29- Tôi Không Chủ Trường Hợp Tác Với Ông Diệm, Phan Quang Đán

24/12/201212:00 SA(Xem: 8306)
29- Tôi Không Chủ Trường Hợp Tác Với Ông Diệm, Phan Quang Đán

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP MỘT (1/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT ● TẬP HAI ● TẬP BA

Chương Hai VÌ ĐÂU NÊN NỖI 
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…

29
TÔI KHÔNG HỀ CHỦ TRƯƠNG HỢP TÁC VỚI ÔNG DIỆM
Phan Quang Đán

Tôi vừa đọc xong bài “Nhận Diện Một Chiến Sĩ Quốc Gia, Bác Sĩ Phan Quang Đán” do ông Cửu Long viết trong báo Tia Sáng số 22, ngày 15/12/1987. Ông Cửu Long biết rõ nội bộ của Cần Lao Nhân Vị, nên những sự việc của ông trình bày có một giá trị đặc biệt về sử liệu, giúp độc giả thấy rõ mặt trái của nền Đệ Nhất Cộng Hoà.

 Đứng vào vị trí của ông thì mới có thể tường thuật chi tiết hoạt động bí mật của tôi ở Thái Lan trong những năm 1950-51 nhằm tổ chức chiến khu ở Cam-Bốt và ở Lào. Ở Lào Quốc lúc bấy giờ chúng tôi hợp tác với Hoàng Thân Phetsarath, bào huynh của Hoàng Thân Souvana Phouma về sau làm Thủ Tướng Lào quốc. Nhưng gặp nhiều nghịch cảnh nên công việc không thành tựu.

Nhưng có mấy điều cần được đính chính.

Thứ nhất là về đọan trích ở sách Bên Giòng Lịch Sử của Linh Mục Cao Văn Luận. Tôi với Linh Mục Cao Văn Luận cùng học ở Trường Dòng Pellerin ở Huế những năm 1931-34. Về sau ra Hà-nội học thi tú tài, có gặp nhau vài lần. Mùa hè 1953, tôi đi viếng thăm các bệnh viện và cơ sở Y Tế tình cờ gặp Linh Mục, Linh Mục có cho tôi biết là ông Diệm và Nhu có đọc quyển Volonté Vietnamienne tôi xuất bản ở Thụy Sĩ năm 1951, và cả hai ông cũng như ông Linh Mục đều công nhậnchương trình Đảng Cộng Hòa Việt Nam trình bày trong sách này rất chí lý. Nhưng tôi không hề tỏ ý khuyên ông Diệm về nước chấp chánh, và cũng không hề nói rằng tôi sẵn sàng hơp tác nếu được mời.

