Chương 06

12/03/201312:00 SA(Xem: 2792)
Chương 06

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
Vĩnh Hảo
Nhà Xuất Bản Chiêu Hà

CHƯƠNG SÁU

Về nghi thức cúng kính mà trong chùa gọi là “ứng phó đạo tràng” hay gọi tắt là nghi lễ, thầy tôi am tường nghi thức của cả Thừa Thiên, Bình Định, Khánh Hòa, chưa kể nghi thức của miền Nam và miền Bắc. Và cũng vì thầy là bậc đồng chơn xuất gia (xuất gia từ thuở bé) có uy tín đạo đức trong chốn thiền môn, nên hầu như các đại lễ có tổ chức trai đàn chuẩn tế (thí thực cô hồn), các chùa đều thỉnh thầy tôi đến làm chủ sám (giới kinh sư thường gọi nôm na vị chủ sám là thầy cả).

thị giả, tôi được được theo thầy trong khắp các lễ trai đàn chẩn tế đó. Mệt mỏi lắm, nhưng cũng vui. Có khi thầy về cúng tại các chùa miền quê, tôi theo hầu thầy và có dịp biết thêm về sinh hoạt của các chùa quê cũng như các thầy chuyên môn việc cúng kính mà người ta gọi nôm na (hay có khi có ý chế diễu) là thầy đám, thầy cúng – trong khi thuật ngữ Phật giáo gọi những vị tăng chuyên môn về ứng phó đạo tràng là “kinh sư.” Những thầy ấy có mặt trong đại lễ để phụ giúp thầy tôi trong khoa chẩn tế (nếu là toàn khoa thì kéo dài từ sáu đến bảy giờ đồng hồ liên tục). Khoa chuẩn tế thường được cử hành sau các đại lễ, nhưng vì là khoa khó nhất, đòi hỏi chuyên môn nhiều nhất, nên những vị kinh sư khác cần có thầy tôi làm chủ sám, mà thầy tôi cũng cần có họ phụ họa mới thành tựu được khoa nghi. Ở viện cũng có một ban kinh sư giỏi khoa chẩn tế với nghi thức Bình Định, nhưng vì các lễ đám như vậy thường kéo dài hai, ba ngày nên thầy tôi không thể mời ban kinh sư của viện theo được vì ban kinh sư này gồm toàn học tăng, phải bận học ngày đêm, chỉ có thể tham dự được đàn tràng chẩn tế vào dịp rằm tháng tư hay rằm tháng bảy mà thôi. Những đàn tràng không nhằm vào các dịp đó, thầy tôi phải đi một mình và cùng hành lễ với ban kinh sư ở địa phương nào tổ chức đàn tràng.

Tôi vào chùa mới một, hai tháng, chưa biết gì về các nghi lễ phức tạp, rắc rối, đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập như vậy, nhưng có lẽ thầy tôi muối tôi đi theo để mở rộng tầm mắt. Thầy nói, thầy lỡ biết nhiều về nghi thức ứng phó đạo tràng nên phải khổ nhọc, bận bịu với các đại lễ, không từ chối được. Thầy không nói rõ ra nhưng tôi cũng hiểu mang máng rằng giữa thầy và các thầy đám kia khác nhau xa lắm. Những vị thầy đám tập trung cuộc sống họ vào việc cúng đám, lấy việc cúng kính làm nghề. Nhưng thầy tôi không bao giờ tỏ ý khinh miệt hay coi thường họ. Thầy tiếp xúc, trò chuyện, hỏi han đời sống, công việc của họ một cách vui vẻ, hài hòa. Sau mỗi khóa tụng, thầy cùng họ ngồi bàn và chia cắt vai trò của mỗi người trong khóa lễ sắp tới. Mỗi bữa ăn, thầy và họ ngồi chung mâm, hòa hợp, bình đẳng. Chỉ có buổi tối là thầy được thỉnh vào nghỉ riêng ở phương trượng (phòng của vị trụ trì), còn họ cũng như vị trụ trì thì ngủ chung trên một cái sạp lớn dựng tạm bên hông chùa. Tôi cũng leo lên sạp mà ngủ chung với họ trong một cái mùng lớn đủ cho mười mấy người nằm. Tôi là con nít nên chỉ biết im lặng, nghe họ trò chuyện với nhau. Có nhiều câu chuyện họ dùng những tiếng lóng hay ẩn ngữ nên tôi chẳng hiểu họ nói gì. Có lúc tôi thoáng nghĩ, cuộc sống của họ vui vẻ hồn nhiên, dường như suốt đời chẳng có đại sự để theo đuổi. Công việc của họ hàng ngày là đi cúng. Thỉnh thoảngđại lễ thì tập trung lại để cùng phô diễn nghệ thuật cúng kính của mình. Đàn tràng chẩn tế giống như một cái sân khấu. Họ là những người nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật. Sau khi trình diễn, những nghệ sĩ này nằm lăn trên sạp gỗ mà ngủ qua đêm để ngày hôm sau trình diễn tiếp. Nằm xuống nói chuyện bâng quơ một lúc là ngủ ngon, không có vấn đề gì để phải thao thức, bận tâm. Nhưng cung cách trình diễn nghệ thuật của họ (tức là việc phúng tụng kinh chú) không phải là điều đơn giản, tầm thường như người ta nghĩ.

Ngoài thế tục, không phải ai cũng có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ được. Trước hết phải có năng khiếu, kế đó là phải có sự học hỏi nghiên cứu để phát triển năng khiếu ấy và sau cùng, quan trọng nhất là phải có thời gian luyện tập để thành tựu trọn vẹn được cái tài năng bẩm sinh của mình. Trên sân khấu, người có giọng hay thì hát giọng chính, người kém hay hơn thì hát phụ, hát bè. Ở phía cải lương, hát bội thí có kép chính, kép phụ. Nhưng ở một đàn tràng nghi lễ Phật giáo thì có hơi khác một chút. Dĩ nhiên trong ban kinh sư của một đại lễ, người ta cũng tuyển chọn, cung thỉnh những vị tăng có giọng hay nhất thì làm kép chính. Kép chính là vị tăng có đức, được tất cả các kinh sư nể mặt và chịu nép mình làm người phụ họa. Nhưng vị tăng có đức ấy cũng phải biết tất cả những lễ nghi, cũng như phải có giọng thì mới thực sự thu phục được ban kinh sư. Thầy tôi đi đâu cũng đóng vai kép chính là do lẽ đó. Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói về cung cách phúng tụng, hay trình diễn nghệ thuật Phật giáo của các vị kinh sư mà người ta gọi là thầy đám nói trên.

Âm nhạc Phật giáo Việt Nam quả là một công trình sáng tác công phu được kết tinh từ nhiều thế hệ tăng sĩ tài ba có năng khiếu âm nhạc lẫn nội lực tu tập. Chỗ nổi bật của nền âm nhạc này là những nhạc công tăng sĩ chỉ cần sử dụng những nhạc khí đơn giản (mà bây giờ người ta thấy có vẻ lạc hậu) nhưng trong sự phối hợp tinh luyệnhòa hợp các âm thanh trầm bổng của thanh nhạc (giọng người) và khí nhạc (tiếng nhạc cụ) họ có thể trình tấu những bản giao hưởng đặc dị, siêu thoátthế gian không thể có được. Nghi thức trai đàn chẩn tế tập trung tất cả các nhạc điệu của âm nhạc Phật giáo, trong đó có tụng, niệm, bạch, xướng, hô, thỉnh, đọctán. Trong điệu tán còn chia ra làm tán rơi, tán xắp, tán trạo, tán dẫn thỉnh, v.v… Rồi trong các điệu tán đó còn chia thành nhiều thể khác nhau tùy theo số chữ, số câu của mỗi bài tán. Rất là phức tạp. Lúc đó tôi chỉ mới biết tụngniệm, tức là tụng kinh theo tiếng mõ và đọc thầm hay đọc hơi nhỏ bài Niệm hương. Tuy nhiên, cũng nhờ vào đôi tai của một người chưa biết nhiều về âm nhạc Phật giáo, tôi có thể quan sát và lắng nghe được một cách khách quan những bản hợp tấu đa dạng mà các vị kinh sư đang trình bày.

Thầy tôi ngồi chính giữa, mặt hướng ra đường; sáu vị kinh sư ngồi hai hàng dọc hai bên thầy, mỗi bên ba vị đối mặt nhau. Tôi đứng hầu một bên thầy nên nhìn rất rõ từng vị kinh sư tán tụng theo khoa nghi. Họ phối hợp nhịp nhàng, phân công chặt chẽ mỗi người một nhiệm vụ. Nào linh, nào khánh, nào mõ, nào chuông, nào tang (đẩu). Ngoài các nhạc khí trên, cón có trống, chập chõa, sanh, đàn nhị, đàn cò ở bên ngoài phụ họa thêm. Vậy mà sáu kinh sư đã cùng thầy tôi tán tụng suốt hơn sáu tiếng đồng hồ bằng hơi, bằng miệng, không có máy vi âm, đều giọng tạo nên một bản đại hòa tấu lúc du dương, lúc hùng tráng, khiến tôi say mê lắng hồn vào đó với một cảm giác nhẹ nhàng, khinh khoái, bay bổng mà tâm trí vẫn trong sáng như kẻ vừa được tắm mát chứ không phải u mê quên bẵng thực tại. Thứ âm nhạc này không làm đắm chìm người ta trong ảo giác mê muội; nó cũng không kích động người ta bạo hành, mà cũng không khơi dậy trong họ những ham mê dục lạc. Nó giống như một con thuyền: trôi trên nước mà không ngập nước; hay như một tảng mây: lướt trên trời mà không vướng trời. Người lắng nghe dễ dàng bắt nhịp theo thứ âm thanh vi diệu mà qua đó, lòng họ bỗng dứt bặt mọi thôi thúc bon chen và nỗi háo hức phóng mình theo tham muốn thế tục; ở đó, chỉ có nỗi vắng lặng, yên tĩnh và khinh an của tự tâm. Phật giáocon đường giải thoát nên âm nhạc Phật giáo cũng là một phương tiện để giải thoát – nếu người ta hiểu giải thoát đúng như ý nghĩa của nó chứ không phải như là sự lẩn trốn, né tránh thực tại để tìm về một thế giới xa xôi nào trong mộng tưởng, hay trong ảo giác. Rõ ràng không phải ý vị giải thoát đó chỉ được cảm nhận qua ý nghĩa của kinh điển mà các vị kinh sư tụng đọc, nhưng chính nhờ ở cách thế mà âm thanh và tiết điệu của bài kinh được diễn ra. Lúc đó tôi không hiểu gì về Phật giáo mà chỉ biết thưởng thức một cách hồn nhiên, như một đứa trẻ nghe trình diễn một bản nhạc kỳ bí, huyền nhiệm với bao tiết tấu và nhịp điệu phức tạp thì sửng sốt, kinh ngạc. Nhưng càng lớn lên, tôi càng nhận thức rằng chỉ có những nghệ sĩ tài ba thực ngộ, có một quá trình tu tập dài trong cửa thiền mới có thể sáng tác được những bài lễ nhạc Phật giáo cao siêu thượng thừa như vậy. Bấy giờ, các vị kinh sư ở chùa quê mà người ta gọi là thầy đám đó đã diễn tấu những bài kinh với tất cả tâm tư, kỹ thuật và tài năng của họ. Tôi thấy rõ các vị ấy lắng mình trọn vẹn vào từng câu kinh, từ đầu khóa đến cuối khóa. Khi bước vào khóa lễ là họ không còn vướng bận gì khác ở bên ngoài. (Như vậy, làm sao có thể nói rằng những người chuyên môn về ứng phó đạo tràng thì không thực hành thiền định? Vì thiền định là gì nếu không phải sự lắng tâm, gạn lọc tất cả những ô nhiễm của nội giới lẫn ngoại giới để nắm bắt được thực tại trọn vẹn ngay trong phút giây hiện tại này? Và làm sao có thể coi thường, khinh miệt những kẻ gọi là thầy đám kia?).

Theo thầy nhiều khoa trai đàn chẩn tế như vậy thì dù chưa học gì về nghi thức tán tụng, tôi cũng nghe quen được hơi giọng lên xuống của người tụng cũng như các nhịp phách trường canh hay nhịp chõi của các nhạc khí. Nhờ đó mà sau này, khi có dịp học về nghi lễ, tôi học rất nhanh, chỉ nghe qua là có thể lặp lại chính xác được. Nhưng mỗi người hiện diện trên đời hình như đều có một lối đi vạch sẵn cho mình. Mà con đường của tôi lúc ở thế tục đã không theo chân vài anh chị để đi vào ngành ca hát văn nghệ thì nay trong cửa thiền, bước chân của tôi cũng không mò mẫm theo con đường lễ nhạc ứng phó đạo tràng nói trên, dù rằng tôi có say mê và nhiều thầy cho rằng tôi có khiếu. Thầy tôi cũng không khuyến khích tôi học hay tập luyện về nghi lễ để rồi sau này sẽ bận bịu như thầy, không có thì giờ nghiên cứu kinh điển và các môn học khác. Nhưng có một hôm, nhân lúc nói về nghi lễ, thầy dạy tôi rằng: “Trong đạo Phật, hay ở đời cũng vậy, cái gì cũng có nguyên lý và phép tắc riêng của nó. Nguyên lý phải học, phép tắc phải tập. Học tập cho thông thì mới đạt đến chỗ tột cùng của nó; không thông được thì vướng víu mãi, không rời nó được. Giới luật cũng vậy thôi, kẻ nào không giữ gìn giới luật thì không thể giải thoát; nhưng giữ mãi không rời thì cũng không giải thoát.” Nghe thầy dạy như vậy, tôi chỉ hiểu mập mờ. Dù gì thì giữ giới cho tinh mật cũng là việc trước mắt, nên tôi không cần phải thắc mắc gì nhiều.

Ngày nọ, thầy giao chìa khóa phòng thầy cho tôi, nói rằng thầy cùng ban kinh sư của viện đi hành lễDiên Khánh, hôm sau mới về. Nhiều ngày hầu hạ thầy không biết mệt mỏitự dung đêm đó vắng thầy, tôi lại thấy trong lòng thoải mái vô cùng. Tôi thấy tôi được tự do, không ai kềm kẹp, nhất là có phòng riêng của thầy tạm thời làm phòng của mình một ngày một đêm. Buổi chiều, tôi ngồi trong phòng thầy học kinh và đọc sách, thích thú có được những giờ phút riêng tư. Buổi tối tôi mới kêu Sáng vào vì Sáng ngủ chung với tôi dưới nền đất phòng thầy lâu nay. Bỗng dung lúc ấy với không khí tự do không bị ràng buộc gò bó bởi thầy, tôi nảy ý làm một điều gì đặc biệt, khác thường. Tôi lục trong tủ búp-phê của thầy, thấy có một thùng mì gói hiệu Bồ Đề chưa kịp đem cho, bèn bảo Sáng xuống bếp lấy hai cái thau, hai đũa, hai muỗng và một ít rau để ăn mì. Nước sôi đã có sẵn trong bình thủy của thầy. Sáng hí hửng theo cửa sau của phòng thầy, xuống bếp ngay. Phòng thầy không có bàn ăn, chúng tôi đặt hai cái thau nhựa nhỏ dưới đất, lột bao mì bỏ vào một thau hai gói để ăn cho thỏa. Chế nước sôi vào thau mì xong, chúng tôi lấy dĩa đậy lại cho kín hơi, rồi ngồi chờ năm phút y như bên ngoài gói mì có chỉ dẫn. Đang ngồi sung sướng chờ đợi một bữa mì thịnh soạn, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Tôi và Sáng giật mình, nghĩ chắc thầy quản chúng hay chú tiểu nào muốn tìm chúng tôi có việc gì. Tôi đáp lớn:

“Mô Phật, mở cửa ngay!”

Tôi bảo Sáng đem dẹp hai thau mì trong khi tôi ra mở cửa kẻo tiếng gõ nghe gấp lắm. Tội nghiệp chú Sáng (nhỏ mà bị tôi ăn hiếp) phải bưng hai cái thau đầy mì và nước sôi ra buồng sau. Chú cũng nghĩ như tôi rằng nếu ai đó chỉ gõ cửa để tìm thầy tôi thì không cần phải bưng hai thau mì ra ngoài, mà chỉ cần giấu ở buồng sau là được rồi. Nhưng khi tôi mở cửa ra thì thấy thầy tôi đứng sờ sờ trước mặt. Tôi tái mặt chắp tay bái thầy, mở cửa lưới nhường lối cho thầy bước vào mà trong bụng hoảng hốt, lo sợ chẳng biết chú Sáng nhỏ kia đã dẹp hai thau mì chưa và dẹp tới đâu? Nếu chỉ giấu ở buồng sau thì thậm cấp chí nguy rồi, vì đây là thầy chứ chẳng phải khách tăng nào xa lạ! Thầy bước vào phòng, giao cái đãy y hậu và áo dài cho tôi đem cất ở buồng sau. Thầy nói:

“Tưởng đâu phải ở lại nhưng thấy còn sớm có thể về được, nên thầy về luôn. Mấy đứa con ngủ hay sao mà thầy gọi lâu mới mở cửa?”

“Dạ tụi con đọc sách, tưởng các chú kia chọc phá nên không ra mở.”

Tôi mang áo của thầy xuống buồng, thấy Sáng cũng vừa giấu thau mì thứ hai xuống dưới gầm giường (cùng một chỗ với cái mền xanh trước kia mà tôi giấu!). Sáng le lưỡi. Tôi nói nhỏ:

“Tìm cách bưng ra ngoài luôn chứ để ở đây bay mùi quá, thầy biết đó!”

Nhưng Sáng chưa kịp hành động gì thì thầy bước xuống hỏi:

“ Gì đó?”

Sáng bấy giờ mới chấp tay bái thầy rồi lanh miệng nói:

“Dạ, con định đi thay nước sôi cho thầy vì nước trong bình thủy gần hết rồi.”

Thầy có vẻ nghi ngờ, nhìn quanh căn buồng một thoáng rồi quay trở lên. Tôi và Sáng thở phào. Tôi đi lấy bình thủy nước sôi ở buồng trước đem ra buồng sau, trong khi Sáng bưng lần lượt từng thau mì ra ngoài, bỏ đại trên bàn ăn của các chú tiểu. Khi chúng tôi trở lại, thầy đang ngồi nơi bàn, lại tính toán sổ sách chi thu của viện. Vậy là êm chuyện. Nhưng hai thau mì rất ngon, chưa kịp hưởng, không biết sẽ vào bụng ai, hay vẫn còn nắm đó mà nở toét loét tòe loe ra rồi!

Tưởng vậy là xong, nào ngờ ngày mai, khi tôi đang quét dọn thì thầy bước xuống buồng sau, lôi thùng mì gói trong tủ ra, đưa tôi, bảo đem chia cho các chú tiểu cùng ăn. Khi lấy thùng mì ra, hẳn nhiên là thầy phải biết rằng có đứa nào đó khui thùng mì rồi. Thầy không la rầy tôi chuyện đó, nhưng thầy đã ngầm tỏ cho tôi biết là thầy biết chứ chẳng phải không. Dù rằng trước sau gì thầy cũng đem cho thùng mì đó, nhưng khi thầy chưa mang nó ra khỏi tủ và bảo tôi đem ra ngoài thì nó vẫn là sở hữu của thầy. Lấy lén, ăn lén (dù ăn chưa được), cũng là phạm tội cắp rồi. Giới luật chưa tinh nghiêm!

Vậy mà chúng tôi vẫn chưa chịu từ bỏ chuyện “ăn vụng”. Trong trí óc đơn sơ con nít của mình, chúng tôi nghĩ có ăn một miếng nhỏ cũng đâu có sao! Huống chi, đó là những thức ăn mà thầy tôi chưa bao giờ nhìn tới. Chẳng hạn như trong tủ búp-phê ở buồng sau của thầy, có hai lon guigoz đựng đầy mứt rong. Mứt rong là món rong biển mà người ta đem phơi khô thành từng bánh mỏng như bánh tráng. Rong khô trở thành màu tím, đem nấu canh ăn rất ngon, mát. Ở viện, các dì vải thường đem ram mứt rong với dầu, nêm nước tương, bột ngọt, ớt bột. Món ấy ăn với cơm rất tuyệt. Mà ăn không còn tuyệt hơn. Hai lon guigoz mứt rong trong tủ thầy không phải của dì vải làm, mà của những Phật tử nào đó dưới phố đem lên cúng. Bụng dạ thầy tôi chắc chắn là không thích hợp với món ram, chiên, có dầu, bột ngọt, ớt như thế. Vì không dùng được, thầy cũng quên không để ý đến. Hai cái lon cứ nằm đó hoài. Một hôm đang dọn dẹp, tôi tò mò mở thử một lon, xem thứ gì mà cứ để hoài, choán hết chỗ trong tủ. Phát giác cả hai lon đều là mứt rong, món quí giá của người ăn chay, tôi sáng mắt, không kềm được thèm thuồng, bốc một miếng bỏ vào miệng. Ngậm. Phải, món này chỉ ngậm, nhấp nhẹ nhẹ trong lưỡi mới ngon. Mỏng le mỏng lét thì nhai làm gì dính cả răng, vừa mất ngon vừa dễ bị phát hiện! Vừa quét phòng, vừa ngậm một miếng, thú vị làm sao! Nhưng mứt hết nhanh quá, chưa thỏa mãn, lại đến bốc thêm miếng nữa. Sáng bước ngang hỏi gì vậy. Tôi đưa cái lon cho chú ấy, nói nhỏ mời mọc:

“Thử một miếng đi.”

“Cái này đó hả? Tôi biết rồi,” Sáng nói xong là tay bốc lủm, chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên hay có ý muốn nhìn kỹ món hàng được mời cả.

Vậy có nghĩa là “ông Phật con” này đi trước tôi một bước rồi. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì, biết trước biết sau gì cũng thế thôi. Miễn biết điều tương nhượng và chia sẻ với nhau là được rồi. Vậy là sự chia sẻ diễn ra đều đặn hơn. Mỗi ngày hai đứa đều có ngậm mứt rong cho vui miệng. Món ấy thật là tiện, không cần vận dụng đến quai hàm hay răng để rồi gây tiếng động chóp chép, rào rạo. Mà càng ngậm càng ghiền. Mới ngậm đó lại muốn ngậm nữa, khó mà ngưng được. Nhưng cứ rút rỉa mãi mà không chịu bồi thêm thì núi cũng phải lở nói chi hai lon guigoz! Thấy mứt rong đã xọp xuống lưng lưng ở cả hai lon, tôi bắt đầu lo, nói với Sáng:

“Chắc mình ngưng là vừa rồi, coi chừng thầy biết đó.”

Sáng gục gặc. Vậy là đình chiến. Nhưng ông Phật con ấy vì tên là Sáng nên có nhiều sáng kiến hay lắm. Ông cầm hai lon guigoz lên, xốc xốc mấy cái rồi đưa ngón tay vào xới xới cho mứt rong vun lên. Hai lon lưng trở thành hai lon đầy. Tài thật!

Buổi chiều cùng ngày, thầy gọi tôi vào phòng, bảo đem hai lon mứt rong xuống nhà bếp, muốn cho ai thì cho, thầy không dùng. Tôi nắm toàn quyền sinh sát trong tay cả hai lon mứt, vậy mà lúc ấy tự dưng tôi không còn muốn ăn nữa. Tôi đưa hết cho dì vải.

Hình như sự vụng trộm, mạo hiểmkích thích tố cho mọi sinh hoạt của con người. Thiếu nó thì sự hân thưởng không còn thú vị nữa.

 

a

 

 

Một sáng nọ, tôi và Sung rủ nhau đi tắm giặt tại chùa Tỉnh hội. Tôi đã qua một lần bên ấy với thầy Châu nên biết tắm giặt ở bên ấy khỏe hơn, vì có nước máy, chứ tắm ở chùa Phước Điền thì phải xách nước giếng bằng cái thùng rất to, rất mệt, nước lại không được trong, buồng tắm thì chật chội, xa giếng. Đoạn đường từ viện qua chùa Tỉnh hội xa gấp đôi đoạn đường đến chùa Phước Điền dưới chân núi, nhưng buổi sáng trời mát mẻ, đường đi lại ngoằn ngoèo đẹp mắt, nên chúng tôi không thấy mệt. Trước chúng tôi chừng chục bước, thầy quản chúng và một thầy khác cũng đang trên đường qua chùa Tỉnh hội để làm việc tại văn phòng Giáo hội Tỉnh. Hai thầy bước dài, đi nhanh nên chỉ một chốc là bỏ xa chúng tôi một đoạn. Đến một khoảng đường cong, khuất tầm mắt của mọi người, Sung móc trong túi ra một hộp quẹt, nói với tôi rằng:

“Anh Khang, em có cái quẹt nè.” (Trong các chú tiểu ở viện, chỉ có mình Sung là xưng anh, em với tôi; các chú kia thì xưng chú với tôi).

Vừa đi vừa quay qua, ngó cái hộp quẹt trên tay Sung, tôi nói:

“Thì sao? Có gì lạ đâu?”

Sung đề nghị:

“Mình đốt cái gì chơi đi. Còn có một cái diêm thôi à. Đốt một cái rối vứt hộp diêm cho khỏe, bỏ trong túi hoài mệt quá à!”

“Thì vứt đi, có một cái diêm mà tiếc làm gì!”

“Vứt uổng, đốt cái gì chơi cho vui đi mà.”

Tôi chỉ tay vào một bụi cỏ nhỏ, nói không suy nghĩ:

“Thì đốt đại cái bụi cỏ này đi.”

Sung liền đặt cái xô của chú xuống một bên bụi cỏ nhỏ bên mé đường, sát vách núi. Trên đó chừng một thước là cây cỏ um tùm bao quanh khu tăng phòng trên chóp núi. Bụi cỏ chỗ xanh chỗ vàng, thấp chừng hai gang tay nhưng rậm, mọc đơn lẻ một mình một cõi. Đốt một bụi cỏ chơi thì có hại gì đâu, tôi nghĩ vậy. Bụi cỏ này mà không đốt thì chủ nhật này, các thầy ở viện ra làm công tác, dọn sạch đường núi này, cũng phải mất công cuốc hay nhổ nó mà thôi. Tôi đứng chờ Sung đốt. Cây diêm tốt lắm, chỉ quẹt một cái là cháy. Sung đưa lửa diêm vào gốc cỏ, lấy tay che gió một lúc để bảo đảm là lửa cháy bén lên; rồi không đợi lửa cháy hết bụi cỏ, Sung và tôi tiếp tục đi.

Đến chùa Tỉnh hội, Sung dẫn tôi vào dãy nhà tắm cũ của tăng chúng nơi đây. Nghe nói còn có nhiều nhà tắm và nhà vệ sinh khác ở các dãy tăng phòng mới cất nữa. Dãy nhà tắm cũ thì ít người sử dụng, nên việc tắm giặt có vẻ thoải mái hơn, khỏi phải chờ đợi. Chúng tôi cởi áo quần ra, chỉ mặc quận đùi, bỏ hết đồ dơ vào xô rồi lo giặt trước, sau đó mới vào buồng tắm, tắm chung. Trong buồng tắm có một hồ nước lớn ăn thông qua buồng tắm kế bên, tức là hai phòng tắm xài chung một hồ. Sung bày trò: nhảy luôn vào hồ nước mà tắm cho sướng. (Cài trò này về sau chúng tôi vẫn còn áp dụng nhiều lần khi bể nước lớn trong nhà tắm công cộng của viện có thể chứa đầy nước sau mùa hè. Bể nước đó chiều ngang một thước rưỡi, chiều dài hai thước rưỡi, chiều cao một thước, thật lý tưởng để bọn tiểu chúng tôi nhảy vào lặn hụp, sau đó xả hết nước dơ trong bể ra ngoài mà thay nước mới vào. Thật uổng công các thầy lo tiết kiệm nước!). Trời nóng nực, nghe ý kiến của Sung cũng hay hay, tôi gật đầu đồng ý nhưng vẫn còn sợ bị phát giác. Tôi nói:

“ Lỡ có ai vào tắm ở buồng kế bên, bắt gặp tụi mình nhày vào hồ là chết đó!”

“Không sao đâu, để em qua phòng bên đó, coi như anh một phòng, em một phòng, đâu có ai vô được mà biết!”

Nói rồi, Sung nhảy vào hồ, hụp xuống nước, lòn qua phía bên kia, cài cửa phòng tắm bên đó lại. Hai chúng tôi thay nhau nhảy vào hồ mà ngâm mình cho mát. Lâu lâu làm chuyện nghịch tặc một chút chắc không can gì. Buồng tắm là thế giới riêng tư có cửa đóng then cài, ai biết được ai bên trong và đang làm chuyện gì! Thôi thì mùa hè nóng nực rít rắm trong người, sẵn hồ nước trong mát, ta cứ trầm mình cho sảng khoái cuộc đời chay tịnh! Đang tắm thoải mái như vậy thì có tiếng gõ cửa, tôi rón rén chui ra khỏi hồ. Sung ở buồng bên kia, tôi ở lại buồng này, lên tiếng với người gõ cửa:

“Mô Phật, ai đó?”

Có tiếng bên ngoài nói lớn, chắc là của một thầy nào:

“Ai tắm mà lâu quá vậy? Cho người khác tắm với chớ!”

“Dạ, con ra liền!” tôi nói vậy rồi mới giật mình, chưa dám ra vội, vì hồ nước nãy giờ hai đứa nhảy vào tắm đã dơ không lẽ để cho người khác vào tắm, dội nước lên đầu lên cổ, coi sao được. Nhất là để các thầy tắm nước dơ của mình, tổn phước chết! Tôi bèn tháo cái nùi giẻ ở sát đáy hồ để xả nước ra. Nhưng cũng phải xả ra nhè nhẹ, từ từ, kẻo người ở ngoài có thể biết. Muốn vậy phải lấy chân chận bớt, cho nước tuôn ra từng chặp. Bên kia, Sung cũng lấy gáo múc bớt nước trong hồ, đổ tháo ra nền đất. Cạn hồ rồi, chúng tôi xả một ít nước từ vòi xuống đễ rửa sơ qua một lượt toàn thành hồ, sau đó mới đậy nùi giẻ lại, cho nước chảy thật mạnh vào hồ. Đến lúc đó mới dám mở cửa bước ra. Nhưng vị thầy nào đó, nãy giờ chờ đợi lâu quá, đã đi đâu mất. Chắc là tìm qua dãy nhà tắm khác. Hú hồn! Tôi và Sung lo thu dọn đồ khô đồ ướt chuẩn bị ra về. Bỗng thấy Dũng và Kính chạy rần rật tới. Dũng gặp chúng tôi đi ngược chiều thì dừng lại, thở hổn hển, nói:

“Cháy núi! Cháy nguyên cả một đám dưới dãy nhà mới. Quý thầy phải bỏ lớp, tập trung lại chữa cháy. Ghê quá!”

Tôi hoảng kinh, đoán rằng có thể ngọn lửa đó do Sung đốt chơi bụi cỏ khi nãy. Tôi định hỏi thêm cho chắc, nhưng chưa kịp mở miệng thì Kính nói thêm:

“Ui chao, mấy thầy nói bắt được ai đốt là đập cho một trận.”

Sung tái mặt chẳng nói được tiếng nào. Tôi hỏi:

“Vậy bây giờ đã hết cháy chưa?”

“Lúc tụi này đi ngang qua thì chữa gần xong rồi. Ngay chỗ khúc đường quanh gần tam cấp lên nhà mới chớ đâu!”

Tôi giữ giọng bình thản nói với Sung:

“Thôi tụi mình về mau, coi có phụ giúp mấy thầy được không.”

Sung nói giọng yếu xìu, mặt không còn chút máu:

“Đi.”

Dũng và Kính vào nhà tắm, tôi và Sung vội vã về viện. Vừa đi Sung vừa năn nỉ tôi:

“Đừng nói ai em đốt hết nghen. Em đâu có cố ý.”

“Đâu phải một mình chú có lỗi. Tôi cũng có lỗi. Lỗi tôi còn nặng hơn vì tôi xúi chú đốt bụi cỏ đó. Chắn chắn là không nói cho ai biết được. Thầy mà biết là cả hai đứa mình bị đòn xong còn bị đuổi về nhà nữa chứ chẳng phải chơi.”

Sung nghe vậy mới yên tâm, hoàn hồn, vì nãy giờ chú ấy cứ nghĩ là một mình chú làm, một mình chú chịu. Chú cũng sợ rằng tôi sẽ mét chuyệt đó với quý thầy.

Đi một đoạn đường đồi, tôi thấy khoảng núi bị cháy làm trống cả mặt trước của dãy tăng phòng trên cao. Từ phía trên nhà mới và dưới đường đồi bây giờ có thể nhìn thấy nhau rõ, không có cây cỏ gì ngăn che nữa. Một đám cháy lớn chứ chẳng phải vừa. Đám cháy đúng là bắt lửa từ bụi cỏ nhỏ mà chúng tôi đốt khi nãy chứ chẳng sai chạy vào đâu. Tôi và Sung đi ngang khoảng cháy còn nóng hực hơi lửa, vậy mà hai đứa như cảm thấy lạnh run. Một vài thầy hãy còn dùng cành lá mà đập các đốm lửa nhỏ còn cháy đâu đó trên núi. Vài thầy khác rưới nước quanh khoảnh sân trước tăng phòng. Tôi và Sung đi khuất rồi mà chưa hết khiếp sợ.

Xế chiều, thầy tôi đứng từ hiên nhà khách nhìn ra khoảng núi bị cháy, buột miệng nói:

“Một đốm lửa sân hận nhỏ có thể đốt cháy cả rừng công đức.”

Đó là một câu trong kinh Phật. Dĩ nhiên thầy chẳng ám chỉ gì tôi hay Sung. Làm sao thầy biết được! Thầy chỉ thấy đám cháy mà nhớ tới một câu kinh Phật vậy thôi. Nhưng nghe thầy nói, tôi thấy nhột trong lòng lắm. Tôi tìm gặp Sung, nói:

“Chiều nay tụi mình phải sám hối mới hết cái tội khi sáng.”

“Đừng, đừng có sám hối, vì làm như vậy mấy thầy biết đó. Lỡ mấy thầy hỏi tại sao sám hối thì sao?”

“Sám hối thầm thôi chứ ai bảo làm rộn lên bao giờ! Sẵn thời kinh công phu chiều có tụng Hồng Danh Bửu Sám, hai đứa sám hối luôn.”

Vậy đó mà chuyện đốt núi lửa được giữ kín giữa tôi và Sung, không ai khác biết đến. Đâu chừng một hai tuần thì cái chuyện khủng khiếp tưởng như không bao giờ quên cũng được mấy thầy và mọi người trên viện cho vào quên lãng, không nhắc tới nữa. Cỏ non lại đâm chồi mọc lên. Các cành khô lại từ từ nhú mầm. Vài tháng sau thì chỗ khoảng cháy đó lại xanh um, không còn dấu vết gì của một trận lửa xảy ra. Nhưng trong lòng tôi vẫn như còn bỏng cháy với nỗi ray rứt hối hận.

 

a

 

Một sáng chủ nhật nọ, thầy quản chúng có công tác đặc biệt cho bọn tiểu chúng tôi. Sau khi làm công tác thường nhật, chúng tôi tập trung tại phòng thầy quản chúng để nhận thêm công tác mới cho ngày chủ nhật đó. Tôi, Kính và Sung được cắt đi tưới cây và các chậu kiểng trước sân chùa. Có một cái vòi và cái bể nhỏ chứa nước ở bên trái lầu trống của chánh điện. Chúng tôi xả cho nước vào đầy hồ rồi lấy xô xách đi tưới. Nước mùa hè khan hiếm, học tăng của viện phải đi tắm giặt xa nhưng các cây kiềng trước sân chùa thì phải tưới kẻo bị chết khô.

Đang tưới mấy chậu kiểng dọc hai bên tam cấp dẫn lên dãy tiền điện, tôi bắt gặp một con rắn đang trườn chậm dưới chân chậu kiểng rồi núp dưới đó. Sợ các chú khác không thấy, bước qua bước lại rồi bị cắn, tôi báo cho các chú biết. Tôi là dân thành phố, lâu nay đâu có thấy con rắn thật bao giờ, nên trong lòng cũng hơi sợ. Nhưng Kính và Sung thì không chút sợ sệt. Không những không né tránh hay xua đuổi con rắn, các chú còn rinh dẹp chậu kiểng qua một bên rồi lấy cái xô không, úp con rắn lại. Tôi la lên:

“Sao không đuổi nó chạy mà còn úp nó lại làm gì?”

Kính nói:

“Bắt nó chơi.”

Sung phụ họa:

“Lấy dây cột nó lại.”

Rồi Sung đi tìm dây, Kính đứng giữ con rắn. Tôi thấy lo lo trong lòng mà chẳng biết nói sao. Chỉ một lát sau, Sung quay trở lại với một sợi dây ni-lông dài. Sung thắt một cái thòng lọng. kiểu thắt gút cổ chó, rồi bảo Kính hé miệng xô ra một tí. Con rắn thấy có đường liền ló đầu ra, Kính liền chận cái xô lại, kèm chặt một khoảng ngang khúc đầu con rắn. Sung tức tốc tròng thòng lọng vào đầu rắn, xiết chặt cái gút lại. Sung nắm đầu sợi giây, kéo rắn chạy ra khoảng đất trống. Tôi la lên:

“Chơi gì kỳ cục vậy! Thả nó ra đi!”

Sung không nghe, cứ kéo con rắn chạy vòng vòng. Kính chạy đuổi theo, miệng cười toe toét có vẻ thích thú lắm. Con rắn bị lôi đi, đầu mình nó cạ trên nền đất trông thật tội nghiệp. Dù thấy con rắn có vẻ hiểm ác, tôi cũng không sao vui thú nhìn nó bị hành hạ như vậy. Nhưng tôi cũng không cản gì các chú ấy được. Lững thững, tôi bước theo nhìn các chú đùa giỡn với con rắn mà thấy buồn buồn trong lòng. Sung chạy được hai ba vòng thì Kính đòi kéo rắn. Chú này còn nghĩ ra cách chơi độc địa hơn Sung một bậc: chú không kéo con rắn chạy vòng vòng nữa mà nắm đầu giây qua tít con rắn một hồi – kiểu như các tay cao bồi Mỹ quay giây trước khi phóng thòng lọng vào cổ bò. Rồi Kính đem con rắn tới cái bể nước nhỏ, nhận nước con rắn. Tôi bất mãn la:

“Thôi, vừa vừa thôi, chơi gì ác quá vậy! Thả nó đi.”

Kính thấy tôi cứ lẽo đẽo theo sau đòi thả con rắn thì muốn chọc tức tôi thêm, lôi con rắn đi xềnh xệch xuống đường núi lởm chởm đá. Sung chạy theo đòi lại con rắn, nói rằng đã tới phiên chú. Kính xoay qua chọc tức Sung, kéo con rắn chạy thật nhanh ra xa cho Sung đuổi theo. Con rắn lăn lóc theo sức kéo nhanh của Kính. Sung đuổi kịp, nắm đầu giây kéo con rắn chạy trở về. Tôi ngồi ở bậc tam cấp bên trên nhìn xuống, thấy con rắn bị trầy sướt khắp mình. Khi hai chú ngừng lại một chút để nghỉ mệt thì con rắn cũng ngất ngư, chẳng buồn nhúc nhích nữa. Vừa lúc đó, có thầy Niệm từ chánh điện bước ra. Có lẽ nge tiếng hò hét của chúng tôi nên ra xem thử chuyện gì xảy ra. Thầy hỏi tôi, tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thầy gọi hai chú:

“Ê, chú gì đó? Thả con rắn đi.”

Sung, Kính ngó lên thấy mấy Niệm thì lại tiếp tục kéo con rắn chạy thêm một đoạn. Có lẽ các chú biết thầy ấy không đánh phạt các chú bao giờ nên chẳng sợ. Thấy lời mình chẳng hiệu lực, thầy cũng im luôn, và thầy ngồi đó với tôi, quan sát các chú chơi rắn. Chơi chán rồi, các chú đem thả con rắn ở một bụi rậm dưới chân núi rồi quay trở lên. Thầy Niệm chờ các chú lên, nói một câu với giọng không được nghiêm khắc lắm, một câu mà các chú nghe xong cũng chỉ cười:

“Mấy chú này hoang quá. Kéo nó chạy như vậy thì chết con người ta rồi còn gì!”

Kính cười cười đáp:

“Đâu có chết, bạch thầy.”

Sung nói:

“Cho nó chết luôn cũng được, chứ không nó cắn mình sao thầy.”

Thầy nói:

“Đuổi nó đi xa được rồi. Hoang quá!”

Thầy nói nhỏ nhẹ như vậy thôi rồi quay vào. Chúng tôi tiếp tục tưới cây.

Đến chiều, tôi đang ngồi ôn bài trong giờ phóng tham thì thầy tôi gọi tôi vào Tổ đường bảo quỳ xuống. Tôi chẳng biết chuyện gì, nhưng cứ quỳ đó mà chờ thầy dạy. Thầy có vẻ giận. Rồi thầy thầy bảo Sáng chạy đi kêu Sung và Kính. Bấy giờ, tôi mới nhớ lại chuyện con rắn khi sáng. Mười phút sau, Kính và Sung có mặt tại Tổ đường. Lúc đó thầy mới lớn tiếng bảo cả ba chúng tôi nằm dài xuống nền đất.

“Hồi sáng các chú bắt rắn hành hạ, chơi đủ trò, có không?”

Kính và Sung đều run run nhận tội. Thầy hỏi tôi:

“Bộ chú không có hả?”

Tôi đáp:

“Bạch thầy, không.”

“Vậy chú có mặt suốt thời gian mấy chú kia bắt rắn, giỡn rắn, phải không?”

Tôi đáp phải. Thầy tiếp:

“Sao không ngăn cản lại để cho các chú chơi hoang như vậy?”

Tôi chưa kịp nói thì thầy đã quất roi xuống. Thầy phạt tôi nặng nhất: năm roi. Kính và Sung mỗi chú ba roi. Cứ mỗi roi giáng xuống là Kính la đau, lấy tay xoa đít lia lịa. Sung thì oằn mình, vặn vẹo như con trùn, khóc thét lên:

“Đau quá thầy ơi, đau quá thầy ơi!”

Tôi thì lâu nay vẫn lì đòn, nên thầy quất năm roi tôi cũng chỉ rung người lên một chút, bặm môi chịu trận, không rên không khóc. Nhưng trận đòn này, quả là oan ức cho tôi, tưởng chừng không sao chịu nổi. Thầy không cho tôi nói tiếng nào. Sau khi phạt đòn chúng tôi, thầy còn bắt ba đứa quỳ một cây nhang trước bàn thờ tổ. Không phân giải được sự việc, tôi bất mãn vô cùng. Buổi tối, lúc tôi vào quét dọn phòng, thầy hỏi:

“Con có biết tại sao thầy đánh con năm roi mà các chú kia chỉ ba roi không?”

Tôi biết đây là lúc có thề biện bạch cho mình được, nhưng tự dưng tôi chẳng muốn nói gì. Cái bướng bỉnh con nít trong tôi nó xúi tôi làm vậy. Tôi đáp:

“Dạ không biết.”

Thầy im một lúc rồi nói:

“Giới thứ nhất của năm giới mà con đã thọ có nói rằng, không được tự mình giết hại, xúi người khác giết hại hoặc thấy kẻ khác giết hại mà lòng mình vui theo. Chuyện các chú ấy làm, con vui theo, mà vui theo có nghĩa là giết hại bằng ý nghĩ. Trong ba nghiệp thân, miệng và ý thì ý đứng hàng đầu. Đó là lý do mà thầy phạt con nặng hơn các chú kia.”

“Con…” tôi định nói là chẳng những tôi không vui theo mà còn ngăn cản các chú ấy nữa. Nhưng tôi lại cứng họng, chẳng muốn nói nữa. Thấy tôi ngâp ngừng rồi nín bặt, thầy nghĩ sao đó lại nói tiếp:

“Nếu con không có ý vui theo thì đáng ra con phải hết sức can ngăn các chú ấy. Can ngăn không thành có nghĩa là chưa hết lòng.”

Thầy nói như vậy thì tôi không còn gì để bàn cãi nữa. Phải, tôi đã không ngăn cản hết lòng. Nếu tôi nhảy ra giựt sợi giây, hoặc thụi cho mỗi chú một đấm, có lẽ các chú đã chịu thả con rắn. Nhưng đánh lộn với các chú ây, chắc lại mang cái lỗi ấu đả, làm kinh động chúng tăng, mất không khí hòa hợp trong chùa. Hơn nữa, làm chú tiểu mới xuất gia, tôi chưa hề nghĩ rằng mình có thể vung tay vung chân đấm đá ai, nói gì các chú tiểu đồng tu với mình.

Lời thầy dạy làm tôi chợt nhớ tới thầy Niệm. Khi sáng, các chú kia bắt rắn, thầy Niệm cũng có mặt, cũng can ngăn, y hệt như tôi chứ chẳng khác chút nào. Vậy đó rồi thầy vào trong thưa lại với thầy tôi thế nào đó, mà cả tôi là người đứng ngoài cùng bị đòn oan. Bây giờ, nghe thầy tôi dạy rồi, tôi không còn mang mối bất mãn trong lòng về cách xử phạt của thầy nữa. Nhưng với thầy Niệm, trong tôi hãy còn chút mặc cảm gì đó. Tôi không phục. Điều này phải để trong bụng, không thể nói ra được. Sự bất kính của một chú tiểu đối với một vị tăng là điều không nên chút nào trong luật chùa, tôi học được điều đó trong bộ luật Sa-di. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không ôm lòng bất kính đối với thầy ấy, nhưng thật khó. Tâm hồn trẻ thơ như miếng đất dẻo, cái gì nặng nề đặt lên cũng để lại dấu vết lâu dài. Tiếc thay thầy ấy đã khiến tôi trở thành một kẻ nhỏ mọn vì không quên được chuyện cũ trong một thời gian rất lâu.

Dù đã có những lúc tôi bị cuốn theo những trò vui hay sự nghịch ngợm của tuổi trẻ, nhưng rõ ràng là tôi đã dần dần khép mình vào giới luật của nhà Phật cũng như nội quy của viện một cách ngoan ngoãntương đối dễ dàng. Có lẽ đó cũng nhờ sự uốn nắn trực tiếp của thầy tôi, mà cũng có thể do vì cái tâm nhẹ dạ, hẹp hòi và rất ư cổ điển của tôi – cái tâm ham chuộng tự do, nhưng cũng sẵn sàng chết sống cho sự tuân thù những qui ước, luật lệ.

 

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2020(Xem: 11753)
30/09/2012(Xem: 10071)
30/08/2014(Xem: 6396)
06/06/2019(Xem: 15086)
01/10/2013(Xem: 7342)
01/10/2013(Xem: 5542)
02/11/2023(Xem: 2100)
02/04/2024(Xem: 851)
26/10/2021(Xem: 4570)
02/07/2024(Xem: 1151)
27/09/2015(Xem: 4880)
03/10/2022(Xem: 3268)
23/09/2018(Xem: 9523)
01/06/2023(Xem: 3141)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.