Sống với câu hỏi

15/11/20172:31 CH(Xem: 6390)
Sống với câu hỏi

SỐNG VỚI CÂU HỎI
Nguyễn Xuân Chiến

 

NHỮNG NĂM THÁNG THAO THỨC

 

Ai lớn lên mà không có trăn trở?

Ai hành trì theo đức Phật mà không có thao thức?

Hàng ngàn câu hỏi tràn ngập tâm hồn. Không có ai trả lời. Và vẫn những câu hỏi nầy đên những câu hỏi khác cứ đầy ắp tâm thức!

Người ta nói, tuổi mười lăm là cái mốc quan trọng nhất của cuộc đời, vì từ một thiếu niên ngơ ngác, bắt đầu mở to đôi mắt để nhìn thấy thế giới xung quanh và những ấn tượng sâu sắc ấy sẽ ảnh hưởng sinh hoạt của cả tương lai mấy chục năm sau.

Nhìn các bạn cùng lớp hoặc cùng trang lứa, tụi nó sống khỏe re. Thảnh thơi. Vô tư. Có lẽ tâm hồn chẳng gợn chút sóng lăn tăn. Đi học về, ăn no, ngủ kỹ, chơi đùa, ôn bài rồi ngủ dậy tiếp tục như rứa. Chẳng có chi trăn trở cho nhọc xác. Rứa mà chúng nó vẫn lớn nhanh, trưởng thành, già suy… và lâm bệnh rồi qua đời!

          * * *

Năm mười sáu tuổi, đến trường muộn nên tôi mới học Đệ Tứ trung học, tức lớp 9 bây giờ - vào ngày cuối cùng tôi được nói chuyện cùng Thầy Hoàng Xuân Thiện. Người đã vô tình đặt nền móng xây dựng niềm tin của tôi về đức Phậttư tưởng của Ngài.

Suốt những năm tháng theo học trên nhà trường, tôi đã thọ giáo nhiều người Thầy, nhiều Cô giáo, nhưng chưa hề có vị nào đã để lại trong tâm hồn tôi những ấn tượng kỳ lạ, sâu sắc, cho bằng Thầy Hoàng Xuân Thiện. Ngay cả đến bây giờ, trên đầu đã lai rai tóc muối tiêu, tôi vẫn không quên được vóc dáng, hình ảnh Thầy, giọng nói của Thầy, cốt cách triết gia của Thầy – và nhất là những ưu tư về đạo Phậtcuối cùng là câu hỏi của Thầy!

          * * *

BUỔI GẶP ĐẦU TIÊN

          * * *

Năm 1962, sau lễ khai giảng trường Hàm Nghi, (một trường cấp II, trong khi cả thành phố Huế chỉ có hai trường là Hàm Nghi và trường Nguyễn Tri Phương, còn trường Quốc Học là trường cấp III). Chúng tôi lục tục dẫn nhau vào phòng học. Lúc ấy, lớp tôi Đệ Tứ 5, được bố trí một căn phòng bề thế ở dãy bên phải kể từ phía trước cổng trường nhìn vào. Thế là yên tâm học hành, không phải “học chạy”, nghĩa là nhà trường thấy có phòng nào trống thì thu xếp cho chúng tôi vào học, như các năm trước.

Khi chép thời khóa biểu, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy trong danh sách giáo sư lại xuất hiện một cái tên mới lạ: giáo sư Hoàng Xuân Thiện phụ trách môn Quốc Văn! Có vài học sinh đã biết qua “thân thế và hành trạng của thầy” vì họ có người anh học lớp trên, riêng tôi thì rất cù lần, ít kết thân với các bạn khác lớp nên mù tịt về những chuyện bên lề lớp học - chưa biết gì về một người thầy không chỉ dạy môn quốc văn mà còn làm mình sẽ phải nhớ trọn đời.

Ủa! Thầy Thiện là ai vậy? Sao mình chưa hề nghe qua?

Thắc mắc ấy kéo dài không bao lâu, bởi vì ngay sáng hôm sau chúng tôi được học môn Quốc Văn của Thầy, chúng tôi sẽ “diện kiến” một vị thầy “lần đâu tiên gặp gỡ” chắc sẽ gây nhiều ấn tượng cho những cậu bé lóc nhóc đang chuẩn bị bước vào lứa tuổi thanh niên.

Thế rồi, buổi sáng hôm ấy, học sinh đệ tứ 5 vừa bước vào lớp học thì thầy xuất hiện. Lập tức. Đúng giờ. Và dưới mắt tôi: một chàng thanh niên khoảng 25, 26 tuổi, vóc khá to con, tràn trề sinh lực, trông bề ngoài có vẻ “lấc cấc”, hơi nhà quê, có vẻ bất cần, đang lướt vào phòng học rất nhanh, vừa quăng cuốn tập lên bàn, (cuốn tập này thường nhét ở túi sau quần) vừa thong thả nói:

- Lấy vở ra. Chép!

Tụi tôi chưa hết ngỡ ngàng. Ông Thầy gì mà lạ lùng thế. Đầu năm học mà thầy chẳng chịu làm quen với học trò chi cả, vào lớp không lấy sổ ra điểm danh, không dò xem bản đồ lớp… mà thầy cô giáo nào cũng thường thực hiện. Chúng tôi lật đật lôi cuốn vở mới toanh ra, bỡ ngỡ nhìn thầy, chờ đợi:

- Giăng Pôn Xác đã nói: Từ bóng tối, chúng ta bị ném vào đời. Cuộc đời ở đó, và như vậy! Viết....

