Lời Người Dịch

01/12/201312:00 SA(Xem: 4947)
Lời Người Dịch

ĐẠO CA MILAREPA
The Hundred Thousand Songs of Milarepa
Nguyên tác: Mila Grubum Tác giả: Jetsun Milarepa
Dịch giả Anh ngữ: Garma C. C. Chang
Nhà xuất bản: Shambhala Publication, Inc.1977, USA 
Dịch giả Việt ngữ: Đỗ Đình Đồng
Hiệu đính và trình bày: Vô Huệ Nguyên

Lời Người Dịch

 

Vào năm 1971, chúng tôi đã có dịp giới thiệu với độc giả Việt nam về cuộc đời phi thường của một Đại Hành giả Du-già Tây Tạng, Milarepa, qua lời dịch cuốn “Milarepa, Con Người Siêu Việt, do nhà xuất bản Nguồn Sáng ấn hành tại Sài gòn. Và tiếp theo sau đó là một số Đạo ca tuyển dịch của Milarepa qua cuốn “Gửi Lại Trần Gian,” do nhà xuất bản Hiện Đại ấn hành cũng tại Sài gòn, Việt nam. Cả hai, theo chỗ chúng tôi được biết, đã được sự mến mộ ít nhiều của độc giả, nhân đây người dịch xin đa tạ.

Hôm nay, hơn 40 năm đã trôi qua, chúng tôi lại xin giới thiệu với độc giả một tập sách khác, cũng qua lời dịch, toàn bộ Đạo Ca của Milarepa, như đã được người Tây Tạng lắng nghe, yêu mến, ghi nhớ, biên tập, bảo tồn, và truyền tụng trong hơn tám thế kỷ qua dưới nhan đề “Mila Grubum” hay “Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa,” hay như được dịch ở đây “Đạo Ca Milarepa.”

Đặc điểm của tập sách này là mỗi một Đạo ca đều có một chuyện ngắn đi kèm kể lại hoàn cảnh, nhân vật và nguyên nhân đưa ra câu hỏi về các vấn đề, hoặc có tính cách cá nhân hoặc có tính cách tập thể, về phương pháp tu tập hay kinh nghiệm cá nhân, Giác ngộ, và sự thành tựu trong Phật giáo Du-già Tây Tạng, đặc biệt là theo truyền thừa của phái Ghaguyba (Kagyupa, Khẩu truyền hay Rỉ tai). Tất cả những câu hỏi ấy đã được Milarepa trả lời bằng cách ứng khẩu hát lên những bài Đạo ca ngay tại chỗ, dùng cảnh vật cụ thể trước mắt để diễn đạt Ý Đạo. Do đó, người nghe có thể hiểu được mà theo đó tu tập lời dạy của Phật và của các Đạo sư Dòng truyền Rỉ tai, hiện thân trong sự Giác ngộ của Milarepa mà Ngài đạt được sau một thời gian dài (mười hai năm) kiên trì tu tập thiền định một mình trong núi rừng cô tịch, không đủ quần áo che thân, không có thức ăn bình thường của một người để sống. Thật đúng với ý nghĩa một nhà tu khổ hạnh

Ánh sáng Giác ngộTừ bi của Milarepa có thể ví với ánh sáng của mặt trờimặt trăng; lúc rực rỡ, sáng ngời, nóng gắt; lúc nhẹ nhàng, thanh thoát, thơ mộng, tiêu dao, phá tan màn đêm u ám, vô minh, mơ màng… thường che phủ trời, đất, người và vật. Ánh sáng ấy truyền đến người nghe qua giọng hát thanh nhã, hài hòa của bậc Thánh-nhân-Thi-Ca-sĩ Áo Vải, Milarepa, Đại Hành giả Du-già Tây Tạng.

Giáo lý Đại Thủ Ấn và sự truyền thừa của phái Ghagyupa có nhiều điểm rất giống với Thiền và sự truyền thừa của Thiền, cũng như có nhiều điểm giống nhau giữa Thánh Milarepa của Tây TạngLục Tổ Huệ Năng của Trung hoa. Mật truyền hay sự “truyền thừa bí mật” trực tiếp từ thầy sang trò. Cả hai đều bắt nguồn từ các Tổ sư Ấn độ, đều nhấn mạnh vào thiền định và thấy tánh ngộ đạo hơn là đọc tụng hay nghiên cứu Kinh, Luận, và thành Phật ngay trong đời này. Milarepa và Huệ Năng cả hai đều chỉ rõ sự khác biệt giữa kinh nghiệmGiác ngộ vì đây là điểm rất quan trọng và thường bị hiểu lầm, cho rằng kinh nghiệmGiác ngộ. Milarepa và Huệ Năng đều là cư sĩ, không phải tăng nhân, khi ngộ Đạo. Cả hai bậc Đại sư đều có số đệ tử đắc Pháp vượt bậc trong hàng những người Giác ngộ siêu việt trong lịch sử Phật giáo.

