Ngài Rigdzin Chenpo Trinle Lhundrup đã trao truyền cho Terchen Gyurme Dorje toàn bộ các Mật điển, luận giải giải thích và chỉ dẫn cốt tủy của bí mật thù thắng. Thực sự, cha của Ngài Gyurme Dorje chính là Đức Sangdak Trinle Lhundrup và mẹ của Ngài là Bà Lhadzin Yangchen Drolma. Ngài sinh ra vào ngày Mười tháng Hai năm Hỏa Tuất[2]. Sự chào đời của Ngài được đánh dấu bằng những điềm tuyệt vời chẳng thể nghĩ bàn. Trong phần sau của cuộc đời, Ngài có thể nhớ lại rõ ràng rằng, cho đến năm ba tuổi, Ngài liên tục được chăm sóc bởi hai vị: một Yogin da đen với búi tóc và một phụ nữ xinh đẹp. Thậm chí lúc ở trong lòng mẹ hay đang chơi đùa, bởi đặc quyền linh thiêng đã thức tỉnh trong Ngài, bản tính thiện lành của Ngài khiến những kẻ thông tuệ phát khởi tín tâm.
Lên bốn tuổi, Ngài thọ nhận từ cha tôn quý quán đỉnh Bí Mật Viên Mãn (Kagye Sangwa Yongdzok, một pho giáo lý tập trung vào Tám Mệnh Lệnh). Trong mọi nhận thức và hành vi, Ngài áp dụng các nguyên tắc của đàn tràng, thấy vị Tôn trung tâm là bất khả phân với đạo sư và gieo trồng hạt giống của bốn quán đỉnh trong tâm. Lên mười, khi đang thọ nhận quán đỉnh Tập Hội Chư Thiện Thệ, Ngài có kinh nghiệm về tịnh quang. Trong [kinh nghiệm] này, Đức Orgyen vĩ đại ban quán đỉnh và gia trì cho Ngài; nhờ đó, năng lượng tâm linh của Ngài đã tăng trưởng. Trong quán đỉnh bình, Ngài đạt đến sự hiểu dứt khoát về bản tính hư huyễn của các hình tướng giác quan. Từ thời điểm ấy trở đi, Ngài hành xử như là vị nhiếp chính của cha tôn quý và tiến hành các hoạt động của cha.
Khi vừa bước sang tuổi mười một, Ngài thọ giới tu sĩ sơ khởi từ Đức Dalai Lama thứ năm[3], vị cắt tóc và trao cho Ngài danh hiệu Ngawang Pema Tenzin. Lễ thế phát trùng với dịp tôn tượng Kyirong Rangjung Pakpa[4] đến nơi, điều khiến Đức Dalai Lama hài lòng. Đức Dalai Lama trao cho Ngài Gyurme Dorje nhiều sự khích lệ, thấy rằng các hoàn cảnh thật cát tường. Vào dịp ấy, bức tượng thật hiền hòa và đã mỉm cười, với vẻ quyến rũ và Ngài Gyurme Dorje thấy những tia sáng phóng ra từ tim của bức tượng rồi tan hòa vào thân Ngài. Mười bảy tuổi, khi diện kiến chúa tể của những Đấng Chiến Thắng[5] tại Samye, Ngài thấy vị này trong hình tướng của Quán Thế Âm. Ngài Gyurme Dorje không chỉ được đối xử với lòng từ ái lớn lao nhất bởi Đức Dalai Lama thứ năm, chúa tể thù thắng của tất cả gia đình Phật, và bởi cha tôn quý của chính Ngài trong các đời, mà trong những năm sau đó, cũng được gia trì bởi hiện thân giác tính bất tận của chư vị. Ngài xem hai vị là hai đạo sư mà lòng từ dành cho Ngài thực sự chẳng gì sánh bằng.
Ngài còn nương tựa mười sáu vị đạo sư khác, những vị ban tặng các quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát sâu xa và ba mươi lăm vị giáo thọ mà với chư vị, Ngài nghiên cứu vô vàn giáo lý sâu xa, bao gồm Tam Tạng, bốn bộ Mật điển và các lĩnh vực kiến thức thế tục. Bên cạnh những chủ đề chung này, Ngài còn nghiên cứu tất cả các trao truyền Kama của trường phái Cựu Dịch còn tồn tại khi ấy, xuất sắc nhất trong đó là Hợp Nhất Ý Định Kinh, Diệu Huyễn Võng và những giáo lý tâm. Ngài cũng nghiên cứu tất cả các pho Terma nổi tiếng nhất về ba phần – Đạo Sư Du Già, Đại Viên Mãn Dzogchen và Đấng Đại Bi Quan Âm, cũng như các bộ chung và riêng của những thực hành nghi quỹ. Hơn thế nữa, Ngài đã thọ nhận hầu hết các truyền thừa hiện có về những quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát của trường phái Nyingma và Sarma thuộc Phật giáo Kim Cương thừa, cũng như các khẩu truyền cho Kangyur và những cội nguồn của các giáo lý này.
