Giáo dục - đề tài muôn thuở của nhân loại

15/09/20201:00 SA(Xem: 2761)
Giáo dục - đề tài muôn thuở của nhân loại
GIÁO DỤC - ĐỀ TÀI MUÔN THUỞ CỦA NHÂN LOẠI
Nam Phương (Nghiêm Thuỷ)

     Trong mỗi đất nước, trong mỗi nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới từ rất xa xưa đã hình thành sẵn những nền nếp đạo đứccon người khi bắt đầu hiện diện trên trái đất đều tuân thủ những luật lệ không thành văn ấy một cách tự nhiên, tự giác. Bởi trong cộng đồng xã hội sơ khai còn ít ỏi, con người chưa cần đến pháp luật hay nhà tù. Theo như quan điểm của Thầy Mạnh Tử : Nhân chi sơ tính bổn thiện, thì con người khi mới có mặt trên cuộc đời đều giống nhau ở bản chất hiền thiện.

      Trong kinh Khởi thế nhân bổn, Đức Phật nói đến tiến trình diễn biến sơ khai của con người qua rất nhiều giai đoạn, qua rất nhiều cảnh giới, rất nhiều nơi chốn mà con người thác sanh vào đó. Để rồi trong quá trình luân chuyển tất cả đều không thể đứng ngoài định luật vô thường thành trụ hoại không chi phối. Điều này đã dẫn đến những biến thiên, thay đổi không ngừng nghỉ từ vật chất đến tinh thần, đến tâm tư suy nghĩ và cả môi trường sống của con người, tạo nên nhiều thời kỳ thịnh vượng, suy vi, an hoà hay bất ổn khác nhau đều do nơi tâm thức của con người nên Đức Phật mới nói Vạn pháp duy tâm.

        Chính vì lẽ đó Đức Phật đã dùng đến Pháp là những điều lành việc thiện để định mức giá trị nơi mỗi cá nhân khi biết kiểm soát tâm thức, thực hành những pháp lành nghiêm túc sẽ có đời sống yên bình, với tư cách đạo đức cao thượng đáng tôn kính mà không phải lệ thuộc vào giai cấp hay dòng tộc. Do vậy có thể gọi Đức Phậtnhà giáo dục vĩ đại nhất vì đã sử dụng pháp học để giáo huấn con người từ rất sớm, để giúp cho xã hội có môi trường sống tốt đẹp an lành bình đẳng bằng phương pháp thực hành loại trừ tham ái sân si.

      Quả thật vậy, giáo dục là điều vô cùng quan trọng và cần thiết khi thế giới phát triển, dân số phát triển và nhất là hiện nay đang ở vào thời kỳ khoa học cực kỳ phát triển càng rất cần đến một nền giáo dục đạo đức đi kèm để cân bằng tâm thức cũng như cuộc sống con người. Khoa học, vật chất phát triển là điều đáng vui mừng cho nhân loại nhưng lại tỷ lệ nghịch với phần tinh thần đạo đức đã khiến nhà khoa học lừng danh Albert Einstein của thế kỷ trước phải lo ngại : “Tôi sợ rằng một ngày kia khi khoa học tiến bộ vượt bực sẽ làm ảnh hưởng đến mối tương quan giữa những con người với nhau. Thế giới sẽ nhận lãnh một thế hệ ngốc nghếch” (I fear the day that technology will surpass our human interaction. The world will have a generation of idiots)

       Điều lo ngại của nhà khoa học rất đáng được quan tâm và không phải là vô căn cứ khi hiện nay con người đang sống rất vội vàng máy móc, ích kỷ và vô cảm. Nhà tù ở khắp nơi trên thế giới luôn đầy chật người cho dù luật pháp có chặt chẽ nghiêm khắc đến đâu vẫn không ngăn ngừa được lòng tham sân chấp ngã nơi con người. Vì vậy một môi trường sống tốt lành, một xã hội tử tế đạo đức là những gì cần thiết sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người, bất kể là đang sống ở quốc gia nào, có chỉ số GDP cao hay thấp. Có thể thấy đất nưóc Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới chỉ vì họ sống với thiên nhiên giản dị hài hòa, không tiếp xúc nhiều với những khoa học tân tiến và hơn thế nữa hạnh phúc là những gì họ cảm nhận được chính từ nơi tâm thức của họ mà không nhất thiết cần đến sự đáp ứng quá nhiều về vật chất.

     Nhật bản là đất nước tiến bộ về khoa học nhưng cũng có nền giáo dục đặc biệt khi thành ngữ phổ biến “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”, là châm ngôn răn dạy con người sống có giá trị khi biết khiêm cung cúi đầu. Vì vậy nước Nhật hay người dân Nhật đều được cả thế giới khâm phục vì lối sống và cách xử thế của họ. Việt Nam của chúng ta ngày trước cũng có văn hóa “Đi nhẹ nói khẽ”, luôn thể hiện tư cách lịch sự nhẹ nhàng không ồn ào vì trong chương trình giáo dục hằng tuần đều có các môn học về đức dục, công dân giáo dục. Học sinh phải học thuộc lòng những bài thơ văn trong tập Quốc văn giáo khoa thư làm tiêu biểu về những đức hạnh tốt, những bài học làm người đạo đức, xây dựng nên những con người lịch lãm, hiền hòa.

    Sự khiêm tốn, biết lắng nghe, dễ dạy bảo phải được giáo dục từ những năm tháng đầu đời, vì vậy ngay trong gia đình phải có môi trường tốt, cha mẹ phải là tấm gương là vị thầy đầu tiên, sau đó mới đến học đường, xã hội. Cây cảnh muốn đẹp phải uốn nắn, thú nuôi muốn ngoan phải dạy dỗ thì con người cũng vậy, để có một thế hệ công dân tốt, một môi trường xã hội lành mạnh cần phải có nền giáo dục nghiêm túc, đạo đức.

    Ngày nay khoa học tiến bộ đến nỗi có thể tạo ra con người từ trong ống nghiệm,  khiến cả thế giới kinh hoàng khi nghĩ đến những hậu quả khủng khiếp của những chúng sinh không có cha mẹ, nguồn gốc chắc chắn sẽ trở thành những bộ máy vô cùng nguy hiểm. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều hiện nay rất nhiều chúng sinh cũng đang được sinh ra trong những gia đình không có gia đình, những trẻ em mồ côi nhiều vô sốđau lòng hơn còn có những chúng sinh bé nhỏ vừa lọt lòng mẹ đã bị đem vất bỏ. Con người thật sự dửng dưng vô cảm với những việc làm không thể tưởng tượng được hằng ngày vẫn tiếp diễn xảy ra.

    Vì vậy giáo dục lối sống đạo đức là điều vô cùng cần thiết mà tự ngàn xưa các bậc thánh hiền như Lão Tử, Khổng Tử… đều muốn đem truyền dạy cho con người. Lão Tử đề cao lối sống an nhiên, không bon chen danh lợi, hoàn toàn đối ngược lại với cuộc sống vật chất vội vàng hối hả ở phương tây, cho nên đến hôm nay cách sống tự tại chậm rãi này đang là khuynh hướng được nhiều người mến chuộng.

    Với Khổng tử, quan niệm sống tích cực hơn, nên đã cùng với các môn đệ bỏ gần hết cuộc đời đi khắp nơi để rao giảng đạo lý. Khổng Tử khuyên dạy con người phải luôn có kiến thức, phải học để ra làm quan giúp đời, khi làm quan có thời giờ phải học hỏi thêm, đến lúc tuổi già cáo quan vẫn phải học, học mãi là tinh thần cầu tiến không ngưng nghỉ của đạo Nho. Bởi vì Nho giáo cũng xem việc giáo dục, việc học là trọng với những câu nói như:

Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi nọa.

        Nuôi con không dạy lỗi tại người cha. Giáo dục không nghiêm lỗi tại người thầy. Nhân lễ, nghĩa, trí, tín hay Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ…. đều là những cách giáo dục đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội. Ngoài ra Khổng Tử cũng phân chia thiên hạ thành ba hạng người

           1/ Hạng người sinh ra đời đã tự hiểu biết không cần dạy dỗ, là những bậc đại trí, thông minh.

           2/ Hạng người cần phải dạy mới biết, là những con người bình thường.

          3/ Hạng người thứ ba cho dù có dạy dỗ cũng vẫn không biết, đó là những kẻ thiểu trí.

     Tuy nhiên theo Đức Phật, chỉ trừ những người mất trí, bị bệnh tật về tâm thần không tư duy được, phần còn lại tất cả mọi người bình thường đều có thể học hỏi, suy nghĩ để tự thay đổi nhận thức của mình bằng sự quán chiếu tu tập, để có một tâm thức hoàn toàn mới, hiểu biếtsáng suốt hơn trong mọi vấn đề. Đó là sự chuyển hóa tâm thức và tùy vào mức độ nhận thức của mỗi cá nhân mà có thể thay đổi cả cuộc đời, có thể hóa giải những phiền não để có đời sống an vui. Với câu nói nôm na “Bỏ đồ đao xuống lập địa thành Phật” cho mọi người những tia hy vọng mà ai cũng có thể làm được.

     Bởi vậy trong Đạo Phật có chữ tu là sửa để nhắc nhở con người ở bất cứ tuổi nào cũng phải học hỏi để chỉnh sửa thân khẩu ý, sống theo lẽ đạo trong sạch. Đức Phật tuy là bậc đại trí, Ngài vẫn thăm hỏi đến những người nông dân việc cày cấy thế nào để cho thu hoạch tốt, hỏi người giữ ngựa cách thuần hóa ngựa ra sao và hỏi cả những đứa bé chăn trâu về cách chăn giữ trâu thế nào. Việc học hỏi tu sửa thân tâmviệc làm cả đời vì học làm người có tư cách đạo đức phải được huân tập lâu dài. Mỗi lần có vị tỳ kheo đi hoằng hóa xa về thăm, Đức Phật thường hỏi câu : “Các thầy có khoẻ không? Có được an vui chăng? Chúng sanh có dễ độ chăng ?” Bởi Đức Phật hiểu rằng việc giáo dục tiếp độ chúng sanh không phải là điều dễ dàng.

    Chính vì vậy vấn đề giáo dụcvấn đề hệ trọng phải được đưa lên hàng quốc sách và hơn thế nữa giáo dục không thể tính bằng tiền do vậy hoàn toàn miễn phí là điều nên làm, như ở đất nước Bhutan người dân được miễn phí hoàn toàn cả về giáo dục và y tế. Ngoài ra giáo dục không phải chỉ chuyên chú về những kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển đất nước về mặt vật chất thôi thì chưa đủ, mà còn phải giáo dục con người để có môi trường sống hữu ích, lành mạnh từ gia đình đến xã hội cộng đồng trên căn bản đạo đức mới là điều quan trọng để có được những người công dân ưu tú tài năngđức độ, vì đó là tương lai của cả một dân tộc. Sự thật một con người hiểu biết có nhân cách vẫn giá trị hơn một người giàu sang nhiều danh vọng mà thiếu đạo đức.

      Trong trận đại dịch Covid-19 khủng khiếp toàn cầu chưa từng có như hiện nay đã cho con người nhiều bài học vô giá bị lãng quên đó là sự vô thường, về cái chết cận kề không báo trướcĐức Phật thường nhắc nhở, cùng những nỗi đau tinh thần về sinh ly tử biệt không ai muốn đối diện. Nhưng tất cả đều là sự thật hiển nhiên, để thấy đời người quả thật ngắn ngủi, mọi thứ vật chất giàu sang hoàn toàn vô nghĩa trước cái chết và sự mong manh vô thường. Nguyện cầu thế giới sớm được bình yên, mọi người sẽ vơi bớt khổ đau khi nhận rõ giá trị sâu xa từ lời dạy ngàn xưa của Đức Phật.

  

California. Tháng 9-2020

Nam Phương (Nghiêm Thuỷ)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.