Giáo hội yêu cầu, nhưng liệu sẽ hết 'loạn' dâng sao giải hạn?

17/01/20201:00 SA(Xem: 7619)
Giáo hội yêu cầu, nhưng liệu sẽ hết 'loạn' dâng sao giải hạn?

GIÁO HỘI YÊU CẦU,
NHƯNG LIỆU SẼ HẾT 'LOẠN' DÂNG SAO GIẢI HẠN?
Thiên Điếu - Trọng Nam | Tuổi Trẻ

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không phải lễ dâng sao giải hạn, tránh mê tín dị đoan, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh…

Liệu văn bản này có giúp chấn chỉnh "loạn" dâng sao giải hạn từng khiến xã hội bức xúc nhiều năm gần đây? Tuổi Trẻ đã ghi nhận hoạt động đăng ký cầu an tại một số ngôi chùa "có tiếng" làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở Hà Nội.

Đây là thời điểm không thể muộn hơn để chúng ta chấn chỉnh lại chính pháp, tạo điều kiện cho sự phát triển đạo đức Phật giáo nói riêng, xã hội nói chung.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Nơi "vẫn như mọi năm"

Chùa Quán Sứ - trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - ngày 11-1 vẫn trưng biển thông báo các lịch nghi lễ sắp tới, trong đó có một buổi cúng cầu an đầu năm tại chính điện vào chiều mùng 4 tháng giêng.

Cuối biển thông báo là dòng ghi chú: "Phòng nghi lễ số 105 nhận đăng ký lễ cầu an năm mới Canh Tý, viết sớ tết, bốc bát hương, xem ngày tốt...", kèm theo số điện thoại liên hệ.

Tại phòng nghi lễ, chiều 11-1, vài người đang ngồi đợi lần lượt để được đăng ký cầu an. Một nhà sư ngồi trước máy vi tính đăng ký cho mọi người, bên cạnh nhà sư là hòm công đức, sau khi đăng ký xong cho ai đó thì ông nhận 500.000 đồng và nhét vào hòm công đức.

Trong dòng người đi đăng ký giải hạn, chúng tôi hỏi nhà chùa có làm lễ giải hạn không hay chỉ làm lễ cầu an? Nhà sư trả lời rằng mùng 4 tháng giêng nhà chùa làm lễ cầu an giải hạn và cho biết thêm là còn nhiều ngày khác có lễ cầu an giải hạn nữa.

Cùng đợi để được đăng ký cầu an còn có một phụ nữ với tờ giấy ghi tên tuổi của từng người trong 9 hộ gia đình.

Chị tới để đăng ký cầu an giúp 9 hộ. Hỏi về giá, một cụ già giúp việc cho nhà chùa đang ngồi bàn tiếp đón trong phòng nghi lễ xác nhận giá cầu an giải hạn cho mỗi hộ gia đình 500.000 đồng. "Vẫn như mọi năm, chẳng có hơn tí nào. Năm nào cũng chỉ có năm trăm (500.000 đồng). Bây giờ có khó khăn hơn nhưng nhà chùa cũng vẫn thu thế thôi", cụ già nói.

Trước khi rời đi, chúng tôi có hỏi chuyện một người bán hàng ở cổng chùa về chuyện đăng ký làm lễ giải hạn, bà nói: "Giờ ai người ta gọi là giải hạn nữa, để có mà bị bắt à".

Tìm đến chùa Lý Triều Quốc Sư - một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, có tuổi đời gần 1.000 năm, cũng là một ngôi chùa được nhiều người dân ở quận Hoàn Kiếm tìm đến mỗi dịp đầu năm làm lễ cầu an - lúc trưa 12-1, chúng tôi gặp bà H. ở quận Hoàn Kiếm đang đăng ký cầu an giải hạn đầu năm cho cả gia đình.

Gia đình bà H. được ghi trong sổ với số thứ tự 396. Bà H. được đưa giấy hẹn tới làm lễ cầu an vào ngày 10 tháng giêng. Buổi cầu an vào ngày 8 tháng giêng đã kín chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, bà H. cho biết bà đến đăng ký làm lễ cầu an giải hạn cho cả gia đình như mọi năm. Số tiền phải nộp cũng không thay đổi, 400.000 đồng cầu an cho cả nhà trong cả năm.

cung sao giai han chua phuc khanh
Người dân tràn ra lòng đường dự lễ dâng sao giải hạn
tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Nơi vẫn "giải hạn"

Cách chùa Lý Triều Quốc Sư không xa là chùa Bà Đá, cũng là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Hà Nội. Nơi đây là "trụ sở" của Giáo hội Phật giáo Hà Nội. Bờ tường ngay cửa vào chùa và trước bậc thềm vào tam bảo, nhà chùa đặt tấm biển thông báo về việc tổ chức lễ quy y tam bảolễ cầu an đầu năm Canh Tý 2020.

Theo đó, nhà chùa có kế hoạch tổ chức lễ cầu an đầu năm vào 3 buổi chiều các ngày 5, 7, 9 tháng giêng. Nhà chùa bắt đầu nhận đăng ký tham dự các lễ này từ ngày 28-12-2019.

Đến chùa Bà Đá đầu giờ chiều 11-1, bước vào bàn đăng ký được kê tại ngôi tam bảo và nói yêu cầu xin đăng ký làm lễ giải hạn, chúng tôi được một cụ ông giới thiệu là người giúp việc cho nhà chùa nhận các đơn đăng ký và viết sớ làm lễ cầu an giải hạn.

Ông hỏi chúng tôi "có làm giải hạn không" rồi đưa cho chúng tôi một tờ phiếu có dòng chữ "Danh sách đăng ký lễ cầu an giải hạn" và nói giá là 400.000 đồng. "Sao xấu hay sao tốt thì cũng từng ấy tiền", ông nói. 400.000 đồng là mức giá lễ cầu an mà chùa đã giữ từ nhiều năm qua.

Tại chùa Phúc Khánh - "điểm nóng" nhất về lễ cầu an, dâng sao giải hạn những năm trước, cảnh tượng quen thuộc những ngày giáp tết các năm cũng lặp lại vào sáng 11-1: tấp nập người dân ngồi ghi phiếu đăng ký cầu an đầu năm tại sân và nhà nghi lễ của chùa.

Chỉ khác là, năm nay, các vị trí trước đó từng được dán lịch cầu an giải hạn và bảng sao ứng với các tuổi đã được sơn trắng.

Vừa hoàn thành đăng ký cầu an cho gia đình và chuẩn bị ra về, bà N. (ở quận Ba Đình) cho chúng tôi biết "vẫn như mọi năm".

Khi chúng tôi hỏi đăng ký giải hạn, một người phụ nữ đang giúp nhà chùa nhận các đăng ký cầu an cho người dân nói: "Em có nhu cầu cầu an, các chị làm cầu an. Nhà chùa không chủ định làm các sao đấy, nhưng theo nguyện vọng của mọi người, nhà chùa vẫn dâng sớ cho. Giải sao thì không có nữa, giờ chỉ có cầu an thôi". Người này còn cho biết năm nay các lễ cầu an chỉ làm ở trong khuôn viên chùa, "chứ không lại ảnh hưởng giao thông".

Năm nay những người phụ nữ giúp nhà chùa nhận đăng ký lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh cũng thường không trực tiếp thu tiền mà nhắc người dân "tùy tâm" bỏ tiền vào hòm công đức đặt cạnh bàn đăng ký.

cung sao giai han chua phuc khanh 2
Người dân đến đăng ký lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh ngày 11-1 -2020 

Ảnh: T.ĐIỂU

Cầu an do... thói quen

Khảo sát thực tế cho thấy hầu như chưa có thay đổi gì trong việc tổ chức thực hiện lễ cầu an ở các chùa tại Hà Nội, ít nhất là không thay đổi về... giá. Có chăng, các tên gọi được những người tổ chức sử dụng "tế nhị" hơn.

Chùa Phúc Khánh vốn bị "soi" nhiều nhất trong bao năm qua bởi hình ảnh đập ngay vào mắt người dân là cảnh hàng nghìn người đứng ngồi tràn lan ra cả lòng đường, thậm chí là chen lên tận cầu vượt bởi các lễ cầu an giải hạn ở đây luôn quá tải thì nay đang nỗ lực "cải tổ" nhưng kết quả còn phải... chờ.

Một điều có thể thấy rất rõ khi đến chùa Phúc Khánh những ngày này là nhu cầu của người dân được làm lễ cầu an rất lớn. Họ sẵn sàng "trả tiền" để "mua" sự yên tâm. Thậm chí, nhiều người dù tin rằng giải hạn chỉ cần hành thiện tránh ác là đủ, nhưng họ vẫn hoàn toàn hài lòng "nộp tiền" để làm lễ cầu an bởi... thói quen.

Chị H.L. (37 tuổi, sống gần chùa Phúc Khánh) cho biết khi đang viết phiếu đăng ký cầu an, chị có thói quen đi chùa làm lễ cầu an hằng năm từ thời còn con gái. Khi chưa lấy chồng, chị hay làm lễ ở chùa Hòe Nhai gần nhà chị.

Từ khi lấy chồng về quận Đống Đa, năm nào chị cũng đi lễ cầu an cho cả gia đình tại chùa Phúc Khánh. Năm trước chị sao Kế Đô, chồng chị sao Thái Bạch, đầu năm vẫn làm lễ cầu an giải hạn như thường lệ, nhưng năm qua chị phải chịu hai cái tang của cả bố lẫn mẹ.

Tuy thế chị đón nhận tin buồn liên tiếp một cách nhẹ nhõm. Năm nay chị vẫn đến chùa Phúc Khánh đăng ký làm lễ cầu anvui vẻ đóng tiền dù chị tin rằng muốn giải hạn thì chỉ cần tích cực làm điều thiện.

Một câu chuyện khác tại chùa Phúc Khánh, một số người già rất bực bội vì việc đăng ký lễ cầu an giải hạn không được thuận tiện như trước đây do các bảng thông tin về sao ứng với năm sinh bị bỏ đi khiến họ phải đợi nhau lần lượt tra trong mấy cuốn sách nhỏ được nhà chùa chuẩn bị.

Nhớ lại cảnh hàng người tràn ra ngoài đường vái vọng trong các lễ cầu an của chùa Phúc Khánh tái diễn qua hàng chục năm, có thể hiểu nhu cầu được làm lễ cầu an trong dân là rất lớn. Ở đâu có cầu ắt sẽ có cung.

Người dân thì sẵn sàng chi tiền. Số tiền các chùa trên khắp cả nước thu được từ hoạt động này rõ ràng không nhỏ, thậm chí là khổng lồ ở một số ngôi chùa. Vì thế, hi vọng vào việc lập tức "dẹp loạn" dâng sao giải hạn từ văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như lời một quan chức ngành văn hóa từng chia sẻ với Tuổi Trẻ: phải từ từ.

"Nhiều người lạm dụng để làm tiền, còn người dân thì mê tín. Muốn chấn chỉnh, trước hết người trụ trì chùa cần thay đổi, không thể mỗi ngày thu cả tỉ đồng như thế", vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh thực tế trong mấy năm gần đây, hoạt động dâng sao giải hạn, thỉnh vong... xảy ra quá nhiều ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là tại các chùa, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự trục lợi tâm linh tại các cơ sở này.

Do đó, theo PGS Bùi Hoài Sơn, để đảm bảo việc thay đổi về thực chất chứ không phải chỉ là thay đổi... tên gọi, Trung ương Giáo hội Phật giáo cần có hướng dẫn cụ thể, kiểm tra giám sát việc thi hành một cách nghiêm túc, xử phạt nghiêm minh. Các cơ quan báo chí và ngay cả người dân cũng cần đóng góp vai trò giám sát các chùa, cơ sở thờ tự.

Chỉ được cầu an, không giải hạn, tránh dịch vụ tâm linh

Liên quan đến câu chuyện "loạn" dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm mới gây bức xúc trong xã hội mấy năm gần đây, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa gửi văn bản đến ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, ban tôn giáo các tỉnh... về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội trong dịp tết cổ truyền xuân Canh Tý.

Theo đó, GHPGVN yêu cầu các chùa, cơ sở thờ tự có thể làm các lễ cầu quốc thái dân an vào dịp đầu xuân để phục vụ nhu cầu của xã hội, nhưng cần "giữ gìn sự trong sáng của chính pháp" bằng cách "đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo".

Giáo hội còn nhắc nhở các chùa, tăng ni "phải cẩn trọng trong khâu tổ chức, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh".

Văn bản của GHPGVN còn có những yêu cầu cụ thể về việc sử dụng từ ngữ: không dùng các thuật ngữ yếm thế như "giải hạn", "dâng sao giải hạn", "cắt giải oan gia trái chủ"...

Đầu năm 2019, sau hàng loạt bài báo phản ánh tình trạng hỗn loạn, mê tínthương mại hóa trong các lễ dâng sao giải hạn tràn lan khắp các chùa chiền của báo Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan báo chí khác, ngày 20-2-2019, Hội đồng trị sự GHPGVN đã chính thức ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an,"không để xã hội hiểu sai về Phật giáo, giữ gìn hình ảnh trí tuệ của Phật giáo và GHPGVN".

Chiều cùng ngày 20-2-2019, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng có văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị cùng có biện pháp chấn chỉnh, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn thành biến tướng để trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thiên Điếu - Trọng Nam | Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/giao-hoi-yeu-cau-nhung-lieu-se-het-loan-dang-sao-giai-han-202001130920136.htm
Dưới đây là công văn mới nhất của giao hội trung ương:

công văn số 016CV-HĐTS ngày 6-1-2020

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/03/2019(Xem: 6553)
10/04/2019(Xem: 10143)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.