cơ tối thượng nhất định sẽ đến, như một cơn lụt tràn ngập; và rồi các thầy sẽ thấy rằng bức tường sắt hay hòn núi bạc chẳng chút gì đáng sợ. Điều quan trọng là đừng tin gì ở cái học, cái hiểu, mà hãy để hết tâm trí vào việc giải quyết vấn đề sanh tử.

Đừng phí thì giờ ngồi suy nghĩ về cái “vô”, hãy như một tên si ngốc không khác, đừng cố giải quyết sai lầm bằng tư duy biện biệt. Hãy kiên quyết để hết tâm chí mà thấu cái vô. Rồi đột nhiên, khi các người buông tay xuống, toàn thể tâm thức hoàn toàn đảo ngược và kể từ đây các người nhận thấy vô cùng minh bạch nơi chốn tận cùng của nó …”…(Trang 147 sđd)

Ông kết thúc bằng bài pháp của thiền sư Bạch Ẩn với lời lẽ như sau:

“Tôi kết luận vắn tắt chương này với một đoạn trích từ tác phẩm của Bạch Ẩn Huệ Hạc, cha đẻ của phái Thiền Lâm Tế Nhật Bản ngày nay. Trong trích dẫn này chúng ta sẽ thấy tâm lý của Thiền tiến hành ra sao vốn chẳng có thay đổi nhiều qua hơn một nghìn năm, từ thời Huệ Năng và các môn đệ Trung Hoa của ngài:

“Nếu các ngươi muốn đạt được đạo lý thanh tịnh của vô ngã, thì hãy cứ một lần buông tay rơi trên vực thẳm, rồi các ngươi sẽ bừng tỉnh trỗi dậy trở lạithành tựu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Thế nào là buông tay xuống vực thẳm? Giả sử có người dạo bước giữa những hòn núi xa xôi, nơi chưa từng có ai lưu lạc đến. Người ấy đến bên bờ một vực thẳm không đáy, đá lởm chởm, rong rêu phủ kín, vô cùng trơn tuột, không biết đặt chân đâu cho vững; y không thể đi tới, không thể bước lui, cái chết đối diện. Nguồn hy vọng độc nhất là giữ lấy sợi dây sẵn trong tay; sinh mệnh của y gởi vào sợi dây này. Nếu y bất cẩn buông tay, thân thể y sẽ lao thẳng xuống vực, xương thịt sẽ tan ra từng mảnh.

Người học Thiền cũng vậy. Khi y bám chặt công án trong tay, rồi y sẽ thấy rằng mình đã bước tới cực độ khẩn trương của tinh thần và đang ở trong bước đường cùng. Như một người bị treo lơ lửng trên vực thẳm, chẳng còn biết phải làm gì. Trừ những cảm giác bồn chồn bất an, từng lúc và từng lúc, y giống như một người đã chết. Đột nhiên y thấy thân và tâm của mình bị quét ra khỏi cuộc sống cùng lúc với công án. Đấy gọi là “buông tay”; khi các ngươi tỉnh khỏi cơn si ngốc và lấy lại hơi thở, giống khi uống nước chỉ mình biết là lạnh. Đó là một niềm vui khôn tả”.
(Trang 152 sđd)

Về tầm quan trọng của Nghi Tình trong phương pháp tu khán Công Án, Thoại Đầu, soạn giả Suzuki viết:

- Hãy nhận xét những câu nói của thiền sư Đại Huệ trong Đại Huệ Phổ Thuyết như:

…“… Nhặt ra cái điểm suốt đời nghi ngờ và đặt nó ngay trước mặt”. Đó là Thánh hay phàm? Hữu hay vô? Hãy đẩy câu hỏi đó đến cùng. Đừng sợ rơi vào cái không: hãy tìm xem cái gì nuôi dưỡng nỗi sợ hãi này. Đó là cái không, hay không phải?” …

