Mùa Xuân Lại Về

06/02/20184:03 SA(Xem: 8302)
Mùa Xuân Lại Về

blank
MÙA XUÂN LẠI VỀ

Đức Quang

 

hoa dao da lat
Hoa Anh Đào đã nở rộ bên hồ Xuân Hương Đà Lạt
báo hiệu mùa Xuân đang về

Xuân là đầu của bốn mùa, là khoảng thời gian đẹp bởi muôn vật sinh sôi nảy nở. Và tết là cửa ngõ, thời khắc của một năm cũ đã qua và bắt đầu một năm mới. Mùa xuân kỳ này sẽ đi tìm câu trả lời: kẻ sĩ, nhà thơ, thiền sư, nhà sư hiện đại đã thấy gì, nghĩ gì, cảm nhận gì, làm gì trong mùa xuân?

Nhà tri thức

Đầu tiên, tôi xin dẫn bài thơ ‘Mạn hứng kỳ I’ của cụ Nguyễn Trãi để diễn bày tâm trạng của kẻ sĩ chân chính, thứ đến nhắc nhở người đời cần suy ngẫm khi xuân về, một là thấy lẽ vô thường giả tạm, hai là nhớ ơn của đất nước, ba là lo nghĩ vận mệnh của bản thânquốc sự: “Thường than trăm năm của cõi đời y như khách qua đường/ Chưa từng lúc nào ăn một bữa cơm mà không nhớ đến vua/ Con người sinh ra biết chữ nghĩa gặp nhiều nạn phải lo lắng/ Ông già Tô (Tô Đông Pha) hằng nói thế, ta cũng nói thế.[1] Chắc chắn ai cũng biết, đây không là bài thơ xuân, nhưng nói lên được ba nỗi lo, điều trăn trở, sự nhắc nhở những kẻ sĩ khi xuân về. Điều này được diễn tả trong hai câu cuối của bài thơ xuân ‘Thuật hứng - thứ 5’“Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.[2] Thể hiện niềm vui mừng khi đón xuân nhưng vẫn đau đáu trong lòng khao khát cống hiến và sự day dứt tủi buồn của một kẻ sĩ thức thời với nhiều ưu tư về thế sự, vận nước.

Nhà thơ

Đối với các nhà thơ, như Hồ Dzếnh đã thừa nhận rằng, nửa đời chưa thấy dáng xuân,[3] có những mãnh đời bất hạnh trong những hoàn cảnh khác nhau, dù mùa xuân đang hiện hữu nhưng những lo toan bất ổn của thời thế, đưa đẩy con người không có cơ hội đúng nghĩa thưởng xuân. Và một ngày ông mời gọi, “người hãy cùng ta dạo cảnh xuân/ Yêu nhau cho bõ lúc phong trần”, nhưng rõ ràng rằng, đó chỉ là cách ông muốn thoát ra khỏi hiện thực phủ phàng, chứ ông chưa hề cảm thụ mùa xuân thực sự.

Ở một góc cạnh khác, Huy Cận - một nhà thơ hiện đại của Việt Nam trong bài ‘Vũ trụ ca (1942)’, lại đến với mùa xuân trong một tâm thế vô định, cái tâm tư ngỡ ngàng đến ngạc nhiên: “Sớm nay khoác áo màu vô định/ Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng”.[4]

Nhà thơ Apollon Nikolayevich Maykov trong bài ‘Mùa xuân ta mở cửa’ đã chọn cho mình một tâm thế hòa nhập với cái khí thế đang lên, sự sinh sôi phát triển, sự rộng lớn của đất trời mùa xuân, ông đã viết:

Cuộc đờiý chí

Tràn đầy tâm hồn ta

Kìa chân trời xanh thắm

Trải rộng tít tắp xa…

Ta muốn ra đồng rộng,

Nơi mùa xuân rải hoa![5]

Tóm lại, ba nhà thơ thể hiện ba tâm trạng khác nhau về mùa xuân: một Hồ Dzếnh mời gọi, một Huy Cận ngỡ ngàng, một Apollon Nikolayevich Maykov hòa mình trong xuân.

Thiền sư

Còn đối với người học Phật, đại diệnthiền sư Trần Nhân Tông, trong bài ‘Xuân hiểu’ đã nói lên tâm trạng ngộ cái đạo của mùa xuân, tôi gọi đây là thấy xuân: “Ngủ dậy mở cánh cửa sổ, Không ngờ mùa xuân đã về. Một đôi bướm trắng, Phần phật cánh, bay đến với hoa.”[6] Điều mà Nhân Tông cảm nhận, nhà thơ Haiku của Nhật tên Kobayashi Issa đã viết viết trong bài ‘Một bầu trời xuân’, do Nhật Chiêu dịch Việt: “Một bầu trời xuân/ bầy chim se sẻ/ tụng ca vang lừng”[7]. Điều mà được Nguyễn Du thể hiện tài tình qua câu thơ số 39 trong Truyện Kiều “ngày xuân con én đưa thoi”.

Ở một cấp độ cao hơn, Nhân Tông đã thưởng thức và sống với xuân trong bài ‘Xuân cảnh’: “Chim chậm lời ca, liễu nở đầy/  Hiên tràn bóng lộng, mây chiều bay/  Khách đến, chuyện đời không hỏi nữa/  Cùng tựa lan can ngắm biếc ngày.”[8] Bài này thể hiện cấp độ của một thiền sư, dáng dấp của nhà Sư thực thụ. Như điều được thấy trong bài ‘Cư trần lạc đạo phú’: “Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác. Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.”[9]

 Còn bài ‘Xuân vãn’, vị vua ngộ ra lẽ thật của Phật đạo, đạo lý sắc không, chân lý của vũ trụ, ý thâm sâu đây là lẽ sinh diệt: ‘Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ "sắc" với "không",/ Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa./ Ngày nay đã khám phá được bộ mặt chúa xuân,/ Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng.’[10]

Ngoài ra, ông còn muốn dạy một đạo lý, uống nước nhớ nguồn, đạo lý tri ân trong dịp xuân. Thông qua việc nhớ về quá khứ, với tâm trạng của người lính già trong bài ‘Ngày xuân thăm Chi Lăng’.[11]

Tóm lại, thiền sư là người thấy, hiểu, thưởng thức, sống với xuân; thông qua đó còn dạy bài học tri ân nhân dịp xuân về. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã sống trọn vẹn với lời Phật dạy y cứ trên tinh thần sống chánh niệmhiện tại: “Quá khứ không truy tìm, Tương lai không ước vọng, Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại, Tuệ quán chính ở đây.”[12]

Nhà tu thời hiện đại

Cuối cùngquan điểm của một nhà tu hiện đại, xin trích lại tinh thần của thông điệp chúc mừng năm mới 2018 của Đạt-lai Lạt-ma 14 là vị lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng với hai câu hỏi được đặt ra: bạn nghĩ gì về kết quả của một năm đã qua và bạn có kế hoạch gì cho năm mới[13]. Hai điều này biểu hiện cụ thể và rõ nhất trong thông điệp chúc tết của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: một là nêu lên thành tựu của giáo hội và đất nước năm 2017 như tổ chức thành công đại hội Phật giáo toàn quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế APEC; hai là triển khai 9 mục tiêu của đại hội Phật giáo đến với đời sống thực tiễn.[14] Tất cả hai vấn đề trên, các nhà tu chỉ vì một mục đích là làm sao để tổ chức, mọi người được sống hạnh phúcbình an trọn vẹn với ngày xuân, cũng như cả năm mới.

Nhà tu hiện đại không nói về sự cảm thụ mùa xuân của cá nhân mình như các thiền sưquá khứ, mà họ hướng đến chăm lo-phục vụ-định hướng tư tưởng lối sống cho nhân sinh, thể hiện sống động tinh thần Bồ tát đạo của Phật giáo. Đây là tư tưởng chính xuất phát từ phong trào Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism), thuật ngữ này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tạo dựa trên tinh thần của Đức Phật đã dạy ‘từ bi và trí tuệ’: “từ bi để yêu thương, giúp đỡ tha nhân; trí tuệ để giúp mình và nhân sinh vượt khổ.”

Đặc biệt, đại biểu thơ ca trong giới nhà tu thời hiện đại có thầy Nhất Hạnh đã dùng ý xuân để mô tả sự khơi gợi, sự trở lại, cái tương phùng, qua hai câu thơ trong bài ‘rừng Sa la’ ‘Thôi ta đi. Cuộc tương phùng hứa hẹn/ Mùa xuân sau. Nay tạm ẩn hóa thân[15]. Ngoài ra, thầy nhận diện được giá trị cao quý của mùa xuân, khoảng thời gian đẹp nhất của đất trời với câu ‘Hoa lòng trời đất vô cùng nhỉ/ Mỗi một mùa Xuân lại nhả hương![16] Rồi đến, sự hoài niệm của thầy về mùa xuân, khoảng thời gian đức Phật tại thế, đem pháp màu lợi lạc quần sanh, trong bài thơ “mùa xuân”: ‘Xuân năm ấy, một mùa Xuân đẹp/ Gió mang về khôn xiết hân hoan’; ‘Mùa Xuân đạo lý thanh bình/ Mùa Xuân lợi lạc hữu tình, chúng sanh’. [17]  Cuối cùng, như tất cả thầy khẳng định và thừa nhận một quy luật của đất trời, một mùa xuân vô ý, đến đi theo lẽ thật và tự nhiên, không ai có thể buộc ràng, rằng ‘Đây một mùa Xuân thầm lặng tới/ Để một mùa Đông thầm lặng đi’. [18]

Tóm lại, nhà sư hiện đại đã thừa nhận sự tuần hoàn hay sự tương tức của đến đi; thấy giá trị của mùa xuân, vẻ đẹp của nó; có đồng hóa ý xuân với thời Phật còn tại thế-thời kỳ chánh pháp; và cuối cùng, mùa xuânlẽ tự nhiên như nó là.

Lời kết

Qua tất cả, tôi nhận thấy rằng, mùa xuân chỉ có một, hồn xuân cũng chỉ một, nhưng hoàn cảnh và tâm trạng thì có nhiều. Cho nên kẻ sĩ, nhà thơ, thiền sư, thầy tu là biểu hiện những vị trí khác nhau bằng những góc nhìn khác nhau thể hiện sự dị biệt ở cách tiếp cận xuân. Nhà tri thức thấy đời người như khách trọ, mang ân nghĩa với quốc gia nên luôn đắn đo, lo lắng cho mình cho thế sự. Nhà thơ thì mời gọi, ngạc nhiên, đến lao mình vào vẻ đẹp-sự rộng lớn của mùa xuân. Thiền sư nhận thấy, hiểu biết, thưởng thức và sống với xuân. Nhà tu hiện đại thì chăm lo, hướng dẫn, giáo dục, phục vụ nhân sinh bằng tình thươngtrí tuệ; ngoài ra các vị thầy cũng chấp nhận quy luật của xuân như lẽ thật, có giá trị, sự tuần hoàn của vũ trụ như một lẽ tất yếu. Đây là tư tưởng đại diện cho tâm thức của thời đại, giai đoạn và sự thể hiện cái tâm hồn cá nhân đối với giai đoạn lịch sử họ đang sống. Bởi thơ ca là tiếng lòng, phản ánh những hiện thực xã hội.[19] Đôi khi, không loại trừ một ước mơ, hoài bão, hy vọng vượt thoát tất cả sự trần trụi của hiện thực, cái gọi là chủ nghĩa lãng mạn phi hiện thực. Trên tất cả, họ chỉ muốn cho mọi ngườimột đời sống an lànhhạnh phúc.

Để khép lại, tôi xin trích hai câu thơ trong bài ‘mùa xuân những cặp mắt biếc xanh’ của Mikhail Larionovitch Mikhailov:

Ai đã kể mà sao chim lại biết,

Trái tim ta đang giấu ước mơ gì?[20]

Kỷ niệm tết Nguyên Đán, Mậu Tuất.

Delhi, ngày 6.2.2018

Đức Quang


[1] “每嘆百年同過客, 何曾一飯忍忘君。 人生識字多憂患, 坡老曾云我亦云”。Hán Việt: ‘Mỗi thán bách niên đồng quá khách, Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân. Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn, Pha lão tằng vân ngã diệc vân.’

[2] “盃沒懎峼憂愛寠/ 店挧滾滾搩朝東”trong phần vô đề của Quốc Âm Thi Tập: http://www.thivien.net/Nguyễn-Trãi/Thuật-hứng-bài-5/poem-mgqzLEiMpnTOyJ08FCNXeg

[3] Hồ Dzếnh, Hoa xuân đất Việt, Nxb Hoa Tiên, Saigon, 1969: “Đây, nửa đời đau thấy dáng xuân Đất hoa thở mạnh, gió thơm gần’’

[4]http://www.thivien.net/Huy-Cận/Áo-xuân/poem-B6iyJCR5kCh5mPMgMOCH1Q

[5] Nguyễn Quỳnh Hương dịch Việt: http://www.thivien.net/Apollon-Nikolayevich-Майков/Xuân-về-Ta-mở-cửa/poem-G_LmgpI9-B4WV4KPODdg0Q. Nguyên văn tiếng Nga: Мне в душу повеяло жизнью и волей:

Вон – даль голубая видна…

И хочется в поле, в широкое поле,

Где, шествуя, сыплет цветами весна!

[6] 睡起啟窗扉, 不知春已歸。 一雙白蝴蝶, 拍拍趁花飛. Hán Việt: “Thụy khởi khải song phi, Bất tri xuân dĩ quy.  Nhất song bạch hồ điệp, Phách phách sấn hoa phi.”

[7] Trí Quảng tổng biên tậpNguyệt san Giác ngộ số 46, tháng 01 - PL 2543-2000:’ 初空をは/ やしこそす/ れ雀迄.’

[8]楊柳花深鳥語遲,  畫堂簷影暮雲飛。  客來不問人間事, 共倚欄杆看翠微. Hán Việt: ‘Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì, Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.  Khách lai bất vấn nhân gian sự, Cộng ỷ lan can khán thúy vi.’

[9]家中有宝休尋覓, 對境無心莫問禪. Hán Việt: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Xem http://www.thivien.net/Trần-Nhân-Tông/Kệ-vân /poem-fEAJw6gSdRH2Pzfq3DAxTA

[10] 春晚 年少何曾了色空, 一春心在百花中。 如今勘破東皇面, 禪板蒲團看墜紅.Hán Việt: “Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,/ Nhất xuân tâm sự bách hoa trung./ Như kim khám phá đông hoàng diện/ Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.”

[11]白頭軍士在,  往往說元豐。Dịch Việt: ‘Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay, Thường nhắc lại chuyện Nguyên Phong đã qua rồi.’

[12] Xem Kinh A-Nan Nhứt Dạ Hiền Giả trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, t.2, tr.523-524.

[13] http://tibet.net/2018/01/his-holiness-the-dalai-lamas-new-year-message-for-2018/

https://thuvienhoasen.org/a29277/thong-diep-chao-mung-nam-moi-2018-cua-duc-dat-lai-lat-ma

[14] https://thuvienhoasen.org/a29268/thu-chuc-tet-mau-tuat-cua-duc-phap-chu-giao-hoi-phat-giao-viet-nam

[15] https://langmai.org/tang-kinh-cac/tuyen-tap-tho-nhat-hanh/anh-xuan-vang/rung-sa-la/

[16] https://langmai.org/tang-kinh-cac/tuyen-tap-tho-nhat-hanh/anh-xuan-vang/duong-que/

[17] https://langmai.org/tang-kinh-cac/tuyen-tap-tho-nhat-hanh/anh-xuan-vang/mua-xuan-cu/

[18]https://langmai.org/tang-kinh-cac/tuyen-tap-tho-nhat-hanh/anh-xuan-vang/mua-xuan-vo-y/

[19] “Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố thi dĩ ngôn chí dã”. Dịch Việt: ‘Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy’ của Phan Phu Tiên trong lời tựa Việt âm thi tập (1433).

[20] Nguyễn Quỳnh Hương dịch Việt: http://www.thivien.net/Mikhail-Illarionovich-Mikhaylov/Mùa-xuân-những-cặp-mắt-biếc-xanh/poem-150l7VP5zpy27yJd5iN02Q. Nguyên văn tiếng Nga: “Боже мой, кто рассказал им

И думы, и грёзы мои?”
(Thư Viện Hoa Sen)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/02/2016(Xem: 9841)
05/02/2013(Xem: 23464)
18/01/2014(Xem: 6877)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.