Bắt đầu từ khoảng năm mười ba tuổi, Ngài học thuộc lòng Mật điển căn bản Tinh Túy Bí Mật [Guhyagarbha], Vô Thượng Tục Luận, pho An Trú Trong Bản Tính Tâm và bản văn gốc cùng luận giải về Kho Tàng Như Ý. Ngài sau đó nghiên cứu các giải thích về chúng cùng với cha tôn quý, tuyệt vời của Ngài. Đặc biệt, Ngài đã làm chủ những tác phẩm của Đấng Toàn Tri Longchenpa vĩ đại đến mức mà độ thông tuệ của Ngài chẳng có cản trở nào. Do đó, Ngài dừng lại tất cả các nghiên cứu về toàn bộ Giáo Pháp. Cực kỳ hài lòng, cha tôn quý giao phó cho Ngài toàn bộ các tuyển tập Mật điển và chỉ dẫn, giống như bình này đổ đầy bình khác, cho phép Ngài là vị nhiếp chính về tam mật và trao quyền cho Ngài là một đạo sư của truyền thừa rốt ráo của sự chứng ngộ.
Nhờ thiền định, Ngài Gyurme Dorje đạt được kinh nghiệm trực tiếp về du già bốn linh kiến của tự nhiên hiện diện. Ngài cầu khẩn Pháp Vương Toàn Tri Longchenpa, nhờ đó, đấng vĩ đại này đã hiển bày trong hình tướng một tu sĩ đắp y học giả. Lúc ấy, ý định giác ngộ của Đại Viên Mãn – nhận thức về các hình tướng tự nhiên hiển bày của giác tính không chút thành kiến – trở nên rành rành với Ngài Gyurme Dorje và sự chứng ngộ của truyền thừa rốt ráo được truyền vào tâm Ngài. Một bức tranh tường tại hội trường của Tu viện Mindrolling miêu tả điều này: Ngài Gyurme Dorje, với cái nhìn chằm chằm của Pháp thân và trong y tu sĩ-học giả, mỉm cười và cầm viên pha lê trong tay. Vào dịp ấy, Ngài biên soạn Những Cơn Sóng Trên Đại Dương Phẩm Tính Giác Ngộ, một lời tán thán Đấng Toàn Tri Ngagi Wangpo – Longchenpa:
“Trong cõi giới (Long) của thân đồng tử bảo bình, giác tính bất tận trùm khắp,
Ngài đạt giác ngộ trong cõi căn bản mở rộng và thù thắng (Chen) của các hiện tượng,
Bởi Ngài là vị hiển bày diệu kỳ toàn bộ hàng ngũ (Rabjam) của tất thảy các hiện tượng.
Con cầu khẩn Ngài, chúa tể thù thắng và oai hùng của bốn thân.
Bởi Ngài đã làm chủ cõi toàn tri, kiến thức về mọi hiện tượng,
Về bản chất, khẩu của Ngài (Ngagi), khẩu giác ngộ của Đấng Chiến Thắng, là vô hạn.
Hỡi trang sức của cõi người, chúa tể oai hùng (Wangpo), vị tuyên thuyết theo vô số cách,
Con cầu khẩn Ngài, vị thấy được mọi hiện tượng có thể biết.
Từ lâu đài nguy nga mà trong đó, cỗ xe mặt trời của năm ngành kiến thức tự hiển bày,
Giác tính vô cấu nhiễm (Drime) chiếu tỏa nghìn tia sáng (Ozer),
Kho tàng soi sáng, xua tan bóng tối của các quan điểm đối địch.
Con cầu khẩn Ngài, mặt trời, người bạn của bông sen giáo lý của Thánh giả.
Trong dòng nước Sông Hằng, tuôn chảy từ chân của Vishnu và tịnh hóa ác hạnh,
Chảy ra dòng nước trì giới (Tsultrim) được phú bẩm tám phẩm tính[6],
Lăn tăn triệu cơn sóng của sự thông tuệ (Lodro) đáng kinh ngạc.
Con cầu khẩn Ngài, vị hiện thân cho dòng chảy liên tục này của hoạt động giác ngộ.
Kho chứa ngọc báu của sự thông tuệ (Lodro) vô cấu nhiễm,
Cánh cửa đến tự do, của cải của cách tiếp cận tâm linh thù thắng (Chok), được phú bẩm (Den) sự giàu có của thời Hoàng Kim,
Vị vô cùng hào phóng ban tặng những giáo lý giải thích xuất sắc một cách rộng rãi –
Con cầu khẩn Ngài, kho chứa sự thông tuệ sáng tỏ hoàn mãn mọi mong ước.
Từ hư không căn bản của thanh tịnh nguyên sơ, năng lượng mãnh liệt của giác tính tự nhiên hiện diện
Khởi lên như những đám mây của luân-Niết – sự hiển bày không ngừng nghỉ theo đủ mọi kiểu –
Tự nhiên giải thoát trong hư không căn bản của bầu trời giác tính tự thấu biết.
Con cầu khẩn Ngài, vị đã khám phá ý định giác ngộ hoàn toàn tích cực.
Từ đỉnh kim cương của trăm mặt trời kết hợp xuất hiện
Vẻ huy hoàng của sự chói ngời chất đống, không giới hạn,
Dẫn chúng con đến bầu trời giáo lý của Thánh giả nhờ sức mạnh phân tích phân biệt.
