Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng tại Lerab Ling ngày 21/7/2015
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Một giờ sau “lời động viên” hằng ngày như thường lệ của Ngài trong Pháp hội Đại Thành Tựu (Drubchen) Chime Phakme Nyingtik, [Orgyen Tobgyal] Rinpoche[1] nắm bắt cơ hội để chỉ ra cho mọi hành giả đã vân tập trong ngôi chùa trang nghiêm của Lerab Ling – Palri Pema Osel Dargye Ling – tầm quan trọng của việc kết thủ ấn đi kèm với Lời Sám Hối Rốt Ráo Không Thể Diễn Tả (Yeshe Kuchok) với các hành giả Kim Cương thừa.
Có điều gì đó khác mà tôi cần nói với các bạn, những người phương Tây: Các bạn đã dành quá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Từ khi còn rất nhỏ cho đến khá lớn tuổi trong đời, mọi điều các bạn làm là nghiên cứu và chẳng có gì nhiều khác nữa. Vì thế, nếu không được đặc biệt dạy cho cách làm gì đó, các bạn không thể nắm bắt được nhờ nhìn và nghe: Các bạn không thể học hỏi bằng cách đơn giản xem điều mà người khác làm. Nhưng có lẽ trong văn hóa của các bạn, chỉ nắm bắt mọi thứ từ người khác không hiệu quả bởi bạn cuối cùng sẽ bị kiện vì vi phạm bản quyền.
Bởi nhiều người các bạn khốn khổ vì trở ngại học hỏi này, cũng chẳng lạ gì khi mặc dù tất cả chư Tăng đều tiến hành thủ ấn sám hối và viên thành trong lúc chúng ta tụng Lời Sám Hối Rốt Ráo Không Thể Diễn Tả (Yeshe Kuchok), không một người phương Tây nào thậm chí thử làm! (Thủ ấn để sám hối và viên thành là khi bạn chạm đầu các ngón giữa, áp út và út và gập hai ngón trỏ phía trước chúng.)
Các thực hành mà chúng ta đang tiến hành – những thực hành Kim Cương thừa – liên quan đến vị Tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định và điều đấy nghĩa là chúng ta phải tiến hành nhiều thủ ấn. Khi chúng ta bắt ấn, tay phải của chúng ta đại diện cho khía cạnh phương tiện thiện xảo và chư Phật của năm gia đình còn tay trái của chúng ta đại diện cho khía cạnh trí tuệ và chư Phật mẫu của năm gia đình. Đầu của các ngón trên tay phải được đánh dấu bằng những chủng tự gốc của chư Phật phụ (OM HUNG TRAM HRIH AH) và đầu của các ngón tay trái được đánh dấu bằng MUM LAM PAM MAM TAM, những chủng tự gốc của chư Phật mẫu. Mật điển Tinh Túy Bí Mật[2] giải thích rằng, ví dụ, chủng tự OM phải gặp chủng tự HUM trong một ấn và rằng MUM và TAM phải gặp nhau trong [ấn] khác. Mật điển này cũng giải thích cách tạo thành các ấn bằng cách nhấc một ngón và để các ngón khác gập lại, hay bằng cách nhấc hai ngón và gập các ngón khác và v.v. tùy thuộc vào ấn.
Thủ ấn đặc biệt này – để sám hối và viên thành – được cử hành như một cách để thừa nhận những lỗi lầm, giới nguyện và lời hứa bị phá vỡ của chúng ta, điều mà chúng ta phải tịnh hóa nhờ thực hành sám hối[3]. Chúng ta bắt ấn này để chỉ ra rằng chúng ta đã phá vỡ các lời hứa và giới luật và rằng chúng ta biết rằng chúng ta mắc lỗi.
Như tôi đã nói, tất cả chư Tăng đều bắt ấn này, nhưng không người nào trong số các bạn, những người phương Tây theo dõi điều mà họ đang làm hay cố gắng bắt chước. Đấy là lý do tôi bắt đầu bằng cách nói rằng, nếu không được dạy điều gì một cách trực tiếp, các bạn không thể học hỏi. Và đấy là lý do bây giờ tôi đang bảo các bạn cách tiến hành thực hành này. Nếu một ly nước được đặt trước một người phương Tây, bạn sẽ không uống cho đến khi bạn trước tiên xin phép, “Tôi có được uống nước không?”. Nếu không có ai để hỏi, các bạn sẽ không uống. Với tôi, cuộc đời của bạn cứ như thể là các bạn không bao giờ được phép nhìn ai khác và sao chép điều họ làm; đấy là nguyên nhân các bạn không bắt các ấn.