Bọn trẻ tụi tôi nhao nhao (vì hồi nào tới giờ có lúc nào nghe ai nhắc tới cái tên của một ông Tây lạ hoắc lạ hươ như ri thì - đố ai mà biết!):

- Thưa thầy. Chữ Giăng Pôn Xác phải viết như thế nào?

Thầy vẫn bình thản, không buồn nói phô một tiếng ừ hử nào. Chầm chậmlặng lẽ lấy cục phấn và ghi nguệch ngoạc lên bảng mấy chữ đủ để học sinh đọc được:

- Jean Paul Sartre. Nhà văn Pháp.

Xong rồi, thầy ứng khẩu đọc tiếp từng tràng dài:

- “Tuy Jean Paul Sarte phát biểu như vậy, nhưng tại sao một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ lại bảo rằng: Con người chúng ta phải lấy chí nam nhi làm mục tiêu cho cuộc sống?”.

- Xuống hàng. Viết tiếp…

Cứ rứa, bọn học trò lại cắm cúi chép bài. Vì đây là bài giảng văn mẫu, nên thỉnh thoảng, thầy đang đọc bỗng ngừng lại một chốc để thuật những giai thoại, kể những điển tích cần thiết, hoặc giải thích những chữ khó.

Lúc ấy, tuy không cần phải chú tâm lắm, tôi vẫn nhận ra rằng, giọng nói của thầy tuy không được xuất sắc, hay ho như các ca sỹ chuyên nghiệp nhưng rất truyền cảm. Nhất là khi thầy thuật lại đoạn đời nghèo túng của Nguyễn Công Trứ - vẫn an nhiên sống trong cảnh thanh bần mà vẫn giữ vững chí khí nam nhi, đợi ngày “vua biết mặt, chúng nghe danh”, và sau đó có thể làm lợi ích cho dân chúng, xã tắc. Khi ấy, giọng thầy trầm ấm, dịu dàng. Cũng có khi thầy thuật lại thời gian Nguyễn Công Trứ bị biếm, bị đày ải, tiểu nhân đố kỵ ganh ghét “phải làm lính ở Thừa Thiên phủ”, thì giọng của thầy nghe căm hờn, cuồng nộ… như chính mình đang bị kẻ gian hãm hại mà không biết cầu cứu đến ai, tỏ bày với ai.

          * * *

ÁM ẢNH VÔ THƯỜNG?

          * * *

Đó, đó là buổi gặp nhau đầu tiên của thầy trò chúng tôi.

Không có lời tự giới thiệu đại khái như là “Tôi tên là XYZ, phụ trách môn quốc văn của lớp này. Các anh em lấy vở ra chép bài Giảng Văn Mẫu sau đây… ”. Không có tiếng chào hỏi, thăm nom, cười reo gì cả. Và suốt một niên khóa, thầy không bao giờ thân cận, gần gũi với học sinh cũng không có nốt. Đối với thầy, đứa nào cũng như đứa nào, không thiên vị mà cũng không ghét bỏ. Có lẽ, công việc của thầy là tới lớp chỉ để dạy học, nghiêm túc, đúng giờ quy định và dạy hết lòng. Rồi thôi.

Thật đúng như vậy, trong suốt một năm học của thầy Hoàng Xuân Thiện, bọn học sinh chúng tôi rất ít khi được vang lên tiếng cười reo thỏa thích hoặc giỡn cợt vài ba bốn bận, để bớt căng thẳng trong việc học tập. Không biết các anh em khác thì suy nghĩ thế nào, chứ riêng cá nhân tôi lại thấy rất thích thú khi được học giờ này, môn học này – đến nỗi khi một hồi trống đánh báo hiệu hết giờ học, nhưng chúng tôi vẫn chịu khó tiếp tục lắng nghe lời thầy giảng, không nôn nóng ra khỏi lớp đến nỗi la ó hò hét lung tung.

Có những lúc trầm tư, mặc dù xung quanh là bọn học sinh nhí nhố, thầy bỗng cảm nhận một điều gì đó và thầy thốt lên như một ám ảnh khôn nguôi:

- Phi lý! Phi lý! Mới năm phút trước hắn còn sống, nhưng bây giờ hắn chết rồi!”.

Bây giờ, người đàn ông “tra rụi” trong tôi có thể hiểu được tại sao 50 năm trước thầy đã nói như vậy. Thật ra, đó chỉ là cảm thán của con người trước những biến động vô thường. Từ cảm nhận ấy, nhân loại sẽ có thể bước vào hành trình tâm linh. Chúng ta vẫn ăn, vẫn thở, vẫn nói cười, vẫn quay lăn theo cuộc sống bình thường, nhưng những biến động xã hội đã cho thấy bản chất vô thường của mọi sự vật. (mà xã hội nào lại không biến động?).

Ngài Vivekananda, nhà đạo học Ấn Độ đã nói:

Nhân loại bất kỳ chủng tộc nào, bất kỳ màu da nào, đều có 3 bổn phận:

Thứ nhất: Làm việc để sống còn, để tồn tại trên mặt đất. Ấy là bổn phận đối với cá nhân.

Thứ hai: Truyền sinh, tức là gây dựng và phát triển nòi giống cho đời sau. Ấy là bổn phận đối với xã hội.

Thứ ba: Giải quyết các câu hỏi như: Tôi là ai? Làm sao để giải thoát? Vũ trụ này rồi sẽ đi về đâu? Tương quan giữa tôi và ngoại giới là gì? Tâm là cái chi?…vv… Ấy là bổn phận tâm linh.

bước đầu để thực hiện tâm linh là phải thấy rõ bản chất vô thường của cuộc sống.

Lập lại câu nói của thầy Hoàng Xuân Thiện mà các anh em học sinh thời ấy đã từng nghe qua nhiều lần: “Phi lý! Phi lý! Mới năm phút trước hắn còn sống, nhưng bây giờ hắn chết rồi!” Qua đó, chúng ta biết thầy đang rung động một sự thật của nhân sinh: Vạn vật đều vô thường. Thầy đang tập tễnh đi trên lộ trình tâm linh. Chỉ có vậy thôi.

Lời cảm thán của thầy về Vô Thường ấy, đương nhiên là bọn học sinh ăn chưa no lo chưa tới, tâm hồn còn chua lét chua lè, thì làm sao thông cảm hoặc hiểu thấu? Mà thầy cũng không cần ai hiểu, hiểu để làm chi? Nhưng thầy cứ nói, và cần phải nói ra. Ai cũng phải nói ra. Thế thôi!

* * *

LÝ LỊCH, HÀNH TRẠNG CỦA MỘT ÔNG THẦY

 * * *

Theo học với một vị thầy suốt một năm, không lẽ nào không biết gì về thầy mình cả? Bọn học sinh khá điệu nghệ trong việc âm thầm điều tra lý lịch và cả những vụn vặt riêng tư của thầy. Tụi tôi thừa dịp giờ ra chơi, tụm năm tụm ba bàn tán, kể lể hoặc thêm mắm thêm muối (cho vừa miệng?).

Nghe nói rằng, Thầy Thiện nhà rất nghèo, không hề bắt điện, đến nỗi nhà cửa luôn luôn tối thui, gia đình lại không có tiền mua dầu đèn. Tối nào cũng vậy, lúc còn đi học trung học và cả đại học nữa, thầy phải thức thật khuya để ra trước cột đèn đằng trước lề đường mà học. Thầy thi đậu tú tài và sau đó thi đỗ vào Sư Phạm là nhờ ánh sáng cây cột đèn điện ấy. Nói theo kiểu bây giờ thì thầy là người chuyên sử dụng “điện chùa công khai” quanh năm. Nhà thầy làm nghề may vá áo quần, cho nên hễ gần đến Tết là thầy phải “tự động” nghỉ học để phụ giúp gia đình trong việc may vá. Đại khái là đơm khuy nút, cắt chỉ, ủi áo quần thẳng thớm trước khi giao cho khách. Thầy đọc sách ghê lắm, bằng tiếng Pháp, bữa ni lại còn nghiên cứu kinh Phật nữa! Nghe nói thầy đang nghiền ngẫm kinh Kim Cang hay Hoa Nghiêm… gì đó.

Chuyện về thầy theo lời các bạn, kể toàn là những sự kiện “đầu cua tai nheo” như vậy cả, chẳng qua là những chuyện thuộc loại ngồi lê đôi mách chứ chẳng làm tôi tăng tiến trên con đường học tập, hoặc giúp mình có được những hiểu biết đúng đắn về một người mà mình yêu quý. Nhưng, như thầy thường nói đùa: “Đời, c’est la vie – Tình c’est l’amour”, thói đời là thế. Không sao! Người ta quá rảnh rỗi nên thích nói chuyện tào lao, như rứa để mau qua kiếp trăm năm chứ chi nữa!

           * * *

Hồi đó, buổi học cuối cùng của niên khóa 1959 - 1963, tôi được nói chuyện riêng cùng thầy. Sau mấy phút trò chuyện vu vơ, tôi thắc mắc:

- Con nghĩ rằng, thầy chủ trương theo thuyết hiện sinh của Sartre và Phi Lý của Camus chứ!

Thầy lại cười:

- Hừm. Tui hết mê tụi Tây rồi. Mấy thằng cha tổ sư triết Tây thì luôn luôn cạn cợt, bế tắc, chẳng mần nên trò trống gì! Thua xa ông Phật cả thôi! Tui đang đọc và học kinh Phật!

Tôi vẫn giữ thói tò mò:

- Rứa ông Phật có thể trả lời cho mình những vấn đề lớn của nhân loại hay sao?

Thầy nhếch môi:

- Hừm. Theo tui, thì Ông Phật không có trả lời gì cả. Giáo lý của Ông Phật chỉ gợi ý cho ta đến chân trời khác và đặt ra cho ta những câu hỏi lớn lao.

Tôi hết sức ngạc nhiên:

- Tại sao lại câu hỏi? Trong khi cả thế giới ai cũng mong muốn tìm nơi ông Phật những câu trả lời thì Ngài lại cho những câu hỏi? Tại răng rứa, thầy?

Thầy ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Những bậc thầy tầm thường thì luôn luôn cho những câu trả lời, rồi dạy chúng ta cứ y như rứa mà mần theo. Còn những Bậc Thầy như Ông Phật thì sẽ ban cho chúng ta những câu hỏi. Bậc càng vĩ đại càng ban cho những câu hỏi lớn lao hơn nữa. Cụ mi hãy nhớ rằng. Vấn đề cuộc sống là câu hỏi chứ không phải câu trả lời.

- Răng rứa?

Bỗng khi ấy, tiếng trống định mệnh lại vang lên. Ai đánh trống mà hiểm độc cay nghiệt quá! Thầy trò tụi tui đang đàm luận gay cấn ly kỳ như rứa, mà kẻ nào lại đành đoạn nện mấy dùi trống dửng dưng báo hiệu tan hàng!

Thầy nhún vai, cười tủm tỉm như chế nhạo đứa học trò ngô nghê, ngốc nghếch, đang tọc mạch chuyện triết lý trên trời dưới đất của người lớn. Và cuối cùng thầy còn buông thõng một câu xanh dờn:

- Nì! Phải là kẻ vô cùng can đảm, kiệt xuất mới có thể sống với Câu Hỏi, nghe cụ mi!

Và thầy tửng tửng bước ra khỏi lớp học, lặng lẽ như khi vào. Bỏ lại đứa học trò đang chưng hửng giữa những câu hỏi trần trụi mà bí hiểm khôn cùng của chính mình.

Như rứa, thầy vẫn treo câu hỏi lơ lửng suốt cuộc đời tôi. Cho đến tận bây giờ!

          * * *

CHỈ LÀ NHỮNG CÂU HỎI…

          * * *

Rứa là hết. Tôi không còn được dịp nghe thầy nói. Tôi không còn có cơ hội thỉnh giáo thầy thêm vài vấn đề nữa cho hết thòm thèm. Một đôi khi, tôi tự trách chính mình. Tại sao hồi đó mình không đủ liều lĩnh đến nhà thầy để học hỏi cho tường tận về những gì thầy vừa nói? Tại sao mình nhát gan quá như vậy?

Rồi tôi thi đỗ Trung học, rồi lên trường Quốc Học. Những ám ảnh về “câu hỏi” vẫn đọng lại trong tâm hồn còn non nớt của tôi.

Khoảng chừng một năm sau, lúc chúng tôi bắt đầu theo học lớp Đệ Tam Quốc Học thì nhận tin thầy tử nạn trên chiến trường. Chúng tôi bàng hoàng. Gọi nhau ghé thăm linh cửu thầy và đi điếu – tất cả đúng đạo nghĩa Thầy Trò. Rồi ngày di quan, chúng tôi tiễn thầy về huyệt mộ rồi bồi hồi ném ba nắm đất. Số phận cho một con người.

Nhưng trong tôi, thầy vẫn sống vì Câu Hỏi vẫn còn đây. Câu Hỏi không bao giờ chết, và thời gian thì dàn trải tận Vô Cùng. Ai chấp nhận hay không thì nó vẫn thế. Trời vẫn xanh và hạt mầm vẫn ngoi lên mặt đất, rồi vẫn ló ra chào đón ánh triêu dương.

Rồi tôi ra khỏi Quốc Học và dấn thân vào cuộc chơi không bao giờ kết thúc.

Vô số vấn đề xảy ra cho một người thanh niên trước những ngã ba ngã bốn cuộc sống, ngã năm ngã sáu ngã bảy của lòng mình. Tôi đi từ câu hỏi này đến câu hỏi khác. Thầm tiếc rằng, không có thầy để chia xẻ, cho “điêu linh đi về lữ thứ”, hoặc để tâm tình một thuở cho “ướt mộng hoàng hoa”.

Tôi đi tìm danh lợi như bài vở nhà trường đã dạy kỹ. Vốn là thằng nhóc trót sinh ra không phải để học tập trên ghế nhà trường như các bạn học sinh nhưng tôi sợ ăn điểm zé-rô nên cố công thức đêm thức khuya nhồi nhét để thuộc bài – và tôi ra sức tìm kiếm công danh. Rốt cuộc, công danh chỉ dành cho một số ít người may mắn thấy được câu trả lời như là: “Khao khát quyền lực là chìa khóa thành công”. Mà tôi lại sợ quyền lực như con nít sợ ma!

Tôi đi tìm tình yêu nơi các cô thiếu nữ mỹ miều như gái Kim Luông, Nha Mân, và tôi đã gặp đủ loại phụ nữ. Và than ôi, các giai nhân trong mộng đã cho tôi những câu trả lời nghiệt ngã nhất: Tôi đã “sướng rên mé đìu hiu”, và cũng đã đau khổ vô biên vô hậu.

Nhưng, hầu hết mọi người đều cho là: Đấy là câu trả lời duy nhất của bọn đàn ông thành đạt và… hơi đần đần tí chút. Đàn bà chỉ đòi hỏi, chứ không hề cho chúng ta những câu hỏi.

Tôi đi tìm rượu, chỉ thấy những cơn say ngút ngàn không lối thoát cho kẻ dật dờ bên bãi hèm dơ bẩn với đống vỏ chai ngồn ngộn, vô tri. Dân nhậu không bao giờ bận rộn tới cái việc câu hỏi và câu trả lời, mà chỉ quan tâm chiều ni uống với ai? Uống bao nhiêu chai là vừa xỉn? Xỉn rồi ngủ mê mệt, và… ngày mai lại cù cưa lắc lư con tàu đi. Nhậu tiếp. Cứ thế…

Còn câu hỏi của thầy Hoàng Xuân Thiện, của ông Phật thì ít có ai bận tâm tới, dù là một phần ngàn giây đồng hồ.

          Người tìm kiếm chỉ sống với Câu Hỏi.

          Thầy vẫn còn mãi. Mãi mãi. Vì tâm linh không bao giờ hư hoại hoặc là chết đi. Tôi cả quyết rằng. tôi dám sống cùng và sống với câu hỏi của Thầy.

          Khóc thương Thầy, có nghĩa là tôi đang bắt đầu một cuộc chơi với hình ảnh là một ánh tinh cầu xa thẳm, ngời chói, lung linh ở trên cao và trước mắt: Đó là Thầy Hoàng Xuân Thiện!

          * * *

 GIÔNG - BÃO - KIẾM - TÌM

          *  * *

QUẢ THẬT, gần nửa cuộc đời tôi hoàn toàn dành cho tìm kiếm. Mà tìm kiếm cái chi? Có chi mô mà tìm kiếm mất công?

          Anh Thành, một người bạn thân lâu ngày gặp lại, sau khi mừng mừng tủi tủi ôm nhau suýt rơi nước mắt. Anh ta chân thành hỏi:

          - Đã hơn mấy mươi năm ni, nghe ông tu hành ghê lắm, như vậy đến nay đã gặt hái chút ít an lạc mô không?

          Đó là câu hỏi “khủng khiếp” nhất mà tôi thường gặp mặc dù mình cố tránh né đi nữa. Bởi vì biết tôi có tập tễnh tu hành và lăng quăng bước theo con đường đức Phật, cho nên gặp ai cũng hỏi chừng ấy câu hỏi.     

Tôi trầm ngâm một lát. Không biết trả lời ra sao. Anh Thành sốt ruột, bảo:

          - Có chi thì ông cứ nói. Tụi mình thân thiết ra răng thì ông đã hiểu. tại vì răng khiến ông do dự như rứa?

          - Nếu tui nói rằng không có an lạc chi cả thì ông chẳng vui. Chưa kể ông sẽ thất vọng về đạo Phật, rằng thằng bạn của mình theo ông Phật lâu như rứa mà chẳng được cái chi cả. Nếu nói rằng, tui tu hành đã có an lạc vì đã chứng cái ni cái nọ, thì thành ra tui nói dối!

          Anh Thành ngẩn ngơ một lúc rồi buông thõng:

          - Khó khăn quá hè!     

          Tôi thay áo quần, bảo:

          - Anh rảnh không? Chúng ta cùng đi chơi cho trọn buổi sáng.

          - Mà đi mô?

          - Đi tìm câu trả lời cho ông! Đến nhà Ông Thầy của tui! Tui trả lời cho anh cũng đặng, nhưng tui có Thầy thì cứ để cho Ông Thầy trả lời – như vậy e là hay hơn. Luôn tiện rong chơi buổi sáng cho vui!

          - Ông Thầy là người mô rứa, răng lâu ni tui không anh nói tới?

          - Gọi là ông thầy bởi vì… ông là vị Thầy hướng dẫn của tui trên đường vào đạo Phật. Ông năm ni khoảng trên bảy chục,  hơn tui gần năm sáu tuổi, quen nhau gần năm mươi năm, nên tui thường gọi là Anh cho thân mật. Anh Thành, anh sẽ từ từ tìm hiểu mọi chuyện.

          Hai người chúng tôi qua phía Nam Sông Hương phải băng qua cầu Trường Tiên khoảng mười lăm phút. Nhà Ông Thầy ở tận trong lối xóm, khu vườn đủ loại cây ăn quả mọc tùm lum tự nhiên chẳng khác khu rừng rậm, vì chủ nhân không bao giờ ngắt cành tỉa luống bởi vì sợ cây đau! Chim chóc tha hồ nhảy xuống đất kiếm ăn mà không sợ bị bẫy hoặc mất mạng.

Căn nhà rường cổ xưa e chừng mấy trăm năm vẫn còn nguyên vẹn như thuở tổ tiên xây dựng nên và chẳng có ai tu bổ hay nâng cấp. Trời nắng nên Ông Thầy mặc áo bà ba đọc sách bên hiên, bên cạnh là cái khay trà độc nhất một ấm một chén.

Tôi chào:

- A di đà Phật!

Ông Thầy buông sách, gỡ kính lão nhìn ra và hoan hỷ chào khách:

- A di đà Phật! Mời các anh vào chơi!

Chúng tôi bày thêm mấy chiếc ghế, mấy cái tách và cùng ngồi bên hiên dưới ánh nắng xiên xiên đang rọi vào cảnh quan “lâm viên” đầy thơ mộng và gần gũi. Hình như có mùi nhà quê đang lan tỏa nhè nhẹ và thấm đượm vào tâm hồn mọi người.

* * *

MỘT CÂU HỎI THưỜNG GẶP

* * *

Sau vài tuần trà, qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu, tôi nói:

- Đây là anh Thành, một người bạn, hỏi rằng: “Nghe ông tu hành lâu ni, đến nay đã gặt hái chút ít an lạc mô không?” Em không biết trả lời ra sao? Ông Thầy có ý kiến chi không? Dù sao, đó vẫn là câu hỏi mà đôi khi khiến mình ray rứt, loay hoay…

Ông Thầy cười xòa:

- Chuyện tu hành… thiệt ra, rất khó giãi bày. Ai tu nấy biết. Bây giờ các bậc Chân Sư không xuất hiện, cho nên những người như bọn chúng tôi thì phải học lóm qua các kinh sách còn lưu giữ được. May mắn cho chúng tôi là: Nhờ ơn tam bảo hộ trì và dẫn dắt, nhờ nhân duyên nhiều đời kiếp – mà chúng tôi đã gặp được Đạo Phật Chân Chánh, mình còn có một bổn phận là hành trì như các đạo hữu ngày xưa.

