Lời Dạy Cuối Cùng Của Dilgo Khyentse Rinpoche

04/05/20183:10 SA(Xem: 11166)
Lời Dạy Cuối Cùng Của Dilgo Khyentse Rinpoche

LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA DILGO KHYENTSE RINPOCHE
của Matthieu Ricard | Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

 

                                                                        

Dilgo Khyentse Rinpoche 1

Dilgo Khyentse Rinpoche. Hình của Matthieu Ricard. 

 

“Cho dù ngày hôm nay cái chết tấn công bạn như tia chớp, bạn phải sẵn sàng chết không chút buồn phiềnhối tiếc, chẳng có bất kỳ bám chấp nào về những gì được bỏ lại. Khi an trụ trong việc nhận ra quan điểm tuyệt đối, bạn nên từ bỏ cuộc đời này như một con chim đại bàng bay vút lên bầu trời xanh.”
—Dilgo Khyentse Rinpoche

Dilgo Khyentse Rinpoche sinh năm 1910 tại miền Đông Tây Tạng. Ngay khi là một cậu bé, Rinpoche đã hiển lộ một khát khao mãnh liệt là hoàn toàn dâng hiến bản thân cho cuộc đời tu tập. Trước khi vị Thầy chính của ngài thị tịch, Khyentse Rinpoche đã hứa với vị Thầy rằng ngài sẽ giảng dạy rộng rãi cho bất kỳ ai khẩn cầu ngài Giáo pháp.. Khi ấy ngài mười lăm tuổi và để tự chuẩn bị, hầu như ngài đã trải qua mười ba năm kế tiếp trong ẩn thất tĩnh lặng. Trong những ẩn thất hẻo lánh và hang động ở sâu trong vùng hoang vu của những đồi cây gần nơi sinh của ngài trong thung lũng Denkhok, ngài liên tục thiền định về lòng từ, bi, và ước muốn đưa tất cả chúng sinh tới sự giải thoátgiác ngộ. Các hành giả Phật giáo coi niệm tưởng về cái chết là sự khích lệ hữu hiệu nhất cho thực hành tâm linh. Trong khi ở trong ẩn thất, Khyentse Rinpoche viết:

Giữa những đám mây
của sự vô thườnghuyễn hóa
Cùng với tia chớp của cuộc đời đang nhảy múa:
Bạn có thể nói mình sẽ không chết vào ngày mai?
Hãy thực hành Giáo pháp.
Bây giờ là lúc để chinh phục
thành trì của Đại Lạc.

Có lần ngài đã nói: “Vào lúc đầu, bạn nên được dẫn dắt bởi nỗi sợ sinh tử như một con nai đực thoát khỏi cái bẫy. Vào lúc giữa, bạn nên chẳng có gì để hối tiếc cho dù bạn chết, như một chủ trại đã cẩn trọng canh tác những cánh đồng của mình. Vào lúc cuối, bạn nên cảm thấy được giải thoátsung sướng, như một người đã hoàn tất một công việc ghê gớm.” Sau mười ba năm đó, Khyentse Rinpoche nói với vị Thầy thứ hai của ngài rằng ngài ước muốn trải phần đời còn lại của mình trong ẩn thất thiền định cô tịch và nghiêm nhặt. Nhưng vị Thầy nói: “Đã đến lúc con giảng dạy và trao truyền cho người khác tất cả vô số những giáo lý quý báu mà con đã thọ nhận.” Người Tây Tạng cho rằng những Đạo sư như Khyentse Rinpoche đã thực sự siêu vượt những giới hạn của sinh và tử. Hành giả vĩ đại Milarepa đã viết:

Khi sợ hãi cái chết, ta đã đi tới những rặng núi,
Liên tục thiền định về cái chết xảy ra mà không thể đoán trước,
canh giữ pháo đài của bản tánh bất biến vô sanh
Giờ đây ta hoàn toàn siêu vượt mọi nỗi sợ về cái chết!

Dilgo Khyentse Rinpoche 2

Năm 80 tuổi, Dilgo Khyentse Rinpoche du hành tới tỉnh Kham, Tây Tạng,

nơi ngài đã sống trong thời niên thiếu.

 

Chính Khyentse Rinpoche đã nói: “Cuối cùng khi cái chết đến, bạn sẽ đón chào nó như một người bạn cũ, tỉnh giác về toàn bộ thế giới hiện tượng thì vô thường và giống như một giấc mộng biết bao.” Ngài đã luôn luôn tỉnh giác một cách sâu sắc về sự vô thường và cái chết, và mỗi khi có ai xin ngài đến thăm họ hay khẩn cầu ngài trở lại lần nữa, ngài nói: “Nếu còn sống, ta sẽ đến.” Thậm chí sau khi ngài đã qua tuổi tám mươi, dường như khả năng chịu đựng đặc trưng của Khyentse Rinpoche chỉ bị ảnh hưởng chút ít. Tuy nhiên, vào đầu năm 1991, ngài bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu sức khỏe sa sút. Ngài sụt ký và càng lúc càng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngài đã trải qua nhiều thời gian trong sự cầu nguyện im lặngthiền định, chỉ dành một ít giờ trong ngày để gặp gỡ những người cần gặp ngài nhất. Khi ngài rời Nepal đi Bhutan, nhiều đệ tử thân cận của ngài đã cảm thấy là có thể họ sẽ không gặp ngài lần nữa. Ngài trải qua ba tháng rưỡi trong ẩn thất trước mặt Hang Cọp, Paro Taktsang, ở Bhutan, một trong những thánh địa linh thiêng nhất được gia hộ bởi Đức Liên Hoa Sanh, vị Đạo sư mang Phật giáo sang Tây Tạng. Trong năm đó, ngài đã nói nhiều lần rằng chẳng bao lâu nữa ngài sẽ rời bỏ thế giới này. Đôi khi ngài đùa bỡn về điều đó, nói những điều như: “Ta có nên chết bây giờ không?”

Sau đó một vị Lạt ma thật già tiên đoán rằng Khyentse Rinpoche có nguy cơ thị tịch. Thật không may là điều này đã thực sự xảy ra. Khyentse Rinpoche bị đau chân và phải trải qua một cuộc giải phẫu nhẹ. Sau đó, ngài trở nên yếu và gầy hơn. Nhiều buổi lễ đã được cúng dường cho sự trường thọ của ngài. Một hôm, một cầu vồng sáng chói xuất hiện bên trên chiếc lều mà Khyentse Rinpoche thường dùng vào ban ngày. Những Lạt ma khác đã giải thích đây là thời điểm các dakini đến thỉnh mời Khyentse Rinpoche tới những cõi Phật khác. Một lần vào ban đêm, người ta nghe tiếng một phụ nữ kêu khóc lớn tiếng quanh ẩn thất của Khyentse Rinpoche, nhưng dường như không có ai ở đó. Tương tự như vậy, một cầu vồng chiếu sáng trong một lối đi dưới điện thờ của Guru Rinpoche trong tu viện của Khyentse Rinpoche ở Nepal, theo một phương cách không thể giải thích được. Tuy nhiên, sau kỳ nhập thất, sức khỏe của Rinpoche dường tốt hơn trước. Nhưng chẳng mấy chốc ngài lại cho thấy các dấu hiệu bệnh tật, và trong mười hai ngày, hầu như ngài hoàn toàn không thể ăn hay uống. Đã ba lần ngài cho biết là mình sẽ không sống lâu. Khi Rabjam Rinpoche, là cháu trai và vị kế thừa tâm linh của ngài, và Dzongsar Khyentse Rinpoche, hóa thân của một trong những vị Thầy chính yếu của ngài, khẩn cầu ngài sống trường thọcúng dường ngài một pho tượng, một quyển sách, và một bảo tháp như những biểu tượng của thân, ngữ, và tâm giác ngộ, Khyentse Rinpoche nhận chúng và cúng dường lại cho hai Lạt ma hóa thân. Trước khi thị tịch ba ngày, ngài viết trên một mảnh giấy: “Ta sẽ đi vào ngày mười chín.” Đệ tử thân cận nhất và bằng hữu tâm linh của ngài là Trulshik Rinpoche đã đến từ Nepal vào ngày 26 tháng Chín, 1991 và các ngài đã có một cuộc gặp gỡ vui vẻ. Ngày hôm sau, 27 tháng Chín—ngày mười chín theo tháng Tây Tạng—vào lúc sẩm tối, ngài yêu cầu các thị giả giúp ngài ngồi trong tư thế thẳng lưng và đi vào một giấc ngủ an bình.

Lúc tảng sáng, hơi thở của ngài dừng lại và tâm ngài tan hòa trong phạm vi tuyệt đối. Ngay sau khi một vị Thầy lớn thị tịch, thực hành chính yếu được thực hiện là “hợp nhất tâm ta với tâm của guru,” cũng được gọi là Guru Yoga. Thực hành này đặc biệt quan trọng và mạnh mẽ khi một vị Thầy vĩ đại thị tịchtự tâm ngài hợp nhất với phạm vi tuyệt đối, Pháp giới (dharmadhatu). Vào lúc này, phương diện tuyệt đối của tâm ngài, mà người ta gọi là Pháp thân (dharmakaya), trở nên rộng khắp và hợp nhất với tâm trí tuệ của tất cả chư Phật, như nước hòa hợp với nước. Hợp nhất tâm ta với tâm của vị Thầy là chứng ngộ bản tánh tuyệt đối của tâm vị Thầy, bản tánh đó giống như bản tánh chân thật của tâm của riêng ta. Như Lạt ma Shabkar đã nói:

Vào lúc đầu tôi coi vị Thầy như vị Thầy.
Vào lúc giữa tôi coi Kinh điển như vị Thầy.
Cuối cùng tôi coi tự tâm mình là vị Thầy.

Dilgo Khyentse Rinpoche 3

Shechen Rabjam Rinpoche, cháu nội của Khyentse Rinpoche, và những Lạt ma khác đứng trong tang lễ của Khyentse Rinpoche được tổ chức tại Tu viện Shechen.

 

Ba mươi sáu giờ sau khi vị Thầy trút hơi thở cuối cùng, Trulshik Rinpoche quyết định rằng thiền định cuối cùng của Khyentse Rinpoche đã hoàn tất, và xác thân ngài, hay kudung, được trân trọng cất giữ và được các tulku đưa tới điện thờ chính của Thimphu Dzong, nơi mọi người, từ nhà vua và hoàng gia cho đến những con người tầm thường nhất, đã đi tới và kính lễ. Trong nhiều giờ và ngày này qua ngày khác, nhiều Đạo sư từ mọi trường phái ở Bhutan cùng đổ về để tỏ lòng tôn kính. Thể theo khẩn cầu, để các đệ tửTây Tạng và khắp nơi trên thế giới có thể đến và kính lễ lần cuối cùng với vị Thầy của mình, di hài của Khyentse Rinpoche đã được bảo quản trong một năm bằng cách sử dụng những phương pháp tẩm ướp truyền thống. Mỗi ngày thứ Sáu (ngày ngài thị tịch) trong bảy tuần lễ đầu tiên, một trăm ngàn đèn bơ đã được cúng dường tại bảo tháp Bodhnath gần Tu viện Shechen ở Nepal. Cuối cùng, di hài của ngài đã được hỏa thiêu gần Paro ở Bhutan, vào tháng Mười một năm 1992, trong buổi lễ kéo dài ba ngày được tham dự bởi trên một trăm Lạt ma quan trọng, hoàng gia và các Bộ trưởng của Bhutan, năm trăm đệ tử Tây phương và một đám đông khổng lồ khoảng sáu mươi ngàn người sùng mộ, một cuộc tụ hội chưa từng xảy ra trong lịch sử xứ Bhutan.

Giàn thiêu được quán tưởng như một mạn đà ladi hài của Đạo sư là Bổn Tôn chính yếu của mạn đà la. Vào lúc hỏa thiêu, bốn lễ “cúng dường lửa” trọng yếu, được hướng dẫn bởi các Lạt ma của bốn dòng truyền thừa chính yếu của Phật giáo Tây Tạng, được tiến hành đồng thời ở bốn hướng chính. Kinh điển Phật giáo nói rằng những lễ cúng dường được thực hiện trong tang lễ vị Thầy tâm linh của ta có những lợi lạc bao la: chúng thực hiện một sự đối trị những che chướng và nhanh chóng hoàn tất các công đức của ta; chúng tẩy sạch mọi khiếm khuyết được tạo nên qua việc bất kính với vị Thầy; bảo đảm rằng ta sẽ gặp Đạo sư tâm linh trong đời sau và nhanh chóng đạt được sự giải thoát khỏi sinh tử. Ta nên thực hiện những cúng dường này với tâm thức tràn đầy ước muốn đưa tất cả các sinh loài đến hạnh phúc tức thờiđạt được hỉ lạc tối hậu của Phật quả, và với thị kiến thanh tịnh có thể nhìn toàn thể thế giới hiện tượng như một cõi Phật thuần tịnh.