Con cầu khẩn Ngài, vị dẫn dắt chúng con đến tâm yếu tịnh quang.
Trên gương hư không căn bản – các bộ Mật điển của Phần Tâm, Hư Không, Trao Truyền Trực Tiếp –
Phản chiếu hình ảnh đạo sư thập lực[7],
Với tiếng sư tử hống của các trao truyền kinh văn vô cấu nhiễm dội vang.
Con cầu khẩn Ngài, đạo sư của những giáo lý về cách tiếp cận tâm linh thù thắng.
Nhờ nghiệp và nguyện, Ngài đã kết nối
Với Đấng Chiến Thắng xuất hiện từ nụ sen.
Ngài là chúa tể của Giáo Pháp với sức mạnh mãnh liệt, vô ngại để phát lộ Terma sâu xa.
Con cầu khẩn Ngài, vị dẫn dắt thù thắng của những kẻ phước báu.
Bánh xe nghìn chấu của nghiên cứu và thành tựu
Đã giúp Ngài làm chủ cõi giới bốn lục địa của giáo lý Thánh giả
Khiến cho hoạt động giác ngộ không thể nghĩ bàn được tự nhiên viên thành.
Con cầu khẩn Ngài, kho chứa bao la của những điều tuyệt diệu.
Rừng rậm hỗn độn của những xuyên tạc bất tịnh
Bị thiêu rụi bởi giác tính sáng suốt của Ngài,
Bên cạnh đó, thậm chí ngục lửa ghê gớm cũng giảm thành ánh sáng đom đóm.
Con cầu khẩn Ngài, chúa tể đáng kính và oai hùng của khẩu.
Những tia chớp của kinh nghiệm trực tiếp và sự suy luận.
Được khơi dậy bằng sức phẫn nộ mãnh liệt – con đường giác tính –
Thứ hoàn toàn phá hủy mặt đá tà kiến, Phật giáo hay ngoại đạo.
Con cầu khẩn Ngài, chúa tể thù thắng và oai hùng của giác tính.
Sự thông tuệ đặc biệt của Ngài trụ trong tim đấng bảo hộ Diệu Cát Tường,
Phóng những tia mọi khả năng vào mọi thứ có thể biết không ngoại lệ,
Một đàn tràng hoàn hảo của lợi lạc và hạnh phúc đáng ngạc nhiên.
Con cầu khẩn Ngài, vũ công trong lưới của sự hiển bày diệu kỳ.
Bệnh tật ba độc cùng với ô nhiễm của giác tính không được nhận ra,
Bị tiêu diệt bởi dòng chảy sinh khí với tám phẩm tính –
Agasta[8] khởi lên trong cổ họng của ba sự rèn luyện cao hơn.
Con cầu khẩn Ngài, bậc thấu suốt đáng kính, vĩ đại.
Vây quanh bởi bức tường của nhiều cách tiếp cận tâm linh
Là núi non, lục địa và đại dương – sự hoàn hảo của Kinh và Mật,
mà Ngài là vị thống lĩnh phổ quát, đạo sư làm chủ bánh xe vàng của sự thông tuệ phân biệt.
Con cầu khẩn Ngài, Pháp Vương đáng kính.
Bài ca dội vang trong hồ chứa của cổ họng,
Giọng nói trở thành đại dương những nốt du dương,
Đáng yêu như tràng hoa nhài của ý nghĩa sâu xa.
Con cầu khẩn Ngài, Vira[9] thứ nhì, vị tăng cường kinh nghiệm của chúng con về ý nghĩa.
Ngọc bích của những đoạn kệ hấp dẫn từ Ngài
Được đặt trong chuỗi vàng của sự tinh thông về vần luật,
Khéo léo như trang sức của thiếu nữ quyến rũ của tâm phân biệt.
Con cầu khẩn Ngài, bậc đáng kính với sự thông tuệ vô song.
Các thuật ngữ có thể áp dụng cho mọi hiện tượng có thể biết
Là khu vườn loa kèn tươi mới, ngọt ngào của những định nghĩa,
Vô song bởi mặt trăng thông tuệ của Ngài khiến chúng bung nở.
Con cầu khẩn Ngài, chúa tể đáng kính và oai hùng của kiến thức tuyệt vời.
Trong điệu múa của những kiểu ngôn ngữ và sức mạnh,
Ngài có sự chói ngời kỳ lạ của thời thanh xuân đẹp đẽ nhất,
Sự vinh quang hấp dẫn tâm chúng sinh khắp tam giới.
Con cầu khẩn Ngài, bậc đáng kính đem hạnh phúc đến cho tất thảy.
Gương ngọc bích sáng bóng – giác tính sáng suốt của Ngài –
phản chiếu trăm nghìn hình ảnh đáng mến về điều cần làm và tránh, khiến khẩu của Ngài
Vô ngại trong việc giải thích các cấp độ kinh nghiệm ngoài, trong và siêu việt.
Con cầu khẩn Ngài, anh hùng thuộc về gia đình của chư thành tựu giả.
Bắt nguồn từ hồ của chín cách tiếp cận tâm linh,
Bốn dòng sông lớn của sự giải thích xuất sắc không gián đoạn[10],
Liên tục tuôn chảy đến đại dương của kẻ tín tâm.
