Khenchen Munsel sinh ở vùng Golok nằm về phía Bắc của miền Đông Tây Tạng giữa những điềm diệu kỳ. Ngài được dạy ở nhà, tại Wangchen To, đọc, viết và tụng những lời cầu nguyện. Khi trưởng thành, Ngài đến [Tu viện] Kathok Dorjeden và gia nhập Phật học viện [Shedra]. Ngày nọ, Ngài Munsel gia nhập nhiều tu sĩ hộ tống Đức Gyurme Tenpa Namgyal (vị tái sinh thứ ba của Tổ Getse Mahapandita) từ Tromkhok trở về Tu viện của Ngài. Tại một điểm nhất định, đạo sư hỏi đoàn người, “Này các tu sĩ, quý vị vẫn ổn chứ?”. Chỉ nghe thấy giọng nói của vị này, mọi ý nghĩ khuấy động trong tâm Ngài Munsel tan biến như những đám mây phai mờ và Ngài nghỉ ngơi một lúc trong sự an trú không tạo tác. Kinh nghiệm này khiến Ngài tin chắc rằng Đức Gyurme Tenpa Namgyal là đạo sư của Ngài từ các đời quá khứ.
Ngài nhận được vô vàn giáo lý sâu xa từ nhiều đạo sư và Tulku của Tu viện Kathok, bao gồm vị Drime Zhingkhyong Gonpo thứ tư[2], Kathok Situ Chokyi Gyatso, Ontrul Pema Gyaltsen và Khenpo Kunpal. Đặc biệt, Ngài thân cận Khenchen Ngawang Palzang, Tôn giả Vô Cấu Hữu trong thân người – đạo sư phi phàm, bên trong của gia đình Phật của Ngài. Sau khi gia nhập Mật viện vĩ đại của Kathok, Ngài Munsel hoàn thành nghiên cứu và quán chiếu về các Kinh điển, Mật điển và những lĩnh vực kiến thức khác, bao gồm Trung Đạo, Bát Nhã, Luật, Luận, nhận thức xác thực và Mật điển Tinh Túy Bí Mật. Ngài trở nên nổi tiếng là một học giả và được biết đến là Khenchen Munsel.
Sau đấy, Ngài cảm thấy rằng mọi sự nghiên cứu của Ngài đều giống như vỏ bên ngoài. Ngài tự nhủ, “Đã gặp được một đạo sư như vị Khenpo vĩ đại này – đích thực Kim Cương Trì – tôi cần thỉnh cầu vài lời khuyên phi phàm, thứ cho phép tôi chứng ngộ Phật quả trong đời này. Sẽ thật đáng tiếc nếu tôi bị xao lãng bởi thứ chỉ dường như lợi lạc với chúng sinh khác mà không thực sự như vậy khi đã có được tự do và cơ hội và gặp được một đạo sư là Phật”. Với những suy nghĩ như vậy, Ngài Munsel cầu nguyện đến đạo sư của mình, Đức Khenchen. Đáp lại, Khenchen Ngawang Palzang ban cho Ngài các giáo lý về cuốn giáo khoa Dzogchen Giác Tính Bất Tận Là Nguyên Tắc Dẫn Dắt [Yeshe Lama], truyền thừa khẩu truyền vĩ đại của các chỉ dẫn cốt tủy mà Khenchen đã thọ nhận từ Tổ Lungtok Tenpai Nyima, Bốn Phần Tâm Yếu và tất cả chỉ dẫn tâm linh được tìm thấy trong các pho trước và sau của giáo lý Nyingtik bí mật.
Với bình cao quý của tâm chứa đầy châu báu – các chỉ dẫn của Tam Tạng – Khenchen Munsel trở về quê hương, nơi Ngài theo đuổi sự hành trì tâm linh ở những nơi mà con người không lui tới, theo lối của Đức Milarepa. Ngài đã thực hành du già bốn linh kiến của tự nhiên hiện hữu và chúng đã khai mở với Ngài. Ngài sống đúng như lời tán thán của Chaktsa Rinpoche từ Tu viện Kathok, vị nói rằng, “Ngày nay, ý nghĩa của các Mật điển Dzogchen khi nói rằng, ‘sự hợp nhất của hư không căn bản và giác tính khởi lên từ giữa lông mày’[3] được tìm thấy trong ai đó giống như Khenpo Munsel”.
Vào một thời điểm nhất định, nghiệp ghê gớm của dân chúng Tây Tạng nói chung dẫn đến việc Khenpo Munsel bị những kẻ man rợ bỏ tù. Khi thụ án này, Ngài bí mật và từ trí nhớ, giảng dạy cho hàng nghìn bạn tù các bản văn như Giác Tính Bất Tận Như Là Nguyên Tắc Dẫn Dắt và luận giải Dzogchen Kho Tàng Pháp Giới. Nhiều vị đã bước vào con đường tâm linh trước khi chết và hiển bày các dấu hiệu của việc chết với sự kiểm soát thực sự, chẳng hạn duy trì trong tư thế thiền định trước khi qua đời. Đặc biệt, Khenpo Munsel rèn luyện nhiều hành giả tâm linh, những vị có khả năng giữ gìn truyền thừa Tâm Yếu, trong số đó có Gongyal Tulku, Nangchen Adeu Tulku[4] và Gyalpo.
Gần đây hơn, khi mặt trời Giáo Pháp bắt đầu lại mọc lên với người Tây Tạng, Khenpo Munsel thiết lập một khu trại vĩ đại ở Wangchen To, Golok, điều đóng vai trò như là trụ xứ của Ngài khi Ngài giảng dạy khắp các vùng thượng và hạ của Dza, Amdo, Golok Akyong, Washul Serta, Tromkhok, Nyarong và những nơi khác. Ngài rèn luyện nhiều hành giả tâm linh, những vị có khả năng trì giữ truyền thừa Tâm Yếu và vô số học trò của Ngài đã hoằng dương giáo lý ở Ấn Độ và Trung Hoa và trên khắp thế giới. Chuyển bánh xe của Giáo Pháp vô song, bí mật trong khi an tọa trên kim cương tòa, Khenpo Munsel là rường cột của giáo lý Dzogchen tịnh quang.
Nguồn Anh ngữ: Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje, A Marvelous Garland of Rare Gems – Biographies of Masters of Awareness in the Dzogchen Lineagef [tạm dịch: Tràng Ngọc Báu Hiếm Có Tuyệt Diệu – Tiểu Sử Chư Đạo Sư Giác Tính Trong Truyền Thừa Dzogchen], Padma Publishing.
Richard Barron (Lama Chokyi Nyima) chuyển dịch Tạng-Anh.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.
[2] Jigme Dechen Dorje (1899-1939?).
[3] Một ám chỉ đến sự phát triển bốn linh kiến của Togal.
[4] Tức Trulshik Adeu Rinpoche của truyền thừa Drukpa Kagyu.