Thầy Trần Tiễn Hy, Một Y Sư Xứ Huế

27/10/20172:17 SA(Xem: 9422)
Thầy Trần Tiễn Hy, Một Y Sư Xứ Huế
THẦY TRẦN TIỄN HY, MỘT Y SƯ XỨ HUẾ
 Nguyễn Xuân Chiến 

THẬT LÀ KHÓ KHĂN khi phải viết về một người mà mình kính mến mà lại gần gũi, quen thân đến độ nhiều khi không cần nói ra mà đã hiểu nhau nhiều.

Tôi vô cùng sung sướng pha lẫn chút tự hào khi được làm quen với Y sư Trần Tiễn Hy, một bậc niên trưởng kỳ cựu trong giới Đông Y và Đông Dược. Sau đó một thời gian ngắn, tôi được làm lễ bái sư, chính thức làm đệ tử của Thầy. Chuyện như thế này:

Khoảng năm 1980, tôi bị sái tay, tuy không đau nhức lắm, nhưng cánh tay không thể đưa lên cao hoặc không thể vòng tay lại phía sau. Chẳng trở ngại gì cho bản thân, nhưng kẹt một nỗi là không được làm bất cứ việc gì. Vợ tôi đòi chở lên bệnh viện. Tôi gạt phắt: Không đi đâu hết! Bệnh viện gì mà ống thuốc cầm máu cũng không có, thuốc tê cũng phải mua ngoài, bệnh nhân phải chạy lòng vòng ngõ sau, may ra…

May mắn thay, anh Quang, bạn hàng xóm qua chơi, thấy tôi bị sái cánh tay, bảo:

- Tui sẽ đưa chú đến một chỗ này chữa bệnh, bảo đảm 5 phút lành liền, không nói oong-đơ gì cả. O.K?

Tôi mừng quá:

- Thiệt không? Mà anh định đem tôi đi đâu?

Anh Quang dõng dạc đứng dậy:

- Ông Thầy Hy. Ở làng Minh Hương. Bao Vinh đi về độ một cây số. Hỏi ông Y Sư Trần Tiễn Hy mà ai không biết!

- Ôi chào! Ông Thầy ni thì tui nghe tiếng đã lâu, mà lâu ni ham buôn bán lu bu nên chưa gặp được!

Ông Thầy Hy nổi tiếng bác học đến nỗi anh Chư, một người chuyên đi tụng niệm trong Nhóm Bác Siêu cũng biết, qua những câu chuyện truyền kỳ được đồn đại trong dân chúng. Từ những chuyện chữa lành bệnh nhân một cách thần tốc, cho đến chuyện Ông Thầy Hy chuyện gì cũng biết, gần như là “thông thiên đạt địa”. Đến nỗi những nhà “Huế học” cũng mon men làm quen để xin các tài liệu về thời Nhà Nguyễn.

Anh Chư từng tuyên bố nửa đùa nửa thật:

- Hãy đem đến đây một ít lòng trắng trứng gà để bôi cho trơn cổ họng, Ông Thầy Hy sẽ nuốt trọn quả đất này cho xem!

“NAN TÍN CHI PHÁP”!

Vì không thể tự lái được, tôi leo lên phía sau xe đạp để anh Quang chở, người Bắc thì gọi là đèo. Và 15 phút không lâu, qua khỏi chợ Bao Vinh, tôi đã đến làng Minh Hương thuộc xã Hương Vinh và đứng trước nhà cụ Trần Tiễn Hy.

Đây là một căn nhà bề thế, khang trang, xây trước năm 1975, tọa lạc trong một khu vườn khá rộng, đủ thứ cây trái, đặc biệt là trồng đủ loại cây thuốc. Phía căn nhà trên, chính giữa là gian thờ tự: thờ Phật và thờ Tổ sư Hải Thượng Lãn Ông. Bên trái là chỗ ở của Cụ Hy. Bên phải là phòng đọc sách lẫn tiếp khách, khám bệnh.

Căn nhà dưới rất rộng, chia nhiều ngăn, mỗi ngăn có nhiều giường dành riêng cho bệnh nhân châm cứu, do cô Như Khuê – con gái lớn cuả cụ Hy phụ trách. Tôi là bệnh nhân cần điều trị khẩn trương nên vào gặp cô Như Khuê trước hết. Đúng như lời anh Quang quả quyết, cô Như Khuê chữa trị dễ dàng. Chỉ châm năm bảy huyệt vị trên vai, lưng và cánh tay. Khoảng mười phút, rất nhanh, cánh tay đã bình thường trở lại.

Người khác thì có lẽ xong việc chữa bệnh, họ sẽ về nhà - thời đó mọi người đều sinh hoạt cấp bách - nhưng tôi đã từng ao ước diện kiến một người Y sư, vừa là người đại diện cho tầng lớp “Huế xưa” còn được gọi là “người Huế rặt”, để mở rộng nhãn quan cũng như tăng trưởng kiến thức.

Vậy, chữa bệnh đã xong, tôi cùng anh Quang lên nhà trên để bái kiến Thầy Hy. Tôi chắp tay, lễ phép chào:

- Thưa Thầy ạ!

Thầy Hy mở mắt kính ra:

- Chào anh, mời anh ngồi và dùng trà!

Ngối xuống ghế, tôi kính cẩn hỏi:

- Thưa Thầy, Thầy khỏe không ạ?

Thầy rót nước ra cốc:

- Cũng tạm thôi, trên bảy mươi rồi mà!

Tôi bưng tách trà và uống từng ngụm nhỏ.

- Con nghe Thầy thực hành đông y nhưng cũng nghiên cứu Phật học nữa. Trong hai thứ này, cái nào là “nghề tay phải” và cái nào là “nghề tay trái”, thưa Thầy!

Thầy cười vui:

- Chậc! Cái anh này cũng tìm hiểu về tôi khá kỹ. Nói đúng ra, tôi nghiên cứu Đông y từ khi còn rất trẻ, khoảng trên năm chục năm nay. Lại còn lăn lộn trong nghề châm cứu và đông dược, nên bắt buộc mày mò học hỏi sao cho thấu đáo, trước hết là tự chữa bệnh cho chính mình, rồi mới chữa cho người khác để khỏi sơ xuất khi chữa bệnh.

Còn Phật học thì chỉ mới tìm hiểu khi đã giác ngộ lẽ vô thường của cuộc đời, mới hai mươi năm trở lại thôi! Nhưng cũng đủ hướng dẫn cuộc đời của mình theo ánh sáng minh triết vô cùng cao siêu và huyền nhiệm của đức Phật.

- À, thưa Thầy, giữa đông y và Phật pháp có gì tương quan với nhau không?

Thầy gật gù:

- Phải nói rằng, Phật pháp vô cùng cao siêu,  tuyệt bậc, đã giúp tôi đi sâu vào đông y hơn. Vâng, tôi mạn phép khuyên anh rằng: đã không biết đạo Phật thì thôi, nếu lỡ biết rồi thời phải nghiên cứu thật rộng rãi nhưng cũng không quên thực hành kiên trì và chắc thật. Chà, nghĩa là tôi muốn nói là, Đạo Phật chú trọng việc hành trì mà không thể bỏ qua việc học. Anh hiểu ý tôi chứ?

Lại nữa, đức Phật là một vị thầy thuốc chữa “bệnh khổ” một cách toàn diện, nhưng không phải như các ông bác sỹ bây giờ đâu chỉ lo chạy chữa mấy cái bệnh lặt vặt. Cho nên Ngài phải được tôn xưng là Đại Y Vương mới phải, bởi vì trí tuệ của đức Phật mang lại lợi ích cho ngàn vạn đời sau, cái nhìn của Ngài thông suốt cả trăm triệu thế giới.

Tôi tin và theo đức Phật bởi vì ánh sáng trí tuệ vĩ đại của Ngài đã xoay chuyển và cứu vớt đời tôi. Ngài đã giúp chúng tôi nhìn thấy khả năng hạn chế của một người thầy thuốc.

Cho nên, lâu nay thường thì bệnh nào chữa cũng khỏi. Nếu có những bệnh chữa độ ba ngày mà có vẻ khó lành. Tôi buộc các bệnh nhân phải sám hối bằng cách ăn chaytụng kinh Thủy Sám, rồi mới châm cứu và uống thuốc bắc.

Tôi muốn hỏi cho ra lẽ:

- Thưa Thầy. Tại vì răng rứa?

- À, chúng tôi chỉ chữa lành các thứ bệnh bình thường của con người. Như do ăn uống sai lầm, do làm việc quá sức, hoặc ăn chơi quá độ. Nhưng, có nhiều bệnh do Nghiệp Lực từ nhiều đời, lắm kiếp mà con người không thể cậy sức mình có thể chạy chữa được. Muốn lành bệnh, bắt buộc phải cầu viện sức hộ trì của Bồ-tát, của chư Phật, của các bậc vô hình ở xung quanh chúng ta. Bằng cách giải thích nguồn căn của bệnh trạng để cho họ hiểu và sau đó phải thành tâm sám hối cho tội lỗi tiêu trừ bớt đi, rồi phóng sanh, làm nhiều việc thiện, bố thí, ăn chay… để tăng thêm phước báo. Thực hiện các điều kể trên xong, chúng tôi mới tiếp tục châm cứu và bốc thuốc.

Trường hợp có những người gàn bướng, hay chủ trương duy vật, không chịu vâng theo cách giải quyết tâm linh, không tin những cái vô hình, thì chúng tôi khuyên bảo họ ra về, hoặc tìm vị thầy thuốc khác! Quả là “Nan tín chi pháp”!

Bỗng, một người con gái lớn tuổi, tức là chị Như Khuê, mang vào một cốc nước lọc và mấy viên thuốc:

- Ba uống thuốc đi! Cứ ham nói chuyện đến nỗi quên cả uống thuốc…

Quay sang tôi, chị Như Khuê ân cần:

- Anh cứ ngồi chơi với Ba tui, Không răng hết. Ba tui thích nói chuyện lắm, nhất là có người ưa nghe, mặc dù về già thì sức khỏe chẳng còn bao nhiêu. Ông cứ ham nói chuyện cả ngày như rứa, cho nên tối đến thì kêu mệt, thở không nổi, khiến tui phải châm cứu và cho uống thuốc lu bù mới qua khỏi…

Thầy Hy bị con gái la ngầy, mặt mày hơi ốt dột, nốc mấy viên thuốc xong, nói cùng tôi:

- Kệ, chúng mình cứ nói chuyện như thường. Hắn thương tui mới la ngầy như vậy.

Chừ thì chúng ta trở lại chuyện Phật pháp. Úi chào! Ông Phật thật vô cùng tài giỏi và thương yêu chúng sanh. Để tôi kể anh nghe vài chuyện thôi. Những chuyện khác xin hẹn bữa sau.

Anh biết không? Tại sao ông Phật không cho phép các đệ tử ăn thọ thực vào buổi tối? Đồng ý một phần vì giới luật, nhưng thật ra, đức Phật là người thầy thuốc vĩ đại, Ngài thấy rõ, nếu các đệ tử nhịn ăn buổi tối thì thật vô cùng lợi ích cho cơ thể và tinh thần.

Trước hết, chừa bỏ tính tham lam nơi mỗi con người nói chung, nơi người tu hành theo Phật nói riêng. Đây là Giới.

Còn về lợi ích thì chúng ta phải nhớ rằng, nhịn ăn buổi tối làm thân thể thư thới, khỏe khoắn, dễ nhập vào thiền định. Lợi ích thứ hai là: Nhịn ăn buổi tối là để cho cơ thể thanh lọc máu và tẩy trừ một số chất độc tích chứa trong gan, ruột, phổi phèo… Người ta chỉ thấy ăn uống là sự cần thiếtđồng ý – nhưng có cái cần thiết hơn, đó là nhịn ăn. Anh nghe kịp không và hiểu kịp không?

ĂN NÓI PHẢI PHÉP, NGHĨA LÀ CÓ VĂN HÓA

Quay sang anh Quang, Thầy đon đả:

- Hai cụ ở nhà vẫn được khỏe mạnh chứ?

Anh Quang quen thói ăn nói cộc lốc:

- Cha tui chết rồi. Còn mạ tui buôn bán ở quê…

Thầy Hy bỗng lắc đầu:

- Xin lỗi! Anh nói thế nghe không được chút nào! Con chó con mèo mới chết. Còn nói về ông cụ thì phải nói là: “Cha tôi đã qua đời”. Ăn nói như vậy mới phải phép!

Anh Quang gân cổ lên cãi:

- Cần chi? Ăn nói sao cho người ta hiểu thì thôi. Quan trọng chi cái chuyện phải phép hay không phải phép?

- Ồ, không phải rứa, anh Quang à! Ăn nói chứng tỏ tư cách, nền nếp và trình độ văn hóa của mình. Người Huế xưa nay rất quan trọng việc ăn nói.

Một người có chữ nghĩa, thì không thể ăn nói như gã vô học. Một người đã đỗ đạt, sắp sửa làm quan thì không bao giờ ăn nói như phường đá cá lăn dưa. Một người lịch duyệt, hào hoa phong nhã cũng không thể ăn nói như tên nhà quê mới lên tỉnh. Ngôn ngữ mà anh đang sử dụng ra sao, sẽ chứng tỏ anh thuộc thế giới nào, đẳng cấp nào và anh thuộc về hạng người nào.

Anh Quang cảm thấy mình khó lòng cãi chầy cãi cối với một bậc trí thức hơn mình xa chừng, anh ta bắt đầu xuống giọng:

- Rứa thì… rứa thì theo thầy là phải ăn nói mần răng mới đúng? Phải ăn nói như người Huế xưa, ăn nói đài đệ, quan cách, quý phái… như “các mệ trong hoàng tộc” mới đúng hay sao?

- Chúng ta là những người có học vấn, có hiểu biết, thì phải ăn nói sao cho phù hợp với con người của mình. Không phải người hoàng phái nào cũng biết ăn nói, nếu họ không chịu học và tập tành cho thành nề nếp.

 Ví dụ: Ông cụ thân sinh của anh qua đời, nếu anh là Phật tử, anh có thể nói: Ông thân của tôi đã vãng sanh Cực Lạc. Nếu anh là người Công giáo thì nói: Thân sinh tôi đã về Nước Chúa. Thiếu gì từ ngữ để chúng ta có thể sử dụng, như: Cha tôi đã mãn phần, đã về với ông bà, đã cỡi hạc quy tiên… vân vân… Chứ ai lại dùng từ ngữ “Chết” có vẻ thô lậu, xấu xí, mang tính cách hình sự, sống sượng, không hay ho chi!

Thay vì nói: Mời ông ăn cơm! Nghe có vẻ kém văn học, thiếu sự ân cần, kính trọng. Người Huế thường nói: “Mời ông thời cơm!” “Mời ông dùng bữa”, xem ra người nói và người nghe đều có tư cách và biết tôn trọng lẫn nhau…

Nhiều người nghĩ rằng, sống là chỉ làm giàu, cần có nhiều tiền là đủ. Nhưng, tùy theo cách sống của anh, trước nhất là ăn nói, mà người ta đánh giá con người anh là hạng người nào.

Người Huế có tri thức đều ăn nói phù hợp với tư cách của mình, hạng người Huế này thường tập trung vào gia đình quan lại xưa, những người có học, giới sĩ phu, văn nhân, khoa bảng, những nhà quyền quý đang nỗ lực lưu giữ cốt cách của mình, những người giàu mới nổi, những nhà bình dân nhưng muốn trở nên quý phái hơn… Không sao, miễn là họ đang cố gắng học cách ăn nói cho phải phép đối với xã hội.

Chúng tôi ngồi im lặng để nghe Thầy Hy thuyết trình về đề tài Ăn Nói, đã không đóng tiền học phí, rồi còn tặng thêm mấy ấm trà ngon.

Bỗng có tiếng lao xao ngoài ngõ, rồi một giọng nói quen thuộc vọng vào.

- Tụi bây ơi, Anh Dung vừa chở “con mái” nào đi ngang qua đây!

Thầy Hy nghe và nhận ra giọng nói của ai. Thầy cất tiếng rầy la:

- Đứa nào ăn nói bậy bạ như vậy?

Anh Quang trả lời:

- Chắc có lẽ thằng Lâm học nghề!

Thầy Hy quát:

- Gọi hắn vô đây cho tui!

Cậu Lâm khúm núm đi vào:

- Thưa Thầy, có chuyện chi rứa?

- Có phải anh vừa nói cái gì mà… Anh Dung vừa chở con mái nào? Phải không?

- Dạ. Bởi vì con vừa chộ anh Dung chở một con mái đi ngang đây. Thưa Thầy, có gì sai trái không ạ?

- Bậy. Anh Dung là bậc trưởng bối của anh. Có thể nói: Anh Dung chở cô gái nào, chở bà già nào. Chứ đời nào một người có ăn có học như anh lại nói thế? Nếu anh Dung chở con mái, tức thì anh Dung trở thành Thằng Đực, vì chỉ có thằng Đực mới đi cặp với Con Mái mà thôi.

Nhà này là nhà văn học, gốc trí thứclương y đã lâu đời. Ngay chính đức hoàng đế Thiệu Trị đã ban tặng bức hoành: THI LỄ THIỆU GIA, khi cụ Trần Tiễn Thành còn sinh thời, vẫn đang treo sờ sờ nơi ngạch cửa kia kìa.

Anh là học trò của gia đình này, phải cố gắng ăn nói cho phải phép. Trước là giữ tư cách cho cá nhân mình, sau là không làm ảnh hưởng tệ hại đến một gia đình mệnh danh Thi Lễ Thiệu Gia…

VÀI DÒNG VỀ Y Sư TRẦN TIỄN HY

Sau buổi diện kiến ban đầu, tôi đã có cảm tình nồng hậu đối với Cụ Trần Tiễn Hy, nhất là, về sau, tôi được hầu chuyện với Cụ, được học hỏi những gì hiếm có và bổ ích cho cuộc sống mình. Quả tình, kiến thức của cụ rất là đa dạng, phong phú và xác thật.

Chỉ cần đạp xe về ngồi bên cạnh cụ, để cụ vừa đãi khách uống trà ngon vừa nói đủ thứ đề tài. Từ ngành đông y, đông dược, đến văn học, sử liệu quý báu của Nhà Nguyễn, bí mật trong cung cấm, hoặc kinh nghiệm chữa trị các bệnh dân gian, đến các toa thuốc đã thất truyền…

Chưa hết, nhiều khi cao hứng, cụ kể những chuyện vui cười dành riêng cho đàn ông, nội dung gây cười, nhưng độc đáo, sâu sắc và bí hiểm và nghe xong thì… cười mãi không quên.

Tôi quen cụ Trần Tiễn Hy từ 1980, sau đó được làm lễ bái sư, quyết theo học đông y để chữa bệnh cho bản thângia đình. Nhưng mới vài năm, công việc làm ăn không cho phép tiếp tục học, đành nghỉ nửa chừng. Thầy cũng tiếc và trò cũng buồn. Phải chăng nhân duyên chừng ấy thôi. Nhưng, mỗi khi rảnh việc, tôi lại tìm về Thầy, khép nép ngồi bên Thầy, nhấm nháp tách trà và nghe kể chuyện. Vợ và con cái (và cả bạn bè nữa) hễ mắc phải bệnh gì, đều đưa về Thầy để cầu mong chạy chữa.

Cho đến mùa xuân 1994, nghe tin cụ mang bệnh nhẹ, bệnh của các người cao tuổi, vội vàng xuống thăm, cùng đi có Chú Hiền.

Khi ấy, cụ đang nằm trên giường bệnh, mắt đã mờ nhưng giọng nói vẫn trong veo như chuông. Nghe người ta bảo: “Có anh G. và anh Hiền ghé thăm.”

Thầy vẫn nằm, nhưng vẫn nói lớn tiếng:

- Hai anh em xuống thăm tui hả? Mời vào. Tui đã 86 tuổi rồi, chắc không còn bao lâu nữa…

Chú Hiền lễ phép thưa:

- Thưa Thầy. Con về thăm Thầy, luôn tiện xin hỏi Thầy một chuyện.

- Chuyện chi? Anh cứ nói!

- Thưa Thầy, con mới được người ta bày vẽ một cách trị bệnh bằng uống nước như sau: Hễ mắc bất cứ bệnh gì, mỗi sáng nên uống 4 lít nước, thì sẽ hết bệnh. Thầy nghĩ sao?

Thầy bỗng lồm cồm ngồi bật dậy:

- Mà anh đã uống 4 lít nước chưa?

Chú Hiền thưa:

- Dạ chưa ạ…

- Cứ uống đi, thì mau chết. Trên thế giới này, không có kiểu chữa bệnh gì kỳ cục như vậy. Tôi sẽ cho anh một toa thuốc. Bảo Như Khuê xem mạch giùm tôi.

Anh em chúng tôi ra về, không ngờ hôm ấy là buổi cuối cùng của cụ trên trần gian này. Sáng hôm sau, lúc 5 giờ sáng, Cô Như Khuê, con gái cụ điện thoại: “Ba tôi đã ra đi hồi 10 giờ tối qua. Rất tỉnh táo. Và liên tục tụng niệm danh hiệu Phật, Nam mô A di đà Phật, trước khi về cõi An Lành…”

SỐ PHẬN HAY ĐỊNH NGHIỆP

Y sư Trần Tiễn Hy là người kỳ lạ, tài năng vượt bậc, dám dẫm đạp lên trên trắc trở cam go của số phận để thành tựu bản thân, rồi giúp ích cho đời một cách hữu hiệu, ngay thẳng, trung chính.

Thời trai trẻ, Thầy ra Hà Nội học nghề, bỗng dưng khám phá chính mình mắc phải bệnh hiểm nghèo. Đành trở lại Huế để chạy chữa. Đông y và cả Tây y dạo đó hãy còn sơ khai, nên Thầy phải lập chí vĩ đại, ấy là: Phải tự mình học cho thành tài để tự chữa cho chính mình, ngoài ra, có thể chữa bệnh cho tất cả những người khác. Và Thầy ra công, gắng sức học cả Tây Y lẫn Đông Y, Đông dược kiêm luôn ngoại khoa.

Đương nhiên, căn bệnh “nan y” kia có thuyên giảm rất nhiều nhưng để lại vài di chứng. Căn phần, nghiệp duyên như vậy, con người phải chấp nhận. Cổ nhân có dạy: Con ngườitài hoa đến mấy đi nữa, vẫn phải chịu thua một cái gọi là Số Phận. Chớ cưỡng cầu, vô ích. Kẻ đạt đạo, thấu rõ lẽ huyền vi, và thông đạt tuần hoàn của vũ trụ, thì luôn an vui với số phận.

Và Thầy của tôi sau này luôn tụng kinhxưng niệm Nam mô A di đà Phật để lòng an lạc, để cho tất cả những thao thức, những xao xuyến của nhân sinh chưa vừa ý, thanh thản đi về Cõi Vô Tri.

Thầy đã để lại cho trái đất đáng yêu và dễ ghét này một sự nghiệp vô cùng đồ sộ, không thể tính kể được: Sự Nghiệp Giáo Dục. Thầy đã tận tâm dạy dỗ và ươm mầm tài năng cho những thế hệ sau, đã đào tạo rất nhiều lương y cần mẫntài hoa, góp mình vào gia tài đông y lẫn châm cứu…

Trong số các đệ tử của Thầy, chúng ta phải kể đến Bác sỹ Đoàn Văn Quýnh với những tác phẩm quý báu trong giới học thuật Việt Nam, lương y nổi tiếng viết nhiều sách nhất: Lê Quý Ngưu, lương y Lê Hữu Mạch, lương y kiêm bác sỹ Đoàn Văn Hân, lương y Trần Tiễn Đức, Trần Tiễn Công, Nguyễn Văn Hiền, Lê Hữu Tâm, …

Tôi may mắn được sống bên cạnh Thầy suốt gần mười lăm năm, vừa cảm phục vừa yêu mến kể mấy cho vừa?

Bây giờ nếu có ai hỏi về ông thầy châm cứu kỳ tài, độc đáo ở vùng Minh Hương, Bao Vinh. Tôi ngẩng cao đầu, hãnh diện thưa rằng:

- Đó là Y Sư Trần Tiễn Hy, thầy của tôi, ân nhân của toàn thể gia đình tôi đó!


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/10/2015(Xem: 6709)
09/11/2020(Xem: 6289)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.