Trong khi Milarepa đã được thừa nhận là một bậc Thánh vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, thì “Mila Grubum” là một kiệt tác của Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Peter Gruber, trong Lời Nói Đầu của ông cho bản dịch tiếng Anh của tập sách này, đã so sánh và đặt “Mila Grubum” ngang hàng với trường thiên anh hùng ca Mahābhārata của Ấn độ giáo, với Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sūtra) của Phật giáo Đại thừa, và Thánh Kinh (Bible) của Ki-tô-giáo. Một cách cụ thể, “Mila Grubum” là một nguồn tài liệu rất phong phú cho nhiều lãnh vực nghiên cứu khác nhau như đời sống tôn giáo, văn học, văn hóa, phong tục, dân ca Tây Tạng. Nhất là sự tham khảo, đối chiếu về kinh nghiệm tu tậpGiác ngộ của Phật giáo Mật tông Tây Tạng, đặc biệt cho những ai tu tập các pháp môn Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) và Sáu Yoga của Naropa như Milarepa đã tu tập và đạt giác ngộ, rồi chỉ dạy qua các ca khúc của Ngài. Đây quả thật là một tài liệu rất quí, một nguồn phấn khích bất tuyệt, một người bạn đồng hành cho hành giả Du-già Mật giáo Tây Tạng và những ai chọn con đường này. Milarepa, về nhân cách, sự tu tập, Giác ngộ, và thành tựu, cũng như những Đạo ca của Ngài, như được ghi lại và truyền tụng, đã được bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng kính ngưỡng và noi theo cho đến ngày nay.

Trong mấy thập niên gần đây, mặc dù Tây Tạng đã và đang kinh qua một sự thay đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới, nhưng Mật tông Phật giáo Tây Tạng đã du nhập, đứng vững trên đôi chân của nó, và đang trên đà phát triển rộng rãi nhiều nơi trên thế giới như châu Âu và châu Mỹ, do các Đạo sư của họ hoằng dương về cả lý thuyết lẫn thực hành tu tập. Riêng “Tiểu sử của Milarepa” (Mila Khabum) đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp và lưu hành rộng rãi, như có người đã nói là chỉ sau Thánh Kinh của Ki-tô-giáo mà thôi.
Bản dịch tiếng Việt này do chúng tôi thực hiện từ nguyên văn tiếng Anh của Giáo sư Garma C. C. Chang “The Hundred Thousand Songs of Milarepa” dịch từ nguyên tác Tây Tạng do nhà Shambhala Publication, Inc. ấn hành năm 1977, tại Hoa kỳ. Trong khi dịch, chúng tôitham khảo bản dịch tiếng Pháp “Oeuvres Complètes – La Vie & Les Cent Mille Chants, Suivi Dans Les Pas de Milarepa” cũng dịch từ nguyên tác Tây Tạng của Marie-José Lamothe, do nhà xuất bản Fayard ấn hành năm 2008, tại Pháp. Như Giáo sư Chang, dịch giả của bản tiếng Anh, đã nhận định, “Mila Grubum” thuộc loại sách đặc biệt. Ngoài những thuật ngữ Phật giáotính cách qui ước theo Kinh sách đã được ổn định khi dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, nhưng khi sáng tác lời ca ứng khẩu, Milarepa còn dùng nhiều từ ngữ địa phương ở vùng Tây nam Tây Tạng nên đã tăng thêm không ít khó khăn cho công tác dịch thuật. Vì vậy, ông đã chú thích rất tỉ mỉ ở những chỗ ông cảm thấy cần thiết để giúp độc giả hiểu bản văn dễ hơn. Ưu thế của ông là ông đã có thời gian dài tám năm ở Tây Tạng để nghiên cứu, tu tập dưới sự chỉ dạy của các Lạt-ma Tây Tạng. Ông đã có dịp sống, tiếp xúc, gặp gỡ những người Tây Tạng, cư sĩ, tăng nhân, cũng như học giả Tây Tạng như Lobsang P. Lhalunga. Ông cũng gặp các học giả phương Tây đã đến Tây Tạng sống và làm việc ở đó như Tiến sĩ W. Y. Evanz-Wentz hoặc Giáo sư Herbert V. Guenther ở Ấn độ, họ đã hợp tác với nhau nghiên cứu và dịch thuật các giáo lý Mật tông Phật giáo Tây Tạng sang tiếng Anh.

 

Bản dịch tiếng Việt này có tính cách mở đường, mong sẽ có sự xuất hiện của những bản dịch hoàn hảo hơn của các dịch giả tài năng có đủ điều kiện dịch trực tiếp từ nguyên tác Tạng ngữ. Và dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn có những sai sót, mong các bậc cao minh rộng lượng chỉ bảo cho. Xin đa tạ.

“Đạo Ca Milarepa” đủ duyên đến tay người đọc là nhờ tình yêu mến nồng nàn, lòng kính trọng sâu xa đối với Milarepa, và sự đóng góp to lớn của những huynh muội trong Pháp là Vô Huệ Nguyên, Hoài Hương Trần Uyên Thi, Tâm Bảo Đàn, Vũ Nam Giao, Đồng Kim Phụng, Trần Lan Anh và Nguyễn Hồ Lan Chi. Huynh muội là những thành viên của Hội Viet Nalanda Foundation, đã bỏ ra nhiều thì giờ, công sức, và trí tuệ trong việc hiệu đính bản thảo, xin phép quyền dịch thuật, trình bày bìa sách, duyệt soát chính tả, đóng góp ý kiến, bài viết và bài dịch trong phần phụ lục để cho tập sách trở nên tốt hơn. Nơi đây, người dịch xin đa tạ quý vị, Hội Viet Nalanda Foundation, và tất cả những người đã tiếp tay trợ giúp công sức, tài lực, vật lực để tập sách này được thành hình và đến tay người đọc.

 

Frederick, Thu 2013

Đỗ Đình Đồng

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.