Một câu chuyện khác ở tận bên Tàu cũng tương tợ như câu chuyện Sư tử Kiên Thệ của Ấn Độ. Đó là chuyện Nhạc Phi bị Tần Cố hãm hại.
Vì muốn cho xã hội ổn định mà các nhà Nho bên Tàu ra sức giáo dục nhân dân bằng Tam Cang, Ngũ Thường , trong đó có những câu rất cực đoan như :
Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung
Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu
Cũng vì xuất thân từ Nho giáo nên Nhạc Phi, tuy làm đến chức nguyên soái mà vẫn bị chết oan uổng, để lại muôn vàn bất bình tiếc nuối cho đời sau.
Chuyện kể rằng : Nhạc Phi là tướng tài có lòng trung quân ái quốc ; Tần Cối là kẻ bất tài, hèn nhát, tham lam, xu nịnh. Nhạc Phi được vua phong làm nguyên soái thống lĩnh ba quân ra biên ải chống giặc Hung Nô. Trong khi đó, Tần Cối ở trong triều cấu kết với bọn tham quan nịnh thần , dèm xiểm người trung, nhận của đút lót, bán nước cầu vinh… không một tội ác nào không làm. Tần Cối xem Nhạc Phi là “kỳ đà cản mũi” trên bước đường mãi quốc cầu vinh của phe nhóm mình nên nhiều lần mưu hại Nhạc Phi nhưng không thành. Lần này, trong khi Nhạc Phi mải mê đánh giặc nơi biên cương, Tần Cối bèn làm chiếu chỉ giả, sai người ra chiến trận triệu hồi Nhạc Phi về triều rồi thừa cơ bắt trói đem giam trong ngục tối.
Riêng phần Nhạc Phi, vì bị nhồi sọ bởi thuyết “trung quân ái quốc” mù quáng nên dù đã được tướng sĩ dưới trướng khuyên không nên về triều, nhưng Nhạc Phi vẫn không nghe. Khi về đến triều, dù bị Tần Cối giả mạo lệnh vua bắt giam vào ngục tối mà vẫn cam chịu ngồi tù, dù tướng sĩ muốn cứu ra nhưng Nhạc Phi không chịu ra khỏi ngục, để rồi bị Tần Cối đem ra pháp trường xử trảm, uổng phí cả một đời anh hùng (nhưng thiếu trí).
Vì sự trung thành một cách cố chấp của Nhạc Phi mà triều Nhà Tống bị tan tành dưới gót giày xâm lược của quân Hung Nô; biết bao anh hùng nghĩa sĩ phải chết dưới tay quân thù và bọn tham quan nịnh thần mãi quốc cầu vinh được một phen vơ vét no nê.
●●●
Nhân câu chuyện vừa trình bày trên đây, người viết muốn nêu lên một vấn đề có tính thời sự nóng hổi hiện nay: đó là nạn lợi dụng chiếc áo nhà tu trong xã hội ta.
Một : nạn khất thực phi pháp hiện nay đã thành một hình ảnh thường xuyên gây nhức nhối cho người Phật tử mến đạo. Đi trên khắp các nẻo đường đất nước, chúng ta thường thấy bọn thầy tu giả hiệu cũng quấn y phước điền lặng lẽ đi xin tiền ở các chợ hay nơi công cộng đông người. Thật là một hình ảnh gây phản cảm cho nhiều người, nhưng lạ ở chỗ là vẫn có người đến cho tiền, đôi khi còn kính cẩn vái lạy nữa !
Hai : nạn tu sĩ thiệt sống buông thả Đây là hiện tuợng có thật chứ không phải do những người muốn phá đạo Phật dựng lên. Tu sĩ thời nay sao thích lên face book thể hiện “cái ta” quá xá! trong khi đức Phật dạy người tu phải diệt “cái ta” nhỏ bé đi để được cái “đại ngã” thênh thang. Hoặc một số tu sĩ trẻ tự đưa, hoặc do có người lén chụp rồi đưa hình ảnh của các “thầy” lên mạng với nhiều tư thế dung tục khiến cho người có tư cách phải một phen nhăn mặt, còn những Phật tử mến đạo thì hỗ thẹn đến nghẹn ngào.
Ba : tại những nơi tụ tập đông người như : đại nhạc hội, hát kịch, cải lương… thậm chí những nơi quảng bá sản phẩm của giới kinh doanh… cũng không thiếu vắng bóng dáng tu sĩ Phật Giáo hiện diện. Vui gì ở những nơi đó mà quý thầy có mặt, hỡi thầy ? Thầy tổ của thầy ở đâu mà không dạy dỗ, ngăn cản thầy đến những chỗ không đáng đến đó, thưa thầy ?
Trông thầy cười hả hê trước những trò khôi hài lố lăng rẻ tiền trên sân khấu mà người Phật tử bỗng mất niềm tin nơi hàng Tăng bảo. Thầy còn quá trớn khi nhảy lên sân khấu ôm “hun” một ca sĩ nam nữa !
Ấy, vậy mà những tu sĩ như thế vẫn có Phật tử thân cận hộ trì !
Tục ngữ phương Tây có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu “ , nhưng khổ nỗi, nếu không có chiếc áo thì lấy gì để mọi người biết mình là thầy tu ? Do vậy. chiếc áo và thầy tu vẫn là hai thành tố có liên quan mật thiết với nhau. Vấn đề là khi đã mặc chiếc áo thầy tu lên người thì mình phải sống ra sao để xứng đang là một thầy tu chân chính, kẻo không thì người ta bảo mình là tên thợ săn mượn áo thầy tu như trong câu chuyện “Con Sư tử Trọng pháp”
●●●
Đây xin nói về sự cúng dường hộ trì Tăng Bảo của người Phật tử.
Phật dạy : “Hộ trì Tăng Bảo chánh đáng cũng là một cách bảo vệ Chánh Pháp”
Sách “Đức Phật Và Phật Pháp” của HT Narada MahaThéra ghi lại câu chuyện sau đây:
Mùa Hạ thứ mười. Trong lúc Thế Tôn ngự tại Kosambi, một vụ tranh luận xảy ra giữa hai nhóm tỳ khưu. Những người ủng hộ cũng chia làm hai phe. Đức Phật bổn thân đứng ra giàm xếp cũng không xong. Đức Phật suy nghĩ :”Trong tình trạng hiện tại, đám đông người này cố tâm muốn lấn áp nhau khiến cho những ngày an cư kiết hạ của ta trở nên bất ổn. Hơn nữa, chúng tăng ở đây không để ý đến lời dạy của ta. Hay là ta nên rời khỏi đám đông đến ẩn dật trong rừng sâu” Thế Tôn một mình đi vào rừng sâu, mặc cho hai chúng tỳ khưu tiếp tục tranh cãi…(sđd- trang 192)
Theo Kinh tạng Nam truyền kể lại : lúc ấy, những người Phật tử địa phương cúng dường trường Hạ thấy vậy liền thưa với tăng chúng nên dừng cuộc tranh cãi và thỉnh đức Phật trở về, nhưng hai nhóm còn quá hăng say tranh luận nên từ chối lời đề nghị ấy. Những người Phật tử bảo nhau :”Những tỳ khưu này không lo tu hành, cứ hay tranh cãi khiến cho Thế Tôn bỏ đi. Vậy chúng ta không nên cúng dường cho họ nữa !” Hàng mấy trăm tỳ khưu không được cúng dường vật thực, thuốc men liền trong nhiều ngày khiến họ không thể nhịn đói mà tranh cãi. Kết cục, họ phải vào rừng đảnh lễ đức Phật và cung thỉnh Ngài trở về trường hạ. Từ đó, Phật tử mới chịu trở lại cúng dường.
Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy rằng : sự cúng dường hộ trì của Phật tử, nếu được dẫn dắt bởi trí tuệ, nếu được thực hiện đúng lúc, đúng nơi và đúng người… thì có công năng duy trì chánh pháp tại nơi đó.
Đức Thế Tôn không bao giờ xem người cư sĩ Phật tử như là những con chiên (trừu) ngoan đạo, muốn dẫn dắt họ đi đâu cũng được, hoặc biến họ thành những “bầu sữa” không hề cạn để bòn rút chất dinh dưỡng của họ. Đức Phật gọi chung hàng đệ tử của Ngài (tại gia và xuất gia) là TỨ CHÚNG ĐỒNG TU, nghĩa là bình đẳng nhau trước mặt đức Phật; bình đẳng nhau trước nhân quả và tội phước. Nếu người mặc áo thầy tu mà làm điều bất thiện cũng phải trả quả ác như mọi người khác mà thôi. Còn người tuy không mặc áo thầy tu nhưng biết làm điều thiện thì sẽ gặt hái quả lành .
Việc cúng dường hộ trì “chư tăng” mà nếu không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người tức là Phật tử đã mang tội vô tình làm hư “tăng bảo”, tức làm hư đạo Phật vậy. Vì vậy, Phật tử tại gia chúng ta cần tỉnh thức và sáng suốt khi cúng dường “tăng bảo”.
-Đừng cho tiền bọn giả tăng khất thực phi pháp tại các chợ và chỗ đông người vì đó là hành vi khuyến khích bọn lười biếng mượn áo thầy tu để làm nghề xin ăn.
-Không cúng dường cho những tu sĩ phá giới, quăng tiền vào những trò vô bổ như face book, ca nhạc, hát kịch, thích vào những chỗ tụ tập ăn chơi v.v…
Cũng giống như những người Phật tử ở Kosambi, chúng ta hãy sử dụng hạnh bố thí cúng dường như là một phương tiện thù thắng để bảo vệ Chánh Pháp luôn được trường tốn để đời nay không còn bị gọi là đời mạt pháp nữa.
Lệ Tích
(Gia Đình Phật Tử Kiên Giang)