Thư Viện Hoa Sen

1. Ý Thức Về Cái Chết

24/11/201012:00 SA(Xem: 38667)
1. Ý Thức Về Cái Chết

CHỦ ĐỘNG CÁI CHẾT
ĐỂ TÁI SINH TRONG MỘT KIẾP SỐNG TỐT ĐẸP HƠN
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong dịch
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

1
Ý THỨC VỀ CÁI CHẾT

« Giống như một người thợ dệt đã dệt đến đoạn cuối cùng của sợi chỉ, đời sống của con người cũng thế » Phật

Ý thức được cái chết là điều hệ trọng: phải hiểu rằng ta không ở lâu trên địa cầu này. Không ý thức được cái chết, ta sẽ không thể tận dụng toàn vẹn cuộc sống của ta. Sự sống hàm chứa một ý nghĩa, nhờ sự sống đó ta mới có thể thực hiện được những gì tiếp nối về sau.

Phân tích cái chết không làm gia tăng sợ hãi, nhưng chính để giúp ta hiểu được giá trị quý giá của kiếp sống này, dựa vào sự sống ấy ta mới có thể thực hiện được những điều thiết thực, thay vì chỉ biết lo âu. Ta phải hiểu rằng khi cái chết đã đến, lúc ấy ta sẽ mất hết khả năng tu tập. Vì thế, quán nhận một cách ý thức về cái chết sẽ làm gia tăng sức mạnh giúp ta tu học.

Chấp nhận cái chết như là một quá trình của sự sống là điều cần thiết. Phật có nói:

Nơi ta có thể sống 
để tránh khỏi cái chết 
Quả là không có
Nơi đó chẳng có trong không gian, trong đại dương,
Cũng chẳng có trong lòng của một quả núi.

Nếu ta chấp nhận cái chết là một thành phần của sự sống, ta sẽ đối phó dễ dàng hơn khi cái chết xảy đến. Trong thâm tâm, ta biết rằng cái chết rồi sẽ mang ta đi, nhưng ta cứ nhất quyết không nghĩ đến nó, tình trạng như vậy chẳng những không hợp lý chút nào mà còn thật tai hại. Cũng giống như khi ta không công nhận sự già nuathành phần bất khả phân của sự sinh tồn, ta gạt bỏ nó ra và không nghĩ tới nó. Hậu quả ta sẽ trở nên bất lực trước sự hiện diện của nó. Khi tuổi già đến và lúc đó ta phải chấp nhận nó thì quả là một điều khó khăn.

Nhiều người dù thân xác đã lớn tuổi nhưng cứ làm ra vẻ như còn trẻ. Trường hợp của tôi đây, khi gặp lại các bạn hữu đã quen biết từ lâu, chẳng hạn như một vài thượng nghị sĩ Hoa-Kỳ, tôi đã gọi họ « Này ông bạn già của tôi » với ý nghĩ họ là một người bạn đã quen biết từ lâu, chứ không phải là những người bạn lớn tuổi. Nhưng họ đã bắt lỗi tôi: « Chúng ta không phải là những người già, phải nói chúng ta là những người bạn quen biết từ lâu! » Nhưng thực tế thì họ đã già – lỗ tai họ đã mọc lông, dấu hiệu của già nua. Họ đau khổ vì phải chịu già nua, quả thậtngu xuẩn. Tôi ước chừng đời người được khoảng một trăm năm, quá ngắn khi so sánh với sự hiện hữu của một hành tinh. Vì vậy nên sử dụng sự hiện diện ngắn ngủi của ta như thế nào để đừng gây ra lầm lỗi cho kẻ khác. Không nên dùng nó để gây ra những hành động tàn phá, nhưng nên hướng vào những sinh hoạt lợi ích – hoặc ít ra cũng không làm thương tổn đến kẻ khác, không gây ra lo buồn cho kẻ khác. Làm được như thế sẽ mang đến cho khoảng thời gian du lịch ngắn hạn của ta trên địa cầu này một chút ý nghĩa. Nếu một người đi du lịch viếng thăm một nơi nào đó trong chốc lát mà lại tạo ra vô số vấn đề, thì thật là đần độn. Nhưng nếu trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, với tư cách một người đi du lịch ta lại tạo được hạnh phúc cho kẻ khác, thì quả ta là một người khôn khéo, và rồi ta sẽ tìm được hạnh phúc trong chặn đường sắp tới. Nếu ta gây ra khó khăn cho kẻ khác mà không cảm nhận thấy ngay trong thời gian viếng thăm chăng nữa, ta cũng sẽ tự hỏi cuộc viếng thăm của ta có ích lợi gì.

Trong một trăm năm hiện hữu, giai đoạn đầu dành cho tuổi thiếu thời, giai đoạn chót cho tuổi già nua, trong hai quá trình đó ta giống như một sinh vật chỉ biết ăn và ngủ. Trong giai đoạn trung gian, khoảng chừng sáu mươi hay bảy mươi năm, ta mới thật sự sống một cuộc sống có ý nghĩa. Vì thế mà Phật đã nói:

Nửa đời người chỉ dùng để ngủ, mười năm làm trẻ nhỏ, hai mươi năm làm người già. Trong hai mươi năm còn lại thì lo buồn, than vãn, đau đớn, bất an làm phí phạm rất nhiều thì giờ, chưa kể hàng trăm lần bệnh tật làm tiêu hũy thời gian nhiều hơn nữa.

Để có thể đem đến cho sự sống một ý nghĩa, chúng ta cần phải chấp nhận sự già nua và cái chết như những thành phần bất khả phân trong sự hiện hữu của chúng ta. Xem cái chết là một chuyện hão huyền sẽ tạo thêm dục vọngvô số vấn đề, đôi khi còn cố tình tạo ra những điều không hay cho kẻ khác. Ta cứ xét hành vi của những người được xem là những nhân vật vĩ đại – chẳng hạn như các vị đế vương, vua chúa, v. v. – họ xây dựng lâu đài khổng lồ có tường cao vây kín, điều ấy cho thấy trong thâm tâm họ có cái ý muốn sống bất tận trong thế giới này. Đấy là cách họ tự dối gạt và đem đến đau khổ cũng như khó khăn cho biết bao nhiêu người chung quanh.

Dù không tin vào kiếp sau đi nữa, nhưng nếu biết nhìn thẳng vào thực tế cũng là một điều tốt, hữu ích và khoa học. Con người, tâm thức và mọi hiện tượng đều dính liền với một nguyên nhân và chúng biến đổi trong từng giây phút một, và cũng nhờ thế một sự thăng tiến nào đó mới có thể xảy ra được. Nếu mọi cảnh huống không biến đổi liên tục, chúng sẽ mãi mãi nằm trong khổ đau. Kẻ nào ý thức được những gì mang tính cách giai đoạn đều sẽ phải đổi thay, thì họ có thể tự an ủi khi phải trải qua một chuổi dài thử thách, họ nghĩ rằng cảnh huống đó sẽ không kéo dài vô tận. Vì thế tại sao phải lo buồn? Sự may mắn lại rất mong manh. Tốt nhất không nên quá trông cậy vào may mắn. Dựa vào sự bất di dịch của sự sống là một thái độ lầm lạc. Ngay cả khi ta chấp nhận giả thuyết có những kiếp sau đi nữa, thì ta vẫn phải sống với hiện tại, tương lai không hệ trọng nhiều. Nếu đời ta chỉ dựa vào sự vui chơi và buông thả, ta sẽ bỏ mất dịp may tu tập tinh thần trong chiều hướng tích cực. Nguyên lý vô thường thật hữu hiệu.

Muốn ý thức được vô thường phải biết giữ một kỷ cương nào đó: tức phải khắc phục được tâm thức. Điều ấy không có nghĩa là phải đè nén hay khắc phục một điều gì bên ngoài. Kỷ cương không có nghĩa là cấm đoán mà chính là một sự lựa chọn, phải gạt bỏ những lợi ích ngắn hạn để chọn những lợi ích lâu dài. Đó chính là kỷ luật của cái « tôi », phát sinh từ luật nhân quả của nghiệp. Ví dụ như sau một cơn bệnh gần đây, tôi tránh không dùng những thức ăn chua và nước uống ướp lạnh, những thứ ấy trước đây đối với tôi là những thực phẩm vừa ngon lại dễ chịu. Giữ kỷ cương như thế tức là tự che chở lấy mình. Cũng giống như vậy, suy tư về cái chết chính là một kỷ cương trong mục đích cứu vớt, không phải là một hình phạt. Con người có khả năng làm được điều thiện, sự kiện ấy có vẻ hàm chứa một chút tự do nào đó, trong khi sự độc đoán chỉ kiềm hãm việc làm phải mà thôi. Chủ trương cá nhân buộc ta không chờ đợi bất cứ gì bên ngoài hay phát xuất từ những kẻ khác, mà chỉ trông cậy vào chính mình. Do đó Phật thường kêu gọi hãy « giải thoát cá nhân », có nghĩa là tôn trọng sự tự do của mỗi người, không dựa vào một tổ chức nào từ bên ngoài. Mỗi con người phải nắm lấy trách nhiệm tương lai của chính mình. Sự tự do và chủ trương cá nhân đòi hỏi mỗi người phải biết giữ kỷ cương. Kẻ nào tự biến mình thành một món đồ chơi của xúc cảm sẽ gặt hái những hậu quả đau buồn. Vì thế, sự tự do phải đi đôi với một kỷ cương cá nhân mới trở nên hữu hiệu được.

MỞ RỘNG TẦM NHÌN

Trong phối cảnh tu tập Phật giáo, mục đíchđạt được Phật tính để có thể giúp đỡ thật nhiều người khác. Dù chỉ đạt được một phần nhỏ mục tiêu đó cũng có thể giúp ta tự giải thoát khỏi vòng khổ đau của sinh, già, bệnh và tử. Trong một mức độ thấp hơn nữa, thì cũng vẫn hữu ích để cải thiện các kiếp sống của ta sau này. Dần dần ta cũng sẽ được giải thoát, và đạt được Phật tính. Trước hết, phải nhìn phối cảnh đó thật rộng, bao gồm cả các kiếp sống tương lai. Kế tiếp, phải hiểu rõ trình độ của ta mới có thể biến cải được khổ đau, dai dẵng từ kiếp này sang kiếp khác trong chu kỳ sinh tử, tức luân hồi (Samsara). Nhờ vào lòng từ bi, ta có thể mở rộng tầm nhìn trên đây để cùng chia xẻ với những người khác, lòng từ bi chính là để giúp tất cả mọi chúng sinh thoát vòng đau khổ và những nguyên nhân gây ra đau khổ. Từ bi giúp ta hướng về Phật tính.

Trước khi thấu triệt được bản chất của khổ đau và luân hồi, ta phải cẩn thận chọn lựa những gì thiết yếu trong cuộc sống này, vì chúng sẽ quyết định cho những kiếp sống tương lai. Biết nhìn vào khổ đau thật là điều cần thiết để mở rộng lòng từ bi. Là những người Tây tạng, chúng tôi cố gắng tạo lập một hình thức tự trị cho xứ sở chúng tôi để phục vụ cho người dân trên quê hương của chúng tôi. Đồng thời chúng tôi cũng cố gắng thiết lập vị trí tạm của chúng tôi trên đất Ấn độ. Thực hiện được mục đích thứ nhất là việc chính, nhưng cũng phải dựa vào mục đích sau với tính cách giai đoạn.

NHỮNG BẤT LỢI KHI CHE DẤU CÁI CHẾT

Ý thức được cái chết của ta là một điều tốt. Tại sao? Kẻ nào không ý thức được cái chết sẽ không tập trung hữu hiệu được những hành vi của chính mình. Họ sống một cuộc sống không có ý nghĩa gì cả, họ không phân biệt thái độ nào, hành vi nào sẽ gây ra đau khổ hoặc tạo ra hạnh phúc.

Không nhìn thấy cái chết gần kề, sẽ giống như một người ngủ mê và tưởng mình là vĩnh cửu: « Ta chưa chết đâu, còn lâu ta mới chết ». Khi giây phút đó đến gần, ta không còn sức để phản ứng nữa. Ngay cả nhiều người Tây tạng lúc còn trẻ vào tu viện nghiên cứu kinh sách và tu tập, nhưng khi phải thực hiện những điều đã học thì họ lại bất lực, chỉ vì họ không đạt được sự hiểu biết thật sự của vô thường.

Nếu sau khi suy nghĩ kỹ về việc tu học, ta quyết tâm vào tu viện vài tháng hay vài năm, ấy là sự cảm nhận về vô thường đã ảnh hưởng đến ta. Nhưng nếu nhu cầu khẩn thiết đó không đủ sức đứng vững trước sức tàn phá của vô thường, thì những gì ta tu học rồi cũng sẽ sụp đổ. Một số người vào tu viện nhiều năm nhưng không thăng tiến một chút nào. Suy tư về vô thường không những thúc đẩy ta quyết định tu tập mà còn tiếp tục nuôi dưỡng nó. Kẻ nào thấm nhuần trong thâm tâm rằng cái chết là chắc chắn, chỉ lúc nào chết là chưa biết mà thôi, kẻ đó rất tích cực, giống như có một người bạn bên cạnh nhắc nhở họ: « Cẩn thận, hãy nhìn cho kỹ: lại thêm một ngày vừa hết rồi đó ! ».