Đại Huệ không bao giờ khuyên chúng ta chỉ việc đề khởi công án hiện tiền; trái lại, ngài bảo chúng ta hãy đặt nó vào ngay trong tâm bằng tất cả sức mạnh của nghi tình. Một khi công án được chỉ trì bởi một tinh thần như thế, ngài nói, nó “giống như một ngọn lửa cháy lớn đốt cháy tất cả những con sâu hí luận đang xăm tới.” Nếu không có sự phấn khích nghi tình mang màu sắc triết lý này, chẳng công án nào có thể đứng vững trước tâm thức. Vì vậy, lời nói thông thường của các Thiền sư là cho rằng: “Trong sự tham thiền, điều trọng yếu nhất là giữ vững nghi tình; nghi tình càng mạnh, ngộ càng lớn, quả thực, chẳng bao giờ có ngộ mà không có nghi, vậy, hãy bắt đầu bằng cách dọ hỏi vào ý nghĩa của công án”.
(Trang 182 sđd)

Về từ ngữ “nghi tình”, nơi Thiền Luận bộ Thượng, trang 413, dịch giả Trúc Thiên đã định nghĩa như sau:

Đại nghi, hoặc nghi tình, nghi niệm, nghi đoàn đây không liên hệ gì đến cái doute philosophique của Descartes. Thiền tông đặt nghi tình làm một trong ba điều kiện thiết yếu để tham công án, đó là đại ý chí, đại tin tâm, đại nghi tình. Nghi tình là nguồn kích động lực thúc đẩy hành giả từng giây từng phút nhảy sấn vào hư vô, dầu đó là địa ngục cũng mặc. Nên thiền sư Huệ Khai, trong Vô môn quan, nói: “Hãy đem hết ba ngàn sáu trăm khớp xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông đúc thành khối nghi tình công phá vào chữ “Vô” ấy của Triệu Châu. Ngươi hãy như người nuốt phải viên sắt nóng, trạo trực ói tới ói lui vẫn không mửa ra được, có thế mới gội sạch hết kiến thức chồng chất bấy lâu. để rồi nổ bùng lên như trời long đất lở. Chừng như ngươi vừa đoạt được cây đao thanh long của Quan Công cầm tay qua ải gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, được tự tại ngay tại đầu bờ sanh tử, dạo nỗi vui du hí qua sáu nẻo luân hồi, bốn đường sanh hóa”.

Để nhấn mạnh thêm tầm tối quan trọng của “Nghi Tình” trong Công Án, ông Suzuki dẫn chứng một loạt những lời khai thị của các thiền sư danh tiếng:

“Theo Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295) chúng ta được biết như vầy :

Công án tôi thường đặt cho các môn nhân là: “Vạn pháp quy Nhất, Nhất quy hà xứ?” Tôi khuyên họ hãy tham cứu câu này.

Tham cứu câu ấy tức là đánh thức một mối nghi tình lớn đối với ý nghĩa cứu cánh của công án. Vạn pháp thiên sai vạn biệt được quy về Một, nhưng rồi Một trở về đâu? Tôi bảo họ, hãy đem hết sức mạnh bình sinh mà đeo mối nghi tình này, đừng lúc nào xao lãng. Dầu đi, đứng, nằm, ngồi hay làm các công việc, đừng để thời giờ luống trôi qua. Rồi ra cái Một trở về đâu?

Hãy cố mà tìm một câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Đừng buông trôi mình trong cái vô sự; đừng luyện tập tưởng tượng phiêu du, mà hãy cố thực hiện cho được cái trạng thái toàn nhất viên mãn bằng cách đẩy nghi tình lướt tới, bền bỉ và không hở. Rồi các ngươi sẽ thấy mình như một kẻ bịnh ngặt, chẳng còn muốn ăn uống gì nữa. Lại như một thằng khờ, không hiểu cái gì ra cái gì hết. Khi công phu đến đây, giờ là lúc tâm hoa của các người bừng nở.