À, còn câu hỏi: “Tu hành đã mấy năm, đến nay đã gặt hái chút ít an lạc mô không?” Thì không khó trả lời. Nhiều người đã hỏi tôi như vậy. Tôi chỉ nói đơn giảnTrồng một cây bông vạn thọ thì chỉ cần ba tháng. Trồng một cây ổi mất một năm. Trồng cây nhãn phải mất mười năm. Còn nếu chúng ta muốn trồng cây “Thành Phật” thì phải trải qua vô số kiếp mới thành tựu. Phải rứa chăng? Còn cái chuyện “Đốn Ngộ” vẫn là chuyện hiếm có, “ngàn năm một thuở”, dù là thời xa xưa đi nữa, huống hồ trong thời đại ngày nay!.

Anh Thành vừa nghe vừa gật gù ra vẻ tâm đắc. Chỉ cầm tách trà nhắp nhắp chầm chậm, không có nói năng chi. Ông Thầy vốn rất ít nói, nhưng hôm nay chắc có nhân duyên đặc biệt với anh Thành mà tràn đầy cảm hứng, nói tiếp:

- Tu hành theo đạo Phật giống y như chơi trò chơi lớn. Thật vậy. Trò chơi danh lợi, quyền lực, vợ con… chỉ là trò chơi nhỏ, rất nhỏ, mà mình đã phải trả giá không biết bao nhiêu đau thương, nhiều người còn mất tánh mạng. Huống hồ dám tham gia trò chơi lớn - trò chơi thành Phật - thì cũng phải chấp nhận mọi khó khăn, bất trắc – có thể bị u đầu sứt trán là chuyện bình thường. Anh hãy thông cảm cho những người trót sống theo Tam Bảo một cách quyết liệt.

* * *

BỒ-TÁT LÀ LÀM VIỆC KHÔNG NGHỈ

* * *

Ông Thầy vẫn say sưa:

- Tôi đang đọc cuốn “Hám Sơn đại sư niên phổ”, tức là Tự Truyện của Ngài Hám Sơn, cao tăng đời Minh mạt. Đây là một  trích đoạn nói về thời trẻ của ngài Hám Sơn. Tôi xin kể để các anh nghe cho vui, vì có liên quan với câu hỏi mà chúng ta đang bàn.

Được bà mẹ thuần tín đối với Tam Bảo, đưa vào chùa từ khi lên tám tuổi, nhưng ngài Hám Sơn tuy còn bé rứa mà bẩm tánh cực kỳ thông minh. Học là hiểu ngay, ngoài kinh điển Phật giáo, ngài còn thông thạo Tứ Thư, Ngũ Kinh và tất cả kinh sách đạo Nho, có người đề nghị ngài nên thi tiến sỹ và chắc chắn sẽ đỗ trạng nguyên. Mười chín tuổi mà ngài chưa chịu thọ giới Tỳ-kheo bởi vì còn phân vân giữa việc trở nên ông quan lớn hoặc là trở thành vị tu sĩ lý tưởng của nhà Phật.

Ngài thắc mắc:

- Nếu thi đậu trạng nguyên thì tôi sẽ làm gì nữa?

Một người trong chúng tăng trả lời:

- Đỗ trạng nguyên xong sẽ được làm quan đứng đầu triều đình.

- Rồi sẽ làm gì nữa?

- Rồi lên làm ông quan lớn nhất to nhất, quan cực đỉnh, đó là Tể Tướng, nghĩa là ngồi dưới một người mà trên muôn vạn người.

- Rồi còn chi nữa?

- Rồi về hưu trí. Không có còn việc để làm. Hưởng thụ thành quả của một đời làm quan của mình!

Bây giờ ngài mới hỏi vặn:

- Vậy có công việc nào mà làm hoài không bao giờ có chuyện về hưu không nhỉ?

- Chỉ có Bồ-tát là làm hoài làm mãi mà không bao giờ hết việc. Bao giờ chúng sanh còn đau khổ thì Bồ-tát vẫn cứu độ chúng sanh không có mệt mỏi, chán nản. Chỉ có con đường hành Bồ-tát đạo mà thôi, mới không có điểm dừng, không có điểm kết thúc!

Ngài Hám Sơn sung sướng quá:

- Như vậy, tôi sẽ chọn con đường này!

Chúng tăng vô cùng hoan hỷ, cất tiếng hoan hô. Từ đó, ngài bắt đầu chấp nhận thọ giới, tham vấn các bậc tôn túc khắp nơi, chấn chỉnh giáo hội, dạy dỗ lớp hậu sinh… về sau trở thành một vị cao tăng. Nhục thân của ngài còn lưu giữ tại chùa Nam Hoa, Quảng Đông. Khi nào du lịch Quảng Đông, chúng ta nhớ viếng chùa Nam Hoa từng lưu lại hai tấm nhục thân của ngài Huệ Năng và Hám Sơn.

Xong chuyện, Ông Thầy nhắp tách trà, rồi nói:

- Trở lại chuyện của bọn tôi. Tuy rất mê Thiền, đã từng theo học đạo Thiền rất kỹ bằng chữ Nho và cả Anh ngữ, Pháp ngữ. Mấy chục năm ni, chúng tôi còn học tiếng Bắc Phạn, để việc tu và học trở nên rộng rãi hơn. Nhưng con đường Thiền quá khó khăn cho chúng tôi, chỉ vì đòi hỏi Lý Tính cao độ. Sau cùng, chúng tôi đành chọn Tịnh độ. Vì răng rứa? Tịnh độ cũng là thiền định nhưng phát triển bằng niềm tin. Vậy thôi!

Luận Đại trí độ dạy rằng :

- “Phật pháp đại hải, duy tín khả nhập”.

Nghĩa là “Phật pháp rộng lớn mênh mông như biển cả, duy chỉ có lòng tin là có thể thâm nhập.”

Chỉ cần niềm tin thôi!

          * * *

DUY TÍN NĂNG NHẬP

          * * *

Chúng tôi ngồi yên lặng. Nhắp tách trà từng chút một. Lắng nghe tiếng chó sủa xa xa. Tiếng gió lay bụi chuối cạnh hiên nhà. Âm thanh nào đang kêu gọi mình?

Ông Thầy đi lấy phích nước sôi chế vào bình trà. Xong, Ông Thầy nói:

          - Tôi kể cho các anh nghe câu chuyện này. Chuyện bên Tây.

Bữa nọ, thánh Augustin tản bộ bên bờ biển, ngài suy tư về những sáng tạo vĩ đại của Thượng đếtìm cách thấu hiểu những ý nghĩa bí mật sâu xa của Đấng Thiêng Liêng, nhưng không sao có thể xuyên phá những ưu tư thắc mắc của mình, cho nên càng tư duy, càng nỗ lực tìm kiếm thì ngài càng bế tắc, nan giải, bởi vì trí tuệ của Thượng đế thật vô cùng thẳm sâu, không thể nghĩ bàn, phàm phu làm sao thấu đạt nổi ?

Bỗng nhiên, ngay khi ấy, ngài chợt trông thấy một em bé đang nô đùa cạnh bờ biển, dường như em đang đào một cái lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài tò mò dụng tâm theo dõi em bé đang chơi trò gì.

Đào lỗ xong, em cầm cái gáo nhỏ chạy ra biển múc chút nước biển, rồi lăng quăng trở lại đổ nước biển vào cái lỗ nhỏ ấy. Cứ thế, em cứ chạy vào chạy ra mãi như thế chỉ để làm một công việc : múc nước biển đổ vào cái lỗ. Quá sức hiếu kỳ không thể cưỡng lại được, ngài hỏi :      

- Em bé kia, em đang làm gì thế hở em ?

Chú bé chẳng quay đầu lại và cũng không buồn trả lời và cũng không ngạc nhiên chi cả, cứ bình thản làm việc tiếp tục. Thánh Augustin gặng hỏi rất nhiều lần, cuối cùng em mới hé môi :

- Con muốn lấy tất cả nước biển để lấp đầy cái lỗ này!

Thánh Augustin vô cùng kinh dị:

- Ha ha, làm sao tát cạn biển để đổ đầy cái lỗ tí tẹo này chứ? Ta thấy công việc này dường như là tào lao tầm bậy làm sao ấy, hoài công vô ích mà không bao giờ mang lại kết quả nào. Bởi vì chúng ta không thể thực hiện nổi loại công việc như vậy!

Em bé đăm đăm đôi mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt ngớ ngẩn của Augustin, hỏi ngược lại rằng:

- Công việc của con thì chẳng có gì khác biệt với công việc của ông đâu ?                                      

Nếu con không thể lấy nước biển để lấp đầy cái lỗ nhỏ xíu xiu này, thì ông làm sao có thể dùng cái trí nhỏ nhoi của mình để thấu triệt biển trí tuệ của Thượng đế nổi? Tất cả đều vô íchngu xuẩn làm sao!

Thánh Augustin lập tức tỉnh ngộ. Ngài chợt nhận ra rằng, con người không bao giờ có thể hiểu thấu cảnh giới thánh trí của Đấng Thiêng Liêng được.    

Duy chỉ có đức tin là có thể khai mở cánh cửa trí tuệtri thức phàm phu không làm sao có thể bước vào. Ngài nhắm mắt lại giây lát, và âm thầm cảm ơn lời khai thị vô tình của chú bé kia. Đến khi mở mắt, ngài bất ngờ phát giác ra rằng, té ra chỉ có mình ngài đơn độc đứng giữa bãi biển với trời xanh mây trắng, xung quanh chẳng có ai cả. Chú bé kia dường như đã lặng lẽ biến mất tự hồi nào.

Như vậy, chúng ta nên nhắm đôi mắt lý luận quanh co lại, và quỳ gối xuống cầu nguyện như là một cách thu nhỏ bản ngã, rồi sẵn sàng mở con mắt đức tin ra mà nhìn thẳng vào chân lý thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận cảnh vực của chân lý một cách dễ dàng hơn. Phải thế chăng ?

Duy tín năng nhập!

* * *

Tự TRI LÀ BưỚC ĐẦU CỦA ĐẠO GIẢI THOÁT   

 * * *

Ngài Krishnamurti trong cuốn “The first and last freedom” có dạy như sau: Tự tri là bước đầu của trí tuệ, đạo giải thoát!

          Vì vậy, trên con đường hành trì, trước tiên, chúng tôi phải biết rõ chính mình. Khó lắm. Vô cùng khó để biết chính mình. Thường thì con người dễ bị cái Ngã Chấp che khuất nên người ta có thể nhìn thông suốt cả vũ trụ nhưng biết rõ chính mình – thì không có mấy ai.

          Sau nhiều năm tháng quán sát bản thân, chúng tôi tự hiểu mình sanh ra không thể sống với lý tính được, mà chỉ để sống với niềm tin.

          Pascal, một nhà toán học và vật lý học người Pháp, cuối cùng cũng phải tuyên bố:

“Tất cả đều bế tắc hoàn toàn. Giờ đây, tôi chỉ còn phải giải quyết cuộc sống của tôi bằng Đức Tin!”

Khi người ta hỏi làm thế nào để có được Đức Tin thì ông nói:

-"Dễ dàng lắm, muốn có Đức Tin ư? Bạn chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản: đó là quỳ xuống!

          Quỳ xuống!

Điều này có vẻ như đơn giản, nhưng không đơn giản chút nào.

          Quỳ xuống, nghĩa là chối bỏ cái thói kiêu căng, hợm hĩnh, ngạo nghễ, đã từng giam nhốt chúng ta tự muôn triệu kiếp dài, để đón nhận những năng lực siêu hình, vĩ đại, toàn năng, toàn giác, bất khả tri của chư Phật, Bồ-tát.

Nhờ sức gia hộ của Tam Bảo, mà chúng tôi được năng lực siêu hình của đức Phật, tôn pháp và hiền thánh tăng dẫn đường chỉ lối. Rốt cuộc, nhân duyên lần lượt đưa đến pháp môn thích hợp. Đó là Tịnh Độ, niệm Phật Nam mô A di đà Phật, là con đường của niềm tin – mặc dù cũng đầy tràn chông gai chứ không phải là “đường rải nhựa nóng, trơn tru dễ đi”. Được Tam Bảo gia trìche chở, chúng tôi sẽ đi tới cái đích gần nhất: Đó là vãng sanh tịnh độ.

          Con người minh triết không bao giờ ngủ yên, nói cho dễ nghe một chút, là không bao giờ được ngủ yên. Chúng tôi sẽ gặp các câu hỏi khác, dưới một hình thức khác. Người ta lầm tưởng rằng, kẻ sống với niềm tin là kẻ ăn ngon ngủ yên dưới bóng râm êm ả của Tam Bảo. Không. Càng tu, lục căn trở nên linh hoạt vô cùng và riêng cái “ý thức” càng trở nên tinh vi, nhạy bén hơn lúc nào hết. Thế nên, “ý thức” càng tung hoành dữ dội hơn, căng thẳng hơn, gây rối cho bản thân kẻ hành trì. Cái Tâm của mình không bao giờ chịu ngủ yên, trừ phi chứng đắc quả vị A-la-hán.

          Anh Thành nhăn mặt:

          - Như rứa thì càng tu càng “rối tung rối mù lên” hay sao?

          Ông Thầy cười xòa:

- Không phải! Cái Tâm của mình luôn luôn nghịch lý, nghĩa là không thể diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường được mô! Chúng ta vẫn bị quấy rầy nhưng vẫn được an lạc như thường. Vì răng rứa?

Dẫu trụ vững trong phước lạc của sự tu hành, nhưng Cái Tâm mãi mãi đặt ra những câu hỏi, vì bản chất của Tâm là “sống động” chứ không phải tĩnh chỉ. Là “soi chiếu” “quang rạng” chứ không thể đứng yên, im lìm bất động như xác chết!

Cho nên, người hành trì một pháp của đức Phật càng cao thâm, càng kiên cường, thì vẫn sẽ gặp những câu hỏi, càng lúc càng xuất hiện nhiều câu hỏi mới lạ hơn, kỳ đặc hơn! Đến khi nào bước vào giai đoạn “Vô học”, thì… tui không biết, cho nên không dám nói chi cả nữa.

* * *

CÂU TRẢ LỜI VỐN ĐÃ CÓ SẴN TRONG CÂU HỎI!

* * *

Ông Thầy trở nên nghiêm túc, nói:

- Sở học của tui giúp tui nói được chừng này thôi. Các anh muốn tìm hiểu thêm, xin hãy tham vấn các bậc thiện tri thức khác.

Thiệt ra, đây là “giả vấn đề” tức là vấn đề không có thật, nói lên sự bất lực của trí năng. Nhưng, “cái không thật ấy” rứa mà vẫn tác động đến cuộc sống và Cái Tâm của mình – vẫn làm cho mình phải chìm đắmđiên đảo tưởng – một trong bốn thứ tưởng (ngã tưởng, nhân tưởng, thọ giả tưởng và điên đảo tưởng).

Muốn ra khỏi điên đảo tưởng, thì rất đơn giản: Chỉ cần hành trì miên mật, chí thành, một pháp của đức Phật dạy. Chấm hết!

Mới đây, tôi đọc được bài viết của đại sư Suzuki trên trang mạng THư VIỆN HOA SEN, nhan đề là “Câu trả lời vốn đã có sẵn trong câu hỏi!” do dịch giả Hoang Phong, Nguyễn Đức Tiếnchuyển ngữ.

Vì theo đại sư Suzuki:

Đủ sức nêu lên một câu hỏi tức có nghĩa là câu trả lời đã có sẵn trong ta, nếu không thì chẳng có một câu hỏi nào có thể thốt lên được”.

cuối cùng, bằng đức tin kiên cố mà:

“Chúng ta không bao giờ có thể tự cứu lấy mình được nếu chúng ta chưa cứu được mình một cách toàn vẹn như là một nhất thể, không phải một nhất thể mang tính cách cá nhân hạn hẹp mà tất cả các nhất thể cá nhân kết hợp lại thành một tổng thể; để rồi từ đó lòng từ bi đích thực sẽ hiển lộ”. Nam mô A di đà Phật… (1)

Chúng tôi cũng hoan hỷ chắp tay:

Nam mô A di đà Phật…

* * *

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật…

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1617)
06/02/2012(Xem: 28426)
22/06/2018(Xem: 12061)
28/08/2015(Xem: 7914)
16/09/2015(Xem: 14044)
17/07/2019(Xem: 8820)
04/01/2015(Xem: 10812)
02/01/2017(Xem: 6841)
25/01/2015(Xem: 9203)
17/09/2020(Xem: 6628)
11/02/2020(Xem: 7063)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.