Con cầu khẩn Ngài, kho tàng quý của những giải thích xuất sắc.
Ý nghĩa của lần chuyển luân cuối cùng, sâu xa, khẩu xuất sắc của Đức Phật
Là về tịnh quang như là bản tính của tâm, Phật tính.
Con cầu khẩn Ngài, vị phát lộ tâm yếu của chân lý dứt khoát
Được tìm thấy trong giáo lý Đấng Chiến Thắng, thoát khỏi lỗi lầm của khẳng định và phủ định.
Đúng theo ý định giác ngộ của Phổ Hiền,
Ngài chứng ngộ không chút vô minh chân lý dứt khoát, sâu xa
Trong Hợp Nhất Ý Định Kinh và Phần Tâm, Hư Không và Trao Truyền Trực Tiếp.
Con cầu khẩn Ngài, vị hoàn toàn giải thoát tam giới bằng tiếng sư tử hống vô úy.
Cưỡi sư tử đá của sự trao truyền kinh văn và lập luận lô-gic
Và cầm bánh xe của sự xác quyết chẳng sợ hãi,
Ngài tiêu diệt bè lũ man dợ tấn công giáo lý Phổ Hiền.
Con cầu khẩn Ngài, bậc đáng kính chiến thắng khắp muôn phương.
Ngọc báu như ý của nhận thức về cấu trúc của Kinh và Mật
Được đặt ở đỉnh cờ chiến thắng của ba kiểu nghiên cứu thanh tịnh.
Con cầu khẩn vị điểm tô thế gian
Bằng hàng triệu giải thích xuất sắc trong các trước tác tuyệt vời.
Đầu của những kẻ cai quản kiêu ngạo,
Tự hào về kiến thức và ảnh hưởng trên thế gian,
Bị đè bẹp dưới gót chân của anh hùng chẳng khiếp sợ trước chúng.
Con cầu khẩn Ngài, anh hùng đáng kính và vô úy.
Trên sông băng thanh tịnh nguyên sơ, sư tử tuyết của giác tính tự thấu biết lang thang,
Viên mãn ba khía cạnh của năng lượng mãnh liệt, khi mà bốn linh kiến được xác quyết,
Và tiếng hống vét đáy sâu hầm tam giới.
Con cầu khẩn Ngài, sư tử giữa loài người.
Hiện thân các hoạt động và giáo lý của Thánh giả,
Vị được tiên đoán là chúa tể của giáo lý,
Ngài thật xuất chúng trong tất cả những vị giữ gìn giáo lý.
Con cầu khẩn Ngài, chúa tể của chư Thánh giả thứ nhì.
Nhờ sức mạnh của những lời tán thán này,
Nguyện con và chúng sinh khác trong mọi đời đều tận hưởng
Sự huy hoàng của đại dương không vơi cạn các phẩm tính giác ngộ của Ngài.
Nguyện những lời tán thán này làm hài lòng Ngài, để Ngài chăm sóc chúng con.
Nguyện chúng con hiểu rằng truyền thống của Ngài, con đường cao quý, không sai của Đấng Chiến Thắng
Chính là tâm yếu từ những giáo lý của Thánh giả,
Và với lòng dũng mãnh từ bỏ thân thể và mạng sống,
Nguyện chúng con giữ gìn giáo lý này về lý thuyết và thực hành.
Hãy để những vị giữ gìn chúng – các nhóm trong những trung tâm học – hành, chư khất sĩ,
Bất kể là ai – dấn thân vào hai lĩnh vực của nỗ lực tâm linh[11],
Và để truyền thừa Kama, được soi sáng bằng sự huy hoàng của luân hồi
Và an bình của Niết Bàn, lan khắp các phương và thời.
Gia trì để Phật tính của chúng con, bị che lấp bởi những xuyên tạc,
Có thể được phát lộ hoàn toàn nhờ con đường Đại Viên Mãn của ý nghĩa sâu xa
Và rằng chúng sinh trong tam giới đều nhanh chóng giải thoát
Trong nền tảng của thắng lạc – Pháp thân, quả vị thoát khỏi mọi lỗi lầm”.
Bên cạnh đó, từ cả Đức Chogyal Tenzin – vị đạo sư Dakpo và Đức Pema Trinle từ Dodrak, Ngài thọ nhận đại quán đỉnh cho Hợp Nhất Ý Định Kinh. Hai đạo sư này đã trao cho Ngài danh hiệu bí mật – Gyurme Dorje [Bất Biến Kim Cương].