Nền tảng của mọi thủ ấn là chắp hai tay lại để đầu các ngón tay chạm vào nhau và tất cả chư Tôn nam và nữ hợp nhất. Đây là nền tảng mà từ đó, một hàng ngũ chẳng thể nghĩ bàn của các thủ ấn khác mở ra.
Tương tự, nền tảng hay căn cứ của mọi vị Tôn là Phổ Hiền. Phổ Hiền là nền tảng mà từ đó, vô số hóa hiện Phật hiện ra, chẳng hạn chư Phật của năm gia đình. Chủng tự A là nền tảng mà từ đó, tất cả các âm thanh và Chân ngôn khác hiển bày – mọi nguyên âm, phụ âm và sự diễn tả đều khởi lên từ A. Các định [samadhi] bắt đầu bằng định của chân như, thứ là cội nguồn mà từ đó, vô số phương pháp để hướng sự hành trì hóa hiện. Và mỗi phương pháp được tiến hành vào một điểm riêng biệt và thích hợp trong thực hành.
Hôm nay, tôi phải nói với các bạn rằng các bạn cần tiến hành thủ ấn này khi tụng Lời Sám Hối Rốt Ráo Không Thể Diễn Tả. Chúng tôi đã đến Lerab Ling này bao nhiêu năm rồi? Các bạn đã thấy chư Tăng tiến hành thủ ấn này trong lúc thực hành bao nhiêu lần? Thế nhưng, không một ai trong các bạn nhìn điều mà họ đang làm và tự làm theo.
Thủ ấn này không phải dành riêng cho Lời Sám Hối Rốt Ráo Không Thể Diễn Tả; nó là thủ ấn chung để dùng trong lúc sám hối và tịnh hóa. Chúng ta bắt ấn này bởi chúng ta chắc chắc phạm lỗi trong thực hành – bao gồm cả trong các thủ ấn mà chúng ta tiến hành – và vì thế, cần phải tịnh hóa những sai sót này trong thực hành sám hối. Bởi các bạn không thể dùng mắt để quan sát điều đang xảy ra xung quanh, tôi cảm thấy tôi phải nói thẳng rằng các bạn cần bắt ấn này để tịnh hóa những sai sót khi bạn tiến hành các thủ ấn.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Janine Schultz hiệu đính.
Nguồn Anh ngữ: http://all-otr.org/vajrayana/43-the-mudra-of-confession.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Orgyen Tobgyal Rinpoche, tham khảo phần Phụ lục trong bài Hoạt Động Kính Ái (https://thuvienhoasen.org/a34386/hoat-dong-kinh-ai).
[2] Theo Rigpawiki, Mật điển Guhyagarbha (Tạng: Gyu Sangwe Nyingpo) – Tinh Túy Bí Mật là Mật điển chính yếu của Mahayoga. Nó bao gồm hai mươi hai chương.
[3] Tulku Thondup giải thích rằng, “mặc dù được sử dụng rộng rãi, ‘sám hối’ có lẽ không phải là tên gọi thích hợp nhất cho thực hành này. Trong quá khứ, tôi đã dịch từ Shakpa trong Tạng ngữ thành sám hối nhưng thực sự, ý nghĩa của sám hối là thừa nhận hành vi sai lầm, theo sau bởi sự hối hận về những lỗi lầm đã phạm phải và chỉ là một trong bốn sức mạnh cần thiết cho thực hành này. Bốn sức mạnh là sức mạnh của sự hỗ trợ, sức mạnh của sự hối hận, sức mạnh của sự quyết tâm hay lời thề và sức mạnh của hành động – sự đối trị (thiền định thực sự về sự tịnh hóa). Sức mạnh thứ hai, sức mạnh của sự hối hận, tôi nghĩ, là sám hối. Vì thế, ‘tịnh hóa’ có lẽ [là tên gọi] tốt hơn cho thực hành Shakpa này, bởi cả tịnh hóa và Shakpa đều bao trùm cả bốn sức mạnh, điều bao gồm sự tịnh hóa mọi bất tịnh nhờ dòng cam lồ trong thực hành Kim Cương Tát Đỏa. Theo nghĩa phổ thông, nằm ngoài ngôn ngữ Giáo Pháp, Shakpa có thể nghĩa là tẩy sạch chất bẩn hay quét sạch bụi”.