Mậu Thân Về Ăn Tết Với Mạ - Ninh Hạ

14/01/201112:00 SA(Xem: 34689)
Mậu Thân Về Ăn Tết Với Mạ - Ninh Hạ
tuyentapmungxuan

MẬU THÂN VỀ ĂN TẾT VỚI MẠ

Ninh Hạ

1.
Ba mươi tháng chạp. 

Hôm nay đúng ngày cuối năm. Lần đầu tiên Chánh sẽ có những ngày Tết độc thân xa nhà. Cả tuần vừa qua Chánh quá bận rộn. Bạn bè có gia đình ở xa nhờ trực thay để vù về thăm nhà. Ra trường quân y, Chánh được điều động về nơi cao nguyên núi cao phố hẹp này. Đang trùm chăn mơ mơ màng màng, nghe tiếng gõ cửa. Chánh vùng dậy. “Tưởng còn sớm mà đã tám giờ.” “Thưa Bác sĩ, em đến đón Bác sĩ vào trực.” Mở cửa. Trời cao nguyên âm u sương mù. Gió lạnh rùng mình. “Em vào đi. Chờ tôi thay áo quần. Mười phút.” Chánh vào phòng tắm, hắn nói lớn với theo. “Bác sĩ trực thêm ngày này nữa là trả xong nợ. Ngày mai các ông thầy kia sẽ về thay.” “Ừ. Tôi có được ba ngày nghỉ Tết. Chưa biết làm gì cho hết đây.” “Bác sĩ thì thiếu gì chỗ đi. Cô Thư, cô Phượng, lại thêm cô Loan. Nhà cô nào cũng đang chờ bác sĩ.” Thân mật, hắn cười nói trêu vì biết mấy cô này đang ngấp nghé ông thầy mình. “Tầm bậy nghe mầy !”
Trên đường , như thường lệ hai thầy trò ghé ăn sáng “bún bò nhà xác”. Tiệm bún bò ngon nổi tiếng gần nhà xác bệnh viện. 

Hôm nay, từ sáng đến trưa không có trường hợp nào cấp cứu nghiêm trọng. Chánh thong thả xuống thăm bệnh binh. Cảnh bệnh viện thì đâu cũng vậy. Quá đổi thương tâmĐặc biệt ngày Tết. Có chồng, có con nằm ở đây thì coi như cả gia đình chẳng còn bụng dạ nào mà Tết với nhứt. Các bà mẹ từ nơi xa xôi, lặn lội đem bánh tét bánh chưng, con gà nồi thịt cùng bánh mứt, thăm nuôi con đang rên đau trên giường bệnh. Mẹ thương, nhìn con lo lắng. Cố nén nỗi đau . Sụt sùi. Thấy cảnh nầy đã quen nhưng Chánh cũng xúc động, chợt nhớ đến mẹ mình. Một quyết định đến rất nhanh. 

Chánh quay về văn phòng và gọi cho Quý ở bên Không Đoàn. “Mi coi ngày mai có chuyến bay đi Huế cho tau một chỗ. Đi mồng một về mồng ba.” “Mầy dỡn chơi hay sao đây? Mai là Tết. Bây giờ gọi mà mai đi thì mầy là Tư lệnh Vùng hả?” “Tau về thăm mạ tau. Mạ tau Tết nhứt…một mình !” Chánh nghẹn lời. Giọng Huế đặc, Chánh thường gọi mẹ mình là Mạ. Quý là người Nam mà mỗi khi nghe tiếng gọi đó cũng thấy sao mà mộc mạc sâu lắng thương yêu. Cảm được Chánh qua giọng nói, Quý chần chừ. “Tao sẽ gọi lại cho mầy trong chiều nay…nếu có.”

Chờ đến lúc hết ca trực về nhà vẫn không thấy Quý gọi. Gọi hắn mấy lần thì cô nhân viên cho biết hắn đi vắng. Hình ảnh mẹ già thui thủi trong căn nhà trống lạnh, đơn côi những ngày Tết khiến Chánh mủi lòng. “Con trai cả bầy. Không ở với đứa nào. Đi đâu thì đi, nhưng Tết cũng chỉ một mình nơi ngôi nhà hương hỏa. Để ngày ba bữa hương khói, cúng cơm cho chồng, cho ôn mệ tổ tiên và con cháu khuất mặt.”
Điện thoại chợt reo. “Ê mầy ! Chuẩn bị mai tao tới xông đất rồi chở mầy ra phi trường lúc ba giờ sáng. Không có chuyến bay Huế. Tao lấy chỗ cho mầy đi Đà Nẳng. Tới đó mầy tự lo lấy.” Hắn nói thêm. “Chỉ có chuyến đi mà không có về nghe mầy.”

