- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI (Năm 578 trước TL)
- Sáu Nguyên Tắc Sống Hoà Hợp
- Hiền Giả Voi Và Khỉ
- Tình Trạng Tại Ghositārāma
- Đi Tìm Đức Phật
- Voi Chúa Sanh Thiên
- Thế Nào Là Pháp, Thế Nào Là Phi Pháp
- Xét Xử Chư Tỳ-Khưu Ghositārāma
- Bảy Phương Pháp Dập Tắt Các Cuộc Tranh Chấp (Satta-adhikaraṇa-samatha)
- Những Ông Tỳ-Khưu Hư Hỏng
- Thêm Một Vị Đại A-La-Hán
- Bánh Mè! Bánh Mè!
- Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍitasuttaṃ)
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI MỘT (Năm 577 trước TL)
- Với Đại Đức Nanda Và Sa-Di Rāhula
- Thế Gian Thanh Tịnh
- Như Lai Là Một Nông Dân
- Cho Xin Một Chiếc Lông
- Nhất Chỉ Thần Thông
- Mấy Ông Sư Quậy Phá
- Tám Trường Hợp “Úp Bát”
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI HAI (Năm 576 trước TL)
- Kệ Thơ Cảm Xúc Của Một Thi Sĩ
- Lại Ra Đi, Đến Khu Rừng Nimba
- Quả Là Vô Vị, Vô Ích, Vô Dụng!
- Nạn Đói Tại Verañjā
- Thỉnh Thị Một Bộ Luật Hoàn Hảo
- Chuyện Chim Cút, Chuyện Khỉ Vượn
- Người Cận Sự Nữ Dâng Thịt Đùi
- Sự Tích Cõi Trời Ba Mươi Ba
- Cuộc Chiến Với A-Tu-La Thiên
- Mối Tình Keo Sơn Chung Thuỷ
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BA (Năm 575 trước TL)
- Tiếp Độ Con Trai Nhà Đại Phú
- Trên Ngọn Đồi Đá Trắng
- Những Pháp Cần Có Của Một Hành Giả
- Màu Y Vàng Trên Núi Đá Trắng
- Đóa Hoa Vương Quốc
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL)
- Các Loại Cỏ
- Người Chăn Bò Khéo Giỏi
- Đàn Bò Sang Sông
- Khúc Gỗ Trôi Sông
- Trao Gia Tài
- Chỉ Có Pháp Hiện Tại
- Tuệ Quán Ở Đây Và Bây Giờ
- Người Ngu
- Cái Cán Cày!
- Hóa Độ Phạm Thiên Baka
- Chuyện Hối Lộ!
- Chuyện Cô Nữ Tu Xinh Đẹp
- Chuyện Kỹ Nữ Ciñcā-Māṇavikā
- Nhân Duyên Đẹp, Xấu, Quý, Tiện Của Người Nữ
- Trong Rừng Cây Xiêm Gai
- Cây Quạt Thốt Nốt
- Ngọn Lửa Trong Chiếc Ghè!
- Bỏ Đao, Ôm Bát!
- Những Hạt Đậu Ván
- Bữa Cơm Ngàn Vàng
- Bát Cháo, Mảnh Vải Thù Thắng
- Căn Nhà Năm Lỗ Hổng
- Chuyện Thánh Nữ Visākhā
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 4
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Người Chăn Bò Khéo Giỏi
Chiều hôm sau, chiều hôm sau nữa, lối lên thượng nguồn con sông ấy càng ngày càng hẹp, nước cạn dần nhưng trong dần. Đức Phật và đại chúng cũng trú ngụ qua đêm ở bìa rừng kế cận. Rồi hình ảnh quen thuộc của những đàn bò thong thả gặm cỏ bên sông lại hiện ra. Và vào lúc thích hợp, đúng thời nhất, đức Phật lại tiếp tục câu chuyện về người chăn bò.
- Thế nào, Sotthiya? Đức Phật bắt đầu buổi giảng pháp thoại bằng cách hỏi vị tỳ-khưu chăn bò thuở trước - Muốn cho đàn bò được thịnh vượng, thịnh mãn, tăng bội lợi ích thì người chăn bò khéo giỏi cần thiết phải trang bị cho mình những hiểu biết như thế nào?
- Thưa! Tỳ-khưu Sotthiya đáp - Đầu tiên là phải nhận biết bò của mình một cách rành rõi, nếu không sẽ nhầm lẫn bò của người khác. Ví dụ đàn bò có trăm con thì phải lấy màu sắc, hình dáng, tướng riêng biệt của mỗi con mà phân biệt. Người chăn bò tài giỏi chỉ cần liếc mắt một cái là biết mình có bao nhiêu con màu nâu đậm, bao nhiêu con màu nâu vàng, bao nhiêu con màu vàng nhạt, bao nhiêu đực, cái, già, tơ, mới sinh; bao nhiêu con có tướng chung như vậy, tướng riêng như vậy, nhất nhất đều biết rõ như trong lòng bàn tay của mình.
Đức Phật mỉm cười:
- Đúng vậy! Thế còn điều thứ hai?
- Dạ thưa! Thứ hai là phải để ý các loại sâu, các loại bọ, bò chét, các loại côn trùng thường ẩn nấp trong lông lá để hút máu, rồi chúng làm tổ đẻ con trong đó nữa, làm cho con bò ngày càng gầy yếu và mất sức đi.
Thứ ba, nếu trường hợp như vậy thì phải chịu khó kỳ cọ, tắm rửa cho chúng thật sạch sẽ.
Thứ tư, ban đêm phải tìm cách đốt khói, xông khói cho muỗi mòng, lằn bọ tránh xa đàn bò!
Thứ năm, khi con nào bị thương do cào xước, do va quệt đâu đó có máu chảy thì phải tìm cách hái lá, nhai lá đắp lên vết thương rồi băng bó cho nó.
- Còn gì nữa không, Sotthiya?
- Thưa, còn nhiều lắm! Thứ sáu là phải biết những khúc sông, khúc suối chỗ nào nước uống được, chỗ nào nước quá nhiễm bẩn không uống được.
Thứ bảy, là phải biết đường đi, lối lại nào là an ổn, an toàn nhất.
Thứ tám, phải biết bến sông chỗ nào có thể lội qua được, chỗ nào không thể.
Điều quan trọng thứ chín, là phải biết bãi cỏ nào là tốt, là ngon có lợi cho dinh dưỡng của bò.
Thứ mười, là lúc bò cái có con, có sữa thì phải biết cách bảo vệ cả mẹ, cả con; mẹ thì phải tẩm bổ thêm mạ, lúa mạch, đôi khi nấu thêm cháo đậu, cháo kê; và quan trọng nữa là nên lấy sữa chừng mực, vừa phải để dành phần cho bò con; đừng quá tham lam vắt kiệt sữa của nó.
Cuối cùng, thứ mười một là phải biết chăm sóc, bảo vệ những con bò đực già, đầu đàn; vì nó anh cả, nó dẫn đầu làm gương và dẫn dắt đàn.
Vậy, tất thảy có mười một điều mà một người chăn bò tài giỏi cần biết, phải biết để cho đàn bò mạnh khỏe, thịnh vượng, tăng thịnh lợi ích, bạch đức Thế Tôn!
- Khá lắm, này Sotthiya! Đức Phật khen ngợi rồi nói - Một vị tỳ-khưu sống trong giáo pháp của Như Lai, nếu được gọi danh xứng đáng phẩm hạnh sa-môn thì cũng phải biết thành tựu mười một pháp như người chăn bò thiện xảo kia vậy!
Rồi đưa mắt nhìn đại chúng một vòng, đức Phật tiếp tục:
- Nếu điều đầu tiên của người chăn bò là phải biết màu sắc, hình dáng và tướng riêng biệt thì một vị tỳ-khưu cũng phải như thật biết các loại sắc, sắc nào thuộc sắc bốn đại và sắc nào do sắc bốn đại tạo thành. Ngoài ra, vị tỳ-khưu cũng phải biết phân biệt các tướng, tướng chung, tướng riêng, tướng của người ngu và nghiệp tướng của người ngu, tướng của người trí và nghiệp tướng của người trí.
Điều thứ hai của người chăn bò là phải biết trừ khử các loại sâu bọ, bò chét thì một vị tỳ-khưu cũng phải biết từ bỏ, trừ diệt dục tầm, sân tầm, hại tầm, các ác, bất thiện pháp khi chúng vừa khởi lên, phải làm cho chúng không được tồn tại; nếu không chúng sẽ làm tổn hại sinh mạng học giới, luật giới, sinh mạng pháp hành của các vị.
Nếu điều thứ ba của người chăn bò là phải biết tắm rửa, kỳ cọ cho sạch sẽ thì vị tỳ-khưu cũng phải gia công, ráng sức làm cho thân khẩu ý được trong sạch bởi mười nghiệp lành.
Điều thứ tư, nếu người chăn bò biết đốt khói, xông khói để xua đi muỗi lằn thì vì tỳ-khưu cũng phải biết giảng nói học pháp cho các hàng cận sự để họ tránh xa những lỗi lầm, những ác pháp, trược hạnh, ác niệm.
Điều thứ năm của người chăn bò là phải biết băng bó các vết thương do bị cào xước chảy máu thì vị tỳ-khưu cũng phải biết gìn giữ, thu thúc, hộ trì sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý bởi vì chúng rất dễ bị cào xước, bị tổn thương bởi sắc đẹp, vị ngon, âm thanh quyến rũ.
Điều thứ sáu, người chăn bò biết nơi nào có nước uống được thì vị tỳ-khưu cũng phải chứng đạt nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, uống được giọt nước trong mát tự đầu nguồn pháp bảo.
Điều thứ bảy, người chăn bò biết được lộ trình an toàn thì vị tỳ-khưu cũng phải biết rõ con đường “Thánh đạo tám ngành”, lộ trình giác ngộ, giải thoát, an toàn ngoài sanh tử y như thế.
Điều thứ tám, người chăn bò biết khúc sông nào, bến sông nào bò có thể lội qua thì vị tỳ-khưu cũng cần phải biết đi tìm gặp các vị đa văn, các bậc thiện trí, những bậc trì pháp, trì luật để học hỏi, để phá nghi, để càng ngày càng thông tỏ chánh pháp.
Điều thứ chín, người chăn bò khéo léo biết chỗ bò có thể ăn cỏ ngon thì vị tỳ-khưu cũng phải biết tìm đến bãi cỏ Tứ niệm xứ để tu tập, để nếm thưởng như chân như thật pháp vị giải thoát, là nguồn dinh dưỡng tối hậu cho tâm, cho tuệ của một hành giả phạm hạnh.
Điều thứ mười, người chăn bò phải biết bảo vệ cả mẹ và con, đừng nên vắt sữa cho đến khô kiệt thì vị tỳ-khưu khi thọ dụng y áo, vật thực, sàng tọa, dược phẩm do tín thí cúng dường cũng phải biết chừng mực, tiết độ, vừa đủ, đừng nên lạm dụng quá đáng lòng tin của hai hàng cận sự nam nữ.
Điều thứ mười một, người chăn bò chăm sóc, bảo vệ con bò đực già lão, đầu đàn thì vị tỳ-khưu cũng phải biết cung kính, quý trọng các bậc tôn túc trưởng lão, tu lâu năm, lạp lớn, những bậc thượng tôn, thượng thủ tăng đoàn và giáo hội cả trước mặt lẫn sau lưng.
Này đại chúng tỳ-khưu! Nếu người chăn bò đầy đủ mười một pháp sẽ làm cho đàn bò tăng thịnh tốt đẹp như thế nào thì một vị tỳ-khưu cũng cần thiết phải có đủ mười một pháp như thế thì mới có thể lớn mạnh, tăng thịnh, thịnh mãn trong pháp và luật của Như Lai!
Thời pháp hy hữu, kỳ lạ, dễ hình dung, dễ nắm bắt hôm đó của đức Phật đã làm cho nhiều vị chứng quả thánh, trong đó có tỳ-khưu Sotthiya.