Phần Iii Biến CốGiai Thoại Trong Cuộc Đời Của Ryokan

11/04/201112:00 SA(Xem: 7815)
Phần Iii Biến Cố Và Giai Thoại Trong Cuộc Đời Của Ryokan

RYOKAN GÃ THIỀN SƯ ĐẠI NGU
CÔ ĐƠN TRÊN CON ĐƯỜNG TRỐNG KHÔNG (CUỘC ĐỜI VÀ THI PHÚ)
Hoang Phong
Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn 2009

PHẦN III
Biến cốgiai thoại

trong cuộc đời của Ryokan

1
Một vài biến cố trong cuộc đời của Ryokan

Vào năm 1750, trên hòn đảo Sado ngoài khơi tây bắc nước Nhật, có một người con gái mười lăm tuổi tên là Nobu đi lấy chồng, người chồng tên là Shinjirô thuộc gia đình Yamamoto trong dòng họ Tachibana. Gia đình này gốc gác ở làng Izumozaki trên bờ biển, họ là những người có địa vị trong làng. Ngày nay ngôi làng Izumozaki đã trở thành một thị trấn nhỏ và từ bờ biển người ta có thể nhìn thấy hòn đảo Sado ngoài khơi khi tiết trời trong trẻo.

Nhưng chưa đầy ba năm sau, tức vào năm 1753, thì người con gái bỏ về nhà cha mẹ, không biết rõ là vì lý do ly dị hay ly thân. Năm 1755, người con gái được hai mươi tuổi lại đi lấy chồng dưới một tên mới là Hidé, người chồng tên là Araki Junai và là một người con đỡ đầu trong dòng họ Tachibana. Người con gái trong câu chuyện trên đây chính là mẹ của Ryokan, bà sinh được mười người con, nhưng chỉ nuôi được bốn trai và ba gái. Cậu bé Eizo, tức Ryokan sau này, sinh vào năm 1758 và được xem là con cả trong gia đình, cái tên Eizo là do mẹ cậu đặt cho. Nhưng thật ra Eizo không phải là con cả, một vài tài liệu cho biết cậu bé Eizo có một người anh, nhưng người này đã chết khi Eizo lên mười tuổi, tức vào năm 1768. Năm 1759 cha của Eizo, Araki Junai kế nghiệp người trưởng họ trong dòng họ Tachibana và giữ chức giáo sĩ Thần đạo trong ngôi làng Izumozaki. Lúc ấy Araki Junai vừa được 23 tuổi. Araki Junai là người trí thức và sống có lý tưởng, ông làm thơ và lấy bút hiệu là Inan. Dòng họ Tachibana có nhiều hiềm khích với một dòng họ khác rất thế lực là Tsuruga.

Năm 1760 Eizo có thêm một người em gái tên là Mura và đến năm 1762 lại có thêm một người em trai là Yushi, còn gọi là Yoshiyuki. Năm 1764, theo tục lệ cha truyền con nối, cha của Ryokan được phong vào chức xã trưởng của làng.

Năm 1765 cậu bé Eizo lên bảy và được cha gởi vào học trong một ngôi chùa thuộc Thiền phái Tào động tại một thôn nhỏ gọi là Amaze, chùa nằm sát bên bờ biển và không xa ngôi làng Izumozaki bao nhiêu. Năm 1769, mẹ của cậu Eizo sinh thêm một người con gái thứ hai là Taka, và vào năm sau 1770, lại sinh thêm một người con trai là Yuchô.

Năm 1770, Eizo được 12 tuổi và cha cậu gởi cậu đi học trong một trường tư dành cho những gia đình khá giả, trường nằm trong ngôi làng Bunsui, cách làng Izumozaki khá xa. Cậu ở trọ trong gia đình Nakamura, và gia đình này có họ hàng với cha của cậu. Trường tên là Kyôsen-juku (trường trung học Kyôsen), do một vị nho học nổi tiếng thời bấy giờ là Omori Shiyô (1738-1791) sáng lập, Omori Shiyô không ham danh vọng và từ quan để về quê dạy học.

Năm 1771, mẹ cậu sinh người con trai út là Kaoru.

Năm 1772 Eizo bước vào tuổi trưởng thành gọi là seijin. Trong xã hội Nhật thời bấy giờ con trai được xem là “tự lập” vào tuổi 15 và con gái thì vào tuổi 13. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người Nhật thường đặt thêm một tên mới, vì thế Eizo mang thêm một tên nữa là Bunkô. Đến năm 17 tuổi tức vào năm 1775, Bunkô (tức là Eizo) rời ngôi trường Kyôsen về làng giữ một chức tập sự trong xã để chuẫn bị làm xã trưởng thay cha sau này. Đấy là truyền thống cha truyền con nối trong xã hội Nhật thời bấy giờ. Nhưng Eizo lại không thích các việc quản lý, thuế má, tranh chấp, an ninh trong làng. Nhìn thấy các việc như thưa kiện, hỏi cung, xử phạt... lại càng làm cho Eizô khiếp sợ hơn nữa. Trong khi đó thì hai dòng họ Tachibana và Tsuruga lại tranh chấp ra mặt và quyết liệt hơn trước làm cho Eizo rất nản chí.

Trong cái bối cảnh căng thẳng, đầy lắc léo và mưu mẹo đó cậu thiếu niên Eizo đã nhận xét như sau: “cái thế giới này đã lầm lạc rồi, khi xem nghệ thuật lừa đảo là biểu hiện của trí thông minh”. Ngày 18 tháng 7 âm lịch (tức vào tháng 8 dương lịch) năm ấy, Eizô tìm đến ngôi chùa Kôshôji, xin gặp vị thượng toạ trụ trì là Genjô Haryô để xin quy y. Eizo xin cạo đầu làm sa di và ở lại chùa để tập thiền và bốn năm sau thì được thụ phong tỳ kheo. Cũng xin nhắc thêm là cả ba em trai của Eizo về sau này cũng đều trở thành thi sĩ và cũng lần lượt xuất gia.

Năm 1777, mẹ của Eizo lại sinh thêm một người con gái nữa tên là Mika, đây là người con gái út trong gia đình. Vì Eizo xuất gia nên người em trai kế là Yushi phải thay Eizo tập sự ở xã để sau này kế nghiệp cha. Năm 1779, Eizo (tức Bunkô) được thụ phong qua một nghi lễ gọi là tokudo để chánh thức trở thành một tỳ kheo, ông được thầy ban cho pháp danh là Ryokan. Nhưng cũng vào năm ấy có một vị thiền sư khác đến viếng chùa, đấy là thiền sư Dainin Kukonen (1723-1791), trước kia đã từng là vị trụ trì của ngôi chùa này và đồng thời cũng là vị thầy cũ của thượng tọa Haryô, tức là vị thầy của Ryokan. Thiền sư Dainin Kukonen lặn lội từ phương Nam lên để chủ trì một khoá tu học tổ chức tại đây. Nhân dịp này Ryokan xin theo thụ giáo với vị sư già Kukonen. Thế là hai thầy trò quay về phương Nam, một nơi cách ngôi làng Izumozaki hơn 1200 kilômét, họ đi từ tháng 6 đến tháng 11 mới đến nơi.

Năm 1783, mẹ của Ryokan qua đời, thọ bốn mươi tám tuổi, còn Ryokan thì được hai mươi lăm tuổi. Vì ở xa nên Ryokan không trở về làng được để chịu tang mẹ. Nhưng vào năm 1785 thì ông có trở về quê vài hôm để làm lễ mãn tang ba năm cho mẹ, sau đó lại quay về chùa.

Năm 1786, dòng họ Tsugura mượn thế các cấp lãnh đạo trên tỉnh để gây khó khăn cho cha Ryokan, vì thế ông phải từ chức trưởng làng, em của Ryokan là Yushi thay vào chức vụ ấy. Vào năm 1789, Yushi được 27 tuổi và sinh được một người con trai là Umanosuke.

Năm 1791, thầy của Ryokan là Kukonen qua đời lúc 68 tuổi. Sau khi thầy qua đời, Ryokan không còn muốn lưu lại chùa nữa vì hai lý do, thứ nhất là ông không thích việc quản lýđời sống tập thể trong chùa, thứ hai là ông không chịu được áp lực điều hành từ các cấp trên áp đặt. Hình như trong thời kỳ này Ryokan có rời chùa trở về quê hương và ra thăm hòn đảo Sado, quê mẹ của ông, nhưng không có tài liệu nào thật đích xác về sự kiện này. Tuy nhiên những gì chắc chắn là sau khi thầy chết được một năm thì Ryokan từ biệt tăng đoàn để ngao du và sống cuộc đời phiêu bạt trên hòn đảo Shikoku thuộc miền Nam nước Nhật.

Ngày 25 tháng 7 âm lịch (đầu tháng 9 dương lịch, 1795) cha của Ryokan nhảy xuống sông Katsuragawa ở Kyoto để tự tử, vì thất vọng hay là vì sợ phe quân phiệt Shogun đang cầm quyền sẽ thanh trừng, thì không ai biết rõ. Ông là một người rất trung thành với hoàng triều, vì thế cũng có giả thuyết cho rằng ông đã bị phe quân phiệt giết. Trong buổi lễ cầu siêu bốn mươi chín ngày của cha, chỉ có hai người em là Yushi và Kaoru hiện diện, lúc đó Ryokan ở xa và đang ẩn cư trong một ngôi chùa nhỏ trong vùng Kyoto.

Năm 1796, Ryokan được 38 tuổi, ông quyết định trở lại quê nhà nơi phương Bắc, nhưng trước khi đến làng và lúc đi ngang một thôn hẻo lánh tên là Gôtomo, ngày nay thuộc tỉnh Teradomari, ông thấy có một túp lều bỏ hoang và ông đã dừng chân để lưu lại đấy suốt sáu tháng. Trong thời gian này ông trao đổi một ít thi phú với người em là Kaoru, lúc ấy đã 25 tuổi và đang ở Osaka.

Sang năm sau, tức là năm 1797, Ryokan về đến quê nhà và sống ẩn dật trong vùng núi Kugami. Năm 1798, người em trai của ông là nhà sư và thi sĩ Kaoru qua đời ở Kyoto khi mới 27 tuổi, và cũng trong năm đó ngôi chùa Kôshôji nơi mà ông xuất gia khi 17 tuổi bị thiêu rụi vì hỏa hoạn. Năm 1800, một người em khác của ông là Yuchô, cũng là nhà sư và thi sĩ, qua đời lúc 30 tuổi.

Trong khu rừng Gogôan có một chiếc am cỏ và là nơi ẩn cư của vị thượng tọa của ngôi chùa Kokujôji, thuộc học phái Chân ngôn tông. Vị này qua đời vào năm 1804, chiếc am bỏ không và Ryokan dọn về đấy. Trước đó Ryokan sống rày đây mai đó, có lúc tá túc trong ngôi chùa Kokujôji. Cũng vào năm này em của ông là Yushi từ chức xã trưởng vì dân làng kiện thưa, cho rằng ông bất tài không quan tâm đến việc quản lý việc làng. Thật sự thì cũng đúng phần nào vì ông là người rất hiền lànhvô tâm, chỉ lo làm thơ.