Tôi vốn biết ông Diệm từ hồi ông còn ở Quảng Nam, trong những năm ông Ngô Đình Khôi còn làm Tổng Đốc. Tôi cũng quen biết hai ông Nhu và Luyện. Tôi làm cố vấn Chính Trị cho Cựu Hoàng Bảo Đại từ năm 1946 đến tháng 3, 1949 và giữ chức Tổng Trưởng Thông Tin một thời gian. Sau khi chiến cuộc Việt Nam bùng nổ ngày 19/12/1946, tôi đang làm bác sĩ ở Thị Lập Đệ Tứ Y Viện Thượng Hải, từ chức để về Hương Cảng gặp Cựu Hoàng , và nói với Cựu Hoàng đã đến lúc cần mở Mặt Trận Chính Trị và Ngọai Giao để tranh thủ Thống Nhứt và Độc Lập cho quốc gia Việt Nam, và dùng căn bản chính nghĩa này để chống cộng sản. Điều cần nhất là Cựu Hoàng cần tranh thủ được Thống Nhứt và Độc Lập thực sự rồi mới nên trở về Việt Nam. Chính tôi thảo văn thư trình Cựu Hoàng ký để tôi đích thân về Saigon mời những nhân vật quốc giauy tín ít nhiều ra gặp Cựu Hoàng, như qúy ông Ngô Đình Diệm, Trần Văn Lý, Phan Khắc Sửu, v.v.. và tôi trao thư cho ông Diệm ở Dòng Cứu Thế Saigon. Nhưng tôi đề nghị Cựu Hoàng nên mời Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng Chính Phủ Trung Ương Toàn Quốc để dẹp bỏ Nam Kỳ Quốc. Tôi nhận chức Tổng Trưởng Bộ Thông Tin cốt là để lên tiếng đòi Thống Nhứt và Độc Lập, nhưng công việc chính yếu lúc bấy giờ là điều đình với người Pháp ở Hương Cảng , Saigon, Genève ở Thụy Sĩ, Paris và Cannes. Sau 2 năm điều đình, tôi thấy người Pháp chỉ muốn tái lập chế độ thuộc địa cũ, và công nhận cho Việt Nam quyền tự trị hành chánh mà thôi. Tôi phản đối Hiệp-Định Auriol-Bảo Đại ngày 9 tháng 3, 1949, không dự lễ ký kết Hiệp Định này, nhưng chiều hôm ấy, tiễn đưa Cựu Hoàng về Cannes và nói rằng Cựu Hoàng đã bước vào con đường thất bại và sẽ đưa lại những hậu quả tai hại cho cả nước. Từ đó, tôi tự thấy bắt buộc phải đứng ra chống đối, mặc dầu trong thâm tâm tôi vẫn giữ cảm tình riêng biệt , vì tôi phải nói rằng Cựu Hoàng tuy thiếu tinh thần tranh đấu nhưng là một người có tinh thần cởi mở lại rất hiền từ.

Đối với ông Diệm, lúc bấy giờ thường giới thiệu tôi với các chính giới Pháp và Mỹ như là một người bạn chí thân, tôi biết rõ gia đình ông không phải là một gia đình cách mạng, lại nặng về tinh thần quan lại, phong kiến, nên tôi không bao giờ nghĩ đến việc hợp tác.

Sau khi Hiệp Định Bảo Đại-Auriol được ký kết, tôi không liện lạc với Cựu Hoàng nữa, và nhiều lần được Cựu Hoàng mời giữ chức vụ Tổng Trưởng Nội Vụ và Quốc Phòng, tôi tự vấn lương tâm thấy không thể nào nhận lời được. Tôi gởi kèm theo đây tin tôi từ chối chức Tổng Trưởng Nội Vụ đăng ở báo Le Monde ngày 10-11/7/1949 và thư của Hoàng Thân Bửu Lộc viết ngày 29/12 /1949 báo tin là Cựu Hoàng mời tôi giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng.

Trong thời gian này, ông Diệm vẫn tìm cách liên lạc với Cựu Hoàng và vận động với các chính giới Pháp và Mỹ để được Cựu Hoàng mời làm Thủ Tướng. Cựu Hoàng biết rõ ông Diệm không phải là người có chung thủy, lại nặng óc gia đình trị. Nhưng ông Diệm vẫn ráo riết vận động.

Tháng 8, năm 1950, ông Diệm sang Nhật để viếng thăm Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, và thấy rõ Nhật Bản không còn lưu ý gì đến Kỳ Ngoại Hầu và cũng không lưu ý gì đến Việt Nam. Nhưng ở Nhật Bản, ông Diệm gặp Wesley Fishel, một qiảng viên trường Đại Học Tiểu Bang Michigan. Wesley Fishel khuyên ông Diệm nên sang Hoa Kỳ. Ông Diệm sang ở Hoa Kỳ từ 1951 đến tháng 5 năm 1953, và thường tá túc ở Maryknoll College, Lakewood, Tiểu Bang New Jersey. Tôi với ông thỉnh thoảng gặp nhautrao đổi thư tín. Tháng 5, 1953, trước khi ông lên đường sang Bỉ và Pháp, ông có điện thoại từ giã tôi và mong sẽ có dịp tái ngộ.

Trong những năm ở Hoa Kỳ, tôi viết báo, đi diễn thuyết vận động dư luận ủng hộ Việt Nam Thống Nhứt và Độc Lập. Và tôi liên tục liên lạc chặt chẽ với các phong trào kháng chiến quốc gia Tunisie, Maroc và Algérie. Cuối năm 1954, tôi ghé Ai Cập thành lập với các phong trào này Mặt Trận Chống Thực Dân Pháp và tiếp xúc với chánh phủ Nasser và Liên Hiệp Các Quốc Gia Á-Rập. Sau đó chúng tôi đi viếng các quốc gia Á-Châu vận động chống thực dân Pháp và đòi độc lập hoàn toàn cho các quốc gia bị Pháp đô hộ.

Sau khi được cử làm Thủ Tướng, ông Diệm mời tôi tham gia nội các để phụ trách các công tác xã hội, và đặc biệt là việc cứu trợ và định cư đồng bào từ Bắc Việt lúc bấy giờ dồn dập vào Nam. Tôi gởi kèm theo đây điện tín của ông Luyện , bào đệ của ông Diệm đánh từ Pháp ngày 19/8/1954 và điện tín của ông Diệm đánh từ Saigon ngày 22/8/54. Tôi phúc đáp là tôi sắp về Saigon và sẽ lấy làm hân hạnh gặp lại ông. 

Ngày 2 tháng 9, 1955, tôi từ Phi Luật Tân về đến Saigon thì có ông Võ Văn Hải, bí thư của Thủ Tướng Diệm ra phi trường Tân Sơn Nhứt đón. Sáng sớm hôm sau thì ông Võ Văn Hải đi xe hơi đến thăm tôi và đưa vào Dinh Độc Lập gặp ông Diệm. Chuyện trò kể ra cũng thân mật. Ông Diệm ngỏ ý muốn tôi tham gia nội các, và cho biết tình hình chung trong nước. Tôi lúc bấy giờ đã biết dư luận đồng bào trong nước đã có nhiều giới chống đối ông Diệm, và cứ thực tình nói để ông biết. Tôi đặc biệt khuyên ông hai điều: chớ có xem quốc giacủa riêng gia đình, anh em, bà con, ai có sở trường nào cứ dùng vào công việc tương đương, thí dụ ông Nhu thì nên cứ để làm Giám Đốc Thư Viện Quốc Gia, đừng có thiết lập gia đình trị, và cần giữ thể thống cho Cựu Hoàng, mặc dầu chính thể cộng hoà hay quân chủ lập hiến cũng vậy. Còn tôi, vì đã chống Cựu Hoàng nên không thể tham gia nội các được. Tôi sẽ hợp tác bằng cách tổ chức đối lập hợp pháp xây dựng.

Cuộc trao đổi ý kiến kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Trong khi ông Diệm đang tiếp kiến tôi, thì ông Võ Văn Hải vào cho biết là có một vị Bộ Trưởng muốn vào trình một việc có tính cách khẩn cấp. Ông Diệm gật đầu. Võ Văn Hải ra khỏi phòng thì tôi thấy vị Bộ Trưởng rón rét bước vào. Nhưng thay vì đi thẳng từ cửa phòng đến bàn giấy Thủ Tướng, ông ta lại đi ven theo mép tường, thành thử đường dài hơn rất nhiều. Khi vị Bộ Trưởng đến gần bàn giấy, ông Diệm đứng dậy kéo ra một góc phòng. Vị Bộ Trưởng nói nhỏ vài phút thì thấy Thủ Tướng gật đầu, và vị Bộ Trưởng kính cẩn cúi đầu và trịnh trọng rón rén bước ra khỏi phòng. Nhưng thay vì quay lưng để đi ra thì ông ta cứ đi giật lùi từng bước, tôi nhìn theo cứ ngại rằng ông ta sẽ vấp phải mấy cái ché lớn để trang hoàng trong phòng, ché rớt bể thì ông ta có thể bị thương. Đến khi ông ta ra đến cửa phòng, quay lưng đi ra sân tôi mới yên bụng. 

Tôi mới hỏi Thủ Tướng vì sao lại chấp nhận cho ông Bộ Trưởng có thái độ lạ lùng như vậy thì ông cười nói: “Cứ để tụi nó sợ mình như vậy thì dễ trị hơn.”

Cuộc trao đổi ý kiến tuy có vẻ thân mật, nhưng tôi cảm thấy là khi tôi ngỏ ý đối lập xây dựng, thì ông Diệm không vui, và sau đó cuộc đàm thoại có phần gượng gạo.

Sau đó, tôi tổ chức khối Dân Chủ Đối Lập, phê bình luật bầu cử, viết báo Thời Luận, gởi đơn xin hợp thức hoá Đảng Dân Chủ Tự Do, đồng thời mở lớp dạy Y Tế Dự Phòng đầu tiên ở Đại Học Y Khoa và Trường Cán Sự Y Tế. Khối Đối lập cũng như Đảng Dân Chủ Tự Do không được hợp thức hoá, tư gia tôi bị đập phá, công an mật vụ theo dõi tôi suốt đêm ngày, báo Thời Luận bị phá nhà in rồi bị đóng cửa. Tôi bị cấm dạy học. Tháng 8, 1959 tôi ứng cử dân biểu ở Quận Nhì Saigon. Tôi được biết lúc đầu ông Diệm muốn loại tôi không cho ứng cử, nhưng sau vì Phong trào Cách Mạng Quốc GiaCần Lao Nhân Vị quả quyết là ở Quận Nhì họ có hơn 40.000 đảng viên, còn tôi thì chẳng ăn thua gì, nên cứ để cho tôi ra ứng cử để bị đại bại cho bõ ghét. Chính quyền khuyến khích rất nhiều người ra ứng cử ở Quận Nhì để chia phiếu đối lập. Có đến 16 ứng cử viên, vì vậy 15 ứng cử viên không phải của chính quyền sẽ chia phiếu của nhau. Còn Phong Trào Cách Mạng Quốc GiaCần Lao Nhân Vị, thêm quân đội ở các nơi chở về đều dồn phiếu cho ông Phạm Văn Thùng, ứng cử viên chính thức của Tổng Thống, thì cũng như đánh cờ tướng mà đã bỏ con tướng của đối phương vào trong túi rồi, thì làm gì chắng thắng cuộc. Tôi đắc cử với hơn 35.000 phiếu. Ông Thùng chỉ được … 5.000 phiếu, còn những ứng cử viên khác chỉ được mỗi người vài chục phiếu, hay vài trăm phiếu mà thôi.

Nhưng tôi bị đưa ra Tòa, Toà tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử vì cho là gian lận, và ngày khai mạc Quốc Hội, căn cứ vào luật bầu cử ghi rõ là mọi ứng cử viên đắc cử có quyền ra Quốc Hội trình bày trường hợp của mình, nếu có khiếu nại, hay án Toà, và sẽ do Quốc Hội định đoạt kết quả cuộc bầu cử có giá trị hay không, tôi lên đường ra Quốc Hội thì bị cảnh sát chặn đường đem về giam ở Ty Cảnh Sát Gia Định đến khi lễ khai mặc Quốc Hội chấm dứt mới thả cho tôi về.

Bây giờ vẫn còn một số ít người ca ngợi ông Diệm là anh hùng dân tộc. Nhưng chính sách gia đình trị phong kiến của ông đã đưa gia đình ông đến thảm hại, với nhiều hậu quả tai hại chung cho cả đất nước.

 

Phan Quang Đán

30-12-1987

Trích từ Tạp chí TIA SÁNG (Houston, TX) số 23 (1/1988), trang 50.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47003)
31/05/2012(Xem: 10730)
16/10/2014(Xem: 25747)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.