Thư Viện Hoa Sen

Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Quảng Bửu (1944 - 2016)

08/05/20163:44 SA(Xem: 7283)
Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Quảng Bửu (1944 - 2016)

 

 

TƯỞNG NIỆM
HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG BỬU (1944 - 2016)
Thích Giác Tâm

 

thich quang buu 2Có những mất mát không gì bù đắp được, có những sự chia ly diệu kỳ như huyền sử. Kẻ ở cứ mãi nhớ thương, hồi ức đong đầy nơi khóe mắt. Người đi mỉm cười thinh lặng vô ngôn, có chút tiếc nuối mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho đạo pháp như lòng hằng mong muốn. Cầu nguyện Hòa Thượng sớm trở lại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sinh. Nước sông Côn, đầm Thị Nại, biển Đề Gi, ngày đó sẽ xanh hơn trong hơn, cá nhởn nhơ bơi lội từng đàn trong giòng nước mát rượi như cam lồ tịnh thủy.Chúng con mãi mãi ngóng đợi trông chờ.

Khi đọc tin phân ưu, cáo phó của các vị Tăng Ni, có trường hợp chúng ta chỉ xao động tâm một chút rồi trôi qua, ta trở về với công việc thường nhật của mình. Có trường hợp ta dạt dào cảm xúc, thương nhớ bồi hồi, kính tiếc cho tông phong, cho Phật giáo mất đi một trụ cột chống đỡ cho ngôi nhà Phật giáo bằng đạo đức vô hành. Trường hợp Hòa Thượng Thích Quảng Bửu cũng vậy. Khi biết tin Hòa Thượng viên tịch qua cáo phó của trang nhà phatgiaobinhdinh.com, Tăng Ni, Phật tử xa gần đã thốt lên: “Phật giáo Bình Định thêm một mất mát lớn nữa rồi”.

Hòa Thượng thế danh: Nguyễn Bá Cừu, Pháp danh Quảng Bửu, tự Trí Biện, hiệu Minh Trí. Hoà Thượng sinh năm Giáp Thân (1944) trong một gia đình thâm tín Phật giáo ở thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Khi chưa xuất gia quy y năm giới với Hòa Thượng Thích Giác Ngộ, chùa Thiên Trúc - Bình Định, được Hòa Thượng Giác Ngộ ban cho pháp danh Quảng Bửu. Có túc duyên với đạo rất sớm, nhưng đến năm 1965 (21 tuổi) Hòa Thượng mới chính thức xin xuất gia tu học với  Hòa thượng Thích Đồng Thiện, pháp danh Thị Công, trụ trì Tu Viện Nguyên Thiều, thôn Đại Lễ, Xã Phước Hiệp, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định.

Được biết chàng thanh niên Nguyễn Bá Cừu đã quy y thọ năm giới với Hòa Thượng Giác Ngộ, Hòa Thượng Đồng Thiện nói: “ Con về thưa với bổn sư con xin xuất gia đi !”. Hòa Thượng vâng lời về thưa lại với bổn sư. Hòa Thượng Giác Ngộ biết chàng thanh niên Nguyễn Bá Cừu là pháp khí đại thừa nên ưng thuận cho phép xuất gia, nhưng khi thế phát xuất gia chính tay Hòa Thượng Đồng Thiện cạo tóc. Sau khi xuất gia Hòa Thượng luôn thân cận, gần gũi Thầy mình là Hòa Thượng Đồng Thiện học phép tắc uy nghi, phật học cơ bản, và luôn ở bên cạnh Hòa Thượng Đồng Thiện, cho đến ngày bổn sư mình viên tịch.  

