Năm 1979 tăm tối thê lương (Hồi ức)

15/11/20236:10 CH(Xem: 1552)
Năm 1979 tăm tối thê lương (Hồi ức)

Hồi ức

blank
Chùa Phước Điền nhìn từ Đồi Trại Thuỷ vào những năm xưa trước 1975

 

NĂM 1979 TĂM TỐI THÊ LƯƠNG

 

        Năm 1979.

        Một trong những năm đen tối thê lương thảm sầu của đại gia đình tôi.

        Nhà tăm tối không có điện dùng.

        Uống và tắm nước giếng, cái giếng già đã cạn thường đón mấy con mèo nhảy nhót lắt xắt rơi xuống rồi cất tiếng kêu gào thảm thiết để cầu cứu người thả gàu vớt lên...

        Năm 1979. Tôi được 19 tuổi. Thời gian đó, tôi mãn hạn Thanh Niên Xung Phong, đăng ký đi vào năm 1977, ở Kinh Tế Mới Đất Sét trở về, oai phong lẫm liệt với tướng tá to tê cao ráo khoẻ khoắn mà nằm nhà vì thất nghiệp như một kẻ chiến bại, tìm chưa được việc làm dù là việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác...

        Thời gian trước đó, Papa tôi đã lặng lẽ lủi thủi từng bước chân từ nhà từ đường tăm tối lội bộ lên dốc Miếu Bà (Lý Quốc Sư), băng qua Quốc Lộ (2 tháng 4), cua Trần Quý Cáp, thẳng thẳng tiếp ngang qua Chùa Tỉnh Hội Long Sơn, dừng lại trước cổng tam quan hướng vào niệm Phật, rồi tiếp tục cất bước khoan thai ngang đến dưới chân dãy bậc cấp dẫn lên Linh Phong Cổ Tự mà trước kia mình thường lên thăm con trai là Điệu Hảo-Tâm Quang đang tu học trên đó dừng một chặp để nhìn lên niệm Phật trong một phút, thanh thản rảo chân tiếp tục vào đến chân đồi Trại Thuỷ bên trên có Phật Học Viện Trung Phần-Chùa Hải Đức, cua qua bên phải theo con đường đất vào đến Chùa Phước Điền. Đó là lộ trình hằng ngày, đi và về, đi bộ bằng đôi chân của người con Phật đang tuổi lục tuần để dạy kèm tiếng Pháp cho Thầy trụ trì, Thầy Thích Phước Đường (huý Nguyên Minh, đệ tử của Hoà thượng Thích Trí Thủ).

        Thầy cần trang bị, trau giồi Pháp ngữ trước khi rời quê hương sang "Kinh đô Ánh Sáng" để phụ giúp vị bào huynh là Hoà thượng Thích Thiện Châu đang trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm lo Phật sự, hoằng pháp.

        Đang công nghiệp với muôn người gồng mình chống chọi, xoay trở chạy ăn từng bữa giữa thời buổi gạo châu cũi quế thê lương ám chướng mà một người già mất sức lao động như Papa tôi lại được may mắn dạy kèm ngoại ngữ cho một vị tỳ-kheo thì đúng là phước duyên, là đại phước đức, vì người gia sư có được những tờ giấy bạc thù lao quý hiếm cầm trên tay, cất kỹ vào túi từ người học trò luôn kính quý mình. Không rõ, không biết "tiền lương hằng tháng" đó con số cụ thể là bao nhiêu, mà biết rõ để làm gì, chỉ cần biết đó là niềm vui to tát, là nguồn an ủi ấm áp đủ để động viên tinh thần, đủ để bồi đắp niềm tin cho người thầy giáo già tăng nội lực lẫn cước lực hằng ngày đi đi về về qua phố xá ngược xuôi đầy gian lao nghiệp chướng...

         Thỉnh thoảng, cứ vài ba ngày, vị gia sư còn được học trò trao từng túi quả ngọt, từng gói bánh trái nặng trĩu mà sao cánh tay xách túi đường xa vẫn không thấy mỏi để mang về nhà phát chia cho các con đang thất nghiệp nằm đo chiếu đo nền cùng vui vẻ với nhauthọ hưởng "lộc Chùa, lộc Phật"...

         Đùng một cái, Uỷ ban nhân dân Phường đưa thông báo xuống Uỷ ban Khóm một danh sách các hộ gia đình "được" đi xây dựng vùng Kinh Tế Mới. Trong danh sách dài ngoằng đó, có hộ của "ông quan chức Nguỵ quyền" và các con trong "hộ khẩu hậu khổ"!

        Kinh Tế Mới Nhiễu Giang, vùng đất hoang vu ở tuốt tận ngoài Phú Yên, thời bấy giờ là vùng đất của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hoà nhập một cho đông vui, sau này lại mất công tách chia lại!). Giấy thông báo của Phường đưa xuống đến nhà như môt cơn địa chấn giữa lúc mọi người đang kiên trì nhẫn nhục chấp nhận cuộc sống khó khăn ảm đảm và tạm cho là bình an để hướng vọng về một ngày mai sáng sủa dễ thở hơn. Hộ gia đình “Nguỵ quyền”, con dòng cháu dõi của “triều Nguyễn bán nước” ở trong ngôi từ đường mang số 69 này bị “kết” lâu rồi, nay từ trên mới gửi giấy thông báo xuống là đã có du di châm chước cho rồi, phải chấp nhận thôi!

        May mà còn có chú Khóm trưởng, chú Sung, tôi nhớ là họ Đặng, vốn là người Huế đồng hương với Papa tôi, nên dành nhiều thiện cảm với cái Hộ có nhiều “nghệ sĩ” nam thanh nữ tú đã tích cực tham gia các phong trào của Khóm Phường, chú cũng luôn kính mến tôn trọng “ông chủ hộ hoàng thân quốc thích” có một thời vang bóng. Chú Sung đến nhà thăm Papa tôi sau khi giấy thông báo “đày đi KTM” đã được gửi đến tay những người trong hộ. Chú đã thân tình “hiến kế”, bỏ nhỏ như đang “tiết lộ bí mật quốc gia” vậy: “Biểu mấy cháu trai tráng thanh niên trong nhà lên trụ sở Khóm đăng ký tình nguyện đi xây dựng vùng Kinh Tế Mới Nhiễu Giang, cắt khẩu khỏi địa phương luôn, thì những người còn lại trong hộ khẩu sẽ không phải đi đâu hết!”. Nói thiệt, lúc đó, lúc cả nhà đang bối rối lo lắng không biết phải ứng phó làm sao trước “đại hoạ rừng thiêng nước độc” tăm tối u u minh minh, thì giải pháp “bỏ nhỏ” của chú Khóm trưởng đúng là một con đường đầy ánh sáng cho mọi người thở phào.

        Vậy là, tôi và bào huynh Vĩnh Hiếu, hai đứa con trai sức dài vai rộng trong nhà vào thời điểm đó, đã cùng nhau bước những bước hùng dũng lên trụ sở Khóm để ký vào đơn tình nguyện đi Nhiễu Giang như những Hero sẵn sàng đối mặt đương đầu với ma thiêng quỷ dữ!

       Năm 1979. Trước khi đăng ký tình nguyện đi KTM Nhiễu Giang cũng là năm tôi và anh Hiếu gặp phước duyên được Thầy Trừng San-Hải Tuệ “điều động” lên chùa Diên Thọ ở Thị trấn Thành-Diên Khánh để phát dọn phong quang rào giậu quanh chùa. Tiếng là “làm công quả” cho sang, chứ thực chất là được Thầy kiếm chuyện cho làm lúc thất nghiệp nằm dài chán chường ngao ngán, rồi Thầy ban cho mấy bữa cơm chay ăn no cành, giúi chút lộc Phật có dằn trong túi mà uống cà phê, hút thuốc… Sau lần “làm công quả” khoảng một tháng, tôi đã một mình đi xe lam lên lại chùa Diên Thọ để xin quy y Thầy Trừng San, lúc đó Thầy Chơn Thành- Tâm Chí còn đang là “Chú Quyết”. Tôi được Bổn sư truyền giới ban cho pháp danh Tâm Không, nhưng phải chờ đến ngày làm lễ quy y Tam Bảo chung cho Phật-tử tại chùa Diên Thọ mới nhận được phái quy y. Lễ quy y thiêng liêng đó diễn ra vào lúc tôi và anh Hiếu đã “dấn thân” trên chốn núi rừng xa xôi, đương nhiên là tôi không được phước duyên tham dự…

        Năm 1979. Năm diễn ra “Chiến tranh biên giới Việt-Trung”, lũ bành trướng đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước, cuộc chiến tuy ngắn hạn nhưng đầy khốc liệt, và cũng là năm diễn ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam giữa Việt-Cam, lật đổ và tiêu diệtác quỷ Pôn Pốt- Khmer Đỏ…

        Sau khi hai đứa con trai trong nhà trôi dạt bọt bèo ra tận vùng núi rừng Phú Yên, Papa tôi vẫn tiếp tục với lộ trình đi bộ hằng ngày từ nhà đến chùa Phước Điền để dạy kèm Pháp ngữ cho Thầy trụ trì. Sau này tôi còn được nghe nói Papa còn đi bộ lên chùa Hải Đức để dạy kèm cho “Chú Tâm Đăng”, thị giả của Thầy Trừng San, một thời gian. Khi Papa qua đời (1987), chú Tâm Đăng đã đi bộ, mặc dù đang có xe đạp, từ chùa xuống nhà từ đường để thắp hương hộ niệm suốt mấy ngày diễn ra tang lễ…

        Năm 1980, Thầy Phước Đường lên máy bay sang Pháp.

        Hai anh em Hiếu-Hữu cũng “bỏ vùng”, rời khỏi Nhiễu Giang, về lại nơi chôn nhau cắt rún để loay hoay tìm phương kế sinh nhai khác trong tình trạng “sống ngoài vòng pháp luật” vì hộ khẩu đã bị cắt. Tôi chỉ còn nhớ mang máng là đến khi chị Cả từ hải ngoại về quê hương, cùng Me tôi qua những mối quen biết trong chính quyền đã lo thông suốt thủ tục “tái nhập hộ khẩu” cho hai đứa Hiếu-Hữu.
       

       Cuộc sống tiếp diễn sau đó, sau năm 1979, không phải kể thêm ra nơi này.

                                                          Sáng ngày mưa ngập lụt 16/11/2023
                                                                         Vĩnh Hữu Tâm Không

blank
Chùa Phước Điền hôm nay, năm 2023
blank
Giác linh HT. Thích Phước Đường- Nguyên Minh
blank
Bảo tháp HT. Phước Đường trong khuôn viên chùa Phước Điền.
blank
HT. Thích Hải Tuệ- Trừng San
blank
Nhà thơ "Ông Đồ" Vũ Đình Liên từ Bắc vào Nha Trang thăm đôi bạn thơ ngày xưa Bửu Đáo Ái Mỹ & Trinh Tiên-Tâm Tấn, ngồi trên bãi biển.
blank
Chàng trai trẻ Vĩnh Hữu, pháp danh Tâm Không, năm 1979 trước khi lên đường ra Phú Yên lên Kinh Tế Mới Nhiễu Giang.

 

       

       

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/12/2021(Xem: 2399)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.