Cổ Âm Tịnh Cầm thiền sư, khoảng cuối thế kỷ XV, nói về sự tu tập công án như vầy:

Công phu có thể được thực hành tốt đẹp nhất là ở nơi không có tiếng động và tạp loạn: hãy dứt bỏ tất cả nhưng điều kiện quấy nhiễu, hãy dừng lại suy tư và nghĩ tưởng, để hết tâm trí vào việc tiến hành công án, đừng bao giờ buông thả nó ra khỏi trung tâm của thức, dù khi đi đứng hay nằm ngồi vẫn vậy. Đừng bao giờ quan tâm đến việc mình đang ở trong cảnh ngộ nào, dù khi xứng lòng hay trái ý, mà luôn luôn hãy cố giữ lấy công án trong lòng, phản quan tự chiếu, và tự hỏi ai là kẻ đang theo đuổi công án chẳng biết mệt thế, và tự hỏi như vậy không ngớt.

Cứ tiến hành như thế, hết sứchăng hái, nghi chính kẻ đang nghi, chắc chắn sẽ đến lúc không còn nghi vào đâu được nữa, tuồng như các ngươi đã đi đến chính tận nguồn của dòng suối và thấy mình đang bị những ngọn núi vây hãm chung quanh. Đây là lúc gốc cây cùng với sắn bìm chằng chịt gãy đổ, tức là khi sự phân biệt chủ khách hoàn toàn bị xáo trộn, khi kẻ bị nghi và cái bị nghi hòa hợp thành một khối duy nhất. Một khi thức tỉnh tự sự hợp nhất này, cái ngộ lớn hiện đến, mang sự thanh bình cho nghi tìnhtham cứu của các ngươi”.

Thiên kỳ Thụy hòa thượng thị chúng:

Hãy gột sạch khỏi tâm tất cả khôn ngoan lừa lọc, dứt mình ra khỏi tham sân do chấp ngã, và đừng để những mối nghĩ phân hai quấy phá, để cho tâm thức được lau chùi sạch sẽ. Khi đã thanh lọc được như vậy rồi, hãy đề khởi công án trước tâm: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?”

“Hãy nghiền ngẫm vấn đề này từ thủy chí chung hoặc bằng nhiều nghi vấn, hoặc đơn độc một suy nghĩ, hoặc chỉ nghiền ngẫm cái Một ở nơi đâu. Bất cứ bằng cách nào cứ để cho hết thảy đầu mối của các câu hỏi ghi đậm trên ý thức của các ngươi khiến cho nó trở thành cái độc nhất, là cái đích chú tâm. Nếu các ngươi để phân biệt lý luật xen vào chuỗi dây liên tục bền bỉ của những nghi tình, kết quả sẽ làm sụp đổ hết cả công trình tu tập.

“Một khi các người chẳng được công án trước tâm, chẳng có cơ duyên nào để chứng ngộ hết. Muốn chứng ngộ mà không có công án, chẳng khác nào nấu cát mà mong thành cơm.

Cái cốt yếu bậc nhất là khơi dậy cái đại nghi và gắng thấy rằng rồi cái Một quy về đâu. Lúc nghi tình được giữ linh hoạt liên tục khiến cho những giải đãi, hôn trầm, tán loạn không còn cơ hội móng khởi; không cần tìm kiếm ráo riết, rồi thời cơ cũng sẽ đến, đây là lúc tâm hoàn toàn nhập định. Thế là dù đi hay đứng, nằm hay ngồi mà không phải để ý hẳn vào những việc đang làm ấy, cũng không hay biết mình đang ở đâu, Đông hay Tây, Nam hay Bắc; quên luôn cả lục tình; ngày đêm như nhau cả. Nhưng đây chỉ mới nửa đường của ngộ, nhất định chưa phải ngộ hoàn toàn. Các người cần phải nỗ lực kỳ cùng và quyết liệt để xuyên qua đây, một trạng thái siêu thoát nơi đó hư không sẽ bị đập vỡ thành từng mảnh và vạn hữu đều được quy về cái bình đẳng toàn diện. Đấy lại như mặt trời ló dạng khỏi mây mù, thì các pháp thế gian hay xuất thế gian đều hiện ra rõ rệt”.

Sở Sơn Thiệu Kỳ Thiền Sư:

“Người sơ cơ cần nhất là phải có một vật để mà nắm vào Thiền; và vì thế họ được dạy cho pháp môn niệm Phật. Phật tức Tâm. Tâm tức Phật. Tâm và Phật từ đâu mà có? Có từ tâm. Tâm ấy không phải là tâm, không phải Phật, không phải vật. Vậy, là cái gì?

Muốn thấy ra, hãy vứt bỏ đi tất cả những chữ đã tích chứa do học tập, tri thức, kiến giải; hãy chỉ hoàn toàn chuyên chú vào một câu hỏi: “Ai đang niệm Phật?” Hãy để cho nghi tình này nghi đến cực độ; đừng say sưa theo những nghĩ tưởng mê lầm; đừng để cho những ý tưởng phân biệt cùng khởi lên. Một khi công phu bền bỉ, liên tục không gián đoạn, thì Thiền định của các người tất nhiên sẽ được thuần thục, và nghi tình của các ngươi nhất định bùng vỡ dữ dội. Rồi các ngươi sẽ thấy rằng Niết bàn (Nirvana) và sinh tử, cõi tịnh độ và cõi uế trược, chỉ là hí luận, và ngay từ đầu chẳng cần gì giải thích hay bình chú, và thêm nữa, Tâm không thuộc cảnh giới tâm ý thức, do đó là BẤT KHẢ ĐẮC.”
(Trang 186, sđd)

Soạn giả Suzuki giải thích thêm:

“Sự phát khởi của lối thực tập công án hoàn toàn là một sự tăng trưởng tự nhiên trong lịch sử của Thiền. Muốn thế, nhiệm vụ của một công án đầu phải là cốt tạo ra, gần như giả trang, cùng một trạng thái ý thức như đã được kinh nghiệm bởi các Thiền sư xưa một cách ngẫu nhiên. Đấy là phương tiện đẩy nghi tình vào một điểm tập trung hay “đại nghi”. Nơi công án, không có đầu mối hợp lý để tựa vào bằng trí năng và biện luận…
(Trang 194, sđd)

Một trong những bức thơ, đề cập đến các phước báo của phép Niệm Phậtcông án, Bạch Ẩn viết:

Trong việc học (Thiền), cái hệ trọng nhất là cường độ mãnh liệt của nghi tâm. Vì vậy, người ta nói Nghi mạnh thì Ngộ lớn, và có một nghi tâm khá mạnh thì chắc chắn được ngộ lớn. Lại nữa theo Phật Quốc thiền sư, lỗi lầm lớn nhất (với thiền giả) là thiếu một nghi tâm đặt trên công án. Khi nghi tâm của họ lên đến điểm ngưng chú cao chót thì có cơ bùng vỡ. Giả sử có một trăm, và cả đến một nghìn thiền giả như thế, ta đoan chắc mỗi người sẽ đi tới chỗ cứu cánh. Khi thời cơ của đại nghi xuất hiện, họ cảm thấy mình như đang ở giữa hư không, mở rộng cả bốn phương và trải rộng đến vô cùng; họ không biết mình sống hay chết; họ cảm thấy trong suốt lạ thường và dứt khỏi mọi uế trước, tựa hồ đang ở trong một cái bồn pha lê, hay hãm mình trong một khối băng cứng mênh mông; lại y như một người mất hết cảm giác; ngồi thì quên đứng, mà đi thì quên ngồi.

“Không một tư tưởng, không một xúc cảm nào móng khởi trong tâm, cái tâm giờ đây hoàn toàn độc nhất chuyên vào công án mà thôi. Lúc bấy giờ, đừng sợ hãi, đừng phân biệt cứ thẳng đường mà tiến tới công án, rồi đột nhiên họ nghiệm thấy như có một sự bùng nổ, tựa hồ cái chậu băng giá vỡ tan từng mảnh, tựa hồ một cái lầu ngọc bị lung lay, và hiện tượng này được kèm theo một cảm giác hoan lạc bao la chưa từng kinh nghiệm trong suốt bình sinh...

Vì vậy, các ngươi nên đặt nghi vấn vào công án VÔ và nhìn xem có ý gì trong đó. Nếu nghi tâm của các ngươi không hề bị xao lãng, luôn luôn chăm chú trên chữ VÔ, dứt hết mọi ý niệm, xúc cảm và tưởng tượng, chắc chắn các ngươi sẽ đạt đến chỗ hoàn toàn ngưng chú... Đấy tất cả là do sự hiện diện của nghi tâm trong các ngươi; vì nếu khôngnghi tâm thì không đi tới chỗ cao tột này và ta đoan chắc với các ngươi, nghi tâm là đôi cánh mang các ngươi đi đến cùng đích.”
(Trang 198, sđd)

Kết thúc phần nói về tầm tối quan trọng của “Nghi Tình” trong khán Công Án, Thoại Đầu, tác giả Suzuki viết:

“Trong một tác phẩm tựa đề “Bác Sơn tham thiền cánh ngữ”, những lời cảnh tỉnh về tham Thiền của Bác Sơn; tác phẩm thuộc triều Minh, vấn đề nghi tình được thảo luận rất kỹ, lược nêu như sau: “Trong công phu chứng Thiền, điều cần thiếtnuôi dưỡng một khát vọng mãnh liệt muốn hủy diệt cái tâm còn trong vòng sống chết. Khi khát vọng này được khơi dậy, hành giả nghe ra tuồng như mình đang bị một ngọn lửa hừng hực vây phủ. Y muốn trốn chạy nó nhưng không thể được, đứng im ra đấy không thể được, suy nghĩ vớ vẩn không thể được, mong chờ tha lực cũng không thể được. Để khỏi mất thì giờ, y phải vận hết sức bình sinh mà nhảy xổ ra, không e dè gì đến hậu quả.

Một khi khát vọng ấy được nuôi dưỡng, phải khơi dậy nghi tình và giữ vững nó trong lòng, cho đến phút chót khi đi tới một giải đáp. Mối nghi này nhắm từ chỗ “sinh từ đâu đến, chết đi về đâu” và luôn luôn được nuôi dương bởi khát vọng muốn vượt lên trên sống chết. Cái đó khó lắm, trừ phi nghi tình được thuần thục và tự bùng vỡ thành một trạng thái chứng ngộ.

Phương pháp làm thuần thục cốt ở chỗ :
1 Không bận lòng đến những pháp thế tục.
2. Không đắm mình trong trạng thái tịch mặc.
3. Không dao động bởi vạn vật.
4. Luôn luôn tự cảnh tỉnh, như mèo rình chuột.
5. Tập trung tâm lực vào công án.
6. Không cố gắng giải quyết công án bằng trí năng trong khi chẳng có trình tự luận lý nào trong đó.
7. Không có mổ xẻ nó.
8. Không coi nó là một trạng thái vô hành.
9. Không coi trạng thái sáng tỏ tạm thời là cứu cánh.
10. Không đọc công án y như tuồng niệm Phật hay tụng chú (dharani).