 Thế hệ chư tôn đức trước 1975, luôn đối xử với nhau một cách khiêm cung, nhường nhịn. Nếu có người xin đi xuất gia với mình mà trước đó đã quy y năm giới với một vị Thầy khác thì vị Thầy thế độ xuất gia vẫn không đổi pháp danh lại. Chính từ trường hợp này mà Hòa Thượng Quảng Bửu có pháp danh là Quảng Bửu theo dòng kệ của Tổ Liễu Quán:“Tâm nguyên quảng nhuận….”. Thông thường khi đi xuất gia, vị Thầy thế độ cho mình sẽ ban cho pháp danh mới, truyền thừa theo tông môn pháp phái của Thầy thế độ mình. Nếu Hòa Thượng Đồng Thiện không kính nể Hòa Thượng Giác Ngộ thì sẽ đặt pháp danh lại cho HT. Quảng Bửu theo dòng kệ của phái Chúc Thánh“Ấn chơn như thị đồng, chúc thánh thọ thiên cửu…”. Nếu theo dòng kệ của phái Chúc Thánh thì Hòa Thượng Quảng Bửu sẽ có Pháp danh bắt đầu bằng chữ Đồng…

Chư tôn đức sáng lập tu viện Nguyên Thiều, với hoài bão đào tạo tăng ni kế thừa có tu có học cho Phật giáo mai sau, do vậy tu viện không phải là một ngôi chùa, cho tín đồ đến lễ bái tu học, hoặc mời chư Tăng đi ứng phó cho gia đình mình khi có nhu cầu. Chỉ chuyên dạy, chuyên học, chuyên tu. Hòa Thượng Đồng Thiện đã làm tròn bổn phận trách nhiệm cao quý đó, Hòa Thượng Quảng Bửu tiếp tục sứ mệnh dang dở của Thầy mình, cả một đời gắn kết với tu viện, tu học tại tu viện rồi truyền trao kiến thức cho thế hệ Tăng Ni trẻ cũng tại tu viện, cho đến ngày lâm bệnh trực tràng rồi viên tịch, an táng tại tu viện thân thương này.

Tu viện Nguyên Thiều mở trường Trung cấp Phật học từ năm 1992 đến nay (2016) đã được bảy khóa, bảy khóa trôi qua với vô vàn gian khổ, thiếu thốn trăm bề, nhất là những khóa đầu. Thượng Tọa Quảng Tuấn lo cái ăn cái mặc cho Tăng Ni sinh, còn Hòa Thượng Quảng Bửu lo giáo dục đào tạo, hai vị như hai cánh của một con chim bằng đưa Tăng Ni sinh qua phương trời cao rộng, mơ ước. Sự ra đi của Hòa Thượng Quảng Bửu đã làm cho Thượng Tọa Minh Tuấn chới với, hụt hẫng. Thượng Tọa Minh Tuấn nói với Hòa Thượng Thông Đạt cùng đi trong đoàn kính viếng phân ưu của Ban trị sự Phật giáo Gia Lai: Hòa Thượng nghĩ coi Hòa Thượng Quảng Bửu mất rồi, tôi còn sống làm gì nữa”.

Ghi nhận lớn nhất của ngành giáo dục Phật giáoHòa Thượng nói dạy những điều mình đã làm với Tăng Ni sinh, Phật tử. Chứ không phải nói, dạy một đàng mà làm một nẻo, Phật giáo gọi là thân giáo ( đem đời sống mẫu mực, phạm hạnh của mình mà giáo dục người khác).  Hòa Thượng rất từ bi nhưng nghiêm khắc, không vì một cá nhân mà làm ảnh hưởng thương tổn đến đạo pháp. Với cương vị giám luật và giáo thọ của trường có lần Hòa Thượng đuổi một học tăng ra khỏi trường không cho lưu trú và học nữa, thì Thầy Đồng Kỳ (thị giả của Hòa Thượng và cũng là Quản chúng của trường) có xin: “ Chuyện lỗi lầm gây ra của vị học tăng X này cũng chưa lớn lắm xin Hòa Thượng từ bi tha cho sư chú ở lại học”. Hòa Thượng trả lời“ Đã cảnh cáo rồi mà không sửa đổi thì phải nghiêm trị thôi, nếu không kỷ luật với chuyện nhỏ, thì khi xảy ra chuyện lớn trường không còn uy tín, sẽ không tiếp tục được sứ mệnh giáo dục đào tạo tăng tài cho giáo hội nữa”.

Hòa Thượng luôn lấy giới luật làm Thầy, và luôn khắc kỷ với chính mình trong ăn uống sinh hoạt thời khóa:

Ăn: Hòa Thượng ăn uống rất tiết kiệm, và luôn nhắc đồ đệ của mình phải tiết kiệm từng hạt cơm cộng rau… của đàn na tín thí. Tu viện Nguyên Thiềuthời gian làm rất nhiều khạp tương, ủ mốc theo cách tự nhiên (tương làm không đúng cách, bảo quản không tốt ăn loại tương này cũng dễ dẫn đến bệnh tật) Hòa Thượng cũng rất thích ăn các loại dưa muối, có phải từ cách ăn uống kham khổ với các loại tương, dưa muối bị nhiễm độc mà Hòa Thượng bị bệnh về đường ruột, và mất vì bệnh này?

Thời khóa công phu: Hòa Thượng luôn duy trì đều đặn thời khóa công phu, hai thời công phu chính không khi nào bỏ, cho dù khi có phật sự một giờ sáng mới về tới tu viện, thì 3 giờ 30 sáng vẫn dậy công phu như thường lệ. Từ lúc xuất gia cho đến ngày chưa phát hiện bệnh nặng Hòa Thượng luôn công phu bái sám, thù ân Tam Bảo như thế. Trưởng lão Hòa Thượng Trí Quang có nói trong cuốn Hai thời công phu do Ngài dịch đại ý“Người xuất gia chỉ cần học hỏi tường tận hai thời công phu, áp dụng theo đó hành trì đều đặn không gián đoạn, thì người đó đã là thượng nhân rồi”.

Học hỏi dịch thuật: Tốt nghiệp Tú Tài trước năm 1975 Hòa Thượng mới xuất gia. Sau khi xuất gia chỉ học tại tu viện Nguyên Thiều, nhưng vốn tư chất thông minh, ham tìm tòi học hỏi nghiên cứu, chỉ trong một thời gian Hòa Thượng đã nắm bắt được yếu nghĩa uyên áo, tông chỉ của kinh điển Đại Thừa, và khoảng thời gian quan trọng nhất của chuyện nghiên tầm bối diệp, là Hòa Thượng được học kinh điển Đại Thừa với Trưởng lão Hòa Thượng Thích Bình Chánh, chùa Sơn Long, Bình Định (cùng học với Hòa Thượng trong giai đoạn này có Hòa Thượng Đồng Chơn chùa Bình An; Hòa Thượng Đồng Tịnh chùa Gia Khánh đều ở Bình Định).

Mùa xuân năm 2014, tôi có ra thăm các chùa Huế, có lại chùa Từ Đàm đảnh lễ Trưởng lão Hòa Thượng Trí Quang. Ngài hỏi tôi: “Thầy quê ở đâu ?”. Tôi trả lời: “ Con gốc người Bình Định”. Ngài lại hỏi tiếp: “ Thầy có biết Hòa Thượng Kế Châu, Hòa Thượng Tâm Hoàn, Hòa Thượng Mật Hạnh, Hòa Thượng Bình Chánh không ?”. Tôi trả lời“ Dạ bạch Ôn con có biết”. Trưởng lão Hòa Thượng Trí Quang nói tiếp: Hòa Thượng Kế Châu giỏi thơ văn chữ Hán và viết chữ thảo rất đẹp. Hòa Thượng Tâm Hoàn giỏi công việc hành chánh của giáo hội, và trung kiên với chí nguyện, lý tưởng của mình. Hòa Thượng Mật Hạnh, có hạnh kín trong tu hành. Và nhất là Hòa Thượng Bình Chánh, có cái nhìn thấu thị sâu xa, uyên thâm kinh điển Đại Thừa. Các vị Hòa Thượng vừa nói đều là bạn học với tôi”.

Mặc dù tự nghiên cứu Phật pháp nhưng được học hỏi với một bậc danh tăng của Phật giáo Bình Định, Hòa Thượng đã dịch được một số kinh, luật, luận chữ Hán như sau:

-     Luận Khởi Tín

-     Luận Đại Thừa Chỉ Quán

-     Luận Phật Thừa Tông Yếu

-    Nghi thức Truyền Giới

-    Nghi thức Bố tát Tỳ Kheo

-    Hai Thời Công Phu.

Văn tức là người, văn phong của Hòa Thượng khi dịch cũng chân chất, bình dị, dễ hiểu, trong sáng như con người của Hòa Thượng.

