- Chương Một: Bước Vào Con Đường Tâm Linh 1. Mục Đích Của Thiền Định
- 2. Để Tiến Tới Việc Nghiên Cứu Phật Pháp
- 3. Tìm Hiểu Nguyên Nhân Của Bất Hạnh
- 4. Vọng Tâm Phát Sinh Như Thế Nào
- 5. Tìm Hiểu Đau Khổ Và Kiểm Soát Tâm
- Chương Hai: Thiền Định 1. Ba Khía Cạnh Chính Của Con Đường Dẫn Đến Giác Ngộ
- Chương Hai: Thiền Định 1. Ba Khía Cạnh Chính Của Con Đường Dẫn Đến Giác Ngộ
- 2. Áp Dụng Đạo Pháp Vào Đời Sống Hàng Ngày
- Phụ Lục Thơ Milarepa
NĂNG LỰC TRÍ TUỆ
Những Lời Dạy Căn Bản Của Phật Giáo
Nguyên tác: WISDOM ENERGY, BASIC BUDDHIST TEACHINGS
Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch
Wisdom Publications xuất bản
Mục Lục
Giới Thiệu
Chương một : Bước vào con đường tâm linh
1. Mục đích của thiền định
2. Để tiến tới việc nghiên cứu Phật Pháp
3. Tìm hiểu nguyên nhân của bất hạnh
4. Vọng tâm phát sinh như thế nào
5. Tìm hiểu đau khổ và kiểm soát tâm
Chương hai : Thiền định
1. Ba khía cạnh chính của con đường dẫn đến giác ngộ
2. Áp dụng Đạo Pháp vào đời sống thường ngày
Phụ Lục của người dịch: Thơ của Milarepa
Giới Thiệu
Tôi rất vui vì nhà xuất bản Wisdom đã quyết định đánh dấu 25 năm kỷ niệm quyển sách Năng Lực Trí Tuệ của Lama Thubten Yeshe và Lama Zopa Rinpoche bằng cách cho tái bản quyển này, một quyển sách quan trọng giới thiệu quan điểm và cách thực hành Phật giáo. Đã có rất nhiều thay đổi trong một phần tư thế kỷ qua từ khi quyển sách này ra đời, nhưng những nhu cầu căn bản của con người về chiều hướng khai phá vẫn không thay đổi, nói lên sự quan tâm bây giờ vẫn như ngày xưa.
Vào cuối thập niên sáu mươi đầu thập niên bảy mươi ở Nepal và Ấn độ, hai thầy bắt đầu dạy người Tây phương, một số học trò của các ngài là những người đã rời bỏ xã hội nơi họ đã sinh trưởng. Có rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính là vì chiến tranh Đông Dương, đã làm cho họ chán ghét quyền lực xã hội, chính trị và tôn giáo. Những phong trào híp-pi đã hướng về Kathmandu, Dharamsala và những nơi tương tự, họ được kích thích bởi những tư tưởng của Ram Dass Ở Đây Bây Giờ, Hermann Hesse Hành Trình về Phương Đông, Đức Phật (Câu chuyện dòng sông, DG) và đặc biệt là cuốn chuyện tâng bốc người Tây Tạng của Lobsang Rampa. Một số không nhỏ trong thành phần này đã kinh nghiệm được thế nào là ảnh hưởng của ma túy. Bị vỡ mộng về những huyền thoại xa xưa giầu có và chủ nghĩa duy vật, họ muốn đi tìm cái gì chân thật sâu xa hơn.
Bằng nhiều cách, một số phần tử trong nhóm này đã làm những cuộc hành trình qua Hy Mã Lạp Sơn, tại đây họ đã chạm trán với hai người khác thường. Mặc dầu mang một truyền thống hoàn toàn khác biệt với những người trẻ mới tới, Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche – một là người Tây Tạng một là người Sherpa (vùng biên giới Tây Tạng)- đã tiếp đón họ rất thân thiện và chứng tỏ một khả năng đặc biệt với nhóm người đa dạng đi tìm tâm linh này. Mặc dù với một khả năng Anh ngữ nghèo nàn – như Lama thường nói- hai ngài đã tiếp xúc trực tiếp với họ một cách rất thân thiện, bỏ qua mọi khác biệt văn hóa, ngôn ngữ và những lời dậy bảo của các ngài đã đánh thức tận thâm sâu trái tim họ.