Điều sau đây miêu tả cách mà, bởi các ước nguyện trước kia, Ngài Gyurme Dorje đã phát lộ những Terma sâu xa, thứ đã được trao cho riêng Ngài. Trong Thung lũng Yama của vùng Samye, vào ngày Mười tháng Năm của một năm Thủy Mão[12], mười tám tuổi, Ngài phát lộ những giáo lý sâu xa về Trì Minh Giọt Tâm [Rigdzin Thugthig]. Vào ngày Hai mươi hai, trong sự hiển bày của sức mạnh diệu kỳ, Ngài khám phá pho Đại Oai Đức Kim Cương [Yamantaka] – Đấng Tiêu Diệt Kẻ Kiêu Ngạo tại Sheldrak, Yarlung. Ba mươi mốt tuổi, trong năm Hỏa Thìn[13], Ngài phát lộ một pho liên quan đến Guru Drakpo và pho Kim Cương Tát Đỏa Ati tại Kardark ở O. Vào năm ba mươi lăm tuổi, một năm Kim Thân[14], vào ngày Hai mươi chín tháng Sáu, Ngài phát lộ một Terma của ý định giác ngộ[15] – pho Tổng Nhiếp Chư Thiện Thệ [Deshek Kundu] – tại Dechen Yeshe Kyi Khorlo ở Sha-uk Takgo. Ngài đã phát lộ chúng một cách công khai trước đám đông hàng trăm người Bhutan và Tây Tạng.
Trong suốt cuộc đời, Ngài Gyurme Dorje đã chuyên tâm vào tinh túy đích thực của sự hành trì tâm linh tại nhiều ẩn thất quan trọng và cuối cùng, hoàn thành các giai đoạn tiếp cận và thành tựu cho ba mươi lăm đàn tràng căn bản của cả trường phái Nyingma và Sarma. Nhờ tập trung vào những điểm then chốt của các giai đoạn phát triển và hoàn thiện và bởi đạt được định trong giai đoạn phát triển, Ngài tiến hành các hoạt động giác ngộ mà không gặp chướng cản. Khi Ngài đã tịnh hóa những đặc tính của kinh mạch vi tế, năng lượng vi tế và Bindu trong kinh mạch trung ương, hỷ lạc của giác tính bất tận bừng bừng liên tục với Ngài. Ngài trực tiếp trải nghiệm ý định giác ngộ của Đại Viên Mãn – nhận thức về các hình tướng tự nhiên hiển bày của giác tính không chút thành kiến – và đắm chìm trong trạng thái liên tục của tịnh quang.
Ngài trải qua các nhận thức và hành vi như là sự hiển bày của giác tính bất tận và Ngài được chăm sóc bởi nhiều đạo sư uyên bác và thành tựu của Ấn Độ và Tây Tạng, chẳng hạn Đức Liên Hoa Sinh Padmakara, Tôn giả Vô Cấu Hữu, Đức Humkara, Bairotsana và Yeshe Tsogyal. Ngài đã ban các quán đỉnh cho nhiều giáo lý Kama và Terma, được minh họa bằng chính những Terma của Ngài, và giảng dạy rộng khắp và tự tại các điểm then chốt của lời khuyên về con đường tâm linh. Ngài được gia trì bằng những linh kiến về toàn bộ hàng ngũ chư Tôn thiền định cá nhân, bao gồm Kim Cương Đồng Tử Vajrakumara, Samyak và chư Tôn An-Nộ, và nhận được thọ ký từ chư vị. Ngài có vô số linh kiến thanh tịnh mà trong đó, Ngài du hành đến các Tịnh độ, chẳng hạn Zangdok Palri trong cõi Chamara và khi ấy, chư Không Hành Nữ và những vị bảo vệ tiến hành các hoạt động vì Ngài không chút chướng cản. Với sự sáng suốt thoát khỏi bám chấp hay chướng cản, Ngài Gyurme Dorje có kiến thức vô ngại về ba thời, quá khứ, hiện tại và vị lai.
Từ năm ba mươi mốt tuổi, Ngài liên tục trải nghiệm ý nghĩa rốt ráo của quán đỉnh bình. Đây là lúc mà Ngài làm lợi chúng sinh chủ yếu nhờ sự hiện diện vật lý, bởi Ngài đã du hành đến nhiều vùng khác nhau, gieo hạt giống giải thoát và tự do trong tâm của vô số học trò.
Năm ba mươi hai tuổi, ý nghĩa rốt ráo của quán đỉnh bí mật khởi lên với Ngài như là giác tính tự thấu biết, rỗng rang nhưng sáng tỏ. Đây là lúc mà Ngài dẫn dắt chúng sinh chủ yếu bằng khẩu, chuyển bánh xe Giáo Pháp sâu xa và bao la không ngừng nghỉ.
Bắt đầu từ tháng Tám năm Thủy Hợi[16], ba mươi tám tuổi, Ngài Gyurme Dorje trải nghiệm bốn cấp độ tuần tự của hỷ lạc tăng cường trong kinh nghiệm của bản thân – trạng thái của giác tính bất tận rốt ráo, như được minh họa bằng hỷ lạc tan chảy được tìm thấy nhờ “con đường của vị sứ giả[17],” sự hợp nhất nội tại của giác tính và tính Không, hỷ lạc thù thắng, đồng sinh khởi và bất biến. Điều này bắt đầu cho thời kỳ mà Ngài dẫn dắt chúng sinh chủ yếu bằng ý, trao bất kỳ chỉ dẫn và lời khuyên sâu xa nào đem họ đến sự chín muồi tâm linh trên nền tảng kinh nghiệm của bản thân họ và dẫn dắt những kẻ may mắn trực tiếp đến sự gặp gỡ diện mạo chân thật của chính họ, giác tính bất tận tự nhiên sinh khởi.
Theo những cách này cùng nhiều cách khác, Ngài trở thành một hiện thân giống như tam kim cương của Phật quả. Trong đời này, Ngài đã tiến hành các hoạt động ở mức độ bao la, làm lợi lạc chúng sinh theo cách thức quân bình, thênh thang, trùm khắp và mở rộng; mọi điều Ngài làm thoát khỏi những xuyên tạc tinh thần của các quyền lợi được đảm bảo vững chắc. Với động cơ xuất sắc của việc đảm bảo lợi lạc to lớn vì giáo lý và hạnh phúc vì chúng sinh, Ngài Gyurme Dorje đã dành thời gian trong những hoạt động hoàn toàn cao quý, giải thích các giáo lý, thực hành và tiến hành những dự án tâm linh. Các chi tiết cụ thể hơn có thể được tìm thấy trong những tiểu sử mở rộng của Ngài[18].
Ngài đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo rằng những giáo lý của Đấng Chiến Thắng sẽ bền lâu. Để làm vậy, Ngài đã kết hợp các điểm cốt yếu của toàn bộ Mật điển, luận giải giải thích và chỉ dẫn cốt tủy, thu thập những thứ rải rác, chuẩn hóa những điều suy giảm theo thời gian và làm sáng tỏ những điều còn tối nghĩa. Do đó, Ngài để lại một di sản giáo lý chủ yếu bao gồm các cuốn giáo khoa quán đỉnh, nghi quỹ, nghi thức đàn tràng và giáo khoa giảng dạy cho cả trao truyền Kama và Terma của cách tiếp cận vô song trong trường phái Cựu Dịch – một lượng lớn các tác phẩm nổi bật lên như một truyền thống để giới thiệu con đường với các môn đồ của Ngài. Những tác phẩm này được phác thảo trong một danh mục mà con trai Ngài, Gyalse Pema Gyurme Gyatso, đã kết tập.
Bên cạnh đó, Ngài Gyurme Dorje thành lập Tu viện Mindrolling[19], nơi có khoảng ba trăm tu sĩ. Ngài cho làm hơn năm trăm quyển kinh văn, bao gồm Kangyur được viết bằng mực vàng và bạc và trăm nghìn bức hình chính của Tu viện – thứ đem đến giải thoát nhờ nhìn ngắm, cũng như vô số các đại diện khác của thân, khẩu và ý giác ngộ. Ngài theo đuổi ba kiểu hoạt động tâm linh[20] ở mức độ lớn lao, đảm bảo rằng cờ chiến thắng của giáo lý quý báu về bí mật dứt khoát của tâm yếu được thiết lập vững chắc, chiến thắng khắp mọi phương.
Cuối cùng, vào năm sáu mươi chín tuổi, trong tháng Giêng năm Mộc Ngọ[21], Ngài Gyurme Dorje hiển bày chút dấu hiệu đau bệnh và ban lời khuyên cho họ hàng người thân. Sau đấy, âm thanh du dương của Gyaling[22] liên tục xuất hiện từ phía Tây và hương thơm giống như long não tràn ngập toàn bộ nơi cư ngụ của Ngài. Ngài đứng lên, nói rằng, “Bây giờ, Ta phải đi bảy bước về phía Đông”. Sau khi làm vậy, Ngài ngồi kiết già và ban điều được xem là di chúc cuối cùng:
“Hình tướng, âm thanh và giác tính là phạm vi của vị Tôn, Chân ngôn và Pháp thân,
Sự hiển bày vô biên của các thân và giác tính bất tận;
Trong thực hành bí mật sâu xa của Mahayoga,
Nguyện chúng được trải nghiệm là bất phân, một vị trong phạm vi của ý giác ngộ”.
Sau đấy, một buổi sáng trong tháng sau, Ngài nói, “Đoàn Không Hành Nữ hộ tống đã đến”. Rung chuông, chơi trống cầm tay và với ánh mắt đặc biệt, Ngài lập tức rời đến Tịnh độ Khechara. Khi Ngài ra đi, lọng ánh sáng, những cơn mưa hoa, trái đất rung động và nhiều điềm lạ thường khác xuất hiện. Khi nhục thân Ngài được trà tỳ, tim và sọ Ngài còn nguyên vẹn. Có vô số xá lợi, cũng như những giọt nhỏ cứng lại của chất lỏng từ thân trong hình tướng của đấng dẫn dắt Vô Lượng Quang, oai nghiêm và tỏa sáng. Như thế, các dấu hiệu đầy đủ rằng Ngài Gyurme Dorje đã đạt chứng ngộ nhờ cách tiếp cận tâm linh thù thắng nhất, khiến các học trò của Ngài phát khởi tín tâm.
Trong số những học trò nếm cam lồ giáo lý của đấng tôn quý này, xuất sắc nhất là Đức Dalai Lama thứ năm và vị nhiếp chính – Sangye Gyatso[23] – hai vị này, đạo sư và thí chủ, giống như mặt trời và mặt trăng[24]. Ngài Gyurme Dorje cũng dạy Dodrak Rigdzin Pema Trinle; vị trì giữ ngai tòa của Sakya – Kunga Tashi[25]; các vị nhiếp chính Tsedong, bác và cháu trai; cùng nhiều đạo sư vĩ đại khác, những vị trì giữ các trụ xứ chính và phụ. Ngài đã dạy vị Gyaltsab của Tu viện Tsurphu và Trehor Choktrul, cả hai đều thuộc về trường phái Kamtsang Kagyu; Konchok Trinle Zangpo từ Drikung Kagyu; Tenzin Sizhi Namgyal từ Taklung Kagyu; Kunkhyen Paksam Wangpo từ Drukpa Kagyu; Gampo Choktrul Zangpo Dorje và các thành viên gia đình của Ngài; Gyalwa Pakpa Lha từ Chamdo; Ngawang Chogi Tulku; Ngawang Kunga Tenzin từ Dokham, các vị Tulku Tala lớn và nhỏ; Gyalse từ Tu viện Kathok; và vị Dzogchen thứ nhì – Gyurme Tekchok Tenzin. Đây là một vài trong số những đạo sư nổi tiếng, vĩ đại thời ấy, hầu hết đã đỉnh lễ dưới chân Ngài. Ở cấp độ bên trong, tâm tử duy nhất của Ngài Gyurme Dorje là em trai của Ngài – Lochen Dharma Shri. Các con của Ngài Gyurme Dorje bao gồm Pema Gyurme Gyatso; vị nhiếp chính – Yizhin Lekdrup; đấng vô cùng từ ái Rinchen Namgyal; và con gái – Jetsun Mingyur Paldron. Các thị giả của Ngài là Gejong Losel Gyatso, Ngak Rabjampa Orgyen Chodrak, Bumrampa Orgyen Kalzang và nhiều vị khác – tất cả đều có khả năng đóng vai trò như những cột trụ vĩ đại của giáo lý.
Những hoạt động của Ngài Gyurme Dorje trong việc hoằng dương lý thuyết và thực hành của giáo lý được tăng cường bởi các tập hội vĩ đại của những vị đã tu học với Ngài. Vị Terton vĩ đại này không chỉ vô cùng từ ái, trực tiếp và gián tiếp, trong việc phụng sự cả trường phái Nyingma và Sarma, mà Ngài còn, nhờ những nỗ lực của bản thân và sự khích lệ những vị khác, phục hồi các truyền thừa bị đe dọa, chẳng hạn Jonang, Shangpa Kagyu, Zhije, Chod và Bodong. Nổi bật hơn cả, Ngài duy trì lý thuyết và thực hành của các trao truyền Kama trong trường phái Cựu Dịch Nyingma, di sản mà Vua Trisong Detsen cùng các thượng thư đã để lại, đặc biệt là Hợp Nhất Ý Định Kinh, Diệu Huyễn Võng và những giáo lý tâm.
Từ Ngài Gyurme Dorje xuất hiện nhiều dòng trao truyền mà nhờ đó, những giáo lý Nyingtik bí mật lan rộng khắp miền Đông Tây Tạng – thông qua Gyalse Sonam Detsen từ Tu viện Kathok, Dzogchen Tulku Gyurme Tekchok Tenzin và những vị khác – nhưng điều trên đây chỉ miêu tả dòng truyền thừa chính.
Nguồn Anh ngữ: Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje, A Marvelous Garland of Rare Gems – Biographies of Masters of Awareness in the Dzogchen Lineage [tạm dịch: Tràng Ngọc Báu Hiếm Có Tuyệt Diệu – Tiểu Sử Chư Đạo Sư Giác Tính Trong Truyền Thừa Dzogchen], Padma Publishing.
Richard Barron (Lama Chokyi Nyima) chuyển dịch Tạng-Anh.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.
[2] Năm Hỏa Tuất đực (đầu năm 1646 đến đầu năm 1647).
[3] Theo Rigpawiki, Ngawang Lobsang Gyatso tức Dorje Thogme Tsal (1617-1872), Đức Dalai Lama thứ năm, không nghi ngờ gì, là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Tây Tạng. Những thành tựu và cải cách của Ngài đã đảm bảo sự trị vì tiếp tục của các đời Dalai Lama dẫu cho nhiều vị tái sinh tiếp theo của Ngài đã qua đời sớm.
[4] “Đấng Tôn Quý Tự Sinh Kyirong,” một bức tượng Quán Thế Âm, Bồ Tát của lòng bi, đầu tiên được phát hiện vào thế kỷ bảy ở biên giới Nepal – Tây Tạng. Theo truyền thuyết, nó được tìm thấy, cùng với ba bức tượng khác, bên trong một cây chiên đàn bởi một sứ giả của Vua Songtsen Gampo. Bức tượng được đưa đến Lhasa, nhưng đã được đưa trở về Kyirong bởi các mưu đồ chính trị của một số thượng thư, những vị phản đối ảnh hưởng mới từ Phật giáo trong triều đình. Bức tượng không trở về Lhasa cho đến năm 1656, năm mà Ngài Gyurme Dorje thọ giới.
[5] Tức Gyalwai Wangpo, danh hiệu của các vị Dalai Lama.
[6] Các phẩm tính theo truyền thống được gán cho sông Hằng linh thiêng ở Ấn Độ: nước ngọt, mát, mềm, thanh thoát, trong suốt, thanh tịnh, dễ chịu với cổ họng và dạ dày.
[7] “Đạo sư thập lực” là một vị Phật, ở đây ám chỉ Đức Longchenpa.
[8] Một nhà tiên tri truyền cảm hứng và mạnh mẽ trong giai đoạn Vệ Đà của Ấn Độ và là tác giả của rất nhiều bài thánh ca.
[9] Cũng được biết là Ashvaghosha, Vira là nhà lô-gic Hindu, người đã cải đạo sang Phật giáo và trở thành một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của truyền thống Phật giáo Ấn Độ.
[10] “Bốn dòng sông lớn” này là luận giải bản văn, chỉ dẫn truyền miệng, sự gia trì và quán đỉnh, và các phương pháp và nghi lễ thực tế.
[11] Lắng nghe và quán chiếu về giáo lý.
[12] Năm Thủy Mão cái (đầu năm 1663 đến đầu năm 1664).
[13] Năm Hỏa Thìn đực (đầu năm 1676 đến đầu năm 1677).
[14] Năm Kim Thân đực (đầu năm 1680 đến đầu 1681).
[15] Terma được phân loại theo cách mà chúng vốn được chôn giấu và phát lộ. Ví dụ, một “Terma đất” là bản văn hay món đồ nào đó được chôn giấu ở nơi như mặt đá. “Terma của ý định giác ngộ” là sự trao truyền vốn được “niêm phong” trong tâm của một trong các học trò thân cận của Đức Liên Hoa Sinh trong lúc đạo sư sống ở Tây Tạng vào thế kỷ tám. Terma sau đó “được chôn giấu” trong tâm của học trò qua các đời tái sinh tuần tự, cho đến một đời nào đó, hóa hiện của vị học trò đó gặp phải những hoàn cảnh khơi dậy ký ức về việc đã thọ trao truyền ban đầu. “Terma của tâm giác ngộ” là một thuật ngữ chung không nhất thiết biểu tượng cho một Terma của ý định giác ngộ.
[16] Năm Thủy Hợi cái (đầu năm 1683 đến đầu năm 1684).
[17] Một ám chỉ về các thực hành liên quan đến vị phối ngẫu.
[18] Có nhiều bản văn liên quan đến các khía cạnh khác nhau về cuộc đời Đức Terdak Lingpa; chúng bao gồm một số miêu tả tự truyện, nhưng chủ yếu là tác phẩm của em trai Ngài – Đức Lochen Dharma Shri.
[19] Theo Rigpawiki, Tu viện Orgyen Mindrolling là một trong Sáu Tổ Đình của truyền thống Nyingma. Tu viện được thành lập bởi Tổ Minling Terchen Gyurme Dorje, tức Rigdzin Terdak Lingpa cùng với em trai Lochen Dharmashri vào năm 1676. Tu viện có một mối liên hệ thân thiết với Đức Dalai Lama thứ năm, nhưng bị phá hủy trong chiến tranh Dzungar năm 1717-1718, khi mà em trai của Tổ Terdak Lingpa, đại học giả Lochen Dharmashri bị sát hại. Con gái của Đức Terdak Lingpa, Bà Jetsun Mingyur Paldron, chạy đến Sikkim và sau đó trở lại Mindrolling, cùng với em trai Drinchen Rinchen Namgyal tái thiết Tu viện, với sự hỗ trợ của Polha Taiji.
Người đứng đầu [trưởng dòng] của Mindrolling là những vị kế thừa cha truyền con nối của Tổ Minling Terchen. Minling Trichen Rinpoche là vị trì giữ Pháp tòa thứ 11 và sau khi Ngài qua đời vào năm 2008, con trai của Ngài – Dungse Dalha Gyaltsen (sinh năm 1959) từ Tây Tạng, trở thành vị trì giữ Pháp tòa thứ 12.
[20] Nghiên cứu, thiền định và các dự án (chẳng hạn xây dựng chùa chiền, đúc tượng và in ấn kinh sách).
[21] Năm Mộc Ngọ đực (đầu năm 1714 đến đầu năm 1715).
[22] Nhạc cụ được chơi trong các nghi thức Tây Tạng, thường để chào đón một đạo sư đáng kính.
[23] Desi Sangye Gyatso (1653-1705) đã che giấu cái chết của Đức Dalai Lama thứ năm và trị vì thay thế trong nhiều năm trước khi buộc phải thoái vị vào năm 1702.
[24] Mặt trời và mặt trăng, những biểu tượng của ảnh hưởng và danh tiếng rộng khắp, thường được sử dụng một cách ẩn dụ để nhắc đến một đạo sư tâm linh và một thí chủ (như trong trường hợp này) hoặc đến hai đệ tử chính yếu của một đạo sư (chẳng hạn Đức Jamyang Khyentse Wangpo và Patrul Rinpoche).
[25] Theo Rigpawiki, Sakya Trizin Kunga Tashi, tức Ducho Labrangpa Jamgon Kunga Tashi (1656-1711) – vị trì giữ ngai tòa thứ 29 của trường phái Sakya và là một đệ tử trực tiếp của Đức Minling Terchen Gyurme Dorje.