Năm 1805, có một nhà sư trẻ là Dainin Rosen mà Ryokan đã từng gặp trước đây ở Kyoto, cho xuất bản một tập thơ có nêu lên trường hợp thi sĩ Ryokan và đã tán dương ông hết lời. Đấy là lần đầu tiên người đương thời biết đến cái tên Ryokan.

Năm 1810 thì vợ của Yushi tên là Yasu qua đời lúc vừa 41 tuổi. Yushi ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất là Umanosuke.

Năm 1811, nhà sư trẻ Dainin Rosen, người đã giới thiệu Ryokan trên thi đàn, qua đời lúc vừa 30 tuổi. Cũng vào năm này, Yushi em của Ryokan xuất gia, và con trai là Umanosuke thay ông làm gia trưởng cho thị tộc Tachibana.

Năm 1812, em gái của Ryokan là Taka qua đời lúc 43 tuổi. Cũng trong năm ấy, thi phẩm của Ryokan bắt đầu xuất hiện nhiều nơi trên văn đàn, nhiều học giả và thi nhân tìm kiếm thơ của ông để giới thiệu và xuất bản. Năm đó ông được 54 tuổi. Thi phú của ông tiếp tục được nhiều người biết đến và nhiều thi tập của ông liên tiếp được xuất bản, một số thơ lẻ tẻ xuất hiện trên các tập san văn học, tất cả đều là công trình thu góp và sưu tầm của những người ngưỡng mộ ông. Các thi nhân và các nhà thư pháp nổi tiếng thời bấy giờ ai cũng muốn được làm quen với Ryokan. Nhưng ông vẫn tiếp tục sống cô đơnẩn dật. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có những người ngưỡng mộ tìm đến tận nơi trong rừng Kugami để viếng thăm ông. Năm 1816, Ryokan dọn về một chiếc am khác là Otogo, cũng trong khu rừng Kugami nhưng khí hậu ít khắc nghiệt hơn.

Năm 1819, vị Vương công của thị trấn Nagaoka là Makino Tadakiyo dắt theo vài người tùy tùng đích thân tìm đến tận am để gặp Ryokan. Sau khi đàm đạo được một lúc, vị Vương công liền chắp tay vái ông thật cung kính và mời ông về trụ trì một ngôi chùa lớn do chính ông sáng lập. Ryokan yên lặng không hồi đáp một lời nào, một chập sau mới lẳng lặng lấy bút viết một câu thơ haiku như sau:

taku hodo ha
 kaze ga motekuru
 ochiba kana

Tạm dịch như sau:

Để sưởi ấm
 gió thổi đến cửa am cũng đủ rồi
 những chiếc lá khô

Sau khi nhìn ông viết câu thơ trên đây, vị Vương công liền hiểu ý và kín đáo ra hiệu cho những người tùy tùng cùng với mình khe khẽ đi giật lùi ra khỏi am một cách kính cẩn.

Năm 1821, Yushi mời anh và người em gái là Mura đến họp mặt tại nhà người con trai của ông là Umanusoke để từ biệt nhau trước khi Yushi rời làng vào tu trong một ngôi chùa khá xa tận miền đông bắc. Năm 1874 người em gái của Ryokan là Mura qua đời lúc 64 tuổi. Năm 1825 thì vợ của Umanosuke tên là Yu cũng qua đời lúc 34 tuổi. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt, nhân dịp đó nhiều người khuyên Ryokan bỏ am về ngôi làng Teradomari để ở, họ sẽ cất cho ông một chiếc am nhiều tiện nghi hơn, nhưng ông nhất định không nghe.

Năm 1826, vào độ cuối năm, Ryokan bỗng cảm thấy sức khoẻ kém hẳn đi, lúc đó ông đã 68 tuổi. Nhiều người lại tiếp tục khuyên ông nên rời khu rừng Kugami vì mùa đông sắp đến, lần này Ryokan đành phải nghe theo và rời am Gogôan để về sống trong một túp lều tranh bên bìa làng Shimazaki, túp lều do gia đình một người nông dân khá giả cấp cho ông. Túp lều ở thụt vào phía sau nhà của gia đình này và người trong gia đình cũng đứng ra chu cấp cho ông, vì thế Ryokan không còn phải đi xách nước và nhặt củi như khi còn ở trong rừng Kugami.

Mùa hè năm 1827 ông rời túp lều ở Shimazaki đến tá túc ít lâu trong ngôi chùa Mitsuzôin ở Teradomari để được gần với núi đồi và thiên nhiên hơn. Sang mùa thu, ông quay lại ngôi làng Shimazaki và vào dịp này ông gặp một ni cô còn trẻ pháp danh là Teishin mới 29 tuổi. Ni cô Teishin nhờ ông dạy thêm về các phương pháp thiền định, đồng thời cũng nhờ ông chỉ giúp về thi phú.

Năm 1828, người em là Yushi về thăm và cùng sống ít lâu bên cạnh ông trong túp lều tranh. Năm ấy mùa đông đến sớm, tuyết đổ nhiều, Yushi không quay về chùa được. Hai anh em uống saké và cùng nhau làm thơ. Vào tháng 11 (tháng chạp dương lịch) một trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Sanjo, cách làng chưa đầy 100 kilomét về phương bắc, giết hại 1400 người. Ryokan đến đây ủy lạo và làm nhiều bài thơ bày tỏ những xúc cảm sâu xa của ông trước cảnh khổ đau của con người.

Năm 1829, người ta thấy xuất hiện hai tập thơ, một tập gồm những bài thơ hồi tưởng lại thời gian khi Ryokan còn sống trong chiếc am cỏ ở núi rừng Kugami, và tập thứ hai thì viết chung với em ông là Yushi.

Sang mùa hè 1830, sức khoẻ của Ryokan kém hẳn đi, ông đau bụng liên miên, lắm khi liệt giường không đứng lên được. Ông có hứa với Teishin sẽ đi thăm bà, nhưng không thực hiện được vì sức khoẻ ngày càng sa sút thêm. Vào độ cuối năm thì bịnh tình của ông trở nên nguy kịch, theo các triệu chứng mô tả trong các tài liệu thì ngày nay người ta đoán có thể ông bị ung thư đại tràng. Yushi rời chùa về chăm sóc cho ông. Sang đầu tháng hai dương lịch năm 1831, Yushi báo tin với Teishin là Ryokan ốm nặng, bà cấp tốc đến ngay để giúp Yushi hầu hạ Ryokan. Nhưng cũng vào lúc đó thì chùa lại cho gọi Yushi về để chuẩn bị lễ nguyên đán. Teishin phải ngày đêm một mình chăm sóc cho Ryokan. Ông không chịu uống thuốc và cũng không còn ăn uống gì được nữa, tuy thế ông vẫn cố gắng làm thơ để đáp lại những vần mà Teishin sáng tác và đọc lên cho ông nghe. Những vần thơ trao đổi này không ai hay biết cho đến ngày Teishin cho xuất bản tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen” bốn năm sau đó. Mùng 4 tháng giêng (16 tháng 2 dương lịch), tức sau ba ngày Tết thì Yushi lại quay về để phụ giúp Teishin. Đến chiều mùng 6 (18 tháng hai dương lịch, 1831) thì Ryokan trút hơi thở, gối đầu trên cánh tay Teishin, bên cạnh có Yushi và người nông dân hàng xóm là Kimura Motouemon, người đã cấp cho Ryokan túp lều trong ngôi làng Shimazaki. Lễ hỏa táng được tổ chức vào ngày mùng 8, có hơn một ngàn người từ các làng mạc và thôn xóm trong vùng đến tham dự.

Năm 1834, người em của Ryokan là Yushi cũng qua đời lúc 72 tuổi.

Năm 1835, Teishin hoàn tất tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen”, phần đầu gồm một ít thơ của Ryokan và phần sau là những vần thơ trao đổi giữa bà và Ryokan. Sau khi Ryokan chết, Teishin dọ hỏi khắp nơi, đi tìm những người còn cất giữ thơ của Ryokan để góp nhặt và sưu tập để lưu lại sau này. Teishin mất vào năm 1872, thọ 74 tuổi.

Riêng Ryokan thì ông không để lại gì cả:
Ryokan ni Nếu những ai muốn hỏi
Jisei aru ka to Ryokan có lưu lại một lời 
 cuối cùng nào
Hito towaba cho thế gian này?
Namu Amida Butsu Thì cứ bảo với họ rằng:
To iu to kotaeyo Nam-Mô A-di-Đà Phật
Nhưng thật ra ông đã để lại cho chúng ta thật nhiều:
Gia tài nào
Tôi để lại?
Là hoa nở lúc mùa xuân
Tiếng con chim cu khi vào hạ
Chiếc lá phong rực đỏ
Của mùa thu...

2
Xuất gia

Năm mười bảy tuổi cậu Eizo thôi học và được cha đưa vào tập sự ở ủy ban hành chánh xã để chờ sau này giữ chức xã trưởng theo truyền thống gia đình. Nhưng trước những cảnh tranh chấp, thưa kiện, thuế má, dối gạt, kể cả mưu mẹo và những áp lực từ các cấp bậc hành chính bên trên đã làm cho Eizo khiếp sợ. Tất cả những thứ ấy chỉ đem đến khó khăn và hoang mang thêm cho sự sống, làm cho con người càng vướng mắc thêm và không thể nào tìm thấy lối thoát.

Chiều hôm đó từ xã về, cậu ra vườn ngồi thẫn thờ và nhìn ra khơi. Hòn đảo Sado, quê của mẹ cậu hiện ra ở chân trời trong bóng hoàng hôn đỏ thẳm. Cậu nghĩ rất nhiều đến thân phận của cha mẹ cậu và trách nhiệm của chính mình. Bỗng tiếng chuông quen thuộc của ngôi chùa Kosho trong làng ngân vang, ý nghĩ đi tu có sẵn từ ngày bé chợt hiển hiện trở lại trong đầu. Cái ý nghĩ xuất gia cùng với tiếng chuông ngân vang thấm rất sâu vào tâm hồn cậu. Đêm hôm ấy Eizo không ngủ được và suy nghĩ rất nhiều.

Sáng sớm hôm sau, đúng vào ngày 18 tháng 7 âm lịch (cuối tháng 8 dương lịch, năm 1775), cậu đến thẳng ngôi chùa Kôshôji tìm vị thượng tọa trụ trì là Genjô Haryô để xin xuất gia. Vị thượng tọa hết sức bất ngờ, hạch hỏi cậu đủ mọi điều, đồng thời cũng cho cậu biết là việc xuất gia đòi hỏi rất nhiều hy sinh, rất cực khổ và phải thật chuyên cần. Sau khi hạch hỏi và cảnh giác cậu, vị sư trụ trì đã nhìn thấy quyết tâm của Eizo và hỏi thêm như sau:

– Nhưng cháu đã hỏi ý kiến của cha mẹ chưa?

– Thưa Thầy chưa, nhưng không có bất cứ một lý do nào có thể làm thay đổi được quyết tâm của con.

Vị trụ trì có nói gì thì cậu cũng không nghe, nhất định van xin ở lại chùa, dù có được nhận xuất gia hay không, vì cậu nghĩ rằng “thiên hạ trở thành người tu hành để thiền định, còn cậu thì nhất quyết thiền định trước đã, việc trở thành người tu hành sẽ tính sau”.

Tiếng đồn lan nhanh, khắp làng ai cũng biết. Mẹ cậu bàng hoàng và hốt hoảng, tất tả chạy lên chùa. Khi thấy Eizo đang ngồi trước mặt Thầy, yên lặng và bình thản, im lìm như một pho tượng, tìm bà se thắt lại, bà đứng khựng và cúi đầu, không thốt được một lời nào. Chính Eizo cất tiếng trước với mẹ:

– Thưa mẹ, không có một lý do nào có thể bào chữa cho hành vi của con, nhưng con vẫn xin mẹ hãy tha thứcho phép con được bước theo con đường mà con đã chọn.

Nhìn thấy nét lo âubàng hoàng trên gương mặt mẹ, Eizo bật khóc, nước mắt ràn rụa, cậu chắp tay mọp xuống để lạy mẹ. Lúc đó mẹ cậu mới đủ can đảm để cất lời với cậu:

– Này con, cho mẹ xin, con đừng lạy mẹ như thế. Con đường con chọn là một con đường rất tốt, con bước vào con đường ấy đâu phải vì con và cho con. Trở thành một người tu hành không có gì cao quý hơn. Khi nào cha con về mẹ sẽ tìm lời giải thích và thay con để xin phép cha.

Bà quay sang nhà sư Genjô nói tiếp:

– Thưa Thầy, con xin Thầy dẫn giắt Eizo bước vào con đường Phật pháp.

Nhà sư Genjô khẽ gật đầu và cất lời:

– Này Mẹ Eizo, cho Thầy được cảm tạ sự hiểu biết tốt lành ấy nhé.

Nước mắt tiếp tục ràn rụa trên gương mặt của Eizo.

Chùa tổ chức một buổi lễ thật trịnh trọng gọi là lễ xuống tóc (shuke) để cạo đầu cho cậu và một lễ khác gọi là lễ mặc áo (teihatsu-zenne) để khoác lên người cậu một manh áo sa di.

Một cuộc sống mới khắc khổ và kỷ luật mở ra với cậu, hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống quý phái trong gia đình cậu trước đây. Cậu phải thức sớm để kéo nước, bổ củi, nhóm bếp..., đó là những công việc gần như bắt buộc đối với một người tu Thiền. Ngoài các công việc ấy cậu cũng phải lau dọn chùa, bàn thờ Phật, phụ giúp trong bếp, làm vườn... Tất cả những công việc ấy được xem như những nghi lễ thiêng liêng trong một tu viện Thiền học. Mỗi ngày phải thực hiện những công việc giao phó, thận trọng trong từng cử chỉ, giữ đúng giờ giấc dù cho trời mưa hay trời nắng, trong những ngày hè nóng bức hay dưới cái rét căm căm của mùa đông. Trước đây cậu chưa bao giờ phải chịu cực khổ như thế, nhưng không ai nghe thấy cậu than thở một lời nào. Thầy của cậu thường nói với mọi người là cậu từ bỏ chức tập sự xã trưởng và đời sống trưởng giả trong gia đình để chấp nhận đời sống khắc khổ của một sa di trong chùa thì quả thật là một quyết tâm đáng khen.

Eizo làm sa di ở chùa Kôshôji được bốn năm, tức đến năm 1779, thì được tăng đoàn công nhận cậu đã hội đủ tư cách một người tu hành, chùa liền tổ chức một buỗi lễ gọi là lễ “hội đủ đức hạnh” (tukudo) thăng cho Eizo từ cấp bậc Sa di (Shami) lên cấp bậc Sa môn (Shamon), Thầy của cậu chính thức ban cho cậu Pháp danh là Ryokan. Năm ấy cậu được 21 tuổi.

Cũng trong năm này, có một vị sư già là Dainin Kukonen từ phương Nam lên để trụ trì một khoá tu học tại chùa. Vị sư này trước đây chính là người đã trụ trì ngôi cùa Kôshôji và cũng là thầy của nhà sư Genjô, tức là vị thầy của Ryokan. Tiếng đồn khắp vùng là có một vị sư khác thường trước đây đã từng trụ trì ngôi chùa Kôshôji, từ chùa Entsu thuộc vùng Tamashima tận phương nam lên giảng dạy. Tăng đoàn ở các chùa trong vùng cũng như nông dân và dân chài đều kéo đến nghe giảng. Có những lời giảng mà Ryokan đã từng nghe đi nghe lại nhiều lần, nhưng khi vị sư già Kukonen thốt lên những lời ấy thì hình như âm hưởng từ lời nói của ông đã làm rung động tâm hồn Ryokan và những người ngồi nghe. Tiếng của ông thật nhân áidịu dàng, tràn ngập lòng từ bi vô biên, như đi thẳng vào tâm hồn để xoa dịu những khổ đau trong lòng người nghe. Sau khoá tu học Ryoken rất kính phục và ngưỡng mộ vị sư già Kukonen và xin phép thầy của mình được theo làm đệ tử của vị sư này. Trước khi lên đường Ryoken có về nhà chào cha mẹ, và sau này ông có để lại một bài thơ tả cái phút từ biệt ấy. Đúng như ông tiên đoán, sau này ông không còn dịp nào gặp lại cha mẹ nữa:

Ý thức được vô thường trong thế gian này, nên tôi rời tổ ấm,
Bỏ lại mẹ cha và đàn em nhỏ.
Chẳng qua cũng giống như một đám mây trôi ngang,
Giữa những đám mây khác, lang thang và vô định.
Tôi ngao du lấy cỏ làm gối,
Lúc giã biệt mẹ, tôi nói với mẹ rằng:
“Biết đâu đây là lần cuối cùng, mẹ con ta nhìn nhau”.
Mẹ tôi khóc, nắm lấy tay tôi và nhìn tôi thật lâu.
Gương mặt mẹ vẫn còn đó trước mắt tôi.
Khi bước vào chào cha, cha nói với tôi rằng:
“Con nhớ đừng để cho thiên hạ bảo rằng con từ bỏ thế tục
 một cách vô ích”
Tiếng cha tôi vẫn còn văng vẳng bên tai.

3
Con đường Thiền

Năm 1779, Ryokan được 21 tuổi và được phong sa môn, và cũng vào cuối năm ấy có một vị thiền sư già từ xa đến và lưu lại để thuyết giảng vài hôm. Khi vị sư mới bước chân vào cổng chùa, thì hình như cả một chân trời mở rộng đang hiện ra trước mắt Ryokan, bóng dáng của ông vững chắc như một quả núi làm cho Ryokan có cảm giác được an tâm, được che chở và nương tựa.

Vừa nhìn thấy nhau, hình như tâm thức của ông đã bắt gặp tâm thức tôi, một sự cảm phục lẫn nhau phát hiện, gần như là một thứ xúc cảm của thương yêuquý trọng, nhưng không vướng mắc một chút bám víu nào.

Sau những ngày nghe giảng và tham thiền dưới sự chủ trì của vị sư này, Ryokan càng thấy quyết tâm của mình rõ rệt hơn và rồi chính Ryokan đã thực sự trở thành bám víu, bám víu vào vị thiền sư xa lạ. Cũng có thể đây là một cái nghiệp đã đưa Ryokan bước vào một khúc quanh khác trên con đường tu tập, vì khi vị thiền sư từ biệt ra đi thì Ryokan nhất định xin theo, cứ nắm chặt lấy tay áo cà-sa của ông và nhất định không buông ra. Vị thầy của Ryokan đành cho phép, và vị sư già cũng nhận Ryokan làm đệ tử và cả hai cùng nhau đi về phương Nam.

Vị sư già tên là Kukonen, trụ trì ngôi chùa Entsuji thuộc vùng Tamashima tận miền Nam nước Nhật, cách ngôi làng của Ryokan hơn một nghìn cây số. Cuộc hành trình thật gian nan kéo dài nhiều tháng, hai thầy trò tuy có dịp thăm viếng nhiều chùa chiền, nhưng đồng thời cũng phải đi qua những nơi lan tràn bịnh dịch, những vùng đói kém, vượt qua những chỗ có nhiều giặc cướp. Trên đường phải tá túc trong các chùa chiền, nhưng cũng có khi phải ngủ giữa trời hay dưới gốc cây trong rừng.

Hai thầy trò mất nhiều tháng để về đến nơi, cả hai gầy nhom và kiệt lực. Đứng trước cổng chùa vị sư già cất lời với Ryokan như sau:

– Con quả là một niềm khích lệ cho ta trước những thử thách vừa qua. Mong rằng cuộc hành trình của một nhà sư phiêu bạt như con vừa thấy sẽ đủ để tượng trưng cho những gì con phải cố gắng kể từ hôm nay cho đến ngày chấm dứt cuộc hành trình của con trên hành tinh này. Con đã sẵn sàng chưa?

– Thưa Thầy, con đã sẵn sàng, dù phải gặp những khó khăn nào đi nữa, con cũng sẽ đi đến đoạn cuối của con đường và con sẽ không bao giờ lỗi hẹn.

Tuy miền Nam nắng ấm, bầu trời thường trong trẻo, nhưng không phải vì thế mà Ryokan được hưởng một cuộc sống an nhàn của một người tu hành. Thức dậy vào ba giờ sáng, đi ngủ chín giờ tối, ngoài những buổi ngồi thiền, nào là việc đồng áng, bếp núc, vườn tược và tu sửa trong chùa... Về việc tu học thì vị thầy Kukonen không phải là người ưa chuộng lý thuyết, nghiên cứu để chiêm ngưỡng những gì tinh anhtrong sáng của thiền tông, ông lại càng không thích những nghi thức và lễ lạc, kể cả việc say mê khía cạnh thuần lý của triết học.

Kukonen thường lôi Ryokan trở về với sự an bình trong tâm thức, bước vào chốn hoang vu của yên lặng. Hai thầy trò song hành bên nhau như thế cả bên trong tâm thức của hai người và cả trong thực tế của ngoại cảnh bên ngoài. Có những hôm Kukonen dẫn người đệ tử trẻ của mình đi bộ cả ngày dưới ánh nắng như thiêu đốt, đi ngang những nơi um tùm rắn rít, bắt gặp muông thú trên đường. Họ chịu khát, chịu đói, có lúc hoa mắt và nhìn thấy những ảo giác khi mệt lã, nhưng tuyệt đối Kukonen không hé môi nói một lời nào. Nếu người đệ tử rớt lại phía sau thì hắn sẽ lạc đường, nếu hắn cố đi cho nhanh để sớm đến đích thì hắn sẽ kiệt sức, nếu dừng lại hắn sẽ chết, nếu hắn hỏi liên miên thì nước uống mang theo sẽ cạn. Chốn hoang vu không tha thứ và không nhân nhượng một ai cả, những ai bước vào con đường đó phải trông cậy nơi sức lực của chính mình. Chiều về đến cổng chùa, Kukonen mới thốt lên vài lời: “Thật là một ngày tuyệt vời, một ngày thật bình dị!”.

Nhưng những phút giây tuyệt vời nhất của Ryokan là có những hôm xong bổn phận, vào buổi tối được thêm một lúc rảnh rỗi để ngồi thiền. Những giây phút đó không có gì để suy nghĩ, không có gì để chờ đợi, Ryokan lắng chìm trong một sự yên lặng lạ lùng, sự yên lặng mà Thiền học gọi là “tiếng hát của sự giác ngộ lặng im”. Dù những gì xảy đến, cứ xảy đến, người ngồi thiền vẫn cứ ngồi im để lắng nghe tiếng hát vang lừng trong yên lặng mênh mông.

Nhưng thật ra mục đích của người ngồi thiền không phải chỉ để lắng nghe tiếng hát của yên lặng, nhưng để xoá hết những gì của chính mình để trải rộng từ bi đến muôn loài chúng sinh. Tiếng hát không phải vang lên từ bên ngoài mà từ nơi tận cùng của con tim người hành thiền, vì tiếng hát ấy chính là tiếng hát của từ bi.

Suốt mười một năm hai Thầy trò đi bên nhau trong yên lặng, khi già yếu Kukonen giao phó trọng trách hướng dẫn tăng đoàn cho Ryokan, với chức sư trưởng của chùa. Tuy nhiên sau khi thầy Kukonen mất được một năm, Ryokan cũng giã từ tăng đoàn để chọn một cuộc sống phiêu bạt, lang thang khất thực hay ẩn dật trong những chiếc am cỏ nơi chốn rừng hoang.

4
Cầu an

Thầy của Ryokan là Thượng tọa Kukonen viên tịch vào năm 1791, lúc ấy Ryokan được ba mươi ba tuổi. Và từ lúc đó, ngoài việc quản lý chùa, Ryokan còn phải hướng dẫn tăng đoàntiếp rước Phật tử xin cầu an, cầu siêu và tư vấn đủ mọi chuyện. Quả thật đấy là những việc không phù hợp chút nào với ông.

Một hôm có một cụ già đến chùa xin cầu an. Cụ già nói với Ryokan như sau:

– Xin thầy làm lễ cầu an cho tôi. Quanh tôi thiên hạ thay nhau chết, tôi khiếp sợ vô cùng. Xin thầy làm lễ cầu an để tôi được sống lâu.

– Được, cụ cứ yên tâm, một khoá lễ cầu an thì cũng chẳng khó nhọc gì. Nhưng này, cụ được bao nhiêu tuổi rồi?

– Tôi đã được tám mươi.

– Cụ còn trẻ chán. Có một câu tục ngữ nói rằng từ bé đến bốn mươi hay năm mươi tuổi con người vẫn giống như một đứa hài nhi, từ sáu mươi đến tám mươi mới đúng là tuổi yêu thương.

– Đúng thế, vậy thầy giúp tôi một khoá cầu an thật trịnh trọng nhé.

– Thế cụ muốn sống đến bao nhiêu tuổi?
– Một trăm tuổi có lẽ cũng tạm đủ phải không thưa thầy?

Tham vọng của cụ quả thật còn quá nhỏ. Nếu sống đến một trăm tuổi thì cụ chỉ còn hai mươi năm nữa thôi, như thế thì quả thật ngắn lắm đấy. Tôi mà cầu an thì linh ứng vô cùng, đúng một trăm tuổi thì tất cụ sẽ chết.

Cụ già bỗng hoảng hốt, sự sợ hãi hiện lên nét mặt, cụ run run nói với Ryokan:

Nếu thế thì xin thầy cố gắng cầu an cho tôi sống đến một trăm năm mươi tuổi nhé.

– Cũng được thôi, nhưng hiện nay cụ đã tám mươi, thế thì cụ đã đi được hơn một nửa đoạn đường mà cụ muốn sống. Cụ có biết rằng nửa đoạn đuờng đầu tiên thì giống như trèo lên núi, vì thế phải ra sức rất nhiều và cũng mất nhiều thì giờ, nhưng nửa đoạn đường còn lại toàn là đổ dốc, nhanh lắm đấy? Nếu mà tuột dốc thì bảy mươi năm còn lại của cụ sẽ vụt qua như một giấc mơ mà thôi.

– Thế thì xin thầy cầu an cho tôi sống đến ba trăm tuổi vậy.

Ryokan đáp lời cụ già như sau:

Tham vọng của cụ bé quá, chỉ vỏn vẹn có ba trăm năm hay sao?

Người xưa bảo rằng loài hạc sống đến một vạn năm. Súc vật còn sống lâu đến thế, huống chi là người, có thật là cụ chỉ muốn sống có ba trăm năm hay sao?

– Nhưng sống được đến đấy cũng là khó lắm rồi. Thế thầy cầu an cho tôi sống nhiều nhất được bao nhiêu tuổi?

– Hỏi như thế có nghĩa là cụ không muốn chết, có đúng vậy không? Sao cụ lại chỉ biết nghĩ đến một mình cụ như thế .

– Nhưng làm thế nào bây giờ? Thôi, thầy cứ cầu an cho tôi được sống mãi chẳng bao giờ phải chết.

– Cũng được, nhưng khó lắm đấy và phải kiên nhẫn vì mất nhiều thì giờ lắm.

Cụ già liền đáp:

– Khó cách mấy tôi cũng cố gắng, mất bao nhiêu thì giờ cũng được.

– Thế thì cụ tập đọc kinh với tôi ngay hôm nay xem sao và sau đó thì mỗi ngày cụ đến đây để tôi dạy cụ ngồi thiềntụng niệm. Nếu cụ cố gắngchuyên cần thì đến một ngày nào đó cụ sẽ cảm thấy mình không còn chết nữa.

Kết cuộc là Ryokan đã mượn sự sợ hãi cái chết của cụ già để hướng cụ bước vào con đường Thiền. Tuy nhiên người ta cũng có thể tự hỏi Ryokan có nói dối với cụ già về sự bất tử hay không? Nếu thật sự ta hiểu Thiền là gì thì ta sẽ không cho rằng Ryokan đã nói dối, vì đối với Thiền ta đang chết trong từng giây khắc một và ta cũng đang sinh ra trong từng giây khắc một. Mỗi khoảnh khắc của thời gian tuy tiếp nối nhau nhưng đồng thời cũng độc lập với nhau, khi ta nắm bắt đuợc từng khoảnh khắc của thời gian ta sẽ cảm nhận được hiện thực. Cảm nhận được hiện thực tức là vượt ra khỏi yếu tố của thời gian, vượt lên trên cái sống và cái chết. Ryokan tin rằng một ngày nào đó, cụ già sẽ ý thức được việc ấy và thực hiện được việc ấy, tức cảm nhận được bản-thể-của-Phật sẵn có trong lòng cụ.

5
Một nhân chứng

Kera Shukumon (1755-1819) là xã trưởng ngôi làng Makigahana nằm dưới chân núi Kugami, ngôi làng mà Ryokan thường đến khất thực. Vị này là một Phật tử rất thành tâm và rất mê say thi phú, vì thế ông đã làm bạn với Ryokan. Kera Shukumon nhờ Ryokan chép cho ông một bản Diệu pháp Liên hoa Kinh. Theo truyền thống bảo tồn Phật pháp thời bấy giờ, Kera Sukumon đem bản kinh ấy cất vào một cái hũ và đem chôn trước nhà nơi ông ở để cầu phúc và đem đến an lành cho gia đình. Bên trên nơi chôn dấu bản kinh Liên hoa thì đặt một khối đá lớn, trên khối đá lại đặt thêm pho tượng Bồ-tát Địa Tạng. Thỉnh thoảng ông mời được Ryokan đến ngụ tại nhà một vài hôm để ông hầu tiếp.

Con của ông là Kera Yoshishige (1810-1859) lúc đó còn bé và thường nhập bọn với đám trẻ con trong làng để nô đùa và ném bóng với Ryokan. Khi người cha mất vào năm 1819 thì cậu bé Yoshishige mới 9 tuổi nhưng không bao giờ quên những ngày Ryokan đến nhà cậu, Ryokan lúc đó đã 61 tuổi. Sau này khi lớn lên cậu sưu tập tài liệu, tìm lại những kỷ niệm và di cảo còn giữ trong gia đìnhhỏi thăm những người lớn tuổi để viết lại tiểu sử của Ryokan và những giai thoại trong cuộc đời của ông. Quyển sách được viết vào khoảng năm 1845 hay 1846, tựa là “Ryokan zenji kiwa” (“Những chuyện kỳ thú trong cuộc đời của thiền sư Ryokan”), quyển sách này là một trong những nguồn tài liệu quý giá về cuộc đời của thiền sư Ryokan. Trong quyển sách ấy có một đoạn như sau:

Vị Thầy quả thật không giống với một ai cả. Tuy không có ai lại không nhìn thấy cái tâm thức vượt bực của ông, nhưng thật ra thì tất cả mọi người lại bị thu hút mạnh hơn bởi một cái gì đó thật dịu dàng và êm ả thoát ra từ con người của ông.

một lần ông lưu lại trong gia đình chúng tôi vài hôm. Buổi tối khi hàn huyên, lời ông thốt ra thật tinh khiết, hình như trực tiếp thoát ra từ tim ông. Ông không giảng gì cả về Phật pháp, cũng không nói chuyện văn chương, những lời dạy bảo về đạo đức lại còn hiếm hoi hơn nữa. Tuyệt nhiên ông không nói đến những chuyện ấy. Có hôm ông vào bếp nhóm lửa, có hôm lại ngồi thiền rất lâu trong phòng khách. Luôn luôn bình thản và thư giãn, cái dịu dàng thoát ra từ con người ông lây sang cả mọi người chung quanh. Mỗi khi ông hiện ra, khung cảnh vụt trở nêm êm dịu lạ thường. Mỗi người trong gia đình đều cảm thấy trong lòng phát hiện một sự hài hoà sâu xa toả lộ ra bên ngoài, cái không khí hài hòa đó vẫn tiếp tục tỏa rộng trong không khí gia đình dù rằng ông đã ra đi từ nhiều ngày trước đó. Thật là một điều hết sức khó để giải thích”. 

6
Cửa hiệu bán mì và nước tương

Trong thôn Nagaoka gần làng Izumozaki có một cửa hàng bán mì sợi (miso) và nước tương. Người chủ quán tên là Denbei, rất say mê bút pháp của Ryokan, nhưng không dám xin, hoặc cũng không mấy khi có dịp để xin và cũng chưa chắc đã xin được, vì nhiều người nài nỉchạy theo Ryokan, ông không thể nào viết xuể hoặc có khi ông bảo rằng ông quên cả các chữ mà họ muốn ông viết. Thật vậy, viết thư pháp thông thường phải tập trung tâm thức, sức mạnhsinh khí, đâu phải cứ cầm bút là viết được.

Người chủ quán nghĩ ra một kế, anh ta tự viết lấy nhãn hiệu của quán và cố tình viết thật vụng về rồi treo ở cửa. Một hôm Ryokan đi khất thực ngang đấy, anh chủ quán chạy ra cố van nài Ryokan bước vào nhà và anh đã nói với ông như sau:

– Thưa ngài, quán của con mới mở được ít lâu, nhưng ít khách quá, có lẽ vì bảng hiệu vụng về. Ngài giúp con viết mấy chữ may ra có thể giúp thiên hạ chú ý đến cái quán của con. Ông do dự một tí rồi bảo người chủ quán mang giấy mực cho ông. Người chủ quán đem ra hai tờ giấy và nghiên mực mài sẵn, Ryokan giữ yên lặng vài phút để tập trung sự trầm tĩnh và viết lên hai tờ giấy: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Một thời gian sau, có một vị viết thư pháp là Kameda Bosạ, cũng là bạn của Ryokan, đi ngang đấy và thấy nhãn hiệu của cửa tiệm, ông liền bước vào và gọi anh chủ quán ra rồi chỉ vào bảng hiệu của tiệm và hỏi:

– Có phải đây là thủ bút của nhà sư Ryokan không?

Anh chủ quán Denbei rất hãnh diệntrả lời rằng:

– Đúng thật như thế, đấy là thủ bút của Ryokan.

– Này tôi bảo cho ông biết nhé, những tờ thư pháp như thế không phải để treo bên ngoài cửa hiệu. Nó là của vô giá đấy, phải quấn lại để giữ gìn trong nhà. Ta viết cho chữ khác.

Denbei mừng lắm, đem giấy mực ra và Bosạ viết cho tấm bảng hiệu khác: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Vài năm sau đó, có một nhà thư pháp nổi danh là Maki Ryôkô từ thủ đô Edo về thăm làng quê của ông ở Echigo, và tình cờ đi ngang đấy. Ông thấy tấm bảng hiệu của quán, liền bước vào để gọi người chủ để hỏi:

– Có phải tấm bảng hiệu ngoài cửa là do vị thầy thư pháp là Kameda Bosạ viết hay không?

Anh chủ quán liền đáp ngay:

– Đúng thế, đúng thật như thế, đấy là thủ bút của thầy Bosạ.

– Này ta bảo cho mà biết, không nên treo một tác phẩm như thế ở ngoài cửa. Đem vào nhà mà cất cho cẩn thận. Đưa giấy mực ra đây ta viết cho tờ khác.

Denbei mừng lắm, hối hả đem giấy mực ra. Miki Ryôkô phóng bút và viết: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Nhiều năm sau đó, lại đến lượt một nhà thư pháp nổi danh khác là Tomikawa Taikui đi ngang tiệm và cũng giật mình vì cái bảng hiệu treo lủng lẳng trước cửa. Ông bước vào cửa hiệu và hỏi to lên rằng:

– Này cái bảng hiệu ngoài kia có phải là thủ bút của Ryôkô hay không?

Taikui lại thuyết phục Denbei đem cất cái tác phẩm ấy đi để ông viết cho tấm khác: “Tiệm bán mì và nước tương

Nhờ thế mà anh chủ quán bán mì sợi và nước tương có bốn tờ thủ bút của bốn nhà thư pháp danh tiếng nhất của nước Nhật thời bấy giờ. Ngày nay cả bốn tấm bảng hiệu “Tiệm bán mì và nước tương” người ta vẫn còn giữ được và đã trở thành gia tài văn hoá của nước Nhật.

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô số giai thoại về những mẹo vặt mà người đương thời tìm cách để xin thủ bút của Ryokan. Tuy nhiên câu chuyện được chọn lọc không phải vì mục đích đề cao cái khôn khéo và mưu mô của một người chủ quán, nhưng cố ý nêu lên sự khiêm tốn và nhún nhường của những kẻ thực tài, họ chỉ nhìn thấy giá trị và sự tuyệt vời nơi kẻ khác, cũng giống như những vị Bồ tát đã quên cả chính mình và chỉ nhìn thấy cái Phật tính nơi tất cả chúng sinh để trân quý và ngưỡng mộ.

hoangphong-ryokan-19

Ba tấm bảng hiệu “ Tiệm bán mì và nước tương ” do Ryokan, Bosạ và Ryôkô viết (bảng thứ tư do Tomikawa Taikui viết không tìm thấy trong các tài liệu hiện có khi viết bài này).

7
Giọt nước mắt

Ngôi làng Izumosaki, nơi sinh trưởng của Ryokan, vào những năm sau này đã trở nên đông đúc và đổi thay nhiều. Người em út của Ryokan là Yushi làm xã trưởng phải từ chức vì dân làng không vừa lòng, khiến gia đình ngày càng nghèo túng, nhất là từ khi vợ ông qua đời trước đó không lâu. Tuy Ryokan sống ẩn dật trong núi rừng, nhưng cũng thương xót cho thân phận của người em và thỉnh thoảng hay viết thư thăm hỏi.

Yushi có một đứa con trai tên là Umanosuke mà ông đã đặt hết hy vọng là sau này sẽ kế nghiệp ông để bảo tồn truyền thống và phong cách gia đình. Thật vậy, gia đình Ryokan chỉ có bốn người con trai, hai người em của Ryokan về sau cũng đi tu. Một người trụ trì một ngôi chùa lớn, ông rất giỏi về văn chương và thi phú nhưng đã chết lúc vừa ba mươi tuổi. Người thứ hai cũng là một nhà sư thi sĩ nổi tiếng, đã từng được đích thân hoàng đế Nhật bản yêu cầu ông làm thơ, và vị này cũng đã mất lúc mới hai mươi bảy tuổi. Chỉ có Yushi lập gia đình và giữ chức vụ xã trưởng, nhưng không may người con trai là Umanosuke lại là một đứa trẻ vị thành niên ngỗ nghịch và hư hỏng. Họ hàng rất lo buồn và có người nảy ra ý định nhờ Ryokan khuyên nhủ và dạy dỗ cho Umanosuke. Họ dọ hỏi và tìm được Ryokan.

Khi nghe câu chuyện hư hỏng của cháu, Ryokan rất đau buồn và vì thương em nên đã quyết định rời am vài hôm để về làng xem sao. Ngày đầu tiên về nhà người em, Ryokan không nói một lời nào cả. Hôm sau, họ hàng đến thăm và xì xầm với nhau rằng: “Nhất định hôm nay Ryokan sẽ giảng cho thằng Umanosuke một bài học”, nhưng rồi ông vẫn tiếp tục giữ yên lặng và không hé môi một chút nào cả. Sang ngày thứ ba, mọi người lại hy vọng Ryokan sẽ ngỏ lời khuyên bảo đứa cháu, nhưng Ryokan lại vẫn bình thản và yên lặng.

Sáng ngày thứ tư, Ryokan chuẩn bị trở về am và trước khi đi ông chắp tay cáo biệt từng người rồi bước ra phía cửa. Ông cúi xuống cầm hai chiếc dép rơm, ngồi vào một chiếc ghế và quay lại nói với Umanosuke rằng:

Này Umanosuke, con đừng phiền Bác nhé, con giúp Bác buộc lại đôi dép được không? Bác đã già rồi, sáng hôm nay Bác không khom xuống được để buộc dép”.

Mọi người chờ đợi phản ứng vô lễ của Umanosuke, thì bất ngờ trước những lời nói ôn hòadịu dàng của Ryokan, Umanosuke đã quỳ xuống đất để buộc dép cho Ryokan. Bỗng nhiên cậu cảm thấy có gì ươn ướt trên gáy, đưa tay rờ cổ và ngẩng đầu lên, cậu chợt nhận thấy gương mặt của Ryokan chan hòa nước mắt. Ông đã khóc và một giọt nước mắt đã vô tình rơi lên gáy của Umanosuke. Cậu ta cúi xuống tiếp tục buộc dép. Ryokan đứng lên và lẳng lặng ra đi, không nói thêm một lời nào nữa.

Nhưng từ đó, gương mặt nhạt nhoà với đôi mắt tràn đầy từ bi và giọt nước mắt của Ryokan đã hoàn toàn biến cải Umanosuke. Cậu bé bỗng nhiên trở nên ngoan ngỗn và hiền lành, khiến cho gia đình và cả làng ai cũng mến yêu, nhất là cậu lại chịu khó học hành. Sau khi con thành đạt thì Yushi cũng cạo đầu đi tu. Thế là cả bốn anh em trai trong gia đình đều xuất gia. Sau này, khi Yushi qua đời được vài năm thì Umanosuke được dân làng đề cử lên làm xã trưởng, giữ chức vụ giống như cha và ông nội của cậu khi xưa.

Lúc Ryokan hấp hối, ngoài ni sư Teishin, chỉ có Yushi và một người nông dân hàng xóm là Motouemon là những người thân chứng kiến những phút giây cuối cùng của đời ông.

8
Teishin và những vần thơ trao đổi

Teishin sinh vào năm 1798 trong một ngôi làng nhỏ tên là Nagaoka trong một gia đình thuộc dòng họ Okumura, tên cha mẹ đặt cho là Masu. Mẹ của Teishin sau khi sinh thì qua đời.

Vào năm 1814 hay 1815 thì không được rõ lắm, lúc ấy cô bé Masu của ngôi làng Nagaoka đã trở thành một người con gái của lứa tuổi mười sáu hay mười bảy, cô có tiếng rất xinh và rất mực thông minh, gia đình đem gả cô cho một y sĩ tên là Seki Chôon. Nhưng sau đó vào năm 1819, thì Masu ly dị hay trở thành goá bụa thì không có tài liệu nào ghi chép đích xác, người ta chỉ biết là bà đã quay về sống với cha trong gia đình.

Sang năm sau tức vào năm 1820, bà quyết định xuất gia và đi tu trong một ngôi chùa thuộc Thiền phái Tào Động ở Kashiwazaki, một thôn nhỏ bên bờ biển cách xa quê bà gần 50 kilomét về phía Tây nam, với pháp danh là Teishin. Vào những năm sau khi vào chùa bà có nghe đồn về một nhà sư ẩn dật làm thơ rất hay tên là Ryokan và bà mong có dịp gặp được nhà sư này. Cũng không biết trong dịp nào bà đã quen với một người phụ nữ tên Yu, lớn hơn bà vài tuổi, bà này là con dâu của Yushi và Yushi lại là em trai của Ryokan. Bà Yu có kể chuyện về người Bác chồng là Ryokan cho Teishin nghe, nhưng có lẽ không có dịp nào đưa Teishin đến gặp Ryokan, vì bà Yu qua đời rất sớm sau đó, vào năm 1825. Lúc ấy Ryokan còn sống ẩn dật nơi chiếc am Otogo trong khu rừng Kugami.

Năm 1826, người cha của bà Teishin qua đời. Năm ấy Ryokan đã sáu mươi tám tuổi và sức khoẻ đã kém nhiều, ông rời bỏ chiếc am cỏ trong khu rừng Kugami để về sống trong một túp lều ở bìa làng Shimazaki, do một nông dân khá giả tên là Kimura cấp cho ông.

Năm 1827, bà Teishin được hai mươi chín tuổi, và cũng vào mùa thu năm ấy bà đã gặp Ryokan. Tình bạn và sự tương kính phát sinh giữa bà và nhà sư Ryokan, họ trao đổi thi phú với nhau. Ngôi chùa của bà Teishin ở cách làng Shimazaki khá xa, nên không mấy khi hai người gặp nhau và họ chỉ biết làm thơ để gởi cho nhau.

Năm 1831, Ryokan qua đời lúc ông được bảy mươi ba tuổi. Bốn năm sau vào năm 1835, Teishin hoàn tất tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen” (“Hachisu no tsuyu”), gồm một ít thơ của Ryokan và của bà.

Năm 1841, bà được bốn mươi ba tuổi và được chính thức thụ phong thiền sư qua một nghi lễ gọi là tokudo, chứng nhận bà đã đủ tư cách làm một vị thầy. Sau đó bà được cử đến trụ trì ngôi chùa Shakado. Nhưng vào năm 1851 chùa bị hỏa hoạn, bà lại chuyển sang tu ở chùa Fuguan.

Vào năm 1872, đúng vào ngày 11 tháng 2 âm lịch (cuối tháng 3 dương lịch) bà qua đời, năm ấy bà được bảy mươi bốn tuổi và đã để lại một tập thơ hơn 550 bài, tựa là “Moshihogusa”, tạm dịch là “Rong rêu của muối”. Bà chọn một bài thơ di chúc (jisei no ku) tượng trưng cho đời mình, đó là bài thơ haiku cuối cùng mà bà đã làm và đọc lên cho Ryokan nghe trước khi ông nhắm mắt trên cánh tay bà:

Những gợn sóng ngoài khơi
 Chúng đến gần
 Rồi lại ra xa

Trên đây là cách dịch theo các bản thường thấy đã được chuyển dịch sang các ngôn ngữ Tây phương, nhưng nếu dịch một cách từ chương hơn, đúng với bài thơ gốc trong quyển “Giọt sương trên cánh hoa sen” thì sẽ như sau:

Hình như chúng đến gần bao nhiêu
 thì chúng lại ra xa bấy nhiêu
 những gợn sóng ngoài khơi.

Dịch từ chương thì kém thi vị nhưng có lẽ đúng với xúc cảm của bà hơn: Ryokan rất gần và đang gối đầu lên cánh tay của bà, nhưng nếu càng gần bao nhiêu thì chính lúc ấy lại là lúc càng xa bấy nhiêu.

Dưới đây là một bài thơ của Ryokan trong tập “Giọt sương trên cánh hoa sen” do bà Teishin sưu tập:

Suteshi mi wo Như thế đó tôi từ giã
ikani to tohaba thế giới này, hình như
hisakata no trong cõi mênh mông đó,
ame huraba hure mưa vẫn còn đấy để mưa rơi,
kaze hukaba huke gió vẫn còn đấy cho gió thổi.

Sau đây là một đoạn trích từ lời tựa của tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen” do chính bà Teishin viết:
“.................................
Thơ của Ryokan bị phân tán khắp nơi, giống như những cành khô chôn vùi trong khe suối và thật đáng tiếc nếu những vần thơ ấy sau này sẽ mai một đi trong quên lãng, vì thế tôi đã dọ hỏi và tìm kiếm khắp nơi để gom thành tập, góp chung với những bài thơ mà chúng tôi đã trao đổi với nhau trong khoảng thời gian trước đây khi tôi ghé thăm tác giả nơi túp lều ẩn dật của ông, tôi chép lại những bài thơ ấy vào quyển sách này. Đấy là kỷ niệm của một vị thầy mà tôi luôn luôn giữ bên mình để đọc khi cần, những bài thơ ấy mang tôi trở về một thời quá khứ thiết tha nhất của tôi! “.
(Viết vào năm thứ 6 triều đại Tenpô (1835), ngày mùng một tháng năm, Teishin)

 

9
Ryokan và Teishin

Teishin và Yu là hai người bạn gái thân nhau từ lâu, Yu là vợ của Umanosuke, con trai của Yushi và Yushi lại là em ruột của Ryokan. Mỗi khi gặp nhau, Yu thường kể cho Teishin nghe những mẫu chuyện kỳ thú về người bác chồng là Ryokan. Tuy chưa được gặp lần nào nhưng qua các câu chuyện do Yu kể, Teishin hết sức kính phục Ryokan. Yu thì rất ngưỡng mộ Teishin vì sắc đẹp và trí thông minh của bà. Theo Yu thì “đôi mắt của Teishin trong vắt, nước da trắng, tầm vóc trung bình và dáng người thật quý phái”. Yu qua đời sau đó vào năm 1825, khi mới ba mươi bốn tuổi, lúc ấy Ryokan vẫn còn sống ẩn dật trong vùng rừng núi Kugami, và có lẽ cũng vì thế mà Yu không có dịp nào đưa Teishin đến gặp Ryokan.

Năm 1826, khi Ryokan được sáu mươi tám tuổi thì sức khoẻ đã kém nhiều. Ông buộc lòng phải rời bỏ chiếc am Otogo để dọn về một túp lều tranh trong ngôi làng Shimazaki, do một người nông dân tên là Kimura cung cấp. Người nông dân này rất mến mộ và kính phục ông.

Teishin vẫn thường nghĩ đến Ryokan và hy vọng có dịp gặp ông để học hỏi thêm về Phật pháp và các phương pháp thiền định. Một hôm vào năm 1827, bà tìm đến nhà của người nông dân Kimura để hỏi thăm, nhưng hôm ấy Ryokan lại không có nhà. Có lẽ lúc đó vào mùa hè và Ryokan đang tá túc trong ngôi chùa Mitsuzôin ở Teradomari. Teishin có khâu sẵn một quả bóng ném để làm quà tặng cho Ryokan, nhưng vì không gặp ông nên bà viết một bài thơ lên quả bóng và gửi lại. Bài thơ như sau:

Vui chơi trên con đường của Phật
đưa tay đánh quả bóng liên hồi
phong phú thay
trong hai tay gặt hái
tôi đoan chắc không sai

Bước sang mùa thu thì Ryokan trở về và nhận được quà của Teishin, ông liền viết một bài thơ như sau để mời bà đến thăm:

Đánh tay vào quả bóng để thấy rằng
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10
đến mười
thì ta lại đếm lại

Đánh tay tung quả bóng lên không để nhắc đến món quà của Teishin. Đếm là một phương pháp chú tâm của Thiền học và cũng tượng trưng cho sự vô tận. Khi đếm đến 10 thì đếm lại, giản dị như sự xoay vần trong sự sống, và đấy cũng là lời mời Teishin cứ quay lại để gặp ông.

Trong Thiền học Nhật bản có câu I shin den shin, có nghĩa là dĩ tâm truyền tâm, có thể đấy là những gì duy nhất mà người ta cho rằng hai người đã trao đổi với nhau. Ryokan nhận lấy “cái gánh nặng của yêu thương” để trao lại cho Teishin những gì “tinh khiết và trong sáng nhất” trong lòng ông. Những xúc cảm ấm áp đó là một sức mạnh, một sức mạnh thoát ra từ bản năng, thấm sâu vào tiềm thức và trái tim của con người. Lòng yêu mến của một người thầy đối với đệ tử là một động lực mang đến quyết tâm, rộng lượnghân hoan. Đó là những gì thật cần thiết trên đường tu tập, nhất là con đường của Thiền. Để có thể đi suốt con đường, lắm khi mỗi người trong chúng ta cũng cần đến một sức mạnh nào đó.

Teishin đã dành một phần lớn cuộc đời tu tập của mình để tìm kiếm và gom góp những bài thơ của Ryokan, nhờ thế mà hôm nay chúng ta cũng gián tiếp được thừa hưởng một chút sức mạnh đó trong tim bà. Nếu Ryokan đã đi hết con đường của ông, thì Teishin cũng đã đi trọn con đường của bà. Yên lặng như một gợn sóng lăn xa, Teishin nhắm mắt trong một ngôi chùa khi bà được bảy mươi bốn tuổi.

Đến gần bao nhiêu
Thì lại lăn xa bấy nhiêu
Những gợn sóng ngoài khơi

Di chúc của đời bà vỏn vẹn chỉ có ba câu thơ haiku trên đây, để hồi tưởng lại một gợn sóng tràn lên bãi cát và đã lăn xa, lăn xa từ lâu rồi, từ bốn mươi lăm năm về trước, tuy rằng gợn sóng đã xoá mất vết chân của thời gian trên cát nhưng vẫn còn lưu lại trong lòng bà một sức mạnh. Cái sức mạnh ấy có thể là một sức mạnh tàn phá, đày đọabuộc chặt con người trong thế giới luân hồi, nhưng cũng có thể biến thành một sức mạnh thiêng liêng mở ra một thế giới vô biên của giải thoát, một sức mạnh đưa một gợn sóng cuối cùng ra xa, lăn thật xa và hoà mình vào đại dương mênh mông. Thiền sư Deisetz Teitaro Suzuki có viết như sau: “Người ta thường bảo rằng tất cả mọi vật thể, kể cả vật chất, đều hàm chứa bản-thể-của-phật, tức là Phật tính, nhưng chỉ có con người mới thực hiện được cái bản thể ấy”. Một trong những sức mạnh có thể giúp con người thực hiện được cái bản thể ấy chính là lòng yêu thương.

Để đánh dấu buổi gặp gỡ đầu tiên, Teishin đã viết như sau:

Tương ngộ hạnh phúc này,
Có phải chỉ là mơ?
Trong cái giấc mơ ấy,
Tôi mong rằng, chẳng bao giờ tỉnh giấc.

Thơ đáp lại của Ryokan:

Đấy chỉ là một giấc mơ,
Khi mà chúng ta đang ngủ mê trong thế giới của ảo mộng.
Nói đến giấc mơ, cũng đã là một giấc mơ rồi.
Đã là mơ, thì cũng chỉ là một giấc mơ thôi.

Teishin ước mơ cuộc hội ngộ với Ryokan sẽ trở thành vô tận:

Chớ bao giờ hỏi trăng,
Phải từ biệt lúc nào.
Cứ đối mặt nhìn nhau,
Cho đến phút thiên thu.

Ryokan đáp lại như sau:

Dây hoa dại quấn cao,
Không bao giờ đứt đoạn.
Với tấm lòng son sắt,
Cứ nhìn nhau cho đến mãi thiên thu.

Một hôm Teishin đến thăm, nhưng Ryokan vắng nhà, Teishin để lại một bài thơ như sau:

Đến thăm, không có ai,
Chỉ thấy một cành sen,
Im lìm hương ngát tỏa,
Một đài hoa trang nghiêm.

Sau đó Teishin nhận được bài thơ hồi đáp như sau:

Đón chờ ai,
Chẳng có gì,
Ngoài cánh sen đang nở.
Cứ giữ làm kỷ vật,
Kỷ vật này của tôi.

Khi bịnh tình của Ryokan có vẻ đã nguy kịch, em của ông là Yushi cho người nhắn với Teishin. Lúc đó bà ở cách xa làng Shimazaki nhiều ngày đường, nhưng nghe tin liền vội vã đi ngay. Khi Teishin đến, Ryokan viết một bài thơ như sau:

Khi nào? Cho đến khi nào đây?
Đã từ lâu ta chờ.
Bỗng hôm nay vụt đến, ta được thấy tận mắt...
Còn ước vọng nào hơn?

Và trong những giây phút cuối cùng, Teishin đã thốt lên rằng:

Dù không còn vướng mắc,
Trong sự sống và cái chết.
Nhưng đau buồn biết mấy,
Những giây phút chia ly.

LỜI CUỐI SÁCH

Có lẽ chỉ có một thiền sư mới hiểu được một thiền sư, nhất là đối với một thiền sư khác thường như Ryokan, vậy ta hãy lắng nghe một trong những đại thiền sư trong thời cận đại là D.T. Suzuki (1870-1966) đã nhận xét như thế nào về Ryokan. Trong một buổi thuyết trình trước Hiệp hội Phật giáo Á châu vào năm 1938, D.T. Suzuki đã nói về Ryokan như sau:

Trên quan điểm tầm thường của con người nói chung, thì quả thật ông là một “gã đại ngu”, một kẻ bất thường. Ông thiếu một cái gì đó mà người ta gọi chung là sự hợp lý thông thường, trong khi chúng ta đây là những người bình thường thì lại chất chứa quá nhiều sự hợp lý thông thường đó. Mặc dù thế, Ryokan vẫn được mọi người chung quanh quý mếnkính trọng thật sâu xa. Ông chỉ cần hiện ra là mọi tranh luận và bất đồng chính kiến đang bao trùm sự hiện hữu của chúng ta sẽ tan biến hết.

Ông là một thi nhân có thực tài, cả về tiếng Hán cũng như tiếng Nhật, và nhất là một nhà thư pháp ngoại hạng.

Những người từ thành thị cho đến thôn quê khi thấy ông là chạy theo để xin thủ bút bằng bất cứ giá nào, nhưng ông không làm sao viết xuể cho tất cả mọi người, lắm khi họ phải bày ra đủ thứ mẹo để xin cho được thủ bút của ông.

Sự bén nhạy và lòng từ bi của ông đối với nhân loại và tất cả chúng sinh trong thiên nhiên thì thật không bờ bến. Ông chính là hiện thân của tình thương, là sự hiển lộ của Bồ-tát Quán thế âm”.

Gần đây hơn, một thiền sư người Pháp là Dominique Blain có viết một quyển sách về Ryokan, và sau đó trong một buổi thuyết trình về vị thiền sư này tại thiền viện của Tông phái Tào Động ở thủ đô Paris, vào lúc 20 giờ 30 ngày 12 tháng 12 năm 2007, ông đã phát biểu như sau:

Có rất nhiều sách viết về Ryokan, và dù đã đọc nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa thoả mãn, mỗi lần đọc thêm một quyển sách, tôi vẫn có cảm giác đấy vẫn còn là một khía cạnh nào đó trong con người của Ryokan, nhưng tuyệt nhiên không phải là ông. Nếu như có một quyển sách viết về Ryokan có thể gọi là “toàn vẹn” hơn cả thì đấy là loại sách ghi chép tiểu sử của Ryokan qua những mốc thời gian và những gì ông đã làm, nhưng tuyệt nhiên những nét quyến rũ trong thi phú của ông thì tôi không tìm thấy [......]. Vì thế, tôi đã đặt thi phú của ông làm trọng tâm cho quyển sách của tôi, vì lý do ông đúng thực là một thi nhân, tôi phác họa lại cuộc đời ông bằng cách chọn lọc một số thi phẩm trong chủ đích đem đến một chút thú vị cho người đọc”.

Những lời phát biểu trên đây cho thấy dù đã có nhiều sách viết về Ryokan nhưng khó có tác giả nào thật sự hiểu được con người Ryokan là gì, kể cả thiền sư Dominique Blain, vì chính ông đã tự thú nhận chỉ đặc biệt quan tâm đến khía cạnh thi vị trong thi phú của Ryokan mà thôi. Trường hợp của một tác giả người Mỹ là Burton Watson cũng tương tợ như vậy, ông là một người say mê Ryokan, đã sang Nhật tìm về làng quê của Ryokan và những nơi ông từng sinh sống hoặc từng đi qua, viếng các bảo tàng viện còn cất giữ những di tích của Ryokan, sống lại những mùa thumùa đông trong vùng rừng núi Kugami..., nhưng sau cùng ông đành kết luận là ông không hiểu hết con người Ryokan, và ông đã tự thú nhận mình là một nhà thơ nên chú trọng nhiều hơn đến các thi phẩm của Ryokan mà thôi, dù rằng các bài thơ về Phật pháp ông cũng không hiểu hết. Những gì Burton Watson phát biểu khá thành thực và cũng dễ hiểu. Trong quyển sách và các bài báo ông viết, Burton Watson dùng quá nhiều lý luận và phân tích, nêu lên quá nhiều thắc mắc, một cách tiếp cận như thế không thể nào giúp ông hiểu được một thiền sư nói riêng và thiền học nói chung.

Tóm lại sách dịch các thi phẩm của Ryokan thì nhiều lắm, có những dịch giả tuyển chọn những bài thơ “thi vị” nhất, vài dịch giả khác thì thích loại thơ haiku, chẳng hạn như Joan Titus-Carmel, hai dịch giả Cheng Wong Fun và Hervé Collet thì cho xuất bản đến ba quyển sách trích dịch toàn những bài thơ bằng Hán ngữ. Trong khi đó những bài thơ về Phật pháp của Ryokan rất phong phú thì ít người chú ý, có lẽ vì các bài thơ ấy không “hấp dẫn” và có thể khó hiểu cho một số người đọc và biết đâu cho cả người dịch (?). Những gì vừa trình bày trên đây cho thấy tính cách phiến diện trong cách chọn lựa các thi phẩm. Trong quyển sách này, số thơ tuyển chọn tuy giới hạn nhưng được phân bố theo nhiều thể loại và đề tài khác nhau trong đó có cả thơ về Phật pháp, trong mục đích giúp người đọc tìm hiểu Ryokan một cách trung thực hơn.

Mặt khác sách viết về tiểu sử của Ryokan cũng thường rơi vào tính cách phiến diệnchủ quan như vừa kể, phần lớn các tác giả dựa vào giai thoại nhiều hơn là những sự kiện có thể kiểm chứng được, chẳng hạn như John Stevens, Claire S. Fontaine, và cả Dominique Blain, v.v... Giai thoại thì không thể nào tránh khỏi những thêm thắt và phóng đại, hơn nữa giai thoại về Ryokan thì nhiều lắm, có lẽ vì ông là một con người khá “khó hiểu”, nên người đương thời và cả về sau này thường phóng đại và tạo ra đủ mọi thứ giai thoại về ông. Những biến chế ấy có thể nhận thấy dễ dàng vì cùng một sự kiện hay một giai thoại nhưng không có sách nào ghi chép giống nhau, đôi khi lại còn mang tính cách mâu thuẫn với nhau nữa, các tác giả Tây phương có khi còn lầm lẫn cả ngày tháng âm lịch và dương lịch khi nghiên cứu các tài liệu bằng Nhật ngữ. Các loại sách căn cứ quá nhiều vào giai thoại sẽ mang đến hoang mang và lầm lẫn vì thông thường người đọc dễ bị thu hút và mê hoặc bởi những gì thêm thắtbiến chế, không nhìn thấy những gì đích thực. Có thể một vài tác giả tin rằng những phóng đại sẽ làm tăng thêm giá trị cho Ryokan, nhưng thật ra chỉ biến ông thành một con người kỳ quặc và khó hiểu hơn. Dù sao thì một số sách gốc tiếng Nhật được chuyển dịch sang các ngôn ngữ Tây phương cho thấy có ít nhiều giá trị.

Như đã nêu lên trong phần dẫn nhập, viết tiểu sử của Ryokan không phải là một việc quá khó vì tài liệu phong phú, nhưng chọn lọc những sự kiện chính xác và những giai thoại đích thực để viết thì không phải là một việc dễ. Trong quyển sách này một số biến cố và một vài giai thoại tiêu biểu cũng đã được chọn, tuy nhiên những biến cốgiai thoại ấy đã được cân nhắc cẩn thận qua nhiều tài liệu khác nhau.

Thực ra Ryokan không hẳn là một thi sĩ vì ông đã từng bảo rằng “thơ tôi đâu phải là thơ”, nhưng mặt khác ông cũng không hẳn là một nhà sư vì ông không hề thu nhận đệ tử và cũng không thuộc vào một tăng đoàn nào cả, ông chỉ là một người tu hành phiêu bạt: “những người đi đường không hề biết tôi, đối với họ tôi chỉ là một kẻ ăn mày khác mà họ bắt gặp ở ngã tư đường”. Tuy ông đã thú nhận như thế, nhưng chúng ta lại nhất định bắt ông phải là một thi nhân và một thiền sư. Dù bắt ông phải là một thi nhân và một thiền sư nhưng chúng ta vẫn chưa hài lòng, vì chúng ta muốn ông phải là một thi nhân có thực tàiđồng thời lại tìm đủ mọi cách để chứng minh ông là một thiền sư “đại ngu”. Đấy là thái độ chung của nhiều người khi đánh giá Ryokan, việc đánh giá ấy căn cứ vào “sự hợp lý thông thường” chất chứa quá nhiều trong sự hiểu biết công thứcquy ước của chúng ta, như thiền sư D.T. Suzuki đã từng nói.

Có người nhìn Ryokan như một nhà sư đần độn và ngô nghê, có người lại xem ông là sự tượng trưng tốt đẹp nhất của trí thông minh con người, có kẻ gọi ông là nhà sư chơi bóng ném, kẻ khác thì gọi ông là nhà sưtâm hồn trẻ con, nhưng cũng có người đánh giá ông một cách đơn giản là một gã sư khùng. Những thể dạng ấy chỉ là những biểu hiện bên ngoài dưới mắt của những kẻ “bình thường” như chúng ta, không mấy ai nhìn thấy cái bản chất đích thực bên trong của ông. Ryokan không phải là một nhà sư đần độn, nhưng cũng không tượng trưng cho trí thông minh của con người, ông không phải là một nhà sư biết làm thơ, cũng không phải là một lão già ngô nghê chỉ biết chơi bóng ném và ú tim. Ông là một chúng sinh đã đạt được giác ngộ.

Cái giác ngộ ấy ông không mô tả ra được, cũng không thể trao lại cho bất cứ ai. Ryokan đã nói lên điều đó trong rất nhiều bài thơ:
...................................
Hân hoan tràn ngập trong tôi,
Nhưng không sao mô tả được bằng lời.

...................................
Trong cái khoảnh khắc đó, một xúc cảm tuyệt vời lan rộng 
 trong tôi,
Và chỉ riêng tôi mới ý thức được cái xúc cảm ấy mà thôi.

...................................
Nắn lại chiếc gối, lẳng lặng nghe tiếng mưa rơi
trên những tàu lá chuối
Biết chia sẻ với ai xúc cảm của những giây phút này?

Một buổi tối an bình, ra phía sau am cỏ,
Ngồi dạo một khúc hát với cây đàn không dây.
...................................
Chỉ có kẻ nào ngăn được những tiếng động bên ngoài,
Mới có thể nghe thấy tiếng nhạc huyền diệu ấy mà thôi.

Đạo Pháp của Phật không đối nghịch với sự hài hoà của 
 vạn vật.
Đâu có gì khác lạ để cho tôi truyền lại?
Báu vật ấy đã có sẵn từ muôn đời,
Ngày cũng như đêm, nó rạng ngời và xoá hết bóng tối trong thế gian này.
Dù có đạt được, cũng không có cách nào để trao lại cho kẻ khác.

Sự giác ngộ mà ông đã đạt được ông không thể mô tả bằng lời, cũng không thể trao lại cho kẻ khác mặc dù ông yêu thương tất cả chúng sinh:
...................................
Đạt được nó, tức thời ta sẽ vượt sang được bờ bên kia.
Tôi trình ra đây vật báu ấy và sẵn sàng hiến dâng cho mọi người,
Nhưng biết phải làm thế nào, khi mà kẻ khác không muốn nhận.

Thật vậy, chúng ta chỉ nhận thấy cái “đại ngu” của ông và những “rung động” trong các vần thơ của ông, nhưng có mấy ai nhìn thấy cái “giác ngộ” trong ông để cho ông trao lại, hoặc một số người dù cho có nhìn thấy sự giác ngộ mà ông sẵn sàng hiến dâng, nhưng đồng thời họ vẫn tiếp tục bị thu hút bởi những lo toan của thế tục và không nhận ra cái “báu vật” mà ông đang nâng trong hai tay.

Người ta có thể trách ông không thuyết giảng gì cả, cũng không lo Phật sự ở chùa, nhưng thật sự ông đã hiến dâng tất cả đời mình, từ những xúc cảm thanh cao trong ông cho đến lối sống hoàn toàn tinh khiết của ông để làm một tấm gương cho chúng ta soi: ông không giảng dạy bằng lời nhưng bằng hành động. Một hôm đi khất thực trong một ngôi làng ông bị dân làng vu oan là kẻ trộm và định đem ông chôn sống theo tục lệ thời bấy giờ, nhưng ông vẫn thản nhiên không hé răng tự bào chữa. Ông nghĩ rằng nếu là một cái nghiệp từ kiếp trước mà ông phải trả thì đây đúng là dịp để trả, nhưng nếu cái nghiệp không có thì dù cho cơ duyênthuận lợi thì quả cũng không thể nào xảy ra được. Quả đúng như thế, một người dân làng đã đứng ra minh oan cho ông.

Người ta có thể trách ông đã tự chọn cho mình một cuộc sống cô đơnkhổ hạnh, tự tách rời khỏi xã hội tập thể của con người, nhưng thật ra ông đã đưa cuộc sống của ông hội nhập vào hiện thực, trực tiếp với khổ đau để nhìn thấy bản chất đích thực của thế giới luân hồi. Trong khi ông sống thực với chính ông trong cõi vô thường này, thì chúng ta lại chối bỏ hiện thực, tránh né khổ đau và tự lừa dối mình bằng những ảo giác của hạnh phúc, của trường tồnbất biến, tự trói mình trong những khái niệm quy ước và những hiểu biết của ngôn từ.

Bằng những kinh nghiệm trong cuộc sống của chính mình, ông đã nêu lên cái Sự thật thứ nhất mà Đức Phật đã thuyết giảng, tức là Khổ đế của thế gian này, để chúng ta nhìn thấy. Cảm nhận được cái Khổ đế đó sẽ giúp chúng ta nhận ra con đường đưa đến giác ngộ, và chính ông đã từng nhìn thấy được sự giác ngộ đó trên mặt nước cháo trong đáy bính bát của ông:

Ngay cả những lúc
Tôi còn đói
Nhưng mặt nước cháo trong đáy bình bát
Vẫn hiện lên hình bóng của tôi.

Trên mặt nước cháo ở đáy bình bát đã hiện lên cái bản thể đích thật của con người Ryokan, cái Phật tính trong ông. Cái bản thể giác ngộ đó thật hết sức tuyệt vời:

Dù nâng bằng hai tay, nhưng hôm nay trở về,
Lại thêm một lần, chiếc bình bát trống không.
Trong Thiền đâu có gì là lạ,
Một chiếc bình bát, một mảnh cà-sa,
Tôi ngao du trên con đường tuyệt vời, tận phương trời phía Tây.

Mặc dù sau một ngày khất thực, nhưng chiếc bình bát vẫn trống không. Tuy thế trên đường về, ông vẫn cảm thấy đang ngao du trong cảnh giới tuyệt vời của Tây phương Cực lạc.

Mùa xuân năm 1994, thủ đô Paris tổ chức năm Nhật Bản, trong dịp này một bảo tàng viện lớn của thành phố đặc biệt triển lãm tranh, thư pháp và thơ của một thiền sư Nhật đương thời với Ryokan là Sengạ Gibon (Tiên Nhai Nghĩa Phạm, 1750 – 1837). Sengạ Gibon là một đại thiền sư trụ trì một trong những ngôi chùa danh tiếng và lớn nhất của nước Nhật thời bấy giờ là Shôfukuji thuộc tông phái Lâm tế. Nếu trong bảo tàng viện người ta đọc được bài thơ haiku sau đây của Sengạ:

Một khuôn trăng táo bạo giữa đêm thu
 toả sáng trong không gian
 vô biên và trống rỗng

Thì đồng thời người ta cũng tìm thấy trong các trạm đường hầm xe điện của thành phố Paris những tấm bích chương thật lớn ghi lại câu thơ haiku bất hủ của Ryokan:

Tên trộm đã bỏ quên
 khuôn trăng
 bên thềm cửa sổ

Mỗi ngày có khoảng hai triệu lượt người di chuyển trong các đường hầm xe điện dưới lòng đất của thủ đô Paris. Phần đông họ hối hả, lo âumệt mỏi, ngồi im trong những con tàu xuyên qua những đoạn đường hầm tối om, dừng lại ở những sân ga đông đúc và chói loà ánh điện. Mấy người trong số họ được cái may mắn nhìn thấy ánh trăng rạng rỡ bên thềm cửa sổ của một chiếc am cỏ nơi rừng núi Kugami? May mắn thay, con trăng tuyệt vờivô giá mà tên trộm đã bỏ quên gần hai trăm năm trước hôm nay đang soi sáng những đường hầm xe điện dưới lòng đất Paris. Nhưng tiếc thay, trong số những hành khách đang hối hả có mấy người bỗng cảm thấy lòng mình rung động để dừng lại trên sân ga ngắm nhìn những tấm bích chương để thưởng thức vần thơ haiku của Ryokan, hay là họ cũng chỉ là những tên trộm bị thu hút bởi những giá trị vật chất, hối hảbỏ quên trong đường hầm cái ánh trăng tinh khiết của núi rừng Kugami? Họ bị cuốn trôi theo những dòng thác của lo toan thế tục trong lòng đất tối om. Dù sao thì ý kiến của ban tổ chức năm Nhật Bản chọn câu thơ haiku của Ryokan để triển lãm trong các trạm đường hầm cũng là một ý kiến tuyệt vời và táo bạo, táo bạo như vầng trăng thu soi sáng cả bầu không gian vô biên và trống rỗng trong câu thơ của thiền sư Sengạ.

Những sinh linh giác ngộ trong quá khứ đã để lại cho chúng ta rất nhiều, thật nhiều, nhưng thông thường thì chúng ta không nhận thấy hoặc không muốn nhận thấy mà thôi:

Nếu những ai muốn hỏi
Ryokan có lưu lại một lời cuối cùng nào
cho thế gian này?
Thì cứ bảo với họ rằng:
Nam-Mô A-di-Đà Phật

Tuy rằng Ryokan chỉ niệm một câu A-di-Đà Phật và giữ yên lặng, nhưng thật ra trong sự yên lặng của câu tụng niệm ấy ông đã để lại cho chúng ta thật nhiều, từ tấm gương của cuộc đời ông cho đến những xúc cảm của giác ngộ trong ông. Ông đã trao lại cho chúng ta hôm nay vầng trăng bên thềm cửa sổ nơi chiếc am cỏ của ông trong rừng núi Kugami và cả hình bóng ông trên mặt nước cháo ở đáy chiếc bình bát khất thực. Ông không mang theo với ông bất cứ một thứ gì, ông đã để lại tất cả cho chúng ta trong thế gian này:

Gia tài nào
Tôi để lại?
Là hoa nở lúc mùa xuân
Tiếng con chim cu khi vào hạ
Chiếc lá phong rực đỏ
Của mùa thu...
Chúng ta có nhìn thấy cái gia tài ấy hay không?

Hoang Phong, 18.02.09
 
 

SƠ LƯỢC
THƯ MỤC THAM KHẢO

Blain Dominique – Ryokan l’oublié du monde. Ed. Les deux Océans, Paris, 2007.
Burton Watson – Zen monk-poet of Japan, translated from Japanese by Burton Watson. Columbia Univ. press, 1977.
Cheng Wong Fun & Hervé Collet – Le moine fou est de retour. Editions Moundaren, 1988.
Cheng Wong Fun & Hervé Collet – Recueuil de l’ermitage au toit de chaume. Editions Moundaren, 1994.
Cheng Wong Fun & Hervé Collet – Pays natal, Editions Moundaren, 1994.
Fontaine Claire S. – Contes zen Ryokan (1758-1831), le moine au coeur d’enfant, Traduction du Japonais. Ed. Le courrier du Livre, Paris, 2002.
Ishigami Iagolnitzer Mitchiko – Ryokan, moine zen. Editions du CNRS, Paris 1991
Kaô Kiichi – Ryokan’calligraphy. Ed. Kôkôdo, Niigata, Japon, 1977
Kodama Maisao & Yanagashima Hikosaku – The Zen Fool Ryokan. Charles E. Tuttle publishing, 1999.
Les 99 haikus de Ryokan – Traduits du Japonais par Joan Titus-Carmel, Ed. Verdier, 1980.
Ryokan & Teishin – La rosée d’un lotus, traduction du japonais par Alain-Louis Colas. Ed. Gallimard, Paris, 2002.
Ryuchi Abé & Peter Haskel – Great fool: poèms, letters and other writings, Zen Master Ryokan. Honolulu University of Hawaii’ press, 1996.
Sablé Erik – Ryokan, le chemin vide, Vie et poèmes d’un moine zen. Editions Dervy, Paris, 2003.
Stevens John – One robe, one bowl, the zen poetry of Ryokan. John Wutherhill Publishing, 1977.
Yuasa Nobuyuki – The zen poems of Ryokan. Princeton University Press, 1981.

Ryokan Gã thiền sư Đại Ngu cô đơn trên con đường trống không
Chịu trách nhiệm xuất bản: Đỗ Thị Phấn
Biên tập: Ngô Liêm Khoan
Sửa bản in: Phát Quang
Vi tính: Cẩm Hà
Bìa: Đặng Văn Thành
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA SÀI GÒN
90 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp.HCM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/10/2010(Xem: 55389)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.