Một cá tính nổi bật trong sự thân thiết của các ngài – bên cạnh những đức tính nhiệt tình và cởi mở - là không khinh thường, không coi họ như những người xa lạ, người ngoại quốc tới tham khảo, học hỏi về tâm linh. Các ngài không đòi hỏi họ phải tôn kính các ngài như những vị đạo sư, thánh sư, và thường nhắc đệ tử bỏ đi cái khuynh hướng tôn sùng các ngài như những nguồn giải thoát không thể sai lầm. Lama Yeshe đặc biệt nhắc đi nhắc lại rằng tất cả những câu trả lời, tất cả giải đáp cho những gì chúng ta đang tìm kiếm đã có sẵn trong mỗi người chúng ta; chúng ta chỉ cần tự giải thoát chính mình khỏi những thói quen vọng tưởng, những ham muốn điên khùng vô nghĩa trong đời và hãy lắng nghe tiếng nói trí tuệ sâu thẳm ở bên trong.
Dĩ nhiên các vị lạt ma đã tin tưởng sâu xa, vững chắc vào những phương pháp toàn thiện mà các ngài đã thực tập từ rất nhỏ, nhưng thay vì đòi hỏi họ phải chấp nhận Phật pháp như những chân lý không thể bắt bẻ, không được thắc mắc thì các ngài lại khuyến khích những người nghe nên thực tế và hãy khám nghiệm thái độ của họ về sự bất mãn, về sự chỉ trích phê bình của họ. Do đó, thay vì cảm thấy bị truyền đạo, bị thúc giục chấp nhận một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng cũ, họ cảm thấy đang đứng bên cạnh một người bạn tâm linh nói những lời thông minh chân thật và sẵn sàng hướng dẫn họ trên cuộc hành trình tâm linh cá biệt.
Lama Yeshe thường nhấn mạnh, một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta không tiếp xúc được với nguồn trí tuệ nội tâm là thái độ tự thương thân trách phận của chúng ta, quan niệm sai lầm rằng chúng ta là những người bất toàn, tội lỗi, không đáng được hưởng hạnh phúc lâu dài. Ngài nhận định đây là căn bệnh trầm trọng của hầu hết những học trò mới đến, nên ngài đã dồn cả năng lực vào việc hướng dẫn họ giải thoát khỏi tình trạng tâm linh rối bời này. Như tôi đã viết trong lời giới thiệu quyển sách Đưa Vào Mật Tông của Lama Yeshe (Ni Sư Trí Hải đã dịch, DG) xuất bản năm 1987, ba năm sau khi ngài qua đời:
Lama Yeshe có một năng lực kỳ diệu khi tiếp xúc với những người đến gặp ngài là, kíck động được trung tâm của sự bình an, trí tuệ và phúc lạc nơi họ, những điều này rất lờ mờ với họ trước đây. Có lẽ lời dậy sâu sắc nhất của ngài là, trong tâm mỗi người chúng ta đều đã có sẵn những câu giải đáp cho vấn đề của chính mình mà còn có tiềm năng sống một cuộc đời cao cả hơn mình tưởng. Không những Lama Yeshe đã đạt đến tiềm năng ấy cho chính bản thân ngài mà ngài còn có khả năng làm một nguồn cảm hứng cho tất cả những người đến nghe ngài, đem lại cho họ niềm tin vững chắc vào chính họ cũng có cái tiềm năng vô giới hạn đang chờ đợi được khai mở.
Tự bản thân Lama Yeshe và Zopa Rinpoche là những vị thầy đầy năng lực và rất cao thâm. Nhưng các ngài lại làm việc chung với nhau cho chúng ta một cảm tưởng rất đặc biệt. Các ngài đã kết hợp diễn giảng rõ ràng tự nhiên trong những buổi thuyết giảng chính của khóa tu tháng 11 hàng năm tại đồi Kopan ở thung lũng Kathmandu. Lama Zopa thường là thầy giảng chính, hướng dẫn từ 150 học trò trở lên trong những khóa tu tập, thực hành thiền theo truyền thống từng bước một dẫn đến giải thoát, giác ngộ, thường được gọi là lamrim. Sự tập trung vững vàng của ngài đã tạo nên một bầu không khí trang nghiêm, tĩnh mịch của thiền định, nhưng không tránh khỏi cảnh thực tế ồn ào của những người đến tham dự. Theo tôi – kinh nghiệm của hai tham dự viên không bao giờ giống nhau, ý kiến về một sự kiện thường có nhiều khác biệt – khi nhận thức được tình trạng tự hủy hoại của một cái tâm không thể chuyển hóa thường cho tôi cảm tưởng mình đã bị lôi kéo vào địa ngục. Giống như khi đang bị căng thẳng vì tự vấn, làm tăng trưởng sự khó chịu, tức bực, không thoải mái, rồi khi Lama Yeshe đến, mọi sự lập tức trở nên sáng sủa và đầy tiếng cười! Giống như khi biết thói quen của mình thường tạo ra cảnh địa ngục, rồi bây giờ mình lại có thể thấy và cảm nhận được mình cũng có thể tạo ra thiên đàng.
Sau chín năm, vì số học trò Tây phương tăng lên ở Nepal và Ấn độ, Lama Yeshe và Zopa quyết định làm một cuộc hành trình qua Tây phương vào năm 1974 để thấy tận mắt lý do tại sao lại có những người đi tìm các ngài. Quyển sách Năng Lực Trí Tuệ là kết quả của chuyến du hành đầu tiên này (đề tài Vọng Tâm Phát Sinh Như Thế Nào được thêm vào trong lần xuất bản 1982.) Cuộc hành trình đầu tiên ở Hoa Kỳ rồi sau đó là Úc châu và Tân Tây Lan vào năm 1975 đã gieo những hạt giống mà sau này đã lớn mạnh trong toàn cầu với hơn 100 trung tâm Phật giáo ở hơn 25 quốc gia. Vì Lama Yeshe qua đời năm 1984 rồi được khám phá ra sự tái sinh của ngài ngay năm sau đó, nên người đệ tử tâm huyết của ngài là Lama Thubten Zopa Rinpoche đã trông coi, phát triển và sinh hoạt thường xuyên trong những trung tâm này.
Hai mươi lăm năm trước đây những quyển sách về Phật giáo Tây Tạng bằng Anh ngữ rất hiếm so với bây giờ và những hành giả Tây phương ngộ đạo viết sách cũng rất hiếm. Thường chỉ là những quyển sách viết về Phật giáo Tây tạng dưới hình thức lịch sử hoặc nhân chủng học. Quyển Năng Lực Trí Tuệ xuất hiện theo một căn bản hoàn toàn khác biệt. Như Lama Yeshe đã từng giải thích nhiều lần, khi chúng ta nghiên cứu Phật giáo là thật sự chúng ta tìm hiểu chính mình. Có nghĩa là chúng ta xử dụng những phương pháp phân tích và thiền định mà Đức Phật đã dậy từ hơn 2500 năm trước, được các vị thầy Ân độ và Tây Tạng thảo luận tỉ mỉ sau đó, về quán tâm của chính mình rồi sẽ khám phá ra chúng ta đã bị cầm tù và sẽ được giải thoát như thế nào. Ngoài Phật giáo ra không một phương pháp thực hành nào có thể giúp chúng ta tìm hiểu tâm của chính mình và những cảm thọ của chính mình.
Sự quán tâm như thế - không làm an tâm như đã được chứng minh - có một giá trị rất cao vì rất nhiều người đã chân thành tìm đọc quyển Năng Lực Trí Tuệ trong 25 năm qua, và bây giờ vẫn còn tiếp tục. Mặc dù trong một phần tư thế kỷ qua kỹ thuật đã tiến một cách vượt bực, đáng ngạc nhiên, ảnh hưởng sâu xa đến đời sống thường ngày của chúng ta – với những giàn máy vi tính tinh vi siêu tốc độ trong mỗi nhà, mỗi văn phòng, mang những sinh hoạt trên thế giới gần lại với nhau – nhưng chúng cũng không thể giải đáp được những vấn nạn thâm sâu: làm thế nào cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa hơn? Hình như khi truyền thông tin tức đi nhanh thì sự giao tế giữa con người với nhau, đây là điều quan trọng, lại đi chậm lại. Sự phát triển kỹ thuật và tiến bộ vật chất chỉ giải quyết, chỉ thỏa mãn cấp thời những mục tiêu đòi hỏi lâu dài trong đời sống của chúng ta, chúng không thể giải quyết, càng không thể thỏa mãn những nhu cầu sâu thẳm trong tâm ta. Tôi hy vọng rằng quyển Năng Lực Trí Tuệ xuất bản lần thứ 25 sẽ đem lại nguồn cảm hứng và hy vọng cho những ai còn quan tâm đến vấn đề này trong thiên niên kỷ mới.
Jonathan Landau
7/2000