2.
Mồng Một Tết. 

Đến Đà nẳng, Chánh lấy xe đò, xế chiều về tới Huế.
Trời se lạnh và mưa phùn nhẹ. Huế thân quen đỏ rực xác pháo đêm giao thừa còn rơi rải trên đường phố. Không gian phảng phất mùi hương trầm. Áo mới lăng xăng. Nhộn nhịp xúm xít. Người lớn trẻ nhỏ vui cười, kẻ đứng người ngồi chồm hổm quanh những sòng cờ bạc đỏ đen ngày Tết bày dọc bên đường. Tiếng pháo nỗ râm ran. Cho dù chiến tranh tàn khốc quanh năm, nơi quê hương, Tết dường như thật thanh bình.
Anh xích lô vui tính. Chuyến xe đầu năm gặp người khách trẻ ân cần cũng thấy niềm vui ấm. Qua chợ Kim Long, gần đến chùa Linh mụ thì rẽ vào làng. Chánh vui trở lại làng quê thương thuộc để gặp mẹ, ăn Tết với mẹ. Đã bao nhiêu năm, từ hồi còn là sinh viên cho đến nay, cứ mỗi lần trở về nhà ăn Tết, mỗi lần lại đi trên con đường này thì lòng vẫn rộn vui thơ dại.

Qua con đường đất, vườn nhà xanh um trước mặt
Chánh rón rén vào nhà. Mẹ nằm trên sập gụ chăm chú đọc sách kinh. Là con gái của quan phẫm triều đình được cho ăn học, mẹ giỏi, đọc thông chữ Hán hơn chữ quốc ngữ. Chánh rón rén nhẹ bước đến đã gần bên, mẹ vẫn chưa hay. “Mạ !”. Giật mình. Sững sờ, Mẹ nhìn lên với ánh mắt mừng vui quá đổi bất ngờ. Ánh mắt đó của Mẹ, cho dù mấy chục năm đã trôi qua, Chánh vẫn còn nhớ rõ. Mẹ vùng dậy nắm vai Chánh, bóp xuôi theo cánh tay. Nắm chặt bàn tay con và biết, không phải là giấc mơ. “Con đã về ăn Tết với mạ.” Mẹ cười mếu máo. Hàm răng đen huyền đều và đẹp lúc xưa, nay chỉ còn rệu rạo mấy cái bạc màu đen trắng. 

Mẹ con xoắn xít vui mừng chưa được mấy giờ thì mẹ ôm bụng quặn đau. Chánh tự trách. Mình là bác sĩ, mẹ mình đau bao tử kinh niên, khi về quá vội vàng quên không đem theo thuốc men gì cho mẹ cả. Lại còn làm trò trẻ con hù mẹ. Sự kích động tâm lý cũng là nguyên nhân của cơn đau. Sau khi dùng mấy thứ thuốc hiện có, mẹ tạm yên. Nhưng lỡ đêm hôm tái phát thì khổ thân mẹ. Chánh qua mượn thằng em bên hàng xóm chiếc xe đạp, xuống phố mua thuốc. Tiện thể Chánh cũng muốn đi rong chơi phố phường ngày đầu năm. Ghé thăm người quen cũ.

Trời lạnh. Đường làng tối om. Quá quen thuộc, nên dẫu xe không đèn vẫn đạp chạy bon bon. Tiếng cười nói reo vui từ trong các ngôi nhà ấm cúngÂm thanh rộn rã lôi cuốn của những hột tào cáo (xí ngầu) va chạm trong cái đoại (cái tô, cái bát) sành sứ của trò chơi hấp dẫn Xâm Hường của riêng ngày Tết xứ Huế. Tiếng pháo nổ đì đẹt. Mùi trầm hương. Đương vắng. Người Huế ăn Tết trong nhà. Không ngược xuôi ngoài đường ngoài phố hay la cà trong các hàng quán. Ra tới đường lớn thì đèn sáng. Chánh đạp thong thả. Cứ thế qua cầu Bạch Hổ xuôi Phú Văn Lâu, Thượng Tứ. Về phố Huế. Con đường thân quen bao nhiêu năm tháng, ngày ngày đi học, rong chơi, hay sóng đôi cùng những người con gái chớm yêu nhưng chưa hề dám tỏ lời. Con đường mù sương đầu xuân và phuợng đỏ ve kêu ngày hè oi ả.
Xuống phố mua đủ các thứ thuốc cho mẹ. Thuốc đau bao tử. Thuốc cảm sốt. Đau đầu. Tiêu chảy. Thuốc trụ sinh. Không thiếu thứ gì. Qua rạp chiếu bóng. Rất đông người chen chúc vào xem. “Phim hay. Mình chờ mãi phim này từ lâu. Nơi mình ở không biết khi nào phim mới lên tới nơi. Giờ này chắc mạ sau khóa kinh tối cũng đã đi ngủ. Tiện thể vào xem luôn.” Chánh do dự tần ngần. Một phần phim này dài, xem xong thì cũng đến nửa đêm. Phần khác, không muốn để mẹ một mình. Nghĩ thế, Chánh đạp xe trở về làng. Từ đây về đến nhà cũng mất cả giờ. Tới Bến Thương Bạc, ngang qua gánh phở thơm lừng. Mùi đặc biệt của phở Huế làm cho Chánh thấy đói. Từ chiều đến giờ lăng xăng quên ăn. “Tô phở nhỏ với mấy lát chả lụa mỏng, rất đơn sơ mà sao ngon tuyệt. Trời lành lạnh như ri mà bụng đang đói thì không chi bằng!”. Chánh lại tần ngần. “Thôi đạp về nhà. Mẹ chắc dọn sẵn mâm cơm Tết chờ con.” Chánh cũng bỏ luôn ý định ghé thăm Hương, “người yêu lỡ dịp.”

