Thư Viện Hoa Sen

Về việc tôi giúp đỡ Thích Phước Nguyên làm trợ giảng và in sách

15/03/20205:27 SA(Xem: 12987)
Về việc tôi giúp đỡ Thích Phước Nguyên làm trợ giảng và in sách

VỀ VIỆC TÔI GIÚP ĐỠ THÍCH PHƯỚC NGUYÊN
LÀM TRỢ GIẢNG VÀ IN SÁCH
Thích Nhật Từ

 

thich nhat tu 4Sau một ngày làm việc với các nhà thầu về dự án xây dựng Chùa Quan Âm Đông Hải, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, lúc 19:00 ngày 14/3/2020, tôi có dịp xem bài viết “Phước Nguyên đã ‘chun qua lỗ khóa’, đạo văn ra sao?” do Giác Ngộ Online đăng lúc 10:59, 14/3/2020. Vì bận thuyết giảng trực tuyến trên YouTube và Facebook Thích Nhật Từ đến lúc 22:00 cùng ngày, tôi mới có thời gian trình bày một số điều tôi giúp đỡ Phước Nguyên như được đề cập trong bài báo nêu trên.

1. Việc tôi nhờ Phước Nguyên làm trợ giảng môn Thành duy thức luận

Sau khi đọc quyển “Nghiên cứu nguồn gốc A-di-đà” của Thích Phước Nguyên (viết tắt là Phước Nguyên) do NXB. Hồng Đức cấp giấy phép in năm 2016 và một số bài viết của Phước Nguyên đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ (TT. Thích Tâm Hải làm Thư ký và ĐĐ. Thích Chúc Phúc làm Phó thư ký, đặc trách biên tập) từ số 240, tháng 3/2016 trở đi, cũng như đọc bản thảo năm 2018 và bảo trợ ấn tống quyển "A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” do Phước Nguyên dịch và chú thích vào tháng 6-2018, tôi ngộ nhận Phước Nguyên với một chú điệu 5-7 tuổi, đệ tử của HT. Tuệ Sỹ mà tôi đã gặp mười mấy năm trước khi cùng GS. Lê Mạnh Thát đến thăm HT. Tuệ Sỹ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam.

Vì muốn nâng đỡ nhân tài trẻ qua các quyển sách và bài viết của Phước Nguyên đã xuất bản trên Nguyệt san Giác Ngộ (năm 2016, khoảng 20 tuổi), trên Thư viện Hoa Sen và tự xuất bản có giấy phép chính thức, tôi đã trình bày và thuyết phục Hội đồng Điều hành HVPGVN Tp. HCM cho phép Phước Nguyên làm trợ giảng môn “Thành duy thức luận” do tôi phụ trách ở Khoa Triết học Phật giáo. Sau vài lần giải trình trong vài phiên họp, Hội đồng Điều hành đã chấp thuận đặc cách cho Phước Nguyên làm trợ giảng tôi vào giữa năm 2019, miễn các quy định về bằng cấp, do có các tác phẩm và dịch phẩm mang tính học thuật.

Hơn chục năm trước, tôi đã từng giới thiệu và được Hội đồng Điều hành đặc cách cho TT. Giác Giới (là tác giả của nhiều đầu sách Phật học) chính thức làm giảng viên Khoa Pali dù Thượng tọa không có bằng cấp. Đối với những vị dù chỉ có bằng Cử nhân lâu năm và có kiến thức chuyên môn như các giảng viên Trần Phương Lan, HT. Thích Viên Giác, TT. Thích Tâm Hải v.v… Hội đồng Điều hành trong nhiều năm qua đã mời quý vị ấy giảng dạy một số môn trong chương trình Cử nhân Phật học.

Trong trường hợp của Phước Nguyên, sau khi Hội đồng Điều hành chính thức thông qua, tôi đã kêu Phước Nguyên mang các sách đã xuất bản đến trình TT. Thích Viên Trí, Phó Viện trưởng đặc trách đào tạo của Học viện để kiểm tra xác tín. Thông thường, theo kế hoạch, người trợ giảng chỉ phụ trách ⅓ đến ½ số tiết học của 1 môn. Do vì dành thời gian cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 với vai trò Phó Tổng thư ký đặc trách mời các phái đoàn Phật giáo quốc tế, tổng điều phối Hội thảo Quốc tế (Anh ngữ), Hội thảo Quốc gia (Việt ngữ), chủ nhiệm một phần triển lãm nghệ thuật Phật giáo và phần một của chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ “Đại lộ di sản” tại chùa Tam Chúc, tôi đã không thể phụ trách môn “Thành duy thức luận” trong thời gian đó. Sau Đại lễ Vesak LHQ 2019, vì bị đau thanh quản mấy tháng liền, tôi đã nhờ Phước Nguyên dạy tiếp phần còn lại của tôi. Phần lớn sinh viên Khoa Triết học Phật giáo hài lòng với nội dung dạy môn “Thành duy thức luận” của Phước Nguyên.

Trong phiên họp khoảng tháng 8-2019, tôi trình Hội đồng Điều hành về việc của Phước Nguyên thì TT. Giác Hoàng vắng mặt. Sau đó, TT. Giác Hoàng chiếu theo lệ, hễ giảng viên nào dạy Khoa Triết học Phật giáo thì được mời dạy khoa Đào tạo từ xa nên đã mời Phước Nguyên tiếp tục dạy môn Thành duy thức luận đến cuối tháng 12-2019. Việc này tôi mới được biết khoảng 1 tuần nay.

2. Về các nghi vấn liên hệ đến Phước Nguyên

Khoảng tháng 08/2019, trong phiên họp định kỳ vào thứ Hai hằng tuần tại Việt Nam Quốc Tự, TT. Thích Tâm Hải, Thư ký Báo Giác Ngộ chia sẻ với tôi những thông tin về Phước Nguyên như nội dung bài báo “Học viện PGVN tại Tp. HCM nhận định về Phước Nguyên” đăng trên Giác Ngộ Online, ngày 07/3/2020.

Thể hiện trách nhiệm, tôi lập tức xin cuộc hẹn, lên gặp TT. Thích Hạnh Viên, người quản lý Tùng thư Hương Tích, phụ trách ấn hành sách của HT. Tuệ Sỹ. Sau hơn 2 tiếng trao đổi, tôi cảm ơn và kính nhờ TT. Hạnh Viên đối chiếu văn bản có liên quan những nghi vấn đạo văn của Phước Nguyên đối với tác phẩm của HT. Tuệ Sỹ.

Trong buổi trao đổi hôm đó, TT. Hạnh Viên đặt nghi vấn đối với quyển “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” của Phước Nguyên do NXB Hồng Đức cấp phép đầu năm 2019 (2 tập, tập 1: 719 trang, tập 2: 383 trang) với quyển có cùng tựa đề của HT. Tuệ Sỹ và Nguyên An dịch và chú thích, cũng do NXB Hồng Đức cấp giấy phép ấn hành năm 2018 (508 trang). Nghi vấn thứ hai là TT. Hạnh Viên cho hay rằng một số Phật tử báo cho biết quyển “Nghiên cứu nguồn gốc A-di-đà” có nghi vấn đạo văn của GS. Lê Mạnh Thát.

Tôi hỏi TT. Hạnh Viên, ngoài 2 tác phẩm nêu trên, có bản thảo nào của HT. Tuệ Sỹ trùng với các tác phẩm khác của Phước Nguyên không? TT. Hạnh Viên cho biết là không có. Vì bị thất lạc “Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam”, 2 tập, do GS. Lê Mạnh Thát chủ biên, tôi không thể so sánh quyển “Nghiên cứu nguồn gốc A-di-đà” của Phước Nguyên với mục từ A-di-đà trong “Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam”. Khi nhận bản thảo quyển “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” vào giữa khoảng tháng 5-2018, tôi chưa có quyển “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” của HT. Tuệ Sỹ nên cũng không thể đối chiếu văn bản. Hơn nữa, lúc đó, tôi chưa nhận được thông tin gì về quyển sách cùng tựa đề của HT. Tuệ Sỹ.

Ngay trong ngày trao đổi với TT. Hạnh Viên xong, tôi lập tức gọi điện chia sẻ những điều vừa nghe và có yêu cầu TT. Tâm Hải nhờ người đối chiếu văn bản để biết thực hư của nghi vấn. Trong ngày hôm đó, tôi có nói với TT. Hạnh Viên và vài lần nói với TT. Tâm Hải rằng nếu có bằng chứng về việc đạo văn, tôi chính là người đầu tiên yêu cầu Phước Nguyên công khai xin lỗi. Còn việc quyết định về tác quyền của hai quyển sách bị nghi vấn đạo văn thuộc về thẩm quyền của NXB Hồng Đức.

Đến thời điểm tôi viết thư này (14/3/2020), tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ TT. Hạnh Viên và TT. Tâm Hải về việc chứng minh sự đạo văn của Phước Nguyên đối với sách của GS. Lê Mạnh Thát và HT. Tuệ Sỹ.

Khoảng tuần lễ sau buổi gặp gỡ với TT. Hạnh Viên, để thể hiện tính trách nhiệm, tôi đã chủ động trình báo và sám hối Hội đồng Điều hành về việc bất cẩn trong việc đề xuất đặc cách cho Phước Nguyên trợ giảng tôi tại Học viện.

Đối chiếu một tác phẩm có trước với tác phẩm xuất bản sau để xác định tính nguyên thủy trong học thuật, hay đạo văn, không phải là việc quá khó. Như những lý do nêu trên, đang khi tôi bận nhiều Phật sự khác trong cùng thời điểm nên tôi đã không có thời gian đối chiếu văn bản của HT. Tuệ Sỹ và Phước Nguyên (gộp lại gần 2.000 trang). Hơn nữa về xuất bản thì các tác giả và dịch giả phải là người chịu trách nhiệm chính về những gì họ viết và dịch.

3. Ấn tống và xuất bản quyển “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” dưới danh nghĩa Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN)

Khoảng tháng 5-2018, vì ngộ nhận Phước Nguyên là đệ tử chân truyền của HT. Tuệ Sỹ, đồng thời với tâm nguyện nâng đỡ nhân tài trẻ như cách HT. Thích Đức Nhuận và HT. Thích Minh Châu đã phát hiện và nâng đỡ HT. Thích Tuệ Sỹ trước năm 1975 như mời làm biên tập Tạp chí Tư tưởng Vạn Hạnh và đặc cách giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh, tôi quyết định bảo trợ ấn tống quyển “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” do Phước Nguyên dịch và chú thích. Tôi nhờ trợ lý của tôi làm việc với Phước Nguyên, Nhà xuất bản và nhà in về giấy phép và cách trình bày vào năm 2018. Sách của Phước Nguyên dịch và chú được Chùa Giác Ngộ ấn tống vào đầu năm 2019.

Từ tháng 8/2019, khi nghe câu chuyện của TT. Hạnh Viên kể, tôi đã ngưng việc mời Phước Nguyên trợ giảng, cũng như không tiếp tục bảo trợ ấn tống bất cứ tác phẩm, dịch phẩm nào của Phước Nguyên.

Thời gian bảo trợ ấn tống sách của Phước Nguyên cũng là thời điểm tôi xin nghỉ việc, ngừng vai trò Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam để tập trung cho Phật sự khác. Sau đó, HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN kiêm Viện trưởng VNCPHVN yêu cầu tôi quay trở lại vai trò Phó Viện trưởng, kiêm vai trò đồng Tổng biên tập Đại Tạng Kinh Việt Nam (nay gọi là Thánh điển Phật giáo Việt Nam). Vì bận nhiều Phật sự trong giai đoạn này, tôi đã giao nhân viên Quỹ Đạo Phật Ngày Nay trực tiếp nối kết với Phước Nguyên, NXB và nhà in để tiến hành in ấn tống trong giai đoạn 2018-2019.

Vì muốn trong Tùng thư nghiên cứu của VNCPHVN có thêm một dịch phẩm công phu, tôi đã yêu cầu người trình bày ghi ở bìa sách VNCPHVN. Trong giai đoạn chuyển tiếp đó, với trọng trách mới cho việc biên tậpấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, tôi đã sơ suất, quên trình HT. Thích Giác Toàn về dịch phẩm này. Vào ngày 20/8/2019, tôi đã nhận lỗi về sự sơ suất trong trách nhiệm với NXB Hồng Đức và HT. Thích Giác Toàn về việc này, vốn dẫn đến sự hiểu lầm không cần thiết. Trong câu chuyện này, tôi tuyệt đối không có sự gian dối nào hay qua mặt ai về việc đưa sách “A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận” của Phước Nguyện dịch và chú thích vào tủ sách của VNCPHVN. Trong nhiều năm qua, với vai trò Phó viện trưởng – Tổng thư ký VNCPHVN, tôi đã từng mời vài tác giả, dịch giả in sách dưới danh nghĩa Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam như cách thừa nhận những đóng góp của các tác giả và dịch giả về phương diện học thuật Phật giáo.

Khi đọc bài “Học viện PGVN tại Tp. HCM nhận định về Phước Nguyên” trên Giác Ngộ Online, ngày 07/3/2020, tôi đã mời Phước Nguyên đến chùa Giác Ngộ trao đổi. Phước Nguyên có hứa với tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau một tuần, do vì đang bận một số việc riêng. Cuối đêm 14/3/2020, Phước Nguyên đã chính thức có Thư xin lỗi, nhờ tôi và tôi đã chuyển đến Báo Giác Ngộ thông qua TT. Thích Tâm Hải.

***

Đó là những gì tôi nâng đỡ và giúp cho Phước Nguyên. Khi làm những điều tôi nêu trên, tôi chỉ có mục đích duy nhất là muốn góp phần phát triển Phật giáo bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có ấn tống sách Phật giáo và giúp đỡ thế hệ sau mình. Tôi hoàn toàn không có mục đích nào khác. Tôi cũng ý thức rõ về phương diện tác quyền, dù là ai, các tác giả và dịch giả phải chịu trách nhiệm chính về nội dung trong các tác phẩm/ dịch phẩm của mình trước pháp luật.

Qua câu chuyện này, tôi rút ra cho mình bài học kinh nghiệm sâu sắc về việc giúp người và tình trạng “giậu đổ bìm leo”.

 

Chùa Giác Ngộ, ngày 14/3/2020

 

SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ BÀI NGHIÊN CỨU CỦA PHƯỚC NGUYÊN ĐĂNG TRÊN NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ (THUỘC BÁO GIÁC NGỘ) TỪ THÁNG 3-2016.

Các tựa bài nghiên cứu của Phước Nguyên được trân trọng in ở bìa trước của Nguyệt san Giác Ngộ, lúc Phước Nguyên khoảng 20 tuổi (tính từ năm 2016)

Nguyệt san Giác Ngộ số 240, tháng 3-2016: Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ giáo (từ trang 10)
https://giacngo.vn/nguyetsan/2018/01/04/57E4DA/

Nguyệt san Giác Ngộ số 258, tháng 9-2017: Tổng quan năm Thủ uẩn (từ trang 11)
https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2017/09/13/7F40CA/

Nguyệt san số 261, tháng 12-2017: Dẫn luận ngôn ngữ Phật giáo (từ trang 5)
https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2017/11/22/72E6DB/

Nguyệt san Giác Ngộ xuân Mậu Tuất, số 262, tháng 1-2018: Truyền thuyết Đức Phật Di Lặc (từ trang 6)
https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2018/01/16/5660D9/

Nguyệt san Giác Ngộ số 264, tháng 3-2018: Tổng luận bốn thần túc (từ trang 5)
https://giacngo.vn/bandoctoasoan/2018/03/23/76E092/…

Nguyệt san Giác Ngộ 265, tháng 4-2018: Tổng luận ý nghĩa 4 sinh đạo (từ trang 10)
https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2018/04/15/5A76D1/

Tạo bài viết
27/05/2024(Xem: 1996)
17/05/2024(Xem: 4570)
26/12/2023(Xem: 8713)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: