- Con Chó Khôn Ngoan
- MÙA AN CƯ THỨ TÁM (Năm 580 trước TL)
- Chánh Hậu Của Đức Vua Udena
- Một Số Giới Điều Cần Thiết
- Hiện Tại Pháp Lạc
- Về Hơi Thở
- Chỉ Việc Thở Thôi
- Hóa Độ Du Sĩ Magandiya
- Ôi! Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!
- Cô Bé Visākhā
- Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?
- Bà Phu Nhân Xinh Đẹp
- Bài Học Về Vườn
- Bậc Chư Thiên Ái Kính
- Bài Học Về Rừng
- Đại Thần Chú
- Thêm Một Gia Chủ Hữu Danh
- Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ
- Chiếc Lá Đắng
- Hạt Giống Hy Hữu
- Tu Hạnh Chó Và Hạnh Bò
- Vị Thánh Bảy Năm Trong Bình Máu
- Những Người Bạn Cũ
- Chiếc Phao Phước Báu
- Sa-Môn Đầu Trọc
- Hoá Độ Bà-La-Môn
- Lại Nhiếp Hóa Bà-La-Môn Nữa
- Chuyện Tỳ-Khưu Nanda
- Sắc Đẹp Hoa Sen
- Cảm Hóa Cô Dâu Hư!
- Bậc Chiến Thắng Bất Diệt, Bạn Của Ta Giờ Ở Đâu?
- Đặc Tính Của Biển Lớn
- Người Đàn Tín Hộ Trì Tối Thượng
- Một Doanh Gia Thành Đạt
- Đức Hạnh Nhẫn Nhục Của Tỳ-Khưu Puṇṇa (Phú-Lâu-Na)
- Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ
- Vị Thánh Trong Bụng Cá
- Những Câu Hỏi Vớ Vẩn!
- Rāhula Ngủ Trong Nhà Xí
- Voi, Lừa Và Đa Đa
- Tấm Gương Học Tập Của Rāhula
- Bài Học Của Nai Tơ
- Cô Thị Nữ Lưng Gù
- MÙA AN CƯ THỨ CHÍN (Năm 579 trước TL)
- Cúng Dường Bằng Tâm Ý
- Như Thớt Voi Giữa Trận Tiền
- Gà Sống, Gà Chết
- Mũi Tên “Phản Nghịch”
- Giẻ Rách Cũng Hữu Dụng
- Ngọn Lửa Hận Thù
- Báo Ứng
- Nghiệp Nhân Từ Quá Khứ
- Giọt Nước Cặn Trong Gáo Vệ Sinh
- Chuyện Đàn Chim Cun Cút
- Không Hận Thù(1) Mới Dập Tắt Được Hận Thù
- An Lạc Của Hạnh Độc Cư
- Như Nước Với Sữa
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 3
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Voi, Lừa Và Đa Đa
Sau khi chế định lại điều học, vì các vị tỳ-khưu chỉ thêm một chữ “chưa thọ giới” và “chưa thọ đại giới” mà sinh ra cớ sự, đức Phật lại quay sang kể chuyện xưa để giáo giới chuyện xảy ra với tôn giả Sāriputta.
- Này hội chúng! Thuở xưa, rất là lâu xưa, trong khu rừng già nọ có một con voi, một con lừa và một con chim đa đa chung sống, làm bạn với nhau rất là thuận hòa và êm ấm. Chúng thường vui chơi với nhau, nô giỡn với nhau, tụ họp, chuyện vãn với nhau dưới tàn đại cổ thụ cành lá sum suê đã hàng ngàn năm tuổi.
Hôm nọ, voi chợt nói:
- Này các bạn! Chúng ta sống với nhau dường như đã quá lâu, không ai còn nhớ thời gian, và cũng không ai biết là ai sinh trước, ai sinh sau, ai lớn, ai nhỏ! Kỳ không? Phàm lớn là anh mà nhỏ là em! Ít ra, chúng ta phải làm thế nào để biết rõ ai lớn ai nhỏ để xưng hô cho phải lẽ chứ? Nhỏ thì phải biết vâng lời, tôn kính, tôn trọng lớn; lớn thì phải biết nhường nhịn, chở che, đùm bọc nhỏ! Các bạn nghĩ có đúng thế không?
Chim đa đa gật đầu, nhưng lừa thì chợt cười:
- Trên nguyên tắc thì đồng ý! Nhưng bạn voi ơi! Chữ gọi là nhỏ và lớn của bạn đưa ra có vấn đề đấy! Nói rõ là nó có vẻ ỡm ờ, lấp lửng, không rõ nghĩa! Tại sao ư? Bạn to con, lớn xác, chẳng lẽ bạn làm anh ư? Vậy phải xác định rõ, lớn ở đây là lớn về tuổi tác, chứ không phải là to con, lớn xác, đồng ý thế không?
Voi vỗ chân đồm độp:
- Bạn đã bóp méo vấn đề. Câu tôi nói là thời gian sinh trước, sinh sau mà!
- Vậy thì được!
Chim đa đa nói xong, bèn quay sang hỏi tuổi tác của ông voi.
Voi bần thần ngẫm ngợi một lúc, rồi chợt đưa mắt ngước nhìn cây đại cổ thụ cao gấp cả hàng chục lần nó, đáp rằng:
- Tôi không biết là tôi sinh ra từ lúc nào, ở đâu, nhưng còn nhớ rất rõ, khi tôi lớn lên, cái vòi của tôi có thể sờ cái đọt cây này một cách dễ dàng!
Lừa cười, bày cả hàm răng trắng hếu:
- Vậy là bạn còn nhỏ tuổi. Thuở lớn lên, tôi cao ngang bằng cây đại thụ này và tôi ăn những đọt lá của nó dễ như chơi, không cần phải nhón chân, độn móng!
Nghe voi và lừa kể, chim đa đa chợt hót lên một tràng không giống ai, kèm thêm giọng cười hin hít, chin chít rất khó nghe.
Cả hai bèn hỏi chim:
- Bạn làm cái quái gì vậy?
- Tôi cười! Chim đáp - tôi vui quá nên tôi cười kiểu chim đa đa như vậy đó! Các bạn hiểu tại sao không? Tôi không còn nhớ thời gian hay tuổi tác, nhưng tôi biết rõ như thế này. Thuở ấy, khi qua chơi trên Himalaya, tôi ăn được một chùm trái ngon ngọt như mật ong, khi bay ngang đây, tôi ỉa xuống một bãi phân. Rồi từ trong đó, một cái hạt nứt ra, mọc lên thành cây đại cổ thụ bây giờ!
Voi vốn đôn hậu, thật thà, xác nhận:
- Hóa ra tôi to con lớn xác mà lại là sinh sau đẻ muộn. Vậy so tuổi tác với các bạn, tôi nhận mình là em út đó nghe! Bạn lừa là anh thứ của tôi, còn chú đa đa bé tí xíu kia lại là anh cả, anh trưởng. Vậy từ rày về sau, chúng ta cứ theo thứ tự tuổi tác để xưng hô cho phải lẽ.
Đức Phật cất giọng kết luận như tiếng chuông ngân tỉnh thức:
- Voi, lừa, đa đa là giống súc sanh, noãn sanh thế mà chúng còn biết phân biệt tuổi tác lớn nhỏ, biết tôn ti trật tự, biết cách xưng hô để tôn kính kẻ lớn tuổi hơn mình. Còn trong giáo hội này, chuyện gì đã xảy ra?
Như Lai thường coi Sāriputta như ngang hàng với Như Lai, là bậc trưởng thượng, thượng tôn tăng đoàn. Là vị đệ nhất đại đệ tử, là thượng thủ của giáo hội, thế mà các ông tỳ-khưu trẻ lại không biết tôn kính Sāriputta, con trai trưởng của Như Lai!
Này đại chúng Tăng ni! Sāriputta niên cao, lạp(1) lớn, hằng quan tâm đến đại chúng, đến sự phát triển của giáo hội, đến sự hoằng dương giáo pháp nên ít có cơ hội nghĩ đến bản thân mình, nếu không muốn nói là ông ta đã dứt bỏ cái bản ngã, ít ăn, ít ngủ, chỉ sống cho mọi người, lo cho mọi người. Thế mà ở đây đã có một số vị không thấy, không biết cái ân đức ấy của Sāriputta. Từ tu viện này sang tu viện khác, từ vườn rừng này sang vườn rừng khác, ở đâu cũng có tấm lòng và bàn tay chăm sóc, vun quén của Sāriputta! Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong ra ngoài, việc gì ông ta cũng chu tất, toàn mãn không chê vào đâu được. Sāriputta lo cho người bệnh, người già yếu, hướng dẫn giáo pháp không mệt mỏi; không bỏ quên cả một sa-di nhỏ tuổi, quan tâm đến cả từng bữa ăn, một cái chăn đắp, một cái mụt nhọt chưa lành của ai đó. Thế gian này không có một ông Sāriputta thứ hai với những phẩm chất tuyệt hảo như thế, muôn triệu năm mới có một người. May ra chỉ có thêm Moggallāna là tương tợ. Thế mà, đêm qua, Sāriputta của chúng ta không có được một chỗ nghỉ, dầu là một mái che nhỏ, dầu là một góc hành lang! Tịnh thất đặc biệt dành riêng cho ông ấy đã bị mấy ông tỳ-khưu trẻ nào đó chiếm chỗ. Thế là với một lá y tạm che sương, Sāriputta qua đêm giữa sương lạnh!
Đại chúng nghĩ thế nào về điều tệ hại ấy? Các vị sống trong giáo pháp phát triển đời sống tinh thần bậc cao mà tại sao lại còn thua con voi, con lừa, con đa đa trong câu chuyện kể trên?
Đức Phật im lặng. Giảng đường yên lặng. Cả con muỗi bay cũng nghe được âm thanh. Có một số các vị tỳ-khưu xấu hổ cúi gằm mặt xuống. Có một số vị thì học được bài học nghìn vàng.
Đến ngang đây thì tôn giả Sāriputta đâu từ bên ngoài bước vào, đảnh lễ đức Phật rồi thưa rằng:
- Sự giáo giới của đức Thế Tôn quả thật là lợi lạc cho đại chúng, là hữu ích cho kỷ cương, phép tắc của giáo hội. Đã làm cho trang nghiêm giáo hội. Nhưng ở đây chỉ có một số tỳ-khưu còn nhỏ tuổi, trẻ người, non dạ chưa được thuần thục trong giáo pháp mà thôi. Sau khi đức Thế Tôn đã giảng thời pháp này rồi thì có lẽ không còn ai dám để mình phải thua con voi, con lừa, con chim đa đa kia nữa. Riêng đệ tử, một đêm ngoài trời thì cũng chưa đến nỗi nào. Tôn giả Mahā Kassapa, đệ tử của tôn giả và hằng trăm vị tỳ-khưu sống đời đầu-đà khổ hạnh, họ luôn ngủ nghỉ dưới những chỗ không có mái che mà tinh thần vẫn khang kiện, sức khỏe vẫn tốt.
Đệ tử xin thay mặt số chư sư dại dột ấy, sám hối dưới chân đức Thế Tôn, vì một phần lỗi cũng do đệ tử, Moggallāna hoặc chư trưởng lão khác chưa dạy dỗ họ đến nơi đến chốn!
Đức Phật im lặng thọ nhận cái lạy và lời sám hối ấy xong, ngài nói:
-
Rồi ngài nhìn tôn giả với tia mắt vô cùng thương yêu và trân trọng, nói rằng:
- Thôi, ông hãy đứng dậy đi! Như Lai sẽ xá tội cho tất cả!
Sau đó, đức Phật dạy:
- Từ rày về sau, tất cả sa-di đều phải xem tỳ-khưu là thầy, là cha của mình. Tỳ-khưu cách nhau ba hạ lạp cũng phải được quy định bởi sự tôn kính như thế. Riêng các vị đại trưởng lão, Tăng chúng phải xem gần như ngang hàng với Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa... Và nếu như ngang hàng với các vị ấy cũng có nghĩa là ngang hàng với Như Lai. Tất cả mọi trú xứ, chỗ ngủ nghỉ, trong nhà ăn, tại nhà hội, giảng đường, trên đường đi đều phải theo tôn ti hạ lạp. Như Lai không muốn có trường hợp xảy ra như hôm qua nữa. Sāriputta đã sám hối cho các ông, vậy nếu không khôn ngoan hơn, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy các ông rất nhiều đời kiếp đấy, chẳng ai có thể cứu nổi đâu nếu mình không biết tự cứu!(1) Lạp là nói tắt của hạ lạp, tàu lấy ý từ chữ vassa (hạ), an cư mùa mưa. Sở dĩ tàu dùng chữ lạp (tháng chạp) là nhằm nói đến hết năm. Vị tỳ-khưu thường tính tuổi đạo bằng bao nhiêu mùa an cư (vassa), một hạ được coi như là một năm tuổi đạo.