Về đến nhà đèn còn sáng trưng
Mẹ đang ngồi chờ bên mâm cơm. “Con về! Lên cúng lạy xong xuống ăn cơm. Mạ hâm lại cho nóng. Chờ con lâu nguội lạnh cả rồi. Chắc đói lắm hỉ.” “Mạ uống thuốc ni đi đã. Quá nửa đêm rồi, mạ cũng đi ngủ đi. Con ăn xong thu xếp cũng đi ngủ. Mai dậy sớm đi thăm mộ ba và thăm bà con.”
Trong căn phòng quen thuộc, mùi ẩm mốc của chăn giường hòa lẫn với mùi trầm hương trên bàn thờ đã đưa Chánh vào nhanh giấc ngủ say sau một ngày tất bật. 
Chỉ một lúc sau, mạ giật mình hoảng hốt vì tiếng súng lớn nhỏ nổ rền vang vọng từ phía dưới phố và Thành nội. Hé nhìn ra ngoài đường, mẹ thấy nhiều bộ đội Việt cộng âm thầm nối nhau chạy vội xuống phố. Đã qua hai cuộc chiến tranh, mẹ có nhiều kinh nghiệm và linh tính. Quay vào định đánh thức Chánh. Thấy con ngủ say, quay ra. Mẹ thắp hương lên đèn tụng kinh cầu Phật và ôn mệ che chở cho con qua cơn hoạn nạn. Chánh chìm sâu giấc ngũ trong tiếng tụng kinh đều êm ả của mạ.

3.
Hôm nay là Mồng hai Tết.

Sáng sớm, thức dậy ra khỏi phòng thì thấy mạ đang ngồi trầm ngâm bên chung trà sáng. “Con. Có chuyện rồi. Cả đêm súng nổ khắp nơi. Sáng ni không thấy ai ra đường. Cả làng yên lặng quá. Mạ lo cho con.” Nghe súng tiếp tục nổ, Chánh cũng linh cảm chuyện không hay sẽ xẩy đến. Làm sao đây? Nếu súng nổ miệt dưới phố, Việt cộng đã vào thì chắc không còn đường nào chạy thoát
Đang lúc mẹ con đang bàn tính thì Một xuất hiện trong binh phục bộ đội nón tai bèo, súng lục lủng lẳng bên hông. Một là con cháu trong làng, làm thợ mộc nhà ở sát đầu ngõ. Thấy Chánh, Một tròn xoe mắt ngạc nhiên lo lắng. “Anh…anh về mà em mô có hay. Anh về khi mô rứa? Trời !” Mạ hỏi dồn. “Con nói cho mệ nghe, việc chi rứa?”. “Thưa mệ, con qua sớm để thưa với mệ là bộ đội đang giải phóng Huế. Đánh lớn lắm từ khuya. Mình thắng lớn. Mệ nhớ ở trong nhà. Đào hầm, xuống đó để tránh đạn bom của Mỹ Ngụy. Không còn lâu mô mệ. Năm bữa nửa tháng, Huế thuộc về cách mạngBà con mình sẽ ăn Tết toàn thắng. Mệ đừng lo chi hết, mọi chuyện có con.” Xoay qua Chánh. “Đã như ri rồi thì anh phải nghe lời em, nếu không thì nguy lắm. Em sẽ cho mấy đứa qua đào hầm, nói là cho mệ. Trong làng ai cũng mang ơn đức của mệ, chẳng ai thắc mắc chi mô. Anh không ra khỏi nhà. Đừng cho ai biết anh về. Cứ trốn dưới hầm.” “Thưa mệ con đi. Có chuyện gì gấp mệ qua nhà cho vợ con đi tìm con. ” Xoay qua Chánh, Một cầm hai tay, cười an ủi. “Em đi. Anh nhớ lời em.” 

Một vừa đi khuất, mẹ choàng vội chiếc áo len dày, đội mũ nỉ che ấm đầu trọc lún phún tóc bạc trắng, quấn vội chiếc khăn quàng. “Con ở nhà. Ai gọi đừng mở cửa. Mạ đi vòng làng coi xem tình hình ra răng.” “Mạ ra ngoài làm chi. Nguy hiểm lắm. Con sợ đạn pháo…” Vừa nhẩm đọc danh hiệu Quan âm, mẹ bình tĩnh đi ra. “Lo cho con chứ thân mạ thì ở trong tay Trời Phật ôn mệ.”
Hơn một giờ sau. Nghe tiếng mẹ về, Chánh mở cửa. Thấy mạ bình tĩnh, Chánh cũng đỡ lo. “Trụ sở xã chừ đây là của họ rồi. Mạ gặp con Út con thím Sáu và chị Hoàng đang ở đó với mấy chú bộ đội lạ. Con Út nói thằng Một coi hết vùng này. Mạ có hỏi, nó cho biết từ cầu Bạch Hổ, cầu An Hoà trở xuống phố, trong Thành Nội và bên kia sông đang đánh lớn. Mấy làng trên ni thì đã thuộc về cách mạng.” 

Mạ bàn. “Chánh nì. Thằng Một nói rứa, nhưng mạ thấy ở đây khuất quá, có chuyện chi không biết chạy đường mô. Mạ đem con ra trốn ở nhà bác Khâm, sát đường cái lại bên cạnh sông, dễ bề xoay xở.” Đường cái là con đường nhựa lớn, cặp theo sông Hương, chạy từ phố thẳng về chùa Linh Mụ, Văn thánh.
Mẹ chống gậy đi trước, Chánh nép vào hàng rào, bụi tre dọc đường, chạy sau cách quãng. Mẹ dặn. Nếu có ai, mạ dơ gậy lên, thì tìm cách trốn vào bụi rậm bên đường. Cũng may, đường vắng lạ thường. Đi theo đường tắt trong làng ngày thường gần xịt, chỉ khoảng mươi, mười lăm phút. Bây giờ đi hoài không đến. Cuối cùng cũng đến nơi. Bác Khâm lúc xưa trông coi viêc thiên văn trong triều đã mất, bác gái là bạn già của mẹ. Phú con bác cũng thường xuyên ăn học trong nhà. Phú là Trung úy ở Đà Nẳng về ăn Tết và kẹt luôn. Gặp Chánh, anh em mừng rỡ hoạn nạn có nhau. 

Khác với sự tính toán của mạ. Nhà bác rộng và chắc chắn, có ngăn thờ để trốn. Nếu khẩn cấp thì trèo lên máng xối. Lội qua sông Hương, đoạn gần chùa này khá rộng, nhưng Chánh và Phú coi như chuyện nhỏ. Những ngày hè, anh em thường cùng nhau bơi qua lại cả mấy lượt. Nhưng bên đó Việt cộng cũng đã làm chủ tình hình nên không trốn qua được. Ban ngày vắng vẻ, nhưng đêm tới, bộ đội rầm rập từ miệt trên kéo về phố tăng viện, thương binh từ phố tải về hậu cứ rên la đau đớn. Không như mạ, bác Khâm thì nhát gan nên quá lo sợ. Chánh nghĩ nếu họ kéo vào chỉ nghỉ chân qua đêm hay xin nhờ thức ăn nước uống, chứ đừng nói việc tra hỏi, bác luống cuống như ri thì lộ tẩy. Hôm sau mạ kín đáo đến thăm con. “Mệ to gan thiệt anh Chánh ơi.” Phú le lưỡi. “ Em phục lăn. Mệ tỉnh khô, chẳng lo sợ chi cả. Trái với mạ em, bà làm em cũng hoảng vía theo.” Sau khi bàn với mẹ, Chánh lại lúp xúp chạy theo mẹ trở về nhà. “Dù sao thì ở nhà mình, xung quanhbà con làng xóm. Một, Út và chị Hoàng đều là người thân. Nhất là gần mạ an tâm hơn. Chuyện gì xẩy ra thì cũng có mạ, có con”. Chánh lấy lại can đảm và không còn quá sợ. 
“Mạ ơi. Mạ đã già yếu. Con đã khôn lớn thành người. Rứa mà trong hoàn cảnh nguy khốn này mạ vẫn là chỗ dựa vững chắc cho con.”

Hôm qua mẹ đã cho đào hầm ẩn khuất dưới căn bếp. Bên trên là bộ phản ngựa hai tấm gỗ mun đen bóng hiếm quý, lớn và dày cả gang tay. Chánh nghĩ. Nếu xui, bom đạn rớt xuống đúng miệng hầm sập thì mình mới chết. Chánh bắt đầu những ngày lo âu phập phòng sống dưới hầm tối. Nhưng may tụi nó không vào lục xét từng nhà như những địa phương khác nên Chánh mò lên để ăn, để thở. Nghe tiếng động, hay tiếng chân người thì vội vàng chui xuống. Đi vệ sinh phải rán nhịn chờ đêm khuya.

4.
Mồng Bốn Tết.

Từ chín giờ sáng khắp làng xóm có tiếng loa kêu gọi tất cả nam nữ từ mười lăm tuổi trở lên ra trình diện. Tiếng loa ra rả suốt ngày căng thẳng thần kinh, Chánh không biết xử trí thế nào? Tình hình này thì quả thật Việt cộng đã chiếm làng. Làm sao trốn được đây? Không ra trình diện, mai mốt nó quy tội nặng, chết là cái chắc. Mạ đi tìm Một, hắn đang ở đâu vợ nó cũng không biết. Hạn cuối trình diện là năm giờ. “Thôi trăm sự nhờ Trời Phật. Mạ đưa con đi.” Thấy mạ bình tĩnh nhưng Chánh biết mạ đang niệm Phật cầu xin phù hộ. Ra tới Uỷ ban. Vắng vẻ. Có mấy cậu du kích đeo súng AK canh gác. Út và chị Hoàng ngồi trến ghế ngoài hàng hiên. “Thưa mệ.” Quay qua Chánh. “Anh Chánh về hồi mô rứa?” Út mừng. Nét mặt và nụ cười thoáng lo. 
Trên bàn làm việc bên trong, một cán bộ Việt cộng mặc đồ đen, nét mặt lạnh lùng. Bàn cạnh cửa lại chính là Một đang ngồi. Thật không ngờ! Thấy mạ và Chánh, Một đứng bật dậy niềm nỡ chào. Chỉ ngay chiếc ghế trước mặt bàn mình ra lệnh lớn cho Chánh. “Anh ngồi xuống đây làm tờ khai. Khi mô xong thì nộp cho tui.” Hắn cố nói lớn trịnh trọng có phần đe dọa. “Thành thật khai báo. Nghe chưa?” Hắn xuống giọng nói nhỏ cho Chánh đủ nghe. “Anh chỉ khai là bác sĩ dân sự. Đừng nói chi đến chính quyền và quân đội.” Nạp tờ khai, Một đọc và gật đầu. “Thôi Mệ và anh về. Khi mô có lệnh gọi thì lên ngay.” Hai mẹ con ra gần tới cổng gác, Một chạy theo dặn. “Từ nay về sau, bất cứ ai gọi anh cũng đừng ra. Chỉ khi nào cần thì có em tới mới đi. Hôm tê em đã dặn anh rồi. Anh nhớ lời em.” 
Tuy Một lớn hơn Chánh nhiều tuổi, nhưng như hầu hết những người trong làng cùng trang lứa, đều gọi Chánh là anh. Chỉ vì. “ Mấy anh là con của Bác. Con của Mệ.”
Y như lời của Một. Mấy ngày sau lại có lệnh gọi trình diện nguỵ quân, ngụy quyền. Chánh trốn miết dưới hầm. Không ít những người ra trình diện đợt hai, đợt ba sau đó có những hạ sĩ quan, đã không bao giờ trở lại.

Dễ chừng đã hai mươi ngày trôi qua.
Lo âuvô vọng. Lên hầm. Xuống hầm.
Một buổi sáng, Một dẫn một toán cán binh áo quần nhàu bẩn đến xin mệ cho mượn nhà trên làm việc. Bọn chúng còn rất trẻ, lễ phép thưa hỏi. Mẹ gượng dấu lo âu, tiếp đón ần cần. Chánh dưới hầm gần như nghẹn thở. “Thôi ri là chết đến nơi rồi ! Tụi nó ở trên, mình bị giam luôn dưới này ngày đêm, thiếu ánh sáng và khí trời cũng đủ ngất ngư. Chẳng biết tụi nó đóng quân đến bao giờ đây?” Chánh nghe tín hiệu truyền tin liên hồi suốt ngày đêm và tiếng điện đàm rì rào. Mấy tên lính thay nhau ra giếng tắm giặt. Nghe chúng cười hát và ngâm thơ. Không chỉ riêng nhà mình, hình như chúng chia nhau rải rác trong các nhà lớn khác trong làng. 
Có hôm, đang chịu trận tê người trong hầm, phần đói phần muốn đi vệ sinh, Chánh nghe có tên đi ngang qua bếp và hỏi. “Thưa mẹ cái gì đây?” “Cái hầm đó con” Chánh đứng tim nghe mạ trả lời tĩnh bơ không ngập ngừng do dự . Giọng Nghệ trọ trẹ hỏi tiếp. “Có ai dưới không mẹ?” “Không. Ai mô mà ở dưới đó.” Mạ nói tiếp. “ Hầm thằng Một đào sẵn cho mẹ để khi mô có bom đạn thì mẹ xuống núp”. Chánh nghe tiếng chân xa dần. Thở phào. “ Mạ mình hay thiệt.”
Chiều hôm sau, chỉ nghe tiếng lao xao ở nhà trên rồi yên lặng. Tiếng máy truyền tin cũng im bặt. Mạ xuống dỡ nấp hầm. “Lạy Phật. Lạy Ôn mệ. Con ơi, họ rút lui cả rồi. Lên đi.”

Tiếng súng dưới phố cũng thưa dần. Bên ngoài rầm rập đoàn tàn quân rời rã lê chạy về phía núi, gánh khiêng những thương binh kêu đau thê thảm. Chánh mừng. “Đúng là tụi nó rút quân.” Cứ thế đoàn cán binh và bộ đội Viêt cộng kéo chạy từ xế chiều cho đến nửa đêm. Tình hình chưa biết ra sao. Xóm làng trở lại yên tĩnh. Đã có tiếng người văng vẳng hỏi nhau. Chánh thấy tràn trề hy vọng thoát khỏi tử thần sau hai mươi ba ngày trân mình.
Mạ lên hương đèn tụng kinh. Chánh ra giếng tắm. Trời còn lạnh, cái lạnh của tháng giêng nhưng Chánh thấy khoan khoái vô cùng. Về ăn Tết với mạ, rứa mà hơn hai mươi ngày, tối nay hai mạ con mới ngồi ăn với nhauBữa ăn đơn sơ. Dưa món, bánh tét đã mốc sống đem chiên lại. Dưa nưa kho với ruốc. Bát canh cải tươi mạ vừa hái sau vườn. Ôi chao, bữa ăn ngon nhất của đời người
Nằm trên giường trằn trọc mãi không chợp mắt. Sau cơn căng thẳng giấc ngủ cũng khó tìm. Gần sáng ngủ thiếp đi. 

5.
Ngày hai mươi sáu.

Thức dậy thì trời đã sáng từ lâu. Nghe tiếng mở cửa. Mạ đứng đó như vừa đi đâu về. “Mạ đi ra chợ Kim Long, lần xuống tận cầu Bạch Hổ.” “Trời. Mạ đi chi mà liều mạng quá rứa.” Nhe hàm răng sún, nhai cau trầu đỏ chẹt, mẹ cười. “Ngoài đường người ta đã bắt đầu chạy về phố. Họ rút đi hết rồi. Con ăn sáng xong mạ đưa con đi. Mau không tụi nó trở lại.” Mạ đưa ra đầu đường, Chánh tấp theo đoàn người thất thần, bơ phờ, chạy giặc. “Mạ về đi. Con chạy một mình cho mau.” Mạ khóc. Mấy ngày gian nguy thì mạ tĩnh khô. Tình thương bao la trời biển che chở cho con đã làm cho mạ vững như thái sơn. Chừ con đi. Chừ xa con. Chưa hết cái lo cho thằng con út hiếu thảo nhất của mạ. Mạ cầm lòng không được mạ khóc. “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” Trong nước mắt ràn rụa, mạ lâm râm niệm Phật.
Đường từ Kim Long xuống cầu Bạch Hổ thì không có dấu tích nhiều của trận chiến gần tháng qua. Nhưng từ đây về đến cầu Trường tiền thì la liệt xác chết. Thảm thương. Hầu hết là những xác thường dân vô tội. Mẹ chết bên con và quang gánh trong tay, rau trái vung vãi. Mấy em học sinh nằm chết chồm lên xe đạp. Không nhận ra ai mặc đồ quân phục bên này hay bên kia. Chánh giật mình. Có lẽ đây là những người từ phố trở về nhà đúng giờ Việt cộng khai hỏa mở đầu cuộc tàn sát Mâu Thân. Nếu Chánh không vì mạ mà la cà xi nê, ăn phở, ghé bạn bè bài bạc, về nhà khoảng chừng hai giờ rưỡi sáng đêm mồng Hai, thì chắc cũng phơi xác ung thối bên chiếc xe đạp như các em học sinh ngây thơ trong trắng đầu kia.
Thành nội đổ nát tang thương. Nhà phố sập vụn. Tuờng nhà loang lổ. Trận chiến ở đây quá khủng khiếp. “Làng mình quá may.”
Ở trạm kiểm soát đầu cầu Trường tiền, Chánh khai là Trung uý bác sĩ quân y Quân lực Việt nam Cộng hòa. Viên sĩ quan Hoa Kỳ niềm nởchúc mừng thoát nạn. Chánh lần leo xuống theo nhịp cầu gảy bên này bờ. Lại hổn hển, đuối sức bò leo lên nhịp cầu gảy bên bờ kia. 
Cùng một giòng sông mà là hai bờ của tử, sinh. Thoát nạn. Chánh mất hồn nhìn đám đông. Nhốn nháo. Khóc than. 

6.
Hai bờ tử sinh.

Chánh về ăn Tết có ba người biết mà làm như không biết để bao che. Con Út, chị Hoàng và Một.

Út. Con thím Sáu ở ngay sau vườn nhà. Chú mất sớm, thím còn trẻ, buôn bán tần 
tảo khổ cực nuôi con, bữa đói bữa no. Thằng Phúng, con Hoà, con Hiệp và Út. Trái cây trong vườn, cau mít, măng cụt mẹ thương thím, bán khoán cho để nuôi con. Ngoại trừ cây măng cụt trái trĩu cành, cây mít ướt đầu rào, hai cây mít nghệ mít dừa sau hè mệ dành cho các con và bạn bè của con dưới phố lên chơi vườn. Bán trước, cho thím trả tiền sau. Bán tới đâu trả tới đó không lo chi thua lỗ. Có khi túng thiếu thím nợ đến cả năm. Ngày kỵ giỗ, cúng chạp, thím phụ mạ nấu ăn, dọn dẹp. Mấy đứa con thì coi anh em Chánh không khác chi ruột thịt. Ngày ngày qua lại. Con Út, anh nào cũng thương. “Tội. Khi nó lên cơn suyễn, ôm gối ngồi suốt đêm. Mạ xót xa.” Tết đến thì Út nhận tiền lì xì nhiều hơn hết. “Út ngày mô cũng níu áo theo mệ đi chùaSinh hoạt Gia đình Phật tử hăng say. Không biết răng mà nó theo Việt cộng. Theo hồi mô mạ cũng không biết.” Sau Mậu thân Út chạy lên núi rồi ra Bắc. Mấy tháng sau Ba mươi tháng Tư, Út trở về làm ở bệnh viện Huế và lấy chồng bác sĩ người ngoài Bắc vào. Khá giả. 
Năm ngoái từ Mỹ, Chánh về thăm nhà. Vợ chồng Út nghe tin, lên làng. “Mời anh Chánh đi ăn cơm với tụi em.” Quay qua chồng, Út kể. “Anh biết không, lúc đó em còn nhỏ lắm mà vẫn nhớ. Nhà mệ đèn thắp sáng suốt đêm. Mùa thi cử mấy đứa lớn trong làng tụ tập tại nhà mệ để học theo các anh. Có bài khó thì các anh dạy. Đói thì mệ cho ăn. Nói tới mệ, không riêng làng mình mà cả mấy làng bên ai cũng biết.” Nắm tay Chánh, vẫn thân thiết bé bỏng như ngày xưa, con Út suyển rưng rưng khóc. “ Tụi em thương mệ lắm. Em hay lên làng thăm mệ cho đến khi mệ mất. Mệ khi mô cũng vui. Mệ là Bồ Tát đó anh!”

 Chị Hoàng. Con dâu cụ Án. Cụ làm quan to, mất trước khi Chánh ra đời. Hai vợ chồng chị từ bên Tây về, cùng làm việc trong nhà thương Huế. Sinh cháu gái mấy tuổi thì anh mất vì lao phổi. Chị chích thuốc, trị bệnh cho bà con trong làng . Anh chị hiền lành vui vẻ, ai cũng thương mến. Nhà của cụ Án to nhất làng, lúc còn đi học Chánh hay qua chơi. Chị thường thăm hỏi mẹ khi trái gió trở trời. Tình hàng xóm láng giềng mấy đời qua lại. Không biết họ theo Việt cộng hồi nào. Có lẽ từ hồi còn bên Tây. Chị cũng vào núi và chết vì bệnh. Cho đến bây chừ ký ức của Chánh vẫn còn ghi đậm hình ảnh chị. Nhỏ nhẹ thân tình, mong manh trong chiếc áo dài lụa. Đứa con gái của chị hiện giờ ở đâu? Chánh cũng muốn biết nhưng chưa có dịp.
 
Một. Cha của Một nghèo sống ở bìa làng. Tất cả mọi việc từ lợp nhà, cuốc nương, chạp mộ, quết chả làm nem ngày Tết ngày cúng kỵ đều có mặt. Mẹ rất thương vì chân chất thật thà. Một lớn lên cũng thường theo cha tới giúp việc nhà mệ. Thời chống Tây, Một cùng anh Trai, con nuôi của mẹ, là du kích trong làng. Anh Trai cũng bị Tây bắn chết bên bến đò khi mang mìn tấn công đồn. Sau này, Một làm phụ thợ mộc, có chí tiến thân. Học nghề nhanh. Khi tay nghề giỏi, Một ra làm riêng. Dành dụm tiền cưới vợ và nhờ mệ thu xếp mua mảnh vườn của con rể mệ đầu ngõ. Khi anh em Chánh ở xa, Vợ chồng Một thường lui tới coi chừng mệ. Con Mầm, bà con với Một, chữa hoang đẻ con ai cũng kiêng cữ không chứa. Mẹ biết gọi tới cho ở sau nhà bếp. Mấy tháng sau thì thằng nghĩa quân tình nhân đến rước đi.

Năm trước Chánh về thăm mẹ đúng lúc vợ Một đang nằm ở bệnh xá của Xã, chuyển bụng sinh con đầu lòng. Chẳng biết sao mà thai chuyển đau dữ dội mấy ngày, không sinh được. Cô mụ bó tay. Nghe Chánh về, Một chạy sang xin anh cứu cho vợ và con. Chánh còn mấy tháng nữa mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên cũng thiếu tự tin, lo lắng. “Đi liều. Cố gắng hết sức mình.” Nghe có anh Chánh, bác sĩ con mệ đến đỡ đẻ, vợ Một mừng lắm. Vừa đau rặn vừa thở dốc nhăn nhó và khóc. Chánh cười vui trấn an và đở đẻ. Không đầy một giờ sau, thì tiếng khóc của bé chào đời. “Con trai!” Chánh reo lên. Một khóc quỳ sập lạy. “Vợ chồng em mang ơn anh. Anh về đúng lúc.” “Thằng nhỏ đến lúc muốn ra, hắn bò ra. Anh có làm chi mô.” Vợ chồng cười mếu máo. Chánh nói thậtMay mắn là Chánh đến đúng lúc. Không có Chánh e cũng rứa thôi. “Mai mốt thằng ni lớn lên, em đem nó qua lạy bác Chánh cứu mạng cả mạ, con.” Người trong làng cũng phong phanh biết Một có cảm tình hay lén lút liên lạc với bên tê. Nhưng bà con mình thì chín bỏ làm mười. Không ai tố cáo ai. Xóm làng vui vẻ, hôm sớm có nhau là quý hơn hết. 
Sau Mậu thân. Vào khu nhưng Một vẫn lén lút về hoạt động quanh vùng. Không lâu thì bị lính phục kích bắn chết ở làng trên. 

7.
Mạ. Tấm áo cà sa.

Sau năm Bảy Lăm. Mấy đứa con trai của mẹ, đứa ở trong Nam đi tù cải tạo, đứa từ miền Bắc xênh xang áo mũ trở về. Mẹ vẫn sống một mình trong ngôi nhà ấp ủ khói hương kỷ niệm . Quanh quẩn, hoài niệm bóng hình thương yêu chồng con, ôn mệ. Quanh mẹ lúc vui buồn, đau bệnh, sớm tối bà con tới lui trông nom, thương yêu chăm sóc. Tình làng xóm đùm bọc, qua bao biến đổi thăng trầm vẫn ấm áp. Mẹ không còn mạnh nhưng khoẻ cho đến tuổi chín mươi. 
Cả đời mẹ gieo nhân từ bi cho các con hái quả. Mẹ không hề dạy, nhưng con mẹ sống theo mẹ, sống như mẹ với tâm bản thiện. Cho dù có đi với ma thì cũng không hề mặc áo giấy, mà nương theo ủ ấm trong tấm áo cà sa của mẹ.

Nghe kể lại. Ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, mẹ không nằm ngửa nhắm mắt như người bệnh thường, mà mở mắt nằm nghiêng quay đầu về phía cửa. 
Cho đến phút cuối, mẹ vẫn chong mắt nhìn ra khung cửa. Mẹ chờ, mẹ mong mấy đứa con đem về cho mẹ niềm vui bất ngờ. 

Bất ngờ như xế chiều ngày mồng một năm Mậu thân, thằng Chánh về ăn Tết với mạ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/02/2016(Xem: 9841)
05/02/2013(Xem: 23463)
18/01/2014(Xem: 6877)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.