Giữ giớitruyền giớiNgười xuất giagiữ giới thì bản thể mới thanh tịnh, và khi truyền giới cho người, người thọ nhận mới đắc giới. Hòa Thượng một đời tu học luôn gìn giữ tịnh giới, cho nên các Ban Trị Sự trong tỉnh ngoài tỉnh, khi mở giới đàn đều mời Hòa Thượng đảm trách vai trò quan trọng trong giới đàn, để truyền trao giới pháp cho giới tử.

Những chức vụ mà Hòa Thượng đảm trách trong các giới đàn:

Năm 1994, Hòa thượng được cung thỉnh Đệ Ngũ Tôn Chứng tại Đại Giới Đàn Phước Huệ - Bình Định

Năm 2000, Hòa thượng làm đệ tứ tôn chứng tại Đại giới đàn Chánh Nhơn - Bình Định

Năm 2004, Hòa thượng làm đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Huệ Chiếu - Bình Định

Năm 2009, Hòa thượng làm làm đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Giác Tánh - Bình Định

Năm 2013 Hòa thượng làm Giáo Thọ A-xà-lê tại Đại Giới Đàn Kế Châu - Bình Định

Năm 2010 Hòa Thượng làm đệ tứ tôn chứng tại Đại giới đàn Cam Lộ - Gia Lai.

Triết gia Phạm Công Thiện khi còn ở trong nước, năm 1969 – 1970 ông có nghiên cứu Phật giáo ở Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức, trên đồi Trại Thủy Nha Trang ông có nói đại ý:“Phật giáo Việt Nam không bao giờ biến mất trên đất nước này, nếu như còn có một con người tu chứng ngộ”. Đúng như lời ông nói, tất cả những cái hình thức gọi là Phật giáo đều không phải là tinh túy cốt lõi của Phật giáo vì nó là pháp hữu vi. Tinh túy cốt lõi của Phật giáogiới luật và sự hành trì giới luật. Có giới thì có Định, có Định thì phát sinh trí tuệ (Bát Nhã). Và sẽ đạt đến cái thấy như thật, Tánh không, vượt thoát tất cả mọi khái niệm đối đãi, có không, còn mất, sinh tử, niết bàn…..

Hay tin Hòa Thượng viên tịch học Tăng, học Ni 7 khóa trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều ở khắp mọi miền trên đất nước kéo nhau về đảnh lễ thầy mình và cùng chung lo hiếu sự tang lễ, con số trên ngàn người. Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh ngoài tỉnh cũng tụ hội về kính lễ giác linh Hòa Thượng, bổn sư mình đông nghịt sân vườn khuôn viên tu viện. Từ sau năm 1975 tại tỉnh Bình Định, đám tang của Hòa Thượng Quảng Bửu là một đám tang cực kỳ đông đảo, nói lên được tấm lòng Tăng Ni Phật tử quý kính một bậc tôn túc suốt đời trì trai, giữ giới, phạm hạnh.

Lời kết: Hòa Thượng viên tịch trong mùa Sen nở, mùa hoa Đàm nở. Lễ Phật Đản PL.2560 đang gần kề. GHPG tỉnh Bình Định mất đi một cao tăng suốt đời hy sinh, tận tụy vì đàn hậu học, Phật giáo Bình Định vì thế cũng trống vắng hơn. Dưới chân tháp chàm tu viện Nguyên Thiều cũng trầm tịch vắng vẻ hơn vì vắng bóng Thầy sớm chiều ra vào dạy dỗ. Có những mất mát không gì bù đắp được, có những sự chia ly diệu kỳ như huyền sử. Kẻ ở cứ mãi nhớ thương, hồi ức đong đầy nơi khóe mắt. Người đi mỉm cười thinh lặng vô ngôn, có chút tiếc nuối mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho đạo pháp như lòng hằng mong muốn. Cầu nguyện Hòa Thượng sớm trở lại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sinh. Nước sông Côn, đầm Thị Nại, biển Đề Gi, ngày đó sẽ xanh hơn trong hơn, cá nhởn nhơ bơi lội từng đàn trong giòng nước mát rượi như cam lồ tịnh thủy.Chúng con mãi mãi ngóng đợi trông chờ.

Chùa Bửu Minh Gia Lai.

Ngày mồng 1 tháng 4 năm Bính Thân.

Kính lễ.

Thích Giác Tâm

 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: