Vài Lời Của Người Dịch

22/08/201012:00 SA(Xem: 34591)
Vài Lời Của Người Dịch
Đức Đạt Lai Lạt Ma
TU TUỆ
Bản tiếng Anh:Practicing Wisdom - Nhà xuất bản Wisdom
Bản tiếng Pháp: Pratique de la Sagesse - Nhà xuất bản Presses du Châtelet
Bản dịch Việt ngữ: Hoang Phong - Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2008

Vài lời của người dịch

Tựa sách là Tu Tuệ, Tuệ là Trí Tuệ hay Tuệ Giác, tiếng Phạn là Prajna. Người ta thường phân biệt ba loại tu tập : tu hạnh (giữ giới), tu thiền (nhập định) và tu tuệ (quán thấy). Tu Tuệ là cách tu tập bằng thiền định phân giải, tức hướng vào mục tiêu phát huy sự hiểu biết, một sự hiểu biết siêu nhiên về bản chất đích thực của mọi vật thể và mọi biến cố, một sự hiểu biết tối thượng có thể xoá bỏ vô minh để đưa thẳng đến Giác ngộ

Như Ngài Thupten Jinpa đã trình bày trong phần lời tựa, đây là quyển sách ghi chép lại những lời giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tại Pháp về chương IX trong tập Luận Hành Trình đến Giác ngộ của Ngài Tịch Thiên. Vậy nguồn gốc của tập sách này như thế nào, tại sao lại là chương IX, và Ngài Tịch Thiên là ai ?

Sau đây là vài nét tóm lược tiểu sử của Ngài Tịch Thiên và nguồn gốc tập Hành trình đến Giác ngộ. Tiểu sử của Ngài Tịch Thiên, theo như kinh sách ghi chép, có thể phảng phất một vài nét huyền thoại. Trong thời đại của chúng ta, dù tin hay không tin những nét huyền thoại ấy nhưng khi đã đọc tập sách của Ngài thì chúng ta không thể nào không thán phục và ngưỡng mộ một trí thông minh siêu phàm, một con người ngoại lệ hay đúng hơn là một vị Bồ-tát đã đạt được Giác ngộ. Tập sách Hành trình đến Giác ngộ quả thật là một trong những trước tác cổ điển đẹp nhất trong lịch sử Phật giáo, đúng như lời của Ngài Thupten Jinpa trình bày trong phần lời tựa.

Tịch Thiên (Shântideva) là một vị cao tăng người Ấn, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII hay đầu thế kỷ thứ VIII, ngày mất thì không ai được biết. Ông là con của vua Kalyânavaraman. Khi còn nhỏ, ông được một nhà tu khổ hạnh truyền cho giáo pháp của Bồ-tát Văn Thù (Mansjurhi), ông tu tập rất chuyên cần và đã đắc Đạo. Khi vua cha qua đời, ông nhất định không lên ngôi kế vị, bỏ trốn vào Tu viện Đại học Na-lan-đà, thụ giới làm một tì kheo. Ông thường thức một mình trong đêm và soạn được hai bộ sách, sau này rất nối tiếng. Bộ thứ nhất là Siksâmuccaya (Bồ-tát học luận), một tập sách giản yếu về giáo huấn, và bộ thứ hai là Sutrasâmuccaya (Kinh luận), một tập sách giản yếu về kinh điển, tập sách thứ hai đã thất truyền và ngày nay chỉ còn bản dịch bằng tiếng Hán. Cả tu viện không ai hay biết gì về việc soạn thảo hai tập sách trên đây của ông. Vì ông ngủ li bì suốt ngày nên các vị thầy và các vị đồng tu đều cho ông là người lười biếng, ngu đần và đặt cho ông biệt danh là bhushuku, có nghĩa là « người chỉ biết ăn, ngủ và tiêu hoá ».

Những người trong tu việný định muốn tống khứ ông, nên họ đồng tình dựng lên một đàn thuyết giảng còn gọi là cái ngai, nhưng lại dựng rất cao và rất khó trèo lên. Theo thông lệ, uy tín của người thuyết giảng càng cao thì ngai thuyết giảng cũng phải có chiều cao tương xứng. Sau khi đàn được dựng xong, các người trong tu viện mới ông lên ngồi để thuyết giảng. Chưa dứt lời mời thì đã thấy ông ngồi chểm chệ trên ngai làm cho mọi người hết sức kinh ngạc. Ông liền cất tiếng giảng về Nhập Bồ-đề Hành luận (tức tập Hành trình đến giác ngộ) mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn mười thế kỷ sau đã đem ra giảng lại cho chúng ta hôm nay. Khi Ngài Tịch Thiên giảng đến chương IX và đúng vào lúc ông thốt lên câu này : « Lúc không còn một sự hiện thực nào hay một sự phi-hiện-thực nào nữa hiển hiện ra trong tâm thức… », và ông chưa kịp dứt câu thì mọi người bổng thấy ông bay vọt lên không trung đứng lơ lửng bên cạnh Bồ-tát Văn Thù. Câu giảng trên đây thuộc vào tiết 34 của chương IX. Mặc dù trên đàn thuyết giảng lúc ấy đã trống không nhưng người ta vẫn tiếp tục nghe văng vẳng tiếng ông thuyết giảng cho đến câu cuối cùng của tập luận.

Vì muốn ghi lại bài giảng của ông, nên mọi người trong tu viện Na-lan-đà đã họp nhau chia thành hai nhóm, họ moi lại trí nhớ và chép thành hai bản, một bản gồm 700 câu tứ tuyệt, một bản gồm 1000 câu tứ tuyệt. Sau đó tu viện gởi sứ giả đi tìm ông khắp nơi, và sau cùng đã tìm được ông và mời ông về chùa. Tuy nhiên, ông chỉ nhận duyệt xét lại hai bản thảo và cho rằng bản 1000 câu tứ tuyệt gần với lời giảng của ông hơn. Ông chỉ chỗ cất hai tập sách của ông trong chùa nhưng nhất định không trở về nữa. Ông trở thành một người du-già phiêu bạt, và không còn ai biết ông ở đâu. Chỉ nghe tiếng đồn ông thường xuất hiện để đấu lý với các vị thầy ngoài Phật giáo thời bấy giờ và thực hiện nhiều phép nhiệm mầu để cứu giúp người hoạn nạn khắp nơi. Nhưng về sau thì không còn ai nghe nói đến ông nữa.

Tuy gọi là phép tu Tuệ, nhưng phần kết luận của chương IX cũng như suốt trong những đoạn bình giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, Từ bi đã được nhắc nhở không ngừng, nếu Từ bi không được xếp lên hàng đầu thì ít ra cũng ngang hàng với Trí tuệ. Ta không thể nào hình dung một vị Phật với một Trí tuệ siêu nhiên nhưng lòng Từ bi lại có giới hạn.

Tôi không dám tự cho là có thể nắm bắt được hết những gì thâm sâu và cao siêu trong quyển sách này. Nhưng vì tâm nguyện muốn được chia xẻ với người đọc một vài hiểu biết nhỏ nhoi mà tôi có thể lãnh hội được, vì thế tôi đã cố gắng với tất cả lòng nhiệt tâm để phiên dịch một tác phẩm có thể vượt xa hơn tầm tay của tôi nhiều. Dù cho lời dịch còn non nớt và vụng về đi nữa, tôi cũng xin chắp tay hồi hướng công lao nhỏ nhoi này để cầu xin cho thế giới vô thường của chúng ta ít hận thù hơn, hạnh phúc hơn và an bình hơn, cầu xin cho không gian mênh mông trở thành mảnh đất của Trí tuệ vô biên. Lời cầu xin này không mang một cảm tính tự phụ nào cả, nó chỉ là một sức mạnh vượt ra khỏi tim tôi và tâm thức tôi.

Hoang Phong
04-10-2007
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.