Phật giáo trong thời đại internet và công nghệ mới

16/04/20204:09 CH(Xem: 2715)
Phật giáo trong thời đại internet và công nghệ mới

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI INTERNET
VÀ CÔNG NGHỆ MỚI

Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng

Trong bài viết “Phật giáo trong thời đại Internet và Công nghệ mới” (Buddhism in the Internet Age and the New Technology Age” chúng tôi sẽ trình bày:

A.-Phật giáo trong thời đại Internet:
1.-Các trang mạng Phật giáo, các thư viện điện tử Phật giáo, các Tăng đoàn ảo, các Chùa chiền ảo, việc quảng bá công tác xã hội ở nhà chùa.
2.-Giáo dục Phật pháp điện tử.

B.-Phật giáo trong thời đại Công nghệ mới.
1.-Các công nghệ thiền định (Contemplative technologies).
2.-Robot nhà sư.

C.-Kết luận về Phật giáo trong thời đại Internet và  Công nghệ mới.

A.-Phật giáo trong thời đại Internet:

1.-Các trang mạng Phật giáo, các thư viện Phật giáo, các tăng đoàn mạng và việc quảng bá “Ban từ thiện xã hội” của nhà chùa:

                     Như đã trình bày, trong lịch sử nhân loại kể từ hậu bán thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, sự phát triển như vũ bảo của Internet đã ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực: nghiên cứu, giáo dục, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội. Tiềm năng của Internet (Internet’s potential) sẽ khai thác thêm nhiều ứng dụng cho các lãnh vực này. Một cách tổng quát Internet đang ảnh hưởng đến các tôn giáo, Phật giáo không phải là điều ngoại lệ. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu Internet đang ảnh hưởng Phật giáo như thế nào?

                     -Với những khả năng của “World Wide Web”, nhiều Website Phật học được thành lập. Các Website này giúp ích người đọc có thể tiếp cận với Phật giáoPhật học một cách dễ dàng, cho phép các buổi Pháp thoại, và nhiều đề tài đặc biệt được khám phá ra. Hầu hết các chùa chiền đều có các trang Web riêng, các Hội đoàn Phật giáo cũng đều có những trang Web riêng, các nhà nghiên cứu Phật học đều có trang Web riêng, thậm chí người bình thường cũng có thể có lời nhận xét của mình sau các bài giảng và các bài viết  để trao đổi quan điểm nhiều chiều.

 

                    -Ngày nay, Google Search (Google tìm kiếm) đang giúp cho các nhà nghiên cứu Phật học và các Phật tử rất nhiều. Một trử lượng đồ sộ về Tam Tạng Kinh điển Phật giáo và các luận văn về Phật học đã chứa đựng trong kho tài liệu của Internet. Khi cần tìm hiểu một vấn đề gì hoặc về kinh điển nào của Phật giáo, chúng ta chỉ cần vài cái nhắp “con chuột” và đánh máy một số chữ trên bàn phím thì sẽ tìm được lời giải thích ngay, có thể tìm hiểu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau  như Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Trung Hoa . . .

 

                  Những công nghệ thông tin đã tạo nên “tăng đoàn toàn cầu” (Worldwide Sangha) và càng ngày “tăng đoàn mạng” hay “tăng đoàn ảo” (Cyber Sangha) càng lớn mạnh. Người Phật tử không còn phải chờ đợi bên ngoài Thiền Viện (Zen Temple) trong nhiều ngày dưới cảnh nắng mưa để tìm gặp một thiền sư để vấn hỏi về đạo Pháp; người Phật tử có thể vô Internet ngay tức thì và tìm hiểu Phật Pháp (Dharma) với nhiều bài thuyết giảng đa diện, đa chiều.

 

                 Nhờ Internet, Phật tử có thể tìm kiếm những vị thầy Phật giáo, chùa chiền, văn hoá Phật giáo và những người nghiên cứu Phật học hay các người tu tập (practitioners) khác. Chúng ta có thể nghe cách giảng giải khác nhau của các Giảng sư khác nhau với quan điểm khác nhau qua các nhận thức khác nhau. Nhiều vị học giả có những kiến thức Phật học uyên bác, tuyệt vời và các kinh nghiệm quý báu.

 

                Chúng ta còn có những ngôi chùa ảo hay ngôi chùa mạng (Cyber Pagoda/Temple or Virtual Pagoda) ở trên Internet. Điều này giúp các Phật tử ở những vùng không có chùa chiền, hoặc sau giờ làm việc mệt mõi Phật tử không thể đến chùa được. Lại có những Tăng đoàn ảo hay Tăng đoàn mạng (Cyber Sanghas) giúp hành giả tiếp xúc với các vị Sư trên Internet mà trong thực tế không dễ gì tiếp cận được quý vị Thầy tu này ngay tức thì. Như vậy, không gian ảo (Cyber Space) đã thu ngắn được khoảng không gian vật lý rất nhiều. “Ngôi chùa ảo”cũng không đòi hỏi một khoảng không gian vật lý rộng lớn, và chi phí xây dựng rất tốn kém. Như một món quà bổ sung có giá trị, Tăng đoàn ảo là một cộng đồng giúp con người một con đường đi đến giải thoát tâm linh. Tăng đoàn mạng có khả năng giao tiếp ngay lập tức mà không cần quan tâm đến sự gần gủi địa lý với hành giả.

                    Như đã kể trên, từ cuối năm 2019 sang năm 2020, dịch bệnh Corona virus chủng mới đã và đang phát tán, lây lan trên thế giới khiến rất nhiều người bị lây bệnh, nhiều người bệnh đã chết vì dịch bệnh này. Do đó, các cơ quan y tế và chính quyền của các nước trên thế giới đều khuyến cáo hay ra lệnh cho mọi người dân tránh tụ tập đông người và nên ở nhà, mọi người phải xa cách xã hội (social distancing); hay xa cách vật lý (physical distancing) giữa 2 người phải xa cách một khoảng không gian khoảng 1,50 mét. Chùa ảo rất thích hợp trong giai đoạn này, vì chùa ảo giúp tránh tụ tập đông đảo như chùa thật. Phật tử ở nhà, viếng chùa ảo, lễ Phật trên Internet để thực hiện xa cách xã hội. Xa cách xã hội được chứng minh là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự lây lan của bệnh tật trong khi dịch bệnh Corona virus đang bùng phát.

 

                Nhiều thư viện Phật học điện tử được thành lập với số lượng tài liệu đồ sộ gồm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo, các bài  khảo cứu và luận văn Phật họcgiá trị. Rất nhiều thư viện Phật học điện tử được dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Trung Hoa,Việt Nam …Thí dụ: các thư viện Phật giáo tiếng Việt nỗi tiếng như Tuệ Quang Wisdom Light Foundation, Thư Viện Hoa Sen, Trang Nhà Quảng Đức, BuddhaSasana . . . Nhiều vị tu sĩ Phật giáo còn thực hiện các Video Clip trên Youtube để thuyết Pháp.

               Internet đã giúp nhiều cơ quan, hội đoàn quảng bá dịch vụ và sản phẩm của họ. Nhà chùa cũng không ngoài ngoại lệ. Nhờ sự quảng bá này mà “Ban Từ Thiện Xã Hội” của nhà chùa được các nhà hảo tâm biết đến rất nhiều, các nhà hảo tâm đã cúng dường nhiều tài vật để duy trì và phát triển công việc từ thiện này. Tuy nhiên, chúng ta thấy có nhiều hạn chế chưa khắc phục được là có những kẻ, những Sư giả đã lợi dụng lòng tốt của nhiều người để quyên tiền cúng dườngchi tiêu tiền này không đúng mục tiêu từ thiện.

 

          Việc phổ biến giáo lý của Đức Phật đã truyền bá khắp năm Châu một cách nhanh chóng qua Internet. Ngày xưa, giáo lý của Đức Phật lịch sử đã truyền bá một cách chậm chạp, Phật giáo đã mất 500 năm để truyền bá từ Ấn độ sang Trung Hoa. Thật vậy, các công nghệ thông tin hiện đại đã và đang tạo nên rất nhiều cơ hội để truyền bá Phật Pháp một cách dễ dàng.

 

                        2.- Giáo dục Phật giáo điện tử:

 

                       Việc giáo dục triết lý Phật giáo cũng như việc giáo dục các lãnh vực khác đều có thể sử dụng việc học điện tử (E-learning/ Electronic learning), đây là một hình thức học tập mới rất ích lợi cho mọi người. Nhiều thắc mắc, nhu cầu hiểu biết về một điều gì, chúng ta còn có thể “tra Google”, cũng như vậy, Phật giáo không là ngoại lệ.

 

                      Như đã biết có nhiều vị Sư, chùa chiền lập nên các website cho chính mình để phổ biến Phật họcPhật giáo. Thí dụ như Thượng Toạ Pannyavaro  là một tu sĩ Phật giáo Tây phương đã từ Thiền Viện ở Miến điện đi về Sydney, Úc-đại-lợi, thành lậpBuddha Dharma Education Association” vào năm 1992. Ngài đã thành lập tại Úc-đại-lợi một Website Phật giáo đầu tiên là WWW.buddhanet.net mỗi ngày Website này có khoảng 50,000 lượt vào xem, có rất nhiều độc giả sử dụng Website này không phải là Phật tử.

 

                       Buddhanet chỉ là một trong hàng ngàn Website Phật giáo. Ngày nay, các Website Phật học có số lượng vô số kể ở Mỹ, Úc, Đức, Canada, Pháp, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam . . . với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Trung Hoa, Việt Nam . . .

 

B.-Phật giáo trong thời đại Công nghệ mới:

 

1.-Công nghệ thiền định:

 

                      Năm 2006, Vince Horn(1) và Ryan Oelke(2) đồng sáng lập Hội Buddhist Geeks. Năm 2007, họ đưa Website Buddhist Geeks (Những tìm hiểu Phật giáo) lên Internet. Website này là một tạp chí trực tuyến (online magazine). Họ nhận thấy rằng có rất ít phương tiện truyền thông đem đến một lợi ích cụ thể cho người Tây phương nên họ quyết định tạo một “podcast(3) để giáo dụcphổ biến Phật học một cách cụ thể. Họ đã khám phá ra nhiều chủ đề phổ biến trong việc thực hành Phật giáo (Buddhist practices) với việc thực hành ảo giác (Psychedelic practices).

 

        [Chú thích:

                 (1) -Vincent Horn là một giáo sư Phật học và là một podcaster, đã khám phá ra nhiều chủ đề phổ biến trong việc thực hành Phật giáo và việc thực hành ảo giác.

                 (2)-Ryan Oelke là một nhà tư vấn về tâm lý (counselling psychology) và giảng sư Thiền, ông giúp hành giả tỉnh thức và chữa bệnh tâm lý.]


              (3) Podcast là một hồ sơ âm thanh kỹ thuật số (a digital audio file) có sẳn trên Internet để tải xuống máy tính hoặc thiết bị di động, thường thì ở dạng một loạt bài.]

      

         Vào năm 2010, podcast về Phật học của Vince Horn và Ryan Oelke được tải xuống các máy tính cá nhân trên một triệu lần. Có trên 300 tập hồ sơ đã được đăng lên gồm các cuộc phỏng vấn, các bài Pháp thoại, các luận đề Phật học dành cho các người tham gia vào việc giảng dạy và thực hành Phật giáo hiện đại. Các đề tài này thường bao gồm những khám phá về những tương quan bề mặt (interface) giữa Phật giáo và các ngành của khoa học hiện đại chẳng hạn như thần kinh học (neurology) hoặc lý thuyết về trò chơi trên Video (Video game theory). Thêm vào đó, Website này còn đăng nhiều phản ánh về các đề tài như Phật tử dùng các phương tiện truyền thông như Facebook và Twitter, sự lớn mạnh của văn hoá Phật giáo toàn cầu, phát triển tâm thần và các trò chơi Video điện tử (Video game) như là một trải nghiệm thiền định (contemplative experience).

              

                Vincent Horn đã nhận xét rằng với đà phát triển của khoa học thiền định (contemplative science), các công nghệ thiền định (contemplative technologies) hiện đại đang làm khuôn mẫu định hướng tương lai cho Phật giáo trong thời đại Internet và thời đại công nghệ mới.

 

            Khoa học thiền định (contemplative Science) đã kết hợp sự nghiên cứu về chánh niệm (mindfulness) và lòng từ bi (compassionate) với sự nghiên cứu mới nhất trong lãnh vực tâm lý trị liệu (psycho-therapy) và thần kinh học (neuro-science). Những phát triển sáng tạo trong lãnh vực này đang vượt ra ngoài những cố gắng ban đầu trong việc kiểm tra một cách khoa học những hiệu quả của thiền định (the effects of meditation) thông qua một phương pháp phân tích khoa học của Tây phương. Gần đây, các nhà nghiên cứu Tây phương đang xem xét với một quan điểm rộng lớn hơn về thiền định, bao gồm cả nền tảng triết họckhoa học của “thiền định” bắt nguồn từ một thế giới quan Phật giáo (Buddhist Worldview).

                Trạng thái thiền định (contemplative state) có thể được trau dồi và tiếp cận thông qua nhiều việc thực hành bắt nguồn từ những thế giới quan của các tôn giáo khác nhau. Vì vậy, sự phát triển trong lãnh vựckhoa học thiền định” cũng sẽ được phong phú hơn nhờ sự nghiên cứu về những trạng thái thiền định (contemplative states) thông qua sự nghiên cứutính cách lịch sử và liên tôn giáo ( an inter-religious and historical study).

            Vincent Horn đã viết:

                  ``Khi lãnh vực của khoa học thiền định (contemplative Science) tiếp tục phát triển và khi sự hiểu biết của chúng ta càng ngày càng gia tăng về lãnh vực sinh học của thiền định hội tụ với ``phần cứng`` của thế hệ tiếp theo –các dụng cụ như các tai nghe thực tế-ảo, các máy tính mang được, các tai nghe EEG(1) có lực mạnh mẽ và các thiết bị có dòng điện trực tiếp kích thích não bộ được chuẩn bị để thấy sự xuất hiện của các công nghệ có thể thực sự tăng cường khả năng thiền định của chúng ta. Một số nguyên mẫu ban đầu và các thành phẩm trong lãnh vực này chỉ ra các khả năng to lớn, gồm có một ứng dụng gọi là  Calm(2)  sử dụng phản hồi thần kinh dưới dạng của các điểm nhìn thấy đặc biệt và các âm thanh để giúp bạn tiến về trạng thái được lập trình vào ứng dụng tương ứng với trải nghiệm bình yên``

 

        ( " As the field of contemplative science continues to develop and as our increasing understanding of the biology of contemplation converges with next-genegration hardware - tools such as virtual-reality headsets, wearable computers, increasing powerful EEG(1) headsets and direct-current brain stimulation devices- be prepared to see the emergence  of technologies that can actually enhance our ability to meditate. Several early prototypes and finished products in this field point to enormous possibilities, including an app called "Calm"(2) that use neurofeedback in the form of particular sights and sounds to help move you toward the state programmed into app that corresponds with a calm experience.”)
 (Vincent Horn, Buddhism in the Internet Age, from Inquiring Mind, VoI. 31, #2 (Spring 2015).   Source: Internet )

 

   [ Chú thích:
             (1) EEG (Electro-Encephalo –Gram) là máy đo của các làn sóng não bộ. Đây là một bài kiểm tra (test) đã có sẵn, nó có thể cung cấp bằng chứng về việc hoạt động của não bộ theo thời gian. Các máy EEG được sử dụng để đánh giá sự rối loạn của não bộ (the evaluation of brain disorders). Máy EEG thường dùng nhất để hiển thị các loạivị trí của các hoạt động của não bộ trong lúc có cơn động kinh.

            (2) Calm là một ứng dụng dựa trên Web (Web-based) và điện thoại thông minh dành cho Apple iOS (9.0 +) như là một dụng cụ hổ trợ cho khoa tâm lý trị liệu (psycho-therapy).
                  Calm là một ứng dụng hàng đầu dành cho thiền định và giấc ngủ đã giúp hàng triệu người đạt được trải nghiệm bớt căng thẳng hơn và ít lo lắng hơn. Calm được thiết kế như là một ứng dụng thiền định (meditation App) để giúp cho bạn kết hợp thiền định với cuộc sống hằng ngày.]

 

          Nhà triết học Phật giáo nỗi tiếng B. Allan Wallace, đã thọ giới Tỳ Kheo cách đây 14 năm dưới sự chứng giám của H. H. the Dalai Lama,  trong quyển sách `Contemplative Science: Where Buddhism and Neuroscience Converge`` đã tái khẳng định sức mạnh của thiền Shamatha(1) và thiền Vipashyana(2), đây là hai thiền định truyền thống của Phật giáo, để làm rõ tâm trí trong thế giới. Ông đã đưa ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của con người, ý chí tự do, và kinh nghiệm đối với giáo điều, Wallace đã thách thức tuyên bố rằng ý thức không có gì khác hơn là một tài sản mới nổi của bộ não với có ít liên quan đến những sự kiện phổ quát. Hơn thế nữa, ông còn khẳng định rằng người quan sátcần thiết để đo lường các hệ thống lượng tử và rằng các hiện tượng tinh thần (tuy đã được hình thành) ảnh hưởng đến chức nănghành vi của bộ não.``

     (Alan Wallace reasserts the power of Shamatha and Vipashyana, traditional Buddhist meditations, to clarify the mind’s role in the natural world. Raising profound questions about human nature, free will, and experience versus dogma, Wallace challenges the claim that consciousness is nothing more than an emergent property of the brain with little relation to universal events. Rather, he maintains that the observer is essential to measuring quantum systems and that mental phenomena (however conceived) influence brain function and behavior.)


     (Source: Internet)

 

[Chú thích:

 

(1)           Thiền Samatha (Srt=Pali, HV. Thiền An chỉ) là sự tập trung tư tưởng (=định, Srt. Samadhi,Av. Concentration) vào một đối tượng nào đó như cầu nguyện, tụng kinh . . . hay hơi thở để từ tình trạng tập trung này những chướng ngại tinh thần như đam mê, hoang mang, bất ổn được lắng dịu hoặc biến mất để giúp cho tâm thần trở nên an tĩnh (calming the mind, mind calmness),

            Thiền Samatha sử dụng một kỹ thuật phổ biến nhất để làm dịu tâm tríđếm hơi thở (counting breaths). Hành giả tập trung vào, hoặc theo dõi, hơi thở của họ rồi đếm từ một đến năm hoặc từ một đến mười; rồi bắt đầu lại từ một đến năm hoặc từ một đến mười. Không nên đếm quá số mười. Cứ làm như vậy nhiều lần, hành giả sẽ làm lắng dịu tâm trí và cũng cải thiện sự tập trung tư tưởng nữa. Tình trạng lắng dịu có thể tạm thời xử lý được sự căng thẳng hay cho một mục đích khác. Có thể dùng cách đếm hơi thở để đưa vào giấc ngủ nếu ngủ không được. Có một sự liên hệ trái chiều giữa hơi thởtâm trí: khi tập trung vào hay theo dõi hơi thở, hơi thở điều hoà thì tâm trí thanh thản; khi tâm trí bận bịu suy nghĩ, lo âu thì hơi thở giảm tốc độ.

     
(2) Thiền Vipassana (Pa., Srt. Vipashyna, VH. Thiền Minh Sát, Av. Insight, clear seeing) là nhìn thấy một cách sâu sắc sự việc đúng như là bản chất của nó (insight into the true nature of reality).

           Theo truyền thống Theravada/ Thượng Tọa Bộ, thiền Vipassana giúp hành giả nhìn thấy một cách sâu sắc sự thật hiện hữu của mọi hiện tượng vật chấttinh thần, tức là 3 dấu hiệu của hiện hữu (three marks of existence) hay Tam Pháp Ấn: Vô thường (Pa. Anicca, Av. Impernance), Khổ hay các điều không được hài lòng (Pa.Dukkha, Av.  Suffering or Unsatisfactoriness), Vô ngã (Pa. Anatta, Av. Non-self).

        Theo truyền thống Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa, thiền Vipassana giúp hành giả nhìn thấy tánh không (Sunyata, Av. Emptiness) và Phật tánh (Buddha nature) của sự vật.

 

      Thiền định càng ngày càng trở nên chủ đạo và được chấp nhận tại các nơi làm việc, và trong trường học, thiền định giúp cả nhà giáo dục và sinh viên. (Meditation is becoming more mainstream and acceptable in the worforce and in schools, helping both educators and students.- Source: Internet, Feb 2019).

 

             Nói tóm, với sự phát triển của các công nghệ thiền định, thiền học tu tập sẽ có nhiều biến đổi trong thời đại Internet và thời đại công nghệ mới.

 

             2.-Robot nhà sư:

 

                         Vào tháng 2 năm 2019, vị Sư trụ trì Tensho Goto và các vị sư khác ở ngôi chùa cổ Kodaiji, có 400 năm tuổi, ở cố đô Kyoto, đã hoan hỉ tiếp nhậnRobot nhà sư”  đặt tên là Mindar, Robot này được thiết kế và tạo thành bởi một đội ngũ dưới sự lãnh đạo của Hiroshi Ishiguro; ông là một  khoa học gia nỗi tiếng về Robot và là Giáo sư môn Robot thông minh (intelligent robotics) tại Đại học Osaka.

 

                        Robot nhà sư cao 1m 95, nặng gần 60 kg, làm bằng thép không rỉ sét, được thiết kế theo hình mẫu của “Quán Thế Âm Bồ-tát” ( Phật giáo Nhật bản gọi là Kannon Bodhisattva). Robot nhà sư được lập trình để tụng đọc các kinh điển Phật giáo từ đoạn này đến đoạn khác với một giọng nói bình thường mà không biết mệt mõi; Robot nhà sư còn thuyết giảng đạo đức Phật giáo: phê phán tánh tham, sân và si của chúng sanh. Thực ra chính Robot nhà sư cũng không có tham, sân si, chắc chắn cũng không có libido (đòi hỏi dục tính) vì Robot nhà sư không có giới tính.

 

                        Tháng 8 năm 2019, hãng thông tấn Pháp AFP có đến viếng ngôi chùa Kodaiji, và phỏng vấn vị Sư trụ trì Tensho Goto. Ngài đã giải thích nhiều điều như sau:

                             -Việc chế tạo Robot nhà sư để đọc kinh, để giảng Phật Pháp là điều phù hợp với triết lý Phật giáo để làm giảm bớt nỗi khổ đau của cuộc đời. Những kiến thức được lưu trử trong Robot nhà sư – Mindar sẽ giải đáp những thắc mắc cho mọi người để vượt qua những đau khổ và những bấn loạn tinh thần. Với sự phát triển công nghệ thông tin nhân tạo, Robot nhà sư đang và sẽ được lập trình thêm nhiều kinh điển Phật giáo và những kiến thức Phật học rất nhanh chóng, thu thập vô số thông tin nữa và có một trí nhớ bền vững. Robot này có thể tiếp xúc được nhiều người hơn vị Sư người thường mà không biết mệt mõi.

                              -Đối với giới trẻ, Robot-Mindar đã cố gắng đem lại niềm tin tôn giáoNhật Bản. Nhật bản hiện là một quốc gia mà sự liên kết tôn giáo (religious affiliatiom) đang suy giảm.

 

                              -Robot Mindar sẽ không chết như một nhà sư người thường, sẽ được tiếp tục cập nhật hoá và biến đổi trong tương lai. Hoà Thượng còn nói thêm rằng trong tương lai với sự sử dụngtrí thông minh nhân tạo” (AI = Artificial Intelligence) chúng tôi hy vọng Robot sẽ phát triển trí tuệ để giúp mọi người vượt qua những rắc rối khó khăn của cuộc đời.

                            -Đạo Phật quan niệm chúng sanh nào cũng có Phật tính, chúng sanh nào cũng có khả năng giác ngộ. Cho nên Phật tử có thể chấp nhận sự hướng dẫn tâm linh đến từ công nghệ.

                              -Robot nhà sư – Mindar  đã được lập trình để thuyết giảng Bát-nhã Tâm Kinh trong vòng 25 phút. Robot  có cử động mặt, tay chân để mô tả bằng “ngôn ngữ của thân xác” trong lúc thuyết giảng chẳng khác nào một Giảng sư người thật.

 

                          

 

Tuy nhiên cũng có những phản hồi tiêu cực như sau:
                          
-Người Tây phương thì không thích Robot Mindar, nhưng người Nhật thì thích; có lẽ vì người Nhật quen dùng Robot trong các lãnh vực khác.
-Robot-Mindar quá tốn kém: chi phí lên tới một triệu US dollars vào năm 2019.

- Nghe Robot nhà sư giảng bài Kinh không được thoải máicảm thấy có vẻ máy móc.

 

Trong tương lai, chắc chắn Phật giáo sẽ có nhiều biến đổi trước sự sản xuất hàng loạt Robot-Quán Thế Âm Bồ-tát-Mindar.

             

Robot nhà sư – Mindar không chỉ là một Robot phổ biến ở Nhật mà người Nhật còn tạo ra Robot nhà sư – Pepper nữa. Tháng 8 năm 2017,  Robot nhà sư Pepper được lập trình để tụng các kinh điển Phật giáo và gỏ chuông mõ tại các đám tang theo truyền thống Phật giáo Nhật Bản như là một nhà Sư người thật.

 

                                       

 

Robot Pepper được sản xuất rất nhiều bởi hảng Nissei Eco để cho mướn và được sử dụng như là một nhà Sư người thật tại tang lễ Phật giáo. Công ty Nissei Eco đã viết trình lập cho Robot Pepper, Robot này được công ty “Soft Bank Group Corp.giới thiệu vào năm 2014. Công ty Nissei Eco đã bán trên 10 ngàn Robot Pepper.

                    Việc mướn Robot nhà sư Pepper đã cắt giảm tổn phí cho tang lễ rất nhiều. Giá mướn Robot Pepper thì giảm đáng kể so với việc cúng dường cho một nhà Sư người thật trong buổi tang lễ. Sự chết, tiếp theo là tang lễ là một ý nghĩa tôn giáo, và các nhà sư Phật giáo chiếm một vai trò quan trọng trong buổi tang lể, nên Robot nhà Sư Pepper được mướn để hành lễ.

 

                     Công nghệ mới (new technologies) và sự ra đời của trí thông minh nhân tạo (AI = Artificial Intelligence) đã cải thiện năng suất và chất lượng của sản phẩm, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới và dịch vụ mới. Do đó, công nghệ mới và trí thông minh nhân tạo đã thay đổi thị trường nhân công ở nhiều ngành nghề, bây giờ lại đến công việc của các nhà Sư người thật nữa.

                                                  *

                                      -                        -

Chúng ta còn thấy có nhiều Robot tôn giáo khác nữa như:

-Năm 2015, Tu viện Long Quan (Long Quan Monastery) ở Bắc Kinh do Sư Học Thành làm trụ trì, đã lắp ráp một “Robot nhà sư Hiền Thị (Xian’er). Robot này có thể đọc tụng các câu thần chú Phật giáo (Buddhist mantras) và hướng dẫn mọi người về những vấn đề đức tin Phật giáo.

-Các “Robot tu sĩ” cũng đã được tạo thành ở các tôn giáo khác như:

-Năm 2017, người Ấn độ đã đưa ra một “Robot tu sĩ” để thực hiện nghi lễ AARTI  của Ấn độ giáo (Hindu AARTI Ritual), Robot này di chuyển vòng vòng một cách nhẹ nhàng trước một vị thần linh.

- Cùng năm này (2017), Nhà Thờ Tin  lành (Protestant Church) ở Hesse và Nassau tại Đức đã tạo ra một Robot tu sĩ (Robot Priest) đặt tên là Bless U2 để kỷ niệm 500 năm cải cách của đạo Tin Lành (Protestant Reformation). Robot này cao 1.8 mét có màn hình cảm ứng ở ngực, hai cánh tay, con ngươi, lông mày đều có thể di chuyển được. Robot nói được 5 ngôn ngữ khác nhau bằng giọng nói của người đàn ông hay phụ nữ. Robot được lập trình để ban phước lành cho trên 10 ngàn người khách đến viếng cuộc triển lảm.
Robot Bless U-2 được coi như là một cuộc thử nghiệm để truyền cảm hứng cho cuộc thảo luận về tương lai của Giáo Hội (The Church) trong thế giới được số hoá (digitalized world). Vấn đề được đặt ra là ý nghĩa của sự ban phước lành là gì ? và ai có thể ban phước lành cho tín hữu? Thiên Chuá (God) có thể ban phước lành thông qua công nghệ hay không?

-Tháng 9 năm 2017, Anthony Levandowski, một kỹ sư ở thung lủng Silicon (Silicon Valley) ở California, USA, đã thành lập một nhà thờ đầu tiên về trí tuệ nhân tạo ( the first Church of Artificial Intelligence) được gọi là “Way of the Future” (Đạo của Tương lai). Tôn giáo mới của A. Levandowski được dành riêng cho “nhận thức, chấp nhận và tôn thờ một vị thần dựa trên AI (Artificial Intelligence) được phát triển thông qua phần cứng và phần mền của máy tính” (“the realization, acceptance, and workship of a Godhead based on Artificial Intelligence (AI) developed through computer hardware and software).

-Tháng 6 năm 2018, Gabriele Travato, kỷ sư chuyên về Robot, đã tạo ra Robot SanTO (chữ tắt của Sanctied Theomorphic Operator = máy điều hànhhình dáng thần thánh). Robot này cao 17 inches (= 43.18 centimetre) có hình dáng gợi nhớ tới các bức tượng của các vị Thánh Thiên Chúa Giáo (Catholic Saints). Robot SanTo có thể đối đáp để giảng Thánh Kinh. Theo Gabrielle Travato thì Robot SanTO được thiết kế để cung cấp dịch vụ tâm linh cho các vị cao niên mà khả năng di chuyểntiếp xúc với xã hội có thể bị hạn chế.

 

Kết luận về Robot tôn giáo (religious Robot):

 

Robot, nói chung, là một sự sáng tạo cho con người, Robot đã cung cấp nhiều sự hổ trợ vô giá, giúp làm việc nơi nguy hiểm thay thế con người, làm nhanh chóng và hoàn thiện các sản phẩm. Robot cũng hổ trợ những khả năng mới giúp cho một nhóm người, thí dụ như những người có cơ thể bị hạn chế bởi tuổi tác, bị khuyết tật hay bịnh hoạn.
Theo Gabriele Trovato thì “Tôn giáo đã diễn biến qua dòng lịch sử từ truyền thống truyền khẩu đến truyền thống viết ra văn bản đến báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy, thật là điều hợp lý khi nghĩ rằng AI (Trí thông minh nhân tạo) và Robot sẽ giúp tôn giáo truyền bá lan rộng hơn.”
     [“Religion has evolved through history, from oral tradition to written tradition to press and mass media. So, it’s reasonable to think that AI and Robotics will help religion to spread out more.”]

 

    AI sẽ tạo ra một sự thay đổi thực sự trong thần học (theology) và trong đời sống đạo đức (ethics) của chúng ta.

 

     Trong bài “Cánh Diều”, NKP đã viết: “Văn minh con người tranh quyền  với tạo hóa” .

     Robot tôn giáo có thể được lập trình để thực hiện các nghi lễtính cách thế tục. Tuy nhiên, có nhiều sanh hoạt tôn giáoý nghĩa tâm linh mà Robot tôn giáo không thể nào đem đến được từ những lời giảng đơn giản và máy móc của công nghệ được. Hơn nữa, Robot tôn giáo không thể nào thay thế được cuộc diện kiến mặt-đối- mặt giữa tín đồ và vị thầy tu người thật. Tôn giáotâm linh luôn luôn được truyền đạt bằng những giao cảm tinh thần. Robot tôn giáo chỉ là một phương tiện khác được thúc đẩy bởi công nghệ mới và trí thông minh nhân tạo, những gì Robot học hỏi được thì có tính cách máy móc và tự động vô cảm.

 

      Với sự dè dặt, chúng ta có thể nói rằng thật là quá sớm để có thể có một kết luận chính xác về vai trò của Robot tôn giáo. Có lẽ còn đòi hỏi nhiều thời gian nữa để xem con người chế tạo Robot tôn giáo như thế nào? Robot tu sĩ hổ trợ tôn giáo truyền thốngý nghĩa như thế nào? Và Robot tu sĩ sẽ đưa con người đến những trải nghiệm tôn giáo mới như thế nào?  

       

C.- Kết luận về Phật giáo trong thời đại Internet và thời đại Công nghệ mới:

Internet đã và đang làm đổi mới Phật giáo toàn cầu bằng nhiều cách, đó là những điều lưu tâm đặc biệt của giới trẻ. Như đã nói, các tổ chức Phật giáo, các Hội đoàn Phật giáo, chùa chiền, Tăng Ni, giảng sư ở năm Châu đều thiết lập các Websites, nhờ đó các Phật tử và các nhà nghiên cứu Phật học có thể trau dồi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, trau dồi đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.

Trong thời đại Internet và Công nghệ mới, các công nghệ thông tin phát triển quá nhanh chóng và đã ảnh hưởng trên nhiều lãnh vực, Phật giáo thì không phải là ngoại lệ. Như vậy, Phật giáo phải thay đổi để thích ứng với những đổi thay đó.

 

Toronto, 07 tháng 01 năm 2020.

Sửa chửa và bổ xung, 21 tháng 03 năm 2020    


Nguyễn Vĩnh Thượng
       

                          Tài liệu tham khảo chính yếu:

- B. Alan Wallace (Author), Brian Hodel (Contributer), Contemplative Science: Where Buddhism and Neuroscience  Converge, USA: Columbia University Press, 2011. 

-Brendan Ozawa-de Silva, Contemplative Science and Secular Ethics, USA: Academics Editors: Glen A. Hayes and Sthaneshwar Timalsima, 2016. Source: Internet.

 -Michael Moyer, What is the Future of Knowledge in the Internet age, Nov. 2011. Source: Internet.

 -Sam Gustin, “The Internet doesn’t hurt people – People do: the new Digital Age”, Time, April 2013. Source: Internet.

 -Sean Healey, Buddhism on the Internet, in Conscious Living Magazine, issue # 38, April 1997. Source: Internet.

  -Sigal Samuel, Article: Robot priests can bless you, advise you,and even perform your funeral, Washington, D.C & New York City: Vox Media, Sept. 2019. Source: Internet.

 -Ven. Pannyavaro, E-learning Buddhism on the Internet, Colombo (Sri Lanka) July 2002,  Australia: Buddha.net.

 -Vincent Horn, Buddhism in the Internet Age, in Inquiring Mind, Vol. 31, #2 (Spring 2015). Source: Internet.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/10/2018(Xem: 4110)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.