Ta có thể rời bỏ gia đình và chọn cuộc sống nơi tu viện. Tu viện sẽ cho ta một tên mới, quần áo mới. Ta sẽ bớt bận rộn hơn. Nhưng cần phải thay đổi thái độ, hãy hướng sự chú tâm của ta vào những đối tượng cao cả hơn. Nếu ta vẫn tiếp tục nhạy cảm với cuộc sống hời hợt: thức ăn ngon, quần áo sang trọng, nhà đẹp, thích kẻ khác ăn nói tâng bốc, thích có nhiều bạn hữu, nhiều giao du, hoặc ngay cả việc bạn bè khích động, thì chẳng những ta không gặt hái được kết quả nào cả mà còn có thể rơi xuống thấp hơn trước nữa. Không phải chỉ từ bỏ những sinh hoạt phù phiếm để che mắt bạn bè cùng tu học: sự biến đổi phải phát xuất từ bên trong. Điều này không phải chỉ áp dụng cho các nhà sư và các ni cô mà cho bất cứ ai muốn thực sự tu học.

Có thể ta cũng bị ám ảnh bởi cảm giác là cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng đồng thời ta cũng cứ nghĩ rằng cái chết chưa phải ngay bây giờ, ta vẫn còn đang sống, phải cần những thức ăn ngon, những giao du thích thú. Kẻ nào sẵn sàng thụ hưởng hiện tại, mặc dù là một hiện tại hời hợt và lệ thuộc vào dục vọng, sẽ sẵn sàng sử dụng tối đa mọi phương tiện trong mục đích làm thỏa mãn những thèm khát của mình: cho vay nặng lãi, khinh miệt bạn hữu, kiện thưa để làm giàu thêm. Tiền bạc thu hút họ hơn là sự tu học, ngay cả khi họ thử noi theo giáo lý nhà Phật thì họ cũng chẳng chú tâm được. Nếu có một tờ tài liệu lọt ra từ một quyển sách, họ do dự trước khi nhặt lên, nhưng nếu là một tờ giấy bạc rơi xuống đất, tức thời họ khom xuống để nhặt lấy. Nếu may mắn, ta có dịp gặp những người tu hành hy sinh đời mình cho những mục đích cao cả, nhưng biết đâu ta cũng chỉ vỏn vẹn ngưỡng mộ đức tính mộ đạo của họ, thế thôi. Trong khi ấy, nếu ta thấy một người nào đó thật sang trọng đang khoe khoan của cải, biết đâu ta cũng muốn được như vậy. Và rồi, ta sẳn sàng đánh mất thăng bằng của chính ta để nghiêng về phía những giá trị vật chất.

Kẻ nào chỉ nghĩ đến bon chen trong thế giới này sẽ sống trong đam mê và đi đến chỗ tạo ra những hành động xấu. Những vướng mắc đó chỉ đem đến khó khăn và đau buồn cho họ và cả những người chung quanh. Trên đường tu học tuần tự từng giai đoạn hướng về Giác ngộ, cũng có kẻ biết gom góp tiền của để chia sẻ với kẻ khác, nhưng nếu họ gặp những người chỉ thích có vàng nén, có lẽ họ khó tránh khỏi sự phân vân phải chọn lựa giữa một thứ tình cảm thân thiện giả tạo và lòng oán hận trước một kẻ thù. Ngay khi ta nghe nói đến việc tu học sẽ đem đến lợi ích, nhưng ta vẫn thốt lên: « Đồng ý, nhưng mà...», một chuổi dài những tiếng « nhưng mà » tiếp nối nhau. Biết đâu qua những chu kỳ liên tiếp của nhiều kiếp sống đã làm ta quen dần với những xúc cảm bấn loạn. Nhưng nếu ta lại ghép thêm vào đó một cuộc sống phù phiếm thì tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn và làm cho ta lạc hướng, không còn nhìn thấy những gì thật sự có thể mang đến lợi ích cho ta.

Thúc đẩy bởi sự thèm khát, ta đâu tìm được an vui. Ta cũng chẳng làm cho kẻ khác hạnh phúc hơn. Ta chỉ thấy chính bản thân ta: « Cái này của tôi, cái kia của tôi, thân thể của tôi, gia sản của tôi ». Ai chen vào những thứ ấy sẽ làm cho ta khó chịu ngay. Kể cả khi ta xem trọng và bám víu vào « bạn bè của ta » và « gia đình của ta », những người này cũng không giúp cho ta sinh hay tử được. Chúng ta tự đến đây một mìnhchúng ta sẽ ra đi một mình. Nếu giả sử có một người bạn nào muốn theo ta lúc ta chết, thì chuyên đó cũng không thực hiện được, dù ta có bám víu vào chuyện đó cũng vô ích. Khi ta tái sinh trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ, khi ấy người bạn từ kiếp trước may ra có thể giúp ta, chuyện này cũng đáng suy nghĩ, nhưng không phải là hoàn cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, giữa khoảng thời gian ta sinh và chết, kéo dài nhiều chục năm, ta vẫn gọi họ là « bạn của tôi », « chị của tôi », « anh của tôi ». Dù ta quyết tâm duy trì như thế cũng chẳng ích lợi gì, chỉ gây thêm hoang mang, dục vọnghận thù.

Khi ta đặt quá lố tầm quan trọng nơi bè bạn, ta sẽ rơi vào một vị thế tương tợ như khi ta đối xử với kẻ thù. Sinh ra trong cõi đời này, ta không quen ai cả, cũng chẳng ai biết ta. Mặc dù mỗi người trong chúng ta đều giống như nhau, đều muốn hướng về hạnh phúc và chối bỏ khổ đau như nhau, nhưng ta vẫn có thể gặp trường hợpthiện cảm với gương mặt của vài người nào đó và ta nghĩ rằng: « Tôi thích những ngưới này lắm », đồng thời ta lại không thấy thiện cảm với gương mặt của số người khác và ta thốt lên: « Người gì mà có bản mặt kỳ khôi ». Ta gán cho mỗi người một cá tính nhận diện nào đó, đặt thêm cho họ một biệt danh, sau cùng ta biểu lộ tình cảm gắn bó với nhóm người kể trước và tình cảm ruồng bỏ đối với nhóm người kể sau. 

Những chuyện đó thử hỏi có giá trị gì đâu? Hoàn toàn không. Dù vậy, giữa thời gian sinh và tử suốt mấy chục năm, ta vẫn gọi họ là « bạn của tôi », « anh của tôi ». Tại sao phải hao phí bao nhiêu sinh lực cho một việc có tính cách hời hợt như vậy mà không hướng nó vào những gì sâu sắc hơn trong các hành vi của ta?

Nếu ta chưa bao giờ có dịp tu tập tinh thần, đến ngày chết, chỉ có những người thân vây quanh ta than khóc, dây dưa với những chuyện làm ăn còn dính líu, bên cạnh không có một người tu hành nào đưa tiễn ta bằng cách nhắc nhở những điều đạo đức, để rồi ta sẽ gặp thật nhiều khó khăn mà chính ta là nguyên nhân gây ra những khó khăn đó. Sự sai lầm ấy là do đâu? Do ta không hiểu biết gì cả về vô thường.

NHỮNG ĐIỀU LỢI KHI Ý THỨC ĐƯỢC VÔ THƯỜNG

Nếu ta không muốn chờ đến ngày cuối cùng để biết rằng ta sắp chết, và ngay từ bây giờ ta biết thẩm định tình huống của ta một cách thực tế, ta sẽ không vướng mắc vào những chuyện phù phiếm. Ta không xao lãng những gì chính yếu.

Tốt hơn phải hiểu là ta có thể sắp chết đến nơi, và ta nên xác định những gì thật thiết yếu. Nếu lúc nào ta cũng nhớ trong thâm tâm sự phù du của kiếp sống này, ta sẽ ý thức được giá trị của thời gian còn lại và từ đó ta có thể cân nhắc hậu quả từng hành vi của ta. Khi cảm nghĩ mảnh liệt về cái chết không còn xa nữa, lúc đó ta sẽ cảm thấy con đường tu tập tinh thần để phát triển tâm linh là việc cần thiết. Như thế ta sẽ không bị phân tâm và xao lãng bởi những bửa ăn ngon, rượu chè say khướt và những câu chuyện thảo luận bất tận về chiến tranh, tình yêu hoặc những chuyện nói xấu lẫn nhau.

Mỗi người đều cố tìm hạnh phúc và lẫn tránh khổ đau. Chúng ta đều tìm mọi phương cách để vượt lên trên những khổ đau đang phải gánh chịu, dù rằng những khổ đau đó có tính cách cơ bản hay chỉ hời hợt bên ngoài. Nhiều người lúc còn trẻ đã biết nghĩ đến việc tìm phương cách để lẩn tránh khổ đau về sau. Nhiều người nhờ vào tôn giáo, nhiều người không cần, nhưng tất cả đều tìm đủ cách để giới hạn những khó khăn này, loại bỏ những khó khăn khác, đôi khi họ cũng dùng cả khổ đau để vượt lên những khổ đau khác lớn hơn, trong mục đích tìm lấy một chút nhẹ nhỏm. Con người thường tìm cách loại bỏ những khổ đau bên ngoài, nhưng cũng có một thứ kỹ thuật khác nhắm vào việc loại bỏ khổ đau trên một bình diện sâu xa hơn, cho đến mãi kiếp sau nữa.

Tu tập tinh thần thuộc về loại kỹ thuật đó, nó đòi hỏi ta phải thay đổi thái độ. Tu tập tinh thần là tổ chức lại tư tưởng từ căn bản. Điều này tiếng Phạn gọi là dharma: « sự nắm giữ ». Khi loại bỏ những hành vi vô bổ, ta sẽ đạt được một cấp bậc tâm thức khác, giúp ta tránh khỏi khổ đau. Tu tập tinh thần sẽ che chởbảo vệ ta, cả cho ta và những người khác nữa, khỏi rơi vào sự nghèo nàn về đạo đức. Khi ý thức được vị trí của chính mình trong chu kỷ sinh tử, ta sẽ ảnh hưởng được người khác đồng thời cũng giúp ta phát lộ được lòng từ bi. Vì thế ta sẽ xả thân để giúp kẻ khác bớt khổ đau. Ta sẽ cảm thấy việc chăm lo cho thật nhiều người là một việc tự nhiên. Tìm cách giúp kẻ khác, ta sẽ đạt được hạnh phúc. Từ bi làm giảm bớt sợ hãi trước những âu lo và tăng cường sức mạnh trong ta. Từ bi giúp ta cảm thấyđủ khả năng để hoàn thành một nhiệm vụ, đấy là một sự khích lệ. 

Gần đây, ở Bodgaya[1] , tôi ngã bệnh vì bị nhiễm trùng dai dẵng ở ruột. Trên đường vào bệnh viện, tôi đau bụng rất nhiều, mồ hôi đầm đìa. Chiếc xe đưa tôi vào bệnh viện đi ngang nơi gọi là « Đỉnh Kên Kên » [2] nơi Phật đã từng thuyết pháp, dân chúng ở đây là những nông dân hết sức nghèo. Nói chung tiểu ban Bihar đã nghèo, riêng nơi đây lại còn nghèo hơn nữa. Tôi chẳng thấy đứa trẻ con nào đến trường. Chỉ toàn là cơ hàn và bệnh tật. Tôi vẫn còn nhớ một đứa bé bị polio hai chân mang nạng bằng sắt đã hoen rĩ. Không ai để ý đến em. Tôi hết sức xúc động. Chập sau, tôi lại thấy có một cụ già nằm trên đất, trước một quán nước trà, trên người chỉ có một mảnh vải dơ bẩn, không một người nào dòm ngó đến cụ. Lúc đến bệnh viện tôi cứ nghiền ngẫm về những hình ảnh đó, tôi biết rằng tôi được chăm sóc thuốc men, trong khi những người đó chẳng có gì cả. Mặc dù đang đau đớn, nhưng tôi chỉ nghĩ đến họ mà thôi. Thân thể tôi tuy ướt sũng mồ hôi, nhưng sự quan tâm của tôi là nơi khác

Cơn đau thật dữ dội (ruột tôi bị lủng vì lở loét) làm tôi không ngủ được, nhưng tâm tôi không chút gì sợ hãi hay bất an. Tình trạng của tôi biết đâu sẽ trầm trọng hơn nếu tôi tập trung suy nghĩ vào sự đau đớn. Đó là một kinh nghiệm nhỏ về lòng từ bi có thể trợ lực làm bớt đau đớn trên thân xác, và tránh khỏi lo âu, mặc dù những kẻ bất hạnh mà tôi đang nghĩ tới chẳng được chăm sóc gì.

Lòng từ bi giúp ta sức mạnh, đem đến can đảm, làm cho ta thư giản. Khi ta thấy được cái đau khổ của vô số chúng sinh, sự đau khổ của chính ta nếu đem ra so sánh sẽ chẳng nghĩa lý gì. 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: