Nhớ Linh Xưa

31/07/20143:43 CH(Xem: 5775)
Nhớ Linh Xưa

blankNHỚ LINH XƯA

Toại Khanh

Trong văn chương Việt Nam có biết bao là những câu chữ hay ho để mà nhớ, để mà cảm, vậy mà thật lạ, đối với tôi ba chữ Nhớ Linh Xưa trong mấy bài văn tế vẫn cứ là đẹp nhất, lồng lộng và sâu thẳm, chan chứa và nồng nàn nhất. Lý do ư? Ai sống ở đời lại chẳng có những ngớ ngẩn riêng tư không thể giải thích chứ!

Giữa mùa Vu Lan của năm bốn mươi tuổi, tôi bỗng giật mình khi có người hỏi về chữ Hiếu. Biết tôi vẫn thỉnh thoảng viết lách, họ hỏi tôi đã có bài về Vu Lan hay chưa. Tôi thẹn quá, xa mẹ cả mười năm, mỗi năm gọi phone cho mẹ chưa được một lần, vậy thì lấy tâm tình hay tư cách gì để viết về Vu Lan đây chứ, hay lại cứ che mặt gạt người để mà viết dối, nói láo!?

Vậy rồi cứ theo thói quen, tôi mở TV để chạy trốn chính mình, để khỏi thấy mặt mình trên gương, bóng mình trên vách. Suốt đời cứ vậy thôi, như con cù lần thích che mặt, như đà điểu thích vùi đầu trong cát. Thế rồi chỉ sau vài phút dán mắt trên màn ảnh TV, tôi đã nhớ ra một chuyện ly kỳ: Thì ra tôi nào phải bất hiếu, và nếu tôi có vì khiêm cung mà không dám nhận lấy hai chữ chí hiếu, thì trộm nghĩ thiên hạ cũng không nên nhận bừa hai chữ đó. Vì có lẽ hiếm người có thể dành nhiều thời gian nhớ mẹ hơn tôi.

bà già gồng ghánhChuyện gì nhìn thấy cũng có thể khiến tôi nhớ mẹ. Dù nhớ chỉ để nhớ mà thôi. Một người thiếu phụ lầm lũi trên đường giữa chiều muộn với một đứa bé nép mình bên cạnh vòi vĩnh nọ kia, hay một người đàn bà tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc đang hối hả trên con phố mưa như để về nhà trước tối,... Ở sân ga hay phi trường, xứ này hay xứ khác, ở đâu tôi cũng có thể bắt gặp những hình ảnh kiểu đó để mà chạnh nhớ về mẹ tôi. Tôi hiểu, thế giới này có ra sao, có khó sống đến mấy, chỉ cần còn có mẹ, đứa con nào cũng còn đất sống. Mai kia mẹ đi xa rồi, giàu có đến mấy thì thiên hạ cũng không sao tìm lại được phương trời ấm cúng kỳ diệu đó nữa. Tôi ít thuộc thơ về chữ hiếu, một phần lý do có lẽ là tôi sợ thứ chữ nghĩa sướt mướt, ướt nhẹp hay mềm xèo của những thơ văn về mẹ mà Vu Lan nào cũng thấy tràn lan ra đó. Nhưng trong số ít những dòng thơ hiếm hoi tôi nhớ được về mẹ, thật ngẫu nhiên, lại là của hai nhà sư không còn mẹ nữa. Trước hết là hai câu của Hòa thượng Chơn Điền:

“Mẹ xa, con chẳng còn gì
Bơ vơ đến cả khi đi lúc về”.

Bài thơ dài cả chục câu, tôi chỉ nhớ được chừng đó thôi, nhưng cũng quá đủ để nhớ mẹ rồi. Rồi thì hai bài thơ của Thượng tọa Triều Tâm Ảnh, cũng nhớ dở dang, không trọn vẹn, chỉ mong không nhớ sai:

“Từ độ lớn khôn đi vào đời dâu bể
Con chưa một lần đền đáp thâm ân
Con lặn hụp trong vô vàn máu lệ
Khi quay nhìn thì sương trắng đã phù vân
Tóc mẹ bạc như tuyết pha đầu núi
Dáng mẹ gầy như vẻ hạc trăm năm
Đã bao đêm chong đèn khuya lệ tủi
Ôi kiếp người sao cứ mãi ăn năn...
Giọt lệ khô như gió nam Trường Sơn
Bao nhiêu tuổi tác bấy nhiêu buồn
Nửa đêm nhớ mẹ trùm chăn kín
Khóc một mình, ôi chỉ một mình con...!”

Như tôi cũng đã thưa rồi, hiếm ai dành nhiều thời gian để nhớ về mẹ như tôi. Chuyện gì buồn vui cũng là cái cớ để tôi nhớ về mẹ bằng tất cả tim óc. Tôi đã nhớ mẹ qua bất cứ hình ảnh nào của các bậc cha mẹ trong đời mà tôi quen biết, trong giao thiệp hay chỉ nhìn thấy trên phim ảnh sách báo... Có điều là không ít hình ảnh trong số đó cứ khiến tôi đau đáu một nỗi riêng không chịu thấu:

- Họ là những bậc cha mẹ với tuổi đời chưa bao nhiêu nhưng đã bắt đầu quên mất tuổi trẻ của mình cho đứa con đầu lòng. Một tuổi trẻ tất bật áo cơm, không có rong chơi, không có ngơi nghỉ, không có thời gian riêng tư, dẹp luôn những không gian độc lập để sống như mình vẫn ao ước thời chớm lớn. Họ Mất hết cho cái mà họ cho là Được – đó chính là đứa con!

- Họ là những doanh nhân tài ba và thành công, chính xác trong từng con số tính toán, chi li với từng phân lời, tiên đoán như thần mọi biến động trên thị trường, nhưng tất cả những cái tỉnh táo đó chỉ nhằm vào một đầu tư thật liều lĩnh, có thể gọi đó là một kiểu Risky Investment, đầu tư mạo hiểm, đó là niềm kỳ vọng vào con. Ai bình tĩnh sáng suốt nhất cũng phải nhận rằng trong mối đầu tư đó, thật ra chỉ có 50% cơ hội lấy lại vốn, đừng nói gì đến chuyện lời lãi. Cứ lo cho lắm vào, ngày con biết yêu người dưng thì cha mẹ thường chỉ là những bóng mờ sa mạc. Nếu không có những ràng buộc vật chất như tiền bạc nhà cửa thì quan hệ đôi bên còn thảm đến mức nào. Biết hết, nhưng đối với các doanh nhân đó, họ vẫn dành ưu tiên lớn nhất cho mối đầu tư phiêu lưu này. Nhìn họ, tôi nhớ mẹ quá chừng...

- Họ là những người hiểu đạo, có đốt ra tro, họ vẫn là Phật tử với tâm niệm thường trực về nỗi đời hư ảo, họ thừa biết trầm luân là khó siêu dễ đoạ, họ biết kiếp ngườimong manh, họ biết gì rồi cũng bỏ lại để về đất, họ biết thân người khó được, họ thừa biết mọi quan hệ chỉ là khách trọ qua đêm trong lữ quán đời, họ biết đời sống phải là từng khoảnh khắc tận dụng một cách hữu ích. Họ biết hết. Hiểu biết một cách bài bản, không thua một tu sĩ thứ thiệt. Vậy rồi họ có con, và Phật pháp mờ nhạt dần trong lòng. Những phút giây bình tâm họ cũng hiểu mình đang đánh mất bản thân, đang làm ngược lại điều mình hiểu. Nhưng vì con, họ thấy sao cũng được. Kẻ ít lời thì chỉ im lặng, hoặc khất hẹn tuổi già sẽ tu nhiều hơn. Kẻ cứng miệng thì tranh luận: Chăm sóc gia đình thiệt đàng hoàng đã là tu rồi. Họ nói có lý, không ai cãi với họ, chỉ thấy tội nghiệp khi nhìn thấy họ ngày một phóng dật hơn. Kiểu đó thì mai mốt tụng kinh cầu siêu cho họ phải đọc lâu hơn một chút rồi. Ôi tấm lòng những bậc cha mẹ. Nhìn họ, tôi nhớ mẹ tôi quá...

- Họ là những chính khách từng ôm ấp biết bao hoài bão xây dựng non sông đất nước, từng vào sinh ra tử để bôn ba hành động, vậy mà khi nắm được quyền bính thì họ mới hiểu ra rằng – đối tượng ưu ái nhất trong lòng họ không phải là quê hương hay dân tộc gì cả, mà chỉ là mấy đứa con mang trong người dòng máu của họ! Họ chấp nhận trở thành tội nhân thiên cổ của người đời, tự chà đạp lên lý tưởng chính trị thuở nào, miễn là vinh thân, phì gia, và đám con cái cháu chắt của họ sống như ông hoàng bà chúa là được. Ở tuổi về già, chắc chắn có lúc họ cũng ngồi nghĩ đến chuyện luân hồi quả báorùng mình với chính bản thân, nhưng chỉ cần nhìn lên tấm ảnh con cái treo trên tường – thì họ tiếp tục đi theo con đường tội lỗi của mình! Chỉ có cha mẹ mới có thể hy sinh ghê gớm như thế cho con cái mà thôi. Nghĩ về họ, tôi lại nhớ mẹ tôi.

- Họ là những kẻ có chức có quyền, có bằng giấy hoặc bằng dỏm tiến sĩ; tuy nhiên, một đôi người vốn có một nhân cách bẩm sinh không tệ, và dĩ nhiên có thể rũ áo từ quan trong danh dự, nói theo trong nước là hạ cánh an toàn, nhưng vì tương lai của con cái, họ thò tay vào chàm mà nhúng. Nhúng càng sâu, càng đậm thì càng tốt. Đôi lần họ cũng có ý rút tay, nhưng chỉ vì một chút vòi vĩnh của con, mong mỏi con mình được bằng chị bằng em với thiên hạ thế là chuyện gì họ cũng làm: Đục khoét của công, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo, phản bội, hại người... Chỉ vì con cái thôi. Nếu vợ họ mắc chứng vô sinh thì họ đâu có tệ đến mức đó chứ. Bởi nếu họ chỉ là người độc thân hay chỉ có vợ mà không con thì tình trạng có thể khá hơn nhiều. Bao la thay là lòng cha mẹ!

- Họ là những tay gian thương hay anh chị giang hồ, sẵn sàng bắt người khác chết để mình sống. Thiên hạ bảo họ là máu lạnh, là không có tim. Nhưng nào ai biết họ vẫn có những bữa cơm tối với gia đình, và con cái chính là động lực để họ không sợ tội ác nào hết. Làm thuốc giả, buôn thuốc nghiện, bán vũ khí, bắt cóc tống tiền hay cướp giật giết người... Họ tàn nhẫn với tất cả thiên hạ, nhưng đừng vì thế mà nói họ không có tim. Họ có tim, nhưng nó chỉ thuộc về mấy đứa con của họ. Tim ai lớn rộng chứa được thiên hạ thì là hiền nhân, tim nhỏ hẹp quá thì ra ác nhân. Hình như là vậy.

Hôm qua, đài CCTV9 của Tàu đưa tin Việt Nam đang bị lũ lụt nặng, người chết và mất tích không đếm xiết. Và báo chí trong nước qua internet đã cho hay một vị quan chức hàng đầu chính phủ có gửi điện vào chỗ lũ để thăm hỏi và động viên đồng bào bị nạn. Tôi không rõ ai trong đám dân chúng bị nạn đã đọc được bức điện đó và trong hoàn cảnh hiện tại nếu có đọc thì để làm gì. Tôi lại nhớ đến một đoạn phim trên Youtube do người quen giới thiệu về hôn lễ của con gái thống tướng Than Shwe bên Miến Điện. Giữa khi mấy chục triệu người dân đói khổ ngặt nghèo, thì đám cưới xa hoa đầy ắp kim cương kia hệt như một nụ cười mai mỉa châm biếm treo trên miền đất Phật. Thiệt lạ lùng, ngay sau khi xem qua đoạn băng đó, tôi chỉ nghĩ đến một việc đơn giản: Nhà cầm quyền các nước chẳng thương dân chỉ vì họ chỉ biết lo cho con, yêu thương một cách mù quáng. Một nụ cười của con đổi bằng nước mắt của triệu người dân cũng được. Chỉ bằng cách nghĩ đó, tôi không thấy căm ghét ai nữa, mà thấy cảnh đời nào cũng là cái cớ để người ta nghĩ về cha mẹ. Tôi đã nhớ đến mẹ tôi, một kiểu nhớ chẳng giống ai. Dĩ nhiên mẹ tôi không phải là đại diện cho tất cả những bậc cha mẹ mà tôi vừa kể, tôi chỉ thấy ở đây một sự tương đồng duy nhất, đó là mấy chữ Trái Tim Cha Mẹ. Còn trái tim đó được thể hiện ra sao thì còn tùy ở mỗi người. Một cách đơn giản nhất, càng nhớ mẹ, tôi lại càng nghĩ nhiều về những bậc cha mẹ trong dưới gầm trời này và cầu nguyện...

TOẠI KHANH
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2018(Xem: 6674)
31/07/2014(Xem: 8135)
14/08/2016(Xem: 5278)
16/08/2023(Xem: 12906)
13/08/2013(Xem: 17167)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.