Xá lợi được thu thập sau khi hoàn tất tang lễ. Các hành giả Phật giáo Tây Tạng cho rằng xá lợi-thân guru của họ như những viên ngọc như ý, có thể đáp ứng những ước nguyện của chúng sinh. Những gì được nối kết với xá lợi-thân (chẳng hạn như xương, vải được dùng đắp lên thi hài, muối được dùng để bảo quản nó, tro từ lễ hỏa táng v.v..) được cho là có một năng lực gia hộ to lớn. Nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng tâm của vị Thầy còn quẩn quanh gần xá lợi vật lý của ngài. Tâm ngài không bị vướng kẹt trong không gian giới hạn của thân thể như thể một toàn thể riêng lẻ; tâm trí tuệ của ngài thì rộng khắp, siêu vượt ý niệm “một” và “nhiều,” “đây” và “đó.”

Cũng có nói rằng vào lúc từ bỏ xác thân và tan hòa tâm thức trong Pháp Thân, bản tánh tuyệt đối, một vị Thầy chứng ngộ cao cấp có thể giải thoát vô số chúng sinh, đưa họ đến một cõi Phật hay dẫn dắt họ tới một tái sinh đầy ý nghĩa, trong đó họ có thể tiếp tục phát triển hướng đến sự giác ngộ. Nhân dịp này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Tất cả chúng ta, các đệ tử của ngài, nên đền đáp thiện tâm của ngài bằng sự thực hành, khiến chúng ta trở thành những đệ tử tốt lành của một Đạo sư tuyệt diệu.” Giống như những Đạo sư khác, cái chết của Dilgo Khyentse Rinpoche là giáo lý cuối cùng của ngài, giáo lý về lẽ vô thường. Khi ngài mất, về phần tôi, tôi cảm thấy như thể mặt trời đã biến mất khỏi thế giới này. Đồng thời, tôi biết rằng cái chết này là bản tánh của các sự việc, đó là lời dạy cuối cùng của ngài về sự vô thường, và trong phần còn lại của cuộc đời tôi, sự hiện diện của ngài sẽ chẳng bao giờ lìa bỏ trái tim tôi trong chốc lát. Mặc dù giờ đây, chẳng thể tìm thấy ngài ở nơi đâu trong thế giới này, ngài ở khắp nơi, trong mọi sự việc, trong tư tưởng của mỗi người chúng ta.

Dilgo Khyentse Rinpoche 4

Những chuẩn bị cho tang lễ của Khyentse Rinpoche tại Bhutan, 1992

Như thế chúng ta có thể tiếp tục được lợi lạc từ gia hộ của ngài để tiến triển trên con đường tâm linh của ta. Quả thực, tôi cảm thấy buồn cho những người không bao giờ gặp bậc vĩ đại này và trong thực tế sẽ chẳng bao giờ gặp ngài. Về phần tôi, sau khi trải qua mười hai năm cả ngày lẫn đêm gần gũi vị Thầy của mình cùng các bằng hữu tâm linh, tôi đã nhận từ ngài nhiều giáo lý hơn bản thân mình từng ao ước. Vì thế giờ đây, việc nỗ lực thực hành những lời dạy này trong cuộc đời và hợp nhất chúng trong con người mình thì hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người. Như ngài đã nói: “Đừng bao giờ quên là cuộc đời này trôi qua nhanh chóng biết bao, như một ánh chớp mùa hè hay một cái vẫy tay. Giờ đây bạn có cơ hội để thực hành Pháp, đừng lãng phí một chốc lát duy nhất về bất kỳ điều gì khác.”

Nguyên tác: “Dilgo Khyentse Rinpoche’s Last Teaching”

by Matthieu Ricard

https://tricycle.org/magazine/dilgo-khyentse-rinpoches-last-teaching/

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.