Khi những chỉ dẫn này được thi hành nghiêm chỉnh, hành giả chắc chắn đưa nghi tâm đến chỗ thuần thục. Nếu không, không những không khơi dậy nổi nghi tình, hành giả còn dấn bước vào những chốn lầm lạc và sẽ không bao giờ có thể vượt khỏi sự ràng buộc của sống chết, nghĩa là không chứng được đạo Thiền”…
(Trang 200, sđd)

Sau khi lược sơ 200 trang của chương “Tu Tập Công Án: Phương Tiện Chứng Ngộ”, qua những trích dẫn kể trên, có lẽ chúng ta đã thấy rõ rằng:

1 – Tác giả Suzuki chủ trương “không thể dùng tâm ‎ý‎ thức, suy tư tìm hiểu, kiến giải, để khán Công Án, Thọai Đầu”.

2 – Đề lên rất cao tầm quan trọng của “nghi tình” trong khán Công Án.

3 – Ông không dạy “giải công án”. Suốt 200 trang trình bày về “Tu Tập Công Án: Phương Tiện Chứng Ngộ”, tác giả Suzuki không hề chủ trương “giải công án”. Không những thế, ông còn chống lại sự giải thích công án qua những dòng như: “…kẻ thù tai hại nhất của kinh nghiệm Thiền là trí năng, và … giải thích của trí năng không có tác dụng gì hết trong công án…”…

Như thế, nếu có ai “cho là” một cách sai lầm rằng soạn giả Suzuki dạy “giải công án”, có lẽ là do người đó chưa hề “đọc” Thiền Luận của ông Suzuki, mà chỉ đoán mò rằng vì ông Suzuki là người Nhật, nên dạy “giải công án”!

Ở Nhật có trường thiền dạy giải công án, cho là giải được càng nhiều, càng tốt. Nhưng soạn giả Suzuki không hề “dạy” ai “giải công án” trong Thiền Luận, không những thế trong những dẫn chứng, chúng ta đã thấy tác giả bác bỏ việc giải công án một cách kịch liệt.

Tóm lại, có một số thiền sư dạy giải công án tại Nhật, nhưng không có nghĩa là tất cả các thiền sư Nhật đều dạy giải công án. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này tại tu viện Shasta, là một chi nhánh của Soto Zen bên Nhật. Thiền viện tọa lạc trên núi Shasta, tiểu bang California. Đạo hữu Danny Việt (có một số bài đăng trong Thư viện Hoa Sen) đã từng tới đó tu học, viết rằng “không hề có chuyện “giải công án”. Ở đó thiền sinh theo phương pháp của thiền sư Đạo Nguyên truyền lại là “Chỉ Quán Đả Tọa” (Shikantaza meditation). Phương pháp này không “khán” hoặc “giải công án” gì cả”.

Thành kiến cũng tức là biên kiến, là ác kiến, là tai họa trong tu thiền vì nó “chấp chặt” vào một quan điểm nào đó, không cần biết là đúng hay sai, -- trong khi tu Thiền thì lại chủ trương “phá chấp” triệt để. Thành kiến về một điều gì đó, không tự mình tìm hiểu đúng sai, tức là tự mình đã bịt mất một con mắt tìm chân lý, uổng phí lời đức Phật dạy trong bài kinh Kalama, không thấy được ánh sáng của Sự Thật.

Hà Minh Triết





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/11/2010(Xem: 75502)
25/11/2010(Xem: 88147)
30/10/2010(Xem: 24592)
08/10/2010(Xem: 28715)
04/08/2010(Xem: 71363)
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
Phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ đã đến thăm Orange County và tổ chức buổi cơm chay "Gây Quỹ Xây Dựng Học Viện Phật Giáo Viên Giác tại Đức Quốc" vào thứ bảy ngày 5/10/2024 tại trung tâm Sangha, 7641 Talbert Avenue, thành phố Huntington Beach....Kiều Mỹ Duyên có buổi phỏng vấn Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Thông Triết vào thứ hai ngày 7/10/2024 trên đài truyền hình VBS 57.6 cùng cô Thu Anh, chuyên viên địa ốc.
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.